Bản án 70/2017/HSST ngày 29/09/2017 về tội trộm cắp tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ PHÚC YÊN- TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 70/2017/HSST NGÀY 29/09/2017 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN

Trong các ngày 28, 29 tháng 9 năm 2017 tại Trụ sở Tòa án nhân dân thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 65/2017/TLST - HS ngày 08 tháng 9 năm 2017 đối với:

Bị cáo Kiều Minh Q, sinh ngày 06 tháng 11 năm 1997; Địa chỉ: Thôn G, xã C, huyện S, tỉnh Vĩnh Phúc; Trình độ văn hóa: 12/12; Nghề nghiệp: Công nhân; Con ông Kiều Xuân H và con bà Nguyễn Thị N; Vợ, con: chưa có; Tiền án, tiền sự: không;

Bị cáo được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt. Người bị hại: Anh Vũ Trọng Q1, sinh năm 1981, có mặt

Địa chỉ: Tổ 10, phường X, thị xã P, tỉnh Vĩnh Phúc.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 15h 06p ngày 14 tháng 4 năm 2017 anh Vũ Trọng Q1 đến cây rút tiền (ATM) của Ngân hàng A đặt tại cổng công ty T thuộc phường P1, thị xã P, tỉnh Vĩnh Phúc để rút tiền trong tài khoản ngân hàng của mình. Tại đây anh Q1 dùng thẻ ATM mang tên Vũ Trọng Q1 có số tài khoản là 711ABxxxxxx thực hiện việc rút tiền. Anh Q1 nhập mật khẩu rút tiền 02 lần được 6.900.000đ (lần 1 rút 5.000.000đ, lần 2 rút được 1.900.000đ. Sau khi rút tiền xong, anh Q1 cất tiền vào ví của mình, nhưng quên không kết thúc giao dịch để lấy thẻ ra khỏi cây ATM. Khi anh Q1 vừa ra khỏi cây ATM, cùng lúc Kiều Minh Q đi xe môtô nhãn hiệu Yamaha biển kiểm soát (BKS) 88C1-213.90 đến cây ATM nêu trên để rút tiền trong tài khoản của mình. Khi vào trong cây ATM, Q nhìn thấy trên màn hình giao dịch cây ATM hiện lên dòng chữ “ Khách hàng có thực hiện giao dịch tiếp không”, lúc này Q biết người đàn ông vừa ra khỏi cây ATM để quên thẻ. Q quan sát xung quanh không có ai, nên Q đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản ( tiền) trong thẻ ATM của anh Q1; Q dùng tay ấn vào nút “Có”. Sau đó Q ấn vào giao dịch rút tiền (không cần nhập mật khẩu). Q thực hiện liên tiếp 05 lần rút tiền với tổng số tiền: 21.000.000đ; cụ thể lần 1 rút số tiền: 5.000.000đ có in hóa đơn giao dịch; lần 2 rút số tiền 1.000.000đ không in hóa đơn giao dịch; lần 3, lần 4 và lần 5 mỗi lần rút 5.000.000đ không in hóa đơn giao dịch. Sau khi lấy 05 lần thực hiện giao dịch lấy được tiền, Q lo sợ chủ thẻ sẽ quay lại và phát hiện nên Q chọn kết thúc giao dịch và lấy thẻ ATM ra khỏi cây cất thẻ cùng toàn bộ số tiền vừa lấy được vào ví của Q. Sau đó Q nhanh chóng đi xe máy về phòng trọ của mình tại tổ dân phố X, phường P1, thị xã P.

Đối với số tiền 21.000.000đ Q rút được trong tài khoản của anh Q1, khoảng 14 h ngày 17 tháng 4 năm 2017 Q đi bộ đến Ngân hàng A Chi nhánh P tại cổng số 2 của Công ty H gửi vào số tài khoản 711ADzzzzzzz mang tên Kiều Minh Q số tiền 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng), còn số tiền 1.000.000đ Q tiêu sài cá nhân hết. Khoảng 15h 45 phút ngày 25 tháng 4 năm 2017 Q cùng với bạn là Nguyễn Thái S ra cây ATM của Ngân hàng A đặt tại cổng công ty T thuộc phường P, thị xã P, tỉnh Vĩnh Phúc để rút tiền trong tài khoản ngân hàng của S, tại đây Q và S bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Phúc Yên triệu tập về làm việc.

Trong quá trình điều tra Cơ quan điều tra đã thu giữ: Thu giữ của Kiều Minh Q: 01 thẻ ATM của ngân hàng A số tài khoản 711ADzzzzzzz, số thẻ 97041552xxxxxxxx; 08/16 mang tên Kiều Minh Q. 01 thẻ ATM của ngân hàng A số tài khoản 711ABxxxxxx, số thẻ 97041552xxxxxxxx; 07/16 mang tên Vũ Trọng Q1, 01 xe môtô nhãn hiệu Yamaha BKS 88C1-xxxxx mang tên Kiều Minh Q, 01 quần đủi màu trắng viền kẻ màu xanh có logo biểu tượng hình tròn Chelsea và 01 áo sơ mi cộc tay kẻ màu xanh. Tiền việt nam đồng: 21.000.000, do bị cáo Q tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả, 01 bản gốc chứng từ giao dịch giấy nộp tiền, liên 2 của Ngân hàng A chi nhánh P ngày 17 tháng 4 năm 2017 và 01 bảng kê lương của công ty H mang tên nhân viên Kiều Minh Q.

* Thu giữ tại Ngân hàng A – Chi nhánh P: 01 chiếc USB đựng trong 01 phong bì thư ký hiệu là A1 và 01 bản Sao kê tài khoản ngân hàng số 711ABxxxxxx của anh Vũ Trọng Q1 từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 4 năm 2017 (có đóng dấu treo của Ngân hàng).

Các vật chứng của vụ án trong quá trình điều tra vụ án đã xử lý:

Đối với 21.000.000đ (Hai mươi mốt triệu đồng) và 01 thẻ ATM của ngân hàng A mang tên Vũ Trọng Q1, ngày 03 tháng 7 năm 2017 và 17 tháng 7 năm 2017 Cơ quan cảnh sát điều tra đã trả cho anh Q1, anh Q1 đã nhận và không có yêu cầu đề nghị gì khác.

Đối với 01 thẻ ATM của ngân hàng A mang tên Kiều Minh Q; 01 xe môtô nhãn hiệu Yamaha BKS 88C1-21390; 01 quần đùi màu trắng viền kẻ màu xanh có logo biểu tượng hình tròn Chelsea; 01 áo sơ mi cộc tay kẻ màu xanh. Quá trình điều tra xác định là tài sản hợp pháp của Kiều Minh Q không liên quan đến hành vi phạm tội nên ngày 17 tháng 7 năm 2017 Cơ quan cảnh sát điều tra đã trả lại, Q đã nhận và không có yêu cầu gì khác.

Các vật chứng của vụ án trong quá trình điều tra vụ án chưa xử lý: 01 bản gốc chứng từ giao dịch giấy nộp tiền, liên 2 của Ngân hàng A chi nhánh P ngày 17 tháng 4 năm 2017 và 01 bảng kê lương của công ty H mang tên nhân viên Kiều Minh Q, 01 Sao kê tài khoản ngân hàng số 711ABxxxxxx của anh Vũ Trọng Q1 từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 4 năm 2017 được chuyển theo hồ sơ vụ án.

Trong quá trình điều tra vụ án bị cáo Kiều Minh Q đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên.

Tại bản cáo trạng số: 60/KSĐT– KT ngày 08/8/2017, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phúc Yên đã truy tố bị cáo Kiều Minh Q về tội: “Sử dụng phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm c khoản 1 điều 290 của Bộ luật hình sự năm 2015.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phúc Yên luận tội: do bị cáo không phải sử dụng bất kỳ thao tác nào vượt qua cảnh báo để truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cá nhân để chiếm đoạt tài sản, nên Viện kiểm sát thay đổi Quyết định truy tố. Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Q phạm tội: “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật hình sự 1999.

Áp dụng khoản 1 Điều 138, điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, khoản 1, khoản 2 Điều 60 của Bộ luật hình sự; xử phạt Kiều Minh Q từ 12 đến 15 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 24 đến 30 tháng.

Căn cứ vào các chứng cứ tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác;

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo Q đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Bị cáo đã khai nhận: Khoảng 15h 05 phút đến 15 h 13 phút ngày 14 tháng 4 năm 2017 tại cây ATM của Ngân hàng A đặt tại cổng công ty T thuộc phường P1, thị xã P, tỉnh Vĩnh Phúc, bị cáo đã có hành vi lợi dụng sơ hở của người bị hại (Anh Q1) để quên thẻ rút tiền trong cây ATM, nên bị cáo đã lén lút rút tiền 05 lần trong tài khoản của anh Q1, chiếm đoạt được tổng số tiền là 21.000.000đ (Hai mươi mốt triệu đồng).

Xét lời nhận tội của bị cáo phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, như lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, lời khai của người bị hại, phù hợp với biên bản nhận dạng, biên bản khám nghiệm hiện trường và biên bản sự việc; phù hợp vật chứng vụ án thu giữ được cùng các chứng cứ khác đã thu thập pháp luật có trong hồ sơ vụ án. Do đó có đủ cơ sở khẳng định hành vi của bị cáo Q đã phạm tội: “Trộm cắp tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật hình sự;

điều luật quy định như sau. “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu..., thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Về căn cứ để truy tố bị cáo phạm tội: “ Sử dụng phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo điểm c khoản 1 Điều 290 của Bộ luật hình sự năm 2015 như Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phúc Yên đã truy tố tại bản cáo trạng số: 60/KSĐT– KT ngày 08/8/2017, Hội đồng xét xử xét thấy:

Điểm c khoản 1 điều 290 của Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

“1. Người nào sử dụng….phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

….

c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của…cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Đối chiếu hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số: 10/2012/TTlT- BCA-BQP- BTP-BTT & TT- VKSND- TANDTC ngày 10 tháng 9 năm 2012 của Bộ công an, Bộ quốc phòng, Bộ tư pháp, Bộ thông tin và truyền thông, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.

Tại khoản 2 Điều 10 của Thông tư liên tịch quy định: “Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản là hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa hoặc sử dụng mã truy cập của người khác mà không được sự cho phép của người đó để truy cập vào tài khoản không phải của mình”.

Tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư quy định: “Cảnh báo là thông báo không cho phép người không có thẩm quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu”.

Tại khoản 8 Điều 7 của Thông tư quy định: “Mã truy cập là điều kiện bắt buộc đáp ứng một tiêu chí chuẩn nhất định trước khi sử dụng, truy cập đến thiết bị, nội dung dữ liệu được bảo vệ”.

Tại khoản 9 Điều 7 của Thông tư quy định: “Tường lửa là tập hợp các thành phần hoặc một hệ thống các trang thiết bị, phần mềm hoặc phần cứng được đặt giữa hai hoặc nhiều mạng, nhằm kiểm soát tất cả các kết nối từ bên trong ra bên ngoài mạng và ngược lại, đồng thời ngăn chặn việc xâm nhập, kết nối trái phép”.

Ở vụ án này người bị hại anh Q1uynnh đã nhập mật khẩu truy cập vào tài khoản của anh để rút tiền. Sau khi rút tiền xong, do sơ suất anh Q1 quên không rút thẻ ra khỏi cây ATM. Bị cáo đã lợi dụng sơ hở của chủ sở sở hữu tài sản, lén lút đối với với chủ sở hữu để thực hiện hành vi rút tiền 05 lần trong tài khoản của người bị hại (anh Q1) chiếm đoạt tổng số tiền 21.000.000đ. Bị cáo không truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của người bị hại, nên hành vi phạm tội của bị cáo không phạm tội theo điểm c khoản 1 điều 290 của Bộ luật hình sự năm 2015.

Vì vậy, tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phúc Yên đã thay đổi quyết định truy tố; theo nội dung bản cáo trạng số: 60/KSĐT– KT ngày 08/8/2017 truy tố bị cáo Q về tội: “Sử dụng phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo điểm c khoản 1 Điều 290 của Bộ luật hình sự năm 2015, chuyển sang truy tố bị cáo về tội: “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 của Bộ luật hình sự là có căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 221 Bộ luật tố tụng hình sự, nên Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi quyết định truy tố này của Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phúc Yên.

Xét tính chất của vụ án tuy ít nghiêm trọng, song hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, không những trực tiếp xâm phạm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người khác được pháp luật bảo vệ, mà còn gây mất trật tự trị an tại địa phương. Vì vậy cần phải đưa bị cáo ra xét xử nghiêm minh để giáo dục chung và phòng ngừa riêng.

Xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo thấy rằng: Bị cáo hiện làm công nhân vợ con chưa có, bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Sau khi phạm tội bị cáo đã tự nguyện nộp tiền để trả lại cho người bị hại và nay người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự. Về tình tiết tăng nặng, bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào. Sau khi cân nhắc nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, Hội đồng xét xử thấy cần mở lượng khoan hồng của Nhà nước để áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách và giao bị cáo cho chính quyền đại phương nơi bị cáo thường trú giám sát, giáo dục như đề nghị của Viện kiểm sát cũng đủ tác dụng giáo dục bị cáo thành người có ích cho xã hội.

Về hình phạt bổ sung: Qua xác minh và làm rõ tại phiên tòa bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là do bộc phát, hiện không có tài sản riêng, thu nhập chỉ bảo đảm cho chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, nên không cần thiết áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền là phù hợp.

Về vật chứng và trách nhiệm dân sự: Tài sản bị cáo chiếm đoạt là 21.000.000đ bị cáo đã tự nguyện nộp trả cho người bị hại, nay người bị hại không có yêu cầu gì về phần trách nhiệm dân sự và có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định. Bởi các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Kiều Minh Q phạm tội “Trộm cắp tài sản”.

Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, khoản 1, khoản 2 Điều 60 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Kiều Minh Q 01 (Một) năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 02 (Hai) năm; thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Kiều Minh Q cho Ủy ban nhân dân xã C, huyện S, tỉnh Vĩnh Phúc giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

Áp dụng Điều 99 của Bộ luật tố tụng hình sự, Nghị quyết số 326/2016/ UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; buộc bị cáo Kiều Minh Q phải nộp 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

Bị cáo, người bị hại có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

407
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 70/2017/HSST ngày 29/09/2017 về tội trộm cắp tài sản

Số hiệu:70/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 29/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về