Bản án 631/2018/HSPT ngày 13/11/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 631/2018/HSPT NGÀY 13/11/2018 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 13 tháng 11 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 226/2018/TLPT-HS ngày 01 tháng 5 năm 2018 đối với bị cáo Nguyễn Văn V1 và bị cáo Nguyễn Văn T1 do các bị cáo kháng cáo Bản án hình sự sơ thẩm số 75/2018/HS-ST ngày 22/3/2018 của Tòa án nhân dân thành phố H.

Các bị cáo có kháng cáo:

1. Nguyễn Văn V1 (tên gọi khác: Ba V2), sinh năm 1971 tại Thành phố H; Nơi cư trú: Số 54 Dương Quảng Hàm, Phường 5, quận G, Thành phố H; Tạm trú 142A, Nguyễn Thái Sơn, Phường 5, quận G, Thành phố H; Trình độ học vấn: Lớp 12/12; Nghề nghiệp: Kinh doanh xây dựng; Con ông Nguyễn Văn Sinh (chết) và bà Hồ Thị Xuất; Vợ Nguyễn Thị Bảo, có 01 con; Tiền án, tiền sự: không; Nhân thân: Chưa từng bị kết án; Bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 24/5/2014 đến nay; Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

2. Nguyễn Văn T1, sinh năm 1970 tại Thành phố H; Nơi cư trú: Số 54 Dương Quảng Hàm, Phường 5, quận G, Thành phố H; Trình độ học vấn: Lớp 12/12; Nghề nghiệp: Quản lý nhà hàng; Con ông Nguyễn Văn Sinh (chết) và bà Hồ Thị Xuất; Vợ Nguyễn Thị Bích Hiền, có 02 con; Tiền án, tiền sự: không; Nhân thân: Chưa từng bị kết án; Bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 22/5/2014 đến nay; Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn V1: Luật sư Trần Thị Hồng Việt – Trưởng Văn phòng luật sư Trần Thị Hồng Việt và cộng sự thuộc Đoàn luật sư Thành phố H (Có mặt).

Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn T1: Luật sư Trần Thái Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Trần Luật thuộc Đoàn luật sư Thành phố H (Có mặt).

Ngoài ra còn có bị án Nguyễn Huệ S không có kháng cáo và không bị kháng cáo, không bị kháng nghị.

Người bị hại: Chị Phan Thị N, sinh năm 1986 – Vắng mặt;

Thường trú: ấp Tà Lúa, thị trấn Sóc Sơn, huyện H, tỉnh K; Chổ ở: 341/106D Lạc Long Quân, Phường 5, Quận 11, Thành phố H.

Người tham gia tố tụng khác:

Bị án Nguyễn Huệ S, sinh năm 1974 – Vắng mặt;

Trú 1357 B Phan Văn Trị, Phường 10, quận G, Thành phố H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Phan Tấn P bị công an tỉnh K bắt giam về hành vi buôn lậu xăng dầu, em ruột của P là Phan Thị N nhờ Nguyễn Huệ S tìm người giúp cho P tại ngoại. S gặp người thanh niên tên T2 không rõ lai lịch giới thiệu S gặp Nguyễn Văn T1. Khoảng tháng 10/2013 tại một quán cà phê ở đường Phan Văn Trị, Phường 10, quận G, Thành phố H, S gặp T1 và T1 cho biết tội của P sẽ bị phạt từ 20 năm tù đến chung thân, vì vậy phải lo cho P tại ngoại trước, khi nào ra Tòa xử thì tính sau. T1 hứa sẽ giới thiệu ông Ba V2 là người quen biết lãnh đạo cấp Trung ương sẽ giúp cho P tại ngoại. Sau đó T1 giới thiệu cho S và N gặp Nguyễn Văn V1 (tức Ba V2), V1 mở điện thoại cho N xem hình của V1 chụp chung với một số cán bộ cấp cao để N tin tưởng, rồi V1 nói sẽ lo được cho P tại ngoại, không phải đi tù.

Vài ngày sau, V1 điện thoại kêu T1 điện thoại cho S biết chi phí chạy án là 1.650.000.000 đồng, T1 nói phải cho T1 50.000.000 đồng thì V1 đồng ý nên T1 điện thoại nói với S. S điện cho N nói chi phí lo cho P tại ngoại là 2.000.000.000 đồng nhằm thu lợi riêng 350.000.000 đồng. Sau đó V1, T1 và S thỏa thuận cách thức giao nhận tiền với N là: Khi nào cần tiền thì V1 điện thoại cho T1 thông báo số tiền cần lấy, T1 điện thoại cho S để S nhận tiền của N rồi đưa lại cho T1 để T1 đưa cho V1, cụ thể như sau:

Lần 1: Ngày 30/10/2013, theo yêu cầu của V1, S điện thoại yêu cầu N đưa 250.000.000 đồng. N gửi số tiền đó vào tài khoản của S số 6400205311905 tại Ngân hàng Agribank – chi nhánh G. S rút số tiền này đưa cho T1 tại nhà của S số 38/113 Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, Quận 12, Thành phố H. Mỗi khi giao tiền cho T1, S điện thoại cho N để T1 xác nhận đã lấy đủ số tiền từ S, rồi T1 đem tiền đưa cho V1, T1 được V1 cho 20.000.000 đồng.

Lần 2: Ngày 02/11/2013, theo yêu cầu của V1, S điện thoại yêu cầu N đưa 350.000.000 đồng thông qua tài khoản số 4214943513110481 tại Ngân hàng Á Châu của cháu S là Phạm Ngọc M. S rút tiền đưa cho T1 tại nhà của S, cũng điện thoại cho N để xác định T1 đã lấy tiền. T1 đưa cho S 30.000.000 đồng tiền công môi giới, rồi đem đưa cho V1 320.000.000 đồng.

Lần 3: Ngày 04/11/2013, theo yêu cầu của V1, S điện thoại yêu cầu N đưa 100.000.000 đồng. N gửi tiền vào tài khoản 6400205311905 của S tại Ngân hàng Agribank – chi nhánh G. S rút tiền đưa cho T1 tại nhà S và điện thoại cho N để T1 xác định nhận đủ tiền.

Lần 4: Khoảng tháng 12/2013, V1 trực tiếp điện thoại cho N yêu cầu đưa 30.000.000 đồng. N đưa tiền cho T1 để T1 đưa lại cho V1.

Lần 5: Khoảng tháng 01/2014, V1 điện thoại cho N yêu cầu làm một thẻ ATM do N đứng tên đưa cho V1 sử dụng. N làm thẻ ATM Ngân hàng Sacombank số tài khoản 060076677975 mang tên Phan Thị N rồi đưa thẻ này cho V1. Ngày 06/01/2014, V1 điện thoại yêu cầu N gửi 70.000.000 đồng vào thẻ ATM nêu trên. N nạp 70.000.000 đồng vào thẻ và V1 nhiều lần rút tiền từ thẻ này để sử dụng. Cơ quan điều tra thu giữ hình ảnh của V1 từ camera tại trụ ATM.

Lần 6: Ngày 20/01/2014, V1 điện thoại cho N yêu cầu gửi 300.000.000 đồng vào thẻ ATM nêu trên. N đã gửi vào thẻ 300.000.000 đồng nhưng do không rút một lần được hết số tiền trên nên V1 điện thoại cho N rút số tiền trên đưa cho V1 ngay trong ngày 20/01/2014 tại quán cà phê Quang Trung, số 12 Phổ Quang, Phường 12, quận T, Thành phố H.

Lần 7: Ngày 22/5/2014, theo yêu cầu của V1, S và T1 liên lạc với N yêu cầu đưa 100.000.000 đồng, nhưng N chỉ có 30.000.000 đồng và hẹn S, T1 đến quán cà phê Mimosa số 312 Lạc Long Quân, Phường 5, Quận 11, Thành phố H để nhận thì Cơ quan cảnh sát điều tra bắt quả tang S và T1 nhận tiền của N.

Ngoài ra, khoảng tháng 01/2014, V1 dẫn N đến gặp người quen là ông Phạm Ngọc T3, số A01/2 Chung cư 41 Bis, Điện Biên Phủ, Phường 25, quận B, Thành phố H. V1 giới thiệu N là vợ bé của V1 và yêu cầu N đưa cho ông T3 mượn 500.000.000 đồng để ông T3 giúp chạy án cho P. N đưa cho T3 số tiền trên tại nhà của T3 (nhưng Giấy vay mượn tiền giữa N và T3 đề ngày 08/9/2013).

Tại cơ quan điều tra, V1, T1 và S khai nhận toàn bộ hành vi như nêu trên. Sau đó T1 thay đổi lời khai là chỉ nhận tiền của N từ S 02 lần là 450.000.000 đồng rồi đưa lại cho V1. V1 thay đổi lời khai là không nhận tiền từ T1, còn số tiền 70.000.000 đồng trong thẻ ATM là để đổi tiền mới giúp N.

Tại bản Cáo trạng số 13/CT-VKS-P2 ngày 22/12/2017 của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố H đã truy tố: Nguyễn Văn V1 và Nguyễn Văn T1 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 139 của Bộ luật Hình sự;

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 75/2018/HSST ngày 22/3/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố H đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn V1 và bị cáo Nguyễn Văn T1 phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn V1 15 (Mười lăm) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 24/5/2014;

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T1 12 (Mười hai) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 22/5/2014;

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn xử phạt bị cáo Nguyễn Huệ S 03 (ba) năm 05 (năm) tháng 23 (hai mươi ba) ngày tù về tội “Làm môi giới hối lộ”; quyết định về xử lý vật chứng; án phí; buộc nộp tiền do phạm tội mà có và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 23/3/2018, bị cáo Nguyễn Văn V1 kháng cáo kêu oan.

Ngày 23/3/2018, bị cáo Nguyễn Văn T1 kháng cáo mức án quá nặng so với hành vi phạm tội của bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo Nguyễn Văn V1 khai bị cáo bị bắt vào ngày 22/5/2014 chứ không phải là ngày 24/5/2014. Khi bị bắt, công an buộc bị cáo phải ký tên vào nhiều tờ giấy nội dung gì bị cáo không biết. Bị cáo bị oan, bị cáo không có thực hiện các hành vi như bản án sơ thẩm đã xử, bị cáo không có lừa đảo ai, không có nhận tiền của ai. Các bản tự khai bị cáo viết ra là do công an đánh và đọc cho bị cáo viết theo ý họ. Đề nghị Tòa phúc thẩm minh oan cho bị cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn V1 đề nghị xem xét sự việc xuất phát từ đơn tố cáo ngày 15/5/2014 của Phan Thị N. Bà N có nhiều lời khai bất nhất về số tiền bà N đưa. Bị cáo V1 đang bị công an quản lý, là người yếu thế nên buộc bị cáo phải viết các bản tự khai theo ý của Cơ quan điều tra. Bị cáo V1 khai khi ký tên thì bị cáo sử dụng 02 loại chữ ký nhằm để đánh dấu những lần bị cáo bị ép cung. Không có chứng cứ vật chất chứng minh bị cáo V1 có nhận tiền của bà N, không biết dựa vào căn cứ nào mà bản án sơ thẩm lại buộc V1 phải nộp lại 750 triệu đồng. Bên trong vụ án này có nhiều ẩn tình mà luật sư không tiện nói ra tại phiên tòa, hồ sơ còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ, nên đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.

Bị cáo Nguyễn Văn T1 khai bị cáo bị oan. Số tiền 30 triệu đồng khi bị bắt là do bị cáo mượn của S để làm dự án chứ bị cáo không có nhận tiền của N. Bị cáo không có thực hiện các hành vi như bản án sơ thẩm đã xử. Các bản tự khai bị cáo viết ra là do bị ép cung, bị đánh và bị vu khống. Đề nghị Hội đồng xét xử minh oan, trả lại công bằng cho bị cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn T1 đề nghị xem xét Cáo trạng và Bản án sơ thẩm không nêu ra được các chứng cứ nào dùng để buộc tội bị cáo T1. Lời khai của bà N và Nguyễn Huệ S đều không khách quan và có nhiều mâu thuẫn. Trong đoạn ghi âm chỉ có N và S nói số tiền, còn bị cáo T1 không có lời nói nào thừa nhận có nhận tiền. Các bản cung ghi lời khai của các bị cáo, lời khai của bà N, lời khai của S đều có sự vi phạm thủ tục tố tụng quy định tại Điều 95, Điều 132 Bộ luật tố tụng hình sự nên không thể sử dụng các biên bản này để buộc tội bị cáo. Tất cả các chứng cứ mà Viện kiểm sát và Tòa án cấp sơ thẩm đã sử dụng để buộc tội đều là tài liệu có vi phạm thủ tục tố tụng. Đề nghị Hội đồng xét xử thận trọng đưa ra phán quyết đúng quy định của pháp luật.

Đại diện viện kiểm sát đề nghị xem xét mặc dù hai bị cáo thay đổi lời khai và cho rằng bị oan, nhưng các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện các bị cáo có thực hiện các hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã xử. Tuy Cơ quan điều tra có thiếu sót về tố tụng trong việc lập bản cung, nhưng các thiếu sót ấy không làm thay đổi bản chất của vụ án. Đề nghị bác kháng cáo của các bị cáo và lời bào chữa của các luật sư, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Các đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn V1 và Nguyễn Văn T1 đều trong hạn luật định nên đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

Tòa án triệu tập nhưng bị hại Phan Thị N và bị án Nguyễn Huệ S vắng mặt không có lý do. Theo quy định tại Điều 351 Bộ luật tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bị cáo Nguyễn Văn V1 cho rằng bị cáo bị bắt vào ngày 22/5/2014, nhưng tại Biên bản về việc bắt người (Bút lục số 43) thể hiện bị cáo Nguyễn Văn V1 bị bắt vào ngày 24/5/2014, nên việc bị cáo Nguyễn Văn V1 cho rằng bị cáo bị bắt vào ngày 22/5/2014 là không có căn cứ.

[2] Bị cáo Nguyễn Văn V1 và bị cáo Nguyễn Văn T1 kháng cáo cho rằng bản chất vụ án chưa được làm sáng tỏ, các bị cáo đã bị bức cung, ép cung, nhục hình, thực tế các bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội, nhưng trong quá trình điều tra các bị cáo không khiếu nại, đến tại phiên tòa sơ thẩm thì các bị cáo mới nại ra và tại phiên tòa sơ thẩm ngày 22/3/2018, Tòa án cấp sơ thẩm đã triệu tập các điều tra viên tham gia phiên tòa để đối chất, làm rõ và kết quả đã thể hiện không có sự bức cung, ép cung hay nhục hình các bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, cũng không có chứng cứ gì để chứng minh có sự ép cung, bức cung, nhục hình đối với các bị cáo trong quá trình điều tra, nên không có căn cứ để cho rằng có sự ép cung, bức cung, nhục hình và do vậy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và đề nghị của các luật sư về phần này.

[3] Tuy tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bị cáo Nguyễn Văn V1 kháng cáo cho rằng bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo chỉ gặp chị N để bàn việc đầu tư, số tiền chị N đưa thẻ ATM cho bị cáo rút 70.000.000 đồng là do chị N nhờ bị cáo đổi tiền mới, nhưng chị N khai không có nhờ bị cáo đổi tiền mới. Lời khai này của bị cáo không phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án và mâu thuẫn với 07 bản tự khai do chính bị cáo tự viết ra vào các ngày 22/5/2014, 23/5/2014 (Bút lục từ 67 – 72), đồng thời cũng mâu thuẫn với lời khai của chính bị cáo tại Biên bản ghi lời khai ngày 23/5/2014 (Bút lục 53-54) đã khai nhận bị cáo hứa với chị N là sẽ giúp cho anh P tại ngoại với số tiền 1.650.000.000 đồng. Trong biên bản này, bị cáo V1 cũng khai nhận đã trực tiếp và gián tiếp nhận tiền của chị N tổng cộng 5 lần là 1.070.000.000 đồng. Trong đó, thông qua bị cáo T1, bị cáo đã nhận của N 3 lần 700.000.000 đồng gồm: Ngày 30/10/2013 nhận 250.000.000 đồng; ngày 02/11/2013 nhận 350.000.000 đồng; ngày 04/11/2013 nhận 100.000.000 đồng; đồng thời bị cáo trực tiếp nhận của chị N 2 lần với số tiền 370.000.000 đồng gồm: Ngày 06/01/2014 nhận một thẻ ATM bị cáo rút 70.000.000 đồng và ngày 20/01/2014 nhận 300.000.000 đồng. Các lời khai này của bị cáo trong lúc bị cáo đang tự do về thân thể, tự do về ý chí, chưa bị tạm giữ, tạm giam nên không thể có sự ép cung, mớm cung, nhục hình. Nội dung các lời khai này của bị cáo V1 phù hợp với biên bản thu giữ vật chứng, biên bản kiểm tra đoạn ghi âm, lời khai của Nguyễn Huệ S, lời khai của chị Phan Thị N, hình ảnh thu giữ từ camera an ninh ATM cùng các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, nên bản án sơ thẩm đã tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn V1 phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 139 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Do vậy, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo cho rằng bị cáo không phạm tội và cũng không có căn cứ để chấp nhận lời bào chữa của luật sư.

[4] Tuy tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bị cáo Nguyễn Văn T1 cho rằng bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội vì bị cáo không có hứa hẹn lo cho anh của chị N tại ngoại, nhưng trong đoạn ghi âm thể hiện bị cáo nói nội dung: “Cái hồ sơ của em nó đang nằm trên bộ, bây giờ Bộ Công an với Viện kiểm sát tối cao người ta rút hồ sơ về rồi, tỉnh không thụ lý nữa. Công việc này, án này tỉnh không có thẩm quyền để ra quyết định, hiểu không? Vì tội buôn lậu là từ 20 năm đến chung thân, án này tội rất nặng cho nên Viện kiểm sát tối cao rút hồ sơ về rồi...”. Khi chị N nói: “Thời gian cũng đã 7 tháng rồi, ba em nói là ra luôn, còn bây giờ nói tại ngoại, nói bồi dưỡng cho người ta để tại ngoại mà 7 tháng như vậy đó. Ví dụ bây giờ nói tại ngoại trong tháng này cho ra tại ngoại, ý là bây giờ không ai nói đó. Bây giờ có 5 hoặc 3 ngày, 2 tuần, 2 tuần đi rồi kêu vô xử nữa” thì bị cáo T1 nói: “Lâu lắm mới xử còn lâu lắm, anh nói với chị em và gia đình làm bước 2 hay không thì bữa anh nói rồi đúng không? Làm chuyện tốt cho gia đình còn nếu không thì chiếu theo luật thôi, chuyện đó anh không nói nhưng nếu làm bước 2 thì quá tốt cho gia đình em, cho anh của em chứ không tốt cho anh hiểu không? Mà nếu em lo được bước 2 nữa hôm nay nói nó như vậy, mà bây giờ em lo được bước 1 thì con số đó như vậy, mà đợi đến khi em chịu lo bước 2 thì con số nó lại khác. Nếu em lo trong vòng năm nay thì từ đây đến tháng 10 là ok hết”. Mặt khác, tại Bản tường trình ngày 23/5/2014 (BL 150) bị cáo trình bày:“Tôi không giới thiệu V1 là em trai, mà tôi giới thiệu V1 là bạn tên là Ba V2 có mối quan hệ xã hội nhiều...Sau đó khoảng 1 tuần tôi gặp và báo cho S biết chi phí để giúp tại ngoại là 1.650 tr. Sau đó S có nhờ tôi nói dùm nếu gặp N nói giá là 2 tỷ”, tại Biên bản bắt người phạm tội quả tang ngày 22/5/2014 (BL 107), bị cáo T1 khai: “Tôi đến nhà bà S số 38/113 Nguyễn Văn Quá, p. Đông Hưng Thuận, Quận 12 chở bà S đến quán Mimosa số 312 Lạc Long Quân P5-Q11 để gặp cô N nhận số tiền 30.000.000 đ (ba mươi triệu đồng) để lo cho anh trai của N tên là P bị Công an tỉnh K bắt về tội buôn lậu xăng dầu được về nhà khỏi phải đi tù. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày thì tôi cùng với bà S đến điểm hẹn ngồi uống cà phê được khoảng 30 phút thì N lấy cọc tiền 30.000.000 đ (ba mươi triệu đồng) đưa cho tôi và S. Khi tôi cầm cọc tiền trên bỏ vào túi quần thì có công an đến kiểm tra bắt giữ...” Lời tự khai này của bị cáo phù hợp với biên bản bắt người phạm tội quả tang, biên bản thu giữ vật chứng, biên bản kiểm tra đoạn ghi âm, lời khai của Nguyễn Huệ S, lời khai của chị Phan Thị N cùng các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ để xác định bị cáo Nguyễn Văn T1 đã có hành vi giúp sức cho bị cáo Nguyễn Văn V1 dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt của bà Phan Thị N 1.100.000.000 đồng (Gồm 1.070.000.000 đồng và 30.000.000 đồng bị bắt quả tang). Do đó Bản án sơ thẩm đã tuyên bố Nguyễn Văn T1 phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 139 của Bộ luật Hình sự là có cơ sở nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn T1 cho rằng bị cáo không phạm tội và cũng không có căn cứ để chấp nhận lời bào chữa của luật sư.

[5] Bản án sơ thẩm đã cân nhắc bị cáo Nguyễn Văn V1 là người chủ mưu, bị cáo Nguyễn Văn T1 là người giúp sức và đã xử phạt bị cáo Nguyễn Văn V1 15 năm tù là ở mức trung bình của khung hình phạt quy định phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T1 12 năm tù là ở mức thấp nhất của khung hình phạt đã là nhẹ. Tuy cả hai bị cáo đều chưa có tiền án tiền sự nhưng lại thiếu thành khẩn, khai báo quanh co, chứng tỏ không ăn năn hối cải. Tại phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết giảm nhẹ mới, nên không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

[6] Do không được chấp nhận kháng cáo nên bị cáo Nguyễn Văn V1 và bị cáo Nguyễn Văn T1 đều phải chịu án phí phúc thẩm.

[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm đối với Nguyễn Huệ S; về xử lý vật chứng; án phí; buộc nộp tiền do phạm tội mà có không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng Hình sự;

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn V1 và bị cáo Nguyễn Văn T1; Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 75/2018/HSST ngày 22/3/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố H;

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn V1 và bị cáo Nguyễn Văn T1 phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”;

[2] Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999.

2.1. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn V1 15 (Mười lăm) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 24/5/2014; Tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.

2.2. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T1 12 (Mười hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 22/5/2014; Tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.

[3] Áp dụng khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Buộc mỗi bị cáo Nguyễn Văn V1 và bị cáo Nguyễn Văn T1 phải nộp án phí hình sự phúc thẩm là 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng)/bị cáo.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm đối với Nguyễn Huệ S; về xử lý vật chứng; án phí; buộc nộp tiền do phạm tội mà có không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[5] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

406
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 631/2018/HSPT ngày 13/11/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:631/2018/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 13/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về