TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CHÂU THÀNH, TỈNH TIỀN GIANG
BẢN ÁN 57/2021/DS-ST NGÀY 01/03/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN
Ngày 01/3/2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 314/2020/TLST-DS ngày 05 tháng 10 năm 2020 về tranh chấp “Hợp đồng mua bán tài sản”, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 03/2021/QĐXXST-DS ngày 04/01/2021 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Hợp tác xã Chế biến thức ăn chăn nuôi BM.
Trụ sở: số 784, Quốc lộ 50, ấp PT, xã TMC, Tp. MT, tỉnh Tiền Giang.
Đại diện theo pháp luật: Ông Lê Huỳnh Minh T – Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm giám đốc.
Đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Hồng Q – Nhân viên Kế toán. Địa chỉ: số 56, ấp Điền Thạnh, xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, theo văn bản ủy quyền ngày 30/10/2020 (có mặt).
2. Bị đơn: - Nguyễn Văn N, sinh năm 1976 (vắng mặt).
- Hồ Thị C, sinh năm 1975 (vắng mặt);
Cùng địa chỉ: ấp T, xã DĐ, huyện CT, tỉnh Tiền Giang.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Trong đơn khởi kiện,bản tự khai cùng ngày 09/9/2020 và trong quá trình tố tụng, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn – ông Phạm Hồng Q trình bày:
Hợp tác xã Chế biến thức ăn chăn nuôi BM (viết tắt là Hợp tác xã BM) và vợ chồng ông Nguyễn Văn N, bà Hồ Thị C có mối quan hệ mua bán từ tháng 3/2015. Theo đó, vợ chồng ông N, bà C mua thức ăn chăn nuôi của Hợp tác xã BM. Giao dịch mua bán thức ăn giữa hai bên không lập thành văn bản. Theo sổ sách quản lý, Hợp tác xã BM đặt mã khách hàng cho vợ chồng ông N, bà C là MSKH 073-608.
Hợp tác xã BM bán cho ông N, bà C thức ăn chăn nuôi nhãn hiệu Win Win do Hợp tác xã BM sản xuất và phân phối. Việc đặt hàng thông qua điện thoại, ông N, bà C gọi điện thoại đặt hàng qua kế toán kho trung chuyển Ấp Bắc, địa chỉ ấp Thuận, xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, kho báo về cho kế toán bán hàng của Hợp tác xã BM tại Mỹ Tho lên đơn hàng, tính tiền, sau đó báo cho kho trung chuyển giao hàng cho ông N, bà C.
Ngày 14/10/2015, ông N, bà C nhận đợt hàng cuối cùng. Kho trung chuyển tại ấp Thuận nói trên ngưng hoạt động từ ngày 31/5/2017.
Đến ngày 24/10/2015, tổng nợ phát sinh là 178.600.000đồng. Đến tháng 3/2016, ông N và bà C đã thanh toán 100.000.000đồng, còn nợ lại 78.600.000 đồng. Số nợ này được ông N xác nhận vào ngày 16/9/2016 ( bút lục 13) như sau: “Xác nhận đúng công nợ 78.600.000 đồng...”.
Ngày 04/3/2017, không thấy ông N thanh toán tiếp phần nợ còn lại, Hợp tác xã BM đã phát hành văn bản về việc yêu cầu thanh toán công nợ lần 1 gửi cho ông N, bà C. Văn bản này đã được bà C nhận và ký xác nhận như sau: “20/3/2017 thanh toán 3.000.000 đồng hàng tháng cho đến hết nợ” (bút lục 12); tuy nhiên sau đó bà C cũng không thực hiện đúng theo nội dung này, nhưng đến ngày 28/3/2017 (trễ hơn hứa hẹn 01 tuần), ông N, bà C có thanh toán cho Hợp tác xã BM 2.000.000 đồng (ít hơn 1.000.000 đồng so với hứa hẹn). Lúc này, số tiền nợ giảm còn 76.600.000đồng.
Ngày 30/6/2017, Hợp tác xã BM đã phát hành văn bản về việc yêu cầu thanh toán công nợ lần 2, đáng lẽ phải ghi số nợ còn lại là 76.600.000đồng, nhưng ghi nhầm thành 76.800.000đồng, gửi cho ông N, bà C. Văn bản này đã được bà C nhận và ký xác nhận như sau: “Xác nhận nợ là đúng 76.800.000đồng. Hàng tháng 30 tây trả 3.000.000đồng” (bút lục 11).
Ngày 15/8/2017, Hợp tác xã BM đã phát hành văn bản về việc yêu cầu thanh toán công nợ lần 3 số tiền 76.600.000đồng gửi cho ông N, bà C. Văn bản này đã được bà C nhận và ký xác nhận như sau: “Thanh toán không đúng hẹn. 1/10/2017 thanh toán 3.000.000đồng” (bút lục 10).
Như vậy, liên tục các tháng 4,5,6,7,8,9/2017, ông N, bà C không thanh toán cho Hợp tác xã BM. Ngoài ra, mãi đến ngày 23/10/2017 ông N, bà C mới thanh toán cho Hợp tác xã BM 3.000.000đồng (nếu đúng hẹn phải là ngày 01/10/2017). Lúc này số nợ còn là 73.600.000đồng.
Tiếp theo các ngày 11/12/2017, 26/01/2018, 28/04/2018, ông N, bà C có thanh toán mỗi lần 2.000.000đồng. Như vậy, tính đến ngày 28/4/2018, ông N, bà C còn nợ Hợp tác xã BM 67.600.000đồng và không thanh toán cho Hợp tác xã BM nữa.
Đến ngày 27/4/2019, Hợp tác xã BM đã phát hành văn bản về việc yêu cầu thanh toán công nợ lần 4 với số tiền 67.600.000đồng gửi cho ông N, bà C. Văn bản này do ông N nhận và ký xác nhận như sau: “Xác nhận công nợ trên là đúng” (bút lục 09). Tuy nhiên, ông N, bà C đã không thanh toán thêm cho Hợp tác xã BM từ sau ngày 28/4/2019. Do đó, Hợp tác xã BM quyết định khởi kiện vợ chồng ông N, bà C.
Tại đơn khởi kiện ngày 09/9/2020, nguyên đơn yêu cầu vợ chồng bị đơn thanh toán cho nguyên đơn tiền nợ mua thức ăn là 67.600.000đồng, nợ lãi được tính là 10%/năm, tính từ ngày 28/4/2018 cho đến khi trả hết nợ.
Đến ngày 03/12/2020, ông N và bà C trả được 20.000.000đồng/tổng nợ gốc là 67.600.000đồng, còn nợ lại Hợp tác xã BM 47.600.000đồng.
Ngày 04/01/2021, ông N và bà C trả được 10.000.000đồng/tổng nợ gốc là 47.600.000đồng, còn nợ lại Hợp tác xã BM 37.600.000đồng.
Tại bản tự khai ngày 18/01/2021, nguyên đơn yêu cầu ông N và bà C trả cho nguyên đơn 37.600.000đồng và các khoản lãi như sau:
- Lãi của 67.600.000đồng từ ngày 29/4/2018 đến ngày 03/12/2020 là: 17.812.983 đồng.
- Lãi của 47.600.000đồng từ ngày 04/12/2020 đến ngày 04/01/2021 là: 409.725đồng.
- Lãi của 37.600.000đồng từ ngày 05/01/2021 đến ngày 18/01/2021 là: 135.723đồng.
* Trong quá trình tố tụng, các bị đơn Nguyễn Văn N và Hồ Thị C trình bày:
Tại bản tự khai ngày 23/11/2020, bà C trình bày là vợ chồng bà có mua thức cho heo tại Hợp tác xã BM. Theo thỏa thuận mua bán hàng hóa ngày 27/3/2015, Hợp tác xã BM giao cho vợ chồng bà đủ 1.000 bao thức ăn để bán lại cho người khác, sau đó hóa đơn kế tiếp mới trả tiền mặt. Hợp tác xã BM chưa giao đủ 1.000 bao thức ăn thì ngưng không giao nữa theo thỏa thuận, nhưng vợ chồng bà vẫn trả tiền cho Hợp tác xã BM. Nay còn nợ 67.600.000đồng. Lúc nuôi heo, do dịch bệnh, heo chết hàng loạt nên gia đình rất khó khăn. Vợ chồng bà đồng ý trả số tiền 67.600.000đồng cho Hợp tác xã BM, nhưng xin trả dần mỗi tháng 2.000.000đồng cho đến khi hết nợ. Đối với yêu cầu tiền lãi vợ chồng bà không đồng ý trả vì lý do Hợp tác xã BM không thực hiện đúng theo thỏa thuận ban đầu.
Tại phiên hòa giải ngày 27/11/2020, vợ chồng bị đơn vẫn thừa nhận còn nợ Hợp tác xã BM số tiền mua thức ăn là 67.600.000đồng. Nếu nguyên đơn yêu cầu vợ chồng bị đơn trả 01 lần thì vợ chồng bị đơn không đồng ý trả lãi, nếu cho trả dần 2.000.000đồng/tháng thì vợ chồng bị đơn sẽ trả lãi theo yêu cầu của nguyên đơn.
Tại phiên tòa hôm nay
* Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Từ thời điểm thực hiện việc khởi kiện cho đến nay, các bị đơn đã thanh toán được 40.000.000đồng tiền nợ cho Hợp tác xã BM. Cụ thể, ngày 03/12/2020 các bị đơn trả được 20.000.000đồng, ngày 04/01/2021 và ngày 19/02/2021 mỗi đợt trả được 10.000.000đồng. Như vậy, tổng nợ còn lại tính đến ngày xét xử mà nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả là 27.600.000đồng. Ngoài ra, nguyên đơn yêu cầu các bị đơn trả lãi chậm thực hiện nghĩa vụ theo quy định pháp luật như sau:
- Lãi của 67.600.000đồng từ ngày 29/4/2018 đến ngày 02/12/2020.
- Lãi của 47.600.000đồng từ ngày 04/12/2020 đến ngày 03/01/2021.
- Lãi của 37.600.000đồng từ ngày 05/01/2021 đến ngày 18/02/2021.
- Lãi của 27.600.000đồng từ ngày 19/02/2021 đến ngày 01/3/2021.
Nếu số tiền lãi trên 9.000.000đồng thì phía nguyên đơn chỉ yêu cầu các bị đơn trả 9.000.000đồng tiền lãi, còn nếu ít hơn 9.000.000đồng, thì lãi được tính bao nhiêu thì chỉ yêu cầu bị đơn trả đúng số tiền lãi được tính.
* Các bị đơn vẫn vắng mặt không có lý do.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào lời trình bày của đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng: Xét các bị đơn bà C, ông N vẫn vắng mặt không có lý do, mặc dù đã được Tòa án nhiều lần triệu tập hợp lệ để tham gia phiên tòa sơ thẩm theo luật định. Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử quyết định xử vắng mặt các bị đơn.
Đối với việc thay đổi yêu cầu khởi kiện của đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, Hội đồng xét xử xét thấy phù hợp với nội dung văn bản ủy quyền ngày 30/10/2020 và phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[2] - Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Theo nội dung đơn khởi kiện, các đương sự tranh chấp với nhau về việc mua bán thức ăn gia súc, nên Hội đồng xét xử xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự là “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản”, được quy định tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Do giao dịch dân sự được xác lập trước ngày 01/01/2017, nên Hội đồng xét xử căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015, áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 liên quan đến hợp đồng mua bán tài sản để giải quyết tranh chấp.
[3] - Về nội dung yêu cầu:
Tại phiên tòa, ông Q trình bày giữa nguyên đơn và vợ chồng bị đơn có mối quan hệ làm ăn, bắt đầu từ tháng 03/2015 cho đến ngày 14/10/2015. Cụ thể là vợ chồng bị đơn mua thức ăn chăn nuôi của Hợp tác xã BM bán lại cho các khách hàng khác. Giao dịch mua bán giữa hai bên không lập thành văn bản. Đến ngày 27/4/2019, ngày chốt nợ cuối cùng trước khi nguyên đơn thực hiện khởi kiện, thì vợ chồng bị đơn xác nhận còn nợ nguyên đơn số tiền 67.600.000đồng (bút lục 09). Lời trình bày của ông Q hoàn toàn phù hợp với lời trình bày của vợ chồng bị đơn được thể hiện tại bản tự khai của bà C và biên bản hòa giải ngày 27/11/2020 (bút lục 27, 29, 30).
Đây là tình tiết không cần phải chứng minh theo quy định tại Khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Do đó, Hợp tác xã BM khởi kiện, yêu cầu các bị đơn trả 67.600.000đồng là có căn cứ chấp nhận. Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm nay, ông Q thừa nhận vợ chồng bị đơn đã trả được 03 lần tiền, tổng cộng là 40.000.000đồng cho nguyên đơn, cụ thể: Ngày 03/12/2020 trả được 20.000.000đồng, ngày 04/01/2021 và ngày 19/02/2021 mỗi đợt trả được 10.000.000đồng.
Nay, ông Q yêu cầu vợ chồng bị đơn trả cho nguyên đơn 27.600.000đồng tiền nợ mua thức ăn là có căn cứ theo quy định tại Điều 428, Điều 438 Bộ luật Dân sự năm 2005, nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Đối với yêu cầu tính lãi của nguyên đơn do bị đơn chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán, theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015, Khoản 2 Điều 305 Bộ luật Dân sự năm 2005, Quyết định số 2886/QĐ- NHNN ngày 29/11/2010 về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam, thì số tiền lãi mà các bị đơn phải trả cho nguyên đơn là hơn 9.000.000đồng. Tại phiên tòa, ông Q chỉ yêu cầu bị đơn trả 9.000.000đồng tiền lãi cho nguyên đơn là hoàn toàn có lợi cho các bị đơn, nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Đối với lời trình bày của các bị đơn liên quan đến cách thức trả nợ tiền mua thức ăn và trả lãi cho nguyên đơn như đã đề cập, ông Q không thừa nhận và không đồng ý. Các bị đơn cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh việc nguyên đơn vi phạm thỏa thuận với mình, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận cho các bị đơn trả dần số nợ còn thiếu nguyên đơn và phải trả lãi theo yêu cầu của nguyên đơn.
Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
[4] - Về án phí: Các bị đơn phải chịu án phí theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ vào Khoản 3 Điều 26, Điều 92, điểm b khoản 2 Điều 227, Khoản 3 Điều 228, Khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
- Áp dụng Điều 428, Điều 438, Khoản 2 Điều 305 Bộ luật Dân sự năm 2005; Khoản 2 Điều 357, điểm c Khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Áp dụng khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Xử:
1/ Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Buộc ông Nguyễn Văn N và bà Hồ Thị C liên đới trả cho Hợp tác xã Chế biến thức ăn chăn nuôi BM tổng số tiền nợ là 36.600.000đồng (trong đó nợ gốc là 27.600.000đồng, nợ lãi chậm thực hiện nghĩa vụ là 9.000.000 đồng). Thời gian thực hiện ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Kể từ ngày nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án, nếu các bị đơn chậm thi hành khoản tiền trên thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm thi hành án. Lãi suất phát sinh do chậm thi hành án được quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015.
2/ Về án phí: Các bị đơn phải liên đới chịu 1.830.000đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Hoàn lại cho nguyên đơn số tiền tạm ứng án phí 2.077.000đồng đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0003213 ngày 01/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
3/ Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Các bị đơn có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 57/2021/DS-ST ngày 01/03/2021 về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản
Số hiệu: | 57/2021/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Châu Thành - Tiền Giang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 01/03/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về