Bản án 841/2018/HNGĐ-PT ngày 17/09/2018 về tranh chấp thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 841/2018/HNGĐ-PT NGÀY 17/09/2018 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI NUÔI CON SAU KHI LY HÔN

Trong các ngày 01 tháng 8, 30 tháng 8 và 17 tháng 9 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm công khai vụ án hôn nhân và gia đình thụ lý số: 49/2018/TLPT-HNGĐ ngày 29 tháng 05 năm 2018 về việc “Tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”. 

Do Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 519/2018/HNGĐ-ST ngày 20/04/2018 của Tòa án nhân dân quận B, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo. 

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 2629/2018/QĐ-PT ngày 15 tháng 6 năm 2018; Quyết định hoãn phiên tòa số 4777/2018/QĐ-PT ngày 05 tháng 7 năm 2018; Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 6100/2018/QĐ-PT ngày 01 tháng 8 năm 2018; Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 3628/2018/QĐ-PT ngày 13 tháng 8 năm 2018 và Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 7135/2018/QĐ-PT ngày 30 tháng 8 năm 2018, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Trần Yến P, sinh năm 1980 (có mặt)

Địa chỉ: khu dân cư BP, Phường M, Quận S, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Nguyễn N, Văn phòng Luật sư Nguyễn N, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Bị đơn: Ông Dương Đình H, sinh năm 1982 (có mặt)

Địa chỉ thường trú: phường A, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

Địa chỉ tạm trú: chung cư HL Phường F, Quận S, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Trần Minh H1, Văn phòng Luật sư G, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Người kháng cáo: Bà Trần Yến P.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nguyên đơn là bà Trần Yến P trình bày tại tòa sơ thẩm thì:

Bà và ông Dương Đình H trước kia là vợ chồng nhưng do vợ chồng mâu thuẫn nên đã ly hôn theo Bản án số 318/2015/HNGĐ-ST ngày 29/5/2015 của Tòa án nhân dân Quận S. Khi ly hôn bà P và ông H đã thỏa thuận giao cả hai con chung là trẻ Dương Vĩ K (nam) sinh ngày 19/10/2010 và trẻ Dương Thịnh Q (nam) sinh ngày 27/02/2007 cho ông H trực tiếp nuôi dưỡng, ông H không yêu cầu bà P cấp dưỡng nuôi con.

Thời gian nhận nuôi hai con ông H chăm sóc cho hai con không được tốt, có hành vi bạo lực, không tạo điều kiện cho bà thực hiện quyền thăm nom con dẫn đến tinh thần và học lực của các con bị sa sút, hiện ông H đã lập gia đình mới, bà đủ điều kiện nuôi và chăm sóc, giáo dục các con phát triển tốt về mọi mặt; vì vậy bà xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, yêu cầu được nuôi cả hai con chung là Q và K, nếu được nuôi con bà không yêu cầu ông H phải cấp dưỡng nuôi con vì có đủ khả năng.

Theo bị đơn là ông Dương Đình H trình bày tại tòa sơ thẩm thì:

Ông xác nhận trước đây ông và bà Trần Yến P là vợ chồng nhưng sau đó đã ly hôn, có hai con chung và hai bên đã thỏa thuận với nhau về việc ly hôn, nuôi dưỡng con chung như lời trình bày trên của bà P là đúng. Tuy nhiên, khi được nuôi con ông đã trực tiếp chăm sóc, nuôi dạy hai con phát triển tốt về thể chất, tinh thần, các trẻ được học hành đầy đủ; ông không cản trở việc thăm con của bà P, còn bà P thì lạm dụng quyền thăm con đã làm ảnh hưởng việc học hành của các con; do đó ông không đồng ý yêu cầu thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn theo yêu cầu của bà P.

Tại Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 519/2018/HNGĐ-ST ngày 20/4/2018 của Tòa án nhân dân quận B, Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Trấn Yến Phương.

Giao bà Trần Yến P trực tiếp nuôi dưỡng con chung tên Dương Thịnh Q sinh ngày 27/02/2007. Giao ông Dương Đình H trực tiếp nuôi dưỡng con chung tên Dương Vỹ K sinh ngày 19/10/2010.

Bà P và ông H không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con.

Ngoài ra bản án còn tuyên về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con chung sau khi ly hôn, án phí, quy định về thi hành án và quyền kháng cáo của đương sự theo quy định pháp luật.

Ngày 03/5/2018 bà Trần Yến P là nguyên đơn nộp đơn kháng cáo đề ngày 27/4/2018, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu được nuôi cả hai con  chung và không yêu cầu ông H cấp dưỡng nuôi con.

Tại phiên tòa phúc thẩm,

- Luật sư Nguyễn Văn N là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người kháng cáo, đồng thời là nguyên đơn trong vụ án - bà Trần Yến P, trình bày:

Khi thuận tình ly hôn với ông Dương Đình H vào năm 2015, do chưa đủ điều kiện tài chính để nuôi con nên bà P đã thỏa thuận giao hai con chung cho ông H nuôi dưỡng. Tuy nhiên, sau đó ông H nuôi hai con không đảm bảo tốt, cụ thể theo đánh giá của giáo viên chủ nhiệm lớp do tòa sơ thẩm thu thập được thì năm học 2017-2018 vừa qua trẻ K có dấu hiệu sa sút, không tập trung khi học; về hình thể bên ngoài thể hiện trẻ K đang thừa cân. Thời gian qua không hiểu vì lý do gì, ông H hoàn toàn không đến thăm nom trẻ Q, cho thấy ông không làm tròn trách nhiệm và còn cùng với gia đình nhiều lần cản trở việc bà P, trẻ Q đến thăm nom, chăm sóc con và em là trẻ K, vi phạm luật Hôn nhân và Gia đình.

Ông H hiện đã lập gia đình mới, có con gái riêng chưa đầy 01 tuổi đang ở cùng căn hộ chung cư với cha con ông H; về tâm lý chung cha mẹ thường phải chăm sóc, lo lắng cho con nhỏ nhiều hơn do trẻ còn nhỏ chưa thể tự chăm sóc bản thân, vì vậy thời gian chăm sóc cho trẻ K cũng bị chia sẻ, ảnh hưởng; còn bà P hiện độc thân, không bị chi phối bởi tình cảm khác mà dành trọn cho các con.

Ông H khai thu nhập nuôi con của ông là từ việc kinh doanh nhà thuốc Q K, nhưng nhà thuốc này thực tế không phải do ông H làm chủ mà là đi thuê một người khác; theo các giấy tờ khai, nộp thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân từ nhà thuốc Q K do ông H nộp tại tòa sơ thẩm thì doanh thu của nhà thuốc cũng như thu nhập của ông H thấp hơn rất nhiều so với mức ông Hải khai mà còn phải lo cho cả gia đình; bà P có chỗ ở và công việc ổn định, thu nhập cao hơn của ông H, giờ giấc làm việc theo giờ hành chính, phù hợp chăm sóc con. Bà P năm 2004 từng có tiền sử bị viêm gan B nhưng đã điều trị xong, ổn định, tháng 9/2018 bà P đi kiểm tra lại sức khỏe thì phòng khám chuyên khoa và Bệnh viện Quận S đã kết luận rõ bà có đủ sức khỏe làm việc; gần đây ngày 31/8/2018 bà P đến trường vào giờ giải lao để thăm trẻ K thì trẻ đã bày tỏ ý kiến muốn ở với mẹ, thể hiện trực tiếp qua video clip vừa phát tại phiên tòa; tin rằng với bàn tay chăm sóc của mẹ hai trẻ sẽ tiếp tục được gần gũi, chăm sóc, yêu thương, chia sẻ tình cảm với nhau một cách trọn vẹn nhất, vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, giao hai con chung cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng.

- Người kháng cáo là bà Trần Yến P trình bày: bà tha thiết xin được nuôi dưỡng hai con chung vì có đủ điều kiện, do thời gian trước giao hai con chung cho ông H nuôi dưỡng ông chăm sóc cho hai con chưa được tốt, chưa thực sự quan tâm đến các con. Bà rất mong muốn được thăm nom, chăm sóc các con nhưng ông H và gia đình nhiều lần cản trở bà thực hiện quyền này. Thời gian chờ tòa án xét xử bà không tự đón trẻ con (trẻ Q) về như ông H khai mà có sự đồng ý của ông H và nhà trường. Nếu được nuôi hai con, bà không yêu cầu ông H cấp dưỡng nuôi con.

- Luật sư Trần Minh H1 là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị đơn là ông Dương Đình H trình bày:

Nguồn chứng cứ là các video clip bên nguyên đơn cung cấp và phát tại phiên tòa không khách quan vì do tự nguyên đơn đi thu thập, clip bà P đến nhà ông H ở quận B thăm con thì không thấy mặt, không nghe tiếng ông H và gia đình ông H cản trở việc thăm con; cả ông H và bà P đều đưa ra video clip quay trẻ K chọn ở với mình, thực ra trẻ K còn nhỏ tuổi chưa đủ nhận thức nên gặp mẹ thì nói ở với mẹ, gặp cha thì nói ở với cha, ý kiến của trẻ vì thế chỉ có tính tham khảo. Thu nhập của ông H từ kinh doanh nhà thuốc tây là hợp pháp vì thực tế hiện nay vẫn phổ biến tình trạng cho thuê bằng dược sĩ nên tuy chưa đúng luật nhưng hợp tác kinh doanh nhà thuốc là bình thường; thời gian sau khi thuận tình ly hôn với bà P, ông H có đủ khả năng một mình nuôi cả hai con chung, bà P hoàn toàn không cấp dưỡng nuôi con. Đối với thu nhập của bà P đề nghị Hội đồng xét xử xem xét có ký hợp đồng lao động theo quy định không, hợp đồng loại gì? Có đóng thuế thu nhập cá nhân và tham gia bảo hiểm không? Hay chỉ là xác nhận thu nhập? Lời khai của người làm chứng C chỉ là lời nói một phía, không có xác nhận sự việc của cơ quan thẩm quyền, không bị xử lý hành chính hay hình sự nên không thể kết luận ông H về tư cách đạo đức. Luật không quy định người có gia đình mới thì không được nuôi con, nếu một mình bà P nuôi cả hai con thì rất vất vả và không thể đảm bảo tốt như mỗi người nuôi một con, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm, giao mỗi người nuôi một con chung là phù hợp nhất.

- Bị đơn là ông Dương Đình H trình bày: Ông có đủ điều kiện về chỗ ở, kinh tế và sức khỏe để nuôi con; hiện nay con gái riêng của ông với vợ sau được 7 tháng tuổi và sống cùng cha mẹ tại chung cư HL, nhưng vợ ông trực tiếp nuôi con nhỏ nên ông có thời gian để chăm sóc con chung với bà P. Ông không rõ tình trạng sức khỏe hiện nay của bà P như thế nào nhưng năm 2004 bà P bị bệnh viêm gan B nên một mình nuôi cả hai con sợ rằng không đảm bảo đủ sức khỏe; trường hợp cần giám định y khoa về sức khỏe của bà P thì ông đồng ý chịu chi phí. Lúc ly hôn ông không yêu cầu bà P cấp dưỡng nuôi con vì có đủ khả năng, nhưng bà P cũng chưa từng tự nguyện cấp dưỡng nuôi con lần nào. Ông thừa nhận ngày 25/7/2018 ông không đồng ý cho bà P thăm trẻ K vì bà không đi một mình mà còn đưa thêm người khác đến (sau này ông mới biết là Thừa phát lại). Nay ông không đồng ý giao trẻ K cho bà P nuôi, đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm, dù được nuôi một hay cả hai con thì ông H cũng không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu: Những người tham gia tố tụng và những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định pháp luật; về hình thức đơn kháng cáo của bà Phương hợp lệ; về nội dung kháng cáo: xét thấy cả hai bên cha mẹ đều thương yêu con mình, qua xem xét chứng cứ hai bên giao nộp đều có đủ điều kiện kinh tế, thu nhập, chỗ ở, thời gian để nuôi con; tuy nhiên xét về kết quả học tập năm học vừa qua của hai cháu thì chưa tốt lắm, nhưng cháu Q (hiện đang ở với mẹ) thì tốt hơn cháu K; Về phía ông H hiện đã có gia đình khác, tuy luật không cấm nhưng việc chăm sóc con có phần hạn chế hơn bà P; căn cứ chứng cứ trong hồ sơ và lời khai của cháu Q tại phiên tòa ngày 01/8/2018 thì cháu Q thường xuyên động viên, quan tâm, chăm sóc cho em mình là cháu K, nếu hai cháu cùng chung sống với nhau thì tình cảm anh em càng thêm gắn bó; vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa một phần án sơ thẩm, giao cả hai con chung cho bà P nuôi dưỡng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về hình thức:

Đơn kháng cáo của bà P nộp ngày 03/5/2018 còn trong hạn kháng cáo, đã nộp tạm ứng án phí theo quy định pháp luật do đó đơn kháng cáo của bà P hợp lệ về hình thức, được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về nội dung kháng cáo:

Theo trình bày của các đương sự và các chứng cứ trong hồ sơ vụ án thì tại bản án số 318/2015/HNGĐ-ST ngày 29/5/2015 của Tòa án nhân dân Quận S đã công nhận việc thuận tình ly hôn giữa bà P và ông H, ghi nhận thỏa thuận của hai bên, giao 2 con chung là Dương Vĩ K (nam) sinh ngày 19/10/2010 và Dương Thịnh Q (nam) sinh ngày 27/02/2007 cho ông H nuôi dưỡng, không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con.

Ngày 26/7/2017, bà P có đơn xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn vì bà cho rằng ông H nuôi con không được tốt, việc học tập của con bị sa sút, hiện ông H đã lập gia đình mới, bà đủ điều kiện nuôi con. Vụ án được giải quyết bằng bản án số 519/2018/HNGĐ-ST ngày 20/4/2018 của Tòa án nhân dân quận B, theo đó, giao cho ông H nuôi trẻ K, bà P nuôi trẻ Q, không bên nào phải cấp dưỡng nuôi con cho bên nào. Không đồng ý với án sơ thẩm, ngày 27/4/2018 bà P kháng cáo toàn bộ bản án, yêu cầu được nuôi cả 2 con chung, không yêu cầu ông H cấp dưỡng nuôi con với lý do: tòa sơ thẩm vi phạm tố tụng không hỏi ý kiến con (K) khi con đã đủ 7 tuổi, bắt 2 trẻ sống xa nhau là không phù hợp tâm sinh lý, chia rẽ tình cảm, ông H đã có vợ khác, có con riêng, nhiều lần cùng với gia đình cản trở việc thăm con chung của bà; bà P chưa lập gia đình mới và có đủ khả năng, điều kiện nuôi con.

Tại tòa sơ thẩm chưa ghi nhận ý kiến của trẻ K dù đã tròn 7 tuổi là thiếu sót, nhưng việc này đã được khắc phục khi xử phúc thẩm nên không cần thiết xét lại. Tuy nhiên, trẻ K bày tỏ ý kiến không thống nhất nhau, lúc ở với cha, lúc ở với mẹ, vì vậy ý kiến của luật sư bảo vệ quyền lợi của bị đơn cho rằng trẻ chưa có đủ nhận thức, ý kiến trẻ chỉ có tính tham khảo là có cơ sở, cần xem xét đánh giá thêm các điều kiện nuôi con khác.

Xét các điều kiện nuôi con của bà P, ông H thì về mặt tình cảm cả ông H và bà P đều yêu thương các con như nhau, cả hai bên đều có đủ khả năng về kinh tế, về thời gian, về chỗ ở để nuôi hai con như nhau.

Hội đồng xét xử nhận thấy, ngoài Vi bằng số 5003/2018/VB-TPL do Văn phòng Thừa phát lại quận B lập ngày 25/7/2018 mà bà P cung cấp cho Tòa án, nội dung thể hiện vào lúc 14 giờ 10 phút cùng ngày bà P và con trai là cháu Q đến chung cư HL Phường F, Quận S thăm con là Dương Vĩ K nhưng ông H không cho gặp (về việc này ông H xác nhận ông không cho bà P thăm con vì cho rằng bà tự đưa người khác đến) thì các chứng cứ khác do bà P cung cấp cho tòa án như video clip quay tại nhà ông H tại phường A quận B (bà P trình bày nguồn gốc video clip này do người cháu của bà cùng đi với bà và trẻ Q đến nhà trên thăm cháu K quay lại được vào ngày 01/6/2018) được phát tại phiên tòa ngày 30/8/2018; kết quả xác minh tại công an phường A, quận B ngày 06/7/2018 nội dung ngày 01/6/2018 bà P có đến công an phường trình báo việc ông bà nội cháu K không cho bà P được gặp, thăm con là cháu K; Biên bản làm việc với bà P ngày 19/6/2018 tại Ủy ban nhân dân phường A quận B về việc bà P trình bày ông H và gia đình cản trở không cho bà P thăm con... không thể hiện rõ việc ông H và gia đình cản trở không cho bà P thăm con, nhưng phần nào cho thấy ông H và gia đình ông H đã không tạo điều kiện thuận lợi để bà P và trẻ Q đến thăm con, thăm em sau khi ông H, bà P ly hôn.

Theo kết quả xác minh của Tòa án nhân dân quận B tại Trường tiểu học BT, nơi hai trẻ K, Q đang theo học đối với năm học 2017-2018 vừa qua thì kết quả học tập của hai trẻ năm học vừa qua cũng chưa được tốt.

Xét thấy bà P hiện tại có việc làm và thu nhập ổn định, về sức khỏe bà P thừa nhận năm 2004 có bị bệnh viêm gan B như lời ông H trình bày là đúng, tuy nhiên bà đã điều trị xong dứt điểm, ổn định từ lâu, không phải dùng thuốc men điều trị gì khác và cung cấp chứng cứ là kết quả khám bệnh ngày 06/9/2018 tại phòng khám đa khoa quốc tế Yersin - Chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư 3H, Thành phố Hồ Chí Minh và kết quả khám bệnh ngày 17/9/2018 tại Bệnh viện Quận S, Thành phố Hồ Chí Minh đều kết luận bà có đủ sức khỏe để làm việc nên ý kiến của ông H đưa bà P đi kiểm tra sức khỏe là không cần thiết. Mặt khác, pháp luật tuy không cấm nhưng trên thực tế thì bản thân ông H đã có gia đình mới, có con gái riêng còn rất nhỏ (chưa được 1 tuổi) đang ở chung nhà nên ông H cũng phải chia sẻ, thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với gia đình; còn bà P hiện chưa lập gia đình khác nên có điều kiện thuận lợi hơn ông H trong việc trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng các con, có thể toàn tâm, toàn ý, toàn lực chăm sóc cho các con và nếu được ở bên nhau thì tình cảm hai anh em cũng được trọn vẹn, gắn bó hơn với nhau hơn; do đó có cơ sở chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giao hai con chung cho bà P trực tiếp nuôi dưỡng như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa.

[3] Về án phí: án phí dân sự sơ thẩm về việc thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn là 300.000 đồng bà P tự nguyện chịu.

Án phí dân sự phúc thẩm: do sửa án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào các Điều 147, Điều 148, Điều 306, Khoản 2 Điều 308 và Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

- Căn cứ vào các Điều 81, Điều 82, Điều 83 và Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;

- Căn cứ Luật Thi hành án dân sự 2008, đã sửa đổi bổ sung năm 2014;

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án,

Tuyên xử:

* Về hình thức: chấp nhận đơn kháng cáo của bà Trần Yến P về mặt hình thức.

* Về nội dung: chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Trần Yến P.

1. Sửa một phần bản án hôn nhân sơ thẩm số 519/2018/HNGĐ-ST ngày 20/4/2018 của Tòa án nhân dân Quận B Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Yến P.

Giao hai chung tên Dương Thịnh Q (nam), sinh ngày 27/02/2007 và Dương Vỹ Khang (nam), sinh ngày 19/10/2010 cho mẹ là bà Trần Yến P trực tiếp nuôi dưỡng. Bà Phương không yêu cầu ông Hải cấp dưỡng nuôi con vì có đủ khả năng.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ này, yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được pháp luật quy định, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con và mức cấp dưỡng nuôi con.

3. Về án phí:

Án phí dân sự sơ thẩm về việc thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn là 300.000 đồng bà Trần Yến P tự nguyện chịu, được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã tạm nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2017/0000878 ngày 03/8/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận B, Thành phố Hồ Chí Minh. Bà Trần Yến P đã nộp đủ án phí dân sự sơ thẩm.

Án phí dân sự phúc thẩm bà Trần Yến P không phải chịu. Hoàn lại cho bà Trần Yến P số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà bà Trần Yến P đã tạm nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2018/0029154 ngày 03/5/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

509
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 841/2018/HNGĐ-PT ngày 17/09/2018 về tranh chấp thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn

Số hiệu:841/2018/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 17/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về