TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
BẢN ÁN 83/2021/DS-PT NGÀY 28/09/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Ngày 28 tháng 9 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 53/2021/TLPT-DS ngày 01 tháng 7 năm 2021 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 05/2021/DS-ST ngày 25/05/2021 của Tòa án nhân dân huyện Triệu Sơn bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 56/2021/QĐ-PT ngày 30 tháng 7 năm 2021 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Hà Quang L, sinh năm 1970 Bà Trịnh Thị N, sinh năm 1972 Cùng địa chỉ: Số 44/400B phố T, thị trấn T, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt
2. Bị đơn: Ông Hà Trọng D, sinh năm 1970 Và Bà Lê Thị N, sinh năm 1973 Cùng địa chỉ: Tổ dân phố 1, thị trấn T, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Có mặt. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Ông Lê Đình V, Luật sư công ty luật TNHH Minh Tiến;
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà hà Thành Plaza 102 Thái THịnh, quận Đống Đa, Hà Nội. Có mặt
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 20/10/2020, các văn bản tố tụng do Tòa án tiến hành và tại phiên tòa, nguyên đơn là vợ chồng ông Hà Quang L và bà Trịnh Thị N trình bày:
Ngày 15/3/2019 (Âm lịch) là ngày 19/4/2019 (Dương lịch), vợ chồng ông bà và vợ chồng Hà Trọng D, bà Lê Thị N thống nhất chốt nợ, vợ chồng ông D còn nợ ông bà số tiền là 400.000.000đồng, đây là tiền bà Lê Thị N nợ thăm hội và vay tiền mặt, không tính lãi. Do vợ chồng ông D chưa có tiền trả ngay nên hai bên thống nhất viết giấy vay số tiền 400.000.000đ (Bốn trăm triệu đồng) và ký tên để cho vợ chồng ông D trả dần hàng tháng mỗi tháng trả 15.000.000đ. Sau đó, hai bên thỏa thuận miệng mỗi tháng vợ chồng ông D trả 10.000.000đ. Đến tháng 6/2020, vợ chồng ông D mới trả được 89.000.000đồng. Từ tháng 7 đến tháng 10/2020, vợ chồng ông D không trả nợ theo thỏa thuận. Ông L đã nhiều lần đòi nợ nhưng vợ chồng ông D không trả còn có lời lẽ không hay. Vợ chồng ông L khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết buộc vợ chồng ông D phải trả số tiền gốc còn lại là 311.000.000đồng và tiền lãi phát sinh 1,2%/tháng.
Vợ chồng ông L cung cấp 02 giấy vay tiền cùng ngày 15/3/2019 (Âm lịch) là ngày 19/4/2019 (Dương lịch): Giấy vay tiền trong cuốn sổ có chữ ký của bà Lê Thị N và Giấy vay tiền viết theo mẫu có chữ ký của ông Hà Trọng D, bà Lê Thị N thực tế là một khoản tiền 400.000.000đồng mà hai bên gia đình đã thống nhất chốt nợ với nhau.
Ngày 05/5/2021, Vợ chồng ông L nộp đơn xin rút yêu cầu về lãi. Nguyên đơn không yêu cầu bị đơn trả lãi và không yêu cầu Tòa án giải quyết phần lãi nữa.
Tại Bản tự khai, các văn bản tố tụng và tại phiên tòa, bị đơn là bà Lê Thị N trình bày:
Bà vào thăm hội với bà Trịnh Thị N từ năm 2016 và đã lấy thăm hội nhiều lần. Ngày 15/7/2018 (Âm lịch) là ngày 25/8 2018 (Dương lịch) vợ chồng bà và vợ chồng ông L chốt số tiền nợ thăm và tiền lãi là 400.000.000đồng, trong đó: Tiền gốc 250.000.000đ và tiền lãi 150.000.000đ.
Giấy vay tiền viết theo mẫu do ông D viết mục 1, 3 và 4 gồm: Họ tên vợ chồng bà, số tiền vay bằng số bằng chữ 400.000.000đ (Bốn trăm triệu đồng) và ký tên phía dưới. Còn ngày tháng năm là do vợ chồng ông L viết và viết sai, ngày 15/7/2018 (Âm lịch) nhưng lại viết vào giấy là ngày 15/3/2019 (Âm lịch).
Giấy vay tiền ngày 15/3/2019 (Âm lịch) trong cuốn sổ là do bà Trịnh Thị N viết, ký chữ “ Lê Thị N” và viết “tính tổng hết các sổ nợ không liên quan” là viết đúng ngày 15/3/2019 (Âm lịch) tức là ngày 07/4/2019 (Dương lịch).
Hai giấy vay tiền trên thực tế là một khoản tiền 400.000.000đồng mà hai bên gia đình đã thống nhất chốt nợ với nhau và bà chỉ đồng ý trả một khoản tiền 400.000.000đồng ghi trong tờ giấy có chữ ký của vợ chồng bà. Vợ chồng bà vẫn thống nhất trả dần hàng tháng đến ngày 06/7/2020 đã trả 319.000.000đ được ghi trong cuốn sổ bà nộp cho Tòa án. Vợ chồng bà chỉ còn nợ vợ chồng ông L 81.000.000đ và tiếp tục có trách nhiệm trả hết số nợ này. Bà không đồng ý trả lãi vì khi chốt nợ hai bên không thỏa thuận lãi. Tại phiên tòa, bà không có ý kiến gì về việc rút yêu cầu trả lãi của nguyên đơn.
Tại Bản tự khai, các văn bản tố tụng và tại phiên tòa, bị đơn là ông Hà Trọng D trình bày:
Ông thống nhất với trình bày của bà Lê Thị N về việc ông viết và ký vào giấy vay tiền. Vợ chồng ông chốt nợ với vợ chồng ông L số tiền 400.000.000đ vào ngày 15/7/2018 (Âm lịch) chứ không phải ngày 15/3/2019 (Âm lịch). Vợ chồng ông đã trả được số tiền gốc 319.000.000đ chỉ còn nợ vợ chồng ông L: 81.000.000đ và sẽ có trách nhiệm trả hết nợ. Ông không đồng ý trả lãi vì khi chốt nợ không thỏa thuận lãi. Tại phiên tòa, ông không có ý kiến gì về việc rút yêu cầu trả lãi của nguyên đơn.
Tại Bản án số 05/2021/DS-ST ngày 25/5/2021 của Tòa án nhân dân huyện Triệu Sơn đã quyết định:
Căn cứ vào khoản 3 Điều 26, các Điều 35, 39, 271, 273, 278, 280 BLTTDS; Điều 463, 466 Bộ luật dân sự; Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
Buộc ông Hà Trọng D và bà Lê Thị N phải trả cho ông Hà Quang L và bà Trịnh Thị N số tiền: 311.000.000đồng (Ba trăm mười một triệu đồng).
2. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện về lãi do nguyên đơn rút yêu cầu.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên nghĩa vụ thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 04/6/2021, bị đơn là bà Lê Thị N và ông Hà Trọng D kháng cáo, với nội dung:
1) Xác minh làm rõ số tiền trên giấy nhận nợ là hoàn toàn do ép vợ chồng tôi ký, mà trên thực tế không có khoản tiền mặt như trong giấy vay. Sau khi lừa đảo vợ chồng tôi vào trong thăm hội với những lời hứa hẹn, nhưng không hề có ai vào thăm mà chỉ do nguyên đơn nói khống mà không chứng minh được giấy tờ liên quan, sau một thời gian đóng thăm hội, xét thấy có dấu hiệu lừa đảo, vợ chồng tôi yêu cầu không tiếp tục nữa, thì phía nguyên đơn quay ra tính lãi cao cùng số tiền thăm thiếu tạo áp L để vợ chồng tôi phải nhận nợ (trên thực tế vợ chồng chưa hề nhận bất kỳ khoản tiền mặt hay tài sản gì từ phía nguyên đơn). Số tiền trên giấy nợ hoàn toàn không có thật. Có dấu hiệu lừa đảo trên sự tin tưởng lẫn nhau, sự thiếu hiểu biết của vợ chồng tôi và lợi dụng sự sơ hở của pháp luật trong gia dịch dân sự.
2) Giấy ghi nợ bên nguyên đơn cung cấp có dấu hiệu chỉnh sửa (ghi thêm thông tin ngày tháng năm sai với ngày vợ chồng tôi viết đơn) Vợ chồng tôi viết từ ngày 15 tháng 7 năm 2018, trên giấy sửa lại thành 15/3/2019. Nhăm chiếm đoạt số tiền vợ chồng tôi đã trả trước đó. Yêu cầu xác minh lại chữ viết và ngày tháng ghi trên giấy nhận nợ có cùng một chữ viết vợ chồng tôi ký không và nếu có phải làm rõ mục đích.
3) Vợ chồng tôi không đồng ý với quyết định của Tòa án huyện Triệu Sơn, yêu cầu vợ chồng tôi trả số tiền 311.000.000đ. Số tiền mà vợ chồng tôi trả cho phía nguyên đơn tổng là 319.000.000đ. Vợ chồng tôi đã thống kê chi tiết ngày tháng năm đưa cho phía nguyên đơn (đã nộp sổ cho Tòa án). Khi đưa tiền nguyên đơn luôn tìm lý do để không ký xác nhận nhận tiền cho vợ chồng tôi. Nếu Tòa chứng minh được những gì vợ chồng tôi nói là hoàn toàn đúng sự thật, thì yêu cầu nguyên đơn phải trả lại cho vợ chồng tôi theo đúng pháp luật vì số tiền trên giấy nợ là hoàn toàn do lừa đảo và ép buộc chứ vợ chồng tôi không hề nhận tiền mặt theo như giấy vay nợ ghi.
Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn không rút đơn khởi kiện và bị đơn người có kháng cáo không rút đơn kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn trình bày: Nguồn gốc của khoản nợ giữa bị đơn và nguyên đơn không được làm rõ ở cấp sơ thẩm. Bản chất của vụ án là tranh chấp số tiền phải thanh toán từ việc tham gia hội thăm giữa hội viên là bà Lê Thị N và người quản thăm là bà Trịnh Thị N. Về nguyên tắc, bà Trịnh Thị N, ông L nếu không chứng minh được việc góp tiền vào hội thăm cho bà Lê Thị N thì không có quyền đòi nợ. Các giấy vay tiền đề ngày 15/3/2019 và giấy vay tiền viết tay giữa vợ chồng ông L và vợ chồng ông D cũng không đảm bảo về mặt hình thức cũng như nội dung. Vì vậy đề nghị HĐXX hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho TAND huyện Triệu Sơn giải quyết lại theo quy định của pháp luật.
Ý kiến của đại diện VKSND tỉnh Thanh Hóa tại phiên tòa: Quá trình giải quyết vụ án tại giai đoạn phúc thẩm tuân theo quy định của BLTTDS. Đề nghị HĐXX căn cứ Khoản 1 Điều 308 BLTTDS không chấp nhận kháng cáo của bà Lê Thị N và ông Hà Trọng D, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 05/2021/DS-ST ngày 25 tháng 5 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Triệu Sơn.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa, nghe lời trình bày của các đương sự và ý kiến của đại diện VKSND tỉnh Thanh Hóa tại phiên tòa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Về quan hệ pháp luật: Vợ chồng ông Hà Quang L bà Trịnh Thị N (gọi tắt là vợ chồng ông L) với vợ chồng ông Hà Trọng D bà Lê Thị N ( gọi tắt vợ chồng ông D) là chỗ quen biết, làm ăn đi chợ với nhau và tham gia hội thăm (cùng một số người khác góp tiền nhưng có lời để giúp nhau hỗ trợ vốn làm ăn) từ năm 2016. Quá trình tham gia thăm hội đến tháng 7 năm 2018 thì không tham gia nữa. Sau đó hai bên đã thỏa thuận, chốt nợ với nhau, vợ chồng ông D còn nợ vợ chồng ông L tổng số tiền là 400.000.000đ (trong số tiền này có cả tiền thăm hội và cả tiền mà vợ chồng ông ông L cho vợ chồng ông D vay). Hai bên đã thống nhất và viết giấy vay tiền vào ngày 15/3/2019 cả hai bên đều thừa nhận chữ ký trong giấy vay (có cả chữ in) là do cả vợ cả chồng của hai bên ký, thời hạn trả nợ là trong vòng 1 năm. Đồng thời trong ngày 15/3/2019 bà Trịnh Thị N có viết giấy vay tiền với số tiền vay là 412.000.000đ, mỗi tháng trả 15.000.000đ, bên vay chỉ có chữ ký của bà Lê Thị N. Trong quá trình giải quyết tại Tòa cấp sơ thẩm hai bên đều thừa nhận hai giấy vay tiền vay là một khoản tiền 400.000.000đồng (Bốn trăm triệu đồng) do hai bên gia đình đã thống nhất chốt nợ với nhau. Như vây, đủ căn cứ khẳng định rằng các quan hệ giao dịch trước đây giữa vợ chồng ông L và vợ chồng ông D đã chấm dứt và bắt đầu phát sinh quan hệ mới là quan hệ hợp đồng vay tài sản trên cơ sở giấy vay tiền ngày 15/3/2021 mà hai bên đã ký kết (giấy viết có cả chữ in và chữ viết tay). Do đó, Tòa án nhân dân duyện Triệu Sơn xác định vụ án Tranh chấp hợp đồng vay tài sản là chính xác và không phải chứng minh theo quy định tại điều 92 BLTTDS.
[2]. Xét nội dung kháng cáo:
Vợ chồng ông D cho rằng “giấy vay tiền” giữa vợ chồng ông và vợ chồng ông L khi viết không ghi ngày tháng năm, sau này do vợ chồng ông L tự ghi vào là ngày 15/3/2021. Tuy nhiên, vợ chồng ông D không cung cấp được bản không có ghi ngày tháng năm và cũng không chứng minh được ai là người làm chứng trong việc viết giấy nhưng không đề ngày tháng vay, cho nên HDXX không có tài liệu để so sách, trong khi đó giấy vay tiền này, số tiền vay là 400.000.000đ có đầy đủ chữ ký của cả hai bên vợ chồng. Do đó, không thể nói là giấy vay tiền này không có thật như ý kiến của vợ chồng ông D nêu trong đơn kháng cáo. Vì vậy, không chấp nhận yêu cầu này của vợ chồng ông D.
Đối với số tiền đã trả: Nguyên đơn cung cấp cuốn sổ ghi số tiền bị đơn đã trả từ tháng 15/4 (Âm lịch) đến tháng 6 (Âm lịch) tổng cộng là 89.000.000đồng. Bị đơn cung cấp cuốn sổ ghi số nợ đã trả cho nguyên đơn từ tháng 15/9/2018 (Âm lịch) đến tháng 06/7/2020 (Âm lịch) tổng cộng là 319.000.000đ. Hai cuốn sổ này do các bên tự ghi, không có chữ ký xác nhận của bên kia. Tòa án đã cho các đương sự đối chiếu sổ và đối chất với nhau nhưng các bên không thống nhất được số tiền đã trả và tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay vợ chồng ông D cũng không chứng minh được mà khẳng định vợ chồng đã trả đuộc 89.000.000đ điều này chứng tỏ có việc nợ và có việc trả, chỉ không thống nhất số tiền đã trả và số tiền còn nợ. Tuy nhiên, phía vợ chồng ông D trong suốt quá trình giải việc vụ án ở cấp sơ thẩm cũng như cấp phúc thẩm vợ chồng ông D không chứng minh được. Do đó, đề nghị của vợ chồng ông D không có căn cứ để chấp nhận.
Xét, cuốn sổ bị đơn ghi số nợ đã trả từ ngày 15/9/2018(Âm lịch) tức ngày 23/10/2018 (Dương lịch) trước thời gian ghi trong giấy vay tiền ngày 15/3/2019 (Âm lịch) tức ngày 19/4/2019 (Dương lịch) là không hợp lý. Mặt khác, cuốn sổ nguyên đơn ghi số tiền bị đơn đã trả không có xác nhận của bị đơn nhưng được nguyên đơn tức là chủ nợ đã thừa nhận là 89.000.000đồng, còn số tiền 311.000.000đ bị đơn ghi số tiền đã trả nhưng không có xác nhận của chủ nợ tức là Nguyên đơn, bản thân vợ chồng ông D cũng không có căn cứ để chứng minh. Như vậy số tiền bị đơn đã trả cho nguyên đơn chỉ được chấp nhận khi nguyên đơn thừa nhận. Theo đó, bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ hàng tháng theo thỏa thuận. Vì vậy, nguyên đơn khởi kiện đề nghị Tòa án buộc bị đơn phải trả số tiền: 311.000.000đồng là có cơ sở chấp nhận.
Tại phiên tòa phúc thẩm vợ chồng ông D không xuất trình tài liệu, chứng cứ nào mới. Do đó, không chấp nhận kháng cáo của vợ chồng ông D và đề nghị của đại diện VKSND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Gữ nguyên banr án sơ thẩm là có căn cứ.
[3]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu L pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[4]. Về án phí: Kháng cáo không được chấp nhận nên vợ chồng ông D phải chịu án phí DSPT Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 463; Điều 466 Bộ luật dân sự. Điểm b Khoản 1 Điều 24, Khoản 4 Điều 26 Nghị Quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội. Xử:
1. Không chấp nhận kháng cáo của bà Lê Thị N và ông Hà Trọng D, Giữ nguyên bản án Dân sự sơ thẩm số 05/2021/DS-ST ngày 25 tháng 5 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyệnTriệu Sơn.
Buộc ông Hà Trọng D và bà Lê Thị N phải trả cho ông Hà Quang L và bà Trịnh Thị N số tiền: 311.000.000đồng (Ba trăm mười một triệu đồng).
Kể từ ngày nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án, bị đơn phải trả lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.
2. Về án phí DSPT: Ông Hà Trọng D và bà Lê Thị N phải nộp 300.000đ án phí DSPT, được trừ vào số tiền đã nộp 300.000đ theo biên lai thu số AA/2016/0001422 ngày 10/6/2021 tại Chi cục thi hành án dân sự huyệnTriệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu L pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Người được thi hành án dân sự, phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6,7 7a, 9 của Luật Thi hành án Dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án Dân sự.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu L kể từ ngày tuyên án.
Bản án 83/2021/DS-PT ngày 28/09/2021 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Số hiệu: | 83/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 28/09/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về