Bản án 775/2017/HSPT ngày 17/11/2017 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 775/2017/HSPT NGÀY 17/11/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 17 tháng 11 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 774/2016/TLPT-HS ngày 05 tháng 10 năm 2016 đối với bị cáo Lê Văn T và đồng phạm phạm tội “Giết người” do có kháng cáo của các bị cáo Lê Văn T, Trần Hồng Q, đại diện hợp pháp của bị cáo và đại diện hợp pháp của người bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 306/2016/HSST ngày 29 tháng 8 năm 2016 của TAND thành phố Hà Nội.

* Bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo:

1. Lê Văn T, sinh ngày 04/9/1998 (khi phạm tội 16 tuổi 3 tháng 7 ngày); trú tại: Thôn VQ, xã VK, huyện ML, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: Học sinh; trình độ văn hóa: 11/12; con ông Lê Văn L và bà Nguyễn Thị L1; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; bắt giam ngày 12/12/2014; có mặt.

2. Trần Hồng Q, sinh năm 1987; trú tại: Thôn VQ, xã VK, huyện ML, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: Không; trình độ văn hóa: 12/12; con ông Trần HT và bà Nguyễn Thị H9; vợ là Lê Thị Th4 và có 03 con (con lớn nhất sinh năm 2011, con nhỏ nhất sinh 2014); tiền án, tiền sự: Không; bắt tạm giam từ ngày 12/12/2014; có mặt.

* Bị cáo bị kháng cáo:

3. Lê Ngọc Q1, sinh năm l993; trú tại: Xóm 3, thôn VQ, xã VK, huyện ML, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: Không; trình độ văn hóa: 12/12; con ông Lê Ngọc H5 và bà Trần Thị H6; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; bắt tạm giam từ ngày 12/12/2014; có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo T: Luật sư Trần Vũ H7, Nguyễn Tiến D4 và Lê Văn L4 – Văn phòng luật sư Trần Vũ H7 thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Có mặt luật sư H7, D4.

* Người bào chữa cho bị cáo Trần Hồng Q: Luật sư Đặng Văn S, luật sư Hoàng Ngọc Thanh B – Văn phòng luật sư KN thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo Lê Ngọc Q1: Luật sư Đặng Văn SS – Văn phòng luật sư KN thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Có mặt.

* Đại diện hợp pháp của bị cáo Lê Văn T: Ông Lê Văn L, sinh năm 1974 và bà Nguyễn Thị L1, sinh năm 1977; cùng trú tại: Thôn VQ, xã VK, huyện ML, Hà Nội. Có mặt.

* Người bị hại: Anh Nguyễn Văn Th6, sinh năm 1995 (đã chết).

* Đại diện hợp pháp cho người bị hại có kháng cáo: Ông Nguyễn Văn Th1, sinh năm 1967 và bà Nguyễn Thị Th2, sinh năm 1965; cùng trú tại: Xóm 2, Thôn ĐC, xã TV, huyện ML, Hà Nội. Có mặt.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại: Luật sư Đỗ Viết H2 - Văn phòng Luật sư PA thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội và bản án của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng đầu tháng 11/2014, Lê Ngọc Q1 có mâu thuẫn với anh Lê Viết H1 (sinh năm 1996, trú tại Thôn VQ, xã VK, huyện ML, Hà Nội) trong việc va chạm khi tham gia giao thông. Sau đó, Q1 nghe thấy mọi người nói việc mình cậy lớn đánh và bắt nạt anh H1. Ngày 11/12/2014, Q1 điện thoại tiếp tục chửi và hẹn anh H1 ra quán cà phê Châu Hằng tại thôn ĐC, xã TV, huyện ML, Hà Nội để giải hòa. Khoảng 20h00 ngày 11/12/2014, Lê Ngọc Q1 điều khiển xe máy, rủ bạn là Lê Phú H2 (sinh năm 1991, trú tại: Xóm 6, VK, huyện ML, Hà Nội), H2 rủ thêm bạn là Lê Văn Ch2 (sinh năm 1991, trú tại: Xóm 3, VK, huyện ML, Hà Nội) cùng đi chơi. Q1, H2 và Ch2 đến uống cà phê tại quán Châu Hằng.

Lê Viết H1 điện thoại cho anh Nguyễn Thanh T5 (sinh năm 1998, trú quán: Thôn ĐC, xã TV, huyện ML, Hà Nội) nói việc có mâu thuẫn với Q1 và hẹn gặp nhau tại quán Châu Hằng nói chuyện. H1 và T5 đi xe máy đến dốc Đê gần quán Châu Hằng rồi H1 điện thoại gọi Q1 ra để nói chuyện. Q1 có nhận cuộc gọi của H1 nhưng không ra. Thấy vậy T5 điện thoại cho anh Nguyễn Văn T6 (sinh năm 1996, trú tại: Xóm 2 ĐC, xã TV, huyện ML, Hà Nội) nói có xích mích với nhóm thanh niên ở “VK”. Lúc này T6 đang chơi ở nhà anh Nguyễn Văn Th6 (sinh ngày 01/5/1995), anh Nguyễn Văn Th7 (sinh năm 1989, anh trai của anh Th6 và cùng trú tại Xóm 2, ĐC, xã TV, huyện ML, Hà Nội). T6 nói lại với anh Th7 và anh Th6 việc anh T5 vừa điện thoại cho anh nên anh Th6 điều khiển xe máy AirBlade màu đen BKS 29S6 - 004.56 của mình chở anh T6 và anh Th7 đến dốc Đê nơi T5 hẹn.

Q1 đang ngồi trong quán Châu Hằng cũng điện thoại cho Trần Hồng Q nói “anh ơi em đang ở dưới quán Châu Hằng bị một bọn vây đánh ở cổng, nó đang gọi em ra, anh xuống xem giải quyết giúp em với” Q trả lời “ừ, anh xuống luôn”. Thời gian Q nhận cuộc gọi của Q1 có anh Đặng Văn Trường (sinh năm 1988, trú tại: Xóm 4, ĐC, xã TV, huyện ML, Hà Nội) đang ngồi uống bia tại nhà Q nên Q rủ anh Trường đi cùng. Q vào trong nhà đi giày thì vợ là chị Lê Thị Th9 (sinh năm 1992) hỏi đi đâu Q nói “thằng Q1 nó bị đánh anh xuống xem như thế nào”. Lúc này Lê Văn T đang ở trong phòng cùng chị Th9 nên chị Th9 nói với T “đi cùng chú”. T nói với Q “có cầm cái gì đi không, nếu bị đánh còn xiên”, Q nói với T “mày vào kia cầm con phóng lợn đi với chú” đồng thời đánh mặt về hướng bếp, chị Th9 nói “mày đừng có mà vớ vẩn”. T hiểu ý của Q nên đi vào trong bếp thấy giá để dao có khoảng 04 đến 05 con dao, T lấy con dao chọc tiết lợn dài 31cm (chuôi gỗ dài 11cm, lưỡi dao bằng kim loại sắc dài 20cm, bản rộng 5,8cm) kẹp vào sườn bên trái trong áo khoác đi ra sân. Q điều khiển xe máy chở Trường ngồi giữa; T ngồi sau đến và vào trong quán cà phê Châu Hằng. Thấy Q đến, Q1 đi ra nói với Q, T và anh Trường “chúng nó ở ngoài cổng”. Lúc này Q, Q1, T cùng anh Trường đi ra ngoài cổng quán thấy nhóm thanh niên trong đó anh Th7 đang ngồi trên xe máy, anh T6 và anh Th6 đứng cạnh xe máy. Q dùng điện thoại Nokia của mình bật sáng màn hình soi vào mặt các anh Th6, anh Th7 và anh T6 rồi nói “anh là anh của Q1, bọn em có xích mích gì với nó thì để anh em giải quyết ”, Q1 nói “em là Q1 đây, là người mà các anh gọi điện bảo ra cổng đây”, Q nói “thằng nào gọi nó ra cổng”, anh Th7 nói “tao không biết”, Q dùng tay tát luôn vào mặt anh Th7, thấy vậy anh T6 và anh Th6 xông vào đánh nhóm Q. T cũng bị nhóm của anh Th6 đánh nên rút dao mang sẵn từ nhà Q nói “Đ.M thằng nào vào đây tao xiên chết” nhưng hai bên vẫn đánh nhau. Thấy anh Th6 quay lưng về phía mình, T vung dao chém một nhát theo hướng từ trên xuống trúng vào lưng của anh Th6, anh Th6 vẫn lao vào đánh T nên bị T đùng dao đâm một nhát trúng dưới ngực anh Th6. Q bảo “T đâu đưa dao đây, đưa dao đây”, T đưa dao cho Q và nghe thấy anh Th6 kêu “á” và gục xuống đường. Th7 hô giết người rồi và chạy vào xưởng mộc lấy đoạn gỗ rồi cùng T6 chạy ra chỗ anh Th6 đang nằm trên đường. Nhóm của Q thấy anh Th7 hô “giết người rồi” và thấy anh Th6 đã nằm trên đường nên bỏ chạy hết. Trên đường T, Q và Q1 cùng bỏ chạy, Q hỏi T “mày đâm nó rồi à”, T nói “cháu đâm nó rồi”, đồng thời Q đưa lại con dao cho T, T vứt luôn con dao trên đường bỏ chạy. Anh Th6 bị mất máu cấp không hồi phục và chết trên đường đi cấp cứu.

Ngày 12/12/2014, Lê Văn T giao nộp Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện ML số tài sản gồm: 01 (một) chiếc áo khoác giả da màu tím than, 01 (một) quần bò màu xanh nhạt và 01 (một) đôi dép lê giả da trên dép có dán hình con gà màu đen. T khai khi dùng dao đâm anh Th6, T mặc bộ quần áo và đi đôi dép trên.

Truy tìm hung khí gây án theo lời khai của bị cáo Lê Văn T. Ngày 12/12/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện ML thu giữ được con dao nhọn có chiều dài 31cm (chuôi bằng gỗ dài 11cm, phần lưỡi dao bằng sắt dài 20cm, bản rộng 5,8cm có lưỡi sắc). Trên thân dao có dính chất dịch màu đỏ tại bờ ruộng trồng hoa hồng của gia đình bà Nguyễn Thị Nghị (sinh năm 1942 tại xóm 6, VQ, xã VK, huyện ML, thành phố Hà Nội).

Bản giám định pháp y số 8747 ngày 29/12/2014 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hà Nội kết luận: Qua khám nghiệm giám định tử thi xác định nguyên nhân chết của nạn nhân Nguyễn Văn Th6: Mất máu cấp không hồi phục.

Các thương tích trên cơ thể nạn nhân do vật nhọn, có 01 lưỡi sắc, bản rộng khoảng 05cm, tác động dạng đâm gây nên.

Bản kết luận giám định số 307 ngày 20/01/2015 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hà Nội kết luận:

- Mẫu máu của nạn nhân Nguyễn Văn Th6 thuộc nhóm máu B.

- Trên dao gửi giám định có dính máu người, thuộc nhóm máu B.

- Trên chiếc áo khoác giả dạ màu tím than, quần bò dài màu xanh nhạt và đôi dép lê giả da không phát hiện thấy dấu vết máu.

Ngày 12/12/2014, Lê Văn T đến Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện ML đầu thú.

Ngày 12/12/2014 Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện ML ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Trần Hồng Q và Lê Ngọc Q1.

Tại Cơ quan điều tra Lê Văn T, Trần Hồng Q và Lê Ngọc Q1 khai nhận hành vi phạm tội như nội dung đã nêu trên.

Đối với chiếc xe máy Honda AirBlade BKS 29S6 – 004.56 thu giữ khi khám nghiệm hiện trường: Quá trình điều tra xác định chủ sở hữu là anh Nguyễn Văn Th6 nên ngày 18/3/2015 Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội đã trao trả cho anh Nguyễn Văn Thủy (bố của anh Nguyễn Văn Th6).

Ông Nguyễn Văn Thủy (bố của nạn nhân Nguyễn Văn Th6) có đơn yêu cầu Cơ quan pháp luật xử lý nghiêm đối với Lê Văn T, Trần Hồng Q và Lê Ngọc Q1 là những người đã gây ra cái chết cho con ông và yêu cầu bồi thường số tiền 761.000.000đ.

Quá trình điều tra: Gia đình bị cáo Lê Văn T đã bồi thường 20.000.000đ; Gia đình bị cáo Trần Hồng Q đã bồi thường 50.000.000đ; gia đình bị cáo Lê Ngọc Q1 đã bồi thường 100.000.000đ cho gia đình ông Nguyễn Văn Thủy. Ông Thủy yêu cầu các bị báo bồi thường tiếp số tiền còn lại.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 306/2016/HSST ngày 29 tháng 8 năm 2016 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Lê Văn T, Trần Hồng Q, Lê Ngọc Q1 phạm tội “Giết người”.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 22; Điều 33; Điều 69, Điều 74 (đối với bị cáo T) Bộ luật hình sự,

Xử phạt Trần Hồng Q 20 (hai mươi) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 12/12/2014.

Xử phạt Lê Văn T 17 (mười bảy) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 12/12/2014.

Xử phạt Lê Ngọc Q1 13 (mười ba) năm từ, thời hạn tù tính từ ngày 12/12/2014.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 604, 605, 606, 608, 609, 610, khoản 2 Điều 612 và khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự:

Buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho gia đình bị hại, đại diện là ông Nguyễn Văn Thủy số tiền 187.600.000đ.

Bị cáo T đã bồi thường số tiền 20 triệu đồng, bị cáo Q bồi thường số tiền 50 triệu đồng, bị cáo Q1 đã bồi thường số tiền 100 triệu đồng. Xác nhận bị cáo Q, Q1 đã bồi thường xong.

Buộc bị cáo T và đại diện hơp pháp cho bị cáo T là ông Lê Văn L và bà

Nguyễn Thị L1 phải tiếp tục bồi thường số tiền 17.600.000đ.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 06/9/2016, đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo toàn bộ bản án đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Ngày 07/9/2016, bị cáo Lê Văn T và Trần Hồng Q có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên toà thì bị cáo T đề nghị huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Ngày 09/9/2016, người bào chữa cho bị cáo T và đại diện hợp pháp của bị cáo T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án.

Tại phiên toà hôm nay, sau phần xét hỏi, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án như sau: Căn cứ tài liệu hồ sơ trong vụ án thấy rằng các biên bản lấy lời khai của bị cáo Lê Văn T đã đúng quy định, không vi phạm.

Căn cứ tại liệu, chứng cứ trong hồ sơ, kết quản thẩm vấn có cơ sở xác định Q1 là người gọi Q đến giải quyết mâu thuẫn Q là người rủ T đi đánh nhau và mang theo dao, T là người cầm theo dao và rút ra dọa. T khai chém 01 chém và đâm 01 nhát đúng với vết thương của người bị hại. Phù hợp với lời khai của các bị cáo và người làm chứng. Đối với Q không có người nhìn thấy Q đâm anh Th6, không có cơ sở kết luận Q đâm anh Th6.

Như vậy, các bị cáo phải chịu trách nhiệm chung về cái chết của anh Th6, Q là người lôi kéo, xúi giục T phạm tội, T là người thưc hiện hành vi giết chết anh Th6.

Người đại diện của người bị hại đề nghị xem xét vai trò của anh Đặng Văn Trường, anh Lê Văn Ch2, anh Lê Phú H2 và cho rằng anh Trường, anh Ch2, anh H2 là đồng phạm gây nên cái chết cho anh Th6. Tuy nhiên, hồ sơ thể hiện không ai thấy Trường, H2 , Ch2 hô hào, kích động đánh nhau, không có tài liệu chứng minh họ tham gia đánh nhau gây ra cái chết của anh Th6.

Xét hành vi của Trần Hồng Q, Lê Văn T thấy rằng hành vi nghiêm trọng, thể hiện tính côn đồ, hung hãn. Tòa án đã xem xét vai trò của từng bị cáo, xem xét về nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ và căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm của các bị cáo, từ đó quyết định xử phạt Đặng Hồng Q 20 năm tù, Lê Văn T 17 năm tù là có căn cứ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Q cung cấp thêm tình tiết mới nhưng xét mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo thì không có cơ sở chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.

Về phần bồi thường tổn thất tinh thần, tòa án sơ thẩm buộc các bị cáo bồi thường là không phù hợp. Theo quy định mới của pháp luật thì mức bồi thường là không quá 100 lần tháng lương tối thiểu. Do đó, cần chấp nhận một phần kháng cáo tăng mức bồi thường của đại diện người bị hại.

Từ những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, không chấp nhận kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại, luật sư bào chữa của các bị cáo. Chấp nhận một phần yên cầu bồi thường của đại diện người bị hại, sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm về phần bồi thường trách nhiệm dân sự về tổn thất tinh thần.

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Văn T có ý kiến như sau:

Luật sư Trần Vũ Hải có ý kiến bào chữa: Lê Văn T không phải là người tước đi mạng sống của anh Th6, đề nghị hủy bản án để điều tra làm rõ ai là người thực hiện. Từ đó đề nghị xem xét khi bị cáo là người chưa thành niên. Bị cáo T là người cũng đã khai nhận, chứ không bác bỏ hành vi của mình, T khai sử dụng con dao mà theo yêu cầu của bị cáo Q mang đi trong lúc xảy ra ẩu đả và chém 01 nhát vào lưng và đâm 01 nhát và phía trước, nhưng những vết đâm và chém đó chỉ gây xước áo nạn nhân, qua kiểm tra áo của nạn nhân thì thấy phù hợp. Sau lưng người bị hại trong các bản án có thể hiện rõ có vết và không được kết luận và tước đi sinh mạng của người bị hại. Ở phía trước áo trong và áo ngoài thì có 02 vết rách 01 vết to và 01 vết nhỏ, áo ngoài thì đẫm máu. Như vậy, có 03 vết đâm dao và bị cáo nhận là đâm 02 nhát vào người bị hại. Cần xác định một nhát ở phía ngực là vết rách nhỏ, không thể tước sinh mạng của người bị hại. Việc gây ra cái chết của người bị hại là vết rách nhỏ hay lớn thì cần phải làm rõ. Những lời khai của bị cáo là phù hợp với tang vật của vụ án.

Những tình tiết sau đây có thể chứng minh người khác mà không phải bị cáo T thực hiện hành vi gây ra cái chết cho anh Th6: T khai tại thời điểm xảy ra xô xát sau khi thực hiện hai vết đối với người bị hại bị cáo đã trao cho Q theo yêu cầu của Q. Sau đó bị cáo chạy 15 – 20m thì mới nghe thấy tiếng thét thảm thiết. Bị cáo Q thừa nhận bị cáo đã nhận con dao đó và những người làm chứng đều xác định tại thời điểm đó bị cáo Q là người yêu cầu T giao con dao và sau đó bị cáo Q còn ở lại hiện trường trong khi T đã chạy đi. Khi đại diện Viện kiểm sát hỏi tại sao Q yêu cầu T giao con dao này thì bị cáo Q không làm rõ được. Vấn đề này càn phải làm rõ mục đích Q bảo T đưa dao để làm gì. Những biên bản lấy lời khai của người làm chứng và giám hộ đối với bị cáo T cần phải được làm rõ những người có mặt có được có mặt từ đầu hay không, hay chỉ là ký vào Biên bản theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào các chứng cứ cần xác định rõ những tài liệu đó có giá trị pháp lý không. Trong hồ sơ có lời khai khác nhau về người tước đoạt sinh mạng của người bị hại thì lẽ ra phải dựng lại hiện trường nhưng cơ quan công an không thực hiện. Bị cáo T có biên bản thu giữ quần áo nhưng 02 bị cáo khác không có. Như vậy đã mặc định từ đầu bị cáo T là người tước đoạt mạng sống của người bị hại. Vụ án này chưa chứng minh được ai là người tước đoạt sinh mạng của người bị hại mà chỉ theo phỏng đoán, suy đoán mà thôi. Mà những suy đoán đó không đúng với các tài liệu trong hồ sơ. Đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

Luật sư Nguyễn Tiến Dũng bào chữa: Cơ bản đồng ý với quan điểm của luật sư Trần Vũ Hải, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét hủy bản án sơ thẩm, điều tra lại.

Luật sư Đặng Văn Sơn bào chữa cho bị cáo Q, Q1: Toà án sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo Lê Ngọc Q1 và Trần Hồng Q hình phạt quá nghiêm khắc. Toà án đã nhận định và quy kết bị cáo Q1 không có hành vi ngăn cản và đánh giá là vai trò đồng phạm với bị cáo T là không đúng. Bị cáo Q1 không biết T có mang dao. Đối với bị cáo Q: Do bị cáo Q và Q1 có quan hệ quen biết nên bị cáo Q1 nói rằng bị cáo bị đánh thì đã đi đến để giải quyết. Bị cáo không biết T có mang dao hay không. Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định bị cáo Q rủ T đi cùng là không đúng vì T nói là đi cùng Q và Q cho đi cùng. Cái chết của anh Th6 là nằm ngoài ý muốn của bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, tác động gia đình bồi thường cho gia đình người bị hại. Bị cáo Q1 có thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự. Bị cáo Q có con nhỏ, có ông được tặng thưởng huân huy chương kháng Ch2. Đề nghị giảm một phần hình phạt cho các bị cáo.

Luật sư Hoàng Ngọc Thanh Bình bào chữa cho bị cáo Q: Đồng tình với quan điểm của Luật sư Sơn, ngoài ra bổ sung: Qua phần thẩm vấn tại phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nguyên nhân, diễn biến sự việc. Các bị cáo thực hiện hành vi trong khi bị nhóm của người bị hại đánh. Vai trò của bị cáo Q: Các cơ quan tố tụng trong giai đoạn điều tra đều xác định không ai thấy Q đâm người bị hại là người gây nên cái chết của người bị hại. Đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm có cơ hội cải tạo, trở về với gia đình của bị cáo.

Luật sư Đỗ Viết Hùng có ý kiến bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho người đại diện hợp pháp của người bị hại như sau: Nhất trí với quan điểm của luật sư Trần Vũ Hải. Trách nhiệm làm rõ diễn biến, hành vi, hậu quả thuộc về cơ quan tố tụng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng tại cấp sơ thẩm chưa làm được. Diễn biến vụ án không được thực hiện để làm rõ, hành vi của Q, của T, của Trường, của Q1 gần như đánh nhau ở trạng thái tĩnh; chưa làm rõ Q di chuyển như thế nào khi đánh Nguyễn Văn Th7. Khi T giao dao cho Q thì khác với vị trí Th6 bị đâm...Hồ sơ vụ án không phản ánh đúng sự Th6 khách quan. Đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Trường, H2 , Ch2. Xem xét việc bồi thường cho gia đình người bị hại.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ được thẩm tra công khai tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, lời khai của bị cáo, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người đại diện hợp pháp của người bị hại; Hội đồng phúc thẩm xét thấy:

 [1]. Xét kháng cáo của bị cáo Lê Văn T và đại diện hợp pháp của bị cáo T cũng như kháng cáo của luật sư Nguyễn Tiến Dũng: Sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra đã tiến hành việc lấy lời khai những người có liên quan đến vụ án, trong đó có Lê Văn T thể hiện tại các Bản tường trình, Biên bản hỏi cung (từ các BL 152-173) thì T đều khai có nội dung như sau: Khoảng 20 giờ ngày 11/12/2014, tôi đi xe đạp của Tài đến nhà chú tôi là Trần Hồng Q sinh năm 1987 ở xóm 3, thôn VQ, VK, ML, Hà Nội. Khi tôi đến tôi thấy chú Q đang ngồi uống bia với anh Trường ở quán bia nhà chú Q. Tôi có hỏi bà Huê là cô Th9 (vợ của chú Q) đâu thì bà Huê chỉ vào trong phòng cô Th9 thấy cô Th9 đang nằm trên giường nghịch điện thoại đến khoảng 21 giờ cùng ngày tôi thấy có người gọi điện thoại cho cô Th9 hỏi tìm chú Q, cô Th9 liền cầm điện thoại đi ra ngoài đưa cho chú Q. Một lúc sau cô Th9 và chú Q đi vào phòng. Thấy chú Q đi giày cô Th9 có bảo tôi đi cùng chú Q. Tôi có hỏi lại đi đâu thì cô Th9 bảo “Đi xuống dưới kia, chú Q1 đang bị chặn đánh”. Tôi hỏi “Có cần ai đi không, xuống mà bị đánh để còn xiên”. Cô Th9 nghe thấy thế nói” “Mày đừng có mà vớ vẩn”. Sau đó tôi đi cùng chú Q ra ngoài. Khi ra khỏi phòng, chú Q có bảo tôi: “Mày mang đồ đi chửa? vào kia lấy con phóng lợn ra đây” đồng thời chú Q đánh mặt vào hướng bếp. Tôi hiểu ý đi vào bếp thấy khoảng 3 - 4 con dao để ở trên giá để dao. Tôi lấy 01 con dao nhỏ nhất (loại dao bầu) mang đi để vào trong áo khoác, kẹp vào nách trái. Tôi đi ra ngoài sân thì đã thấy chú Q và anh Trường đang ngồi trên xe máy Sirius của chú Q, chú Q điều khiển xe, anh Trường ngồi sau và tôi ngồi sau cùng. Chúng tôi đi xuống quán cà phê Châu Hằng ở ĐC, TV và để xe ở sân của quán. Lúc này, tôi thấy anh Q1 đang ngồi uống nước cùng anh H2 và anh Ch2. Thấy chúng tôi anh Q1 nói “Chúng nó ở ngoài cổng” thấy vậy, tôi, anh Q1, chú Q, anh Trường, đi bộ ra ngoài cổng quán Châu Hằng. Khi đó đang có khoảng 6 - 7 thanh niên ở cổng quán cà phê Châu Hằng. Chú Q có rút điện thoại bật đèn màn hình điện thoại soi về hướng nhóm nam thanh niên này. Vừa soi chú Q vừa hỏi “Thế đứa nào định đánh Q1” Q1 nghe thấy vậy cũng nói: “Anh nào tìm em vậy, em là Q1 đây”. Sau đó anh Q1 liền cởi áo khoác nhờ tôi cầm. Tôi thấy H2 , Ch2 liền đi đến chỗ tôi đứng, tôi đưa áo cho Ch2 và bảo cầm cho anh Q1 rồi anh Q1 bảo tôi vào bàn uống nước lấy cho anh Q1 cái điện thoại. Tôi nghe không rõ nên hỏi lại anh Q1 “Lấy bao thuốc à anh” thì anh Q1 bảo lấy luôn bao thuốc cũng được. Tôi đi vào bàn uống nước cầm bao thuốc và điện thoại đưa cho anh Q1. Khi ra tôi thấy chú Q đang cầm điện thoại nghe và đi từ hướng đường chính đi lên về phía chúng tôi. Sau khi nghe điện thoại xong, chú Q đứng sát nhóm nam thanh niên kia và hỏi “Thằng nào đánh thằng Q1” đồng thời chú Q dùng tay phải tát vào mặt một nam thanh niên lái xe. Thấy vậy, nhóm nam thanh niên kia có người hô “A, con chó này” và nhóm thanh niên lao vào đánh chú Q và chúng tôi. Do chúng tôi không đánh lại được nên bị dồn vào cổng quán cà phê Châu Hằng. Lúc này tôi kéo áo khoác xuống, tay phải của tôi rút dao bầu ra tôi nói “Thằng nào lao vào đây bố mày xiên chết”. Trong lúc này tôi dùng dao chém một nhát vào phía lưng của một nam thanh niên đang đánh chú Q và Q1, thấy vậy thanh niên này quay người lại về phía tôi thì tôi liền dùng dao đâm một nhát vào phía trước của người này, sau đó, chú Q hô “T dao đâu đưa đây” thì tôi liền đưa dao cho chú Q. Tôi nghe thấy tiếng kêu “A” đồng thời tôi thấy H2 và Ch2 bỏ chạy về hướng VQ. Khi chạy về đến đường bê tông ven làng xóm 6, VQ, thì H2 nói bây giờ ai về nhà nấy. Cùng lúc này chú Q và Q1 cũng chạy đến chỗ tôi. Tôi cùng chú Q và Q1 đi một đoạn thì chú Q đưa dao cho tôi và bảo vứt đi. Tôi cầm dao và vứt vào ruộng hoa hồng nhà bà Nghi ở xóm 6, VQ. Tôi có nói với Q và Q1 là tôi vừa dùng dao đâm một người, nghe thấy vậy Q1 và chú Q bảo với tôi là, khi về nhà không được nói cho ai biết là đâm người mà chỉ nói là bị chặn đánh. Sau đó tôi đi tìm nhà nghỉ đến ngày 12/12/2014 tôi ra đầu thú.

Lời khai của T phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án trong đó có lời khai của Trần Hồng Q tại Bản tường trình ngày 14/12/2014: “Lúc ấy tôi nghe thấy tiếng T “Bố mày có dao đây thằng nào vào đây bố xiên chết” Tôi nghe thấy vậy có vùng thoát ra để lao ra chỗ T khi đó tôi thấy một thanh niên lao lại phía tôi vừa bị đánh rơi điện thoại thì ngã gục ở đấy. Tôi lao lại phía T nói “Đưa chú con dao, đưa chú con dao” đồng thời lúc ấy tôi thấy Q1 + H2 + Ch2 đang chạy lại phía tôi và T thế là chúng tôi cùng chạy vào trong ngõ chạy qua một hàng rào thì về đến đất VQ. Tại một ngã ba đường cái nhỏ làng VQ thuộc xóm 6 H2 và tôi, Q1 và T, T nói cháu xiên một thằng rồi chú ạ. Tôi giật mình nhìn con dao tôi đang cầm có dính máu và nhận ra đây là con dao nhà tôi. Tôi nói “Mày lấy dao nhà chú mang đi lúc nào, ai bảo mày đâm nó, mày chết” và tôi đưa trả lại dao cho T, T nói “Thế thì cháu vứt mẹ nó đi” tôi tiếp lời T “ừ vứt mẹ đi” sau đó tôi và T và Q1 cùng đi về nhà Q1” (BL 223).

Như vậy, có cơ sở xác định Lê Văn T là người trực tiếp cầm dao chém và đâm anh Th6 dẫn đến anh Th6 bị tử vong. Hành vi của T dùng dao đâm anh Nguyễn Văn Th6 phù hợp với biên bản giám định pháp y thể hiện trên cơ thể anh Th6 có hai vết thương, ngoài ra không còn vết thương nào khác.

Bị cáo T cũng như các luật sư bào chữa cho bị cáo T còn cho rằng: Những biên bản lấy lời khai của người làm chứng và giám hộ đối với bị cáo T cần phải được làm rõ những người có mặt có được có mặt từ đầu hay không, hay chỉ là ký vào Biên bản theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào các chứng cứ cần xác định rõ những tài liệu đó có giá trị pháp lý không. Hội đồng xét xử thấy, theo quy định tại khoản 2 Điều 306 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “ Trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi....thì việc lấy lời khai, hỏi cung phải có mặt đại diện của gia đình...”. Trong vụ án này, Lê Văn T tại thời điểm có hành vi phạm tội đã 16 tuổi 03 tháng 07 ngày nên việc có mặt của đại diện gia đình tại các buổi lấy lời khai, hỏi cung của cơ quan tiến hành tố tụng là không bắt buộc. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Văn T và đại diện hợp pháp của bị cáo T cũng như kháng cáo của luật sư Nguyễn Tiến Dũng đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

[2]. Xét kháng cáo của bị cáo Trần Hồng Q: Tại phiên toà hôm nay, bị cáo Q thừa nhận hành vi phạm tội của mình và biết ăn năn hối cải; những tình tiết này Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng cho bị cáo; bị cáo không đưa ra được tình tiết mới nhằm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo cũng như luận cứ bào chữa của luật sư đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo; giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình sự đối với bị cáo.

[3]. Đối với Lê Ngọc Q1: Sau khi xét xử sơ thẩm thì bị cáo không kháng cáo nhưng bị đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo yêu cầu huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại. Như phân tích ở phần [1] có cơ sở xác định Lê Văn T là người trực tiếp cầm dao chém và đâm anh Th6 dẫn đến anh Th6 bị tử vong. Do đó, Hội đồng phúc thẩm không chấp nhận luận cứ bào chữa của luật sư xin giảm hình phạt, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình sự đối với bị cáo Q1.

[4]. Xét kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại cũng như luận cứ của các luật sư đề nghị huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại: Như phân tích ở phần [1] có cơ sở xác định Lê Văn T là người trực tiếp cầm dao chém và đâm anh Th6 dẫn đến anh Th6 bị tử vong. Do đó, Hội đồng phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại cũng như lập luận của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của đại diện hợp pháp của người bị hại đề nghị huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

[5]. Xét tính chất, mức độ về hành vi phạm tội của các bị cáo rất nguy hiểm, đã tước đi quyền được sống của người khác trái pháp luật, gây đau thương vô hạn cho những người thân của gia đình người bị hại, gây mất trật tự trị an ở địa phương và tâm lý bất an cho mọi người trong xã hội. Hành vi phạm tội của các bị cáo cần phải được lên án và xét xử công khai, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Mặc dù, trước khi phạm tội thì các bị cáo Q, Q1 và T có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự. Sau khi có hành vi phạm tội, bị cáo Q và Q1 thực sự ân hận về hành vi của mình nên khai báo thành khẩn đã bồi thường cho gia đình người bị hại; bố mẹ của bị cáo T đã bồi thường một phần thiệt hại cho gia đình người bị hại. Với mức hình phạt 20 năm tù đối với Q, 17 năm tù đối với T và 13 năm tù đối với Q1 là tưng xứng với hành vi phạm tội của từng bị cáo, có tác dụng trừng trị, giáo dục, cải tạo riêng và răn đe, phòng ngừa chung.

[6]. Đối với anh Nguyễn Văn Th7 quá trình điều tra xác định sau khi bị Trần Hồng Q tát vào mặt, anh Th7 có tham gia đánh lại rồi chạy đi lấy đoạn gỗ làm hung khí để đánh nhau tiếp, khi anh Th7 quay lại hiện trường thấy mọi người đã bỏ đi hết, thanh gỗ anh Th7 lấy ra chưa sử dụng. Xét thấy hành vi của anh Th7 chưa đến mức xử lý hình sự nên Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội đã xử lý hành chính là phù hợp.

Đối với anh Nguyễn Văn T6 khi thấy anh Th7 bị đánh, T6 xông vào tham gia đánh nhau rồi bỏ chạy, sau đó cùng anh Th7 quay lại hiện trường thấy mọi người đã bỏ đi hết. Xét thấy hành vi của anh T6 chưa đến mức xử lý hình sự nên Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội đã xử lý hành chính là phù hợp.

Đối với anh Lê Viết H1, anh Nguyễn Thanh T5 có hành vi tụ tập nhiều người gây mất trật tự ở nơi công cộng, hành vi của anh H1 và anh T5 chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội đã xử lý hành chính là đúng.

Đối với các anh Đặng Văn Trường, anh Lê Phú H2 , anh Lê Văn Ch2: Tài liệu điều tra thu thập được xác định anh Trường, anh H2 và anh Ch2 có mặt tại hiện trường nơi xảy ra vụ án nhưng không tham gia đánh nhau nên Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội không xử lý là phù hợp.

[7] Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa hôm nay, đại diện hợp pháp của người bị hại yêu cầu các bị cáo phải tăng phần bồi thường dân sự. Xét thấy, tại thời điểm xét xử sơ thẩm tháng 8/2016 Toà án áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự và Điều 610 Bộ luật dân sự 2005 (nay là Điều 591 Bộ luật dân sự 2015) buộc các bị cáo Q, Qui, T phải bồi thường cho đại diện của người bị hại 72.600.000 đồng tiền tổn thất tinh thần (60 tháng lương cơ sở x 1.210.000đ) là phù hợp. Tuy nhiên, tại thời điểm xét xử phúc thẩm do giá cả thị trường có thay đổi theo hướng tăng lên nên ngày 24/4/2017 Chính Phủ đã ban hành Nghị Định số 47/2017/NĐ-CP qui định mức lương cơ sở tính từ ngày 01/7/2017 là 1.300.000 đồng/tháng/một người. Để đảm bảo quyền lợi cho người được bồi thường thiệt hại và theo qui định mới tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 thì mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 (một trăm) lần mức lương cơ sở do Nhà nước qui định.

Như vậy, tổng số tiền bồi thường về tổn thất tinh thần là 130 triệu đồng cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh Th6.

Toà án cấp sơ thẩm xác định các bị cáo phải liên đới bồi thường cho gia đình bị hại, đại diện là ông Nguyễn Văn Th6 số tiền gồm các khoản: 5.000.000đ vận chuyển cấp cứu; 10.000.000đ chi phí phẫu thuật; 100.000.000đ các chi phí hợp lý khác và 72.600.000đ bù đắp tổn thất tinh thần, tổng cộng = 187.600.000đ. Nay các bị cáo phải liên đới bồi thường thêm 57.400.000 đồng bù đắp tổn thất tinh thần. Xét bị cáo Q1 đã bồi thường 100.000.000đ trong tổng số 245.000.000đ. Nay cần buộc hai bị cáo Q và T phải bồi thường thêm 57.400.000đ là số tiền bù đắp về tổn thất tinh thần, Hội đồng phúc thẩm thấy cần buộc bị cáo Q bồi thường 35.000.000đ và buộc bị cáo T và đại diện hợp pháp cho bị cáo T là ông Lê Văn L và bà Nguyễn Thị L1 phải bồi thường thêm 22.400.000đ. Buộc bị cáo T và đại diện hơp pháp cho bị cáo T là ông Lê Văn L và bà Nguyễn Thị L1 phải tiếp tục bồi thường số tiền 40.000.000đ (17.600.000đ + 22.400.000đ).

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[8]. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Toà án thì các bị cáo T và Q phải chịu án phí theo qui định.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 248 và khoản 3 Điều 249 của Bộ luật tố tụng hình sự.

QUYẾT ĐỊNH

 [1]. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Văn T và đại diện hợp pháp của bị cáo T cũng như kháng cáo của luật sư Nguyễn Tiến Dũng và các luật sư bào chữa cho bị cáo T; đồng thời không chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại cũng như luận cứ của các luật sư đề nghị huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại; Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Hồng Q cũng như luận cứ của các luật sư bào chữa xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Q; giữ nguyên bản án sơ thẩm về tội danh và hình phạt đối với các bị cáo.

Tuyên bố các bị cáo Lê Văn T, Trần Hồng Q, Lê Ngọc Q1 phạm tội “Giết người”.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 22; Điều 33; Điều 69, Điều 74 (đối với bị cáo T) Bộ luật hình sự,

Xử phạt Trần Hồng Q 20 (hai mươi) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 12/12/2014.

Xử phạt Lê Văn T 17 (mười bảy) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 12/12/2014.

Xử phạt Lê Ngọc Q1 13 (mười ba) năm từ, thời hạn tù tính từ ngày 12/12/2014.

Tiếp tục giam các bị cáo để đảm bảo thi hành án.

 [2]. Sửa bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 584, 585, 586, 589, 590, 591, khoản 2 Điều 593 Bộ luật dân sự 2015:

Buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho gia đình bị hại, đại diện là ông Nguyễn Văn Thủy tổng số tiền 245.000.000đ; cụ thể:

Bị cáo Lê Ngọc Q1 phải bồi thường số tiền 100.000.00đ. Xác nhận bị cáo Q1 đã bồi thường xong.

Bị cáo Lê Hồng Q phải bồi thường số tiền 85.000.000đ, đã bồi thường 50.000.000đ, còn phải tiếp tục bồi thường 35.000.000đ.

Bị cáo Lê Văn T và đại diện hơp pháp cho bị cáo T là ông Lê Văn L và bà Nguyễn Thị L1 phải bồi thường số tiền 60.000.000đ, đã bồi thường 20.000.000đ, còn phải tiếp tục bồi thường 40.000.000đ.

 [6]. Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy địn h tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

 [3]. Về án phí:

- Các bị cáo Lê Văn T, Trần Hồng Q mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ án phí hình sự phúc thẩm.

- Lê Văn T phải chịu 2.000.000đ án phí dân sự có giá ngạch đối với số tiền còn phải tếp tục bồi thường.

- Trần Hồng Q phải chịu 1.525.000đ án phí dân sự có giá ngạch đối với số tiền còn phải tếp tục bồi thường.

 [4]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

 [5]. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

395
  • Tên bản án:
    Bản án 775/2017/HSPT ngày 17/11/2017 về tội giết người
  • Cơ quan ban hành:
  • Số hiệu:
    775/2017/HSPT
  • Cấp xét xử:
    Phúc thẩm
  • Lĩnh vực:
    Hình sự
  • Ngày ban hành:
    17/11/2017
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 775/2017/HSPT ngày 17/11/2017 về tội giết người

Số hiệu:775/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 17/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về