TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
BẢN ÁN 64/2019/HSPT NGÀY 07/11/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 07 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 90/2019/HSPT ngày 23 tháng 9 năm 2019 đối với bị cáo Đào Văn C do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 33/2019/HSST ngày 09/8/2019 của Tòa án nhân dân huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
- Bị cáo có kháng cáo:
Bị cáo Đào Văn C sinh năm 1997 tại xã B, huyện K, tỉnh Thái Bình; nơi cư trú: thôn Đ, xã B, huyện K, tỉnh Thái Bình; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ học vấn: 10/12; con ông Đào Duy H (đã chết) và bà Lương Thị M, sinh năm 1971; nhân thân: Ngày 14/9/2016 bị Công an huyện K xử phạt hành chính về hành vi xâm hại sức khỏe của người khác (đã chấp hành xong); Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trong vụ án còn có người bị hại là anh Phạm Văn S và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Phạm Thị T không có kháng cáo nên Tòa án không triệu tập.
(Bị cáo C có mặt tại phiên tòa)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 13 giờ 30 phút ngày 28/11/2018, anh Phạm Văn S điện thoại cho Đào Văn C hẹn nhau đến quán nước Đ1, C đồng ý rồi đi bộ ra quán nước. Trên đường đi đến đoạn gần cây xăng xã B thì nhìn thấy 01 con dao bấm màu đen ở đường, C nhặt và bỏ vào túi quần. Sau khi điện cho C, anh S thuê xe taxi biển kiểm soát 29A-xxx.xx do anh Bùi Văn G điều khiển đi đến nhà anh Lê Trung H1. Tại đây anh S gặp anh Hoàng Văn T1, anh Phạm Văn B1 và anh Phạm Anh T2 (anh T2 là em họ của anh S). Anh S rủ T2, B1, H1 và T1 đi uống nước; tất cả đều đồng ý và cùng nhau đi xe máy ra quán nước nhà chị T trước, còn anh S lên xe taxi đi sau. Trên đường đi anh S gặp C đang đi bộ trên đường, anh S bảo C lên xe ô tô đi cùng. Khi đến quán nước, C nhìn thấy T2, B1, H1, T1 đang ngồi uống nước ở trong quán, anh S và C cùng ngồi vào xuống ghế, C ngồi đối diện anh S. C nghĩ anh S rủ nhóm của T2, B1, H1, T1 đến để đánh C nên khi ngồi uống nước tay phải của C đút vào túi quần bên phải cầm sẵn con dao bấm để đề phòng nếu nhóm của S đánh thì C dùng dao chống lại. Lúc này, anh S hỏi C về việc tại sao tối ngày hôm trước C đánh anh T2, C trả lời: “Hôm qua em say quá không nhớ gì”, bực tức với thái độ của C, anh S giơ tay phải lên tát 01 cái vào mặt bên trái của C, thấy vậy C đứng dậy lùi về phía cửa quán, anh S liền cầm ghế nhựa có sẵn ở quán tiến đến chỗ C đứng rồi giơ ghế lên đánh một cái trúng vào đầu của C làm chiếc ghế nhựa bị vỡ, khi anh S tiếp tục cầm phần còn lại của chiếc ghế bị vỡ định đánh vào đầu C, lúc này C giơ tay trái lên đỡ đồng thời tay phải C vẫn cầm con dao bấm trong túi quần rút ra và bật chốt để lưỡi dao bật ra và đâm một nhát từ sau về trước trúng vào phần bụng bên phải của anh S làm anh S bị thương cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình từ ngày 28/11/2018 đến ngày 06/12/2018.
Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 163/18/TgT ngày 10/12/2018 của Trung tâm pháp y Sở y tế tỉnh Thái Bình kết luận thương tích của anh Phạm Văn S: “Thương tích vùng bụng do vật sắc nhọn tác động làm đứt bán phần cơ thẳng bụng, rách nhu mô gan hạ phân thùy IV. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 32%”.
Thương tích do anh Phạm Văn S dùng ghế đánh vào đầu bị cáo C là 3% nhưng bị cáo không yêu cầu xử lý hình sự về hành vi của anh S.
Về trách nhiệm dân sự: Quá trình điều tra gia đình bị cáo và Đào Văn C đã bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho anh Phạm Văn S, tổng số tiền 24.000.000 đồng, anh S không yêu cầu C bồi thường khoản tiền nào khác.
Bản án hình sự sơ thẩm số 33/2019/HSST ngày 09 tháng 8 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình tuyên bố bị cáo Đào Văn C phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
- Về hình phạt: Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134, điểm b, c, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 38 Bộ luật hình sự.
Tuyên phạt: Đào Văn C 05 (năm) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.
Ngày 14 tháng 8 năm 2019 bị cáo Đào Văn C có đơn kháng cáo cho rằng mức hình phạt mà Tòa án nhân dân huyện Kiến Xương xử phạt bị cáo là quá nặng, bị cáo xin được giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo C vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo: bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được giảm án và được hưởng án treo.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Trước khi Hội đồng xét xử nghị án, bị cáo nói lời sau cùng: sau khi sự việc xảy ra bị cáo đã cảm thấy rất ân hận về việc đã gây thương tích cho anh S, bị cáo và gia đình đã xin lỗi và cố gắng vay mượn để bồi thường cho anh S, nên đã được anh S tha thứ. Vì điều kiện hoàn cảnh gia đình bị cáo rất khó khăn, bố bị cáo bị mắc bệnh hiểm nghèo đã qua đời, anh trai của bị cáo bị tàn tật không còn khả năng lao động, chỉ còn bị cáo là chỗ dựa cho mẹ; cách đây gần 1 năm, bị cáo bị tai nạn rất nặng, đứt gân tay, chân bị gãy vẫn còn chưa tháo đinh vít, nếu bị cáo phải đi tù thì gia đình bị cáo lại càng khó khăn hơn nữa, bị cáo kính mong Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo để tạo điều kiện cho bị cáo được cải tạo tại địa phương, để bị cáo còn phụ giúp gia đình, bị cáo xin hứa không bao giờ vi phạm pháp luật.
Căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện ý kiến của kiểm sát viên và bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Kháng cáo của bị cáo làm trong thời hạn luật định là hợp lệ nên được chấp nhận xem xét theo trình tự xét xử phúc thẩm.
[2] Xét hành vi phạm tội của bị cáo Đào Văn C: Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, có đủ căn cứ để xác định: Ngày 28/11/2018, tại quán nước Đ1 đại chỉ thôn Đ, xã B, huyện K, tỉnh Thái Bình, do mâu thuẫn cá nhân nên anh Phạm Văn S đã có hành vi dùng tay tát vào mặt và dùng ghế nhựa đánh vào đầu và tay trái của Đào Văn C. Trước khi bị anh S đánh, C đã để tay trong túi quần bên phải cầm sẵn 01 con dao bấm dài 20cm để đề phòng. Khi bị anh S đánh, C đã dùng tay phải rút dao bấm từ túi quần ra, bật chốt để lưỡi dao bung ra và đâm 01 nhát hướng từ sau về trước vào vùng bụng bên phải của anh S, hậu quả làm anh S bị thương tích vùng bụng do vật sắc nhọn tác động làm đứt bán phần cơ thẳng bụng, rách nhu mô gan hạ phân thùy IV. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 32%. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo C về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
[3] Xét nội dung kháng cáo của bị cáo Đào Văn C thấy: Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe của công dân trái pháp luật, gây mất trật tự an ninh tại địa phương. Bị cáo là người có nhân thân xấu, năm 2016 đã bị xử phạt hành chính về hành vi xâm hại sức khỏe nhưng sau đó bị cáo không chịu rèn luyện, tu dưỡng mà còn tiếp tục có hành vi xâm phạm sức khỏe của người khác ở mức độ nghiêm trọng hơn, chứng tỏ bị cáo coi thường pháp luật, coi thường đạo đức xã hội. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo bằng hình phạt tù là cần thiết, có như vậy mới đủ tác dụng cải tạo giáo dục đối với bị cáo và răn đe phòng ngừa tội phạm nói chung. Tuy nhiên mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định phạt bị cáo 5 năm tù là có phần nghiêm khắc vì: bị cáo không có tiền án, tiền sự, không có tình tiế t tăng nặng trách nhiệm hình sự nhưng lại có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm b, c, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự là “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, “người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại”, “phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, bị hại có đơn đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, bị cáo lại có hoàn cảnh rấ t khó khăn. Vì vậy, Hội đồng xét xử thấy cần áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 .
[4] Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Đào Văn C; sửa bản án sơ thẩm về phần hình phạt đối với bị cáo Đào Văn C.
[5] Về án phí: kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên.
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:
1. Sửa bản án sơ thẩm số 33/2019/HSST ngày 09/8/2019 của Tòa án nhân dân huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình về phần hình phạt đối với bị cáo Đào Văn C:
Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134, điểm b, c, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 54, Điều 38 Bộ luật hình sự 2015, xử phạt bị cáo Đào Văn C 04 (bốn) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, thời hạn tù tính từ ngày đi thi hành án.
2. Về án phí: Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án: Bị cáo Đào Văn C không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án 07/11/2019./
Bản án 64/2019/HSPT ngày 07/11/2019 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 64/2019/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thái Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 07/11/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về