Bản án 88/2021/HS-PT ngày 27/01/2021 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 88/2021/HS-PT NGÀY 27/01/2021 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 27 tháng 01 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 409/2020/TLPT-HS ngày 25 tháng 8 năm 2020 đối với bị cáo Trương Văn T, Trần Quang D, Hà Vương Q; Do có kháng cáo của các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2020/HSST ngày 13 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An.

- Bị cáo:

1/. Trương Văn T, sinh năm 1978; Nơi cư trú: ấp H, xã H1, huyện L, tỉnh Vĩnh Long; Chỗ ở hiện nay: ấp T, xã T1, thành phố V, tỉnh Vĩnh Long; Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: Kinh doanh; Dân tộc: Kinh; Q tịch: Việt Nam; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Con ông: Trương Văn Bé Ch và bà Võ Thị L; Có vợ là Phạm Trần Như Y (đã ly hôn) và có hai con (lớn sinh năm: 2010, nhỏ sinh 2014); Tiền án, tiền sự: Không; Bị bắt tạm giam từ ngày 31/7/2014. (có mặt) Người bào chữa cho bị cáo Trương Văn T: Luật sư Lưu Tấn Anh T – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. (có mặt)

2/. Trần Quang D, sinh năm 1961; Nơi cư trú: đường Ph, Phường 9, Quận 8, Thành phổ Hồ Chí Minh; Trình độ học vấn: 10/12; Nghề nghiệp: Thợ máy; Dân tộc: Kinh; Q tịch: Việt Nam; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Con ông Trần Văn Nh và bà Nguyễn Thị O; Có vợ là Tống Thị Thanh V và có 03 con (lớn nhất sinh năm 1990, nhỏ nhất sinh năm 2008); Tiền án, tiền sự: Không; Bị bắt tạm giam từ ngày 06/02/2019. (có mặt)

3/. Hà Vương Q, sinh năm 1977; Nơi cư trú: đường Q, Phường 10, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh; Chỗ ở hiện nay: ấp Th, xã Th1, huyện H, Thành phố Hồ Chí Minh; Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: Làm thuê; Dân tộc: Kinh; Q tịch: Việt Nam; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Con ông Hà Nhứt Th và bà Nguyễn Thu Ng; Có vợ là Nguyễn Thị Minh Ng và có 02 con chung (lớn sinh năm 2003 và nhỏ sinh năm 2013); Tiền án, tiền sự: Không; Bị bắt tạm giam từ ngày 10/12/2014. (có mặt) Người bào chữa cho bị cáo Trần Quang D, Hà Vương Q: Luật sư Nguyễn Bá T - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. (có mặt) - Bị hại: Công ty cổ phần E; Địa chỉ: Cụm công nghiệp L, ấp 4, xã L1, huyện C, tỉnh Long An.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Joanna Renata K - Chức vụ Tổng giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Quang H, sinh 1974; Nơi cư trú: đường L2, phường Th, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. (có mặt) - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo: Công ty cổ phần thủy sản N.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Ngô Đăng Q – Chức vụ: Tổng giám đốc. mặt) Địa chỉ: khu công nghiệp S, xã T, huyện L, tỉnh Đồng Tháp.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị Uyên U, sinh năm 1983. (có Địa chỉ: cư xá C, Phường 26, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty cổ phần thủy sản N:

Luật sư Nguyễn Thanh S – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. (có mặt)

(Trong vụ án còn có 10 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác không kháng cáo, Tòa án không triệu tập)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trương Văn T thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn, thương mại dịch vụ T (gọi tắt là Công ty T) vào ngày 19/6/2009, ngành nghề kinh doanh Sản xuất giống thủy sản, mua bán thức ăn thủy sản, nguyên liệu chế biến thức ăn thủy sản, chế biến và mua bán các loại sản phẩm từ thủy sản do T làm giám đốc.

Công ty T hoạt động kinh doanh không hiệu quả, đến tháng 6/2012 không còn vốn kinh doanh, không có tài sản để thế chấp ngân hàng vay vốn kinh doanh và đang nợ Ngân hàng thương mại cổ phần N chi nhánh Vĩnh Long số tiền gần 1.300.000.000 đồng, bằng việc thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất của ông Trần Văn B, ngụ ấp Tr, xã Tr1, huyện Tr2, tỉnh Vĩnh Long và bà Trương Thị Bích L, ngụ ấp M, xã Tr3, huyện V1, tỉnh Vĩnh Long.

Hành vi làm chứng thư bảo lãnh giả số 0039-12/TBL-HBT ngày 22/8/2012 do Hội sở Ngân hàng A phát hành, giá trị 20 tỷ đồng, lừa đảo chiếm đoạt 19.998.171.000đ của Công ty E.

Thông qua các mối quan hệ làm ăn, T biết Công ty cổ phần E (gọi tắt là Công ty E), địa chỉ: xã L1, huyện C, tỉnh Long An, sản xuất thức ăn nuôi cá đạt chất luợng và bán hàng với hình thức thế chấp hoặc tín chấp nên T chủ động liên lạc với Trần Văn C là Phó giám đốc kinh doanh phụ trách khu vực miền Tây của Công ty E. T mời C đến Công ty T và đặt vấn đề muốn mua thức ăn thủy sản của Công ty E bằng hình thức thế chấp hoặc tín chấp, C cho T biết là Công ty E chỉ bán hàng lấy tiền mặt hoặc bán hàng thanh toán bằng chứng thư bảo lãnh ngân hàng, nếu T có tiền hoặc được ngân hàng bảo lãnh mua hàng thì C sẽ trình bày với Ban giám đốc Công ty E, ký kết hợp đồng mua bán thức ăn thủy sản với T.

T biết được Trần Quang D là người làm giả các chứng thư bảo lãnh thanh toán của ngân hàng, nên T chủ động liên hệ gặp và nhờ Trần Quang D làm cho T chứng thư giả để T sử dụng mua thức ăn thủy sản của Công ty E. Những lần đầu, D không đồng ý làm chứng thư giả vì sợ bị T tố cáo, nhưng do nhiều lần T thuyết phục thì D đồng ý làm cho T chứng thư giả, giá trị 20.000.000.000 đồng và thỏa thuận tiền công làm chứng thư giả là 10% giá trị hàng hóa mà T nhận được bằng chứng thư giả, T trả tiền công làm chứng thư giả cho D sau từng đợt nhận được hàng hóa từ Công ty E, nếu chứng thư giả không được bên bán hàng chấp nhận thì T không phải trả tiền công cho D. T đưa cho Hà Vương Q các thông tin về hợp đồng mua bán và pháp nhân Công ty T, Q đưa D soạn thảo nội dung chứng thư giả.

Sau khi được Trần Quang D đồng ý làm chứng thư giả, giá trị 20 tỷ đồng, T liên hệ và thông tin cho Trần Văn C biết có ngân hàng đồng ý phát hành chứng thư bảo lãnh, giá trị 20.000.000.000 đồng cho T và đề nghị C báo cáo với lãnh đạo Công ty E ký kết hợp đồng bán thức ăn thủy sản cho Công ty T, C đồng ý.

Ngày 14/8/2012, Công ty E và Công ty T ký kết hợp đồng mua bán số 23/HĐMB-2012, với hình thức trả chậm 60 ngày/hóa đơn. Sau đó, T giao hợp đồng mua bán số 23/HĐMB-2012 ngày 14/8/2012, giữa Công ty E và Công ty T cho Q cùng với hồ sơ pháp nhân Công ty T, để Q đưa cho D soạn thảo nội dung và làm ra chứng thư giả theo như T và D đã bàn bạc, thỏa thuận trước đó.

Khoảng ngày 20 đến 21/8/2012, D làm xong chứng thư giả, ghi số 0039- 12/TBL-HBT ngày 22/8/2012, có nội dung: “Hội sở Ngân hàng A chấp thuận phát hành một bảo lãnh thanh toán cho Công ty cổ phần E với giá trị là 20.000.000.000 đồng, để bảo lãnh cho Công ty TNHH TM-DV T thực hiện các nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng mua bán số 23/HĐMB-2012 ký ngày 14/8/2012, giữa Công ty cổ phần E và Công ty TNHH TM-DV T. Thư bảo lãnh này có hiệu lực kể từ ngày 22/8/2012 đến hết ngày 22/8/2013. D kêu Q điện thoại thông báo cho T biết đã làm xong chứng thư, T hẹn trưa hôm sau gặp tại nhà hàng H, Phường 4, Thành phố V. Khi đến nhà hàng H, Q đưa chứng thư giả cho T, T đưa cho C xem. C dùng điện thoại chụp ảnh chứng thư gửi mail về bộ phận kế toán của Công ty E để kiểm tra, khoảng 15 phút sau, bộ phận kế toán của Công ty E điện thoại thông báo cho C biết chứng thư bị sai tên giám đốc Công ty E nên C trả chứng thư cho Q đem về sửa lại.

Khoảng ba ngày sau, D sửa xong chứng thư giả và đưa cho Q liên hệ giao cho T. Q điện thoại báo T biết chứng thư đã sửa xong, T hẹn Q và C đến nhà hàng H để giao chứng thư. Sau đó, Q một mình mang chứng thư giả ghi số 0039- 12/TBL-HBT ngày 22/8/2012, do Hội sở Ngân hàng A phát hành, giá trị 20.000.000.000 đồng xuống nhà hàng H đưa T, T đưa lại cho C chụp ảnh chứng thư gửi mail cho chị Nguyễn Thị K bộ phận kế toán của Công ty E kiểm tra chứng thư. Sau khi kiểm tra nội dung trên chứng thư, bộ phận kế toán của Công ty E điện thoại báo cho C biết chứng thư hợp lệ về nội dung nên C nhận chứng thư đem về Công ty E.

Thực hiện hợp đồng mua bán số 23/HĐMB-2012 ngày 14/8/2012 giữa Công ty E với Công ty T, bằng chứng thư giả, ghi số 0039-12/TBL-HBT ngày 22/8/2012 do Hội sở Ngân hàng A phát hành, giá trị 20.000.000.000 đồng. Từ ngày 23/8/2012 đến ngày 13/10/2012, Công ty E đã giao 1.732.320 kg thức ăn thủy sản, tương đương số tiền 19.998.171.000 đồng cho Công ty T theo đơn đặt hàng của T. Nhận được thức ăn T bán lỗ phần lớn thức ăn thủy sản nhận của Công ty E ra thị trường để thu tiền mặt sử dụng vào mục đích cá nhân, số ít còn lại T đầu tư vào vùng nuôi và không có khả năng thanh toán nợ cho Công ty E.

Hành vi làm chứng thư bảo lãnh giả số 0079-12-TBL-HĐQT ngày 19/10/2012 để lừa đảo chiếm đoạt của Công ty E 17.755.386.700đ.

Do không khả năng thanh toán nợ của chứng thư bảo lãnh giả 0039- 12/TBL- HBT, sợ bị phát hiện sẽ bị xử lý. Đầu tháng 9/2012, T gặp và nói với Trần Văn C là muốn mua thêm thức ăn thủy sản của Công ty E để đầu tư vào vùng nuôi, C nói nếu được ngân hàng bảo lãnh thì C sẽ tác động với Ban giám đốc Công ty E ký hợp đồng bán thức ăn thủy sản cho T. Thời điểm này T nhận thức ăn hết hạn mức của chứng thư giả ghi số 0039-12/TBL-HBT ngày 22/8/2012 và T chưa thanh toán tiền cho Công ty E, lo sợ việc Công ty E thu hồi nợ từ ngân hàng sẽ phát hiện chứng thư bảo lãnh là giả và nếu tiếp tục làm chứng thư giả mà ghi do Ngân hàng A phát hành cho Công ty T thì T sợ bị Công ty E phát hiện chứng thư giả và ngưng cung cấp thức ăn thủy sản cho T. T nảy sinh ý định dùng pháp nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn T1 (viết tắt Công ty T1), do Huỳnh Văn Thanh T1, sinh năm 1978, ngụ tổ 13, ấp H, xã H1, huyện L, tỉnh Vĩnh Long thành lập và làm Giám đốc, ký hợp đồng mua thức ăn thủy sản của Công ty E bằng chứng thư giả. T đề nghị Huỳnh Văn Thanh T1 dùng pháp nhân Công ty T1 ký hợp đồng mua thức ăn thủy sản của Công ty E bằng chứng bảo lãnh thanh toán giúp T, tất cả thủ tục giấy tờ đều do T làm, nhưng T1 không đồng ý, tuy nhiên T nhiều lần thuyết phục thì T1 đồng ý. Ngày 13/9/2012, T và T1 đến Phòng đăng ký kinh doanh, thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 3 cho Công ty T1, gồm 02 thành viên là Huỳnh Văn Thanh T1 và Trương Văn T, T1 làm người đại diện theo pháp luật của Công ty với tư cách là Giám đốc, trong đó Trương Văn T góp vốn vào Công ty T1 số tiền 2.500.000.000 đồng, trong khi vốn điều lệ của Công ty là 1.000.000.000 đồng nên T nắm quyền chi phối trong hoạt động kinh doanh của Công ty T1. Công ty bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh về lĩnh vực thủy sản, như mua bán thức ăn và nguyên liệu làm thức ăn cho thủy sản,...

Sau khi thuyết phục được T1 và thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 3 cho Công ty T1, T gặp và yêu cầu Trần Quang D làm tiếp chứng thư giả thứ 2 của ngân hàng khác, giá trị từ 20.000.000.000 đồng đến 30.000.000.000 đồng, để T mua thức ăn thủy sản của Công ty E, nếu D không làm tiếp chứng thư giả thứ 2 thì T không có tiền trả cho Công ty E, phía Công ty E sẽ đến ngân hàng phát hành chứng thư giả đòi tiền theo như cam kết trong chứng thư, ngân hàng sẽ phát hiện chứng thư giả. Sau vài lần thuyết phục, D đồng ý làm cho T chứng thư giả thứ 2, giá trị 30.000.000.000 đồng, cách thức lấy thông tin và trả tiền công làm chứng thư giả cho D cũng như lần trước.

Sau khi D đồng ý làm chứng thư giả thứ 2, giá trị 30.000.000.000 đồng, T liên hệ gặp Trần Văn C và yêu cầu Huỳnh Văn Thanh T1 ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa số 32/HĐMB-2012 ngày 16/10/2012, giữa Công ty E và Công ty T1, giá trị hợp đồng 30.000.000.000 đồng. Sau đó, T đưa hợp đồng mua bán số 32/HĐMB-2012 ngày 16/10/2012 và thông tin Công ty T1 cho Hà Vương Q mang về giao cho D soạn thảo nội dung và in bản thảo chứng thư giả ghi “Bảo lãnh thanh toán số 0079 -12-TBL-HĐQT chưa có ngày, tháng 10 năm 2012 của Ngân hàng K phát h à n h … D đưa cho Q dùng Ipad chụp lại và sử dụng địa chỉ email: nguyenquy 123 789@yahoo.com gửi vào địa chỉ email: kieu.nguventhi@E.com của chị Nguyễn Thị K, kế toán Công ty E, lúc 10 giờ 00 ngày 19/10/2012, Q nhờ chị K kiểm tra nội dung bản thảo chứng thư có sai sót gì không. Sau khi kiểm tra xong, chị K gửi email trả lời cho Q lúc 12 giờ 51 phút cùng ngày là: Nội dung thư bảo lãnh được rồi, chỉ có tên Tổng giám đốc công ty bị sai cần sửa lại: “Rune Carl Vamraak”. Sau đó, Q báo lại cho D biết chứng thư bị sai tên Tổng giám đốc Công ty E cần sửa lại.

Sau khi sửa tên Tổng giám đốc Công ty E, D in chứng thư giả ghi “Số 0079 -12-TBL-HĐQT ngày 19/10/2012 do Hội sở Ngân hàng K (T) phát hành bảo lãnh thanh toán cho Công ty Cổ phần E, giá trị 30.000.000.000 đồng, để bảo lãnh cho Công ty T1 thực hiện các nghĩa vụ thanh toán của mình theo hợp đồng mua bán số 32/HĐMB-2012 ngày 16/10/2012, giữa Công ty E và Công ty T1. Ngân hàng cam kết thanh toán cho bên nhận bảo lãnh khoản tiền không vượt quá 30 tỷ đồng ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu của bên nhận bảo lãnh kèm theo hóa đơn giao hàng và các chứng từ nợ mà bên được bảo lãnh chưa thanh toán. Thư bảo lãnh này có hiệu lực kể từ ngày 19/10/2012 đến ngày 19/10/2013...”. D đưa Q đem giao cho T, Q điện thoại báo cho T biết, T hẹn Q, Huỳnh Văn Thanh T1 và Trần Văn C cùng đến nhà hàng H, Phường 4, thành phố V để giao nhận chứng thư. Q một mình mang chứng thư giả đưa cho T, T đưa T1 và C xem. Lúc này là khoảng 17 giờ 22 phút ngày 19/10/2012, C chụp ảnh chứng thư gửi mail cho chị Nguyễn Thị K với nội dung yêu cầu K “gọi điện thoại lên hội sở kiểm tra”. Sáng hôm sau, K điện thoại vào số (08) 66754990 ghi trên chứng thư, thì gặp người nữ nói giọng Bắc, xác nhận là ngân hàng vừa mở chứng thư bảo lãnh cho Công ty T1, với số tiền 30.000.000.000 đồng, do giám đốc Nguyễn Thị Mai L ký. Sau đó, K thông báo cho C kết quả kiểm tra chứng thư bảo lãnh hợp lệ về nội dung, C nhận chứng thư bảo lãnh đem về công ty để thực hiện hợp đồng đã ký kết với Công ty T1. Từ ngày 20/10/2012 đến ngày 29/11/2012, theo yêu cầu của T, Huỳnh Văn Thanh T1 đại diện Công ty T1 ký và gửi 34 đơn đặt hàng cho Công ty E để nhận 1.544.565 kg thức ăn, thành tiền là 17.755.386.700 đồng. Toàn bộ số thức ăn này T cho nhân viên của Công ty T đến Công ty E nhận dưới danh nghĩa Công ty T1 đem về Công ty T cho T quản lý, sử dụng. T đem bán hết số hàng này ra thị trường, với giá thấp hơn giá mua của Công ty E và lấy tiền sử dụng vào mục đích cá nhân mà không thanh toán nợ cho Công ty E. Công ty E gửi văn bản đến các ngân hàng đã phát hành chứng thư bảo lãnh yêu cầu thanh toán tiền theo như cam kết trong chứng thư, thì được ngân hàng thông báo là không phát hành chứng thư bảo lãnh thanh toán cho Công ty T và Công ty T1 nên không có trách nhiệm thanh toán cho Công ty E. Lúc này, Công ty E không giao thức ăn thủy sản cho Công ty T1 và yêu cầu T, T1 thanh toán tiền mua hàng.

Do muốn chiếm đoạt thêm thức ăn thủy sản của Công ty E, T đề nghị Công ty E tiếp tục giao thức ăn thủy sản cho T, nếu Công ty E không cung cấp thêm thức ăn để T cung cấp cho khách hàng tiếp thì khách hàng sẽ không trả tiền cho T, T không có tiền trả cho Công ty E. Đồng thời, T thế chấp cho Công ty E giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BH 022600, diện tích 332.768m2 do Ủy ban nhân dân thị xã T3, tỉnh An Giang cấp cho ông Nguyễn An Kh, sinh năm 1962, ngụ: ấp 2, xã M, huyện C Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và ông Kh đã ủy quyền cho Huỳnh Văn Thanh T1 toàn quyền quyết định vào ngày 10/12/2012, để Công ty E tin tưởng T và T1 có khả năng trả nợ và tiếp tục giao thức ăn thủy sản cho T. Tin lời trình bày của T, ngày 14/12/2012, Công ty E ký văn bản thỏa thuận bảo đảm việc thanh toán nợ với Huỳnh Văn Thanh T1 bằng việc thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Kh đã ủy quyền cho T1. Từ ngày 15/12/2012 đến ngày 29/12/2012, Công ty E đã xuất bán cho Công ty T1 tổng cộng 196.425 kg thức ăn thủy sản, với tổng số tiền 2.306.181.250 đồng, theo 05 đơn đặt hàng do Huỳnh Văn Thanh T1 đại diện Công ty T1 ký theo yêu cầu của T. T cho nhân viên của Công ty T đến Công ty E nhận toàn bộ số thức ăn thủy sản này dưới danh nghĩa Công ty T1 đem về Công ty T, T đã bán phần lớn số thức ăn thủy sản này cho các hộ nuôi cá, với giá thấp hơn giá mua của Công ty E, để lấy tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, số ít còn lại T đầu tư vào một số hộ nuôi cá.

Tổng số thức ăn thủy sản mà T nhận được của Công ty E qua 02 hợp đồng mua bán giữa Công ty E với Công T và Công ty T1, bằng 02 chứng thư giả là 3.473.310 kg thức ăn, thành tiền 40.059.738.950 đồng. T đã trả cho Công ty E số tiền 6.378.940.697 đồng, số tiền này T trả cho họp đồng của Công ty T mua hàng của Công ty E, chủ yếu T trả một vài hóa đơn đầu tiên đến hạn thanh toán (60 ngày/hóa đơn, kể từ ngày xuất hóa đơn), để Công ty E không đến ngân hàng yêu cầu thanh toán tiền theo chứng thư bảo lãnh và tiếp tục giao thức ăn thủy sản theo đơn đặt hàng của Công ty T và Công ty T1. T chiếm đoạt của Công ty E số tiền còn lại là 33.680.798.253 đồng, ngày 17/12/2013, đại diện Công ty E đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An tố cáo yêu cầu xử lý hành vi của Trương Văn T.

Qua điều tra xác định: Tổng số 3.473.310 kg thức ăn thủy sản nhận của Công ty E, T đã sử dụng như sau:

- Bán thức ăn thủy sản không lấy tiền mà lấy cá khoảng 36 tấn thức ăn.

- Đầu tư cho các hộ chăn nuôi để lấy cá xuất khẩu khoảng 350 tấn, nhưng do chăn nuôi không hiệu quả nên họ không trả nợ đủ cho T với tổng số tiền là 770.000.000 đồng, gồm:

1/. Ông Dương Văn B, sinh năm 1957, ngụ ấp P, xã A, huyện M, tỉnh Vĩnh Long khoảng 55 tấn, còn nợ T 340.000.000 đồng.

2/. Ông Lê Hùng D, sinh năm 1972, ngụ ấp P1, xã A, huyện M, tỉnh Vĩnh Long khoảng 155 tấn, còn nợ T 75.000.000 đồng.

3/. Ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1963, ngụ ấp T, xã C, huyện M, tỉnh Vĩnh Long khoảng 90 tấn, còn nợ T 80.000.000 đồng.

4/. Ông Huỳnh Tấn Th, sinh năm 1965, ngụ ấp T, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp khoảng 30 tấn, còn nợ T 110.000.000 đồng.

5/. Ông Cao Văn S, sinh năm 1958, ngụ ấp A1, xã A2, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp khoảng 10 tấn, còn nợ T 55.000.000 đồng.

6/. Ông Cao Văn S1, sinh năm 1961, ngụ ấp A1, xã A2, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp khoảng 10 tấn, còn nợ T 110.000.000 đồng.

- Cho mượn thức ăn thủy sản hoặc cấn trừ nợ khoảng 74 tấn, gồm: Cho ông Đỗ Thanh Ph, sinh năm 1960, ngụ: đường 14/9, Phường 5, Thành phố V mượn 26 tấn, nhưng ông Ph không thừa nhận; cấn trừ nợ với ông Trương Minh Kh (không xác định được địa chỉ) 48 tấn.

- T bán thức ăn lỗ giá hơn 2.750 tấn để lấy tiền sử dụng mục đích cá nhân, như sau:

1/. Chuyển khoản trả tiền công làm chứng thư giả cho Trần Quang D số tiền 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, T còn trình bày đưa tiền mặt cho D khoảng 3.700.000 đồng nhưng D không thừa nhận.

2/. T chi bồi dưỡng cho Hà Vương Q số tiền 300.000.000 đồng, nhưng Q không thừa nhận.

3/. T góp vào Công ty T1 2.500.000.000 đồng.

4/. Đặt cọc 1.300.000.000 đồng mua quyền sử dụng đất của ông Nguyễn An Kh.

5/. T khai đã đầu tư góp vốn tiền mặt vào Công ty cổ phần thủy sản N 5.800.000.000 nhưng qua điều tra xác định T có đầu tư bằng tiền mặt (trả nợ cho Công ty N tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Đồng Tháp) 2.501.405.400 đồng, số còn lại không có tài liệu chứng minh.

6/. Chi 2.000.000.000 đồng trả lương nhân viên và chi phí hoạt động của Công ty T.

7/. Trả cho Công ty E số tiền 6.378.940.697 đồng.

8/. Số còn lại, T khai đã tiêu xài cá nhân hết.

Theo sổ sách công ty, từ tháng 12/2012 đến tháng 3/2013, Công ty T xuất khẩu cá tra thu được 4.300.000.000 đồng, hóa đơn xuất khẩu là 716.410 USD tương đương số tiền 14.328.020.000 đồng, nhưng T chỉ trả cho Công ty E số tiền 6.378.940.697 đồng.

Quá trình điều tra, từ khi khởi tố vụ án đến sau khi trả hồ sơ để điều tra lại, T khai có đầu tư số tiền 9.200.000.000 đồng vào hợp tác xã L, do Trương Quốc Th, sinh năm 1972, ngụ ấp P, xã L, huyện L, tỉnh Vĩnh Long làm chủ nhiệm, để đào ao nuôi cá giống. Ngày 18/01/2019, Cơ quan điều tra làm việc, ông Th thừa nhận có ký hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh và các biên nhận tiền với T, với tổng số tiền 9.200.000.000 đồng, nhưng thực tế ông Th không có nhận tiền của T. Qua điều tra, thì T khai do bán lô giá thức ăn thủy sản của Công ty E không có tài liệu chứng minh nên T làm giả hợp đồng đầu tư và các biên nhận tiền đưa Trương Quốc Th ký tên, để chứng minh cho khoản lỗ. Thực tế không có khoản đầu tư này.

Đối với diện tích 332.768m2 đất của ông Nguyễn An Kh ủy quyền cho Huỳnh Văn Thanh T1, đây là đất Nhà nước cho ông Kh thuê trong thời hạn 20 năm với mục đích nuôi trồng thủy sản, không thể chuyển nhượng mà chỉ có thể ủy quyền. T yêu cầu ông Kh chuyển nhượng cho T thời gian sử dụng đất còn lại với số tiền 20.000.000.000 đồng, ông Kh đồng ý, T yêu cầu ông Kh ký giấy ủy quyền thửa đất trên cho Huỳnh Văn Thanh T1 nên ngày 10/12/2012, ông Kh ký hợp đồng ủy quyền (có công chứng) cho Huỳnh Văn Thanh T1 theo yêu cầu của T. Ông Kh nhiều lần yêu cầu T trả đủ số tiền 20.000.000.000 đồng theo thỏa thuận nhưng T chỉ trả cho ông Kh được 1.300.000.000 đồng. Ngày 10/9/2013, ông Kh yêu cầu Huỳnh Văn Thanh T1 đến Phòng công chứng Đồng Tháp ký hợp đồng hủy bỏ hợp đồng ủy quyền, mặc dù bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này đang do Công ty E quản lý. Đến nay ông Kh chưa trả cho T số tiền 1.300.000.000 đồng.

Vềcách thức làm chứng thư giả:

Trần Quang D nhờ Phương Hùng C đến ngân hàng mở số dư T khoản và sử dụng giấy xác nhận số dư T khoản của Ngân hàng A - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cấp cho Phương Hùng C vào ngày 10/8/2012 và giấy xác nhận số dư T khoản của Ngân hàng T. D dùng giấy nhám và gươm cạo tẩy xóa tất cả các nội dung trên giấy xác nhận số dư T khoản, chỉ chừa lại logo ngân hàng, chữ ký, con dấu và tên người ký, để tạo thành phôi chứng thư giả. D nhờ Phương Hùng C đăng ký số điện thoại để bàn không dây của mạng Viettel để ghi số điện thoại liên hệ trên chứng thư giả, Cường mượn giấy chứng minh nhân dân của Cao Thị B và Trần Thanh Ph (đang ở trọ tại nhà trọ C) đến cửa hàng Viettel đăng ký 02 số điện thoại bàn cho D. Sau đó, D đến tiệm internet trên địa bàn quận G, Thành phố Hồ Chí Minh thuê nhân viên soạn thảo nội dung chứng thư đã được D chuẩn bị trước và định dạng lề, dòng cho phù hợp, rồi in vào phôi giấy xác nhận số dư T khoản mà D đã xóa nội dung thành chứng thư bảo lãnh thanh toán giả. Để đề phòng phía Công ty E gọi điện kiểm tra chứng thư, D để một bản phô tô chứng thư giả gắn điện thoại bàn có số ghi trên chứng thư giả và kêu Tống Thị Thanh V, sinh năm 1970, ngụ Chung cư C, đường N, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh, là vợ của D không được sử dụng điện thoại này gọi cho ai, nếu có ai gọi đến kiểm tra chứng thư thì nhìn vào bản chứng thư phô tô trả lời. Do đó, khi chị Nguyễn Thị K, kế toán Công ty E điện thoại vào số (08) 66754990 ghi trên chứng thư bảo lãnh thanh toán cho Công ty T1, lần đầu gặp một người nữ nói giọng miền Bắc; lần hai D nghe điện thoại và D tự nhận mình tên Nguyễn Thành Ph, đều xác nhận Hội sở Ngân hàng T đã phát hành chứng thư bảo lãnh thanh toán cho Công ty T1, số tiền 30.000.000.000 đồng, do giám đốc Nguyễn Thị Mai L ký ngày 19/10/2012.

Trần Quang D đã phân công Hà Vương Q làm nhiệm vụ liên hệ gặp T lấy các thông tin về hợp đồng mua bán giữa Công ty E với Công ty T và Công ty T1 để D soạn thảo nội dung chứng thư giả; đi giao chứng thư giả cho T; theo dõi T nhận thức ăn thủy sản của Công ty E bằng việc phô tô hoặc chụp ảnh các hóa đơn bán hàng của Công ty E cho Công ty T và Công ty T1 để D lấy tiền công làm chứng thư giả là 10% giá trị hóa đơn bán hàng của Công ty E đã giao cho T. D khai nhận đã trả tiền công cho Q 300.000.000 đồng nhưng Q chỉ thừa nhận 50.000.000 đồng.

Tại bản kết luận giám định số 458/2014/KLGĐ ngày 14/7/2014 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An, xác định chữ ký và con dấu trên giấy Bảo lãnh thanh toán số 0039-12/TBL-HBT ngày 22/8/2012 của Ngân hàng Thương mại cổ phần A và giấy Bảo lãnh thanh toán số 0079-12-TBL-HĐQT ngày 19/10/2012 của Ngân hàng K với mẫu do chính ngân hàng cung cấp, là do cùng 1 người ký và cùng 1 con dấu đóng ra nhưng về phần nội dung bị tẩy xóa và in lại, không đọc được nội dung ban đầu.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2020/HSST ngày 13 tháng 7 năm 2020, Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Trương Văn T, Trần Quang D, Hà Vương Q phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; khoản 3 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009; khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52, Điêu 50, Điều 38; Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017.

Xử phạt bị cáo Trương Văn T 18 (mười tám) năm tù về tội “Lừa đảo chiêm đoạt tài sản” và 06 (sáu) năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Áp dụng Điều 55 Bộ luật hình sự, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Trương Văn T phải chấp hành hình phạt của hai tội là 24 (hai mươi bốn) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 31/7/2014.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; khoản 3 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 50, Điều 38, Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Xử phạt bị cáo Trần Quang D 12 (mười hai) năm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 06 (sáu) năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Áp dụng Điều 55 Bộ luật Hình sự, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Trần Quang D phải chấp hành hình phạt của hai tội là 18 (mười tám) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 06/02/2019.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139, khoản 3 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 50, Điều 38, Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Xử phạt bị cáo Hà Vương Q 12 (mười hai) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sảnvà 04 (bốn) năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Áp dụng Điều 55 Bộ luật Hình sự, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Hà Vương Q phải chấp hành hình phạt của hai tội là 16 (mười sáu) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 10/12/2014.

Về trách nhiệm dân sự:

Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017.

Buộc bị cáo Trương Văn T phải trả lại cho Công ty E 33.680.798.253 đồng, khấu trừ số tiền buộc Trần Quang D và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nộp lại trả cho Công ty E, cụ thể như sau:

1/. Ông Dương Văn B nộp hoàn trả cho Công ty E 340.000.000 đồng.

2/. Ông Lê Hùng D nộp hoàn trả cho Công ty E 75.000.000 đồng.

3/. Ông Nguyễn Văn N nộp hoàn trả cho Công ty E 80.000.000 đồng.

4/. Ông Huỳnh Tấn Th nộp hoàn trả cho Công ty E 110.000.000 đồng.

5/. Ông Cao Văn S nộp hoàn trả cho Công ty E 55.000.000 đồng.

6/. Ông Cao Văn S1 nộp hoàn trả cho Công ty E 110.000.000 đồng.

7/. Trần Quang D nộp trả cho Công ty E số tiền 1.300.000.000 đồng.

8/. Công ty T1 do ông Huỳnh Văn Thanh T1 làm giám đốc phải nộp trả cho Công ty E 2.500.000.000 đồng.

9/. Ông Nguyễn An Kh phải nộp trả cho Công ty E 1.300.000.000 đồng.

10/. Công ty cổ phần thủy sản N do Ngô Đăng Kh làm chủ tịch Hội đồng thành viên nộp trả cho Công ty E 2.501.405.400 đồng.

11/. Trần Văn C nộp trả cho Công ty E lại 55.600.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án, người có nghĩa vụ chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất quy định tại Điều 357, 468 Bộ luật dân sự 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo vụ án theo luật định.

Ngày 24/7/2020, bị cáo Trương Văn T có đơn kháng cáo kêu oan; bị cáo Trần Quang D có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; bị cáo Hà Vương Q có đơn kháng cáo kêu oan đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 06/8/2020, Công ty cổ phần thủy sản N có đơn kháng cáo đối với phần trách nhiệm dân sự của bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trương Văn T giữ nguyên kháng cáo kêu oan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xin giảm nhẹ hình phạt về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chứ”; bị cáo Trần Quang D, Hà Vương Q, đại diện Công ty cổ phần thủy sản N vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo đã nêu trong đơn kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Trương Văn T, Trần Quang D, Hà Vương Q phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ, đúng người, đúng tội; tuy nhiên đối với tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” thì các bị cáo chỉ có hành vi làm giả tài liệu, không có hành vi làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức nên cần chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo; sửa tội danh “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” thành “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Về hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và xử phạt bị cáo Trương Văn T 24 năm tù, Trần Quang D 18 năm tù, Hà Vương Q 16 năm tù về 02 tội phù hợp, tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của các bị cáo về hình phạt. Đối với kháng cáo của Công ty N, sau khi chiếm đoạt tiền của Công ty E, bị cáo T sử dụng 2.500.000.000 đồng để mua phần vốn góp tại Công ty N. Đây là khoản tiền do phạm tội mà có, Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty N phải hoàn trả lại số tiền trên là đúng quy định pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Công ty N; giữ nguyên bản án sơ thẩm về nội dung này.

Luật sư Lưu Tấn Anh T bào chữa cho bị cáo Trương Văn T trình bày: Luật sư thống nhất với bản án sơ thẩm về tội danh đã xét xử đối với bị cáo; do đó Luật sư không trình bày ý kiến bào chữa kêu oan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà để bị cáo tự trình bày. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ để giảm cho bị cáo một phần hình phạt, giúp bị cáo an tâm cải tạo tốt, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Bị cáo Trương Văn T tự bào chữa: Bị cáo không liên lạc với bị cáo D, không gặp D mà chỉ thông qua Hà Vương Q là người làm dịch vụ, không làm chứng thư giả và không biết chứng thư đó là giả. Bị cáo được Q cho biết sẽ dùng cổ phiếu của D để thế chấp cho ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh; bị cáo tin là thật nên đã thanh toán tiền chi phí làm chứng thư bảo lãnh cho bị cáo D. Bị cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Người bào chữa cho bị cáo Trần Quang D và Hà Vương Q trình bày: Các bị cáo Trần Quang D và Hà Vương Q chỉ làm chứng thư bảo lãnh giả; mọi vấn đề liên quan đến việc lừa đảo chiếm đoạt tiền của Công ty E đều do bị cáo T thực hiện nên bị cáo D và Q tham gia với vai trò hạn chế. Đề nghị Hội đồng xét xử đánh giá vai trò của các bị cáo, xem xét các tình tiết giảm nhẹ để giảm hình phạt cho các bị cáo.

Người đại diện theo ủy quyền của Công ty cổ phần thủy sản N trình bày: Khoản nợ 2.501.405.400 đồng bị cáo Trương Văn T chi trả tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện L là nợ cá nhân bà Trần Thị Ánh Ng do ông Huỳnh Văn A trả nợ thay. Tại thời điểm ông A tiếp quản Công ty N thì giữa ông A và bà Ng đã thỏa thuận dứt điểm về nghĩa vụ trả nợ của Công ty N, trong đó có khoản nợ trên của bị cáo T. Khi ông Kh tiếp nhận Công ty N từ ông A thì chỉ chuyển giao phương án trả nợ tại Ngân hàng L, ngoài ra không bàn giao khoản công nợ nào khác. Bản án sơ thẩm buộc Công ty N hoàn trả số tiền 2.501.405.400 đồng là không đúng mà lẽ ra phải buộc cá nhân bà Trần Thị Ánh Ng do ông Huỳnh Văn A trả lại. Ngoài ra, bị cáo T chiếm đoạt thức ăn của Công ty E; sau đó chuyển hóa thành tiền do bán thức ăn; Công ty N không nắm giữ tài sản bị chiếm đoạt nên không thể buộc Công ty N trả lại số tiền 2.501.405.400 đồng cho Công ty E.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty cổ phần thủy sản N trình bày: Hành vi của bị cáo Trương Văn T không liên quan đến tư cách cá nhân ông Ngô Đăng Kh nên đề nghị không đưa ông Kh vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đề nghị Hội đồng xét xử không ghi nhận thông tin cá nhân của ông Kh gắn liền với Công ty N như phần quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Đơn kháng cáo của Trương Văn T, Trần Quang D, Hà Vương Q và Công ty cổ phần thủy sản N làm trong hạn luật định, hợp lệ nên được Hội đồng xét xử xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ xác định:

 Thời điểm tháng 6/2012, Công ty T do bị cáo Trương Văn T thành lập và điều hoành hoạt động lâm vào tình trạng không còn vốn kinh doanh, không có tài sản để thế chấp ngân hàng, mất khả năng về T chính. Khi biết Công ty E có hình thức bán hàng bằng chứng thư bảo lãnh ngân hàng, Trương Văn T nhờ Trần Quang D cung cấp chứng thư bảo lãnh giả của Ngân hàng TMCP A và Ngân hàng TMCP K; T sử dụng chứng thử bảo lãnh giả để mua thức ăn của Công ty E, sau đó bán lại cho người khác với giá rẻ lấy tiền sử dụng vào mục đích khác. Bằng chứng thư bảo lãnh giả số 0039-12/TBL-HBT của Ngân hàng A, bị cáo T nhận của Công ty E 1.732.320kg thức ăn, thành tiền 19.998.171.000 đồng. Bằng chứng thư bảo lãnh giả số 0079-12-TBL-HĐQT của Ngân hàng K, bị cáo T nhận của Công ty E 1.544.565 kg thức ăn, thành tiền 17.755.386.700 đồng. Hiện nay bị cáo T còn nợ Công ty E tổng số tiền 33.680.798.253 đồng.

Khi được Trương Văn T nhờ làm chứng thư bảo lãnh, Trần Quang D cho người đến Ngân hàng TMCP A và Ngân hàng TMCP K xin giấy xác nhận số dư T khoản; sau đó dùng giấy nhám và gươm cạo tẩy xóa các nội dung trên giấy xác nhận số dư T khoản, chỉ để lại logo và con dấu cùng tên người ký tạo thành phôi chứng thư giả; sau đó, D soạn nội dung chứng thư theo thông tin do Trương Văn T cung cấp, định dạng lề, dòng cho phù hợp rồi in lên phôi giả tạo thành chứng thư bảo lãnh thanh toán giả. Hà Vương Q chịu trách nhiệm liên hệ với Trương Văn T để lấy thông tin giao cho Trần Quang D làm chứng thư bảo lãnh giả; sau khi có chứng thư bảo lãnh thì D giao cho Q để Q liên hệ và giao lại cho T sử dụng.

Với hành vi nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Trương Văn T, Trần Quang D, Hà Vương Q phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điểm a khoản 4 Điều 139, khoản 3 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát đề nghị sửa bản án sơ thẩm về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Hội đồng xét xử xét thấy các bị cáo không có hành vi làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức; tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội ghép. Các bị cáo phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”; Tòa án cấp sơ thẩm tuyên các bị cáo phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” là không chính xác nên Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa lại tên tội danh cho phù hợp với quy định pháp luật.

[2] Xét kháng cáo của bị cáo Trương Văn T:

Bị cáo Trương Văn T cho rằng bị cáo không biết 02 chứng thư bảo lãnh là giả, việc bị cáo mua thức ăn của Công ty E là đúng quy định pháp luật; bị cáo không có hành vi gian dối nên bị cáo không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như bản án sơ thẩm đã xét xử.

Xét thấy, bị cáo T cho rằng bản thân không biết 02 chứng thư thẩm định là giả là không có cơ sở chấp nhận. Quá trình điều tra bị cáo Trương Văn T khai nhận bị cáo không đến ngân hàng để làm thủ tục xin cấp chứng thư bảo lãnh, việc làm chứng thư bảo lãnh chỉ thông qua Hà Vương Q và Trần Quang D, bị cáo không phải thế chấp tài sản đảm bảo, quá trình trao đổi, cung cấp thông tin và giao nhận chứng thư bảo lãnh đều diễn ra bên ngoài ngân hàng. Bản thân bị cáo buộc phải biết để được Ngân hàng cấp chứng thư bảo lãnh thì bị cáo phải lập hồ sơ xin bảo lãnh, nộp thủ tục tại Ngân hàng; không thể chỉ dựa trên thông tin bị cáo cung cấp cho bị cáo D. Ngoài ra, lời khai của bị cáo Trần Quang D, Hà Vương Q cũng xác định bị cáo D không phải là nhân viên ngân hàng, chứng thư bảo lãnh do bị cáo D làm giả trên cơ sở yêu cầu của bị cáo Trương Văn T; mỗi chứng thư bảo lãnh làm giả bị cáo D được nhận tiền công tương ứng với 10% giá trị hàng hóa được nhận từ Công ty E. Lời khai nhận của bị cáo Trần Quang D, Hà Vương Q phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án. Do đó, có cơ sở xác định bị cáo Trương Văn T đã thuê bị cáo Trần Quang D, Hà Vương Q làm giả chứng thư bảo lãnh; sau đó sử dụng chứng thư bảo lãnh giả để chiếm đoạt tiền của Công ty E thông qua việc mua thức ăn thủy sản.

Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Văn T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người khác, gây mất trật tự kinh tế, trật tự xã hội nên cần phải xử phạt bị cáo mức hình phạt tương xứng để giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét bị cáo có tình tiết giảm nhẹ như gia đình có công với cách mạng; từ đó xử phạt bị cáo 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 06 năm tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” là phù hợp, tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Bị cáo phạm tội với tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên”, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tiếp tục quanh co chối tội. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo; giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Trương Văn T.

[3] Xét kháng cáo xủa bị cáo Trần Quang D, Hà Vương Q:

Các bị cáo thừa nhận hành vi làm giả chứng thư bảo lãnh như bản án sơ thẩm đã nêu; tuy nhiên các bị cáo cho rằng các bị cáo không biết Trương Văn T sử dụng các chứng thư bảo lãnh trên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Vì vậy, bị cáo Trần Quang D kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Hà Vương Q kháng cáo kêu oan đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Hội đồng xét xử xét thấy, việc bị cáo Trương Văn T và ông Trần Văn C – Phó giám đốc kinh doanh của Công ty E bàn bạc về việc mua bán thức ăn thủy sản bằng hình thức chứng thư bảo lãnh có sự tham gia của bị cáo Hà Vương Q. Nội dung trên chứng thư bảo lãnh T yêu cầu D, Q làm giả thể hiện bảo lãnh để mua hàng của Công ty E. Khi Q giao cho T chứng thư bảo lãnh giả; T đưa cho ông C; ông C chuyển cho kế toán Công ty E kiểm tra; khi thấy thông tin trên chứng thư bảo lãnh bị sai; ông C chuyển cho Q đem về sửa lại. Như vậy, quá trình làm chứng thư bảo lãnh giả, bị cáo D và Q đều biết mục đích của bị cáo T là sử dụng để mua hàng của Công ty E mà không phải trả tiền mặt; các bị cáo vẫn giúp sức cho bị cáo T làm chứng thư bảo lãnh giả; sử dụng chứng thư này để chiếm đoạt tiền của Công ty E. Các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm của bị cáo T trong việc lừa đảo chiếm đoạt tiền của Công ty E và chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo D và Q như đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình có công với cách mạng; từ đó xử phạt bị cáo D 18 năm tù, bị cáo Q 16 năm tù đối với 02 tội danh là phù hợp, tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo không xuất trình được tình tiết giảm nhẹ nào mới nên Hội đồng xét xử không có căn cứ xem xét.

[4] Xét kháng cáo của Công ty cổ phần thủy sản N:

Quá trình điều tra có đủ cơ sở xác định sau khi nhận thức ăn từ Công ty E, bị cáo Trương Văn T bán ra cho các cá nhân, tổ chức khác với giá rẻ; số tiền thu được bị cáo sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Trong đó bị cáo sử dụng 2.501.405.400 đồng để góp vốn vào Công ty N thông qua việc thanh toán khoản nợ của Công ty cổ phần thủy sản N tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Đồng Tháp. Đây là tiền do phạm tội mà có, bị cáo sử dụng để thanh toán khoản nợ cho Công ty N nên Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty cổ phần thủy sản N phải hoàn trả lại cho Công ty E là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, phần quyết định của bản sơ thẩm tuyên “Công ty cổ phần thủy sản N do Ngô Đăng Kh làm chủ tịch Hội đồng thành viên nộp trả cho Công ty E 2.501.405.400 đồng” là chưa phù hợp. Bởi lẽ, đây là trách nhiệm của pháp nhân Công ty cổ phần thủy sản N; trong đó có nhiều thành viên góp vốn khác nhau, không phải trách nhiệm cá nhân ông Ngô Đăng Kh. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm điều chỉnh cách tuyên án cho phù hợp, đúng quy định pháp luật.

[5] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy kháng cáo của bị cáo Trương Văn T, Trần Quang D, Hà Vương Q và Công ty cổ phần thủy sản N; cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

[7] Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo Trương Văn T, Trần Quang D, Hà Vương Q phải chịu án phí hình sự phúc thẩm; Công ty cổ phần thủy sản N phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự:

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trương Văn T, Trần Quang D, Hà Vương Q và Công ty cổ phần thủy sản N.

Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2020/HS-ST ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An.

Tuyên bố bị cáo Trương Văn T, Trần Quang D, Hà Vương Q phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; khoản 3 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009; khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52, Điêu 50, Điều 38; Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017.

Xử phạt bị cáo Trương Văn T 18 (mười tám) năm tù về tội “Lừa đảo chiêm đoạt tài sản” và 06 (sáu) năm tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Áp dụng Điều 55 Bộ luật hình sự, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Trương Văn T phải chấp hành hình phạt của hai tội là 24 (hai mươi bốn) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 31/7/2014.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; khoản 3 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 50, Điều 38, Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Xử phạt bị cáo Trần Quang D 12 (mười hai) năm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 06 (sáu) năm tù về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Áp dụng Điều 55 Bộ luật Hình sự, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Trần Quang D phải chấp hành hình phạt của hai tội là 18 (mười tám) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 06/02/2019.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139, khoản 3 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 50, Điều 38, Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Xử phạt bị cáo Hà Vương Q 12 (mười hai) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sảnvà 04 (bốn) năm tù về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Áp dụng Điều 55 Bộ luật Hình sự, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Hà Vương Q phải chấp hành hình phạt của hai tội là 16 (mười sáu) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 10/12/2014.

Tiếp tục tạm giam các bị cáo Trương Văn T, Trần Quang D, Hà Vương Q để đảm bảo thi hành án.

Về trách nhiệm dân sự:

Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017.

Buộc bị cáo Trương Văn T phải trả lại cho Công ty E 33.680.798.253 đồng, khấu trừ số tiền buộc Trần Quang D và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nộp lại trả cho Công ty E, cụ thể như sau:

1/. Ông Dương Văn B nộp hoàn trả cho Công ty E 340.000.000 đồng.

2/. Ông Lê Hùng D nộp hoàn trả cho Công ty E 75.000.000 đồng.

3/. Ông Nguyễn Văn N nộp hoàn trả cho Công ty E 80.000.000 đồng.

   đồng.

4/. Ông Huỳnh Tấn Th nộp hoàn trả cho Công ty E 110.000.000 đồng.

5/. Ông Cao Văn S nộp hoàn trả cho Công ty E 55.000.000 đồng.

6/. Ông Cao Văn S1 nộp hoàn trả cho Công ty E 110.000.000 đồng.

7/. Trần Quang D nộp trả cho Công ty E số tiền 1.300.000.000 đồng.

8/. Công ty T1 nộp trả cho Công ty E 2.500.000.000 đồng.

9/. Ông Nguyễn An Kh phải nộp trả cho Công ty E 1.300.000.000 đồng.

10/. Công ty cổ phần thủy sản N nộp trả cho Công ty E 2.501.405.400 11/. Trần Văn C nộp trả cho Công ty E lại 55.600.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án, người có nghĩa vụ chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất quy định tại Điều 357, 468 Bộ luật dân sự 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Các bị cáo Trương Văn T, Trần Quang D, Hà Vương Q, mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm. Công ty cổ phần thủy sản N phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

406
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 88/2021/HS-PT ngày 27/01/2021 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:88/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/01/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về