Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính quản lý đất đai số 137/2022/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 137/2022/HC-PT NGÀY 25/02/2022 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

Ngày 25 tháng 02 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số: 485/2021/TLPT-HC ngày 11 tháng 10 năm 2021 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính về quản lý đất đai”.Do bản án hành chính sơ thẩm số: 05/2021/HC-ST ngày 07 tháng 5 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 2605/2021/QĐPT-HC ngày 23 tháng 11 năm 2021 giữa các đương sự:

- Người khởi kiện: Ông Huỳnh Văn D, sinh năm 1971 (có mặt) Địa chỉ: Ấp H, xã H1, huyện T, tỉnh Tây Ninh.

- Người bị kiện:

1/Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh Tây Ninh

2/Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh Tây Ninh Người đại diện theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân huyện T, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T: Ông Nguyễn Ngọc T2 – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T (có mặt)  

- Người kháng cáo: Người khởi kiện ông Huỳnh Văn D.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Đơn khởi kiện ngày 16/3/2020, Đơn khởi kiện bổ sung ngày 12/6/2020 và lời trình bày của người khởi kiện tại phiên toà sơ thẩm thể hiện:

Phần đất 4.631,7 m2 tại xã H, huyện T, tỉnh Tây Ninh là một phần trong tổng diện tích 13.736 m2 mà gia đình ông được Ủy ban nhân dân huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 01830 QSDĐ/250/03/QĐ-UB ngày 31/12/2003. Toàn bộ phần đất này do cha mẹ ông là ông Huỳnh Văn H2 và bà Trần Thị A khai khẩn từ trước năm 1975 và sử dụng liên tục cho đến nay; trên đất trồng cây cao su và một số cây trồng khác. Đến nay, Uỷ ban nhân dân huyện T cho rằng ông lấn chiếm đất của Nhà nước làm ảnh hưởng quy hoạch sử dụng đất nên ban hành Quyết định số 1427/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 thu hồi các phần đất thuộc thửa 32, 33, 36 và 37 có tổng diện tích 6568,4 m2. Sau đó tiếp tục ban hành Quyết định số 295/QĐ-KPHQ ngày 25/11/2019 áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc ông phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu phần đất 4.631,7 m2 mà không được bồi thường hay hỗ trợ. Việc xử lý của Uỷ ban nhân dân huyện T không thỏa đáng, không có căn cứ pháp luật, không xem xét lịch sử sử dụng đất, không đo vẽ, kiểm tra đối chiếu trên thực tế và bản đồ địa chính qua các thời kì, không đối chứng xác minh những người sử dụng đất liền kề. Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T còn ban hành quyết định số 572/QĐ-CCXP ngày 24/02/2020 về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Quyết định số 295/QĐ-KPHQ.

Do đó ông khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định 295/QĐ-KPHQ ngày 25/11/2019, Quyết định số 572/QĐ-CCXP ngày 24/02/2020 của Chủ tịch UBND huyện T và Quyết định số 1427/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 của UBND huyện T về việc thu hồi đất do lấn chiếm đất rừng.

Nội dung tại các Văn bản số 324/UBND-PTNMT ngày 10/4/2020, Văn bản số 910/UBND-PTNMT ngày 07/9/2020 và Văn bản số 1417/UBND-PTNMT ngày 29/12/2020 Ủy ban nhân dân huyện T và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện T có ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, thể hiện:

Diện tích đất 6.568,4 m2 ông Huỳnh Văn D lấn, chiếm thuộc khu vực 36 ha, tọa lạc tại ấp H1, xã H, huyện T nguồn gốc là đất rừng. Diện tích đất này thuộc các thửa 32, 33, 36 và 37 tờ 24 theo Mảnh Trích đo địa chính số 01-2014 được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ngày 27/10/2014, không thuộc diện tích mà ông D đã được Uỷ ban nhân dân huyện T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 01830QSDĐ/250/03/QĐ-UB ngày 31/12/2003. Các thửa đất này trước đây là thửa 74 tờ 24 - tờ bản đồ 299, là đất rừng được thể hiện trên Sổ mục kê. Trước năm 2000, khu đất do Lâm trường Tân Biên quản lý. Từ năm 2000 đến nay do Uỷ ban nhân dân huyện T quản lý theo Quyết định số 170/QĐ- CT ngày 02/06/2000 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh. Thực hiện Quyết định số 09/2017/QĐ-UBND ngày 23/3/2017 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện các dự án đợt 02 năm 2016 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, trong đó cho phép chuyển mục đích đất rừng phòng hộ khu vực 36 ha tại xã H, huyện T sang đất nông nghiệp để tạo quỹ đất thực hiện dự án hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào nghèo có đời sống khó khăn.

Từ năm 2012, sau khi phát hiện ông Huỳnh Văn D có hành vi lấn chiếm đất tại khu vực 36 ha tại xã H, Uỷ ban nhân dân huyện T và Uỷ ban nhân dân xã H đã lập biên bản yêu cầu ông D không tiếp tục sử dụng đất và nhiều lần vận động, thuyết phục ông D giao lại diện tích đất lấn chiếm. Ngày 27/3/2014, ông D đồng ý trả diện tích 1.936,7 m2 thuộc các thửa 32, 33, 37; diện tích đất 4.631,7 m2, còn lại thuộc thửa 36 ông D không đồng ý giao do ông D đã trồng cây cao su. Ông D cũng không có tài liệu, hồ sơ, chứng cứ chứng minh diện tích đất này là thuộc quyền quản lý sử dụng của ông D. Hiện nay phần đất này nằm trong diện tích 36 ha mà Uỷ ban nhân dân huyện đang khẩn trương thực hiện dự án hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào nghèo có đời sống khó khăn theo chỉ đạo của tỉnh và huyện. Do đó, ngày 30/12/2015, Uỷ ban nhân dân huyện T đã ban hành Quyết định số 1427/QĐ-UBND thu hồi diện tích đất 6.568,4 m2 đối với ông D. Do nội dung của Quyết định 1427 có nội dung chưa đúng nên ngày 18/01/2021, Uỷ ban nhân dân huyện T đã ban hành Quyết định số 152/QĐ-UBND thu hồi Quyết định 1427; các quyết định còn lại vẫn tiếp tục được thi hành.

Ngày 18/11/2019, Uỷ ban nhân dân xã H lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông D về hành vi lấn chiếm diện tích đất thửa 36. Ngày 25/11/2019, trên cơ sở biên bản ngày 18/11/2019, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện T ban hành Quyết định số 295/QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc ông D khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và trả lại diện tích đất đã lấn, chiếm là 4.631,7 m2 thuộc thửa đất số 36. Quyết định này đảm bảo về nội dung, trình tự thủ tục và thẩm quyền quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 31 của Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017.

Ngày 03/12/2019, ông D khiếu nại Quyết định 295. Ngày 17/3/2020, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện T căn cứ Luật Khiếu nại, bản chất vụ việc đã ban hành Quyết định số 794/QĐ-UBND không chấp nhận khiếu nại của ông D.

Do quá thời gian thực hiện Quyết định 295 nhưng ông D vẫn không thực hiện nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T đã ban hành Quyết định số 572/QĐ-CCXP ngày 24/02/2020, cưỡng chế buộc ông D thực hiện. Quyết định 295 căn cứ quy định tại Điều 33 của Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Vì vậy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện T không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Huỳnh Văn D đối với các Quyết định 295, 794 và 527.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số: 05/2021/HC-ST ngày 07 tháng 5 năm 2021của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã quyết định như sau:

1. Đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Huỳnh Văn D về hủy Quyết định số 1427/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 của Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh Tây Ninh.

2. Bác yêu cầu khởi kiện của ông Huỳnh Văn D đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh Tây Ninh về việc yêu cầu hủy các quyết định sau:

- Quyết định số 295/QĐ-KPHQ ngày 25/11/2019 về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả;

- Quyết định số 794/QĐ-UBND ngày 17/3/2020 về giải quyết khiếu nại lần đầu của ông Huỳnh Văn D;

- Quyết định số 572/QĐ-CCXP ngày 24/2/2020 về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 19/5/2021 người khởi kiện ông Huỳnh Văn D kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện, hủy các quyết định hành chính bị kiện. Đại diện theo ủy quyền của người bị kiện không đồng ý yêu cầu kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Phần tranh luận:

Người khởi kiện trình bày: Khi Nhà nước cần thì ông sẵn sàng giao đất bị thu hồi nhưng yêu cầu phải được tính bồi thường, hỗ trợ hoa màu, công khai phá của cha mẹ ông. Do đó, ông đề nghị hủy các quyết định của Uỷ ban nhân dân về việc cưỡng chế, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với phần đất của ông. Vì Uỷ ban nhân dân huyện T đã không lập biên bản vi phạm hành chính đối với phần đất ông qua các thời kỳ.

Đại diện theo ủy quyền của người bị kiện trình bày: Uỷ ban nhân dân huyện giữ nguyên quan điểm đã nêu trong quá trình giải quyết vụ án. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông D, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm giải quyết vụ án:

Về thủ tục tố tụng Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã tiến hành đúng theo quy định của luật tố tụng hiện hành, không làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Xét về nội dung vụ án, theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân, sổ mục kê, sổ địa chính thì diện tích phần đất tranh chấp là đất rừng do Uỷ ban nhân dân huyện T đứng tên sử dụng. Diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nằm trong diện tích đất rừng phòng hộ. Ông D cho rằng diện tích do cha mẹ khai phá nhưng không có chứng cứ chứng minh. Năm 2012 ông D được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất khác, nhưng không có ý kiến với thửa đang tranh chấp. Tại phiên tòa phúc thẩm, đương sự xác định năm 2012 Uỷ ban nhân dân huyện T đã lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng năm 2014 - 2015 ông D lại tiếp tục trồng dừa trên đất, nên Ủy ban nhân dân huyện T ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là có căn cứ. Từ đó, đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu kháng cáo của ông D, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng quy định của Luật tố tụng hành chính, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của đương sự.

[2] Ngày 30/12/2015 Uỷ ban nhân dân huyện T ban hành Quyết định 1427/QĐ-UBND thu hồi các phần đất thuộc thửa 32, 33, 36 và 37 có tổng diện tích 6.568,4m2 vì cho rằng ông Huỳnh Văn D lấn chiếm đất của Nhà nước. Ngày 25/11/2019 Uỷ ban nhân dân huyện T tiếp tục ban hành Quyết định số 295/QĐ- KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc ông D phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu đối với phần đất 4.631,7m2. Ngày 24/02/2020 Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện T ban hành Quyết định 572/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Quyết định số 295/QĐ- KPHQ ngày 25/11/2019. Ông D cho rằng việc người bị kiện ban hành các quyết định thu hồi, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và cưỡng chế thi hành, nhưng không bồi thường, hỗ trợ là gây ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của gia đình ông, nên khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy: Quyết định 295/QĐ-KPHQ ngày 25/11/2019, Quyết định số 572/QĐ-CCXP ngày 24/02/2020 của Chủ tịch UBND huyện T và Quyết định số 1427/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 của Uỷ ban nhân dân huyện T về việc thu hồi đất do lấn chiếm đất rừng.

[3] Người bị kiện cho rằng phần diện tích 6.568,4m2 thuộc các thửa 32, 33, 36 và 37 không nằm trong diện tích mà ông D được Uỷ ban nhân dân huyện T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo sổ mục kê thì các thửa đất này trước đây là thửa 74 tờ 24 - tờ bản đồ 299 là đất rừng. Trước năm 2000, khu đất do Lâm trường Tân Biên quản lý, từ năm 2000 đến nay do Uỷ ban nhân dân huyện T quản lý. Từ năm 2012, khi phát hiện ông D đang sử dụng đất, Uỷ ban nhân dân huyện T và Uỷ ban nhân dân xã H đã lập biên bản, vận động, thuyết phục ông D trả đất. Ngày 18/11/2019 Uỷ ban nhân dân xã H đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông D về hành vi lấn chiếm đất. Do đó, việc Uỷ ban nhân dân huyện T và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện T ban hành các quyết định hành chính bị kiện là đúng quy định pháp luật.

[4] Bản án sơ thẩm nhận định:

[4.1] Ngày 18/01/2021, Uỷ ban nhân dân huyện T đã ban hành Quyết định số 154/QĐ-UBND về việc thu hồi, hủy bỏ đối với Quyết định 1427/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 nên Quyết định 1427/QĐ-UBND không còn. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông D rút yêu cầu khởi kiện đối với Quyết định 1427/QĐ-UBND nên đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu này của ông D theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 143 của Luật tố tụng hành chính.

[4.2] Ngày 18/11/2019, Uỷ ban nhân dân huyện T lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông D về lấn chiếm đất rừng theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014. Do đã hết hạn xử lý hành chính nên việc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện T ban hành Quyết định số 295/QĐ-KPHQ ngày 25/11/2019 áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc ông D phải khôi phục lại ban đầu phần đất 4.631,7 m2; Quyết định số 572/QĐ- CCXP ngày 24/02/2020 về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là đúng quy định quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 6, Điều 28, khoản 2 Điều 65, Điều 85, Điều 87 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 10 của Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Điều 33 của Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

[4.3] Theo kết quả đo đạc, thẩm định ngày 16/8/2020 thì phần đất ông D đang quản lý, sử dụng có diện tích 4.631,7 m2 (đo đạc thực tế 4.024m2) tại ấp H1, xã H, huyện T, tỉnh Tây Ninh là diện tích thửa 36 theo Mảnh Trích đo địa chính số 01-2014, được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phê duyệt. Hiện nay, ông D đang trồng cây cao su trên đất.

[4.4] Đối chiếu các tài liệu có liên quan đến diện tích đất 4.631,7 m2 theo Quyết định số 295/QĐ-KPHQ ngày 25/11/2019 thể hiện thửa đất này thuộc 01 phần của thửa 74 tờ 24 (bản đồ 299). Diện tích đất này thuộc khu vực 36 ha đất rừng do Lâm trường T quản lý. Từ năm 2000, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân huyện T quản lý theo Quyết định 170/QĐ-UBND ngày 02/6/2000. Theo Sổ mục kê thì thửa đất này là đất rừng, không có cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, cơ quan tổ chức nào và hồ sơ xét duyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông D cũng không có thửa đất này. Do đó, ông D cho rằng phần đất 4.631,7 m2 ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không đúng. Vì diện tích đất này không thuộc các thửa đất ông D được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 01830 QSDĐ/250/03/QĐ-UB ngày 31/12/2003, diện tích 13.736 m2 cấp ngày 21/12/2003, gồm các thửa: 121, 122, 123, 131, 132, 133, 162, 163, 164, 165, 177, tờ bản đồ số 24 (bản đồ địa chính 299) tại ấp H1, xã H, huyện T, tỉnh Tây Ninh.

[4.5] Ông D cho rằng nguồn gốc phần đất này là đất rừng, do cha mẹ ông khai phá từ trước năm 1975 nhưng không có chứng cứ chứng minh. Mặc dù gia đình ông D sử dụng phần đất này ổn định, lâu dài nhưng không phù hợp mục đích sử dụng đất của Luật đất đai nên không được cơ quan có thẩm quyền công nhận về quyền sử dụng đất, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác, ông D cho rằng quá trình sử dụng đất thì Uỷ ban nhân dân không có lập biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện từ năm 2012 Uỷ ban nhân dân đã lập biên bản về hành vi sử dụng đất của ông D. Tại biên bản ngày 11/7/2012, ông D đồng ý không tác động lên đất và trả đất nhưng sau đó tiếp tục trồng cao su trên đất. Do đó, hành vi của ông D về việc sử dụng phần đất 4.631,7 m2 khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất là hành vi lấn chiếm đất rừng phòng hộ quy định tại Điều 10 của Nghị định 102/2014/NĐ- CP. Do đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện T ban hành Quyết định 295/QĐ- KPHQ buộc ông D khắc phục lại tình trạng ban đầu trả đất, Quyết định 794/QĐ- UBND bác khiếu nại của ông D, Quyết định 572/QĐ-CCXP là có căn cứ.

[5] Nhận định của Hội đồng xét xử phúc thẩm: Tòa án cấp sơ thẩm đã thu thập đầy đủ các chứng cứ có liên quan và đã căn cứ vào các chứng cứ thu thập trong quá trình giải quyết vụ án để nhận định, đánh giá, từ đó đưa ra phán quyết là có căn cứ và phù hợp với quy định pháp luật. Người khởi kiện kháng cáo nhưng tại phiên tòa phúc thẩm cũng không đưa ra được chứng cứ mới so với cấp sơ thẩm để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Do vậy, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không có cơ sở chấp nhận nội dung đơn kháng cáo của ngườ i khởi kiện, giữ nguyên bản án sơ thẩm như ý kiến đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên tòa.

[6] Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[7] Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên ông Huỳnh Văn D phải chịu án phí hành chính phúc thẩm theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính năm 2015;

I/Bác yêu cầu kháng cáo của ông Huỳnh Văn D; Giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm số 05/2021/HC-ST ngày 07/5/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh;

Căn cứ Điều 28, khoản 2 Điều 65, Điều 85, Điều 86 và Điều 87 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 10 của Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014; Điều 33 của Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013; khoản 1 Điều 18 của Luật Khiếu nại; khoản 1 Điều 32 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016:

1. Đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Huỳnh Văn D về hủy Quyết định số 1427/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 của Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh Tây Ninh.

2. Bác yêu cầu khởi kiện của ông Huỳnh Văn D đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh Tây Ninh về việc yêu cầu hủy các quyết định sau:

- Quyết định số 295/QĐ-KPHQ ngày 25/11/2019 về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả;

- Quyết định số 794/QĐ-UBND ngày 17/3/2020 về giải quyết khiếu nại lần đầu của ông Huỳnh Văn D;

- Quyết định số 572/QĐ-CCXP ngày 24/2/2020 về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

3. Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

II/Án phí hành chính phúc thẩm: Ông Huỳnh Văn D phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng), được trừ vào 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0001660 ngày 21/5/2021 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

179
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính quản lý đất đai số 137/2022/HC-PT

Số hiệu:137/2022/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 25/02/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về