Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai số 285/2021/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 285/2021/HC-PT NGÀY 09/12/2021 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

Ngày 09 tháng 12 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hành chính thụ lý số 534/2020/TLPT-HC ngày 05 tháng 11 năm 2020 về việc “Khiếu kiện các quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai” do có kháng cáo của người khởi kiện đối với Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2020/HC-ST ngày 03/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Y.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 9807/2021/QĐ-PT ngày 15 tháng 11 năm 2021, giữa:

1. Người khởi kiện: Bà Trịnh Thị V; địa chỉ: Tổ dân phố số 4, thị trấn P, huyện T, tỉnh Y; vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

2. Người bị kiện:

2.1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Y; địa chỉ: 1227 đường Yên N, phường Đồng T, Thành phố Y, tỉnh Y Người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện: Ông Nguyễn Thế P - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Y (Giấy ủy quyền số 02/GUQ-UBND ngày 11/01/2021); vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

2.2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh Y; địa chỉ: Thị trấn P, huyện T, tỉnh Y.

Người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện: Ông Nguyễn Đức M - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh Y. Theo Giấy ủy quyền số: 04/GUQ-UBND ngày 22-6-2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh Y; vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

2.3. Ủy ban nhân dân thị trấn P, huyện T, tỉnh Y.

Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Ngọc B - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn P; vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo người khởi kiện là bà Trịnh Thị V trình bày: Năm 1980, bà được bố mẹ cho 800m2 ruộng khai hoang theo Nghị quyết 06 của Đảng và Nhà nước. Gia đình bà sử dụng ổn định từ năm 1980 đến năm 1996 để trồng lúa nước trên bềnh nổi. Năm 1996, do vỡ đê cuốn trôi bềnh nổi nên không thể cấy được hai vụ lúa nước mà chỉ trồng được 01 vụ lúa. Năm 2008, gia đình bà đầu tư lưới và cọc tre vây xung quanh để thả cá, đồng thời cấy lúa ở ven. Năm 2011, do Nhà nước đổ đất xây dựng khu công nghiệp và cơ quan Nhà nước nên mảnh ruộng 800m2 bị ngập nước. Gia đình bà chuyển đổi sang trồng rau muống. Cuối năm 2016, có dự án làm đường và xây dựng quỹ đất hai bên đường nhưng gia đình bà không được thông báo về việc giải tỏa để làm hai dự án trên. Khi gia đình bà làm đơn gửi UBND thị trấn P thì Ủy ban nhân dân thị trấn P ban hành Công văn số 08/UBND ngày 28/02/2017 về việc trả lời đơn của công dân, trả lời là đất của gia đình bà khai phá nhưng bị bỏ hoang không sử dụng thường xuyên nên bị thu hồi theo Nghị định số 43/NĐ-CP của Chính phủ. Sau khi nhận được Công văn nêu trên gia đình bà không khiếu nại về nội dung Công văn số 08/UBND, mà tiếp tục làm đơn đề nghị Ủy ban nhân dân huyện T giải quyết bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho gia đình bà. Ngày 14-6-2018, Ủy ban nhân dân huyện T ban hành Công văn số 469/UBND-TNMT trả lời gia đình bà đề nghị bồi thường, hỗ trợ về đất trong đầm Sui là không có căn cứ để giải quyết. Không nhất trí với nội dung Công văn số 469/UBND-TNMT, gia đình bà tiếp tục khiếu nại để được giải quyết bồi thường. Ngày 10-12-2018, Chủ tịch UBND huyện T ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 4612/QĐ-UBND; nhưng nội dung giải quyết khiếu nại không thoả đáng nên gia đình bà đã làm đơn gửi UBND tỉnh Y để được giải quyết. Ngày 21-8-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Y ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 1568/QĐ-UBND giữ nguyên nội dung Quyết định số 4612/QĐ-UBND ngày 10-12-2018 của Chủ tịch UBND huyện T.

Công văn số 08/UBND ngày 28-02-2017 của Ủy ban nhân dân thị trấn P về việc trả lời đơn của công dân; Quyết định số 4612/QĐ-UBND ngày 10-12- 2018 của Chủ tịch UBND huyện T và Quyết định số 1568/QĐ-UBND ngày 21-8- 2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Y là không phù hợp với quy định của pháp luật, việc nhận định gia đình bà không sử dụng đất liên tục là không đúng với thực tế; do đó, đã xâm phạm đến quyền lợi của gia đình bà. Vì vậy, bà yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Y hủy các văn bản nêu trên; đồng thời đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho gia đình bà với mức giá là 45.000.000 đồng/1 sào, tổng số tiền được đền bù là 120.000.000 đồng.

Theo người bị kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Y trình bày:

Ngày 10-12-2018, Chủ tịch UBND huyện T ban hành Quyết định số 4612/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của ông Hoàng Văn A (chồng bà Trịnh Thị V) với nội dung: “Đối chiếu với bản đồ địa chính năm 1997, sổ mục kê đất năm 1998 thì phần diện tích hộ ông Hoàng Văn A sử dụng tại đầm Sui thuộc thửa đất số 367 tờ bản đồ 3-B-II là loại đất mặt nước chuyên dùng (đất phi nông nghiệp) do Ủy ban nhân dân thị trấn P quản lý. Gia đình ông A đề nghị được bồi thường diện tích đất đầm Sui khai hoang từ năm 1980 là không có cơ sở để giải quyết vì: diện tích đất đầm Sui gia đình ông Hoàng Văn A sử dụng không ổn định, không liên tục, không canh tác từ năm 2008 đến khi nhà nước có quyết định thu hồi đất. Do vậy, gia đình ông Hoàng Văn A không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không đủ điều kiện được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất.” Không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T, ông Hoàng Văn A đã có đơn khiếu nại gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Y.

Ngày 21-8-2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Y ban hành Quyết định số 1568/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của ông Hoàng Văn A với nội dung:“Giữ nguyên nội dung Quyết định số 4612/QĐ-UBND ngày 10-12-2018 của Chủ tịch UBND huyện T về việc giải quyết khiếu nại lần đầu của ông Hoàng Văn A. Yêu cầu ông Hoàng Văn A, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện đúng các nội dung nêu tại Quyết định số 4612/QĐ-UBND ngày 10-12-2018 của Chủ tịch UBND huyện T.” Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Y khẳng định việc ban hành Quyết định số 1568/QĐ-UBND ngày 21-8-2019 là đúng quy định của pháp luật vì:

Thứ nhất: Gia đình ông Hoàng Văn A không có các loại giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013; không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 nên không được bồi thường về đất và tài sản trên đất theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai năm 2013….Mặc dù hộ gia đình ông Hoàng Văn A có khai phá, sử dụng đất tại khi vực đầm Sui, thị trấn P, huyện T từ những năm 1980; tuy nhiên việc khai thác và sử dụng đất là tự phát, sử dụng không ổn định, không liên tục, phụ thuộc vào thời tiết; việc Nhà nước cho các hộ dân sử dụng để trồng rau muống, đánh bắt cá…không có nghĩa là Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.

Thứ hai: Phần diện tích đất mà hộ gia đình ông Hoàng Văn A đã sử dụng tại đầm Sui có vị trí thuộc khu vực đầm lầy, đầm nước sâu, có tác dụng là nơi trung chuyển, tiêu thoát nước mặt của thị trấn P ra sông Hồng (loại đất có mặt nước chuyên dùng) do Ủy ban nhân dân thị trấn P quản lý thuộc thửa số 367, tờ bản đồ địa chính số F-48-78-3-B-II được Sở Địa chính tỉnh Y thẩm định năm 1997 không phải là đất nông nghiệp nên cũng không thuộc trường hợp áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai năm 2013 để bồi thường về đất.

Thứ ba: Việc Ủy ban nhân dân huyện T không lập phương án bồi thường về đất và tài sản trên đất đối với hộ ông Hoàng Văn A là có cơ sở. Việc hộ ông Hoàng Văn A cho rằng đất khai hoang từ năm 1980, canh tác ổn định, liên tục, không có tranh chấp tại khu vực đầm Sui, thị trấn P, huyện T, để nghị được bồi thường hỗ trợ là không có cơ sở để xem xét, giải quyết.

Căn cứ các nội dung nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Y đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Y không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của hộ gia đình ông Hoàng Văn A (bà Trịnh Thị V), giữ nguyên Quyết định số 1568/QĐ-UBND ngày 21-8-2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Y Theo người bị kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T trình bày:

Về nội dung khiếu nại của bà Trịnh Thị V (chồng là ông Hoàng Văn A): Ông Hoàng Văn A cho rằng năm 1980 gia đình ông A khai hoang khoảng 800m2 và từ năm 1980-1996 sử dụng cấy lúa trên bềnh nổi 2 vụ/1 năm; năm 1996, do vỡ đê trôi bềnh nổi nên chỉ còn cấy được một vụ chiêm với lúa nếp râu, lúa ngoi. Năm 2008, đầu tư lưới và cọc tre vây xung quanh để thả cá, cấy lúa ở ven. Năm 2011, huyện đổ đất khu công nghiệp may và Viện kiểm sát, nước dâng nên trồng rau muống nước để ăn, chăn nuôi, để bán cho đến nay.

Khi giải quyết khiếu nại, căn cứ vào hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc quản lý đất đai qua các thời kỳ được lưu trữ tại Ủy ban nhân dân thị trấn P và Ủy ban nhân dân huyện T; tờ bản đồ địa chính số F-48-78-3-B-II, sổ mục kê đất đai và nguồn gốc đất do Ủy ban nhân dân thị trấn P xác nhận tại Công văn số 08/UBND ngày 28-02-2017 đã xác định:

Trước năm, 1980 khu vực đầm Sui là bềnh rôm và lau sậy; đến năm 1980, các hộ gia đình sinh sống ở ven đầm tại tổ 1 và tổ 4 thị trấn P, huyện T khai phá, sử dụng để cấy lúa. …Phần diện tích hộ bà Trịnh Thị V sử dụng tại đầm Sui, thị trấn P, huyện T…có nguồn gốc là do gia đình khai hoang từ năm 1980. Nhưng từ năm 2008 đến nay không canh tác; tuy nhiên, việc khai phá là tự phát, sử dụng đất không ổn định, không liên tục, phụ thuộc vào thời tiết.

Căn cứ bản đồ địa chính đo đạc năm 1997; sổ mục kê đất lập ngày 20-02- 1998 cho tờ bản đồ địa chính số F-48-78-3-B-II tại thửa đất số 367, diện tích 30.298,3m2 loại đất mặt nước chuyên dùng do UBND thị trấn quản lý.

Trong quá trình sử dụng đất hộ bà Trịnh Thị V không thực hiện việc kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương, hộ gia đình bà Trịnh Thị V không cung cấp được bất kỳ tài liệu, giấy tờ gì để chứng minh việc khai phá, sử dụng đất từ những năm 1980 đến thời điểm nhà nước thu hồi đất.

Với những căn cứ nêu trên, đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T xác định: Gia đình bà Trịnh Thị V sử dụng đất không ổn định, không liên tục, không canh tác từ năm 2008 đến khi nhà nước thu hồi đất; không có các loại giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013, không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 nên gia đình bà Trịnh Thị V không được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai năm 2013.

Việc Cơ quan nhà nước không lập phương án bồi thường về đất và tài sản trên đất đối với hộ gia đình bà Trịnh Thị V là có cơ sở.

Tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải ngày 06-8-2010, ông Nguyễn Đức M không nhất trí với yêu cầu về việc hủy các Quyết định và yêu cầu bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản trên đất do người khởi kiện là bà Trịnh Thị V đưa ra.

Tại Bản tự khai ngày 14-7-2020, và tại phiên họp tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, đại diện của người bị khởi kiện, ông Nguyễn Ngọc Bắc trình bày: Khu đất bà Trịnh Thị V có đơn khiếu nại nằm trong lòng đầm Sui thuộc tổ dân phố số 4 thị trấn P. Toàn bộ lòng đầm Sui trước đây chỉ có bềnh rôm và lau sậy mọc. Khoảng năm 1980, các hộ gia đình sống gần khu vực đầm Sui, trong đó có bố mẹ chồng bà Trịnh Thị V đã khai phá một phần để sử dụng trồng lúa. Sau này bố mẹ bà cho sử dụng, nhưng không có giấy tờ cho tặng (không có bờ thửa, ranh giới, diện tích rõ ràng). Năm 2004, hộ bà Trịnh Thị V quây lưới để thả cá; đến năm 2008, do nước ngập cao nên hộ bà V chỉ cắm cọc dăng lưới để đánh bắt cá tự nhiên cho đến thời điểm thu hồi đất năm 2016.

Căn cứ bản đồ địa chính chính số F-48-78-3-B-II đo vẽ tháng 12-1996 được Sở Địa chính Y thẩm định năm 1997 và sổ mục kê đất đai năm 1998 thì UBND thị trấn P xác định khu đất đầm Sui mà hộ bà V sử dụng là thuộc đầm lầy số thửa 367, diện tích 30.298,3m2 do UBND thị trấn P quản lý….trên thực tế, các hộ gia đình sống xung quanh khu vực đầm Sui có sử dụng một phần từ những năm 1980 trong đó có hộ gia đình bà Trịnh Thị V nhưng không báo cáo, đăng ký, kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng đất thuộc khu vực đầm Sui của gia đình mình và thực tế các gia đình cũng không sử dụng ổn định, liên tục.

Tại thời điểm thu hồi đất năm 2017, trước khi thực hiện việc lập phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng Ủy ban nhân dân thị trấn P đã xác minh hiện trạng sử dụng mặt đầm Sui. Trên cơ sở xác minh hiện trạng sử dụng đất, đã xác định trên khu vực đất tại đầm Sui mà hộ gia đình bà Trịnh Thị V có đơn khiếu nại chủ yếu là bèo tây, có một ít rau muống nước mọc tự nhiên; có mực nước sâu không có hộ nào canh tác, không có bờ thửa phân chia các thửa đất. Trên mặt đầm chỉ có một số hộ gia đình cắm cọc vè không rõ ràng để đón cá trời… Hiện nay khu đất này đã được san lấp mặt bằng xây dựng công trình đường ngã tư bệnh viện đi cầu Nghĩa Phương và quỹ đất dân cư… Sau khi ban hành Công văn số 08/ UBND ngày 28-2-2017, Ủy ban nhân dân thị trấn đã tiến hành họp dân để trả lời kiến nghị và đã tống đạt Công văn này cho gia đình bà Trịnh Thị V vào đầu tháng 3-2017. Sau khi nhận văn bản này, gia đình bà V không có khiếu nại gì. Chỉ đến khi khởi kiện yêu cầu hủy các Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Y, gia đình bà V mới có yêu cầu xem xét hủy văn bản này.

Ông Nguyễn Ngọc Bắc đề nghị Toà án không chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện về việc hủy Công văn số 08/UBND ngày 28-2-2017 của Ủy ban nhân dân thị trấn P về việc trả lời đơn của công dân, giữ nguyên nội dung Công văn nên trên.

Tòa án nhân dân tỉnh Y mở nhiều phiên đối thoại nhưng đại diện Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Y vắng mặt. Đại diện Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn P sau phiên đối thoại ngày 06-8-2020 đều có đơn từ chối đối thoại. Vì vậy, việc đối thoại không thể tiến hành được.

Tại phiên toà sơ thẩm, người khởi kiện là bà Trịnh Thị V rút các yêu cầu xem xét hủy các Quyết định số 4612/QĐ-UBND ngày 10-12-2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T và Quyết định số 1568/QĐ-UBND ngày 21-8-2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Y.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2020/HC-ST ngày 03-9-2020, Tòa án nhân dân tỉnh Y đã quyết định:

Căn cứ vào các Điều 30; 32; 116; 135; 158; điểm c; g khoản 1 Điều 143; Điều 165; Điều 173; điểm a khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính. Khoản 1 Điều 18; khoản 2 Điều 21 Luật Khiếu nại năm 2011. Khoản 1 Điều 75 và khoản 2 Điều 77; Điều 100 Luật Đất đai năm 2013. Khoản 1, khoản 3 Điều 30; khoản 1 Điều 32 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

1. Đình chỉ việc giải quyết yêu cầu khởi kiện đề nghị hủy Công văn số 08/UBND ngày 28-2-2017 của Ủy ban nhân dân thị trấn P và yêu cầu hủy các Quyết định số 4612/QĐ-UBND ngày10-12-2018 của Chủ tịch UBND huyện T và Quyết định số 1568/QĐ-UBND ngày 21-8-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Y.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trịnh Thị V về việc yêu cầu được đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với số tiền là 120.000.000 đồng (Một trăm hai mươi triệu đồng chẵn).

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 18/9/2020, người khởi kiện là bà Trịnh Thị V có đơn kháng cáo với không đồng ý nội dung bản án sơ thẩm; đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy: Quyết định số 4612/QĐ-UBND ngày 10/12/2018 của Chủ tịch UBND huyện T; Quyết định số 1568/QĐ-UBND ngày 21/8/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Y và Công văn số 08/UBND ngày 28/02/2017 của Ủy ban nhân dân thị trấn P. Đề nghị xem xét hỗ trợ đền bù về đất và tài sản trên đất cụ thể gồm có 800m2 đất ruộng.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có quan điểm giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính, không chấp nhận kháng cáo của bà Trinh Thị Vân; giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, ý kiến của Kiểm sát viên. Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về tố tụng: Ngày 07/5/2020, bà Trịnh Thị V khởi kiện tại Tòa án nhân dân tỉnh Y, ngày 01/6/2020 bà V có yêu cầu khởi kiện bổ sung đề nghị hủy Công văn số 08/UBND ngày 28/02/2017 của Ủy ban nhân dân thị trấn P về việc trả lời đơn của công dân; Quyết định số 4612/QĐ-UBND ngày 10/12/2018 của Chủ tịch UBND huyện T và Quyết định số 1568/QĐ-UBND ngày 21/8/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Y, yêu cầu xem xét bồi thường hỗ trợ về đất và tài sản trên đất. Khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, Tòa án nhân dân tỉnh Y thụ lý, giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền theo quy định của Điều 30; Điều 32; Điều 116 Luật tố tụng hành chính.

[2] Tại phiên tòa sơ thẩm, bà V rút yêu cầu khởi kiện đối với nội dung đề nghị xem xét hủy Quyết định giải quyết khiếu nại số 4612/QĐ-UBND ngày 10/12/2018 của Chủ tịch UBND huyện T và Quyết định giải quyết khiếu nại số 1568/QĐ-UBND ngày 21/8/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Y. Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào quy định tại điểm c khoản 1 Điều 143; khoản 2 Điều 165 Luật tố tụng hành chính để đình chỉ việc giải quyết đối với Quyết định số 4612/QĐ-UBND và Quyết định số 1568/QĐ-UBND là đúng quy định pháp luật. Bà V kháng cáo đề nghị hủy 02 quyết định nêu trên là không có căn cứ chấp nhận.

[3] Về yêu cầu kháng cáo xem xét hỗ trợ đền bù về đất và tài sản trên diện tích 800m2 đất ruộng: Thực hiện dự án đầu tư công trình đường và dự án quỹ đất dân cư hai bên đường từ ngã tư Bệnh viện đi cầu Nghĩa Phương đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Y phê duyệt tại Quyết định số 2306/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 và Quyết định số 1427/QĐ-UBND ngày 15/7/2016, Ủy ban nhân dân huyện T đã tổ chức triển khai công tác giải phóng mặt bằng với tổng diện tích gần 7,92 ha đất, trong đó có diện tích đất tại đầm Sui, thị trấn P, huyện T.

[4] Căn cứ hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc quản lý đất đai qua các thời kỳ được lưu giữ tại Ủy ban nhân dân thị trấn P và Ủy ban nhân dân huyện T; Tờ bản đồ địa chính số F-48-78-3-B-II, sổ mục kê đất đai và ý kiến của những người dân sống lâu năm tại khu vực đầm Sui biết rõ về quá trình sử dụng đất của gia đình bà V đã xác định: Trước năm 1980, khu vực đầm Sui là bềnh rôm và lau sậy. Đến năm 1980, các hộ gia đình sinh sống ở ven đầm tại Tổ 1 và Tổ 4, thị trấn P, huyện T khai phá và sử dụng để cấy lúa. Tuy nhiên, việc khai phá của các hộ gia đình là để lấy đất canh tác tại chỗ, không thuộc trường hợp di cư xây dựng vùng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

[5] Năm 1996, do lũ lụt vỡ đê, nước ngập trắng đồng, toàn bộ khu vực đầm Sui không có ai sử dụng. Đến năm 1997, thực hiện chủ trương của Nhà nước là đo đạc, lập bản đồ địa chính; Ủy ban nhân dân huyện T đã dựa trên hồ sơ địa chính đang quản lý và thực trạng đất khu vực đầm, và nhu cầu trung chuyển nước tại địa phương (từ trung tâm thị trấn P ra Sông Hồng) để lập Tờ bản đồ địa chính số F-48-78-3-B-II, xác định đất tại khu vực đầm Sui là đất chuyên dùng, đất đầm lầy (đất phi nông nghiệp) giao Ủy ban nhân dân thị trấn P quản lý. Thực tế là khu vực đầm lầy, đầm nước sâu, có tác dụng là nơi trung chuyển, tiêu thoát nước mặt của thị trấn P ra sông Hồng (loại đất có mặt nước chuyên dùng). Từ năm 1997 đến nay, Ủy ban nhân dân thị trấn P đã quản lý không chặt chẽ, tạo điều kiện cho các hộ tận dụng trồng rau muống, đánh bắt cá.

[6] Bà V cho rằng gia đình bà sử dụng đất liên tục từ năm 1980, nhưng trong quá trình sử dụng đất tại khu vực đầm Sui, gia đình bà V không thực hiện việc kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương; đất khai phá sử dụng không có bờ thửa để xác định vị trí, ranh giới, diện tích. Trong sổ sách địa chính của cơ quan Nhà nước không có thông tin về việc hộ bà V đã sử dụng đất tại khu vực đầm Sui; bà V không cung cấp được tài liệu, giấy tờ gì để chứng minh được bố mẹ tặng cho và sử dụng đất từ những năm 1980 đến thời điểm Nhà nước thu hồi đất.

[7] Gia đình bà V có xin xác nhận của một số hộ dân về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của mình. Tuy nhiên, sau khi xác minh lại thì những người đã ký xác nhận cho hộ gia đình bà V đều cho rằng mình không nhớ rõ, không biết chính xác về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của gia đình bà V. Thời điểm khảo sát đất đai để thu hồi đất tại khu vực đầm Sui, thì có một số cọc tre, lưới cá tại khu vực các hộ đề nghị bồi thường nhưng những cọc tre, lưới cá đều tồn tại từ rất lâu, còn lưu lại nhiều cây tre, lưới đã mục; còn rau muống là rau muống nước mọc tự nhiên, các hộ lấy về để chăn nuôi.

[8] Ủy ban nhân dân huyện T không lập phương án bồi thường về đất và tài sản trên đất đối với hộ bà V là có cơ sở. Tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 4612/QĐ-UBND ngày 10/12/2018 của Chủ tịch UBND huyện T và Quyết định giải quyết khiếu nại số 1568/QĐ-UBND ngày 21/8/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Y đã không chấp nhận yêu cầu bồi thường, hỗ trợ là đúng pháp luật. Do đó, không chấp nhận kháng cáo của bà V yêu cầu hỗ trợ đền bù về đất và tài sản trên diện tích 800m2 đất và hủy Công văn số 08/UBND ngày 28/02/2017 của Ủy ban nhân dân thị trấn P.

[9] Về án phí: Kháng cáo không được chấp nhận nên bà Trịnh Thị V phải chịu án phí hành chính phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

[10] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về án phí và lệ phí Toà án.

Không chấp nhận kháng cáo của bà Trịnh Thị V; giữ nguyên quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2020/HC-ST ngày 03/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Y.

Về án phí: Bà Trinh Thị Vân phải chịu 300.000 đồng án phí hành chính phúc thẩm, xác nhận bà V đã nộp 300.000 đồng theo Biên lai thu số: AA/2017/0005786 ngày 29/9/2020 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Y.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

355
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai số 285/2021/HC-PT

Số hiệu:285/2021/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 09/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về