Bản án 68/2020/HS-PT ngày 21/02/2020 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 68/2020/HS-PT NGÀY 21/02/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 21 tháng 02 năm 2020, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 28/2020/HSPT ngày 09/01/2020 đối với bị cáo Nguyễn Thanh V về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 29/2019/HS-ST ngày 25/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk;

* Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: Nguyễn Thanh V sinh ngày 01/01/1983 tại huyện T, tỉnh Thái Bình; Nơi cư trú: thôn 11, xã E, huyện M, tỉnh Đắk Lắk; Trình độ học vấn: 6/12; Nghề nghiệp: Làm nông; Giới tính: Nam; Dân tộc: kinh; Tôn giáo: Không; Con ông: Nguyễn Thái H sinh năm 1953, con bà Nguyễn Thị G - đã chết; bị cáo có vợ: Hoàng Thị T sinh năm 1983 (đã ly hôn năm 2014) có 02 con (con lớn sinh năm 2001, con nhỏ sinh năm 2007).

Tiền án: Không.

Tiền sự: Ngày 31/8/2018 bị Chủ tịch UBND huyện M xử phạt vi phạm hành chính 40.000.000đồng về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép. Bị cáo tại ngoại. Có mặt tại phiên tòa.

Có luật sư Đinh Xuân T - Văn phòng luật sư AV L, Đoàn luật sư Đắk Lắk bào chữa bảo vệ quyền lợi cho bị cáo theo yêu cầu của bị cáo.

Ngoài ra, trong vụ án còn có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Hoàng Thị T, ông Trần Văn S, anh Trương Văn M, anh Nguyễn Quang T1, anh Nguyễn Thái H1, anh Nguyễn Kim N, ông Nguyễn Văn D đều không có kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2014 Nguyễn Thanh V và Hoàng Thị T đã được Tòa án giải quyết cho ly hôn, nhưng V và T vẫn chung sống với nhau. Đầu tháng 6/2019, V và T quen biết với H2 (chưa xác định được nhân thân) ở huyện S, tỉnh Phú Yên, biết H2 có nhu cầu mua gỗ Sến mủ với giá từ 9.000.000đồng đến 10.000.000đồng/m³, T rủ V mua gỗ bán cho H2. Để vận chuyển gỗ, V và T sử dụng 02 xe ô tô độ chế gắn hệ thống tời, kéo cáp (01 xe nhãn hiệu TOYOTA biển kiểm soát 48L-1960 và 01 xe nhãn hiệu HYUNDAI không biển kiểm soát, hai xe ô tô này đã hết niên hạn sử dụng).

Khong 16 giờ ngày 18/6/2019, V mượn xe mô tô biển kiểm soát (BKS) 47G1-191… của Trần Văn S chở T vào thôn 9, xã C, huyện M gặp một người đàn ông (chưa rõ lai lịch) nói có khoảng 4 - 5m³ gỗ Sến xẻ hộp. Hai bên thỏa thuận, khoảng 22 đến 23 giờ cùng ngày sẽ mua, bán, bốc gỗ. T thuê Trương Văn M điều khiển xe ô tô BKS 48L- 19.. chở theo Nguyễn Quang T1 vào địa điểm bốc gỗ. Khoảng 22 giờ, V tới địa điểm đã hẹn tại một bãi đất trống cạnh đường bê tông trong thôn. V giao dịch với 02 người đàn ông (không rõ nhân thân, lai lịch) đem theo thước dây, tiến hành đo 14 hộp gỗ với tổng khối lượng là 5m³, V thanh toán tiền mua gỗ 36.000.000đồng.

V gọi điện thoại thông báo cho T về việc mua gỗ nói trên, T ghi sổ để hạch toán sau này. M và T1 bốc 07 hộp gỗ lên xe, V dẫn đường cho M điều khiển xe vận chuyển gỗ ra vườn cao su ở thôn 10, xã E rồi đổ xuống, M điều khiển xe quay trở lại bốc 07 hộp gỗ còn lại. V gọi điện chỉ địa điểm vừa đổ 07 hộp gỗ xuống cho T biết. T thuê Nguyễn Thái H điều khiển xe ôtô nhãn hiệu HYUNDAI không biển kiểm soát chở theo Nguyễn Kim N (sinh năm 2003) đến địa điểm vườn cao su tại thôn 10, xã E bốc 07 hộp gỗ mà xe của M vừa đổ xuống trước đó lên xe.

Biết được M và H đã bốc xong gỗ lên 02 xe, V gọi điện cho M và H cùng điều khiển xe đi ra đường Quốc lộ 19C để đi ra huyện S, tỉnh Phú Yên. V điều khiển xe mô tô chạy trước để cảnh giới, 02 xe ô tô do M và H điều khiển đi kế tiếp, sau cùng đến xe ô tô bán tải BKS 47C - 195.65 do T điều khiển. Nguyễn Văn D được T thuê đứng tại ngã ba đường Quốc lộ 19C cảnh giới. Khi tất cả các xe đi đến Km 28 + 500, Quốc lộ 19C thuộc địa phận thôn 10, xã Đ, huyện M thì bị lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ.

Vật chứng tạm giữ: 14 hộp gỗ xẻ; xe ô tô BKS 48L - 1960; xe ô tô không gắn biển kiểm soát; xe ô tô BKS: 47C - 195.65; xe mô tô BKS 47G1- 191.22;

10.000.000đồng của Hoàng Thị T; 4.000.000đồng của Nguyễn Thanh V; 01 quyển vở ghi lý lịch gỗ mua ngày 18/6/2019 và 03 quyển vở khác ghi lý lịch gỗ các loại không rõ ngày tháng của Hoàng Thị T; 08 điện thoại di động. Tại bản kết luận giám định ngày 15/7/2019 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk kết luận: 14 phách (hộp) gỗ có khối lượng 4,791m³ (quy tròn 7,666m³), thuộc chủng loại gỗ Sến bo bo, nhóm IV, thông thường.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 29/2019/HS-ST ngày 25/11/2019 của Tòa án nhân huyện M’Đrắk đã quyết định:

* Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thanh V phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” .

Áp dụng điểm m khoản 1 Điều 232; điểm i, s khoản 1 Điều 51 BLHS. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh V 06 (Sáu) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.

* Áp dụng 106 BTTHS; Điều 47 BLHS:

- Chấp nhận việc cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện M’Đrắk đã trả cho: ông Trần Văn S xe mô tô BKS 47G1-191.22 và các giấy tờ liên quan đến xe; bà Hoàng Thị T xe ô tô BKS 47C-195.65, ba (3) quyển vở và 10.000.000đồng; anh Nguyễn Kim N 01 điện thoại di động.

- Tịch thu sung quỹ nhà nước: 01 điện thoại di động hiệu NoKia, xe ô tô BKS 48L - 1960 và xe ô tô không gắn biển kiểm soát của bị cáo Nguyễn Thanh V;

14 hộp (phách) gỗ xẻ Sến bo bo có khối lượng 4,791m³.

- Trả lại cho bị cáo Nguyễn Thanh V 4.000.000đồng (Bốn triệu đồng).

- Tịch thu tiêu hủy 01 quyển vở ghi lý lịch gỗ mua ngày 18/6/2019 của Bà Hoàng Thị T.

Đặc điểm, số lượng vật chứng theo biên bản bàn giao vật chứng ngày 14/11/2019 giữa cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện M’Đrắk với Chi cục thi hành án dân sự huyện M.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 10/12/2019, bị cáo Nguyễn Thanh V có đơn kháng cáo xin được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung bản cáo trạng và bản án sơ thẩm đã nêu cũng như lời khai của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, tại cơ quan điều tra và vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Nguyễn Thanh V về tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm m khoản 1 Điều 232 BLHS là có căn cứ pháp lý, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Xét kháng cáo của bị cáo đại diện Viện kiểm sát cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt các bị cáo 06 tháng tù là thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội do bị cáo gây ra; tuy nhiên sau khi xét xử sơ thẩm xong bị cáo kháng cáo cung cấp thêm tài liệu mới là bố bị cáo là người có công với cách mạng được hưởng chính sách như thương binh, năm 2018 gia đình bị cáo là hộ nghèo nên chưa nộp tiền xử phạt hành chính trước đây, bị cáo nuôi 2 con nhỏ, hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú rõ ràng; do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thanh V, sửa bản án sơ thẩm giữ nguyên mức hình phạt nhưng cho bị cáo được hưởng án treo.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Tại phiên tòa Luật sư bào chữa bảo vệ quyền lợi cho bị cáo cho rằng: Bị cáo là nhân dân lao động, bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Sau khi phạm tội bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, bị cáo có bố là thương binh, một mình đang nuôi 2 con nhỏ, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng nên đề nghị HĐXX cho bị cáo được hưởng án treo.

Bị cáo không tranh luận bào chưa gì thêm, chỉ đề nghị HĐXX cho bị cáo được hưởng án treo vì hoàn cảnh gia đình bị cáo quá khó khăn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Lời khai của bị cáo Nguyễn Thanh V tại phiên toà phúc thẩm là phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của những người tham gia tố tụng khác và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án.

Như vậy, đã có đủ cơ sở để kết luận: Ngày 18/6/2019 bị cáo Nguyễn Thanh V và Hoàng Thị T mua gỗ trái phép, sau đó T thuê M và T1 điều khiển xe ô tô BKS 48L- 1960, H và N điều khiển xe ô tô không biên số của bị cáo V chở gỗ, D đứng đường cảnh giới, vận chuyển 14 hộp gỗ xẻ có khối lượng 4,791m³ (quy tròn 7,666m³) thuộc chủng loại gỗ Sến bo bo, nhóm IV, thông thường (không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm). Hành vi mà bị cáo cùng các đối tượng T, M, T1, H, N và D đã thực hiện, nằm trong mức xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 22, Điều 23 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính Phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Theo đó, mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa về hành vi vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép quy định tại điểm d khoản 7 Điều 22 và điểm d khoản 7 Điều 23 Nghị định này, đối với Gỗ thuộc loại thông thường đến dưới 20m3. Tuy nhiên, ngày 31/8/2018 bị cáo V bị Chủ tịch UBND huyện M xử phạt vi phạm hành chính 40.000.000đồng về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép. Tính đến ngày 18/6/2019, bị cáo V chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính mà lại vi phạm. Do vậy, hành vi của bị cáo V đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm m khoản 1 Điều 232 BLHS. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Nguyễn Thanh V về tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm m khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự là có căn cứ pháp lý, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[2]. Xét mức hình phạt 06 tháng tù mà bản án sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo là thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra. Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm xong bị cáo kháng cáo cung cấp thêm tài liệu mới là bố bị cáo là người có công với cách mạng được hưởng chính sách như thương binh, năm 2018 gia đình bị cáo là hộ nghèo nên chưa nộp tiền xử phạt hành chính trước đây, bị cáo đang nuôi 2 con nhỏ, gia đình bị cáo khó khăn. Bị cáo có tiền sự là yếu tố cấu thành cơ bản của lần phạm tội này. Bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, bố bị cáo là người có công với cách mạng được hưởng chính sách như thương binh. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú rõ ràng. Do vậy, cần chấp nhận đơn kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm không cần thiết buộc bị cáo phải tập trung cải tạo mà cho bị cáo được tự cải tạo ngoài xã hội dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương và gia đình bị cáo cũng đủ tác dụng răn đe giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

[3]. Về án phí: Do được chấp nhận kháng cáo nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[4]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1]. Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự;

Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thanh V - Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 29/2019/HS-ST ngày 25/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk.

[2]. Về điều luật áp dụng và mức hình phạt:

- Áp dụng điểm m khoản 1 Điều 232; điểm i, s khoản 1,2 Điều 51, Điều 65 BLHS.

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh V 06 (Sáu) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” nhưng cho hưởng án treo. Thời hạn thử thách là 01 năm kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Nguyễn Thanh V cho UBND xã E, huyện M, tỉnh Đắk Lắk là nơi bị cáo cư trú để giám sát và giáo dục. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát bị cáo trong thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật hình sự.

Trường hợp bị cáo V thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

[3]. Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[4].Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

637
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 68/2020/HS-PT ngày 21/02/2020 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

Số hiệu:68/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 21/02/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về