Bản án 81/2020/HS-PT ngày 29/09/2020 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 81/2020/HS-PT NGÀY 29/09/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 29 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 58/2020/TLPT-HS ngày 03 tháng 9 năm 2020 đối với bị cáo Lê Văn P (tên gọi khác là C) do có kháng cáo của bị cáo Lê Văn P và bị hại Trần Thị T đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2020/HS-ST ngày 31/07/2020 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

- Bị cáo có kháng cáo: Lê Văn P; Tên gọi khác: C; Sinh năm 1983; Nơi sinh: Sóc Trăng; Nơi cư trú: Ấp H, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng; Nghề nghiệp: Làm thuê; Trình độ văn hóa (học vấn): Không biết chữ; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Lê Văn C và bà Nguyễn Thị B; Bị cáo có vợ và 01 con; Tiền án; Không; Tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, kể từ ngày 01/4/2020 cho đến nay (bị cáo có mặt).

- Người bị hại có kháng cáo: Trần Thị T; Sinh năm 1989; Nơi cư trú: Ấp H, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng (có mặt).

- Những người dưới đây không liên quan đến kháng cáo Hội đồng xét xử phúc thẩm không triệu tập gồm: Người làm chứng gồm các ông (bà) NLC1, NLC2, NLC3.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 17 giờ ngày 12-01-2020, bị cáo Lê Văn P điều khiển xe mô tô, biển kiểm soát 61H9-33XX đến nhà Trần Thị T để gửi xe. Trong lúc nói chuyện, bị cáo có lời lẽ thô tục, chửi thề với T nên xảy ra mâu thuẩn, dẫn đến cự cải với nhau và T kêu P dẫn xe ra ngoài không cho gửi trong nhà. Trong lúc tức giận, P đi bộ về nhà của mình (cách nhà T khoảng 20 mét), lấy một cây dao (loại dao mác, dài 34cm, cán dao bằng gỗ, lưỡi dao bằng kim loại màu đen, mũi nhọn, lưỡi dao có một bề sắc bén) quay lại tìm T. Khi nhìn thấy T đang đứng gần cửa nhà sau, bị cáo P cầm cây dao bằng tay trái tiến đến đâm về phía T, T dùng tay phải đỡ nên trúng vào cẳng tay, bị cáo tiếp tục đâm một dao nữa trúng vào cánh tay trái của T thì T la lên, lúc này ông NLC1 (chồng của T) đang ở nhà trước nghe tiếng la của vợ nên chạy xuống thì bị cáo bỏ chạy ra ngoài. Sau đó, T được đưa đi cấp cứu, điều trị vết thương tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng và làm đơn yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng khởi tố vụ án hình sự và xử lý đối với hành vi của Lê Văn P theo quy định của pháp luật.

Ti bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 101/TgT-PY, ngày 24- 3-2020 của Trung tâm Pháp y, thuộc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, kết luận đối với thương tích của Trần Thị T:

1. Dấu hiệu chính qua giám định:

- Tổn thương phần mềm mặt trước cẳng tay phải, kích thước 04cm x 0,4cm. Tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 02%.

- Tổn thương phần mềm mặt trước cánh tay trái, kích thước 05cm x 0,5 cm. Tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 03%.

2. Tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tính theo Thông tư số: 22/2019/TT-BYT, ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Bộ Y tế, hiện tại là: 05% (Năm phần trăm).

3. Kết luận khác:

- Tổn thương không gây ảnh hưởng chức năng cánh tay trái, cẳng tay phải.

- Tổn thương không nằm vùng gây nguy hiểm đến tính mạng.

- Tổn thương gây ảnh hưởng chức năng thẩm mỹ cánh tay.

- Tổn thương do vật sắc gây nên.

* Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2020/HS-ST, ngày 31 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng quyết định:

1. Tuyên bố: Bị cáo Lê Văn P (C) phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng: điểm a khoản 1 Điều 134; các điểm i, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 38; điểm a, khoản 1 Điều 47; Điều 48; Điều 50 Bộ luật hình sự; điểm a khoản 2 Điều 106; Điều 299; Điều 333 và Điều 338 Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều 584, 585 và 590 Bộ luật dân sự. Căn cứ khoản 1 Điều 23; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử phạt bị cáo Lê Văn P 09 (chín) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng và quyền kháng cáo của bị cáo và người tham gia tố tụng khác.

* Ngày 07-8-2020, bị cáo Lê Văn P (tên gọi khác là C) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

* Ngày 12-8-2020 bị hại Trần Thị T kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo.

* Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Bị cáo Lê Văn P (Tên gọi khác: C) và bị hại Trần Thị T giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.

- Vị Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Văn P (Tên gọi khác: C), bị hại Trần Thị T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tn cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo và phạm vi xét xử phúc thẩm: Xét Đơn kháng cáo của bị cáo Lê Văn P (Tên gọi khác: C) lập ngày 04-8-2020 và nộp cho cho Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng vào ngày 07-8-2020, đơn kháng cáo của bị hại Trần Thị T lập và nộp cho cho Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng vào ngày 12-8-2020 là đúng quy định về người kháng cáo, thời hạn kháng cáo, hình thức, nội dung kháng cáo theo quy định của các điều 331, 332 và 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ xem xét nội dung kháng cáo của bị cáo, bị hại theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về hành vi phạm tội của bị cáo Lê Văn P (tên gọi khác là C) như sau: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phòng khai nhận: Vào khoảng 17 giờ 50 phút, ngày 12-01-2020, tại khu vực Ấp H, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng, bị cáo Lê Văn P (tên gọi khác là C) và bị hại T xảy ra cự cải qua lại với nhau, bị cáo dùng dao (loại dao mác, là hung khí nguy hiểm) đâm bị hại T 02 dao trúng vào cánh tay trái và cẳng tay phải làm tổn hại sức khỏe với tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể theo kết luận giám định pháp y là 05%. Do đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên xử bị cáo Lê Văn P (tên gọi khác là C) phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

[3] Tuy nhiên, theo lời khai của những người làm chứng là những người trực tiếp chứng kiến sự việc từ đầu, cụ thể là nhân chứng NLC2: Bị cáo và bị hại là cháu vợ của ông kêu ông bằng Dượng. Trưa ngày 12-01-2020 ông đón xe buýt cùng vợ lên bên vợ chơi, đến khoảng 18 giờ thì tôi thấy thằng C chạy xe lại đậu xe ở trước cửa nhà sau hướng cặp lộ đal. Lúc này cháu T đang ngồi ở nhà trước, thằng C nó mới xuống xe bước vô nó mới chửi “đụ má mày Dung” cháu T mới lên tiếng “mẹ tao sao mày chưởi”, thằng chó mới nói lại “Tao chưởi Mười Dung luôn đó”, cháu T mới nói “Mẹ tao làm gì mà mày chưởi” cháu T mới nói “mày đi ra khỏi nhà tao”, lúc này thằng C mới bỏ đi ra ngoài nó đứng ngoài lộ nói vọng với vào “Mày ra đây tao đâm mày chết mẹ mày”, tôi tưởng nó nói chơi tôi vẫn nằm võng, khoảng 02 phút sau thì cháu T quay vô nói bị thằng C đâm, tôi thấy tay trái nó ra nhiều máu nên băng bó vết thương cho nó (bút lục 12); Nhân chứng NLC3 khai: Bà là dì ruột của T và P. Trưa ngày 12-01-2020 bà và chồng bà là ông NLC2 lên nhà Thiện chơi, lúc đó bà và T đang ngồi ăn dưa cải ở phía trước hàng ba nhà T, T thấy C mới nói: “Trời có mấy ngày mà cái đầu trờ dờ”. Bà thấy thằng C đã say rượu, thằng C mới nói đừng nói nữa hồi chết mẹ giờ, T mới nói ông hỗn quá hà, thằng C mới nói “Bữa nay có Mười Dung tao cũng chưởi luôn”, cháu T mới nói Mẹ tôi cũng như mẹ ông, ngang hàng với nhau có gì đâu mà chưởi mẹ tôi, ông hỗn quá, ông đi về đi ông đừng ở nhà tôi, T bỏ vô nhà, thằng C bỏ về, bà đi ra bờ kênh. Khi tôi đi vào thì nghe cháu Thiện nói là bị thằng T đâm mấy dao. (bút lục 13-14). Từ cơ sở trên thấy rằng chỉ vì nguyên cớ nhỏ nhặt mà bị cáo đã dùng hung khí là cây dao mác đâm bị hại T, hành vi nêu trên của bị cáo còn thể hiện có tính chất côn đồ thuộc điểm i khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết này đối với bị cáo là thiếu sót.

[4] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo: Khi lượng hình cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ như: Bị cáo Lê Văn P không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự; Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo Lê Văn P có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự; phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cãi về hành vi phạm tội của mình để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo theo quy định tại các điểm i, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự là phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với lý do kháng cáo bị cáo nêu trong đơn kháng cáo là gia đình bị cáo khó khăn, con còn nhỏ, vợ của bị cáo không có đi làm, bị cáo là lao động chính, bị cáo không có đất canh tác phải đi làm thuê, đây không phải là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nên không có căn cứ chấp nhận. Tại phiên tòa hôm nay bị cáo không cung cấp thêm tình tiết nào mới để Hội đồng xét xử xem xét. Khi quyết định hình phạt cấp sơ thẩm đã xem xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo nên tuyên phạt mức án 09 tháng tù là phù hợp, không nặng mà cũng không nhẹ. Mặc dù, cấp sơ thẩm áp dụng thiếu tình tiết bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ theo điểm i khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tuy nhiên mức hình phạt mà cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo là tương xứng với hành vi của bị cáo nên cấp phúc phẩm nêu lên để cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận sự đề nghị của Kiểm sát viên là không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.

[5] Xét kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Lê Văn P: Xét thấy, vụ án này dư luận xã hội quan tâm và loại tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng gây mất an ninh trật tự địa phương, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nên việc áp dụng hình phạt tù giam để răn đe và trấn áp tội phạm là yêu cầu cấp thiết. Do vậy, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận sự đề nghị của Kiểm sát viên là không chấp nhận kháng cáo của bị cáo về việc xin được hưởng án treo.

[6] Xét kháng cáo của bị hại yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo: Như đã phân tích nêu trên, cấp sơ thẩm đã tuyên bị cáo mức án 09 tháng tù là tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo, không nặng mà cũng không nhẹ. Tại tòa, bị hại cũng không cung cấp được chứng cứ mới để yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo. Do vậy, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận sự đề nghị của Kiểm sát viên là không chấp nhận kháng cáo của bị hại về việc yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo.

[7] Ngoài ra, cấp sơ thẩm có thiếu sót tuyên thiếu phần lãi suất chậm thi hành án trong phần trách nhiệm dân sự, cấp phúc thẩm bổ sung cho phù hợp.

[8] Án phí hình sự phúc thẩm: Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Bị cáo phải án phí hình sự phúc thẩm là 200.000 đồng. Bị hại không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[9] Các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo của bị cáo Lê Văn P (Tên gọi khác: C).

Không chấp nhận kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo Lê Văn P (Tên gọi khác: C) của bị hại Trần Thị T.

Giữ nguyên phần bản án sơ thẩm về phần quyết định về hình phạt đối với bị cáo Lê Văn P (Tên gọi khác: C) của Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2020/HS- ST ngày 31 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng 2. Áp dụng: Điểm a khoản 1 Điều 134; các điểm i, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 38; điểm a, khoản 1 Điều 47; Điều 48; Điều 50 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Lê Văn P (Tên gọi khác: C) 09 (chín) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

3. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ các Điều 584, 585 và 590 của Bộ luật Dân sự.

- Buộc bị cáo Lê Văn P (Tên gọi khác: C) bồi thường thiệt hại cho người bị hại Trần Thị T số tiền 3.010.000 đồng (Ba triệu, không trăm mười ngàn đồng).

- Khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày bà Trần Thị T có đơn yêu cầu thi hành án mà bị cáo Lê Văn P (Tên gọi khác: C) không thực hiện việc trả tiền, thì bị cáo Lê Văn P (Tên gọi khác: C) còn phải trả tiền lãi cho bà Thiện theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 đối với số tiền chậm thi hành án.

4. Về án phí phúc thẩm: Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Bị cáo Lê Văn P (Tên gọi khác: C) phải chịu án phí hình sự phúc thẩm là 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng).

- Bị hại bà Trần Thị T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

5. Các phần khác của bản án hình sự sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

6. Bản án phúc thẩm này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

248
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 81/2020/HS-PT ngày 29/09/2020 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:81/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 29/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về