TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
BẢN ÁN 61/2018/HS-PT NGÀY 27/07/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Trong các ngày 24 và 27 tháng 7 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 59/2018/TLPT-HS ngày 11 tháng 5 năm 2018 đối với bị cáo Nguyễn Văn L và đồng phạm, do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án Hình sự sơ thẩm số 14/2018/HSST ngày 29 tháng 3 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Tây Ninh.
- Các bị cáo có kháng cáo:
1. Nguyễn Văn L, sinh năm 1971, tại Tây Ninh; nơi cư trú: Ấp A, xã P, huyện G, tỉnh Tây Ninh; nghề nghiệp: Không; trình độ văn hoá: 11/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Cao Đài; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn T (đã chết) và bà Phạm Thị H; có vợ tên Đặng Thị N, có 02 con, lớn sinh năm 2001 và nhỏ sinh năm 2004; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 15-6-2017 cho đến nay, có mặt.
2. Nguyễn Văn T1, sinh năm 1978, tại Tây Ninh; nơi cư trú: Ấp A1, xã H1, huyện B, tỉnh Tây Ninh; nghề nghiệp: Làm mướn; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn L1 và bà Phạm Thị M; có vợ tên Lê Thị Mỹ L2, có 02 con, lớn sinh năm 1999 và nhỏ sinh năm 2011; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 21-6-2017 cho đến nay; có mặt.
3. Nguyễn Thành N1, sinh năm 1986, tại Thành phố Hồ Chí Minh; nơi ĐKHTTT: Phường A2, Quận A3, Thành phố Hồ Chí Minh; nơi cư trú: Ấp M1, xã P, huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: Buôn bán; trình độ văn hóa: 8/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Phật; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn T2 và bà Đào Thị P1; có vợ tên Ngô Thị Trúc P2 và có 01 con sinh năm 2017; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Ngày 09-01-2004 bị UBND huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định đưa vào Trường giáo dưỡng Số 4 tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai thời hạn 18 tháng về hành vi “Trộm cắp tài sản” đã chấp hành xong ngày 09-7-2005; Bản án Hình sự sơ thẩm số 08/2006/HSST ngày 13-02-2006 của Tòa án nhân dân huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 18 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”; ngày 21-3-2010 bị UBND Thành phố Hồ ChíMinh ra quyết định đưa đi cơ sở giáo dục Phú Hòa thuộc tỉnh Bình Dương thời hạn 18 tháng về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” chấp hành xong ngày 21-9-2011; Ngày 30-10-2013 bị UBND Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định đưa đi cơ sở giáo dục Phú Hòa thuộc tỉnh Bình Dương thời hạn 18 tháng về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” đã chấp hành xong ngày 30-4-2015; bị bắt tạm giữ từ ngày 17-4- 2017 đến ngày 21-6-2017 chuyển sang tạm giam cho đến nay; có mặt.
4. Nguyễn Hoàng M2, sinh năm 1990, tại Long An; nơi cư trú: Ấp H2, xã G1, huyện Đ, tỉnh Long An; nghề nghiệp: Thợ hớt tóc; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn B1 và bà Lê Thị T3; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 17-4-2017 cho đến nay; có mặt.
5. Lê Minh T4, sinh năm 1996, tại Long An; nơi cư trú: Ấp H2, xã G1, huyện Đ, tỉnh Long An; nghề nghiệp: Làm mướn; trình độ văn hóa: 7/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Văn T5 và bà Nguyễn Thị D1; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 17-4-2017 cho đến nay; có mặt.
6. Lê Văn P3, sinh năm 1996, tại Long An; nơi cư trú: Ấp H2, xã G1, huyện Đ, tỉnh Long An; nghề nghiệp: Công nhân; trình độ văn hóa: 7/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Chí T6 và bà Nguyễn Thị M3; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 17-4-2017 cho đến nay; có mặt.
- Các bị cáo không có kháng cáo:
1. Trần Quốc V, sinh năm 1996, tại Long An; nơi cư trú: Ấp L3, xã G1, huyện Đ, tỉnh Long An; nghề nghiệp: Làm mướn; trình độ văn hóa: 7/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn D2 và bà Phạm Thị Đ1; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Bản án số 89/2013/HSST ngày 29-8-2013 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Tây Ninh xử phạt 06 tháng tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” (đã được xóa án tích); bị bắt tạm giam từ ngày 21-4-2017 cho đến nay; có mặt.
2. Võ Minh L4, sinh năm 1991, tại Tây Ninh; nơi cư trú: Ấp L5, xã K, huyện B2, tỉnh Tây Ninh; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hóa: 8/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Võ Văn S và bà Lưu Thị T7; có vợ tên Nguyễn Thúy V1 và 01 con sinh năm 2012; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 21-4-2017 cho đến nay; có mặt.
3. Lương Tấn M4, sinh ngày 19-3-1997, tại Long An; nơi cư trú: Ấp B3, xã G1, huyện Đ, tỉnh Long An; nghề nghiệp: Làm mướn; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lương Thành B4 và bà Trịnh Thị M5; có vợ tên Nguyễn Thị Kim P4 và 01 con sinh năm 2013; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 21-4-2017 cho đến nay; có mặt.
4. Võ Văn S1, sinh ngày 21-01-1998, tại Long An; nơi cư trú: Ấp B3, xã G1, huyện Đ, tỉnh Long An; nghề nghiệp: Thợ sửa xe; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Võ Văn S2 và bà Lê Thị B5; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày21-4-2017 cho đến nay; có mặt.
- Bị hại không có kháng cáo: Anh Lê Văn C1, sinh năm 1973; địa chỉ: Ấp K1, xã G2, huyện B, tỉnh Tây Ninh, có mặt.
Ngoài ra, vụ án còn có các bị cáo khác, bị hại và người tham gia tố tụng khác không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị nên Tòa án không triệu tập.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng tháng 4-2016, Nguyễn Văn L cùng vợ là Đặng Thị N và Nguyễn Văn T1 đến nhà anh Lê Văn C1 tại ấp K1, xã G2, huyện B, tỉnh Tây Ninh để đòi tiền; giữa L và chị Nguyễn Thị N2 (là vợ của anh C1) xảy ra cự cãi nhau nên L dùng tay đánh chị N2. Sự việc này đã được Công an xã G2 mời hai bên đến giải quyết, quá trình làm việc anh C1 trình bày có mua số đề của L từ năm 2012 đến năm 2015 nên nợ L số tiền 120.000.000 đồng, còn L cho rằng C1 mượn L số tiền 800.000.000 đồng nhưng không có giấy tờ; khi đang giải quyết thì L tự bỏ về và không khởi kiện việc anh C1 nợ tiền theo đúng quy định pháp luật mà cùng T1 thuê “giang hồ” đến nhà anh C1 đòi tiền. T1 đồng ý và tìm gặp Nguyễn Hoàng G3, Võ Minh L4 (do G3 rủ đi cùng đến nhà L); giữa L, T1, G3 bàn bạc và thỏa thuận với nhau là G3 tự tìm người cùng đi đến nhà C1 đập phá tài sản để tạo áp lực buộc anh C1 trả số tiền 800.000.000 đồng, L sẽ trả tiền công cho G3 là 40% trên tổng số tiền lấy được; L đưa trước cho G3 số tiền 5.000.000 đồng làm chi phí đi đòi nợ thuê.
Khi nhận được tiền, G3 rủ Nguyễn Hoàng M2, Lê Minh T4, Lê Văn P3, Võ Minh L4, Lê Tấn T8, Lương Tấn M4, Lê Hoàng C2, Trần Quốc V2, Võ Văn S1 cùng đi đòi nợ thuê cho L để có tiền chia nhau tiêu xài thì tất cả đồng ý. Sau đó, G3 bàn bạc cùng những người này mang theo hung khí như dao, rựa, chĩa rơm, cây....chở nhau bằng xe mô tô đến nhà anh C1 để đòi nợ nhưng không gặp anh C1 mà gặp chị N2, G3 yêu cầu chị N2 trả tiền cho L thì chị N2 trả lời “Ai thiếu tiền thì đi đòi người đó”, nên tất cả cùng ra về. G3 nói lại việc không gặp anh C1 cho L, T1 biết và được T1 đưa thêm tiền chi phí là 3.000.000 đồng. G3 tiếp tục cùng những người này và rủ thêm A4, T9, C3, N3 (không rõ nhân thân, địa chỉ) bốn lần mang theo hung khí đến nhà anh C1 dùng đá ném vào nhà, rồ ga xe môtô lớn tiếng và đe dọa đập phá nhà anh C1 để đòi tiền; đồng thời, G3 nói lại cho L, T1 biết các lần đến nhà anh C1 đe dọa đòi tiền và được L tiếp tục đưa thêm cho G3 số tiền 2.000.000 đồng làm chi phí đi đập phá tài sản nhà anh C1.
Khoảng 19 giờ 30 phút, ngày 29-7-2016, G3 cùng với M2, T4, P3, L4, T8, M4, C2, V2, S1, A4, T9, C3, N3 mang theo dao, rựa, chĩa rơm, cây…đến nhà anh C1 đòi tiền nhưng thấy nhà đóng cửa, G3 phân công M2, T4, C2 vào đập phá nhà anh C1, những người còn lại đứng bên ngoài cảnh giới và hô hào, rồ ga xe lớn tiếng. T4 cầm cây chĩa rơm, C2 cầm 01 khúc cây đập bể 25 tấm kính cửa; M2 cầm cây chĩa rơm đập bể 01 mắt Camera và 01 cái ghế inox; sau đó tất cả cùng ra về.
Khi thấy nhóm của G3 đòi tiền không được nên L và T1 kêu G3 ngưng việc đi đòi tiền anh C1 để tìm người khác làm mạnh tay hơn. Lúc này G3 giới thiệu Nguyễn Thành N1 cho L, T1 biết. Sau đó, N1 rủ M2, T4, P3 cùng đi gặp L, T1. Trong lúc bàn bạc và thỏa thuận với nhau thì L kêu nhóm của N1 thực hiện mọi cách như đập phá tài sản, gây thương tích cho anh C1 và người thân của anh C1 để lấy được số tiền 800.000.000 đồng, L sẽ trả tiền công cho nhóm của N1 là 40% trên tổng số tiền lấy được thì nhóm của N1 đồng ý.
Vào khoảng 20 giờ ngày 13-8-2016, N1 cùng với M2, T4, P3 điều khiển xe mô tô mang theo dao, rựa đến nhà anh C1 để đòi tiền. Anh C1 và chị N2 hoảng sợ chạy vào trong phòng khóa cửa lại, cả nhóm cùng nhau xông vào nhà dùng dao, rựa đập phá những tài sản như: Cửa kính nhà, kính bàn, tivi, bếp gas, nồi cơm điện, xe mô tô, đầu thu Camera, đầu phát wifi, quạt điện, rồi cả nhóm cùng nhau ra về.
Sau khi đập phá tài sản không thấy anh C1 đưa tiền nên N1 bàn bạc với M2, T4, P3 tiếp tục đến tiệm tạp hóa của chị Trần Thị Tuyết M6 (là em vợ của anh C1) tại ấp Gia Lâm, xã G2, huyện B, tỉnh Tây Ninh, để gây thương tích cho chị M6 nhằm tạo áp lực cho anh C1 đưa tiền thì tất cả đồng ý. N1 điều khiển xe mô tô đến tiệm tạm hóa quan sát nhìn thấy chị M6 và quay về nói lại cho M2, T4, P3 biết địa điểm tiệm tạp hóa. N1 phân công P3, T4 có nhiệm vụ điều khiển xe mô tô chở đi và đứng bên ngoài cảnh giới; còn N1, M2 dùng dao, rựa chém chị M6 thì tất cả đồng ý.
Đến khoảng 20 giờ ngày 15-8-2016, P3 và T4 điều khiển xe mô tô chở N1, M2 mang theo dao, rựa đến tiệm tạp hóa của chị M6 thì dừng xe bên ngoài. N1 cầm cây rựa xông vào bên trong tiệm tạp hóa chém chị M6 nhiều cái trúng vào vùng thái dương phải, vai phải, cánh tay phải, chân phải; M2 cầm dao tự chế cùng xông vào thì bị anh Nguyễn Văn K2 là chồng của chị M6 ngăn cản, M2 liền dùng dao chém trúng 01 cái vào lưng anh K2. Sau đó, N1 và M2 chạy ra bên ngoài lên xe mô tô để P3, T4 chở đi. Chị M6 được đưa đến Trung tâm Y tế huyện B cấp cứu và điều trị đến ngày 22-8-2016 xuất viện.
Sau nhiều lần bị nhóm của L đập phá tài sản và gây thương tích cho chị M6, sợ bị ảnh hưởng đến tính mạng và công việc làm ăn nên anh C1 và chị N2 đến nhờ bà Trần Thị C4 (là người quen với L) đứng ra thỏa thuận với L là nhận số tiền 300.000.000 đồng để L ngưng việc thuê người đến đập phá tài sản và gây thương tích cho anh C1 và người nhà anh C1 thì L đồng ý. Vào ngày 06-10-2016, L và N đến nhà bà C4 viết giấy nhận số tiền 300.000.000 đồng do chị N2 giao.
Ngày 31-8-2016, chị M6 có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với những người đã gây thương tích cho chị M6. Riêng chị N2 bị L dùng tay đánh, anh K2 bị M2 dùng dao chém bị xây sát nhẹ; chị N2 và anh K2 không yêu cầu xử lý hình sự và từ chối giám định thương tích nên không đặt ra xử lý.
Kết luận giám định pháp y về thương tích số 95/2017/TgT ngày 28-4-2017 của Trung tâm Pháp y tỉnh Tây Ninh kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể của Trần Thị Tuyết M6 do thương tích gây nên hiện tại là 09%.
Kết luận định giá tài sản số 53/KL-ĐG ngày 21-4-2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện B kết luận: Tổng thiệt hại cho tài sản vào ngày 29-7-2016 của anh Lê Văn C1 và chị Nguyễn Thị N2 có giá trị 3.153.080 đồng.
Kết luận định giá tài sản số 95/KL-ĐG ngày 22-8-2016 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện B kết luận: Tổng thiệt hại cho tài sản vào ngày 13-8-2016 của anh Lê Văn C1 và chị Nguyễn Thị N2 có giá trị 13.148.400 đồng.
Tại Bản án Hình sự sơ thẩm số 14/2018/HS-ST ngày 29-3-2018 của Toà án nhân dân huyện B, tỉnh Tây Ninh đã quyết định:
Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Văn L, Nguyễn Hoàng M2, Lê Minh T4, Lê Văn P3 phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”, “Hủy hoại tài sản, cố ý làm hư hỏng tài sản” và “Cố ý gây thương tích”; bị cáo Nguyễn Thành N1 phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”, “Hủy hoại tài sản” và “Cố ý gây thương tích”; bị cáo Nguyễn Văn T1 phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”, “Hủy hoại tài sản, cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 135; điểm a khoản 2 Điều 143; các điểm a, e, h, i khoản 1 Điều 104; các điểm e, g khoản 1 Điều 48; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 50 của Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Văn L 12 năm 03 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 15-6-2017.
Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 135; điểm a khoản 2 Điều 143; các điểm e, g khoản 1 Điều 48; các điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 50 của Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T1 09 năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21-6-2017.
Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 135; điểm a khoản 2 Điều 143; các điểm a, e, h, i khoản 1 Điều 104; các điểm e, g khoản 1 Điều 48; khoản 2 Điều 46; Điều 50 của Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Thành N1 10 năm 6 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 17-4-2017.
Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 135; điểm a khoản 2 Điều 143; các điểm a, e, h, i khoản 1 Điều 104; các điểm e, g khoản 1 Điều 48; điểm p khoản 1, khoản 2Điều 46; Điều 50 của Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Hoàng M2 10 năm tù.
Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 17-4-2017.
Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 135; điểm a khoản 2 Điều 143; các điểm a, e, h, i khoản 1 Điều 104; các điểm e, g khoản 1 Điều 48; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 50 của Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Lê Minh T4 10 năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 17-4-2017.
Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 135; điểm a khoản 2 Điều 143; các điểm a, e, h, i khoản 1 Điều 104; các điểm e, g khoản 1 Điều 48; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 50 của Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Lê Văn P3 10 năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 17-4-2017.
Ngoài ra, bản án còn tuyên hình phạt tù đối với các bị cáo còn lại; phạt bổ sung đối với các bị cáo L, T1; miễn hình phạt bổ sung đối với các bị cáo còn lại; trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.
Vào các ngày 2, 3, 4, 5 và 9 tháng 4 năm 2018 các bị cáo Lê Minh T4, Lê Văn P3, Nguyễn Văn T1, Nguyễn Văn L, Nguyễn Thành N1, Nguyễn Hoàng M2 có đơn kháng cáo với cùng nội dung xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa, các bị cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và bị cáo Nguyễn Thành N1 thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355; Điều 358 của Bộ luật Tố tụng hình sự hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung, vì cấp sơ thẩm điều tra, thu thập chứng cứ không đầy đủ; còn bỏ lọt tội phạm đối với hành vi của các bị cáo nhóm thứ nhất gồm: G3, T4, M2, L4, P3, T8, C2, V2, S1, M4 và Đặng Thị N về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, hành vi của Nguyễn Văn T1 về tội “Cố ý gây thương tích”; chưa xử lý số tiền đã cưỡng đoạt 300.000.000 đồng; các Kết luận định giá tài sản chưa làm rõ phần thiệt hại tài sản do bị hủy hoại, bị hư hỏng để làm căn cứ bồi thường; chưa cá thể hóa phần trách nhiệm dân sự; ngoài ra, việc không tính án phí dân sự sơ thẩm cho tất cả các bị cáo là không phù hợp với quy định pháp luật.
Lời nói sau cùng của các bị cáo: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Đối với hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”: Theo bị cáo L và vợ là N cho rằng vợ chồng bị hại C1 nợ số tiền 800.000.000 đồng (trong đó nợ vay 500.000.000 đồng và nợ hụi 300.000.000 đồng) nên từ tháng 2-2016 vợ chồng L đã đến nhà C1 đòi tiền nhưng không được. Đến tháng 4-2016, vợ chồng L và T1 đến nhà bị hại để tiếp tục đòi số tiền 800.000.000 đồng trên và gây thương tích cho vợ của bị hại C1 là chị N2, sự việc đã được giải quyết tại Công an xã G2 nhưng hai bên vẫn không giải quyết được khoản nợ trên, vợ chồng L xác định số nợ 800.000.000 đồng nhưng bị hại chỉ xác nhận nợ số tiền đề 120.000.000 đồng.
Xuất phát từ sự việc trên nên bị cáo L, T1 đã bàn bạc thuê bị cáo G3 để đòi nợ cho L, hai bên đã thỏa thuận bằng mọi cách để buộc C1 trả số tiền 800.000.000 đồng, G3 sẽ được nhận tiền công là 40% của số tiền này, G3 được đưa trước 5.000.000 đồng là chi phí để đòi nợ thuê. Sau đó, G3 rủ thêm M2, T4, P3, L4, T8, M4, C2, V2, S1 cùng A4, T9, C3, N3 (không rõ nhân thân, địa chỉ) và bàn bạc với nhau mang theo hung khí như dao, rựa, chĩa rơm, cây...nhiều lần đến nhà anh C1 ném đá vào nhà, rồ ga xe máy lớn tiếng, la hét, đe dọa đập phá nhà, tạo áp lực buộc anh C1 trả nợ. Đồng thời, tiếp tục nhận thêm chi phí đòi nợ trong 04 lần với số tiền 5.000.000 đồng. Đặc biệt, khoảng 19 giờ 30 phút ngày 29-7-2016 các đối tượng này đến nhà C1, có sự phân công M2, T4, C2 vào đập phá nhà anh C1, những người còn lại đứng bên ngoài cảnh giới, hô hào, rồ ga xe lớn tiếng, hậu quả là làm bể 25 tấm kính cửa, 01 mắt Camera và 01 cái ghế inox.
Nhận thấy, các hành vi mà nhóm của G3 thực hiện đã trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản và tạo tâm lý hoang mang, lo sợ cho anh C1, chị N2. Căn cứ vào lời khai của các bị cáo G3, M2, T4, P3, L4, T8, M4, C2, V2, S1 đều thể hiện mục đích của việc đến nhà anh C1 thực hiện các hành vi nêu trên là để tạo áp lực buộc anh C1 trả nợ cho L, T1; G3 đã gặp trực tiếp vợ anh C1 trong lần đầu tiên đến nhà anh C1 và yêu cầu trả số tiền 800.000.000 đồng cho L; sau đó, G3 gặp anh B6 (họ hàng bên vợ của anh C1) nói với anh B6 việc đang đi đòi số tiền trên do anh C1 nợ L (bút lục 81, 235, 236). Đồng thời, sau sự việc xảy ra ngày 29-7-2016, G3 giới thiệu bị cáo N1 với L, T1 để các ngày 13, 15 tháng 8 năm 2016, các đối tượng M2, T4, P3 đã tham gia đập phá tài sản lần đầu lại tiếp tục cùng N1 đến đập phá tài sản nhà anh C1 rồi gây thương tích cho chị M6 (em vợ của anh C1). Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, anh C1 cho rằng trước sự việc bị các đối tượng nêu trên nhiều lần đến nhà hăm dọa, đập phá tài sản, gây thương thích cho người thân và nhắn tin đe dọa đến vợ của anh nên chị N2 – vợ anh đã nhờ đến bà C4 để thương lượng và giao cho L số tiền 300.000.000 đồng. Do đó, có cơ sở xác định số tiền mà bị hại đã giao cho L là kết quả của cả quá trình thực hiện hành vi từ nhóm của G3 đến nhóm sau do N1 cầm đầu.
Từ những phân tích trên, xét thấy cần điều tra làm rõ để xác định nhóm của G3 gồm: G3, C2, V2, L4, S1, M4, M2, P3, T4, T8 có phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” hay không. Đồng thời xác định ý thức chiếm đoạt của tất cả các bị cáo trong vụ án từ thời điểm nào, cụ thể là bao nhiêu, 300.000.000 đồng hay 800.000.000 đồng để có cơ sở xác định thẩm quyền điều tra, truy tố và xét xử theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
[2] Đối với hành vi “Cố ý gây thương tích”:
Tại các biên bản lấy lời khai (các bút lục 618, 628, 629, 645, 940, 941, 946,947, 950) các bị cáo T4, M2, P3 đều trình bày trước các ngày 13, 15 tháng 8 năm2016 các bị cáo cùng N1 đến quán cà phê cầu Cây Trường trên địa bàn huyện B để bàn bạc, thỏa thuận việc đi đòi nợ anh C1 cho L, lần gặp mặt và bàn bạc này có sự tham gia của bị cáo T1; ngoài lần gặp này, trước đó bị cáo M2 cùng N1 có gặp L, T1 02 lần (lần đầu tại nhà của L và lần sau tại nhà trọ của N1) các lần gặp đó T1 đều đề cập đến vấn đề thuê N1 đi đòi nợ anh C1 cho L. Mặt khác, tại phiên tòa bị cáo N1 đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và cũng thống nhất với lời khai của các bị cáo T4, M2, P3 như trên; bên cạnh đó, bị cáo N1 còn khai nhận: “Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội bị cáo liên lạc với bị cáo T1 để thông báo cho T1 biết việc đã đập phá tài sản nhà anh C1; T1 là người chỉ cho bị cáo biết nhà của chị M6 (em vợ của anh C1) và thống nhất việc gây thương tích cho người thân của anh C1; sau khi gây thương tích cho chị M6 xong, T1 liên lạc thông báo tình hình của chị M6 rất nặng và kêu bị cáo bỏ trốn”. Bị cáo T1 cũng thừa nhận là người giữ liên lạc với N1 nhưng cho rằng bị cáo chỉ nhận thông tin từ N1 để nhắn lại với bị cáo L. Xét thấy, cần tiến hành đối chất, điều tra để làm rõ bị cáo T1 có đồng phạm về tội “Cố ý gây thương tích” không.
[3] Đối với hành vi “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”: Cấp sơ thẩm xác định các bị cáo trong nhóm do G3 cầm đầu phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, các bị cáo trong nhóm do N1 cầm đầu phạm tội “Hủy hoại tài sản, cố ý làm hư hỏng tài sản”. Dựa trên các Kết luận định giá tài sản số 95/KL-ĐG ngày 22-8- 2016 và số 53/KL-ĐG ngày 21-4-2017 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện B chưa chứng minh được loại tài sản nào bị hủy hoại, loại tài sản nào bị hư hỏng; điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc định tội danh và trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với giá trị tài sản bị thiệt hại.
[4] Về áp dụng pháp luật: Cấp sơ thẩm nhận định các bị cáo N1, M2, T4, P3 phạm tội không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nhưng quyết định hình phạt lại áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần, cố ý thực hiện hành vi phạm tội đến cùng quy định tại các điểm e, g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Thêm vào đó, khi lượng hình cấp sơ thẩm phân hóa vai trò, mức độ, nhân thân của từng bị cáo chưa cụ thể, rõ ràng. Những sai sót này ảnh hưởng đến vấn đề quyết định hình phạt đối với từng bị cáo chưa chuẩn xác, khách quan và công bằng.
[5] Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật, tiền liên quan đến tội phạm:
5.1 Cấp sơ thẩm áp dụng các Điều 608, 609 của Bộ luật Dân sự năm 2005 buộc các bị cáo có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho vợ chồng anh C1 và chị M6; ngoài ra còn truy thu đối với các bị cáo trong nhóm do G3 cầm đầu số tiền 10.000.000 đồng mà G3 nhận từ L, T1 nhưng không cá thể hóa trách nhiệm của các bị cáo là không phù hợp với quy định của pháp luật.
5.2 Đối với số tiền 300.000.000 đồng chị N2 giao cho vợ chồng bị cáo L theo giấy nhận tiền ngày 06-10-2016 là tiền mà người phạm tội chiếm đoạt từ hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Vì vậy, căn cứ Điều 41 của Bộ luật Hình sự năm 1999, số tiền này phải được trả lại cho bị hại hoặc sung quỹ nhà nước nếu bị hại không yêu cầu; nhưng cấp sơ thẩm không giải quyết vấn đề này là thiếu sót.
[6] Về án phí dân sự sơ thẩm: Cấp sơ thẩm chưa xác định rõ các bị cáo L, T1, V2, S1 đã nộp tiền khắc phục hậu quả cho hành vi phạm tội của cá nhân hay của tất cả các bị cáo trong vụ án; nhưng lại không tính án phí đối với các bị cáo còn lại trong khi các bị cáo này không thuộc trường hợp được miễn án phí theo quy định tại Điều 12 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên tòa, bị cáo L đồng ý sử dụng số tiền 70.000.000 đồng đã nộp để khắc phục hậu quả cho hành vi phạm tội của các bị cáo L, T1, N1, M2, T4, P3. Do vậy, việc không tính án phí dân sự sơ thẩm cho các bị cáo còn lại vì cho rằng số tiền khắc phục hậu quả của các bị cáo L, T1, V2, S1 nhiều hơn số tiền bồi thường thiệt hại là không có cơ sở, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả và làm thất thu ngân sách của nhà nước.
[7] Từ những nhận định trên, xét thấy còn nhiều nội dung chưa làm rõ, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.
[8] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do hủy án nên các bị cáo không phải chịu.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355; điểm a, b khoản 1 Điều 358 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Hủy Bản án Hình sự sơ thẩm số 14/2018/HSST ngày 29 tháng 3 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Tây Ninh.
Giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện B, tỉnh Tây Ninh giải quyết lại theo thủ tục chung.
2. Về án phí hình sự phúc thẩm: Áp dụng các Điều 135, 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bị cáo không phải chịu.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.
Bản án 61/2018/HS-PT ngày 27/07/2018 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 61/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Tây Ninh |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 27/07/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về