Bản án 701/2017/DS-PT ngày 04/08/2017 về tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 701/2017/DS-PT NGÀY 04/08/2017 VỀ TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN YÊU CẦU TUYÊN BỐ VĂN BẢN CÔNG CHỨNG VÔ HIỆU

Trong các ngày 27 tháng 7 năm 2017 và ngày 04 tháng 8 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 218/2017/TLDS-PT ngày 06 tháng 6 năm 2017 về việc tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2017/DS-ST ngày 28/04/2017 của Tòa án nhân dân Quận H bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1242/2017/QĐPT-DS ngày 16 tháng 6 năm 2017, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Văn phòng Công chứng TT; địa chỉ trụ sở: Số 158 TN, phường BA, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Lê Huyền Đ, sinh năm 1963; cư trú tại: Số nhà 2/12 ĐSC, Khu phố 4b phường BA, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh (được ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 25/01/2016) (có mặt).

- Bị đơn:

1. Ông Lý Mộng K, sinh năm 1966; địa chỉ thường trú: Số nhà 87K Khu phố B, phường LT, thành phố BR, tỉnh BR-VT; địa chỉ cư trú hiện nay: Nhà không số, phường PT, thành phố BR, tỉnh BR-VT (có mặt).

2. Bà Đỗ Thị T, sinh năm 1956; địa chỉ thường trú: Số nhà 166/2 Khu phố B, phường TD, thành phố BH, tỉnh Đồng Nai; địa chỉ cư trú hiện nay: Số nhà 177 Tổ T, khu phố HG, phường LH, thành phố BR, tỉnh BR-VT (có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Nguyễn Thị Thanh H, sinh năm 1956; Công chứng viên của Văn phòng Công chứng TT; địa chỉ: Số 158 TN, phường BA, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của bà H: Ông Lê Huyền Đ, sinh năm 1963; cư trú tại: Số nhà 2/12 ĐSC, Khu phố B, phường BA, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh (được ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 25/01/2016) (có mặt).

2. Ông Trần Đình V, sinh năm 1952; địa chỉ thường trú: Số nhà 2395 Khu phố 1, phường Phước Nguyên, thành phố BR, tỉnh BR-VT; địa chỉ cư trú hiện nay: Ấp Phước Tân 1, xã Tân Hưng, thành phố BR, tỉnh BR-VT (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông V: Luật sư Đào Quốc V2, sinh năm 1978 – Luật sư của Công ty Luật hợp danh A thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

3. Ông Nguyễn Cao Cường A, sinh năm 1982.

4. Bà Phạm Thị Ngọc T2, sinh năm 1983.

Cùng cư trú tại: Số nhà 175W1 khu phố LP, thị trấn LĐ, huyện LĐ, tỉnh BR-VT.

Người đại diện hợp pháp của ông A và bà T2: Ông Nguyễn Thành Đ2, sinh năm 1989; cư trú tại: Khu phố S, phường PH, thành phố Br, tỉnh BR-VT (được ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 05/4/2017) (có mặt).

- Người làm chứng: Ông Ngô Chí Đ3, sinh năm 1957, cư trú tại: Số nhà 19 YB, Phường B, thành phố VT, tỉnh BR-VT (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong Đơn khởi kiện đề ngày 19 tháng 5 năm 2016 cũng như các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn – Văn phòng Công chứng TT có ông Lê Huyền Đ đại diện trình bày:

Ngày 03/9/2014, ông Ngô Chí Đ3 là bạn của Công chứng viên Nguyễn Thị Thanh H đi cùng với ông Trần Đình V, ông Lý Mộng K và bà Đỗ Thị T đến trụ sở Văn phòng Công chứng TT tại Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông K và bà T xuất trình một Tờ di chúc đề ngày 01/9/2014, di chúc do ông K và bà T chứng kiến và ghi chép lại theo ý chí của ông Phan Văn T3, sinh năm 1942, CMND số 273087324 do Công an tỉnh BR-VT cấp, địa chỉ: Số nhà 37I1 khu phố LA, thị trấn LĐ, huyện LĐ, tỉnh BR-VT và yêu cầu Văn phòng Công chứng TT công chứng.

Do quen biết nên Công chứng viên Nguyễn Thị Thanh H đã chứng nhận Tờ di chúc miệng của ông Phan Văn T3 theo công chứng số 002335.2014/DC, quyển số 03 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 03/9/2014.

Bà H đã yêu cầu ông K, bà T viết thêm tờ di chúc nữa để lưu tại Văn phòng Công chứng TT, nội dung hai tờ di chúc đều giống nhau. Đồng thời, bà H yêu cầu ông K và bà T phải cung cấp bổ sung giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất số 63 tại thị trấn LĐ.

Tuy nhiên, sau đó bà T từ chối ký phiếu yêu cầu công chứng và ngày 05/9/2014, bà T điện thoại nói cho bà H biết là bà T không phải là người làm chứng, đề nghị bà H hủy bản công chứng di chúc.

Ngày 09/10/2014, Văn phòng Công chứng TT nhận được thư của ông Đ3 cho biết bà T không phải là người chứng kiến di chúc.

Do nghi ngờ tính hợp pháp của di chúc nên ngày 11/10/2014, Văn phòng Công chứng TT đã gửi Công văn số 48/2014/CV-CCTT cho Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng để xác minh tình trạng sức khỏe của ông Phan Văn T3.

Tại Công văn số 453/BVĐD-KHTH ngày 27/10/2014, Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng (sau đây viết tắt là Bệnh viện) cho biết ông Phan Văn T3 nằm điều trị tại bệnh viện từ 20h30’ ngày 10/8/2014, ra viện lúc 14h00’ ngày 01/9/2014 với tình trạng sức khỏe trong suốt thời gian điều trị “Bệnh nhân không tỉnh, ăn qua sonde, nhắm mắt, không tiếp xúc, thở khò khè…”. Đặc biệt tại công văn này ghi rõ vào lúc 8h00’ sáng ngày 01/9/2014 “Bệnh nhân mở mắt, không tiếp xúc, ăn qua sonde, thở khò khè 26 lần/phút, bệnh nhân đang thở oxy 3lít/phút…”.

Như vậy, có thể khẳng định tình trạng sức khỏe của ông Phan Văn T3 trong tình trạng bệnh nặng “không tiếp xúc” và “ăn qua sonde” thì không thể nói, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của mình như nội dung di chúc mà ông K, bà T ghi chép lại. Do đó di chúc không hợp pháp theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Vì vậy, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân Quận H tuyên bố Văn bản công chứng số 002335.2014/DC, quyển số 03TP/CC-SCC/HĐGD ngày 03/9/2014 của Văn phòng Công chứng TT do Công chứng viên Nguyễn Thị Thanh H công chứng trên bản di chúc miệng của ông Phan Văn T3 do ông Lý Mộng K và bà Đỗ Thị T ghi chép lại vào lúc 07h30’ ngày 01/9/2014 vô hiệu do bị lừa dối.

Bị đơn – ông Lý Mộng K trình bày:

Ông là hàng xóm quen biết với bà Trần Thị T4 là vợ của ông T3 từ năm 1987, sau này được vợ chồng ông T3 nhận làm con nuôi. Sau khi bà T4 mất, ông là người chăm sóc ông T3.

Ông T3 bị bệnh phổi, ông là người thường xuyên chở ông T3 đi bệnh viện khám. Do ông T3 ngày càng yếu nên ông gọi điện cho các em của ông T3 là bà M, T5, H2 và một người con nuôi của ông T3 tên Linh đưa ông T3 đi bệnh viện. Ông V đưa tiền cho ông đóng viện phí và lo tiền ăn uống cho ông T3. Bà H2 có thuê một người, ông không biết rõ họ tên, thường gọi là bà H3 chăm sóc cho ông T3.

Ngày 29/8/2014, ông V đưa bà H và một người thư ký đến bệnh viện gặp ông T3 nói chuyện. Khi đó ông T3 còn khỏe và bà H đã hỏi ông T3 về tài sản thì ông T3 gật đầu.

Do chi phí nuôi bệnh tốn kém nên ông nói với ông V thuê người khác. Đến khoảng 06-07 giờ sáng ngày 01/9/2014, ông V đưa bà T lên thay bà H3 chăm sóc ông T3.

Sau khi ông lau mặt cho ông T3 thì ông T3 nói bập bẹ, tay chỉ vào giỏ của bà H3 nói lấy giấy viết, ông không nhớ rõ mấy giờ nhưng ông ghi trong di chúc là lúc 07h30’, ông T3 nói được khoảng 1-2 phút về việc để cho ông V hưởng phần của ông T3 đối với hai thửa đất số 85, 86, tờ bản đồ số 134, xã Phước Hưng và toàn bộ nhà và đất tại thửa số 63, tờ bản đồ số 105, thị trấn LĐ. Bà T đứng ngay cạnh nghe được ông T3 nói, sau đó ông T3 yếu dần đi và không nói được nữa. Khi ông V đi uống cà phê quay trở lại thì ông đưa cho ông V tờ di chúc. Tờ di chúc mà ông V giữ là do ông viết tại bệnh viện, còn tờ di chúc mà nguyên đơn cung cấp ông không nhớ có phải chữ viết của ông hay không.

Về yêu cầu khởi kiện của Văn phòng Công chứng TT, theo công văn trả lời của bệnh viện xác định vào lúc 08 giờ ngày 01/9/2014 bệnh nhân không tiếp xúc nhưng thời điểm ông K và bà T ghi di chúc miệng là lúc 07 giờ 30 phút. Mặt khác, bệnh viện cho rằng bệnh nhân nhập viện không tỉnh, được xác định tại thời điểm thăm khám nhưng không có cơ sở khoa học nào cho rằng trong vòng 24 giờ bệnh nhân không tỉnh, thực tế trước khi chết, bệnh nhân tỉnh và tiếp xúc với người nhà là bình thường. Còn bản kết luận giám định là không đúng vì sự thật ông là người trực tiếp chăm sóc và ghi lại những gì ông T3 nói nên ông K đề nghị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ông không có ý kiến về thời hiệu khởi kiện, hậu quả pháp lý nếu văn bản công chứng di chúc miệng của ông T3 bị tuyên bố vô hiệu.

Bị đơn – bà Đỗ Thị T trình bày:

Bà gặp ông V và biết ông V đang cần người chăm sóc ông T3 đang nằm điều trị trong bệnh viện. Vào khoảng 06 giờ ngày tháng năm nào bà không nhớ rõ, ông V đưa bà đến bệnh viện gặp ông T3. Bà nghe ông T3 nói với ông K là để lại cho ông V tài sản nhà đất nào đó nhưng bà không rõ và bà nhìn thấy ông K lấy giấy bút ra ghi chép lại.

Khoảng 07 giờ sáng, bà không nhớ rõ ngày tháng năm, ông V, ông K và một người nữa là Luật sư cùng bà đi ăn sáng, uống cà phê. Đến khoảng 09 giờ 30 phút, tất cả cùng đến Văn phòng Công chứng TT để lăn tay, ký tên vào tờ di chúc. Việc bà ký tên, điểm chỉ vào bản di chúc là do bà nghe thấy sao làm vậy.

Bà khẳng định chưa chăm sóc ông T3 ngày nào. Bà chưa bao giờ điện thoại cho bà H và cũng không gặp ông Đ3 tại VT. Bà cũng không biết việc ghi chép và chỉ ký tên vào tờ di chúc một lần vào ngày 03/9/2014 tại văn phòng công chứng.

Bà không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và không có ý kiến về thời hiệu khởi kiện, hậu quả pháp lý nếu văn bản công chứng di chúc miệng của ông T3 bị tuyên bố vô hiệu.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – bà Nguyễn Thị Thanh H ủy quyền cho ông Lê Huyền Đ trình bày:

Bà Nguyễn Thị Thanh H thống nhất với ý kiến trình bày của nguyên đơn. Ngày 23/04/2015, chính bà H vừa là công chứng viên bản di chúc vừa là Trưởng Văn phòng Công chứng TT đại diện theo pháp luật của nguyên đơn đã làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng di chúc miệng nói trên vô hiệu do bị lừa dối, do khi công chứng bà chưa kiểm tra kỹ hồ sơ và không phát hiện bị lừa dối để từ chối công chứng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – ông Trần Đình V trình bày:

Trước đây, ông và ông T3 thường xuyên tâm sự, chia sẻ chuyện gia đình, coi nhau như anh em ruột thịt, thậm chí, ông còn đứng ra lo liệu toàn bộ đám tang vợ ông T3.

Cách đây khoảng 10 năm, ông và ông T3 cùng góp tiền mua của bà H2 01 thửa đất ở LH với giá 850.000.000 đồng, mỗi người 425.000.000 đồng và cùng đứng tên trên giấy chứng nhận. Khoảng 05 năm trước, ông T3 đã bán lại cho ông với giá 500.000.000 đồng nhưng chưa làm thủ tục sang tên. Ông đã thanh toán tiền cho ông T3.

Thời gian ông T3 nằm điều trị trong bệnh viện, ông K và một người phụ nữ ông không nhớ rõ tên chăm sóc ông T3. Mọi chi phí nằm viện, ăn uống, tiền thuê người chăm sóc ông T3 đều do ông đưa tiền cho ông K chi trả. Do chi phí trả cho người chăm sóc ông T3 cao nên ông nhờ bà T chăm sóc cho ông T3.

Do ông T3 cần công chứng di chúc nên ông đã liên hệ với ông Ngô Chí Đ3 giới thiệu công chứng viên nhờ làm thủ tục chứng nhận di chúc.

Ngày 29/8/2014, ông đưa bà H và một người thư ký đến gặp ông T3 tại bệnh viện, đúng như lời khai của ông K.

Khoảng 06 giờ sáng ngày 01/9/2014, ông dẫn bà T đến bệnh viện để chăm sóc ông T3, sau đó ông ra ngoài uống cà phê. Khi ông quay lại thì ông K cho biết ông T3 để lại 02 thửa đất và 01 căn nhà cho ông, rồi đưa tờ di chúc mà ông K ghi chép lại cho ông. Ông nghĩ 02 thửa đất ông T3 để lại là 02 thửa đất có vị trí cạnh 02 thửa đất mà ông và ông T3 góp tiền mua chung, còn căn nhà là của ông T3 đang ở tại xã LĐ.

Sau đó, ông đưa bà T về VT để chuẩn bị đồ đạc lên chăm sóc ông T3. Ngày 03/9/2014, ông Đ3 đưa ông cùng với ông K và bà T đến Văn phòng Công chứng TT gặp bà H. Bà H xem tờ di chúc rồi nói có sai sót về chứng minh nhân dân và sửa lại rồi công chứng.

Về Bản kết luận giám định pháp y tâm thần số 2888/2016/KLGĐTC ngày 12/10/2016 của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh không đúng nên ông không có ý kiến.

Ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và không có ý kiến về thời hiệu khởi kiện, hậu quả pháp lý nếu văn bản công chứng di chúc miệng của ông T3 bị tuyên bố vô hiệu.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – ông Nguyễn Cao Cường A và bà Phạm Thị Ngọc T2 ủy quyền cho ông Nguyễn Thành Đ2 trình bày:

Ông A và bà T2 mua của ông T3 một căn nhà tọa lạc tại thửa đất số 63, tờ bản đồ 105, thị trấn LĐ theo Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng số 593 ngày 11/8/2014 tại Văn phòng Công chứng Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh BR-VT với giá 1.500.000.000 đồng. Việc mua bán đã hoàn thành và đăng bộ sang tên cho ông A và bà T2 vào ngày 23/9/2016.

Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ông A và bà T2 đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định pháp luật. Ông A và bà T2 không có ý kiến về thời hiệu khởi kiện, hậu quả pháp lý nếu văn bản công chứng di chúc miệng của ông T3 bị tuyên bố vô hiệu.

Người làm chứng – ông Ngô Chí Đ3 trình bày:

Ông V có nhờ ông giới thiệu bà H là Trưởng Văn phòng Công chứng TT để công chứng di chúc.

Sáng ngày 03/9/2014, ông đưa ông V, ông K và bà T đến Văn phòng Công chứng TT ở Quận H. Tại đây ông K, bà T ký bản khai di chúc miệng của ông T3 với nội dung để lại tài sản cho ông V nếu ông T3 chết. Sau khi công chứng xong, ông K, bà T quên viết phiếu yêu cầu công chứng nên bà H nhờ ông đưa phiếu yêu cầu công chứng về cho ông K và bà T ký để bổ sung hồ sơ.

Ngày 05/9/2014, ông đi VT gặp ông K và đưa phiếu yêu cầu công chứng cho ông K ký thì ông K cho biết ông T3 chết vào tối ngày 01/9/2014 và bà T không phải là người chăm sóc cho ông T3. Ông nói nếu như vậy thì di chúc có phần không đúng phải hủy. Sau đó, ông gặp ông V và ông V xác nhận bà T không phải là người trực tiếp chăm sóc ông T3 nhưng ông V không đồng ý hủy văn bản công chứng di chúc nên ông đã viết thư gửi bà H đề nghị làm thủ tục pháp lý hủy di chúc.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2017/DS-ST ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Tòa án nhân dân Quận H quyết định:

Tuyên bố Văn bản công chứng số 002335.2014/DC, quyển số 03TP/CC- SCC/HĐGD ngày 03/9/2014 của Văn phòng Công chứng TT do Công chứng viên Nguyễn Thị Thanh H công chứng bản di chúc miệng của ông Phan Văn T3 được hai người làm chứng là ông Lý Mộng K và bà Đỗ Thị T ghi chép lại vào lúc 07h30’ ngày 01/9/2014 là vô hiệu toàn bộ.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về chi phí giám định, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 10/5/2017, ông Trần Đình V kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Ý kiến của Luật sư Đào Quốc V2 bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Trần Đình V: Phiếu yêu cầu công chứng không phải là hợp đồng, bị đơn cư trú tại tỉnh BR-VT, Tòa án nhân dân Quận H thụ lý giải quyết là không đúng thẩm quyền. Thời điểm lập di chúc ông Phan Văn T3 tỉnh táo, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào công văn của bệnh viện và kết luận tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là không đúng với thực tế. Di chúc miệng có 2 người làm chứng ghi chép lại ký tên, người làm chứng có đủ năng lực hành vi dân sự là phù hợp với quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005 nên di chúc hợp pháp. Ngoài ra, ông Lê Huyền Đ là người đại diện theo ủy quyền của Văn phòng Công chứng TT, đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Thanh H là không đúng với quy định tại Điều 87 Bộ luật Dân sự năm 2015. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hoặc hủy bản án sơ thẩm.

- Ý kiến của ông Lê Huyền Đ là người đại diện theo ủy quyền của Văn phòng Công chứng TT, đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của bà H đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Ông Trần Đình V, ông Lý Mộng K và bà Đỗ Thị T thống nhất với ý kiến của Luật sư Đào Quốc V2.

- Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: Về tố tụng: Tòa án cấp phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định Bộ luật Tố tụng dân sự từ khi thụ lý đến khi xét xử. Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử thực hiện đúng trình tự, thủ tục tố tụng dân sự.

Về nội dung:

Theo Bản kết luận giám định pháp y tâm thần số 2888/2016/KLGĐTC ngày 12/10/2016 của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đã được giải thích và chỉnh sửa gửi đến Tòa án nhân dân Quận H vào ngày 27/4/2017 kết luận như sau: “... từ 20 giờ 30 ngày 16/8/2014 đến 14 giờ ngày 01/9/2014, đương sự là ông Phan Văn T3 không đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi...”.

Căn cứ vào kết luận trên có cơ sở xác định vào thời điểm lập di chúc ông T3 bị bệnh, không còn minh mẫn nên di chúc không đủ điều kiện để được coi là hợp pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 647 và điểm a khoản 1 Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố Văn bản công chứng số 002335.2014/DC, quyển số 03TP/CC-SCC/HĐGD ngày 03/9/2014 của Văn phòng Công chứng TT do công chứng viên Nguyễn Thị Thanh H công chứng bản di chúc miệng của ông Phan Văn T3 được hai người làm chứng là ông Lý Mộng K và bà Đỗ Thị T ghi chép lại vào lúc 07h30’ ngày 01/9/2014 vô hiệu là có căn cứ.

Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Trần Đình V, căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, sau khi nghe đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm, sau khi nghị án, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về áp dụng pháp luật tố tụng:

[1.1] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết:

Nguyên đơn yêu cầu tuyên bố Văn bản công chứng số 002335.2014/DC, quyển số 03 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Công chứng viên Nguyễn Thị Thanh H vô hiệu. Bị đơn – ông K, bà T và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – ông V có ý kiến phản đối, không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đây là quan hệ tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện (quận) theo khoản 11 Điều 26 và điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Do tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng công chứng được thực hiện tại trụ sở Văn phòng Công chứng TT có địa chỉ tại Quận H nên nguyên đơn lựa chọn nộp đơn kiện tại Tòa án nhân dân Quận H là đúng thẩm quyền giải quyết theo điểm g khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[1.2] Về tư cách người tham gia tố tụng: Căn cứ đơn khởi kiện đề ngày 14/5/2015, Văn phòng Công chứng TT đứng tên nguyên đơn khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm do công chứng viên của văn phòng công chứng di chúc vì bị lừa dối nên Văn phòng Công chứng TT là nguyên đơn theo khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các Điều 45, 64 Luật Công chứng năm 2006. Văn phòng Công chứng TT khởi kiện ông K và bà T do có hành vi lừa dối khi yêu cầu công chứng di chúc nên ông K và bà T là đồng bị đơn theo khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Trong vụ án này người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Văn Phòng Công chứng TT và bà H cùng có yêu cầu Tòa án truyên văn bản công chứng vô hiệu các bên đương sự không có yêu cầu nào khác nên ông Đ đại diện cho Văn phòng Công chứng TT, đồng thời đại diện cho bà H phù hợp với quy định của pháp luật.

[1.3] Về sự vắng mặt của người làm chứng: Người làm chứng – ông Ngô Chí Đ3 vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai trực tiếp với Tòa án, không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt người làm chứng theo khoản 2 Điều 229 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

[2.1] Căn cứ vào hồ sơ bệnh án của ông Phan Văn T3 và Công văn số 489/BVPHCN-KHTH ngày 25/9/2015 do Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng, điều trị bệnh nghề nghiệp thuộc Sở y tế Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp, có cơ sở xác định bệnh nhân Phan Văn T3, sinh năm 1942, địa chỉ: Ấp LA, thị trấn LĐ, huyện LĐ, tỉnh BR- VT vào viện lúc 20 giờ 30 phút ngày 16/8/2014 và ra viện lúc 14 giờ ngày 01/9/2014. Tình trạng sức khỏe bệnh nhân trong thời gian điều trị tại bệnh viện: Hầu hết thời gian nằm viện bệnh nhân mở mắt, không tiếp xúc, ăn qua sonde, thở khò khè, co kéo hô hấp phụ, tim đều, phổi ran rít, ngáy, nổ hai phế trường, bụng mềm, đôi lúc căng chướng. Bác sĩ trưởng khoa đánh giá bệnh nhân không tiếp xúc (không tỉnh).

Chẩn đoán khi ra viện là suy hô hấp, viêm phổi, suy kiệt, lao phổi cũ.

[2.2] Vào lúc 08 giờ ngày 01/9/2014, bác sĩ trực khám và ghi nhận tình trạng bệnh nhân như sau: Bệnh nhân mở mắt, không tiếp xúc, ăn qua sonde dạ dày, thở khò khè 26 lần/phút, đang thở oxy 3 lít/phút, huyết áp 110/70mmHg, mạch 110 lần/phút, nhiệt độ 37 độ C, tim đều, phổi ran rít, rale ngáy hai phế trường.

[2.3] Theo Bản kết luận giám định pháp y tâm thần số 2888/2016/KLGĐTC ngày 12/10/2016 của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đã được giải thích và chỉnh sửa gửi đến Tòa án nhân dân Quận H vào ngày 27/4/2017 kết luận như sau: “... từ 20 giờ 30 ngày 16/8/2014 đến 14 giờ ngày 01/9/2014 đương sự là ông Phan Văn T3 không đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi...”.

[2.4] Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, ông K và bà T xác định nghe ông T3 nói để hết tài sản cho ông V và chỉ nói được khoảng 01 đến 02 phút thì ông T3 yếu dần đi.

[2.5] Ngoài ra, bản di chúc miệng nêu trên còn có một số vấn đề không phù hợp với tình tiết khách quan cũng như các tài liệu, chứng cứ mà Tòa án thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án, đó là trong bản di chúc miệng của ông T3 đề cập đến 01 căn nhà, đất cấp 4 thuộc thửa số 63, tờ bản đồ số 105 tại LĐ nếu sau này có chết thì duy nhất để lại cho ông V được toàn quyền tùy nghi sử dụng nhưng theo lời khai và tài liệu, chứng cứ do ông A và bà T2 cung cấp thì tài sản này đã được ông T3 chuyển nhượng vào ngày 11/8/2014 tức là trước ngày 16/8/2014 ông T3 nhập viện điều trị tại Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng, điều trị bệnh nghề nghiệp thuộc Sở y tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, có cơ sở khẳng định việc hành vi của hai người làm chứng – ông Lý Mộng K và bà Đỗ Thị T chứng kiến ông T3 nói và ghi chép lại theo di chúc miệng được Công chứng viên Nguyễn Thị Thanh H của Văn phòng Công chứng TT công chứng số 002335.2014/DC, quyển số 03TP/CC-SCC/HĐGD ngày 03/9/2014 là không có thật, dẫn đến di chúc miệng nêu trên không đủ điều kiện để được coi là hợp pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 647 và điểm a khoản 1 Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Ti khoản 1 Điều 647 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.” Tại điểm a khoản 1 Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép...”.

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn tuyên bố văn bản công chứng di chúc miệng của ông T3 do ông K và bà T làm chứng ghi chép lại lúc 07 giờ 30 phút ngày 01/9/2014, công chứng ngày 03/9/2014 vô hiệu do bị lừa dối là có căn cứ phù hợp với quy định tại Điều 132 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Vì vậy, ông V kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có cơ sở chấp nhận.

[3] Về ý kiến của Luật sư Đào Quốc V2: Hội đồng xét xử xét thấy mặc dù di chúc miệng đảm bảo điều kiện có hai người làm chứng và được công chứng theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005 nhưng do di chúc không đủ điều kiện để được coi là hợp pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 467 và điểm a khoản 1 Điều 652 của Bộ luật Dân sự năm 2005 nên lời trình bày của Luật sư Việt là không có cơ sở chấp nhận.

[4] Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[5] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên ông V phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là 300.000 đồng.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Căn cứ vào Điều 132 Bộ luật Dân sự năm 2005;

- Căn cứ vào khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội;

- Căn cứ vào khoản 1 Điều 30 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009; Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Trần Đình V.

Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

1. Tuyên bố Văn bản công chứng số 002335.2014/DC, quyển số 03TP/CC-SCC/HĐGD ngày 03/9/2014 của Văn phòng Công chứng TT do công chứng viên Nguyễn Thị Thanh H công chứng bản di chúc miệng của ông Phan Văn T3 được hai người làm chứng là ông Lý Mộng K và bà Đỗ Thị T ghi chép lại vào lúc 07h30’ ngày 01/9/2014 là vô hiệu toàn bộ.

2. Ông Lý Mộng K và bà Đỗ Thị T phải hoàn trả chi phí giám định số tiền là 1.227.500 (Một triệu hai trăm hai mươi bảy nghìn năm trăm) đồng cho Văn phòng Công chứng TT ngay khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Việc giao nhận tiền được thực hiện tại chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền.

3. Về án phí:

Ông Lý Mộng K và bà Đỗ Thị T phải nộp án phí dân sự sơ thẩm là 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng.

Văn phòng Công chứng TT được nhận lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng theo Biên lai thu số AC/2012/03314 ngày 21/5/2015 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận H.

Ông Trần Đình V phải nộp án phí dân sự phúc thẩm là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng theo Biên lai thu số AE/2014/0008036 ngày 10/5/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận H.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

698
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 701/2017/DS-PT ngày 04/08/2017 về tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

Số hiệu:701/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 04/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về