Bản án 61/2020/DS-PT ngày 06/05/2020 về tranh chấp hợp đồng thuê khoán khai thác mủ cao su

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 61/2020/DS-PT NGÀY 06/05/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THUÊ KHOÁN KHAI THÁC MỦ CAO SU

Ngày 06 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 63/2020/TLPT-DS ngày 06/02/2020 về việc “tranh chấp hợp đồng thuê khoán khai thác mủ cao su”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 21/2019/DS-ST ngày 19/09/2019 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 63/2020/QĐPT-DS, ngày 20 tháng 02 năm 2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Phạm Công H, sinh năm 1979; địa chỉ: Số nhà 54, ấp R, xã A, huyện P, tỉnh Bình Dương.

- Bị đơn: Bà Đào Thị D, sinh năm 1984; địa chỉ: Tổ 2, ấp R, xã A, huyện P, tỉnh Bình Dương.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Lê Trọng C, sinh năm 1981, Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư C và Cộng sự - Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Vũ Đại D1, sinh năm 1981; địa chỉ: Tổ 1, ấp R, xã A, huyện P, tỉnh Bình Dương.

2. Ông Đinh Văn L, sinh năm 1984; địa chỉ: Số nhà 75, khu phố 8, thị trấn P, huyện P, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp của ông L: Ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1964; địa chỉ: Số nhà 216, tổ 2, ấp V, xã V1, huyện P, tỉnh Bình Dương (văn bản ủy quyền ngày 04/7/2019).

3. Bà Lê Thanh X, sinh năm 1981; địa chỉ: Số 7, đường Đ, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương.

- Người kháng cáo: Bị đơn bà Đào Thị D.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, các lời khai và tại phiên tòa, nguyên đơn ông Phạm Công H trình bày:

Ngày 08/8/2017, nguyên đơn có ký hợp đồng mua bán cạo mủ cây cao su với bị đơn để khai thác mủ cao su đối với phần diện tích đất là 7,29 ha, thuộc tiểu khu 12, thuộc lâm phần của Công ty L1, phần đất tọa lạc tại xã T, huyện P, tỉnh Bình Dương; giá trị hợp đồng là 960.000.000 đồng (chín trăm sáu mươi triệu đồng); thời gian thuê cạo kể từ ngày 08/8/2017 đến ngày 02/02/2020. Nguyên đơn đã giao đủ cho bị đơn 960.000.000 đồng theo thỏa thuận. Quá trình thỏa thuận ký hợp đồng, do nguyên đơn và ông Vũ Đại D1 cùng góp tiền để mua quyền khai thác mủ cao su, nguyên đơn là người đại diện ký hợp đồng. Khi ký hợp đồng khai thác mủ với bị đơn, nguyên đơn và ông Vũ Đại D1 không gặp mặt, không biết và không thông qua bà Lê Thanh X là chủ sở hữu đối với vườn cây cao su.

Đầu tháng 8/2018, bà Lê Thanh X có tranh chấp với bà Đào Thị D về việc mất cây cao su. Theo đó, bà D đã lập văn bản yêu cầu ông H tạm nghỉ cạo cạo từ ngày 06/8/2018, khi nào giải quyết xong việc số cây bị mất với bà X thì hai bên sẽ thỏa thuận lại về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng. Sau đó, bà X cũng có văn bản đề nghị ông H ngưng cạo mủ cao su trên phần đất của bà.

Căn cứ tờ thỏa thuận vào tháng 9/2018, bà D đã giải quyết ổn thỏa với bà X và bà D đồng ý bồi thường cho ông H trong thời gian nghỉ cạo, ông H sẽ tiến hành cạo mủ trở lại vào ngày 12/9/2018. Khi nguyên đơn cạo lại được thời gian ngắn thì ngày 04/11/2018, ông H tiếp tục nhận được giấy đề nghị tạm ngưng khai thác mủ của bà Lê Thanh X với lý do có 180 cây cao su bị chết. Trong khi đó, khi ký hợp đồng với nguyên đơn, bị đơn khẳng định với nguyên đơn là bị đơn có toàn quyền quyết định việc ký hợp đồng với nguyên đơn, nếu có ai tranh chấp bị đơn sẽ có trách nhiệm đối với nguyên đơn. Nhận thấy, chủ thể đứng ra ký kết hợp đồng với nguyên đơn hoàn toàn không có quyền cho nguyên đơn thuê lại nhưng bị đơn vẫn đưa ra những lời lẽ cam kết chịu trách nhiệm nếu có tranh chấp khiến nguyên đơn tin tưởng ký kết. Đến nay, nguyên đơn mới chỉ cạo được hơn 13 tháng thì đã phải ngưng cạo, phải nghỉ cạo trong thời gian 36 ngày, việc không cạo mủ cao su gây thiệt hại cho nguyên đơn.

Do thời gian thực hiện hợp đồng là 30 tháng, theo đó giá trị hợp đồng là 960.000.000 đồng. Tính từ ngày ký kết hợp đồng đến ngày bị đề nghị ngưng cạo mủ (ngày 04/11/2018), nguyên đơn đã khai thác được 14 tháng, 26 ngày. Số thời gian cạo còn lại là 15 tháng 04 ngày.

Nay, nguyên đơn yêu cầu Toà án giải quyết tuyên vô hiệu hợp đồng mua bán cạo mủ cây cao su đã ký kết ngày 08/8/2017 giữa nguyên đơn và bị đơn. Đồng thời yêu cầu Tòa án buộc bị đơn trả lại cho nguyên đơn số tiền 484.266.000 đồng (bốn trăm tám mươi bốn triệu hai trăm sáu mươi sáu nghìn đồng).

Theo đơn phản tố, các lời khai và tại phiên tòa, bị đơn bà Đào Thị D trình bày:

Ngày 08/8/2017, bà Đào Thị D có bán lại quyền khai thác mủ cao su cho ông Phạm Công H. Vườn cây cao su nằm trên phần đất có diện tích 7,29 ha thuộc tiểu khu 12, Công ty L1, tọa lạc tại xã T, huyện P, tỉnh Bình Dương. Vườn cây cao su này do bà D thuê của ông Đinh Văn L để khai thác mủ cao su. Sau khi thuê của ông L, bà D ký hợp đồng cho ông H thuê lại để khai thác cao su với giá là 960.000.000 đồng (chín trăm sáu mươi triệu đồng), thời gian thuê là tính từ ngày 08/8/2017 đến ngày 02/02/2020, bị đơn đã nhận đủ số tiền 960.000.000 đồng từ ông Phạm Công H.

Trong quá trình ông H khai thác mủ cao su thì có xảy ra tranh chấp nên từ ngày 06/8/2018 đến ngày 01/9/2018, ông H không được khai thác mủ cao su và bà D đã bồi thường cho ông H số tiền là 70.000.000 đồng (bảy mươi triệu đồng). Sau đó, ông H có nói là cây cao su khô miệng nên bà D có đưa cho ông H số tiền 40.000.000 đồng (bốn mươi triệu đồng).

Hợp đồng được tiếp tục thực hiện đến ngày 04/11/2018 thì chủ vườn cây cao su (là bà Lê Thanh X) phát hiện cây cao su bị chết nên yêu cầu ngưng, không cho ông H tiếp tục khai thác mủ. Do thời gian đầu khai thác, ông H đã bôi nhiều thuốc để cây cao su có nhiều mủ, nay có nhiều cây chết miệng không khai thác được, giá mủ thấp so với thời điểm ký kết hợp đồng, do chủ vườn phát hiện cây bị chết do khai thác quá nhiều nên không cho ông H cạo tiếp mà không phải bà D vi phạm hợp đồng. Do đó, bà Đào Thị D không đồng ý yêu cầu khởi kiện của ông H.

Đồng thời, bị đơn bà D có đơn phản tố yêu cầu ông Phạm Công H trả lại cho bà D số tiền 90.000.000 đồng trong tổng số tiền 110.000.000 đồng là số tiền bị đơn đã bồi thường cho nguyên đơn sau khi nguyên đơn nghỉ cạo do phát sinh tranh chấp giữa ông H với bà X, bà D tự nguyện hỗ trợ nguyên đơn 20.000.000 đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bà D thay đổi yêu cầu phản tố chỉ yêu cầu ông H trả lại số tiền 71.840.000 đồng [(110.000.000 đồng – (1.060.000 đồng x 36 ngày)].

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Vũ Đại D1 trình bày: Thống nhất với ý kiến của nguyên đơn ông Phạm Công H, không bổ sung ý kiến gì thêm.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Đinh Văn L và người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Văn N trình bày:

Vào ngày 02/8/2017, ông Đinh Văn L và ông Nguyễn Sơn H1 có ký hợp đồng cạo mủ cao su đối với vườn cao su của ông H1 trong thời hạn 03 năm, tính từ ngày 02/8/2017 đến ngày 02/02/2020. Sau khi làm hợp đồng trên, do ông L không có điều kiện khai thác mủ cao su nên ông L đã làm hợp đồng mua bán cạo mủ cao su lại cho bà D. Sau khi ký hợp đồng với ông L, bà D tiếp tục làm một hợp đồng bán cho ông H cạo mủ trên diện tích đất cao su mà bà đã làm hợp đồng với ông L.

Khi ông H cạo được một thời gian thì ông H1 vào kiểm tra cây cao su, phát hiện có 113 cây cao su đã bị chết hoặc ai đã chặt mất từ lúc nào. Việc này ông L hoàn toàn không hề biết được vì trên thực tế ông L không đứng ra quản lý và thu hoạch mủ. Lúc này, ông H1 liên hệ với ông L thì ông L đã đồng ý bồi thường cho 113 cây cao su trên là 68.500.000 đồng. Ngoài ra, ông L còn phải bồi thường cho bà D 20.000.000 đồng để bà D bồi thường cho ông H tương ứng với 36 ngày nghỉ cạo khi ông H1 ra thông báo nghỉ cạo với lý do cây bị chết và mất trên. Sau khi bồi thường hoàn tất, thì ông H1, ông L, bà D và ông H tiến hành kiểm tra lại cây. Việc ông L cho bà D thuê và bà D cho ông H thuê lại để thu hoạch mủ trên diện tích đất cao su của ông H1 thì ông H1 hoàn toàn biết sự việc và không có ý kiến gì. Sau khi bồi thường cho đợt cây cao su bị chết và bị chặt trên thì ông H vẫn cạo bình thường. Đến một thời gian sau, ông H1 tiếp tục vào kiểm tra cây thì phát hiện bị thiếu 118 cây cao su. Lúc này, ông H1 yêu cầu ông L tiếp tục bồi thường tiếp mỗi cây 1.000.000 đồng với số tiền là 180.000.000 đồng, ông L không đồng ý bồi thường mà yêu cầu ông H phải có trách nhiệm bồi thường vì ông H là người trực tiếp đứng ra quản lý và thu hoạch mủ trên diện tích đất cạo trên. Đến ngày 04/11/2018, bà X (vợ ông H1) tiếp tục ra thông báo ngưng cạo. Khi ra thông báo bà X chỉ gửi thông báo cho ông H chứ không ra thông báo cho ông L hay bà D. Đến 02 tháng sau, ông L mới biết được sự việc trên. Trước toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thanh X trình bày:

Năm 2017, bà X có lập hợp đồng thỏa thuận (Hợp đồng do ông L giữ) với ông Đinh Văn L. Theo thỏa thuận thì bà X chuyển nhượng quyền khai thác mủ cho ông L được khai thác cây cao su để thu hoạch mủ trên khu đất diện tích 7,29 ha thuộc tiểu khu 12 – Công ty L1. Theo thỏa thuận thì ông L phải khai thác theo đúng quy trình, kỹ thuật nhưng khi bà X đến kiểm tra vườn cây thì phát hiện người khai thác là ông Phạm Công H, khai thác không đúng kỹ thuật dẫn đến cây cao su bị lột hết lớp da bên ngoài và chết rất nhiều cây, thời điểm đó (tháng 11/2018) bà X có đếm số cây chết là 180 cây cao su nhưng hiện nay thì số cây chết lớn hơn rất nhiều (khoảng 1000 cây). Vì vậy, bà X có thông báo cho ông H ngưng khai thác mủ cao su, ông H đồng ý. Bà X có báo lại cho ông L để giải quyết số cây bị chết trên và yêu cầu ông L ngưng khai thác mủ, ông L đồng ý và ông L có nói để làm việc lại với ông H nhưng đến nay ông L chưa giải quyết. Việc ông H có hợp đồng với bà Đào Thị D cũng như việc bà D có hợp đồng với ông Đinh Văn L thì bà X không được biết và không có sự đồng ý của bà X trong khi bà X mới là chủ vườn cây cao su. Vì vậy, bà X đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật. Riêng hợp đồng giữa bà X và ông L thì bà X và ông L tự thương lượng giải quyết, nếu không thương lượng được thì sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết sau.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 21/2019/DS-ST ngày 19/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Bình Dương đã tuyên xử:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phạm Công H đối với bị đơn bà Đào Thị D về “Tranh chấp hợp đồng thuê khoán khai thác mủ cao su”.

2. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn bà Đào Thị D đối với nguyên đơn ông Phạm Công H về “Tranh chấp hợp đồng thuê khoán khai thác mủ cao su” Tuyên “Hợp đồng mua bán cạo mủ cây cao su” đã ký kết ngày 08/8/2017 giữa nguyên đơn ông Phạm Công H với bị đơn bà Đào Thị D vô hiệu.

Buộc bị đơn bà Đào Thị D trả lại cho nguyên đơn ông Phạm Công H số tiền 484.266.000 đồng (bốn trăm tám mươi bốn triệu hai trăm sáu mươi sáu ngàn đồng).

Buộc nguyên đơn ông Phạm Công H trả lại cho bị đơn bà Đào Thị D số tiền 71.840.000 đồng (bảy mươi mốt triệu tám trăm bốn mươi ngàn đồng).

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo.

Sau khi có bản án sơ thẩm, ngày 04/10/2019, bị đơn bà Đào Thị D có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại cấp phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã làm việc với bà Lê Thanh X và ông Nguyễn Sơn H1. Ông H1 xác định biết việc khởi kiện của các đương sự và tham gia tố tụng của bà X nhưng ông H1 xác định do ông H1 và bà X là vợ chồng nên ông H1 không tham gia tố tụng mà để bà X tham gia tố tụng cũng không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của vợ chồng, do đó ông H1 không yêu cầu được tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Mặt khác, ông H1 và bà X thống nhất không có yêu cầu gì trong vụ án này, mà việc tranh chấp giữa vợ chồng ông H1 với ông L hay việc yêu cầu ai phải bồi thường thiệt hại vườn cao su sẽ được giải quyết bằng vụ án khác khi họ có yêu cầu.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu hủy án sơ thẩm. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Do tranh chấp giữa bà D và ông L, giữa ông H và bà D có sự liên quan với nhau, có thể nhập chung hai vụ án để giải quyết trong cùng vụ án, xem xét toàn diện vụ việc tranh chấp nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc khi tuyên án.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phát biểu quan điểm:

- Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về nội dung: Trong vụ án này có liên quan mật thiết với vụ án tranh chấp giữa bà Đào Thị D và ông Nguyễn Văn Lợi, xuất phát cùng đối tượng thuê khoán. Nhận thấy, Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác định được thiệt hại của vườn cây cao su, chưa xem xét đến nguyên nhân của thiệt hại là chưa giải quyết triệt để, toàn diện vụ án. Do đó, kháng cáo của bị đơn có căn cứ chấp nhận một phần. Căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

Trong vụ án này, chủ tài sản là ông H1, bà X thuê ông L khai thác, ông L cho bà D thuê lại, bà D lại cho ông H thuê khai thác. Ông H giao dịch với bà D nhưng việc ông H thực hiện hợp đồng khai thác với bà D làm chết cây là tài sản của ông H1, bà X. Ông L giao dịch với ông H1, bà X, bà D nhưng người thực hiện hợp đồng là ông H. Như vậy, mối quan hệ của những người này gắn liền nhau, ảnh hưởng lẫn nhau mang tính chất dây chuyền. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm chỉ giải quyết quan hệ pháp luật giữa ông H với bà D là chưa xem xét toàn diện vụ án, làm ảnh hưởng quyền lợi của ông H1, bà X, ông L. Nguyên nhân không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng khai thác là do cây bị chết. Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác định mức độ thiệt hại là xác minh thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, chưa giải quyết việc bồi thường thiệt hại là giải quyết vụ án chưa triệt để.

Từ những phân tích nêu trên, nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án chưa triệt để, chưa xác định thiệt hại và giải quyết bồi thường thiệt hại nên có cơ sở chấp nhận 01 phần kháng cáo của bị đơn. Căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm.

Sau khi nghiên cứu tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, lời trình bày của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thanh X có yêu cầu giải quyết vắng mặt nên căn cứ Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bà X.

[2] Về nội dung:

[2.1] Căn cứ lời khai của các đương sự và chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nhận thấy các tình tiết, sự kiện sau được các đương sự thừa nhận nên thuộc tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự, cụ thể:

Vườn cây cao su nằm trên diện tích đất là 7,29 ha, thuộc tiểu khu 12, thuộc lâm phần của Công ty L1, phần đất tọa lạc tại xã Tam Lập, huyện P, tỉnh Bình Dương. Phần đất này đã được Công ty L1 giao khoán cho bà Lê Thanh X theo Hợp đồng giao khoán sử dụng đất vào sản xuất nông, lâm nghiệp số 56/HĐGK-CT ngày 25/7/2014.

Ngày 02/8/2017, ông Nguyễn Sơn H1 (chồng bà Lê Thanh X) ký Giấy mua bán sản phẩm mủ cao su với ông Đinh Văn L có nội dung: Ông H1 bán cho ông Đinh Văn L 7,29 ha cao su (3.417 cây) với giá 550.000.000 đồng, trong thời gian 03 năm, từ ngày 02/8/2017 đến ngày 02/02/2020 là giao vườn lại; cây ngã đổ hay gãy thì bên mua phải báo cho bên bán; bên bán có quyền xử lý cây đã bị ngã đổ.

Ngày 08/8/2017, ông Đinh Văn L ký kết Hợp đồng mua bán cạo mủ cây cao su với bà Đào Thị D để bán quyền cạo mủ cao su đối với vườn cây cao su nêu trên cho bà D với giá 800.000.000 đồng.

Ngày 08/8/2017, bà Đào Thị D ký kết Hợp đồng mua bán cạo mủ cây cao su với ông Phạm Công H có nội dung: “Bà Đào Thị D bán quyền cạo mủ cây cao su cho ông Phạm Công H, diện tích vườn cây 7,29 ha (của bà Nguyễn Thị Xuân thuộc TK 12), thành tiền: 960.000.000 đồng, thời gian mua bắt đầu cạo mủ từ ngày 08/8/2017 đến ngày 02/02/2020; cam kết bà D phải tạo điều kiện cho ông H khi cạo mủ và phải lo đảm bảo cho bên cao mủ, ai cản trở và tranh chấp thì bên bán phải chịu trách nhiệm cho bên mua… Bên nào tự ý đơn phương sửa đổi độc lập hoặc thi hành các điều khoản ghi trong hợp đồng sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bên bán vi phạm thì bồi thường gấp đôi theo hợp đồng nếu bên mua vi phạm thì bị mất tiền đặt cọc,… khi cây ngã đổ thì bên mua phải báo để bên bán xử lý cây; hàng năm bên mua phải chịu trách nhiệm thổi lá vành đai, thổi chống cháy”..

Sau khi ký kết hợp đồng giữa ông H và Duyên thì ông H đã nhận vườn cây cao su và khai thác mủ cao su và đã trả cho bà Đào Thị D số tiền 960.000.000 đồng. Sau đó, do xảy ra tranh chấp giữa bà X với bà D nên ông H ngừng cạo mủ cây cao su từ ngày 06/8/2018 đến ngày 01/9/2018 (36 ngày) và bà D đã bồi thường cho ông H số tiền 70.000.000 đồng và hỗ trợ 40.000.000 đồng do cây cao su bị khô miệng. Đến ngày 04/11/2018, bà X có văn bản yêu cầu ông H tạm ngừng khai thác mủ cao su do bà X phát hiện 180 cây cao su bị chết. Ông H ngừng khai thác mủ cao su từ ngày 04/11/2018 cho đến nay. Ông H chỉ khai thác mủ cao su được 14 tháng 26 ngày theo hợp đồng đã ký kết (chưa trừ đi thời gian 36 ngày ngừng khai thác mủ cao su từ ngày 06/8/2018 đến 01/9/2018).

[2.2] Căn cứ Điều 483 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng thuê khoán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán và bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê”. Như vậy, đối chiếu với nội dung Hợp đồng mua bán cạo mủ cây cao su ký kết ngày 08/8/2017 giữa ông H với bà D và cách thức thực hiện hợp đồng đã thỏa mãn quy định là hợp đồng thuê khoán tài sản nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp hợp đồng thuê khoán khai thác mủ cao su” là có căn cứ.

[2.3] Theo Hợp đồng giao khoán sử dụng đất vào sản xuất nông, lâm nghiệp số 56/HĐGK-CT ngày 25/7/2014 ký kết giữa bên giao khoán là Công ty L1 và bên nhận khoán là bà Lê Thanh X thì vườn cây cao su thuộc thành quả lao động của bà Lê Thanh X, không phải thuộc sở hữu của bà D. Đồng thời, bà D không chứng minh được việc ông Đinh Văn L hay bà D có quyền cho thuê khoán lại việc khai thác mủ cây cao su hay có sự đồng ý của bà X. Khi ký hợp đồng, ông H biết được bà D không phải chủ vườn cây cao su nhưng vẫn tham gia ký kết hợp đồng. Vì vậy, hợp đồng giao kết giữa nguyên đơn và bị đơn vi phạm Điều 117 và khoản 3 Điều 490 của Bộ luật Dân sự nên bị vô hiệu ngay tại thời điểm giao kết hợp đồng. Lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu thuộc về cả bên ông H và bà D.

[2.4] Về xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu:

Do hợp đồng bị vô hiệu nên không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập và các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trong vụ án này, các đương sự đều thừa nhận ông H không còn quản lý vườn cây cao su mà do bà X quản lý nên không cần thiết buộc ông H giao trả vườn cây cao su cho bà X.

Xét thấy, giao dịch giữa các bên là hợp đồng thuê khoán khai thác mủ cao su mà lợi ích của bên thuê khoán là được hưởng hoa lợi, lợi tức trên tài sản nhận khoán. Ông Phạm Công H là bên nhận khoán, đã hưởng lợi từ việc khai thác mủ vườn cây cao su kể từ ngày 08/8/2017 đến ngày 03/11/2018. Nay ông Phạm Công H chỉ khởi kiện yêu cầu bà D thanh toán thời gian còn lại của hợp đồng là có căn cứ chấp nhận. Tuy nhiên, việc nguyên đơn xác định thời gian thực hiện hợp đồng từ ngày 08/8/2017 đến ngày 02/02/2020 là 30 tháng và thời gian còn lại của hợp đồng là 15 tháng 04 ngày là chưa chính xác. Bởi lẽ, theo Hợp đồng mua bán cạo mủ cây cao su ngày 08/8/2017 ký kết giữa bà Đào Thị D và ông Phạm Công H thì thời gian hợp đồng là kể từ ngày 08/8/2017 đến ngày 02/02/2020, được tính là 29 tháng 24 ngày; ông H đã khai thác mủ cao su từ ngày 08/8/2017 đến ngày 03/11/2018 là 14 tháng 26 ngày nên thời gian chưa thực hiện hợp đồng còn lại là 14 tháng 28 ngày. Mặt khác, ông H và bà D xác định tính trung bình cho thời gian thuê là 30 tháng, mỗi tháng 32.000.000 đồng (960.000.000 đồng : 30 tháng); mỗi ngày là 1.060.000 đồng nên cần tôn trọng ý chí tự định đoạt của đương sự, lấy cách tính này để giải quyết hậu quả của hợp đồng.

Như vậy, bà D phải có trách nhiệm hoàn trả cho ông H giá trị còn lại của hợp đồng tương ứng với thời gian là 14 tháng 28 ngày, cụ thể: [(14 tháng x 32.000.000 đồng = 448.000.000 đồng) + (28 ngày x 1.060.000 đồng = 29.680.000 đồng)] = 477.680.000 đồng.

[2.5] Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn về việc buộc nguyên đơn trả lại số tiền [(110.000.000 đồng – (1.060.000 đồng x 36 ngày)] = 71.840.000 đồng, đây là số tiền bà D đã bồi thường cho ông H đối với 36 ngày ngưng cạo (từ ngày 06/8/2018 đến ngày 01/9/2018). Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phản tố của bà D là phù hợp do hợp đồng thuê khoán khai thác mủ cao su bị vô hiệu ngay tại thời điểm giao kết hợp đồng theo phân tích nêu trên.

[2.6] Ngoài ra, Tòa án cấp phúc đã làm việc với bà Lê Thanh X và ông Nguyễn Sơn H1, ông H1 xác định việc xét xử vụ án tranh chấp giữa ông Phạm Công H và Đào Thị D không ảnh hưởng đến quyền lợi của ông H1 và đề nghị Tòa án không đưa ông H1 tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, việc không đưa ông H1 tham gia tố tụng cũng không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến quyền lợi của ông H1. Trường hợp ông H1 và bà X có tranh chấp thì sẽ giải quyết bằng vụ án khác khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

[3] Từ những phân tích nêu trên, xét thấy kháng cáo của bị đơn là có căn cứ chấp nhận một phần. Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương là chưa phù hợp. Do đó cần sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng nhận định nêu trên (tính lại thời gian còn lại của hợp đồng và số tiền các bên phải hoàn trả cho nhau).

[4] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ Điều 147, Điều 148, khoản 2 Điều 308, Điều 309 và Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Căn cứ các Điều 117, 483, 489, khoản 3 Điều 490 và 493 của Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, 1. Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 21/2019/DS-ST ngày 19/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Bình Dương như sau:

1.1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phạm Công H đối với bị đơn bà Đào Thị D về việc tranh chấp hợp đồng thuê khoán thai thác mủ cao su.

Tuyên bố “Hợp đồng mua bán cạo mủ cây cao su” đã ký kết ngày 08/8/2017 giữa ông Phạm Công H và bà Đào Thị D vô hiệu.

Buộc bà Đào Thị D phải trả lại cho ông Phạm Công H số tiền 477.680.000 đồng (bốn trăm bảy mươi bảy triệu, sáu trăm tám mươi nghìn đồng).

1.2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn bà Đào Thị D đối với nguyên đơn ông Phạm Công H.

Buộc ông Phạm Công H phải trả lại cho bị đơn số tiền 71.840.000 đồng (bảy mươi mốt triệu, tám trăm bốn mươi nghìn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thi hành xong số tiền trên thì còn phải trả cho người được thi hành án khoản tiền lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 đối với số tiền và thời gian chậm thanh toán.

3. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Bà Đào Thị D phải nộp số tiền 23.107.200 đồng (hai mươi ba triệu, một trăm lẻ bảy nghìn, hai trăm đồng), được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 2.225.000 đồng (hai triệu, hai trăm hai mươi lăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0026476 ngày 31 tháng 7 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P. Bà Đào Thị D phải nộp thêm số tiền 20.882.200 đồng (hai mươi triệu, tám trăm tám mươi nghìn, hai trăm đồng).

Ông Phạm Công H phải nộp số tiền 3.592.000 đồng (ba triệu năm trăm chín mươi hai nghìn đồng), được trừ vào số tiền tiền tạm ứng án phí đã nộp là 11.985.000 đồng (mười một triệu, chín trăm tám mươi lăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0025888 ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P và trả lại cho ông Phạm Công H số tiền còn thừa là 8.393.000 đồng (tám triệu, ba trăm chín mươi ba nghìn đồng).

4. Về án phí dân sự phúc thẩm: Bà Đào Thị D không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại cho bà Đào Thị D 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0026633 ngày 09 tháng 10 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P, tỉnh Bình Dương.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1107
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 61/2020/DS-PT ngày 06/05/2020 về tranh chấp hợp đồng thuê khoán khai thác mủ cao su

Số hiệu:61/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 06/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về