Bản án 84/2018/HS-PT ngày 19/09/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 84/2018/HS-PT NGÀY 19/09/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 19 tháng 9 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân (viết tắt là TAND) tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 102/2018/TLPT-HS ngày 25/6/2018. Do có kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đối với bản án hình sự sơ thẩm số 90/2018/HS-ST ngày 11/05/2018 của TAND thành phố H, tỉnh Hải Dương.

- Bị cáo có kháng cáo và bị kháng nghị:

Đỗ Thị L, sinh năm 1967.

Trú tại: Khu T, phường M, thành phố H, tỉnh Hải Dương; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hóa: 7/10; Con ông Đỗ Văn L1 và bà Nguyễn Thị T Có chồng là Phạm Văn D1 (đã ly hôn) và có 02 con, lớn sinh năm 1990, nhỏ sinh năm 1992; Tiền án, tiền sự: Không; Hiện tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

- Người bị hại: Anh Phạm Văn D1, sinh năm 1967; Trú tại: Khu T, phường M, thành phố H, tỉnh Hải Dương- Có mặt.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Anh Phạm Văn D2, sinh năm 1990; Trú tại: Khu T, phường M, thành phố H, tỉnh Hải Dương- Có mặt.

- Người làm chứng:

+ Anh Đỗ Văn V1, sinh năm 1970; Trú tại: Khu T, phường M, thành phố H, tỉnh Hải Dương- Vắng mặt.

+ Chị Nguyễn Thị D3, sinh năm 1991; Trú tại: Số 6/13 phố V, phường M, thành phố H, tỉnh Hải Dương- Vắng mặt.

+ Chị Đỗ Thị V2, sinh năm 1975; Trú tại: Số 10/2 phố V, phường M, thành phố H, tỉnh Hải Dương- Vắng mặt.

+ Anh Đỗ Văn T1, sinh năm 1971; Trú tại: Số 19 Vũ Duy Trí, phường M, thành phố H, tỉnh Hải Dương- Vắng mặt.

+ Anh Đỗ Văn C, sinh năm 1967; Trú tại: Số 3/13 phố V, phường M, thành phố H, tỉnh Hải Dương- Vắng mặt.

+ Anh Đỗ Văn G, sinh năm 1976; Trú tại: Khu T, phường M, thành phố H, tỉnh Hải Dương- Vắng mặt.

+ Anh Đỗ Văn Đ, sinh năm 1972; Trú tại: Số 35 phố V, phường M, thành phố H, tỉnh Hải Dương- Vắng mặt.

+ Chị Đỗ Thị D4, sinh năm 1974; Trú tại: Số 5/22 T, phường M, thành phố H, tỉnh Hải Dương- Vắng mặt.

+ Anh Đỗ Văn T2, sinh năm 1972; Trú tại: Khu T, phường M, thành phố H, tỉnh Hải Dương- Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bị cáo Đỗ Thị L và anh Phạm Văn D1 trước đây là vợ chồng, năm 2014,  do mâu thuẫn nên vợ chồng đã ly hôn nhưng chưa phân chia tài sản chung. Sau khi ly hôn, bị cáo L ở nhà nhà em trai là anh Đỗ Văn V1 và cầm theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ hộ khẩu gia đình nên anh D1 nhiều lần say rượu có sang chửi bới đòi giấy tờ nhưng bị cáo chưa đưa. Khoảng 10 giờ 15 phút ngày 28/11/2016, anh D1 mang theo tuýp nước một đầu có hàn dao bầu (thanh phóng lợn) sang nhà anh Vi tìm bị cáo để đòi giấy tờ. Khi anh D1 sang đến nhà anh V1 thì chị Đỗ Thị V2 nhìn thấy anh D1 cầm hung khí nghĩ rằng anh D1 sang đánh L nên chị V2 đã hô hoán để L biết. Khi đó L đang đứng ở sân, bỏ chạy vào trong nhà đóng cửa lại, anh D1 đuổi theo chém hai nhát về phía bị cáo khiến lưỡi dao va vào song sắt cửa. Thấy vậy, anh Đỗ Văn V1 đã chạy đến ôm giữ anh D1 kéo lùi lại với mục đích can ngăn. Trong lúc anh V1 ôm giữ kéo anh D1 lại thì bị cáo L đã mở cửa chạy ra giằng được thanh phóng lợn từ tay anh D1 và dùng đầu tuýp nước không gắn dao vụt liên tiếp 3-4 nhát vào cẳng chân trái anh D1 làm anh D1 bị thương tích. Anh D1 được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương từ ngày 28/11/2016 đến ngày 26/12/2016 ra viện.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 17/TgT ngày 17/02/2017, Phòng giám định pháp y Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương kết luận: Chấn thương gãy 1/3 trên hai xương cẳng chân trái đã mổ xử lý; hiện để lại sẹo mổ kích thước 27x 0,3 đến 01cm, còn phương tiện kết xương; Tổn thương trên có đặc điểm do vật tày gây nên. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 26%.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 90/2018/HS-ST ngày 11/5/2018, TAND thành phố H đã áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 54; điểm a khoản 1 Điều 47; Điều 48 Bộ luật hình sự (viết tắt là BLHS) năm 2015; điểm c khoản 2 Điều 106, Điều 136, Điều 331, Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự; các điều 584, 585, 586, 590 Bộ luật dân sự, xử phạt Đỗ Thị L 18 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích; buộc bị cáo bồi thường cho anh Phạm Văn D1 tổng số tiền 34.400.000 đồng, trong đó có khoản tiền mất thu nhập thực tế của người chăm sóc là 8.700.000 đồng.

Ngày 23/5/2018, bị cáo Đỗ Thị L kháng cáo xin hưởng án treo và kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự.

Ngày 25/5/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố H kháng nghị bản án về phần trách nhiệm dân sự, đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm mức bồi thường thiệt hại của bị cáo đối với anh D1 do khoản tiền thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc là 8.700.000 đồng anh Phạm Văn D2 (là người chăm sóc) không yêu cầu và tính lại án phí dân sự bị cáo phải chịu.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo và anh D1 đã thỏa thuận bồi thường xong về phần trách nhiệm dân sự. Bị cáo rút một phần nội dung kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự. Đại diện viện kiểm sát rút toàn bộ nội dung kháng nghị về phần trách nhiệm dân sự. Anh D1 không kháng cáo nhưng xác định ngoài bị cáo L gây ra thương tích cho anh còn có anh Đỗ Văn V1 (em trai bị cáo) dùng gạch đập vào đầu anh và người gây thương tích ở chân cho anh là anh Đỗ Văn T1 (em trai bị cáo) chứ không phải là bị cáo L. Đại diện VKSND tỉnh Hải Dương phát biểu luận tội, đánh giá tính chất hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đánh giá việc bị cáo thường xuyên bị người bị hại đe dọa, chửi bơi, liền ngay trước đó bị cáo đã bị bị hại dùng phóng lợn đến tận nhà đuổi đánh nên bị cáo phạm tội thuộc trường hợp “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra” quy đinh tại điểm e khoản 1 Điều 51 BLHS, đề nghị HĐXX áp dụng đối với bị cáo; sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo tự nguyện nộp án phí và đã thỏa thuận bồi thường xong cho anh D1 là tình tiết giảm nhẹ mới; Đề nghị Hội đồng xét xử (Viết tắt là HĐXX) chấp nhận kháng cáo của bị cáo và cho bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm và tại các phiên tòa sơ thẩm, anh D đều xác định việc đưa bị cáo Đỗ Thị L ra xét xử là đúng, tuy nhiên đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm hình sự đối với anh Đỗ Văn V1 và anh Đỗ Văn T1 là những người đã cùng bị cáo L gây thương tích cho anh. Trong đó, anh Đỗ Văn V1 cầm gạch đập vào đầu anh gây nên hai vết thương còn anh Đỗ Văn T1 là người dùng tuýp sắt vụt gẫy chân anh chứ không phải bị cáo L. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi được xem đơn đề nghị khởi tố, các biên bản lấy lời khai của mình tại Cơ quan điều tra (BL 46, 48, 49, 50) anh D đều xác định chữ viết, chữ ký trong đó đều do mình tự nguyện viết và ký, không bị ai đe dọa, cưỡng ép. Theo đó, tại Đơn đề nghị về việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can (BL 46) anh D1 viết: “tôi bị chị Đỗ Thị L... dùng một thanh phóng lợn đạp phần cán bằng típ sắt vào cẳng chân trái của tôi làm tôi bị gẫy chân... ”; tại Biên bản ghi lời khai ngày 09/01/2017 (BL 48, 49), anh D1 khai: “...L từ trong nhà mở cửa chạy ra giằng thanh phóng lợn từ tay tôi làm phần lưỡi dao bầu quệt gây sước ở cuối lông mày trái của tôi. Sau đó L cầm phóng lợn bằng tay phải hơi cúi người xuống vụt từ phải sang trái...vụt khoảng 3 đến 4 phát làm gẫy cẳng chân trái của tôi......, nếu ai khai tôi nói: thằng Thuyên nó đánh gẫy chân anh rồi là khai sai vì thực tế tôi không nói như vậy và thực tế Thuyên không đánh tôi”. Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, anh D1 khai về việc anh V1 và anh T1 cùng bị cáo L đánh anh nhưng anh D1 không đưa ra được chứng cứ gì, trong khi đó anh Vi và anh Thuyên không thừa nhận có đánh anh D1, bị cáo L công nhận một mình bị cáo đánh anh D1, không có sự giúp sức của anh V1, anh T1.

Lời khai của bị cáo L, cơ bản phù hợp với lời khai của anh D1 tại cơ quan điều tra, với lời khai của những người làm chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, hồ sơ bệnh án cũng như những tài liệu khác có trong hồ sơ, vì vậy đủ cơ sở kết luận: Khoảng 10 giờ 15 phút ngày 28/11/2016, tại số nhà 6/13 phố V, phường M, thành phố H, do có mâu thuẫn từ trước nên anh Phạm Văn D1 đã cầm theo dao phóng lợn sang đuổi đánh bị cáo Đỗ Thị L, khi chưa đánh được bị cáo, anh D1 đã được anh Đỗ Văn V1 can ngăn, ôm giữ kéo lại thì bị cáo L đã giằng thanh phóng lợn từ tay anh D1 sau đó dùng phần cán thanh phóng lợn này (phần tuýp nước không gắn dao) được xác định là hung khí nguy hiểm vụt liên tiếp 3- 4 nhát vào cẳng chân trái anh D1. Hậu quả anh D1 bị tổn thương 26% sức khỏe.

Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội vào ngày 28/11/2016 trước khi BLHS năm 2015 có hiệu lực, tuy nhiên do hình phạt của tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015 nhẹ hơn so với hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 104 BLHS năm 1999 nên theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội, cấp sơ thẩm xét xử Đỗ Thị L về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015 là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2] Xét nội dung kháng cáo của các bị cáo thì thấy:

Bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức hành vi dùng thanh phóng lợn vụt, gây thương tích cho anh D1 là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện nên phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, xét thấy, trong cuộc sống hàng ngày, cả một quá trình kéo dài anh D1 thường xuyên chửi bới, đe dọa bị cáo; ngày 19/10/2013 anh D1 đã đánh, gây thương tích, gây tổn hại 3% sức khỏe cho bị cáo L và đã bị xử phạt vi phạm hành chính; tối ngày 27/11/2016, anh D1 đã đến gây sự, chửi bới bị cáo L; sáng ngày 28/11/2016, liền ngay trước khi bị cáo L đánh anh D1 thì anh D1 đã đem dao phóng lợn đến tận nhà đuổi đánh bị cáo, chém hụt bị cáo do đó gây kích động, bức xúc cho bị cáo vì vậy cần đánh giá bị cáo L “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra” quy đinh tại điểm e khoản 1 Điều 51 BLHS, cấp sơ thẩm không áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ này mà chỉ cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ là “người bị hại có lỗi” quy định tại khoản 2 Điều 51 là không chính xác. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo đã tự nguyện nộp án phí hình sự sơ thẩm và tự nguyện thỏa thuận, bồi thường đầy đủ thiệt hại gây ra theo yêu cầu của bị hại. Cùng với các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS mà cấp sơ thẩm đã áp dụng thì bị cáo được hưởng 03 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS. Xét thấy, bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ nên HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo và đề nghị của VKSND tỉnh Hải Dương, cho bị cáo hưởng án treo cũng đảm bảo tác dụng giáo dục, cải tạo đối với bị cáo và phòng ngừa chung trong xã hội, không ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

[3] Đối với kháng cáo của bị cáo và kháng nghị của Viện trưởng VKSND thành phố H về việc giảm mức bồi thường: tại phiên tòa, bị cáo và người bị hại đã thỏa thuận và đề nghị HĐXX công nhận sự thỏa thuận, theo đó ngoài chi phí chăm sóc tại Bệnh viện mà bị cáo đã đưa tiền cho anh D2 chi trả, bị cáo còn tiếp tục bồi thường cho anh D1 số tiền thu nhâp thực tế bị mất của người bị hại và người chăm sóc, tiền bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, tiền bù đắp tổn thất tinh thần, tổng số là 43.000.000 đồng; anh D1 được nhận số tiền 15.000.000 đồng mà bị cáo L đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự TP Hải Dương và được bị cáo L tiếp tục bồi thường số tiền 28.000.000 đồng (đã nhận tại phiên tòa phúc thẩm), vì vậy bị cáo L đã tự nguyện bồi thường xong; Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương rút kháng nghị đối với nội dung này nên HĐXX không xem xét. [4] Bị cáo kháng cáo được chấp nhận nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Bị cáo phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị HĐXX không xem xét và đã có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ trên,

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự.

QUYẾT ĐỊNH

Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đỗ Thị L, sửa bản án hình sự số 90/2018/HS-ST ngày 11/5/2018 của Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh Hải Dương.

Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, e, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54, điểm a khoản 1 Điều 47, Điều 48; khoản 1 và khoản 2 Điều 65 BLHS năm 2015;

1. Xử phạt Đỗ Thị L 18 (Mười tám) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 (Ba mươi sáu) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm 19/9/2018, về tội “Cố ý gây thương tích”.

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân phường M, thành phố H, tỉnh Hải Dương giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.

2. Công nhận sự thỏa thuận giữa bị cáo Đỗ Thị L và anh Phạm Văn D1 về việc bị cáo Đỗ Thị L tiếp tục bồi thường cho anh Phạm Văn D1 số tiền thu nhâp thực tế bị mất của người bị hại và người chăm sóc, tiền bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, tiền bù đắp tổn thất tinh thần, tổng số là 43.000.000 đồng; anh D1 đã nhận số tiền 28.000.000 đồng tại phiên tòa và được nhận số tiền 15.000.000 đồng mà bị cáo L đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự TP Hải Dương theo các biên lai thu tiền số AA/2011/06264 ngày 19/9/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố H và AA/2011/06861 ngày 13/7/2018 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm hiệu lực kể từ ngày tuyên án, ngày 19/9/2018.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

257
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 84/2018/HS-PT ngày 19/09/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:84/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về