TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
BẢN ÁN 84/2019/HS-PT NGÀY 24/09/2019 VỀ TỘI TRỒNG CÂY CẦN SA
Ngày 24 tháng 9 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông mở phiên toà xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 78/2019/TLPT-HS ngày 23 tháng 7 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 83/2019/QĐXXPT-HS ngày 12 tháng 9 năm 2019 đối với bị cáo: Sồng Thị S do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 23/2019/HS-ST ngày 11/06/2019 của Toà án nhân dân huyện Krông Nô.
Bị cáo có kháng cáo: Sồng Thị S, sinh năm 1977 tại tỉnh Sơn La; nơi cư trú: Thôn P, xã Q, huyện K, tỉnh Đắk Nông; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: Không biết chữ; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: H’Mông; giới tính: nữ; tôn giáo: Không; con ông Sồng A P (đã chết) và bà Giàng Thị S; có chồng là Mùa A S và 06 con; tại ngoại - Có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo: Ông Phạm Quang Long và ông Hoàng Ngọc Tuấn, Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đắk Nông - Có mặt.
Người phiên dịch cho bị cáo: Ông Lý Bá Xồng; nơi công tác: Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông - Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, vụ án được tóm tắt như sau:
Theo phong tục tập quán của người H’Mông, năm 2018 gia đình Sồng Thị S và Mùa A S có trách nhiệm làm các thủ tục cúng tổ tiên. Khoảng tháng 5- 2018, Sồng Thị S mượn diện tích đất rẫy khoảng 30m2 của em họ là Mùa A G tại thôn P, xã Q, huyện K để trồng cây lanh mèo. Đến đầu tháng 7-2018, Sồng Thị S thu hoạch được khoảng 100 cây mang về phơi khô, bóc lấy vỏ thân cây để phục vụ việc cúng bái của gia đình.
Ngày 16-7-2018, nhận được tin báo của Công an xã Q, huyện K, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thành lập đoàn liên ngành khám nghiệm hiện trường, nhổ và thu giữ thu giữ 1.030 cây, tổng trọng lượng 29kg, ngoài ra Sồng Thị S còn giao nộp 120gam vỏ cây xé sợi đã khô và 440gam thân cây khô không có vỏ. Kết luận giám định số: 52-KLMT/PC54 ngày 27-7-2018 và số: 63-KLMT/PC09 ngày 02-10-2018 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đ kết luận: Số cây thu giữ và bị cáo giao nộp là cây cần sa và cây chứa chất gây nghiện.
Bản án hình sự sơ thẩm số: 23/2019/HS-ST ngày 11-6-2019 của Toà án nhân dân huyện Krông Nô đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Sồng Thị S phạm tội “Trồng cây cần sa”. Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 247; các điểm h, i, m, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Sồng Thị S 06 tháng tù.
Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo.
Ngày 20-6-2019, bị cáo Sồng Thị S kháng cáo, nội dung: Kêu oan, vì theo phong tục truyền của người dân tộc H’Mông trồng cây lanh mèo để lấy sợi dệt vải, mục đích tâm linh đối với người chết, cúng bái và không nhằm mục đích buôn bán. Bị cáo không biết cây đã trồng là cây cần sa, không biết bị cấm trồng vì vùng quê tỉnh Sơn La của bị cáo có nhiều người trồng cây lanh mèo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Sồng Thị S thừa nhận đã trồng và thu hoạch số cây Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Nô đã thu giữ. Nhận thức của bị cáo cây đã trồng là lanh mèo với mục đích sử dụng để cúng bái, tâm linh theo phong tục truyền thống của dân tộc H’Mông, không có mục đích khác và không biết nhà nước cấm trồng. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông, sau khi phân tích các tình tiết của vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 247; các điểm h, i, m, s khoản 1 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự, xử phạt Sồng Thị S 06 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo 01 năm thử thách.
Người bào chữa cho bị cáo trình bày luận cứ: Trợ giúp viên pháp lý cũng đã giải thích cho bị cáo và người thân bị cáo cây lanh mèo chính là cây cần sa do có cách gọi khác nhau của mỗi vùng miền, pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi trồng cây cần sa với bất kỳ mục đích gì. Bản thân bị cáo sinh sống tại khu vực có điều kiện đặc biệt khó khăn về kinh tế và xã hội, chưa nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, sau khi được giải thích bị cáo đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, bị cáo có hoàn cảnh hết sức khó khăn: Không đất có đất để canh tác, phải đi làm thuê kiếm sống, còn con nhỏ phải nuôi dưỡng, chồng đang phải chấp hành hình phạt tù về tội “Huỷ hoại rừng” mà nguyên nhân sâu xa là di cư tự do không có đất để canh tác; nhận thức pháp luật của bị cáo còn hạn chế. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
Bị cáo không có ý kiến bào chữa, tranh luận, chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nhận thức của bị cáo và phong tục tập quán của dân tộc bị cáo để cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Mặc dù, bị cáo thừa nhận đã trồng toàn số cây Cơ quan điều tra Công an huyện Krông Nô đã phối hợp cùng với các cơ quan chức năng thu giữ và xác định là cây lanh mèo, không phải cây cần sa. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xét thấy thực tế mỗi vùng, dân tộc khác nhau gọi tên cây cần sa khác nhau, như: cây lanh mèo, gai mèo, đại ma, lanh mán, hỏa ma, bồ đà… Mặt khác, Kết luận giám định số: 52-KLMT/PC54 ngày 27-7-2018 và số: 63-KLMT/PC09 ngày 02-10-2018 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đ kết luận: Số cây thu giữ của Sồng Thị S đã trồng là cây cần sa và cây chứa chất gây nghiện. Do đó, Bản án hình sự sơ thẩm số: 23/2019/HS-ST ngày 11-6-2019 của Toà án nhân dân huyện Krông Nô đã kết án bị cáo Sồng Thị S về tội “Trồng cây cần sa” theo điểm c khoản 1 Điều 247 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ và đúng pháp luật.
[2]. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây hậu quả hoặc gây hậu quả không lớn” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo là không đúng pháp luật. Bởi vì, hành vi khách quan của tội “Trồng cây cần sa” là hành động “Trồng”, bị cáo Sồng Thị S đã thực hiện đầy đủ các hành vi: làm đất, gieo hạt và thu hoạch. Mặt khác, hậu quả của tội “Trồng cây cần sa” có thể là vật chất hoặc phi vật chất xâm hại đến chính sách độc quyền của nhà nước về trồng cây có chứa chất ma túy, song hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội danh này. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm nêu ra để Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân huyện Krông Nô rút kinh nghiệm.
[3]. Xét kháng cáo của bị cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định: Các chứng cứ đã thu thập lưu hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, có cơ sở để kết luận lời khai của bị cáo về việc sử dụng cây cần sa (cây lanh mèo) trong việc cúng bái và các hủ tục lạc hậu khác theo phong tục, tập quán bị cáo đã tiếp nhận, phù hợp với nhận thức của bị cáo. Ngoài ra, bị cáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Không có công việc ổn định, phải đi làm thuê kiếm sống, còn phải nuôi 02 con dưới 14 tuổi, trong khi chồng đang phải chấp hành hình phạt tù về tội “Hủy hoại rừng”. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông và luận cứ bào chữa của các Trợ giúp viên pháp lý đối với bị cáo là hợp tình, hợp lý cần được chấp nhận. Mặt khác, việc cho bị cáo được hưởng án treo, dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú cũng đảm bảo được mục đích giáo dục bị cáo có ý thức chấp hành nghiêm pháp luật cũng như răn đe, phòng ngừa chung.
[4]. Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận một phần nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[5]. Đối với các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm số: 23/2019/HS-ST ngày 11-6-2019 của Toà án nhân dân huyện Krông Nô về áp dụng pháp luật và phần hình phạt đối với bị cáo.
1. Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 247; các điểm i, m, s khoản 1 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự, xử phạt Sồng Thị S 06 (Sáu) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách là 01 (Một) năm về tội “Trồng cây cần sa”, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm. Giao bị cáo Sồng Thị S cho Ủy ban nhân dân xã Q, huyện K, tỉnh Đắk Nông giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.
Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
2. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 84/2019/HS-PT ngày 24/09/2019 về tội trồng cây cần sa
Số hiệu: | 84/2019/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Nông |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/09/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về