Bản án 67/2019/HS-PT ngày 27/08/2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 67/2019/HS-PT NGÀY 27/08/2019 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 27 tháng 8 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 20/2019/TLPT-HS ngày 13 tháng 02 năm 2019 đối với bị cáo Lê Thị D.

Do có kháng cáo của Lê Thị D và bị hại Bùi Tấn H đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 124/2018/HS-ST ngày 29/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Phước.

Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: Lê Thị D; Sinh năm: 1975 tại Thanh Hóa; Hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn S, xã P, huyện B, tỉnh Bình Phước; Nghề nghiệp: Làm rẫy; Trình độ học vấn: 0/12; Dân tộc: Kinh; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Lê Đình V (đã chết) và bà Lê Thị M (đã chết); Có chồng tên Lê Văn S, sinh năm 1975 và có 04 người con lớn nhất sinh năm 1997, nhỏ nhất sinh năm 2005; Tiền sự, tiền án: Không; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 05/10/2013 đến ngày 24/01/2014; Bị cáo bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc từ ngày 30/9/2017 đến ngày 15/11/2017 thì bỏ trốn khỏi nơi chữa bệnh đến ngày 15/8/2018 thì bắt lại và chữa bệnh đến ngày 18/10/2018 ra viện. Bị cáo tại ngoại, vắng mặt tại phiên tòa.

Bị hại có kháng cáo: Ông Bùi Tấn H, sinh năm 1966; Địa chỉ: Thôn 5, xã L, huyện P, tỉnh Bình Phước. (Đề nghị xét xử vắng mặt)

Ngoài ra, trong vụ án còn có bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng những người này không kháng cáo, không bị Viện kiểm sát kháng nghị nên không được Tòa án triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do muốn có tiền tiêu xài nên Lê Thị D đưa ra thông tin mình là cộng tác viên của Phòng PC17 Công an tỉnh Bình Phước và có quen với một người tên Đ là giảng viên trường Đại học Cảnh sát có thể lo được cho các thí sinh thi đậu vào trường Trung cấp và Đại học cảnh sát để chiếm đoạt tiền của người khác, cụ thể như sau:

Khong tháng 7/2013, D đến nhà chị Hà Thị T, sinh năm 1967, ngụ tại: Thôn 4, xã L, huyện M, tỉnh Bình Phước chơi. D giới thiệu mình đang công tác tại Đội Ma túy - Công an tỉnh Bình Phước và đề cập đến việc có thể xin được cho con gái chị T vào trường Trung cấp cảnh sát với giá 30.000.000đ. Do con gái chị T sắp lấy chồng nên chị T không nhận lời D. Khoảng tháng 9/2013, chị T gặp ông Lê Huy N, biết được con trai ông N là Lê Huy H1 thi rớt Đại học Cảnh sát năm 2013, chị T giới thiệu D có thể lo cho con ông N vào học được và cho ông N số điện thoại của D. Ông N trực tiếp gọi điện thoại liên hệ với D thì D ra giá nếu muốn đậu vào Đại học Cảnh sát thì phải đưa D số tiền 150.000.000đ, Trung cấp cảnh sát thì 110.000.000đ. Vì ông N là chỗ quen biết với chị T nên D chỉ lấy 120.000.000đ để lo vào trường Đại học Cảnh sát. D còn nói với ông N nếu có ai muốn vào học trường Cảnh sát thì giới thiệu cho D.

Cũng trong khoảng tháng 9/2013, ông N giới thiệu D cho ông Bùi Tấn H. Do ông H có con trai là Bùi Quốc K vừa thi rớt Đại học Cảnh sát. Ông N tự nâng giá lên thành 200.000.000đ nếu muốn lo vào học Đại học, ông H đồng ý và đưa hồ sơ, giấy báo điểm của K cho ông N. Ông N còn nói với ông H nếu có ai có nhu cầu vào học Trung cấp cảnh sát với giá 120.000.000đ thì liên hệ với ông N. Cuối tháng 9/2013, ông H gặp ông Nguyễn Hữu T2, sinh năm 1954, ngụ tại: Thôn 3, xã L, huyện M rồi nói cho ông T2 biết thông tin trên. Ông T2 nói lại cho ông Lý Duy L, sinh năm 1985, ngụ tại: Ấp 1B, xã M, huyện C biết nếu lo vào Trung cấp Cảnh sát thì mất 200.000.000đ, sau đó giảm xuống còn 190.000.000đ. Ông L nói lại cho ông Đoàn Văn B, sinh năm 1953, ngụ tại: Khu phố X, phường H, thị xã B để ông B lo cho con trai là Đoàn Văn C vào học Trung cấp Cảnh sát. Ngoài ra, L còn nhờ lo cho một người tên M vào học Trung cấp cảnh sát.

Ngày 27/9/2013, ông B đưa cho ông L số tiền 190.000.000đ. Ông L chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản cho ông T2 và nói lo cho C vào học Trung cấp, còn chuyển xuất Đại học cho M. Ông T2 trực tiếp liên hệ hỏi D có lo được cho M vào học Trung cấp cảnh sát hay không thì D nói lo được nhưng phải đặt cọc trước 120.000.000đ. Do số tiền ông L chuyển ông T2 vẫn còn giữ nên ngày 02/10/2013, ông T2 chuyển vào tài khoản cho D số tiền 120.000.000đ để lo cho M vào học. Thấy việc D nhận lo cho M không chắc chắn lắm nên ông T2 đòi D trả lại tiền. Ngày 5/10/2013, D trả lại cho ông T2 số tiền 120.000.000đ.

Ông Bùi Tấn H đưa cho D tổng cộng số tiền là 210.000.000đ để lo cho K và C vào học Đại học và Trung cấp cảnh sát. Trong đó có 190.000.000đ chuyển vào tài khoản các ngày 19/9, 25/9, 28/9 và 05/10/2013, sau đó D đã rút tiền tại Bù Đăng và Đồng Xoài; một lần đưa trực tiếp cho D 10.000.000đ tại quán cà phê gần Công an tỉnh Bình Phước và hai lần đưa cho con gái D là Lê Thị A mỗi lần 5.000.000đ tại nhà ông Lê Huy N. Riêng ông Lê Huy N thỏa thuận khi nào cháu H1 đậu Đại học mới đưa tiền cho D, ông N mới đưa cho D 01 chỉ vàng, D bán được 3.250.000đ. Sau khi nhận tiền, Lê Thị D khai đưa cho Đ 160.000.000đ để lo cho các thí sinh, số còn lại D sử dụng vào việc trả nợ cá nhân. Sau đó Đ đưa cho D giấy báo nhập học của Bùi Quốc K, Lê Huy H1, Đoàn Văn C do trường Đại học cảnh sát cấp (bản phô tô) để D đưa lại cho các thí sinh.

Ngoài ra, Lê Thị D còn đưa Bùi Quốc K, Đoàn Văn C, Lê Huy H1 và M đi khám sức khỏe tại Bệnh viện 30/4 để bổ sung vào hồ sơ. D lấy của K và C mỗi người 5.000.000đ và lấy của H1 600.000đ.

Qua xác minh tại trường Đại học cảnh sát thì các thí sinh Bùi Quốc K, Đoàn Văn C, Lê Huy H1 không đủ điểm đậu vào trường và giấy báo nhập học mà D đưa cho các thí sinh không phải do trường Đại học Cảnh sát nhân dân phát hành. Đồng thời tại trường Đại học Cảnh sát nhân dân không có giảng viên nào tên Đ có hình dáng và đặc điểm như D mô tả.

Sau khi nhận được tiền, D không lo được cho các thí sinh vào học trường Cảnh sát như đã hứa nên ông Nguyễn Hữu T2, Lý Duy L và Bùi Tấn H đã làm đơn tố cáo D.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 124/2018/HS-ST ngày 29/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Phước đã Tuyên xử:

Tuyên bố bị cáo Lê Thị D phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139, các điểm b, n, p khoản 1 Điều 46, Điểu 47 và Điều 33 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009: Xử phạt bị cáo Lê Thị D 03 (Ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án và được khấu trừ vào thợi hạn tạm giam từ ngày 05/10/2013 đến ngày 24/01/2014 và khấu trừ vào thời gian bị cáo bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc từ ngày 30/9/2017 đến ngày 15/11/2017 và thời gian bị cáo bị bắt buộc chữa bệnh từ ngày 15/8/2018 đến ngày 18/10/2018.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 12/12/2018, bị cáo Lê Thị D có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, Ngày 14/12/2018, bị hại Bùi Tấn H có đơn kháng cáo tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Lê Thị D.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Bị cáo vắng mặt không có lý do chính đáng; bị hại có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát:

Về tố tụng: Từ khi thụ lý giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm đến nay, Thẩm phán, Hội đồng xét xử và bị hại chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS); bị cáo không chấp hành quy định của BLTTHS.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo đề nghị giảm nhẹ hình phạt của bị cáo; chấp nhận kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt của bị hại, sửa Bản án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo từ 01 đến 02 năm tù, so với mức hình phạt mà cấp sơ thẩm đã quyết định. Các vấn đề khác đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bị cáo và bị hại làm trong thời hạn luật định, có hình thức và nội dung phù hợp với quy định tại các điều 331, 332 và 333 BLTTHS, nên được xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

Tòa án cấp phúc thẩm đã nhiều lần mở phiên tòa nhưng phải hoãn phiên tòa vì lý do bị cáo vắng mặt không có lý do chính đáng; Tòa án đã quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam bị cáo nhưng cũng không đạt kết quả. Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 351 BLTTHS, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt bị cáo.

[2] Bị cáo vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm, nhưng căn cứ đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo; lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử tại cấp sơ thẩm, cũng như các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ, có đủ cơ sở khẳng định: Vào khoảng thời gian từ tháng 7/2013 đến tháng 10/2013, bị cáo đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối đưa ra thông tin giả là xin được thủ tục cho các thì sinh đã bị thi rớt được trúng tuyển vào trường Đại học Cảnh sát nhân dân và trường Trung học Cảnh sát nhân dân để chiếm đoạt số tiền 210.000.000đ của ông Bùi Tấn H và chiếm đoạt được 01 chỉ vàng 24k của ông Lê Huy N. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 3 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (viết tắt là BLHS) là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

[3] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Lê Thị D: Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nhưng bị cáo vẫn cố ý thực hiện. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của bị hại được pháp luật bảo vệ, đồng thời ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét áp dụng cho bị cáo các tình tiết giảm nhẹ như: Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; gia đình bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả cho bị hại; bị cáo là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm b, n, p khoản 1 Điều 46 BLHS, xử phạt bị cáo 03 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo. Tại các phiên tòa phúc thẩm bị cáo vắng mặt không có lý do chính đáng, nên Hội đồng xét xử không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.

[4] Xét kháng cáo tăng hình phạt của bị hại đối với bị cáo: Xét thấy, hành vi của bị cáo đã chiếm đoạt của bị hại số tiền 210.000.000đ và 01 chỉ vàng 24K, nên đã bị Viện kiểm sát truy tố theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 139 BLHS, có khung hình phạt từ 07 đến 15 năm tù. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng Điều 47 BLHS, xử phạt bị cáo mức hình phạt 03 năm tù là có phần nhẹ, chưa tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi của bị cáo gây ra. Cho đến nay, bị cáo chưa khắc phục trả cho bị hại số tiền nào, gây tổn thất không nhỏ cho bị hại. Do đó, kháng cáo của bị hại đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo là có cơ sở, nên được Hội đồng xét xử chấp nhận, sửa Bản án sơ thẩm về mức hình phạt đối với bị cáo.

[5] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là có căn cứ, phù hợp với nhận định Hội đồng xét xử.

[6] Án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận, nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định; bị hại Bùi Tấn H không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[7] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355 và Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Lê Thị D;

Chấp nhận yêu cầu kháng cáo tăng nặng hình phạt của bị hại Bùi Tấn H đối với bị cáo Lê Thị D.

Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 124/2018/HS-ST ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Phước Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139, các điểm b, n, p khoản 1 Điều 46, Điểu 47 và Điều 33 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Xử phạt bị cáo Lê Thị D 04 (Bốn) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án và được khấu trừ vào thợi hạn tạm giam từ ngày 05/10/2013 đến ngày 24/01/2014 và khấu trừ vào thời gian bị cáo bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc từ ngày 30/9/2017 đến ngày 15/11/2017 và thời gian bị cáo bị bắt buộc chữa bệnh từ ngày 15/8/2018 đến ngày 18/10/2018.

Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Lê Thị D phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng); Bị hại Bùi Tấn H không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

233
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 67/2019/HS-PT ngày 27/08/2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:67/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Phước
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/08/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về