Bản án 82/2019/HSPT ngày 22/02/2019 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 82/2019/HSPT NGÀY 22/02/2019 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 22 tháng 02 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử công khai, phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 720/2018/TLPT-HS ngày 20 tháng 9 năm 2018 đối với bị cáo Phan Đình Q bị xét xử sơ thẩm về tội “Giết người” do có kháng cáo của bị cáo, người đại diện hợp pháp của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 103/2018/HS-ST ngày 09/8/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.

- Bị cáo có kháng cáo và bị kháng cáo: Họ và tên: Phan Đình Q, sinh ngày 08/10/1996; nơi cư trú: Xóm ĐH, xã Th, huyện TK, tỉnh Nghệ An; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ học vấn: Lớp 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phan Đình B và bà Nguyễn Thị H; chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt, tạm giam từ ngày 10/8/2017. Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Lê Thị Kim S, thuộc Văn phòng luật sư Lê Trần - Đoàn luật tỉnh sư Nghệ An. Có mặt.

- Bị hại: Anh Phan Văn V (Đã chết).

- Người đại diện hợp pháp của bị hại có kháng cáo: Ông Phan Văn Đ, sinh năm 1960 (Bố bị hại); bà Lê Thị D, sinh năm 1960 (Mẹ bị hại) và chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1991 (Vợ bị hại) cùng địa chỉ: Xóm ĐH, xã Th, huyện TK, tỉnh Nghệ An. Có mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bị hại: Luật sư Đào Thị H - Văn phòng Luật sư Miền Trung thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An và luật sư Đỗ Thái Hán, Văn phòng luật sư DOHA thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo: Ông Phan Đình B, sinh năm 1976 (Bố bị cáo); địa chỉ: xóm ĐH, xã Th, huyện TK, tỉnh Nghệ An. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Gia đình ông Phan Đình B với gia đình anh Phan Văn V đều trú tại xóm ĐH, xã Th, huyện TK, tỉnh Nghệ An, có mâu thuẫn liên quan đến việc tranh chấp đất làm rẫy. Buổi chiều ngày 09/8/2017, ông B cùng với con trai là Phan Đình Q đi lên rẫy của gia đình để phát cỏ. Trước khi đi, ông B nói với Q mang theo một chiếc gậy gỗ dài 168cm, đường kính 03cm đưa lên rẫy và để lại đây, nếu anh V lên gây sự sẽ sử dụng đánh lại anh V. Sáng ngày 10/8/2017, ông B và Q tiếp tục lên rẫy để phát cỏ. Khi đi, ông B cầm một máy cắt cỏ, còn Q cầm theo hai con dao phát rẫy đều có lưỡi hình vòng cung (01 con dao dài 104,7cm; lưỡi dao dài 35cm, phần rộng nhất của lưỡi dao 5,3cm và 01 con dao dài 107,5cm, phần lưỡi dao dài 27,6cm; phần rộng nhất của lưỡi dao 4,3cm) để phát cỏ. Làm việc được khoảng 30 phút, ông B và Q ngồi nghỉ uống nước thì thấy anh V (bị hại) cầm một thanh kiếm đi lên khu vực rẫy của gia đình mình. Ông B nói: “Hắn lên rồi Q ơi”, đồng thời ông B cầm lấy chiếc gậy gỗ đã mang lên rẫy từ chiều hôm trước để phòng thân, còn Q cầm một cây dao phát rẫy đứng phía sau, chếch về bên trái của ông B. Anh V cầm kiếm đi về phía ông B và nói: “Bữa ni tau không chạy nữa mô”, ông B cũng nói lại: “Không chạy thì không chạy”. Anh V cầm kiếm lao vào ông B. Thấy vậy, Q đang đứng phía sau ông B cầm dao phát bằng hai tay chém một nhát hướng từ trên xuống dưới trúng vào tay phải của anh V. Sau khi chém anh V, người Q gập về phía trước, do khu vực rẫy dốc, chân bị vướng cây nên Q bị ngã xuống và con dao bị văng ra khỏi tay. Sau khi bị chém trúng tay, anh V không dừng lại mà tiếp tục cầm kiếm lao về phía ông B. Ông B dùng gậy đánh trúng vào tay trái của anh V, còn anh V dùng kiếm chém trúng vào tay phải của ông B làm gậy ông B cầm bị văng ra. Ông B lùi lại nhưng bị vướng vào cây nên ngã ngửa ra phía sau trượt xuống bậc đất (bậc đất nghiêng khoảng 75 độ, ngăn cách giữa khu vực ông B và Q đang phát cỏ với khu vực vườn mía phía dưới), chân của ông B gác lên bậc đất, đầu và mông nằm dưới bậc đất. Anh V cầm kiếm chạy đến đứng trên bậc đất, thấy ông B đang nghiêng người sang bên phải để đứng dậy, anh V liền cầm kiếm đâm một nhát từ trên xuống dưới trúng vào bụng bên trái của ông B. Sau đó, anh V định đứng dậy rút kiếm ra nhưng ông B đưa tay giữ lại khiến anh V bị mất đà, trượt chân rơi trên bậc đất xuống và ngồi đè lên bụng dưới của ông B. Cả hai người tiếp tục giằng co nhau thanh kiếm. Lúc này, Q đứng dậy thấy anh V đang ngồi đè lên người của ông B, Q chạy đến đưa tay phải luồn vào cổ của anh V kéo ngã ngửa ra phía sau và nằm đè lên người Q. Anh V và Q lúc này đều nằm ngửa. Sau đó, Q vật anh V nằm úp xuống đất, Q cũng nằm úp đè lên người anh V. Tay phải của Q vẫn ôm ngang cổ giữ không cho anh V chống cự, Q dùng tay trái lấy con dao bấm để ở trong túi quần, đồng thời đưa lưỡi dao ra ngoài. Cùng lúc đó, ông B đang nằm và rút thanh kiếm ra thấy ruột lòi ra ngoài nên nói to: “Hắn đâm bố thủng ruột rồi Q ơi”. Lúc này tay trái của Q đang cầm dao, Q đâm liên tiếp 03 (ba) nhát lên cơ thể anh V, trong đó có một nhát trúng vào cánh tay trái, một nhát trúng vào bờ vai trái và một nhát trúng vào vùng lưng bên trái (vết thương ở bờ vai trái và vùng lưng bên trái mà Q dùng dao đâm anh V đều dẫn đến thủng phổi trái). Tiếp đó, Q nghiêng người đưa dao ra phía sau cắt đứt gân gót chân trái của anh V rồi đứng dậy chạy lại chỗ ông B và thấy ông B bị đâm thủng bụng, ruột lòi ra. Q liền vứt con dao bấm vào bụi cây rồi nhặt con dao phát ở dưới đất lên chém liên tiếp nhiều nhát lên người anh V khiến anh V tử vong. Sau đó Q gọi điện thoại cho người nhà đến đưa ông B đi cấp cứu.

Tại Kết luận giám định pháp y về tử thi số 197/KL-PC54(PY) ngày 23/8/2017 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nghệ An kết luận nguyên nhân chết của anh Phan Văn V: “Suy hô hấp, suy tuần hoàn cấp, thủng phổi trái do đa vết thương”

Về vật chứng: Quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra đã thu giữ:

- Một con dao phát, lưỡi hình cung, dài 104,7 cm, lưỡi dao dài 35cm, phần rộng nhất của lưỡi dao 5,3cm, loại dao một lưỡi sắc;

- Một gậy gỗ hình trụ tròn dài 168cm, đường kính 03 cm, trên bề mặt bám dính chất màu nâu đỏ, nghi là máu;

- Một kiếm tự tạo, loại một lưỡi sắc, mũi nhọn dài 85,5 cm; phần lưỡi dài 67,5 cm; phần rộng nhất của lưỡi rộng 5,5 cm, bề mặt lưỡi kiếm bị rỉ sét;

- Một thanh kiếm dài 85 cm, cán bằng gỗ dài 21 cm, phần lưỡi bằng kim loại dài 64 cm;

- Một chiếc áo dài tay, màu xanh rằn ri, áo có tem mác 3B.CC160-165XN88; VB74, có cúc bằng nhựa màu đen. Tại phần sau lưng áo bên trái có một vết rách thủng dài 05cm; điểm thấp nhất cách đường viền áo 22cm; điểm cao nhất cách đường viền chân áo 23,5cm; vết rách xiên chếch từ dưới lên trên;

- Một dao phát lưỡi, dao hình cung dài 107,5cm; phần lưỡi dao dài 27,6cm; phần rộng nhất của lưỡi rộng 4,3cm; trên bề mặt lưỡi dao và cán dao có bám dính chất màu nâu đỏ;

- Một chiếc áo màu xanh, trên áo có nhiều vết màu nâu nghi máu;

- Một chiếc quần bò màu xanh, quần dài, phía sau quần bò có chữ Baly; trên quần có một thắt lưng màu vàng, mặt thắt lưng có chữ Burbery;

- Một đôi giày màu đen cao cổ, có dây buộc;

- Một chiếc áo ba lỗ màu trắng, áo thấm ướt nhiều máu. Tại thân áo phía sau bên trái vị trí cách đường chỉ nách áo 03cm, cách trên đường chỉ tà áo 30cm có một vết đứt thủng vải kích thước (2x2,3)cm;

- Một quần đùi kẻ sọc, quần thấm ướt nhiều máu;

- Một con dao bấm, gập dài 23,5cm; có mũi nhọn, cán dao làm bằng kim loại, lưỡi dao bằng kim loại dài 11 cm, phần rộng nhất của lưỡi dao 2,2cm.

Ngày 30/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An ra Quyết định trưng cầu giám định số 204, trưng cầu giám định tỷ lệ phần trăm thương tật của ông Phan Đình B. Tại Kết luận giám định pháp y về thương tích số 258/TTPY ngày 04/10/2017 của Trung tâm pháp y của Sở Y tế tỉnh Nghệ An kết luận: “Tổn hại sức khỏe do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 32%”.

Về dân sự: Ông Phan Văn Đ (bố đẻ của anh Phan Văn V), là người đại diện hợp pháp của bị hại yêu cầu Phan Đình Q phải bồi thường tiền mai táng phí 21.800.000 đồng; tiền nuôi hai cháu Phan Quốc A, sinh ngày 05/3/2009 và Phan Thị Thảo N, sinh ngày 18/3/2013 là con của anh V, một cháu là 2.500.000 đồng/tháng, cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi; tiền đền bù tổn thất tinh thần yêu cầu giải quyết theo quy định pháp luật. Trong quá trình điều tra, gia đình bị cáo Phan Đình Q đã bồi thường được 30.000.000 đồng.

Cáo trạng số 03/VKS- P2 ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An quyết định truy tố bị cáo Phan Đình Q về tội “Giết người” theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999.

Ngày 14 tháng 3 năm 2018, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An điều tra bổ sung.

Cáo trạng số 75/CT- VKS-P2 ngày 06 tháng 5 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An truy tố Phan Đình Q về tội “Giết người” theo điểm i khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 103/2018/HS-ST ngày 09/8/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An quyết định áp dụng điểm i khoản 1 Điều 93; điểm b, điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999; xử phạt bị cáo Phan Đình Q 20 (Hai mươi) năm tù về tội “Giết người”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam ngày 10/8/2017.

Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 591, Điều 593 Bộ luật dân sự năm 2015, buộc bị cáo Phan Đình Q phải bồi thường tiếp cho gia đình bị hại 130.800.000 đồng (Một trăm ba mươi triệu, tám trăm nghìn đồng);

Buộc bị cáo Phan Đình Q phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi hai cháu Phan Quốc A, sinh ngày 05/3/2009 và Phan Thị Thảo N, sinh ngày 18/3/2018 (là con chung của anh Phan Văn V và chị Nguyễn Thị H) mỗi tháng mỗi cháu 1.500.000 đồng từ tháng 8/2017 đến khi hai cháu đủ 18 tuổi.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về hình phạt bổ sung, xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm:

- Ngày 21/8/2018, người đại diện hợp pháp của người bị hại là ông Phan Văn Đ kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm hoặc sửa Bản án sơ thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo lên mức tử hình; buộc ông Phan Đình B phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người; bỏ lọt tội phạm đối với bà H và anh C; nâng mức cấp dưỡng mỗi cháu con anh V lên 2.500.000 đồng/tháng.

- Ngày 27/8/2018, bị cáo Phan Đình Q kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

- Ngày 28/8/2018, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Phan Đình B kháng cáo, yêu cầu những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh V (người bị hại) phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe do hành vi của anh V gây ra với tổng số tiền 315.700.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Người bào chữa cho bị cáo nộp cho Hội đồng xét xử văn bản thể hiện: Ngày 21 tháng 11 năm 2018 gia đình bị cáo đã bồi thường cho gia đình bị hại 131.000.000 đồng (Quyết định của Bản án sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường 130.800.000 đồng).

- Bị cáo khai báo thành khẩn, có thái độ ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Giữ nguyên yêu cầu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt do người bị hại cũng có lỗi dẫn đến bị cáo bị kích động; sau khi xét xử sơ thẩm gia đình bị cáo đã bồi thường cho gia đình bị hại 131.000.000 đồng; bị cáo đã đầu thú; hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố bị cáo cũng bị thương tích do bị hại gây ra, có 02 em còn nhỏ, bị cáo là lao động chính trong gia đình.

- Đại diện bị hại yêu cầu gia đình bị cáo phải bồi thường một lần toàn bộ số tiền cấp dưỡng cho hai con của bị hại với mức 2.500.000đ/tháng/ 1 cháu và bồi thường ngay tại phiên tòa thì sẽ xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Nếu gia đình bị cáo không thực hiện yêu cầu trên thì gia đình vẫn giữ nguyên quan điểm kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo lên mức tử hình và các yêu cầu khác đã thể hiện trong đơn kháng cáo.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Phan Đình B rút yêu cầu kháng cáo buộc những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh V (người bị hại) phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe do hành vi của anh V gây ra để thu thập tài liệu, sau này khởi kiện bằng vụ án dân sự khác.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa có quan điểm:

+ Tại phiên tòa phúc thẩm, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Phan Đình B đã tự nguyện rút kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ quy định tại Điều 342 Bộ luật tố tụng hình sự đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của ông B.

+ Căn cứ hồ sơ vụ án, diễn biến tại phiên tòa có đủ căn cứ xác định việc Bản án sơ thẩm kết tội bị cáo về tội giết người với tình tiết định khung tăng nặng: "Giết người một cách man rợ" theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự là chính xác, đúng pháp luật.

+ Về kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo và tăng nặng hình phạt đối với bị cáo của đại diện bị hại: Bị cáo có nhân thân tốt, sau khi phạm tội đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, đã tác động gia đình bồi thường 30.000.000 đồng nên Bản án sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 và xử phạt bị cáo Phan Đình Q 20 (Hai mươi) năm tù. Xét thấy trong vụ án này, bị hại anh Phan Văn V cũng là người có lỗi; sau khi xét xử sơ thẩm, gia đình bị cáo đã bồi thường tiếp cho gia đình bị hại 131.000.000 đồng là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng. Do đó, kháng cáo tăng hình phạt lên mức tử hình của người đại diện hợp pháp cho bị hại là không phù hợp. Mức án 20 năm tù mà Bản án sơ thẩm đã quyết định là phù hợp. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo và tăng nặng hình phạt đối với bị cáo của đại diện bị hại.

+ Kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại về việc tăng tiền cấp dưỡng cho hai con của bị hại lên mức 2.500.000 đồng/tháng/cháu là không phù hợp với thực tế, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên mức cấp dưỡng của Bản án sơ thẩm đã xác định: 1.500.000đ/tháng/cháu cho đến khi mỗi cháu đủ 18 tuổi.

+ Không có căn cứ xác định vụ án có đồng phạm, việc điều tra vụ án đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nên không cần thiết phải hủy vụ án để điều tra lại như kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại.

- Người bào chữa cho bị cáo Phan Đình Q trình bày: Về tội danh và khung hình phạt luật sư không có ý kiến gì. Đồng ý với ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội về việc người bị hại có lỗi; tại bút lục số 11 thể hiện bị cáo đầu thú; bị cáo là người gọi cho công an viên, mẹ bị cáo cũng là người gọi cho công an; bị cáo là người đưa bố bị cáo đi cấp cứu nên cán bộ Công an mới bắt bị cáo tại bệnh viện; đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận cho bị cáo. Trong vụ án có một phần lỗi của người bị hại nhưng Tòa án cấp sơ thẩm tuyên mức bồi thường cao nhất là 100 tháng lương, bị cáo cũng đã chấp nhận là để mong muốn được gia đình người bị hại rộng lòng tha thứ cho lỗi lầm của bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận tình tiết giảm nhẹ là lỗi của người bị hại, bị cáo ra đầu thú, tích cực bồi thường cho gia đình người bị hại; gia đình hoàn cảnh cận nghèo, rất khó khăn để giảm một phần hình phạt cho bị cáo.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Phan Văn Đ (Luật sư Đào Thị H): Mức án là chưa tương xứng với hành vi của bị cáo, chưa phản ánh hết sự việc. Bản án sơ thẩm cho rằng ông B chỉ đánh anh V 01 cái vào tay, nhưng trong hồ sơ vụ án tại bút lục 34 thể hiện Việt có rất nhiều vết thương do vật tày gây ra. Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo cũng thừa nhận chỉ dùng vật sắc nhọn gây ra thương tích cho anh V, nhưng trên thân thể anh V có nhiều vết thương do vật tày gây nên. Quá trình giải quyết vụ án đã trả hồ sơ nhiều lần để thực nghiệm điều tra, nhưng lại không thực hiện. Vết cắt gân chân rất dài nên không thể do dao bấm gây nên. Q nằm trên người anh V thì không thể quay người cắt gân chân anh V; nên có thể khẳng định bị cáo đang nhận tội thay cho ông B. Anh V bị băm nát người thì không thể tự bò vào vườn mía cách vị trí đánh nhau 15m. Vườn mía không có lối vào, nếu bò xuống thì đầu Việt phải quay xuống, nhưng tư thế của Việt là nằm ngửa đầu quay lên núi. Tại phiên tòa thể hiện bị cáo chỉ sử dụng hai con dao để gây án, nhưng trong hồ sơ thể hiện hai con dao phát rẫy đều dính máu, vậy con dao còn lại ai là người sử dụng. Bị cáo bị bắt tại bệnh viện không phải ra đầu thú, nhưng trong hồ sơ lại có tài liệu bị cáo đầu thú, có sự làm sai lệch hồ sơ. Hồ sơ có nhiều mâu thuẫn, cần hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Phan Văn Đ (Luật sư Đỗ Thái H): Luật sư không đồng tình với đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho rằng bị hại có lỗi. Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo thừa nhận địa điểm gây ra cái chết của anh V là ở ruộng mía. Hiện trường ruộng mía chật, cây mía cao, không đủ không gian để bị cáo vung dao chém anh V; khi anh V bị chém gần lìa tay thì không thể trườn xuống vườn mía cách vị trí bị chém hơn 10m. Vì vậy, có thể có sự di chuyển anh V xuống vườn mía để phi tang không ai phát hiện để cứu giúp. Qua nhiều thời gian nhưng Cơ quan điều tra không dựng lại hiện trường là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để dựng lại hiện trường vụ án, làm sáng tỏ vụ án.

Quá trình tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, bị cáo, người bào chữa cho bị cáo, đại diện hợp pháp cho bị hại và những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại vẫn giữ nguyên quan điểm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, xét kháng cáo của bị cáo, đại diện người bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa bị cáo Phan Đình Q thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội như Bản án sơ thẩm đã kết án. Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm; phù hợp khách quan với các biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, bản giám định pháp y, vật chứng được thu giữ và các tài liệu chứng cứ khác đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án và được thẩm tra công khai tại phiên tòa. Hội đồng xét xử có đủ căn cứ xác định: Giữa gia đình bị cáo và bị hại đã có mâu thuẫn, tranh chấp trong việc sử dụng đất đai làm rẫy. Mặc dù đã được chính quyền địa phương hòa giải nhưng buổi sáng ngày 10/8/2017 anh V vẫn cầm một thanh kiếm dài 85cm, cán bằng gỗ dài 21cm, phần lưỡi bằng kim loại dài 64cm, đi lên khu vực rẫy mà ông B và bị cáo Q đang phát rẫy gây sự, lao đến định chém ông B (bố bị cáo Q). Bị cáo Q đã dùng dao chém một nhát vào tay anh V để ngăn cản và mất đà, ngã. Anh V vẫn lao tới tấn công, dùng kiếm đâm thủng bụng ông B gây tổn hại 32% sức khỏe. Khi Q đứng dậy thấy anh V đang ngồi đè lên người của ông B nên đã chạy đến can thiệp, vật ngã anh V rồi dùng dao bấm đâm liên tiếp 03 (ba) nhát lên cơ thể anh V, trong đó có một nhát trúng vào cánh tay trái, một nhát trúng vào bờ vai trái và một nhát trúng vào vùng lưng bên trái (vết thương ở bờ vai trái và vùng lưng bên trái mà Q dùng dao đâm anh V đều dẫn đến thủng phổi trái). Tiếp đó, Q nghiêng người đưa dao ra phía sau cắt đứt gân gót chân trái của anh V. Khi thấy ông B bị đâm thủng bụng và lòi ruột ra ngoài. Q liền vứt con dao bấm vào bụi cây rồi nhặt con dao phát ở dưới đất lên quay lại chém liên tiếp nhiều nhát lên người anh V. Hành vi của bị cáo là nguyên nhân trực tiếp và duy nhất gây nên cái chết của anh V. Hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, cố ý tước đoạt tính mạng của anh V một cách trái pháp luật; bị cáo dùng dao bấm đâm nhiều phát, cắt gân chân, sau đó tiếp tục dùng dao rựa chém liên tục nhiều phát vào cơ thể anh V trong khi anh V không còn khả năng chống cự. Vì vậy, Bản án sơ thẩm số 103/2018/HS-ST ngày 09/8/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An kết án bị cáo về tội: “Giết người" với tình tiết định khung: "Thực hiện tội phạm một cách man rợ", theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2] Xét kháng cáo của đại diện người bị hại về việc bỏ lọt tội phạm và hủy bản án sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại vụ án: Xét thấy, quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Nghệ An đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo Phan Đình Q cũng như của ông Phan Đình B, phù hợp với các thương tích để lại trên tử thi anh Phan Văn V và hiện trường vụ án. Tại các bút lục số 95 và 97, ông Phan Đình B khai: “Vì tôi và gia đình anh Phan Văn V có mâu thuẫn tranh chấp đất làm rẫy, anh V có lên rẫy gây sự với chúng tôi mấy lần nên sáng ngày 09/8/2017 tôi nói Q mang theo cái gậy là song cửa sổ nếu anh V lên gây sự có cái để đánh lại"…"Tôi nói: Hắn đến rồi Q ơi” để cảnh báo cho Q biết vì trong tay anh V cầm một thanh kiếm dài khoảng 01 mét. Tại Bút lục 100, ông B khai: “Lúc tôi cầm gậy đánh nhau với anh V thì không biết Q đang làm gì vì lúc ngồi nghỉ thì Q ngồi chếch phía trên tôi, cách tôi khoảng 02 mét, tôi chỉ tập trung vào anh V chứ không để ý tới Q. Trong lúc tôi và anh V đang đánh nhau mới thấy Q cầm rựa lao vào chém trúng tay anh V”; ngoài ra ông B khai không biết Q mang theo con dao bấm trong người. Tại các Bút lục số 260-262 anh Phan Đình Công và anh Phan Đình Tấn đều xác định: Ngày 19/7/2017, khi ông B phát cỏ trên rẫy keo đang có tranh chấp giữa hai gia đình ông B và ông Đoài thì anh V cầm rựa lên chặt cây keo của gia đình ông B nên ông B tức giận bỏ về nhà. Ông B có gọi anh C và anh Tấn lên để đánh anh V nhưng đã được anh C và anh Tấn khuyên can nên viết đơn gửi lên chính quyền xã giải quyết. Mặt khác, diễn biến sự việc ngày 10/8/2017, khi anh V cầm kiếm tiến về phía bố con bị cáo Q, bị cáo chém trúng vai anh V và bị ngã, thấy anh V tiếp tục lao đến ông B đã dùng gậy đánh lại anh V, anh V lao vào chém trúng tay ông B làm gậy bị văng ra khỏi tay, ông B lùi lại bị vướng vào cây nên bị ngã ngửa ra phía sau trượt xuống bậc đất. Anh V cầm kiếm đâm thủng bụng ông B làm cho nội tạng bị lòi ra ngoài. Với thương tích như vậy, ông B không còn khả năng tấn công và gây thương tích cho anh V được. Sau khi anh V đâm ông B, bị cáo Q đến vật ngã, dùng dao bấm, dao rựa đâm, chém nhiều nhát, cắt gân chân và làm cho anh V tử vong. Tại bản kết luận giám định nguyên nhân chết của anh V là do vết thương bị đâm thủng phổi là do chính bị cáo Q gây nên, các vết đâm, chém trên cơ thể phù hợp với lời khai của bị cáo Q cũng như các kết luận giám định.

Từ những phân tích nêu trên có đủ cơ sở khẳng định bị cáo Phan Đình Q là người duy nhất và trực tiếp dùng dao bấm, dao rựa đâm và chém chết anh V. Ông B không đồng phạm với bị cáo về tội giết người. Kết quả điều tra và diễn biến tại phiên tòa hôm nay cũng không có căn cứ xác định bà H và anh C vi phạm pháp luật hình sự. Do đó không có căn cứ hủy Bản án sơ thẩm như kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại và quan điểm của người bào chữa cho gia đình bị hại tại phiên tòa.

[3] Xét kháng cáo của bị cáo và của đại diện hợp pháp của người bị hại về phần hình phạt. Bị cáo Phan Đình Q bị truy tố, xét xử theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt tù từ mười hai năm, hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Do bị cáo có nhân thân tốt, sau khi phạm tội đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, đã tác động gia đình bồi thường 30.000.000 đồng nên Bản án sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (tương ứng với điểm s, b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015) và xử phạt bị cáo Phan Đình Q 20 (Hai mươi) năm tù. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử còn xét thấy tại hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm thể hiện: Trong vụ án này, bị hại anh Phan Văn V cũng là người có lỗi khi tự mình tiến đến nơi bố con bị cáo đang làm việc, chủ động tấn công bố con bị cáo, sau khi bị bị cáo chém vào tay để ngăn cản, anh V vẫn lao đến dùng kiếm chém vào tay, đâm vào bụng ông B dẫn tới ông B tổn hại 32% sức khỏe. Hành vi của bị hại là hành vi trái pháp luật, trực tiếp kích động đến tâm lý bị cáo khi thực hiện và hoàn thành tội phạm. Do đó, cần áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015: "Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra". Sau khi xét xử sơ thẩm, gia đình bị cáo đã bồi thường tiếp cho gia đình bị hại 131.000.000 đồng, thể hiện sự tích cực cao trong việc khắc phục hậu quả. Do đó, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội về việc giữ nguyên hình phạt của Bản án sơ thẩm và kháng cáo cũng như quan điểm của đại diện bị hại và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại về việc tăng hình phạt đối với bị cáo lên mức tử hình không được Hội đồng xét xử chấp nhận. Kháng cáo của bị cáo, quan điểm của người bào chữa cho bị cáo về việc giảm nhẹ hình phạt là có căn cứ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[4] Xét kháng cáo của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Phan Đình B về yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Phan Đình B đã tự nguyện rút kháng cáo, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ quy định tại Điều 342 Bộ luật tố tụng hình sự đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của ông B là đúng quy định của pháp luật nên được Hội đồng xét xử chấp nhận. Bản án sơ thẩm chưa giải quyết yêu cầu bồi thường của ông B trong vụ án do chưa đủ căn cứ, tài liệu và nhận định dành quyền khởi kiện cho ông B bằng một vụ án dân sự khác là có căn cứ và phù hợp.

[5] Xét kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại về việc tăng tiền cấp dưỡng cho hai con của bị hại lên mức 2.500.000 đồng/tháng/cháu.

Tại phiên tòa, bị cáo khai là người lao động phổ thông, đi làm thuê thu nhập khoảng 4.000.000 đồng/tháng; đại diện hợp pháp của người bị hại (ông Đoài - bố bị hại) cũng khai bị hại khi còn sống có nghề nghiệp chính là làm nông ngiệp, khi nông nhàn đi làm thuê phụ hồ, thu nhập trung bình từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng/tháng. Bản án sơ thẩm xác định nghĩa vụ cấp dưỡng của bị cáo cho mỗi con của bị hại mức 1.500.000 đồng/tháng cho đến khi mỗi cháu đủ 18 tuổi là phù hợp với quy định của pháp luật, với điều kiện, hoàn cảnh của bị cáo và cả của bị hại. Do vậy, yêu cầu kháng cáo nêu trên của đại diện hợp pháp của bị hại là không phù hợp, không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[6] Về án phí phúc thẩm hình sự: Căn cứ quy định tại Điều 135, 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và điểm h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và danh mục án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo. Do kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 103/2018/HS-ST ngày 09/8/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An như sau:

1. Áp dụng điểm i khoản 1 Điều 93; điểm b, điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm e khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Phan Đình Q 18 (Mười tám) năm tù về tội “Giết người”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam ngày 10/8/2017.

2. Về trách nhiệm dân sự: Ghi nhận gia đình bị cáo Phan Đình Q đã tự nguyện bồi thường thay cho bị cáo số tiền 131.000.000 (Một trăm ba mươi mốt triệu) đồng vào ngày 21 tháng 11 năm 2018. (Quyết định của Bản án sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường 130.800.000 đồng - Một trăm ba mươi triệu, tám trăm nghìn đồng).

3. Bị cáo Phan Đình Q không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực thi hành kể từ thời điểm hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

524
  • Tên bản án:
    Bản án 82/2019/HSPT ngày 22/02/2019 về tội giết người
  • Cơ quan ban hành:
  • Số hiệu:
    82/2019/HSPT
  • Cấp xét xử:
    Phúc thẩm
  • Lĩnh vực:
    Hình sự
  • Ngày ban hành:
    22/02/2019
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 82/2019/HSPT ngày 22/02/2019 về tội giết người

Số hiệu:82/2019/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 22/02/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về