TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
BẢN ÁN 79/2020/DS-PT NGÀY 25/05/2020 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 25 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 90/2020/TLPT-DS ngày 14/4/2020. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2020/DS-ST ngày 26/02/2020 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Bình Phước bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 99/2020/QĐXXPT-DS ngày 28/4/2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 53A/2020/QĐ-PT ngày 18/5/2020, giữa các đương sự:
*Nguyên đơn: Bà Trịnh Thị L, sinh năm 1968 (vắng mặt)
Ông Nguyễn Văn D, sinh năm 1965 (có mặt) Bà L, ông D cùng địa chỉ: Tổ 06, ấp S, xã T, huyện H, tỉnh Bình Phước; Bà L ủy quyền cho chị Nguyễn Thị Y (theo văn bản ủy quyền ngày 19/5/2020).
*Bị đơn: Ông Trịnh Văn N, sinh năm 1964, địa chỉ: Tổ 06, ấp Sở Xiêm, xã T, huyện H, tỉnh Bình Phước (có mặt) *Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1.Chị Nguyễn Thị Y, sinh năm: 1989, địa chỉ: Tổ 03, ấp T, xã Th, thị xã B, tỉnh Bình Phước (có mặt)
2.Chị Nguyễn Thị Th, sinh năm: 1991 (vắng mặt)
3.Chị Nguyễn Thị B, sinh năm: 1999 (vắng mặt) Chị Th, chị B
Cùng địa chỉ: Tổ 06, ấp S, xã T, huyện H, tỉnh Bình Phước và cùng ủy quyền cho chị Nguyễn Thị Y (theo văn bản ủy quyền ngày 19/5/2020).
4.Anh Trịnh Văn L, sinh năm: 1990 (vắng mặt)
5.Anh Trịnh Văn L, sinh năm: 1998 (vắng mặt)
6.Chị Trịnh Thị D, sinh năm: 1992 (vắng mặt)
7.Bà Bùi Thị B, sinh năm: 1965 (có mặt)
Cùng địa chỉ: Tổ 06, ấp Sở Xiêm, xã T, huyện H, tỉnh Bình Phước.
Người đại diện theo ủy quyền của các anh L, L và chị D là ông Trịnh Văn N (theo hợp đồng ủy quyền ngày 22/3/2019).
8. Ủy ban nhân dân huyện H, tỉnh Bình Phước.
Đại diện theo ủy quyền: ông Nguyễn Tấn C (theo Giấy ủy quyền số 18/UBND-GUQ ngày 03/12/2019 của Chủ tịch, vắng mặt do không triệu tập)
* Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Trịnh Thị L, ông Nguyễn Văn D.
NỘI DUNG VỤ ÁN
*Nguyên đơn bà Trịnh Thị L, ông Nguyễn Văn D trình bày:
Vào năm 1995 gia đình ông D, Bà L khai phá diện tích đất khoảng 1,5ha tọa lạc tại Tổ 06, ấp S, xã T, huyện H, tỉnh Bình Phước, gia đình ông bà canh tác sử dụng, từ đó đến nay. Đến năm 2005, gia đình ông D, Bà L mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu với diện tích là 13025m2, là thửa đất số 98, tờ bản đồ số 3 (trong đó có 200m2 đất thổ cư). Đến năm 2008 ông D, Bà L làm đơn xin cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa đất nói trên. Sau khi Nhà nước tiến hành đo chính quy xác định đất có tổng diện tích là 14803,6m2, đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ ông Nguyễn Văn D và bà Trịnh Thị L. Từ năm 1995 đến năm 2009 thì gia đình ông D, Bà L trồng điều trên đất, đến năm 2009 gia đình ông D, Bà L trồng xen cao su vào vườn điều. Năm 2015, sau khi cao su bắt đầu được khai thác, gia đình ông D, Bà L cưa hết điều để lại cao su cho đến nay. Phía Tây của thửa đất giáp thửa đất số 97 của gia đình ông N, bà B. Trước đây diện tích đất này là của ông Tám, sau đó ông Tám sang nhượng toàn bộ thửa đất nói trên cho gia đình ông N. Khi ông Tám sang nhượng cho gia đình ông N thì ông Tám và ông N không gọi gia đình ông D, Bà L ra chỉ ranh đất. Ranh đất giữa gia đình ông D, Bà L với đất của ông Tám trước đây là hàng cây mì, lúc đó cỏ nhiều nên không xác định được ranh theo giấy chứng nhận Nhà nước cấp cho gia đình ông D, bà L là tới đâu.Từ năm 1995 đến năm 2008 thì ông D thường xuyên vắng nhà, chỉ có Bà L cùng các con ở nhà. Năm 2018 gia đình ông D, Bà L mới làm hàng rào lưới B40, cột bằng xi măng thì phát hiện đất của gia đình bị thiếu so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Gia đình ông N đã sử dụng lấn qua phần đất của gia đình ông D, Bà L là 3655,6m2. Trên diện tích đất tranh chấp, hiện nay gia đình ông N đã trồng cao su. Vì vậy, ông D, Bà L yêu cầu buộc gia đình ông N phải trả diện tích đất 3655,6m2 cho gia đình ông D, Bà L theo đúng ranh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Nhà nước cấp, còn cây trồng trên đất là cây cao su, ông D, Bà L đồng ý đền bù cho gia đình ông N theo giá trị mà Hội đồng định giá đã định giá nếu ông N yêu cầu hoặc nếu không thì gia đình ông N phải đốn chặt.
Bị đơn ông Trịnh Văn N (cũng là đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Trịnh Văn L, Trịnh Văn L và Trịnh Thị D) trình bày:
Thửa đất số 97, tờ bản đồ số 03 diện tích đất đang tranh chấp với gia đình ông D, Bà L có nguồn gốc là do ông N, bà B nhận chuyển nhượng của ông Lê Văn Tám vào năm 2004 với diện tích diện tích 11323m2. Khi nhận chuyển nhượng diện tích đất này đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tám. Sau khi làm thủ tục chuyển nhượng sang hộ ông N, bà B, diện tích đất thể hiện trên giấy chứng nhận bị giảm so với ban đầu và chỉ còn 10179m2. Khi nhận chuyển nhượng đất của ông Tám, các bên có chỉ ranh. Khi đó phần ranh giữa đất ông Tám với gia đình ông D, Bà L là hàng cây anh đào (hiện nay vẫn còn một số gốc cây), trên đất có trồng cây tiêu và cây điều. Năm 2008, khi Nhà nước đo chính quy (đo máy) thì không có mặt của gia đình ông N, bà B. Khi nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp mới thì diện tích đất thể hiện chỉ còn 8.122,6m2. Do không hiểu biết cũng không để ý nên ông N, bà B không biết diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không trùng khớp với diện tích đất thực tế. Ông N, bà B chỉ nghĩ diện tích các bên đã sử dụng ổn định, có hàng ranh và không ai tranh chấp nên không biết diện tích đất gia đình đang sử dụng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông D. Từ khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của gia đình ông Tám, các bên đã có hàng rào và sử dụng ổn định, không ai có ý kiến gì. Gia đình ông D đã trồng cao su trước gia đình ông N, bà B. Đến năm 2010, gia đình ông N, bà B mới chuyển đổi cây trồng từ cây điều, tiêu sang cây cao su. Lúc này, phía gia đình ông D, Bà L cũng không tranh chấp, chính ông D là người trực tiếp rào hàng rào, gia đình ông N sử dụng đất theo hàng rào mà phía ông D cắm. Vì vậy, trước yêu cầu của gia đình ông D, Bà L thì ông N không đồng ý. Việc Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng với ranh các bên sử dụng thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp, gia đình ông N, bà B không lấn chiếm đất của gia đình ông D, Bà L.
*Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Bùi Thị B trình bày:
Bà B là vợ của ông Trịnh Văn N, bà thống nhất với lời khai của ông N. Trước yêu cầu của gia đình ông D, Bà L yêu cầu gia đình bà B phải trả diện tích đất là 3.655,6m2 thì bà B không đồng ý. Việc nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng với ranh các bên sử dụng thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp với các bên đang sử dụng.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Nguyễn Thị Y, Nguyễn Thị Th và Nguyễn Thị B thống nhất với lời khai của nguyên đơn.
Ý kiến của Ủy ban nhân dân huyện H, tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Tấn C - trưởng phòng Phòng tài nguyên và Môi trường huyện H (tại văn bản nêu ý kiến ghi ngày 17/12/2019) trình bày:
Căn cứ hồ sơ địa chính việc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã thực hiện đúng trình tự thủ tục. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng của các đương sự có sự biến động về ranh giới, diện tích giữa hiện trạng sử dụng đất so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó đề nghị Tòa án nhân dân huyện thu thập các chứng cứ pháp lý để giải quyết theo quy định, sau khi bản án của Tòa án có hiệu lực thì Ủy ban nhân dân huyện sẽ căn cứ vào bản án thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2020/DS-ST ngày 26 tháng 02 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Bình Phước quyết định:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trịnh Thị L và ông Nguyễn Văn D về việc yêu cầu ông Trịnh Văn N trả lại diện tích đất 3655,6m2 tại ấp Sóc Ruộng, xã Tân Hưng, huyện H, tỉnh Bình Phước.
Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 97, 98 tờ bản đồ số 3 đã cấp cho hộ gia đình ông Nguyễn Văn D và hộ ông Trịnh Văn N và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới theo diện tích thực tế các bên đang sử dụng, phù hợp với diện tích đo vẽ thực tế.
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định.
Ngày 28/02/2020, nguyên đơn bà Trịnh Thị L, ông Nguyễn Văn D kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông Trịnh Văn N trả lại phần diện tích đất đã lấn chiếm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Nguyên đơn phía nguyên đơn thay đổi kháng cáo, thay đổi yêu cầu khởi kiện, cụ thể nguyên đơn không yêu cầu bị đơn phải trả 3655,6m2 đất như bản án sơ thẩm xác định nữa mà chỉ yêu cầu hai bên kéo thẳng thước từ điểm đầu đến điểm cuối đất hai hộ, bỏ qua phần ranh cong cho thẳng đất.
- Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát:
Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án kể từ thời điểm thụ lý giải quyết theo trình tự phúc thẩm và tại phiên tòa, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Hội đồng xét xử và các đương sự đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 02/2020/DS-ST ngày 26 tháng 02 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Bình Phước.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, các tài liệu, chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của nguyên đơn bà Trịnh Thị L, ông Nguyễn Văn D làm trong thời hạn luật định, có hình thức, nội dung và phạm vi kháng cáo phù hợp với quy định tại các Điều 271, 272 và 273 của Bộ luật tố tụng dân sự nên được chấp nhận.
[2] Về nội dung tranh chấp:
[2.1] Xét trình bày của Bà L và ông D về quá trình sử dụng đất của ông bà, thấy rằng: Bà L, ông D cho rằng diện tích đất của ông bà đang sử dụng có nguồn gốc là do khai phá từ năm 1995, diện tích ban đầu gia đình khai phá là khoảng 1,5ha. Nhưng căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu được cấp vào năm 2005 thì diện tích đất gia đình ông D, Bà L được cấp là 13025m2. Thửa đất số 97, tờ bản đồ số 03 của hộ gia đình ông N có nguồn gốc nhận chuyển nhượng từ ông Lê Xuân Tám từ năm 2004 với diện tích là 11323m2, sau khi làm thủ tục sang tên cho hộ gia đình ông N thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện diện tích được cấp là 10.179m2. Năm 2008, theo kết quả đo đạc chính quy thì diện tích đất của gia đình ông D, Bà L là 14803,6m2, của gia đình ông N chỉ còn lại là 8.122,6m2. Tuy nhiên, theo kết quả đo đạc của công ty TNHH MTV Đo đạc bản đồ Bình Long thì diện tích thực tế hiện tại các bên đang sử dụng thể hiện gia đình ông D có 13.926,6m2, gia đình ông N là 11.146,9m2. Kết quả đo đạc này cho thấy diện tích thực tế các bên đang sử dụng không có sự chênh lệch nhiều về diện tích đối với diện tích được thể hiện trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ban đầu được Nhà nước cấp. Điều này phù hợp với biên bản xác minh hiện trạng diện tích đất của gia đình ông N vào ngày 12/10/2018 (bút lục 18, 19), trong đó xác định “nguyên nhân biến động diện tích như trên là do trước đây ranh giới tại thời điểm đo đạc chính quy không xác định những điểm ranh cong ở giữa thửa đất mà xác định thành đường ranh thẳng từ trên xuống dưới suối…”.
[2.2] Ngoài ra, phía nguyên đơn cho rằng do trước đây ông D thường đi làm ăn xa, không có ở nhà, Bà L thì đi làm thuê không thường xuyên chăm sóc cây trên đất, các con thì còn nhỏ và đi học nên gia đình ông D, Bà L không phát hiện diện tích đất bị lấn chiếm là không phù hợp. Bởi lẽ, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, phía nguyên đơn đều xác nhận từ năm 1995 ông D, Bà L liên tục trồng cây trên đất diện tích đất của gia đình, cụ thể: Từ năm 1995 đến năm 2005 ông D Bà L hoa màu, trồng mì; đến năm 2007 trồng xen cây điều, tiêu; năm 2009 chặt cây điều để trồng cây cao su cho đến nay. Hội đồng xét xử thấy rằng, mặc dù nguyên đơn sử dụng đất liên tục và nhiều lần thay đổi cây trồng nhưng các lần thay đổi cây trồng nguyên đơn đều không trồng hay sử dụng gì đối với phần đất tranh chấp. Mặt khác, xét thấy hàng rào bằng lưới B40 hiện hữu cũng chính do phía nguyên đơn dựng. Nguyên đơn cho rằng việc nguyên đơn làm hàng rào như hiện nay là rào theo ranh mà bị đơn yêu cầu và do bị đơn buộc nguyên đơn phải rào theo cọc mà bị đơn đã đóng sẵn cũng là mâu thuẫn vì phải rào đất không đúng ranh đất, trái với ý chí của mình. Bên cạnh đó, xét phía bị đơn cho rằng từ năm 2004, khi nhận chuyển nhượng đất từ ông Tám thì ông Tám đã chỉ ranh đất, phần giáp ranh đất giữa hai gia đình có trồng hàng cây anh đào và xà cừ, trên đất đã trồng điều và tiêu, đến năm 2010 mới chuyển đổi sang trồng cao su. Lời khai của bị đơn phù hợp với lời khai của ông Tám cũng cho rằng diện tích đất của hai gia đình được phân biệt bằng hàng ranh là cây anh đào và cây mì, hai bên hàng rào, mỗi bên đều trồng 01 hàng xà cừ (bút lục 179). Lời khai phía bị đơn là phù hợp với Biên bản thẩm định tại chỗ ngày 20/02/2020 (bút lục 194) có nội dung: Ngay tại hàng rào các bên đang sử dụng thì có một số gốc cây đã mục (bị đơn cho rằng là gốc cây anh đào) và cách hàng rào khoảng 60cm – phần đất của gia đình ông N đang sử dụng có hàng gốc cây xà cừ đã chết và có một số gốc cây còn chồi cây. Mặt khác, vào thời điểm ông Tám sang nhượng đất cho ông N, để làm thủ tục sang tên cho ông N, khi Phòng Nông nghiệp Địa chính lập Biên bản xác minh ranh giới thửa đất, hiện trạng sử dụng đất về việc chuyển quyền sử dụng đất vào ngày 06/2/2004 thì ông D có tham gia ký giáp ranh cho ông Tám (bút lục 96). Vào thời điểm này, hộ ông D cũng không trồng cây hay sử dụng gì trên phần đất tranh chấp hiện nay mà chỉ sử dụng trên phần đất như hiện nay mình đang sử dụng. Đồng thời, vào tháng 10/2018 khi ông N đo đạc để làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận thì chính ông D cũng có mặt để xác định ranh giới. Như vậy, tại thời điểm ông Tám sử dụng đất cho đến khi chuyển nhượng cho ông Trịnh Văn N thì ranh giới giữa các bên không có sự thay đổi. Và thực tế thì diện tích đất của bị đơn cũng bị giảm đi so với diện tích đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng khi nhận chuyển nhượng từ ông Tám. Do đó không có căn cứ để cho rằng bị đơn có lấn chiếm đất của nguyên đơn. Tại phiên tòa, phía nguyên đơn thay đổi yêu cầu kháng cáo, thay đổi yêu cầu khởi kiện, cụ thể nguyên đơn không yêu cầu bị đơn phải trả 3655,6m2 đất như bản án sơ thẩm xác định nữa mà chỉ yêu cầu hai bên kéo thẳng thước từ điểm đầu đến điểm cuối đất hai hộ, bỏ qua phần ranh cong cho thẳng đất. Tuy nhiên, phía bị đơn không đồng ý và Hội đồng xét xử cũng không có căn cứ chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn.
[2.3] Từ những phân tích trên Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, nên cần giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Bình Phước.
[3] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo của nguyên đơn không được chấp nhận, nên nguyên đơn phải chịu 300.000 đồng.
[4] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là có căn cứ, phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
[5] Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn Văn D, bà Trịnh Thị L; Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2020/DS-ST ngày 26 tháng 02 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Bình Phước.
Căn cứ vào các Điều 147, Điều 157 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 106, Điều 203 của Luật đất đai năm 2013; Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trịnh Thị L và ông Nguyễn Văn D về việc yêu cầu ông Trịnh Văn N trả lại diện tích đất 3655,6m2 tại ấp Sóc Ruộng, xã Tân Hưng, huyện H, tỉnh Bình Phước.
Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 97, 98 tờ bản đồ số 3 đã cấp cho hộ gia đình ông Nguyễn Văn D, hộ ông Trịnh Văn N và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới theo diện tích thực tế các bên đang sử dụng, phù hợp với diện tích đo vẽ thực tế (Có sơ đồ kèm theo).
Về chi phí tố tụng gồm chi phí đo đạc, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Ông Nguyễn Văn D và bà Trịnh Thị L phải chịu là 18.000.000 đồng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng chi phí tố tụng ông D, Bà L đã nộp.
Án phí dân sự sơ thẩm: Bà L, ông D phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng), được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005089 ngày 18/12/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện H, tỉnh Bình Phước.
Án phí dân sự phúc thẩm: Bà L, ông D phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng), được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0001864 ngày 03/3/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện H, tỉnh Bình Phước.
Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./
Bản án 79/2020/DS-PT ngày 25/05/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 79/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Phước |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 25/05/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về