TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 989/2018/KDTM-PT NGÀY 01/11/2018 VỀ ĐÒI TÀI SẢN, YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
Trong các ngày 17 tháng 9, ngày 16 tháng 10 và ngày 01 tháng 11 năm 2018, Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 8/2018/TLPT-KDTM ngày 06 tháng 02 năm 2018 về việc: “Đòi tài sản, yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 2422/2017/KDTM-ST ngày 29-12-2017 của Toà án nhân dân Quận X bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 3696/2018/QĐ-PT ngày 20 tháng 8 năm 2018 , giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty MB Tên cũ: Công ty TPMB Địa chỉ: 14 đường B, phường B1, quận B2, Thành phố H
Đại diện theo ủy quyền: Ông Trương Đức L, sinh năm 1981 Giấy ủy quyền số 110/TPMB-GUQ ngày 07-9-2018 (có mặt)
2. Bị đơn: Công ty O Trụ sở: 9 đường B, ≠11-02 S, Singapore 038989 Văn phòng đại diện: Phòng 01-B, Lầu 10, Tòa nhà AB số 76 L, phường L1, Quận L2, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Hồng H, sinh năm 1981 (có mặt) Văn bản ủy quyền được Đại sứ quán Việt nam tại Singapore Hợp pháp hóa lãnh sự ngày 22-8-2016.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Trương Trọng N, sinh năm 1953 (có mặt) thuộc Công ty Luật TNHH YKVN Địa chỉ: Phòng 1102, lầu 11 số 235 đường Đ, Quận Đ1, TP.Hồ Chí Minh
NỘI DUNG VỤ ÁN
1) Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Đầu tháng 9-2010, được sự ủy nhiệm của Giám đốc Công ty TPMB, Phòng kinh doanh của chi nhánh Công ty TPMB tại Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Công ty F) đã trực tiếp giao dịch với ông Huỳnh Khôi Công V, trưởng phòng kinh doanh của Công ty O (gọi tắt là Công ty O) để chào bán mặt hàng cà phê.
Ngày 09-09-2010, Công ty F đã nhận được bản fax các Thỏa thuận đặt hàng số 10/P/03408/A, 10/P/03408/B, 10/P/03408/C, 10/P/03408/D, 10/P/03408/E (gọi tắt là “các Thỏa thuận”) từ Văn phòng đại diện của Công ty O tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau đó, Công ty F đã ký chấp thuận các Thỏa thuận và đã chuyển lại cho Công ty O theo các Thỏa thuận, các bên đã thống nhất sử dụng Hợp đồng Cà phê Châu Âu (“ECC”), (gọi tắt là “Hợp đồng”) như là một hợp đồng khung để điều chỉnh quan hệ mua bán giữa các bên và thống nhất các điều khoản cơ bản khác như sau:
Mặt hàng: Cà phê Robusta loại 2, 100% vụ mùa mới (2010-2011);
Số lượng: Số lượng theo đơn đặt hàng 10/P/03408/A, 10/P/03408/B, 10/P/03408/C, 10/P/03408/D là 115,2 tấn. Số lượng theo đơn đặt hàng số 10/P/03408/E là 57.6 tấn;
Giá: Giá sẽ được xác định dựa theo giá cà phê tại thị trường đầu mối London vào tháng 1-2011 trừ đi 124USD/1tấn và là giá FOB (giao lên tàu) tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Thời gian giao hàng: Giao hàng vào khoảng ngày 5-12-2010 và theo chỉ dẫn của Công ty O;
Thanh toán: O sẽ thanh toán trực tiếp vào tài khoản của Công ty F trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày Công tyF trình bộ chứng từ;
Quyền tài phán: Tranh chấp sẽ được giải quyết tại Tòa án kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Tòa án Singapore.
Ngày 17-9-2010, Công ty O đã gửi xác nhận chốt giá Thỏa thuận số 10/P/03408/A cho Công tyF và đã được chấp thuận. Theo đó, giá mua bán cuối cùng là 1.556USD/1 tấn và thời hạn giao hàng là tháng 12-2010.
Thực hiện thỏa thuận đặt hàng số 10/P/03408/A, ngày 21-12-2010, Công tyF đã giao 114,775 tấn cà phê (tính theo khối lượng tịnh) vào kho ngoại quan số A.1- Transimex theo hướng dẫn của Công ty O với tổng giá trị là 178.589,90 USD. Đồng thời, Công ty F cũng giao bộ chứng từ cho Văn phòng đại diện O tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 22-12-2010. Công tyF đã hoàn tất nghĩa vụ giao hàng, giao chứng từ và mọi nghĩa vụ của bên bán theo đúng qui định của hợp đồng. Do đó, hành vi không thanh toán đầy đủ tiền mua hàng của Công ty O đã vi phạm Hợp đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng quyền lợi của công tyF.Vì vậy, Công ty F đã buộc phải ngừng thực hiện Hợp đồng, không giao hàng đối với các thỏa thuận đặt hàng còn lại số 10/P/03408/B, 10/P/03408/C, 10/P/03408/D, 10/P/03408/E.
Theo qui định tại Điều 19 (e) Hợp đồng Cà phê Châu Âu thì “cà phê vẫn thuộc quyền định đoạt của bên bán cho đến khi nào nó được thanh toán đầy đủ, ngay cả khi bên bán đã giao hàng hoặc đã giao chứng từ”. Theo qui định này, việc Công ty O vẫn còn nợ Công ty F 130.000,26 USD có nghĩa rằng Công ty O đang chiếm hữu, sử dụng và định đoạt trái phép 83 tấn cà phê của F. Do đó, Công ty F không chấp nhận yêu cầu phản tố của O yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền 310.349 USD.
Công tyF yêu cầu:
+ Yêu cầu hoàn trả tài sản: Yêu cầu Công ty O phải trả lại 83 tấn cà phê cho Công ty F. Trong trường hợp Công ty O không còn cà phê để trả lại cho Công ty F thì phải thanh toán giá trị của cà phê tại thời điểm trả nợ. Giá trị 83 tấn cà phê được tạm tính tại thời điểm 31-12-2013 là 2.963.100.000 đồng.
+ Yêu cầu bồi thường thiệt hại: Tính đến thời điểm 31-12-2013, Công tyF đã phải gánh chịu lãi suất chậm trả (do không thanh toán đúng hạn cho Ngân hàng) tổng cộng là 1.809.139.212 đồng. Vì vậy, Công ty F yêu cầu O phải bồi thường cho Công ty F tất cả thiệt hại do hành vi xâm phạm tài sản gây ra. Tổng số tiền thiệt hại được tạm tính đến thời điểm 31-12-2013 là 1.809.139.212 đồng.
+ Công tyF không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn vì yêu cầu bồi thường thiệt hại của bị đơn đã hết thời hiệu yêu cầu theo quy định tại Điều 319 Luật Thương mại năm 2005 quy định là hai năm tính từ khi bị đơn biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (tức là kể từ ngày 05-12-2010 đến khi bị đơn có yêu cầu phản tố vào năm 2016).
2) Đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:
Công ty O có yêu cầu phản tố Công ty F liên quan đến 4 Hợp đồng số 10/P/03408/B, 10/P/03408/C, 10/P/03408/D và 10/P/03408/E ký cùng ngày 9-9- 2010 giữa Công ty F và Công ty O như sau:
+ Công ty F phải bồi thường thiệt hại số tiền là 310.349 USD (tương đương 6.930.093.170 đồng, tạm tính theo tỷ giá USD/VND bán ra của Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam ngày 08-8-2016 là 22.330 VND/1USD) do Công ty O phải mua bù hàng cà phê với giá cao vì Công ty F không giao hàng theo 4 hợp đồng.
+ Yêu cầu Công ty F có nghĩa vụ phải trả tiền lãi chậm thanh toán theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả theo Điều 306 Luật thương mại năm 2005.
Cơ sở phản tố: Ngày 9-9-2010, Công ty F thông qua chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh (với tư cách là bên bán) và Công ty O (với tư cách là bên mua) đã ký 5 hợp đồng: 10/P/03408/A, 10/P/03408/B, 10/P/03408/C, 10/P/03408/D, và 10/P/03408/E (cùng một mẫu hợp đồng). Các hợp đồng có những nội dung thỏa thuận chính như sau:
Đối tượng hợp đồng: Cà phê Robusta nhân xanh xuất khẩu;
Giá: Mức giá chốt dựa theo giá thị trường cà phê kỳ hạn (vào tháng 01- 2011) tại thị trường đầu mối Luân Đôn trừ đi 124 USD/tấn;
Chuyển quyền sở hữu: Tại điều 7 trang 3 của các Hợp Đồng có quy định rằng quyền sở hữu đối với hàng hóa sẽ được chuyển từ bên bán sang bên mua dựa trên cơ sở của điều khoản FOB, tức quyền sở hữu được chuyển từ khi hàng qua lan can tàu tại cảng gửi hàng. Điều khoản Incoterm được áp dụng theo điều kiện FOB cảng Thành phố Hồ Chí Minh;
Thời hạn thanh toán: Công ty O sẽ thanh toán bằng chuyển khoản vào tài khoản của công ty F trong vòng 3 ngày kể từ ngày công tyF trình đầy đủ bộ chứng từ thanh toán;
Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại: Người mua hoặc người bán sẽ bị phạt 10% giá trị hợp đồng trong trường hợp không thực hiện, thực hiện một phần, hoặc giao hàng trễ mà không được bên mua chấp thuận hoặc chưa hủy hợp đồng. Nếu thiệt hại xảy ra vượt quá 10% thì bên vi phạm sẽ chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại thực tế.
Ngày 17-9-2010, Công ty O đã gửi xác nhận chốt giá theo hợp đồng số 10/P/03408/B (115,2 tấn) là 1.680 USD/tấn.
Ngày 20-9-2010, Công ty O đã gửi xác nhận chốt giá theo hợp đồng số 10/P/03408/C (115,2 tấn) là 1.690 USD/tấn.
Ngày 22-9-2010, Công ty O đã gửi xác nhận chốt giá theo hợp đồng số 10/P/03408/D (115,2 tấn) là 1.695 USD/tấn.
Ngày 22-9-2010, Công ty O đã gửi xác nhận chốt giá theo hợp đồng số 10/P/03408/E (57,6 tấn) là 1.695 USD/tấn .
Ngày 21-12-2010, Công ty F mới giao hàng của Hợp đồng 10/P/03408/A. Công ty O đã nhiều lần thúc giục nhưng Công tyF vẫn không giao hàng cho các họp đồng còn lại như đã thỏa thuận.
Vì vậy, từ ngày 13-4-2011 đến ngày 16-5-2011, Công ty O đã mua hàng từ các nhà nhập khẩu khác với số lượng 403,2 tấn cà phê để bù vào số lượng hàng mà Công ty F đã không giao theo 4 hợp đồng còn lại. Do Công ty O đã chốt giá tại thị trường London nhưng không có hàng giao vì Công ty F không giao hàng trong khi đó giá tại thị trường London liên tục tăng. Để giảm thiểu thiệt hại, Công ty O đã phải mua hàng với mức giá cao hơn so với mức giá thỏa thuận với Công tyF để giao cho đối tác, cụ thể mức giá cà phê tại thị trường Luân Đôn vào thời điểm này là 2.400 USD/tấn.
Ngày 11-8-2014, trong buổi hòa giải tại Tòa án, đại diện của Công ty F là ông Trương Đức Lợi đã thừa nhận trong Biên bản hòa giải là: “Việc không giao hàng các hợp đồng số 10/P/03408/B, 10/P/03408/C, 10/P/03408/D, 10/P/03408/E xuất phát từ việc gặp khó khăn trong phương tiện vận chuyển”. Như vậy, có đầy đủ chứng cứ thể hiện rằngF có nghĩa vụ phải giao hàng cho Công ty O theo đúng thỏa thuận tại 4 hợp đồng và Công ty F đã vi phạm nghĩa vụ này.
Theo Đơn kiện ngày 12-5-2014 của Công ty F yêu cầu Công ty O hoàn trả lại 83 tấn cà phê, nếu không còn cà phê để trả thì phải thanh toán giá trị của 83 tấn cà phê tạm tính đến ngày 31-12-2013 là 2.963.100.000 đồng và bồi thường thiệt hại cho Công ty F 1.809.139.212 VNĐ. Yêu cầu này của Công ty F là vô lý và Công ty O hoàn toàn không chấp nhận yêu cầu này. Công ty O có yêu cầu phản tố yêu cầu Công ty F bồi thường cho đối với thiệt hại mà Công ty O đã phải chịu do việc không giao hàng theo 4 hợp đồng. Như vậy, các yêu cầu phản tố của Công ty O có tính chất “bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn” và “giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn”. Vì thế, yêu cầu phản tố của Công ty O đáp ứng điều kiện tại điểm a và điểm c khoản 2, Điều 176, Bộ Luật Tố tụng Dân sự vì: Điều 303 của Luật Thương mại quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau: Có hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế và hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
Khoản 1 Điều 34, Luật Thương mại năm 2005 quy định “Bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng”. Trong cả 4 hợp đồng đều quy định “Giao hàng vào khoảng ngày 05-12-2010 (theo hướng dẫn của người mua). Không được phép giao hàng từng phần”. Thực tế đến nay Công ty F đã không giao hàng đối với 4 hợp đồng.
Mặt khác, Công ty O có thiệt hại phát sinh, cụ thể: Sau khi Công ty O chốt giá xong nhưng Công ty F vẫn không giao hàng cho 4 Hợp đồng còn lại. Trong khi đó giá cà phê tăng. Để giảm thiểu thiệt hại, Công ty O phải mua hàng trên thị trường London với mức giá 2.400 USD/tấn để bù hàng. Vì vậy, thiệt hại thực tế mà Công ty O đã phải chịu sẽ được tính bằng mức chênh lệnh mức giá mua nhân với khối lượng hàng theo 4 Hợp Đồng không được công ty F thực hiện. Cụ thể:
(2.400 – 1.680) x 115,2 tấn + (2.400 – 1.690) x 115,2 tấn + (2.400 – 1.695) x 115,2 tấn + (2.400 – 1.695) x 57,6 tấn = 286.560 USD.
Thiệt hại do mua bù hàng để giao cho đối tác: Khi mua hàng của Công tyF thì Công ty O được trừ lùi 124 USD/tấn so với giá đã niêm yết ở thị trường London. Tuy nhiên, khi Công ty O mua cà phê từ các đối tác khác để bù vào lượng hàng cà phê mà Công ty F không giao thì chỉ được trừ lùi bình quân là 65 USD/tấn. Vì vậy, thiệt hại mà Công ty O phải gánh chịu là 403,2 tấn x (124 USD/tấn – 65 USD/tấn) = 23.789 USD, chi tiết như sau:
Ngày |
|
|
|
Tấn |
Lô |
Loại hàng |
Trừ lùi (USD/tấn |
|
|
13/4/2011 |
11/P/ |
02718/A |
Đại Thành Phát |
57,6 |
6 |
VG2 S13-5% |
-74 |
6/2011 |
7/2011 |
13/4/2011 |
11/P/ |
02718/B |
Đại Thành Phát |
57,6 |
6 |
VG2 S13-5% |
-74 |
6/2011 |
7/2011 |
21/4/2011 |
11/P/ |
02953/A |
Trung Hiếu |
57,6 |
6 |
VG2 S13-5% |
-79 |
4/2011 |
7/2011 |
28/4/2011 |
11/P/ |
03215/A |
Trung Hiếu |
57,6 |
6 |
VG2 S13-5% |
-79 |
5/2011 |
7/2011 |
05/5/2011 |
11/P/ |
03469/A |
Đại Thành Phát |
57,6 |
6 |
VG2 S13-5% |
-84 |
6/2011 |
7/2011 |
16/5/2011 |
11/P/ |
03812/A |
Đức Nguyên |
57,6 |
6 |
VG2 S13-5% |
-32 |
5/2011 |
9/2011 |
16/5/2011 |
11/P/ |
03813/A |
Đức Nguyên |
57,6 |
6 |
VG2 S13-5% |
-32 |
5/2011 |
9/2011 |
Tổng cộng |
403,2 |
|
|
|
|
|
|||
Mức trừ lùi bình quân |
-65 |
|
|
Từ các phân tích nêu trên, có thể thấy Công ty F đã có hành vi vi phạm hợp đồng do việc không giao hàng cho 4 hợp đồng, gây thiệt hại 310.349 USD cho Công ty O nên phải bồi thường thiệt hại này, nếu Công ty F chậm thanh toán thì phải trả tiền lãi chậm thanh toán theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả căn cứ Điều 306 Luật Thương mại năm 2005.
Công ty O đã có quyền sở hữu đối với toàn bộ lô hàng màF giao theo Hợp đồng số 10/P/03408/A ngày 9-9-2010 (hợp đồng A), cụ thể:
- Hợp đồng A gồm có 3 trang, tại trang 1 hai bên đã thỏa thuận các điều khoản về thông tin bên mua, bên bán, hàng hóa, số lượng, giá, đóng gói, giao hàng, thanh toán, đơn vị giám định, cảng đến, cảng đi, phạt và trọng tài, và điều khoản đặc biệt. Trong đó, điều khoản đặc biệt quy định 2 ý rõ ràng như sau: “Các điều khoản khác sẽ theo quy định của phiên bản gần nhất của Hợp đồng Cà phê Châu Âu (ECC).” Như vậy, với thỏa thuận này trong Điều khoản đặc biệt, hai bên đã khẳng định Hợp đồng Cà phê Châu Âu, một mẫu hợp đồng gồm các điều khoản chung, chỉ được áp dụng đối với những vấn đề mà các bên không có thỏa thuận trong Hợp đồng A.
- “Bên cạnh đó, hai bên đã đọc và đã hiểu các điều khoản quy định tại trang 2 và trang 3 đính kèm cũng như chấp thuận tuân thủ các điều khoản này.” Tại trang 2 và trang 3, các bên có quy định mục “Các điều kiện khác”, quy định về nhiều nội dung, trong đó về Mục 7, các bên có quy định cụ thể về “Chuyển giao quyền sở hữu” như sau:
“7. Chuyển giao quyền sở hữu:
“Quyền sở hữu hàng hóa” được chuyển từ người bán sang người mua theo điều kiện FOB như được định nghĩa trong Các điều khoản thương mại quốc tế Incoterm.
Người bán có nghĩa vụ đối với hàng hóa cho đến khi giao vào kho do người mua chỉ định (nếu người bán được yêu cầu giao hàng vào kho… ” Theo tập quán thương mại quốc tế phổ biến trên thế giới, khi đã thỏa thuận giao hàng theo FOB của Incoterm thì sở hữu và rủi ro từ người bán chuyển sang người mua khi hàng được người bán giao lên tàu tại cảng đi. Trong trường hợp bên mua yêu cầu bên bán giao hàng hóa tại kho do người mua chỉ định thì thời điểm chuyển rủi ro và quyền sở hữu là khi người bán giao hàng vào kho mà người mua chỉ định. Khi đó người bán được giải phóng mọi trách nhiệm. Hàng hóa lúc này sau khi người mua đã nhận thì có toàn quyền quyết định với hàng hóa, thậm chí còn có thể bán trong quá trình vận chuyển. Như vậy, hai bên đã có thỏa thuận là hàng hóa theo hợp đồng A được chuyển quyền sở hữu cho Công ty O khi Công ty F giao hàng cho Công ty O.
Công ty O đã có quyền sở hữu đối với toàn bộ lô hàng mà Công ty F giao theo hợp đồng: Như đã trình bày trong Đơn khởi kiện, ngày 21-12-2010, Công tyF đã giao 114,775 tấn cà phê vào kho ngoại quan số A.1 – Transimex theo hướng dẫn của Công ty O và Công ty F đã hoàn tất nghĩa vụ giao hàng. Như vậy, căn cứ cách đọc và áp dụng đúng hợp đồng A mà các bên đã thỏa thuận, Công ty O có quyền sở hữu đối với toàn bộ lô hàng. Việc Công ty F cố ý trích dẫn và áp dụng Điều 19(e) của ECC để cho rằng Công ty F còn quyền sở hữu đối với lô hàng, bất chấp việc hai bên đã thỏa thuận về “Chuyển quyền sở hữu” tại Mục 7, Các điều kiện khác, hợp đồng A là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Công ty O có quyền không thanh toán hợp đồng A do đã cấn trừ vào các thiệt hại của công ty O phát sinh từ các vi phạm của công ty F đối với 4 hợp đồng số 10/P/03408/B, 10/P/03408/C, 10/P/03408/D và 10/P/03408/E cùng ngày 9-9-2010.
Theo 4 hợp đồng còn lại số 10/P/03408/B, 10/P/03408/C, 10/P/03408/D và 10/P/03408/E cùng ngày 9-9-2010 giữa hai bên, Công tyF có nghĩa vụ giao tổng cộng 403,2 tấn cà phê cho Công ty O vào ngày 5-12-2010 nhưng Công ty F đã vi phạm nghĩa vụ này. Căn cứ Điều 380, Bộ luật Dân sự 2005, ngay từ ngày 12- 4-2011 (ngày mà Công ty O phải mua bù hàng đã chốt trên thị trường London với giá 2.400 USD/tấn), Công ty O đã tiến hành việc bù trừ nghĩa vụ đối với Công tyF, như vậy, sau khi bù trừ thì Công ty F còn nợ Công ty O là 180.349USD (310.349USD - 130.000USD). Tuy nhiên, lúc này, Công tyF liên tục có những sai phạm, khiến cho nhiều lãnh đạo của bị khởi tố, lâm vào tình trạng không thể hoạt động và không có khả năng thanh toán số thiệt hại trên. Vì thế, vào thời điểm đó, Công ty O đã không tiếp tục yêu cầu Công tyF bồi thường khoản thiệt hại này.
Công tyF không còn quyền yêu cầu Công ty O thanh toán theo hợp đồng A và Tòa án có quyền đình chỉ yêu cầu khởi kiện của Công ty F: Theo quy định pháp luật, cụ thể là Điều 22(a)(ii) của ECC, nếu Công ty F muốn khiếu nại về việc Công ty O không thanh toán thì phải khiếu nại trong thời hạn không trễ hơn 45 ngày dương lịch kể từ ngày dỡ hàng cuối cùng tại cảng đến, nếu tất cả các chứng từ đã được giao đủ cho người mua” và theo Điều 318 Luật Thương mại 2005, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, Công ty F phải khiếu nại Công ty O về yêu cầu thanh toán trong thời hạn 9 tháng kể từ ngày Công ty O phải thanh toán theo hợp đồng A (tức 3 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ chứng từ, ngày 22-12-2010).
Trong Đơn khởi kiện đề ngày 12-5-2014, Công ty F có đề cập việc đã có khiếu nại đến Công ty O. Tuy nhiên, thực tế Công ty O hoàn toàn không nhận được bất kỳ khiếu nại nào, phải cho đến khi Công ty F khởi kiện đến Tòa và được Tòa triệu tập thì Công ty O mới biết. Việc Công ty F không khiếu nại, không yêu cầu Công ty O thanh toán trong thời hạn khiếu nại được quy định trong ECC và Luật Thương mại 2005, có nghĩa Công ty F đã chấp nhận việc không thanh toán của Công ty O. Vì vậy, Công ty F không còn quyền yêu cầu Công ty O thanh toán theo Hợp Đồng A.
Ngoài ra, theo Điều 319 Luật Thương mại 2005 thì thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là 2 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Theo Đơn khởi kiện, quyền và lợi ích của Công ty F đã bị Công ty O xâm phạm (không thanh toán) từ ngày 25-12-2010, tức thời điểm mà Công ty F hết thời hiệu khởi kiện là đến ngày 25-12-2012. Trong khi đó, Đơn khởi kiện của Công ty F được lập ngày 12-5-2014, tức khi đã quá gần 17 tháng kể từ ngày hết thời hiệu khởi kiện. Do vậy, căn cứ điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, Công ty O yêu cầu Tòa đình chỉ giải quyết vụ kiện đối với yêu cầu khởi kiện của công ty F vì đã hết thời hiệu khởi kiện.
3) Quyết định của bản án sơ thẩm:
Tuyên bố thỏa thuận tại tại mục “Phạt và phân xử” của các Hợp đồng số 10/P/03408/A, 10/P/03408/B, 10/P/03408/C, 10/P/03408/D và 10/P/03408/E ngày 09/9/2010 đã ký giữa Công ty TPMBvà Công ty O quy định “Bên bị vi phạm có thể đưa khiếu nại ra tòa tại Singapore hoặc Tp. Hồ Chí Minh” là vô hiệu một phần, ở phần “...đưa ra Tòa án TP. Hồ Chí Minh”.
Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của Công ty TPMByêu cầu Công ty O phải bồi thường thiệt hại là 1.809.139.212 đồng là tiền lãi mà Công ty TPMBphải trả Ngân hàng trong thời gian Công ty O chậm thanh toán tiền mua Cà phê tính từ thời điểm tháng 01-2011 đến thời điểm 31-12-2013 do đã hết thời hiệu khởi kiện.
Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu phản tố của Công ty O yêu cầu Công ty TPMBphải bồi thường thiệt hại là 310.349 USD vì Công ty O phải mua bù Cà phê với giá cao do Công ty TPMBkhông giao hàng đúng 04 hợp đồng mua bán Cà phê số 10/P/03408/B, 10/P/03408/C, 10/P/03408/D, 10/P/03408/E ngày 09- 9-2010 đã ký giữa Công ty TPMBvà Công ty O do đã hết thời hiệu yêu cầu.
Chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty TPMB: Buộc Công ty O hoàn trả cho Công ty TPMB83 tấn Cà phê loại Robusta loại 2, vụ mùa tại thời điểm thi hành án, trường hợp Công ty O không có cà phê thì phải thanh toán giá trị của 83 tấn cà phê là 130.000,26 USD được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam theo công bố về tỷ giá ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm thi hành án.
Kể từ ngày Công ty TPMB có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty O chưa thi hành thì phải trả lãi đối với số chậm trả theo lãi suất trung bình trên thị trường, tương ứng với số tiền, thời gian chậm trả tại thời điểm thi hành.
Bản án sơ thẩm cũng xác định nghĩa vụ chịu án phí, trách nhiệm thi hành án và quyền kháng cáo của đương sự.
4) Kháng cáo: Bị đơn kháng cáo toàn bộ bản bản sơ thẩm của Tòa án nhân dân Quận X.
TẠI PHIÊN TÒA PHÚC THẨM:
1) Bị đơn trình bày nội dung kháng cáo:
- Về chuyển quyền sở hữu:
Khoản 1 Điều 34, Luật Thương mại năm 2005 quy định “Bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng”. Trong cả 4 hợp đồng đều quy định “Giao hàng vào khoảng ngày 05-12-2010 (theo hướng dẫn của người mua). Không được phép giao hàng từng phần”. Thực tế, Công ty F không giao hàng đối với 4 hợp đồng.
Hợp đồng A gồm có 3 trang, tại trang 1 hai bên đã thỏa thuận các điều khoản về thông tin bên mua, bên bán, hàng hóa, số lượng, giá, đóng gói, giao hàng, thanh toán, đơn vị giám định, cảng đến, cảng đi, phạt và trọng tài, và điều khoản đặc biệt. Trong đó, điều khoản đặc biệt quy định 2 ý như sau:
“Các điều khoản khác sẽ theo quy định của phiên bản gần nhất của Hợp đồng cà phê Châu Âu (ECC).” Như vậy, với thỏa thuận này trong điều khoản đặc biệt, hai bên đã khẳng định Hợp đồng cà phê Châu Âu, một mẫu hợp đồng gồm các điều khoản chung, chỉ được áp dụng đối với những vấn đề mà các bên không có thỏa thuận trong Hợp đồng A. Trong mục 7 của hợp đồng A, các bên có quy định cụ thể về “Chuyển giao quyền sở hữu”.
Theo tập quán thương mại quốc tế phổ biến trên thế giới, khi đã thỏa thuận giao hàng theo FOB của Incoterm thì sở hữu và rủi ro từ người bán chuyển sang người mua khi hàng được người bán giao lên tàu tại cảng đi. Trong trường hợp bên mua yêu cầu bên bán giao hàng hóa tại kho do người mua chỉ định thì thời điểm chuyển rủi ro và quyền sở hữu là khi người bán giao hàng vào kho mà người mua chỉ định. Khi đó người bán được giải phóng mọi trách nhiệm. Hàng hóa lúc này sau khi người mua đã nhận thì có toàn quyền quyết định với hàng hóa, thậm chí còn có thể bán trong quá trình vận chuyển. Như vậy, hai bên đã có thỏa thuận là hàng hóa theo hợp đồng A được chuyển quyền sở hữu cho công ty O khi công tyF giao hàng cho công ty O. Điều 62, Luật Thương Mại 2005 cùng qui định về “Thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hoá”. Việc công ty F cố ý trích dẫn và áp dụng Điều 19(e) của ECC để cho rằng công tyF còn quyền sở hữu đối với lô hàng, bất chấp việc hai bên đã thỏa thuận về “Chuyển quyền sở hữu”.
- Công tyF không còn quyền yêu cầu công ty O thanh toán theo hợp đồng vì hết thời hiệu khởi kiện:
Theo quy định Điều 22(a)(ii) của ECC, nếu Công tyF muốn khiếu nại về việc Công ty O không thanh toán thì phải khiếu nại trong thời hạn không trễ hơn 45 ngày dương lịch kể từ ngày dỡ hàng cuối cùng tại cảng đến, nếu tất cả các chứng từ đã được giao đủ cho người mua” và theo Điều 318 Luật Thương mại 2005, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, công tyF phải khiếu nại công ty O về yêu cầu thanh toán trong thời hạn 9 tháng kể từ ngày công ty O phải thanh toán theo hợp đồng A (tức 3 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ chứng từ, ngày 22-12-2010).
Trong Đơn khởi kiện đề ngày 12-5-2014, Công tyF có đề cập việc đã có khiếu nại đến Công ty O. Thực tế, Công ty O không nhận được bất kỳ khiếu nại nào cho đến khi được Tòa triệu tập thì Công ty O mới biết. Việc Công tyF không khiếu nại, không yêu cầu Công ty O thanh toán trong thời hạn khiếu nại được quy định trong ECC và Luật Thương mại 2005 tức là Công tyF đã chấp nhận việc không thanh toán của Công ty O. Vì vậy, Công tyF không còn quyền yêu cầu Công ty O thanh toán theo Hợp Đồng A.
Theo Điều 319 Luật Thương mại 2005 thì thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là 2 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Theo Đơn khởi kiện, quyền và lợi ích của công tyF đã bị công ty O xâm phạm (không thanh toán) từ ngày 25-12-2010, tức thời điểm màF hết thời hiệu khởi kiện là đến ngày 25-12-2012. Trong khi đó, Đơn khởi kiện củaF được lập ngày 12-5-2014, tức khi đã quá gần 17 tháng kể từ ngày hết thời hiệu khởi kiện. Do vậy, căn cứ điểm e khoản 1 Điều 217, Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, Công ty O yêu cầu Tòa đình chỉ giải quyết vụ kiện đối với yêu cầu khởi kiện của công tyF vì đã hết thời hiệu khởi kiện.
Khác với trường hợp giao hàng theo FOB, thông qua người vận chuyển bởi vì người mua và người bán ở cách xa nhau, ở đây hai bên thỏa thuận giao hàng vào kho ngoại quan của người mua, nghĩa là người mua trực tiếp nhận hàng và cũng chấp nhận rủi ro. Do đó khi việc giao hàng hoàn tất thì việc chuyển quyền sở hữu cũng hoàn tất. Về pháp lý, sẽ là phi lô gich khi người mua đã nhận hàng, nhận chuyển giao chịu rủi ro mà lại chưa được chuyển sở hữu.F đã giao hàng vào kho ngoại quan theo chỉ định của O. Hàng hóa đã được lưu giữ tại kho ngoại quan dưới tên của O theo Phiếu nhập kho số BW000294 ngày 21/12/2010 của O tại kho ICD – TRANSIMEX BONDED WAREHOUSE.
- 83 tấn cà phê màF bán cho O không phải là tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước:
Điều 200, Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước bao gồm đất đai, rừng tự nhiên, rừng trồng có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi tự nhiên ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác do pháp luật quy định.” Khoản 1, Điều 203, Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “ Khi tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước được đ ầu tư vào doanh nghiệp nhà nước thì Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp .” Theo hồ sơ mà F cung cấp cho Tòa án Nhân dân Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh, F được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp nhà nước với mã số doanh nghiệp 010010xxxx vào ngày 09/11/1996. Cơ quan sáng lập là Tổng công ty thuốc lá V– Công ty TNHH một thành viên. Như vậy, F được thành lập bởi một doanh nghiệp nhà nước, không phải thành lập bởi một cơ quan nhà nước.
Số tiền của Tổng công ty thuốc lá V– Công ty TNHH một thành viên đã được đầu tư vào F trở thành phần vốn góp. Số tiền đó đã chuyển sở hữu choF theo các quy định trên. Sau đó, F dùng tài sản của mình để mua cà phê và bán cho O. Như vậy, số lượng cà phê mà F đã bán cho O không phải và không thể là tài sản nhà nước.
Trong Đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm theo, F cho rằng toàn bộ vốn mà F bỏ ra mua cà phê để giao cho O là đi vay từ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) nên mới yêu cầu O phải trả tiền lãi chậm thanh toán phát sinh là 1.809.139.212 đồng. Như vậy F đã xác nhận vốn màF mua cà phê là vốn đi vay ngân hàng, không phải là từ Tổng công ty thuốc lá Vcấp hay từ nhà nước cấp.
Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
+ Bị đơn cho rằng Bản án sơ thẩm áp dụng Điều 19 Hợp đồng cà phê Châu Âu (ECC) và căn cứ Điều 160 Bộ Luật Dân Sự “Yêu cầu hoàn trả tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước”là hoàn toàn sai lầm. Nguyên đơn không nhất trí với quan điểm này vì các lý lẽ sau:
Trên thực tế, giá trị 114,775 tấn cà phê mà Công tyF đã giao cho bị đơn ngày 21-12-2010 theo hợp đồng số 10/P/03408/A là 178.589,90 USD trừ 48.589,64 bị đơn đã thanh toán cho F ngày 29-12-2010 thì bị đơn vẫn còn nợ tiền mua hàng theo hợp đồng này là 130.000,26 USD. Việc này không phù hợp Điều 19 (e) của hợp đồng cá phê Châu Âu phiên bản 2007 và quy định về nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng của người mua theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Thương Mại 2005 cũng như thông lệ của việc mua bán hàng hóa nói chung.
Mặc dù phương thức giao hàng là FOB nhưng không vì thế làm mất đi quyền được thanh toán tiền bán hàng của bên bán hay loại bỏ nghĩa vụ trả tiền mua hàng của bên mua. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 19 (e) hợp đồng cà phê Châu Âu là hoàn toàn có cơ sở.
Công ty F là doanh nghiệp Nhà nước. Điều này thể hiện rất rõ trên Giấy phép của Công ty. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 160 Bộ Luật Dân Sự 2005 là hoàn toàn có cơ sở.
+ Bị đơn cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ yêu cầu phản tố của bị đơn là hoàn toàn sai lầm. Nguyên đơn không nhất trí với quan điểm này vì các lý lẽ sau:
Theo quy định tại Điều 319 Luật Thương Mại 2005 thì thời hiệu khởi kiện tranh chấp thương mại là 02 năm tính từ ngày Công ty F không giao hàng là ngày 05-12- 2010. Thời điểm bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố là ngày 21-01-2016 là đã vượt quá 02 năm.
Theo quy định về thời hạn thanh toán thì bị đơn cũng đã vi phạm vì sau khi nhận hàng vào ngày 21-9-2010, nhận bộ chứng từ ngày 29-9-2010, bị đơn vẫn chưa thanh toán 130.000,26 USD mà lẽ ra bị đơn phải thanh toán tiền mua hàng chậm nhất ngày 25-9-2010. Như vậy, mặc dù Công ty F có chậm giao hàng theo thỏa thuận nhưng việc bị đơn vẫn nhận hàng và trả một phần tiền hàng đã xác định được bị đơn đã chấp nhận việc giao hàng chậm này. Do bị đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán là nguyên nhân dẫn tới việc Công tyF không tiếp tục giao hàng như đã thỏa thuận.
Do đó, nguyên đơn không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.
3) Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm - Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án:
Thẩm phán, Hội đồng xét xử và thư ký đã thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 kể từ khi thụ lý cho đến trước khi nghị án.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đúng thành phần; tiến hành xét xử phúc thẩm trong phạm vi thẩm quyền.
Các đương sự chấp hành qui định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
- Về nội dung:
Theo qui định tại Điều 19(e) Hợp đồng cà phê Châu Âu thì cafe vẫn thuộc quyền định đoạt của bên bán cho đến khi nào nó được thanh toán đầy đủ, ngay cả khi bên bán đã giao hàng hoặc đã giao chứng từ.
Công ty TPMBlà doanh nghiệp Nhà nước. Theo qui định tại Luật quản lý và sử dụng tài sản công, thì: “ Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thông nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.” Theo đó, tài sản Nhà nước giao cho doanh nghiệp là tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp. Căn cứ khoản 1 Điều 160 Bộ luật Dân sự 2005 thì không áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu hoàn trả tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Do đó, Tòa án thụ lý giải quyết đối với yêu cầu đòi tài sản của nguyên đơn là phù hợp qui định của pháp luật.
Bị đơn có yêu cầu phản tố, do hết thời hiệu nên Tòa án đình chỉ giải quyết là phù hợp qui định của pháp luật.
Án sơ thẩm xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TPMBlà phù hợp với các tài liệu, tình tiết thể hiện trong hồ sơ vụ án.
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng Dân sự, đề nghi Hội đồng xét xử: Chấp nhận kháng cáo; y án sơ thẩm
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa; nghe trình bày và tranh luận của đương sự và luật sư; nghe ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] - Đơn kháng cáo của Công ty O gửi cho Tòa án trong thời hạn qui định của pháp luật nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] - Về nội dung kháng cáo:
[2.1]- Khoản 2 điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 qui định: “Tòa án chỉ áp dụng qui định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc”. Hồ sơ vụ án thể hiện cả nguyên đơn và bị đơn đều có yêu cầu xem xét về thời hiệu khởi kiện của nguyên đơn và thời hiệu yêu cầu phản tố của bị đơn.
Xem xét về thời hiệu yêu cầu khởi kiện và yêu cầu phản tố, Hội đồng xét xử nhận thấy:
Hợp đồng số 10/P/03408/A ngày 09-9-2010 ký giữa Công ty TPMBvà Công ty O có một số thỏa thuận như sau:
Đối tượng mua bán: Cà phê Robusta loại 2, 100% vụ mùa mới (2010-2011);
Giá được xác định theo giá cà phê tại thị trường đầu mối Luân Đôn vào tháng 1-2011 trừ đi 124USD mỗi tấn (được xem như phần chênh lệch), theo điều kiện mua bán FOB tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Việc thanh toán sẽ được trả trực tiếp vào tài khoản của người bán thông qua ngân hàng trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày xuất trình chứng từ Quyền sở hữu hàng hóa được chuyển từ người bán sang người mua theo điều kiện FOB như được định nghĩa trong các điều khoản thương mại quốc tế Incoterms; Người bán có nghĩa vụ đối với hàng hóa cho đến khi giao vào kho do người mua chỉ định (nếu người bán được yêu cầu giao hàng vào kho); Phiếu nhập kho hợp pháp do người mua hoặc đại diện của người mua ký phát sẽ là bằng chứng về việc giao hàng. Người mua là bên duy nhất sẽ gánh chịu mọi rủi ro đối với hàng trong kho theo chỉ định của người mua; Người bán sẽ có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục thông quan xuất khẩu theo chỉ định của người mua.
Ngày 17-9-2010, Công ty O đã gửi xác nhận chốt giá và đã được Công tyF chấp thuận.
Theo trình bày của các bên thì ngày 21-12-2010, Công tyF đã giao 114,775 tấn cà phê (tính theo khối lượng tịnh) vào kho ngoại quan số A.1- Transimex theo hướng dẫn của Công ty O với tổng giá trị là 178.589,90 USD. Đồng thời. Ngày 22-12-2010 Công tyF giao bộ chứng từ cho Văn phòng đại diện O tại Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, thời hạn thanh toán theo thỏa thuận được xác định là ngày 25-12-2010.
Theo hồ sơ vụ án thì Đơn khởi kiện của nguyên đơn đề ngày 12-5-2014, đóng tạm ứng án phí ngày 13-5-2014 và được Tòa án nhân dân Quận X thụ lý ngày 13-5-2014. Điều 319 Luật Thương Mại 2005 qui định: “Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm...”. Như vậy, nếu căn cứ qui định của Lật Thương mại thì thời hiệu khởi kiện của Công tyF đã hết.
[2.2]- Điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03- 12-2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thì: Trường hợp tài sản của Nhà nước được Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước, góp vốn trong các doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư của các chủ sở hữu khác theo qui định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư mà doanh nghiệp được quyền tự chủ chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản và chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với tài sản đó trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thì khi có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đối với tài sản đó, Tòa án tiến hành hòa giải để các bên đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án theo thủ tục chung.”. Tòa án sơ thẩm đã tiến hành thủ tục hòa giải để các bên thương lượng nhưng không thành nên đã đưa vụ án ra xét xử. Việc bị đơn nợ tiền mua cà phê của nguyên đơn chưa được các bên đối chiếu công nợ được xác định là tranh chấp hợp đồng mua bán và phải được xem xét thời hiệu khởi kiện khi có yêu cầu và không thuộc trường hợp đòi lại tài sản Nhà nước .
[2.3]- Tại phiên tòa phúc thẩm, các bên xác định đồng ý chọn Tòa án Việt Nam giải quyết tranh chấp và áp dụng pháp luật Việt Nam.
Khi ký Hợp đồng số 10/P/03408/A ngày 09-9-2010 các bên thỏa thuận tại Điều 7 về “chuyển giao quyền sở hữu” được coi là các bên sẽ không áp dụng qui định tại Điều 19 (e) Hợp đồng Cà phê Châu Âu Điều 7 các bên thỏa thuận quyền sở hữu hàng hóa được chuyển từ người bán sang người mua theo điều kiện FOB (giao lên tàu): Điều kiện này chỉ qui định người mua phải chịu tất cả chi phí và rủi ro về mất mát hoặc hư hại đối với hàng hóa kể từ sau khi hàng hóa đã giao qua lan can tàu tại cảng bốc hàng qui định, điều kiện này không qui định về chuyển giao quyền sở hữu.
Điều 7 các bên cũng thỏa thuận người bán có nghĩa vụ đối với hàng hóa cho đến khi giao vào kho do người mua chỉ định, bên mua là bên duy nhất gánh chịu mọi rủi ro đối với hàng trong kho, nội dung thỏa thuận này cũng không rõ ràng về chuyển giao quyền sở hữu.
Do các bên thỏa thuận không rõ ràng về chuyển giao quyền sở hữu nên áp dụng Điều 62 Luật thương mại xác định: Thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa từ bên bán (Công ty TPMB) sang bên mua (Công ty O) kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển vào kho của bên mua. Như vậy, từ khi cà phê được lưu giữ tại kho do bên mua chỉ định thì đã thuộc quyền sở hữu của Công ty O và Công ty O có nghĩa vụ phải thanh toán giá trị hàng hóa đã thỏa thuận cho bên bán. Tuy nhiên, do nguyên đơn gửi đơn kiện quá thời hạn qui định về thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm nên thời hiệu khởi kiện đã hết.
[2.4]- Về yêu cầu phản tố của bị đơn:
Theo quy định tại Điều 319 Luật Thương Mại 2005 thì thời hiệu khởi kiện tranh chấp thương mại là 02 năm tính từ khi bị đơn biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Theo bị đơn trình bày thì từ ngày 13-4-2011 đến ngày 16- 5-2011, Công ty O đã mua hàng từ các nhà nhập khẩu khác với số lượng 403,2 tấn cà phê để bù vào số lượng hàng mà Công tyF đã không giao theo 4 hợp đồng còn lại. Như vậy, thời gian này được tính là thời điểm quyền lợi của Công ty O bị vi phạm, nhưng Đơn phản tố của Công ty O đề ngày 21-01-2016 và đến ngày 14-11-2016 mới đóng tạm ứng án phí là quá thời hiệu phản tố theo qui định.
Vì vậy, Tòa án sơ thẩm đình chỉ xét xử đối với yêu cầu phản tố của bị đơn là có căn cứ.
Với những nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm: Hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án.
Không chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
V- Về án phí:
1) Án phí sơ thẩm:
Do yêu cầu khởi kiện và yêu cầu phản tố bị đình chỉ giải quyết do hết thời hiệu khởi kiện nên nguyên đơn và bị đơn được nhận lại tạm ứng án phí đã nộp.
2) Án phí phúc thẩm:
Do hủy bản án sơ thẩm nên đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ nêu trên;
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng Khoản 4 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015,
I- Chấp nhận kháng cáo của Công ty O, Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 2422/2017/KDTM-ST ngày 29-12-2017 của Toà án nhân dân Quận X Thành phố Hồ Chí Minh, đình chỉ giải quyết vụ án đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại, giữa:
Nguyên đơn: Công ty MB Tên cũ: Công ty TPMB Địa chỉ: 14 M, phường V, quận Hai bà Trưng, Thành phố H
Bị đơn: Công ty O Địa chỉ: 9 T, ≠11-02 S, Singapore 038989
Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh: Phòng 01-B, Lầu 10, Tòa nhà AB số 76 Lê Lai, phường B, Quận X.
II- Về án phí:
1) Án phí sơ thẩm:
Công ty MB (tên cũ: Công ty TPMB) được nhận lại tạm ứng án phí đã nộp 56.386.120 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AB/2012/05001 ngày 13-5-2014 của Chi cục Thi hành án Dân sự Quận X Thành phố Hồ Chí Minh .
Công ty O được nhận lại tạm ứng án phí đã nộp 57.465.046 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2014/0004697 ngày 14-11-2016 của Chi cục Thi hành án Dân sự Quận X Thành phố Hồ Chí Minh.
2) Án phí phúc thẩm:
Công ty O được nhận lại tạm ứng án phí đã nộp 2.000.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2017/0022592 ngày 15-01-2018 của Chi cục Thi hành án Dân sự Quận X Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc thi hành án được thi hành tại cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.
Bản án về đòi tài sản, yêu cầu bồi thường thiệt hại số 989/2018/KDTM-PT
Số hiệu: | 989/2018/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 01/11/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về