Bản án 567/2017/HSPT ngày 30/10/2017 về tội buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 567/2017/HSPT NGÀY 30/10/2017 VỀ TỘI BUÔN LẬU VÀ LÀM GIẢ CON DẤU, TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Trong các ngày 19, 20, 23, 24 và 30 tháng 10 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 502/2017/HSPT ngày 29 tháng 9 năm 2017 đối với bị cáo Nguyễn Minh H và đồng phạm do có kháng cáo của các bị cáo, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 306/2017/HSST ngày 25 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Các bị cáo có kháng cáo, bị kháng nghị:

1/ Nguyễn Minh H; giới tính: nam; sinh năm 1978 tại Đồng Tháp; Hộ khẩu thường trú: đường Thành T, Phường 14, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghề nghiệp: Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần V; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Trình độ học vấn: 12/12; Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng; Hoàn cảnh gia đình: chưa có vợ, con; Con ông: Nguyễn Minh N, sinh năm 1948 (còn sống) và bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1950 (còn sống); tiền án, tiền sự: không; tạm giam từ ngày 19/9/2014 đến 17/3/2017 được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ngày 23/10/2017 thay đổi biện pháp ngăn chặn từ cấm đi khỏi nơi cư trú sang bắt tạm giam đối với bị cáo Nguyễn Minh H. Bị cáo đang bị tạm giam tại Trại tạm giam công an Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

2/ Võ Mạnh C; giới tính: nam; sinh năm 1978 tại Khánh Hòa; Hộ khẩu thường trú: Nguyễn Văn L, phường B, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghề nghiệp: Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Hàng hải Quốc tế H&C; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Trình độ học vấn: 12/12; Hoàn cảnh gia đình: có vợ là Mai Thị Thu N1, sinh năm 1985 và 02 con, lớn sinh năm 2008, nhỏ sinh năm 2011; Con ông: Võ S, sinh năm 1955 (còn sống) và bà Nguyễn Thị Lan H, sinh năm 1956 (còn sống); Tiền án, tiền sự: không; Tạm giam từ ngày: 19/9/2014 đến 17/3/2017 được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ngày 23/10/2017 thay đổi biện pháp ngăn chặn từ cấm đi khỏi nơi cư trú sang bắt tạm giam đối với bị cáo Võ Mạnh C. Bị cáo đang bị tạm giam tại Trại tạm giam công an Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

3/ Nguyễn Trí N; giới tính: nam; sinh năm 1975 tại Quảng Trị; Hộ khẩu thường trú: Ấp 2, xã S, huyện L, tỉnh Đồng Nai; Chỗ ở: Lê Cao L, phường P, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghề nghiệp: Nguyên Phó Giám đốc Công ty cổ phần V; Dân tộc: Kinh: Tôn giáo: không; Trình độ học vấn: 12/12; Hoàn cảnh gia đình: có vợ là Đỗ Thị Tâm T, sinh năm 1976 và 02 con, lớn sinh năm 2006, nhỏ sinh năm 2009; Con ông: Nguyễn Trí S và bà Nguyễn Thị D; Tiền án, tiền sự: không; Tạm giam từ ngày 04/4/2015 đến 28/11/2015 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn; Bị cáo tại ngoại (có mặt).

4/ Ngô Anh Q; giới tính: nam; sinh năm 1984 tại Quảng Trị; Hộ khẩu thường trú: Khu phố 3, Phường 2, thị xã Q, tỉnh Quảng Trị; Chỗ ở: đường Thành T, Phường 14, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghề nghiệp: Nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần V; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Trình độ học vấn: 12/12; Hoàn cảnh gia đình: có vợ là Trần Khánh P và 03 con, lớn nhất sinh năm 2013, nhỏ nhất sinh năm 2015 (sinh đôi); Con ông: Ngô Hương T, sinh năm 1950 (còn sống) và bà Trần Thị Hồng H, sinh năm 1954 (còn sống); Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại (có mặt)

5/ Phan Cẩm L; giới tính: nữ; sinh năm 1973 tại Thành phố Hồ Chí Minh; Hộ khẩu thường trú: đường Phạm Văn X, phường P, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh; Chỗ ở: Trần Quang C, phường P, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghề nghiệp: Nguyên Phó trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty cổ phần V; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Trình độ học vấn: 12/12; Hoàn cảnh gia đình: có chồng là Lê Doãn Việt A, sinh năm 1973 và 02 con, lớn sinh năm 2003, nhỏ sinh năm 2005; Con ông Phan Văn T, sinh năm 1940 (còn sống) và bà Phan Mỹ L, sinh năm 1944 (còn sống); Tạm giam từ ngày 04/4/2015 đến 28/11/2015 được thay đổi biện pháp ngăn chặn; tiền án, tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại (có mặt).

6/ Lê Thị Vũ P; giới tính: nữ; sinh năm 1982 tại Tây Ninh; Hộ khẩu thường trú: Ấp 2, xã B, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh; Chỗ ở: Đường Lê Đại H, Phường 11, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghề nghiệp: Nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần V; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Trình độ học vấn: 12/12; Hoàn cảnh gia đình: có chồng là Trần Ngọc T, sinh năm 1978 và 01 con mới sinh năm 2017; Con ông Lê Hùng V, sinh năm 1958 (còn sống) và bà Lê Thị P, sinh năm 1959 (còn sống); Tiền án, tiền sự: không; Tạm giam từ ngày 04/7/2015 đến 08/3/2016 được thay thế biện pháp ngăn chặn; bị cáo tại ngoại (có mặt).

7/ Bùi Ngọc D; giới tính: nam; sinh năm 1986 tại Đắk Lắk; Hộ khẩu thường trú: Trần Hưng Đ, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; Chỗ ở: Ba Đ, Phường 8, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển Công ty Cổ phần V; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Trình độ học vấn: 12/12; Hoàn cảnh gia đình: có vợ là Dương Yến N, sinh năm 1991 và 01 con sinh năm 2015; Con ông Bùi Ngọc D, sinh năm 1956 (còn sống) và bà Huỳnh Thị Bích L, sinh năm 1956 (đã chết); Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại (có mặt).

8/ Phạm Văn T; giới tính: nam; sinh năm 1954 tại Hải Dương; Hộ khẩu thường trú: Huỳnh Văn N, Phường 15, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghề nghiệp: Dược sĩ; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Trình độ học vấn: 12/12; Hoàn cảnh gia đình: có vợ là Nguyễn Hồng T, sinh năm 1964 (đã ly hôn) và 01 con sinh năm 1989; Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng; Con ông Phạm Văn H, sinh năm 1928 (đã chết) và bà Phạm Thị T, sinh năm 1934 (còn sống); tiền án, tiền sự, tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại (có mặt).

9/ Phạm Anh K; giới tính: nam; sinh năm 1963 tại Vĩnh Long; Hộ khẩu thường trú: đường 3/2, Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghề nghiệp: Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dược S (Sapharco); Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Trình độ học vấn: 12/12; Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng; Hoàn cảnh gia đình: có vợ là Phạm Thị ngọc A, sinh năm 1964 và 02 con, lớn sinh năm 1995, nhỏ sinh năm 2000; Con ông Phạm Thành N, sinh năm 1935 (còn sống) và bà Nguyễn Ngọc L, sinh năm 1941 (còn sống); Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại (có mặt)

- Người bào chữa cho các bị cáo:

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh H theo yêu cầu:

1/ Luật sư Nguyễn Đình H1 – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội (có mặt)

2/ Luật sư Vũ Thị Kim N1 – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội (có mặt) Bào chữa cho bị cáo Võ Mạnh C theo yêu cầu:

Luật sư Khưu Thanh T1 – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt) Bào chữa cho các bị cáo Nguyễn Trí N, Ngô Anh Q và bị cáo Bùi Ngọc D theo yêu cầu của Tòa án:

Luật sư Đỗ Hải B – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt). Bào chữa cho bị cáo Lê Thị Vũ P:

1/ Luật sư Trương Anh T2 – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội (có mặt)

2/ Luật sư Ngô Huỳnh Phương T3 – Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh (có mặt)

Bào chữa cho bị cáo Phan Cẩm L theo yêu cầu của Tòa án:

Luật sư Tạ Thanh P1 – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt). Bào chữa cho bị cáo Phạm Anh K:

Luật sư Cao Đình T4 – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt)

- Nguyên đơn dân sự: Công ty cổ phần V

Địa chỉ: đường 3/2, phường 14, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự: Bà Nguyễn Thị H2 – Phó Tổng giám đốc (có mặt).

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

1/ Bà Hoàng Trúc V (có mặt ngày 19/10/2017, 20/10/2017; vắng mặt ngày 23/10/2017, 24/10/2017, 30/10/2017)

Hộ khẩu thường trú: Đường 19/4, phường X, Thành phố P, tỉnh Bình Thuận. Chỗ ở: Nguyễn Ngọc P, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh

2/ Ông Nguyễn Tất Đ (xin xét xử vắng mặt)

Hộ khẩu thường trú: Trung H, Nhân C, Thành phố Hà Nội.

3/ Ông Phan Công C1 (có mặt ngày 24/10/2017)

Hộ khẩu thường trú: Ngách 5/21 Hoàng Quốc V, N, quận C, Hà Nội.

4/ Ông Nguyễn Quang H3 (xin xét xử vắng mặt)

Hộ khẩu thường trú: Tầng 10 Chung cư Láng H, B, Hà Nội.

5/ Bà Phạm Quỳnh T5 (có mặt)

Hộ khẩu thường trú: Lã Xuân O, Khu phố 7, phường T, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh.

6/ Bà Mại Thị Thu N1 (có mặt)

Hộ khẩu thường trú: Nguyễn Văn L, phường B, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

7/ Bà Tăng Thị Diệu L1 (vắng mặt)

Hộ khẩu thường trú: Ngách 618, Đội N, B, Hà Nội. Chỗ ở: Tổ 18, Cụm 2, Xuân L, T, Hà Nội.

8/ Ông Đào Văn Đ1 (xin xét xử vắng mặt) Hộ khẩu thường trú: Hồng P, V, H, Hà Nội. Chỗ ở: Nguyễn Văn T, M, H, Hà Nội.

9/ Ông Phạm Đình C2 (có mặt)

Hộ khẩu thường trú: Hòa H, Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

10/ Ông Phan Xuân T6 (vắng mặt)

Địa chỉ: Nguyễn Ngọc L, phường 14, Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.

11/ Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong – Chi nhánh Hồ Chí  Minh

Địa chỉ: Nguyễn Thị Minh K, phường N, Quận 1, Thành phố Hồ Chí  Minh

Người đại diện hợp pháp: Ông Huỳnh Văn Bảo T7 – Trưởng phòng xử lý nợ (có mặt ngày 23/10/2017).

12/ Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân Đội

Địa chỉ: Cát L, phường C, quận Đ, thành phố Hà Nội

Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Tuấn K1– Cán bộ pháp chế (có mặt ngày 30/10/2017).

13/ Cục Quản lý D – Bộ Y tế (có mặt ngày 24/10/2017)

- Ông Đỗ Trung H4 – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế

- Ông Phan Công C1– Trưởng nhóm Pháp chế thẩm định hồ sơ nhập khẩu thuốc H-Capita

- Ông Chu Đăng T8 – Trưởng phòng Thông tin Quảng cáo thuốc

- Ông Nguyễn Huy H4 – Trưởng Phòng đăng ký thuốc

- Ông Nguyễn Thành L2 – Trưởng phòng Quản lý giá thuốc

- Bà Nguyễn Minh H5 – Trưởng phòng Thanh tra Dược mỹ phẩm

- Bà Phạm Thị Vân H6 – Phó trưởng phòng Quản lý kinh doanh dược

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nội dung bản án sơ thẩm, hành vi phạm tội của các bị cáo được tóm tắt như sau:

Công ty Cổ phần V, được thành lập ngày 25/10/2011, có trụ sở tại: đường 3/2, phường 14, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, do Nguyễn Minh H làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc; ngành nghề chính kinh doanh, buôn bán thuốc chữa bệnh. Từ năm 2012, Nguyễn Minh H đã thông qua môi giới là Võ Mạnh C Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Hàng hải Quốc tế H&C (Công ty H&C), có ngành nghề kinh doanh chính là đại lý tàu biển và dịch vụ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, đặt mua một số loại thuốc tân dược mang nhãn mác Helalth 2000 Canada sản xuất.

Đến năm 2013, Nguyễn Minh H tiếp tục đặt Võ Mạnh C mua thuốc tân dược có nhãn mác do Công ty H Pharmaceuticals Canada (Công ty H Canada) sản xuất để bán và đấu thầu cung cấp cho các Bệnh viện ở Việt Nam; trong đó có thuốc H- Capita 500 mg Caplet (Capicitabine 500 mg) chữa bệnh ung thư. Khi Công ty Cổ phần V nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet về kho, do nghi ngờ về nguồn gốc thuốc nhập khẩu, vì vậy Cục Quản lý D đã yêu cầu Nguyễn Minh H và Võ Mạnh C giải trình và tiến hành thanh tra, kiểm tra Công ty Cổ phần V và kịp thời niêm phong lô thuốc không cho bán ra thị trường. Ngày 01/8/2014, Cục Quản lý D có Công văn 13134/QLD-KD yêu cầu Công ty Cổ phần Pharma tạm ngừng nhập khẩu và lưu hành đối với các thuốc của nhà sản xuất H Pharmaceuticals Inc Canada. Ngày 08/8/2014, Cục Quản lý D có Công văn 13499/QLD-KD gửi Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an đề nghị xác minh thông tin liên quan đến lô thuốc trên. Sau đó, Cục An ninh chính trị nội bộ đã chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan sang Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Kết quả điều tra đã xác định: Nguyễn Minh H đặt mua thuốc H-Capita với giá 0,8 USD/1 viên, quá trình thương lượng, Nguyễn Minh H và Võ Mạnh C thống nhất giá mua thuốc H-Capita là 0,9 USD/viên (tương đương 27 USD/1hộp). Sau khi thống nhất giá, Võ Mạnh C liên hệ mua lại loại thuốc trên của người có tên là R ở Philippines (hiện không xác định được nhân thân, lai lịch) với giá 0,6 USD/1 viên (18 USD/1 hộp). R đã gửi các giấy chứng nhận từ Philippines để C cung cấp cho Công ty Cổ phần V gồm các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC) tại Canada của thuốc H-Capita 500 mg Caplet và Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) do Bộ Y tế Canada cấp cho Công ty Công ty H Canada, được đóng dấu hợp pháp hóa Lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada và ký tên Tham tán Nguyễn Văn Q. Kết quả xác minh, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cho biết: Đại sứ quán Việt Nam tại Canada chỉ có Tham tán Nguyễn Văn Q1, không có Tham tán tên là Nguyễn Văn Q; ông Nguyễn Văn Q1 nguyên Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Canada khẳng định không ký hợp pháp hóa lãnh sự tài liệu nào cho Công ty H Canada. Kết quả Giám định số: 795/C54-P5 ngày 27/02/2015 của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an kết luận: Dấu hợp pháp hóa Lãnh sự và chữ ký của Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc và Giấy chứng nhận bán hàng tự do này đều là giấy tờ giả.

Do không có Hồ sơ kỹ thuật thuốc cũng như: “Tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc” để nộp cho Cục Quản lý D thẩm định theo quy định của Bộ Y tế, nên Nguyễn Minh H đã chỉ đạo Bùi Ngọc D (Trưởng phòng) và Hoàng Trúc V (nhân viên Phòng nghiên cứu phát triển Công ty Cổ phần V) thuê Dược sỹ Phạm Văn T viết hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita 500mg Caplet; trong đó có phần “Tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc” với giá thoả thuận là 2.000 USD, để nhằm hợp thức hồ sơ nộp cho Cục Quản lý D cấp giấy phép nhập khẩu và đăng ký lưu hành thuốc. Phạm Văn T dựa vào thành phần, công thức ghi trên FSC và tham khảo dược điển của Mỹ và hồ sơ kỹ thuật của loại thuốc có hoạt chất tương tự đã sản xuất tại Việt Nam để viết các tài liệu gồm: Hồ sơ kỹ thuật; Hướng dẫn sử dụng (HDSD) và “Tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm” thuốc H-Capita 500mg Caplet. Khi viết xong, Phạm Văn T chuyển cho Bùi Ngọc D và Hoàng Trúc V đóng dấu Công ty H Canada trên Hồ sơ để đăng ký (Visa) và chuyển phần “Tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm” cho Phan Cẩm L nộp cho Cục Quản lý D thẩm định, cấp giấy phép nhập khẩu (khi khởi tố vụ án, Bùi Ngọc D đã vứt bỏ con dấu Công ty H cùng nhiều con dấu nước ngoài khác, Cơ quan điều tra đã thu giữ được các biên bản bàn giao các con dấu nước ngoài của Phòng nghiên cứu phát triển Công ty Cổ phần V). Trong hồ sơ nộp Cục Quản lý D có một số nội dung không thống nhất giữa FSC, Tiêu chuẩn chất lượng và HDSD về thành phần tá dược, hạn dùng, nhiệt độ bảo quản… Do lúc đầu Bùi Ngọc D và Hoàng Trúc V cung cấp cho Phạm Văn T FSC ghi sai tên hoạt chất chính, Thông đã viết hồ sơ kỹ thuật theo FSC này, sau đó Thông phát hiện lỗi của FSC và yêu cầu Bùi Ngọc D cung cấp lại FSC mới, vì vậy có tài liệu trong Hồ sơ kỹ thuật viết theo FSC mới và có tài liệu trong hồ sơ kỹ thuật viết theo FSC cũ, dẫn đến trong hồ sơ nộp cho Cục Quản lý D có một số nội dung không thống nhất.

Ngoài hồ sơ thuốc H-Capita 500 mg Caplet, Nguyễn Minh H còn chỉ đạo Bùi Ngọc D và Phạm Văn T (trong thời gian Thông làm việc tại Phòng Nghiên cứu phát triển Công ty Cổ phần V) thuê các Dược sỹ Tăng Thị Diệu L1 và Đào Văn Đ1 chỉnh sửa nhiều bộ hồ sơ thuốc khác lấy tên Công ty H Canada để Công ty Cổ phần V đăng ký lưu hành thuốc và xin cấp giấy phép nhập khẩu tại Cục Quản lý D, trong đó có 07 thuốc đã được Cục Quản lý D cấp số đăng ký lưu hành, 03 thuốc được cấp giấy phép nhập khẩu. Nhưng sau khi khởi tố vụ án, Cục Quản lý D đã ra quyết định thu hồi số đăng ký lưu hành và giấy phép nhập khẩu 07 thuốc nói trên. Bùi Ngọc D khai nhận, ngoài việc đóng dấu Công ty H Canada trên hồ sơ, D còn ký giả chữ ký của Giám đốc và nhân viên Công ty H Canada để hoàn thiện hồ sơ nộp cho Cục Quản lý D. Phạm Văn T khai nhận: Trong việc viết hồ sơ kỹ thuật thuốc của Công ty H Canada nói trên cho Công ty Cổ phần V, Thông được Công ty Cổ phần V trả tổng cộng 222.600.000 VNĐ (tương đương 10.600 USD); trong đó, riêng việc viết hồ sơ thuốc H-Capita 500mg Caplet, Thông đó nhận 33.600.000 VNĐ (tương đương 1.600 USD, trong tổng số tiền mà Thông đó thoả thuận với Công ty Cổ phần V là 2.000 USD.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita 500mg Caplet, Nguyễn Minh H chỉ đạo Nguyễn Trí N - Phó tổng Giám đốc và Phan Cẩm L - Phó trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần V lập Đơn hàng số: 225/HĐ/VNP-NK ngày 16/10/2013, đề nghị Cục Quản Dược Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet do Công ty H Canada sản xuất, thông qua nhà cung cấp là Công ty A Specialities Co. có địa chỉ tại: Unit R2, R2U, G/F, Valiant IND CTR, 2-12 Au Pai Wan Str, Fo Tan Shai, NT, Hồng Kông (Công ty A-Hồng Kông) do ông L làm Giám đốc, đây là công ty nước ngoài kinh doanh dược phẩm đó được Bộ Y tế cấp Giấy phép hoạt động về thuốc tại Việt Nam); kèm theo hồ sơ pháp lý, gồm: Giấy chứng nhận FSC, GMP (giả); hộp thuốc và toa thuốc mẫu do Võ Mạnh C cung cấp; tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm thuốc và Tờ HDSD bằng tiếng Việt do Phạm Văn T viết; nhãn mác lưu hành tại Việt Nam do Phòng nghiên cứu phát triển Công ty Cổ phần V tự thiết kế.

Trên cơ sở hồ sơ của Công ty Cổ phần V cung cấp, Cục Quản lý D thành lập Tổ thẩm định do ông Nguyễn Tất Đ (khi đó là Trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược, hiện là Phó cục trưởng Cục Quản lý D) làm Tổ trưởng gồm 03 nhóm: Nhóm thẩm định tiêu chuẩn chất lượng và Phương pháp kiểm nghiệm do Chuyên gia Trần Phương H7 cán bộ viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương làm Trưởng nhóm; Nhóm Thẩm định dược lý và lâm sàng do chuyên gia Đỗ Minh H8 Phó trưởng phòng Đăng ký Thuốc Cục Quản lý D làm Trưởng nhóm và nhóm Thẩm định pháp lý hồ sơ do ông Phan Công C1 Phó trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược làm Trưởng nhóm, đã tiến hành thẩm định đơn hàng và hồ sơ kèm theo thuốc H-Capita 500mg Caple của Công ty Cổ phần V nói trên. Theo các biên bản thẩm định từ ngày 05/11/2013 đến ngày 25/12/2013, Tổ thẩm định đã đánh giá hồ sơ đạt yêu cầu và đề nghị Dệt nhập đối với đơn hàng trên. Căn cứ vào các biên bản thẩm định và đề xuất trên, ông Trương Quốc C2 Cục trưởng Cục Quản lý D Bộ Y tế đã ký Công văn số 22113/QLD-KD ngày 30/12/2013, cho Công ty Cổ phần V được nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet do Công ty H Canada sản xuất, thông qua nhà cung cấp là Công ty A-Hồng Kông. Qua điều tra xác định tại thời điểm thẩm định, cấp phép cho đơn hàng thuốc H-Capita 500mg Caplet nói trên, Công ty cung cấp thuốc A Hồng Kông đã hết hạn Giấy phép hoạt động tại Việt Nam (Giấy phộp số 08/GP-2011/03 ngày 06/10/2011 do Bộ Y tế cấp cho Công ty A Hồng Kông có thời hạn đến ngày 06/10/2013) và hồ sơ thuốc H-Capita 500mg Caplet của Công ty Cổ phần V nộp cho Cục Quản lý D có nội dung không thống nhất như: Tên thuốc, thành phần tá dược, hạn dùng và nhiệt độ bảo quản… Nhưng tổ thẩm định hồ sơ Cục Quản lý D không phát hiện được. Vì vậy, Cục Quản lý D đã đồng ý cấp Giấy phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet cho Công ty Cổ phần V.

Ngày 13/01/2014, sau khi có giấy phép nhập khẩu của Cục Quản lý D Bộ Y tế cấp, Võ Mạnh C đó ký hợp đồng bán thuốc H-Capita 500 mg Caplet cho Công ty Cổ phần V với giá 27 USD/1 hộp, đóng dấu Công ty H Canada chuyển cho Phan Cẩm L. Sau đó Nguyễn Minh H chỉ đạo Phan Cẩm L làm giả hợp đồng và phụ lục hợp đồng mua thuốc H-Capita 500 mg Caplet với Công ty A Hồng Kông (Hợp đồng số 01/Cape/2013 và phụ lục 01; 02). Do Giấy phép của Công ty A - Hồng Kông hoạt động tại Việt Nam được Bộ Y tế cấp đến ngày 06/10/2013 đã hết hạn, nhưng thời điểm Công ty Cổ phần V xin Cục Quản lý D Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thuốc H-Capita 500mg Caplet ghi ngày 30/10/2013. Nên Nguyễn Trí N và Phan Cẩm L ghi lùi ngày trên Hợp đồng và phụ lục là ngày 01/10/2013 để hợp thức hồ sơ, phù hợp với thời gian còn hiệu lực hoạt động của Công ty A - Hồng Kông tại Việt Nam. Giá thuốc trên Hợp đồng được Nguyễn Minh H chỉ đạo Nguyễn Trí N và Phan Cẩm L nâng khống từ 27 USD/1 hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet lên 75 USD/1 hộp và làm giả thoả thuận giảm giá với Công ty A Hồng Kông, giá thực tế nâng khống là 61,5 USD/1 hộp. Sau khi soạn thảo xong hợp đồng Loan chuyển cho Nguyễn Minh H đóng dấu Công ty A Hồng Kông, dấu chữ ký Giám đốc L và chuyển cho Nguyễn Trí N ký hợp đồng và đóng dấu Công ty Cổ phần V để làm thủ tục nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet.

Kết quả điều tra xác định: Từ năm 2012 đến tháng 8/2013, con dấu mang tên Công ty A Hồng Kông và dấu chữ ký L là của Phạm Anh K, mặc dù K không phải là nhân viên hay đại diện uỷ quyền của Công ty A Hồng Kông. Con dấu, dấu chữ ký không được đăng ký, lưu hành và sử dụng tại Việt Nam; nhưng Phạm Anh K vẫn sử dụng đóng con dấu và dấu chữ ký khống này trên nhiều tờ giấy A4 đã được đánh dấu (bằng bút chì) tại vị trí cần đóng dấu theo yêu cầu của Nguyễn Minh H để nhân viên dưới quyền làm hợp đồng mua thuốc, hoá đơn bán hàng của Công ty Cổ phần V với Công ty A Hồng Kông. Đến cuối năm 2013, Phạm Anh K chuyển các con dấu này cho Nguyễn Minh H, để sử dụng các con dấu này đóng trên hợp đồng và các phụ lục hợp đồng nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet. Lời khai của các bị cáo Phan Cẩm L, Nguyễn Trí N và người có liên quan phù hợp với lời khai của Phạm Anh K về việc sử dụng con dấu mang tên Công ty A Hồng và dấu chữ ký L được đóng trên các hợp đồng và các phụ lục hợp đồng nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet của Công ty Cổ phần V. Căn cứ vào Kết luận Giám định số: 385/C54-P5 ngày 13/02/2015 của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an xác định: Dấu mang tên Công ty A - Hồng Kông đóng Hợp đồng mua bán thuốc H-Capita 500 mg Caplet không phải là con dấu của Công ty A - Hồng Kông đã được Cục Quản lý D Bộ Y tế cấp phép cho hoạt động tại Việt Nam.

Ngày 11/4/2014, Công ty Cổ phần V mở Tờ khai hải quan số 6520 nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet theo Hợp đồng số 01/Cape/2013 ngày 01/10/2013 nói trên tại Cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh. Để làm thủ tục thông quan lô thuốc trên, Nguyễn Minh H chỉ đạo Phan Cẩm L liên hệ với Nguyễn Quang H3, trú tại: chung cư Láng H, phường T, quận B, thành phố Hà Nội, để Huy cung cấp Giấy phép hoạt động của Công ty A Hồng Kông nộp cho Hải quan. Nguyễn Quang H3 đã cung cấp cho Phan Cẩm L bản sao Công chứng Giấy phép hoạt động của Công ty A Hồng Kông theo sự chỉ đạo của Phạm Anh K. Tháng 9/2014, Phạm Anh K yêu cầu Nguyễn Minh H chuyển cho Nguyễn Quang H3 10.000 USD là tiền chi phí sử dụng pháp nhân của Công ty A Hồng Kông, ngày 12/9/2014, Nguyễn Văn T9 nhân viên Công ty Cổ phần V đó chuyển 212.156.334 VN đồng (tương đương 10.000 USD) vào tài khoản của Nguyễn Quang H3 tại Ngân hàng ACB. Theo yêu cầu của Công ty Cổ phần V và thực hiện sự chỉ đạo của Võ Mạnh C, Phạm Quỳnh T5 và Mại Thị Thu N1 (vợ C), là nhân viên Công ty H&C đã in hóa đơn thương mại (Invcoice), sửa giá mua thuốc H- Capita 500mg Caple từ 27 USD/1 hộp lên 75 USD/1 hộp và cung cấp Giấy chứng nhận kiểm nghiệm xuất xưởng lô thuốc H-Capita 500mg Caple (COA) được đóng dấu giả Công ty H Canada cùng vận đơn, giấy thông báo hàng đến chuyển cho Công ty Cổ phần V làm thủ tục Hải quan. Kết luận giám định số 975/C54 ngày 27/02/2015 của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an xác định: Dấu mang tên Công ty H Canada đóng trên các tài liệu Invoice và COA là con dấu mà Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thu giữ được khi khám xét công ty của Võ Mạnh C. Khi làm thủ tục Hải quan, do các bị cáo làm giả hợp đồng, ghi lùi ngày trên hợp đồng nhập khẩu, vì vậy khi kiểm tra hồ sơ nhập khẩu của Công ty Cổ phần V, ông Phạm Đình C2 cán bộ Hải quan cửa khẩu quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất đã không phát hiện được việc làm gian dối của Công ty Cổ phần V, nên đã cho thông quan lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet nói trên.

Về nguồn gốc lô thuốc H-Capita 500mg Caplet, Võ Mạnh C khai không biết thực tế thuốc được sản xuất ở đâu. Quá trình điều tra phát hiện trên các thùng hàng (thuốc H-Capita 500mg Caplet) có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay Ấn Độ và dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore phù hợp với văn bản trả lời uỷ thác của Singapore. Cơ quan điều tra đã có yêu cầu tương trợ tư pháp đối với Ấn Độ và Canada, nhưng chưa có kết quả. Xác minh mã số, mã vạch in trên vỏ hộp thuốc H- Capita 500mg Caple, Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bộ Công thương xác định mã số, mã vạch này không được đăng ký bởi quốc gia nào; Kết quả giám định giấy chứng nhận FSC và GMP là giả. Ngày 30/9/2014, Bộ Ngoại giao có Công văn số 1958/BNG-CM-m gửi Cục An ninh chính trị nội bộ-Bộ Công an trả lời kết quả xác minh địa chỉ tại: Toronto, Ontario, Canada không có Công ty H Pharmaceuticals Inc, có số, ngày đăng ký kinh doanh như giấy tờ nộp cho Cục Quản lý D. Như vậy, lô thuốc H-Capita 500mg Caplet do Công ty Cổ phần V nhập khẩu vào Việt Nam ngày 11/4/2014 là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Căn cứ vào Kết luận Giám định số: 31/KLGĐ-BYT ngày 22/ 4/2015 của Hội đồng giám định Bộ Y tế kết luận: Lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet nói trên chứa 97% hoạt chất Capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người. Kiểm nghiệm các chỉ tiêu về mô tả màu sắc và tạp chất liên quan không đạt theo tiêu chuẩn cơ sở, cụ thể: Màu sắc theo tiêu chuẩn cơ sở phải là đỏ, nhưng viên thuốc thành phẩm có màu hồng “tạp chất liên quan, phần tạp không định danh lớn nhất” theo tiêu chuẩn cơ sở phải dưới 1% nhưng thuốc thành phẩm có tạp chất lớn đến 0,17%. Tờ HDSD, nhãn vỉ thuốc, nhãn hộp thuốc H-Capita 500mg Calet có nội dung không đúng với tờ HDSD, nhãn vỉ thuốc, nhãn hộp thuốc thiết kế trong hồ sơ đơn hàng nhập khẩu thành phẩm chưa có số đăng ký đã được Cục Quản lý D phê Dệt. Tờ HDSD thực tế và tờ HDSD được Dệt ghi khác nhau về thành phần tá dược; HDSD được Dệt ghi thông tin số điện thoại và số fax của nhà sản xuất nhưng tờ HDSD thực tế không có thông tin này.

Kiểm tra thực tế một số hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet của lô hàng trên: Có hộp chứa 02 tờ HDSD, có hộp không có HDSD, có hộp chứa vỉ rỗng không có viên thuốc, có hộp đúng 04 vỉ (sai quy cách 03 vỉ/1 hộp). Như vậy, các nội dung sai khác trên thể hiện thuốc H-Capita 500 mg Calet đã sản xuất, gia công không được kiểm nghiệm đảm bảo yêu cầu chỉ tiêu, chất lượng trước khi xuất xưởng.

Để hợp thức hồ sơ, chứng từ thanh toán tiền mua lô thuốc H-Capita 500mg Caplet tại Hợp đồng giả số 01/Cape/2013 ngày 01/10/2013 nói trên. Theo chỉ đạo của Nguyễn Minh H, Lê Thị Vũ P đã cung cấp cho Phan Cẩm L số tài khoản thụ hưởng ở Hồng Kông là Công ty Auspicious Keen Limited và Công ty Sigma Holding Corp, đều có địa chỉ tại: Nathan Road, Tsim Sha Tsui, Kowloon, Hồng Kông, để Phan Cẩm L đưa vào hợp đồng với Công ty A Hồng Kông, rồi chuyển cho Phòng Kế toán sử dụng làm thủ tục đề nghị Ngân hàng (Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng Tiên Phong, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội) thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài rồi lấy lại (thực chất đây là các tài khoản của dịch vụ chuyển tiền thuê do người có tên là Nga hiện ở Ucraina, chưa rõ nhân thân, lai lịch cung cấp cho Lê Thị Vũ P). Ngô Anh Q và Lê Thị Vũ P đã ký lệnh đề nghị Ngân hàng chuyển tiền vào 02 tài khoản tại Hồng Kông nói trên, sau đó cơ sở dịch vụ chuyển tiền thuê tại thành phố Hồ Chí Minh chuyển tiền lại cho Công ty Cổ phần V. Lê Thị Vũ P giao cho Nguyễn Thị C3 thủ quỹ Công ty giữ và chuyển cho Phan Cẩm L để trả tiền mặt cho Võ Mạnh C theo đúng giá thực mua của C là 27 USD/hộp. Số tiền nâng khống giá thuốc, Ngô Anh Q chỉ đạo Lê Thị Vũ P chi phí “hoa hồng” cho các Bác sĩ tại các Bệnh viện để kê đơn tiêu thụ các loại thuốc mà Công ty Cổ phần V đã cung cấp trước đó. Từ ngày 13/01/2014 đến 19/9/2014, Ngô Anh Q và Lê Thị Vũ P đã 06 lần ký lệnh chuyển tiền ra nước ngoài (Philippines và Hồng Kông) thanh toán theo Hợp đồng số 01/Cape/2013 ngày 01/10/2013 và các phụ lục giả số 01, số 02 cụ thể: Ngày 14/01/2014, chuyển 22.410 USD vào tài khoản mang tên Công ty H Pharmaceuticals Inc ở Philippines để đặt cọc sản xuất thuốc (tương đương 10% giá trị hợp đồng ban đầu với giá 27 USD/hộp: 8.300 hộp x 27 USD/hộp = 224.100 USD); ngày 17/01/2014, chuyển khoản 11.205 USD vào tài khoản của Công ty Auspicious Keen Limited; ngày 17/4/2014, chuyển khoản 46.000 USD vào tài khoản Công ty H Pharmaceuticals Inc; ngày 24/4/2014, chuyển khoản 100.000 USD vào tài khoản của Công ty Auspicious Keen Limited; ngày 08/5/2014, chuyển khoản 71.485 USD vào tài khoản của Công ty Sigma Holding Corp; ngày 19/9/2014, chuyển 320.850 USD vào tài khoản của Công ty Sigma Holding Corp.

Tổng cộng, Công ty Cổ phần V đã chuyển 571.950 USD (tương đương 61.5 USD/hộp) vào tài khoản của: Công ty H Pharmaceuticals Inc ở Philippines 68.410 USD; Auspicious Keen Limited 111.205 USD và Sigma Holding Corp 392.335 USD. Trong đó 68.410 USD chuyển vào tài khoản của H Pharmaceuticals Inc để trả cho R, còn số tiền 02 tài khoản ở Hồng Kông, Công ty Cổ Phần V đã lấy lại để trả tiền mặt cho Võ Mạnh C ở Việt Nam, tổng cộng 182.690 USD (tương đương 3.858.116.425 VN đồng, tính theo tỷ giá mua USD của Ngân hàng khi Công ty V chuyển tiền), nhưng không có chứng từ thu chi và không được hạch toán trong sổ sách của Công ty. Sau khi nhận tiền từ Công ty V, C chuyển cho R 02 lần, tổng cộng 151.926 USD (tương đương 3.208.556.430 VN đồng tính theo tỷ giá mua USD của Ngân hàng khi Công ty Cổ phần V chuyển tiền) qua tài khoản của Công ty H&C tại Ngân hàng Vietcombank; sau khi chuyển trả tiền cho R, số tiền còn lại C được hưởng là 2.093.623.145 VN đồng. Tổng cộng số tiền Công ty V đã thanh toán cho C và trả cho Công ty H Pharmaceuticals Inc ở Philippines là 251.100 USD (tương đương 5.302.179.575 VN đồng tính theo tỷ giá mua USD của Ngân hàng khi Công ty V chuyển tiền, phù hợp với giá 27 USD/hộp). Số tiền 320.850 USD (tương đương 6.805.870.200 VN đồng) còn lại là khoảng chênh lệch nâng khống giá thuốc, Ngô Anh Q đã chỉ đạo Lê Thị Vũ P đi làm thủ tục chuyển số tiền này sang tài khoản Công ty Sigma Holding Hồng Kông vào ngày 19/9/2014, để hợp thức việc thanh toán theo hợp đồng giả đã ký với Công ty A Hồng Kông. Số tiền này, sau khi nhận lại qua dịch vụ chuyển tiền thuê, Ngô Anh Q đã chỉ đạo Lê Thị Vũ P chi phí “hoa hồng” cho các Bác sĩ tại các Bệnh viện để kê đơn tiêu thụ các loại thuốc mà Công ty Cổ phần V đã cung cấp trước đó. Quá trình điều tra, Ngô Anh Q đã giao nộp cho Cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền cho nhân viên Phòng bán hàng để chi phí cho Bác sỹ các Bệnh viện mà Công ty Cổ phần V có quan hệ cung cấp thuốc, tổng cộng xấp xỉ 7,5 tỷ VN đồng. Các bị cáo Ngô Anh Q, Nguyễn Trí N và Lê Thị Vũ P cũng đều khai nhận mục đích nâng khống giá thuốc trên các hợp đồng nhập khẩu thuốc của Công ty Cổ phần V (trong đó có hợp đồng mua thuốc H-Capita 500 mg Caplet) để lấy tiền chi phí cho việc bán thuốc vào các bệnh viện (các khoản chi phí này không có hoá đơn, chứng từ hợp lệ). Các khoản tiền trả cho Võ Mạnh C và tiền chênh lệch nâng khống giá thuốc, Công ty Cổ phần V đều không thể hiện ở sổ sách kế toán của Công ty.

Ngoài việc làm giả Hồ sơ thuốc H-Capita 500 mg Caplet, từ năm 2012 đến năm 2014 với thủ đoạn trên, Nguyễn Minh H và đồng phạm còn làm giả hợp đồng mua bán thuốc với Công ty A Hồng Kông để làm thủ tục nhập khẩu một số lô thuốc (H2K-Levofloxacin, H2K- Ciprofloxacin) có nhãn mác Health 2000 Canada (thực tế lô thuốc này, Công ty Cổ phần V cũng thông qua Võ Mạnh C đặt mua của người tên R ở Philippines) để làm thủ tục nhập khẩu, C cũng làm giả Invoice, packing list, COA, đóng dấu Công ty Health 2000 Canada cung cấp cho Công ty Cổ phần V (ngày 21/9/2014, Mại Thị Thu N1 (vợ Võ Mạnh C) đã tự nguyện giao nộp con dấu Công ty Heath 2000 Canada này cho Cơ quan An ninh điều tra). Đến nay, do không thu giữ được đầy đủ tài liệu và tang vật, Cơ quan An ninh điều tra không có điều kiện xác định cụ thể số lượng, chất lượng thuốc và giá trị thực của lô hàng trên.

Về số tiền chênh lệnh nâng khống giá thuốc trong việc nhập khẩu một số lô thuốc H2K-Levofloxacin, H2K Ciprofloxacin, có nhãn mác Heath 2000 Canada của Công ty Cổ phần V; kết quả điều tra xác định từ năm 2012 đến năm 2014: Công ty Cổ phần V đã chuyển tiền ra nước ngoài (thông qua tài khoản của Công ty Sa Chempha ở Campuchia do Ngô Anh Q và Nguyễn Trí N thành lập và tài khoản của Công ty Công ty Auspicious Keen Limited và Công ty Sigma Holding Corp ở Hồng Kông) rồi lấy lại tiền để chi phí bán hàng và mở sổ tiết kiệm tại Ngân hàng đứng tên một số cán bộ chủ chốt của Công ty Cổ phần V. Kết quả xác minh tại:

- Ngân hàng Tiền Phong: Ngô Anh Q đứng tên 16 sổ tiết kiệm (xấp xỉ 50 tỷ đồng); Nguyễn Trí N đứng tên 16 sổ tiết kiệm (xấp xỉ 60 tỷ VN đồng); Lê Thị Vũ P đứng tên 06 sổ tiết kiệm (xấp xỉ 14 tỷ VN đồng); Nguyễn Văn V2 Tổ trưởng tổ phòng bán hàng, đứng tên 01 sổ tiết kiệm (05 tỷ VN đồng).

- Tại Ngân hàng Cổ phần Quân đội (MB Bank): Ngô Anh Q đứng tên 03 sổ tiết kiệm (14,5 tỷ VN đồng); Lê Thị Vũ P đứng tên 03 sổ tiết kiệm (13,5 tỷ VN đồng) Công ty Cổ phần V đã sử dụng các sổ tiết kiệm trên thế chấp vay vốn Ngân hàng để kinh doanh. Sau khi Nguyễn Minh H bị bắt, các Ngân hàng trên đã tất toán để thu hồi nợ. Hiện tại Ngân hàng Tiên Phong Bank còn dư 2.364.159.713 VN đồng trong tài khoản tiết kiệm đứng tên Nguyễn Trí N; thực chất số tiền trong các sổ tiết kiệm nêu trên là tiền của Công ty Cổ phần V. Ngoài ra, Công ty Cổ phần V còn lập giả các hợp đồng vay vốn cá nhân để hợp thức số tiền nâng khống giá thuốc đã nhận về sử dụng chi phí các khoản không có hoá đơn, chứng từ. Các bị can và người đứng tên sổ tiết kiệm, hợp đồng vay vốn nói trên đều khai nhận: Số tiền trong sổ tiết kiệm và các hợp đồng vay vốn nói trên là tiền của Công ty Cổ phần V thu về bằng thủ đoạn nâng khống giá thuốc, để ngoài sổ sách kế toán và được sử dụng chi phí “hoa hồng” cho Bác sỹ để bán thuốc vào Bệnh viện theo chỉ đạo của Nguyễn Minh H, do chưa sử dụng đến tiền nâng khống giá thuốc, nên đưa vào sổ tiết kiệm đứng tên nhân viên Công ty Cổ phần V và dùng để thế chấp vay vốn kinh doanh. Hành vi trên có dấu hiệu của tội “Trốn thuế”. Tuy nhiên, do sự việc trên xảy ra đã lâu, số thuốc nhập về đã tiêu thụ, Cơ quan An ninh điều tra không thu giữ được tài liệu đầy đủ, nên không có điều kiện điều tra, làm rõ số tiền của từng trường hợp cụ thể để kết luận

Tại bản Cáo trạng số 09/CTr-VKS-PV1 ngày 08/3/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã truy tố các bị cáo Nguyễn Minh H, Nguyễn Trí N, Ngô Anh Q, Phan Cẩm L, Lê Thị Vũ P về tội “Buôn lậu” theo điểm a khoản 4 Điều 153 Bộ luật hình sự; bị cáo Võ Mạnh C về tội “Buôn lậu” theo điểm a, b khoản 4 Điều 153 Bộ luật hình sự; các bị cáo Bùi Ngọc D, Phạm Văn T và Phạm Anh K về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo khoản 3 Điều 267 Bộ luật hình sự.

Tại bản án sơ thẩm số 306/2017/HSST vào ngày 25/8/2017, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên xử như sau:

Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Minh H, Võ Mạnh C, Nguyễn Trí N, Ngô Anh Q, Phan Cẩm L, Lê Thị Vũ P phạm tội “Buôn lậu”; các bị cáo Phạm Văn T, Bùi Ngọc D và Phạm Anh K phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Minh H 12 (mười hai) năm tù. Xử phạt bị cáo Võ Mạnh C 12 (mười hai) năm tù.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Trí N 05 (năm) năm tù. Xử phạt bị cáo Ngô Anh Q 04 (bốn) năm tù.

Xử phạt bị cáo Phan Cẩm L 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù. Xử phạt bị cáo Lê Thị Vũ P 03 (ba) năm tù.

Xử phạt bị cáo Phạm Văn T 02 (hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 04 năm.

Xử phạt bị cáo Bùi Ngọc D 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Xử phạt bị cáo Phạm Anh K 02 (hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Kiến nghị Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Cơ quan an ninh điều tra tiếp tục làm rõ vai trò của Phan Xuân T6 và Hoàng Trúc V.

Kiến nghị các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề chi hoa hồng cho các bác sỹ tại bệnh viện để kê đơn thuốc như các bị cáo đã khai tại phiên tòa. Nếu có đủ căn cứ đề nghị khởi tố trong một vụ án khác.

Đồng thời kiến nghị làm rõ trách nhiệm của các cán bộ thuộc Cục Quản lý D – Bộ y tế trong việc thiếu trách nhiệm khi duyệt hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu thuốc H-capita. Nếu có căn cứ để xử lý hình sự thì đề nghị xử lý trong một vụ án khác.

Sau khi xét xử sơ thẩm, 08 trong số 09 bị cáo kháng cáo, cụ thể:

- Bị cáo Nguyễn Minh H kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

- Bị cáo Võ Mạnh C kháng cáo kêu oan.

- Bị cáo Nguyễn Trí N kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

- Bị cáo Ngô Anh Q kháng cáo xin được hưởng án treo.

- Bị cáo Phạn Cẩm Loan kháng cáo xin được hưởng án treo, nhưng tại cấp phúc thẩm, bị cáo thay đổi yêu cầu kháng cáo: kêu oan.

- Bị cáo Lê Thị Vũ P kháng cáo xin được hưởng án treo, nhưng tại cấp phúc thẩm, bị cáo thay đổi yêu cầu kháng cáo: kêu oan.

- Bị cáo Bùi Ngọc D kháng cáo xin được hưởng án treo.

- Bị cáo Phạm Anh K kháng cáo kêu oan.

Ngày 22/9/2017, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định kháng nghị số 20/QĐ-VC3-V1 đối với bản án hình sự sơ thẩm số 306/2017/HSST ngày 25/8/2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về các nội dung gồm: Về tội danh mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử; Về việc bỏ lọt tội, bỏ lọt hành vi phạm tội; Về tính khách quan trong việc giám định của Bộ Y tế; Về xử lý vật chứng và một số vấn đề có liên quan đến việc điều tra hành vi của ông Phan Xuân T6, Hoàng Trúc V và Nguyễn Quang H3; đồng thời yêu cầu điều tra làm rõ hành vi tương tự đối với 07 bộ hồ sơ của 07 thuốc khác lấy tên Công ty H Canada và đã được Cục Quản lý D – Bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu, cấp sổ đăng ký lưu hành để xử lý trong cùng vụ án để đảm bảo tính khách quan, toàn diện nhằm đánh giá đúng qui mô, tính chất của vụ án.

Căn cứ các chứng cứ và tài liệu có tại hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của các Luật sư, của Kiểm sát viên và lời khai cũng như yêu cầu kháng cáo của các bị cáo,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Đây là một vụ án phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tính chất, mức độ của tội phạm là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành Y tế, gây bức xúc lớn trong dư luận. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án cho thấy: Trong quá trình giải quyết đối với vụ án này, căn cứ các chứng cứ, tài liệu đã thu thập đã có đủ cơ sở xác định, việc Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử, tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Minh H, Võ Mạnh C, Nguyễn Trí N, Ngô Anh Q, Phan Cẩm L và Lê Thị Vũ P cùng phạm tội “Buôn lậu” theo Điểm a Khoản 4 Điều 153- Bộ luật hình sự; các bị cáo Phạm Văn T, Bùi Ngọc D và Phạm Anh K cùng phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Khoản 3 Điều 267- Bộ luật hình sự là chưa đầy đủ, toàn diện và chưa phản ánh hết tính chất, mức độ cũng như qui mô của tội phạm; có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội và người phạm tội. Từ đó dẫn tới việc quyết định mức hình phạt chưa tương xứng với tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Cụ thể:

[1.1] Thứ nhất: Về vấn đề tội danh.

Bị cáo Nguyễn Minh H – nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần V với ngành nghề chính là kinh doanh, buôn bán thuốc chữa bệnh. Từ năm 2012, Nguyễn Minh H đã thông qua Võ Mạnh C đặt mua một số loại thuốc tân dược mang nhãn mác Health 2000 do Canada sản xuất. Đến năm 2013, Hùng tiếp tục đặt C mua thuốc tân dược có nhãn mác do Công ty H Pharmaceuticals Canada (Công ty H Canada) sản xuất để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam, trong đó có thuốc H-Capita 500mg Caplet (Capicitabine 500mg) – đây là thuốc chữa bệnh ung thư.

Theo các chứng cứ đã thu thập thể hiện: Để có thể nhập khẩu được lô thuốc này về Việt Nam, các bị cáo đã làm và sử dụng hàng loạt giấy tờ giả, con dấu giả gồm: Giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC) và Giấy chứng nhận thựchành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Bộ Y tế Canada, được hợp pháp hóa Lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada. Các loại giấy tờ này qua điều tra, xác minh và Kết luận giám định đã xác định là giả; Giả con dấu hợp pháp hóa Lãnh sự và giả chữ ký của Tham tán Đại sứ quán Việt Nam Nguyễn Văn Quyến; làm giả hồ sơ kỹ thuật thuốc và Tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm thuốc mang tên Công ty H Canada; tự viết bản hướng dẫn sử dụng thuốc đưa vào hồ sơ và từng hộp thuốc; nhãn mác lưu hành tại Việt Nam do Phòng nghiên cứu phát triển của Công ty V tự thiết kế; làm giả hóa đơn thương mại (Invoice); Giấy chứng nhận kiểm nghiệm xuất xưởng lô thuốc H- Capita 500mg Caplet (COA) mang tên Công ty H Canada. Tuy nhiên, theo chứng cứ đã thu thập cho thấy: Không có Công ty H Pharmaceuticals Inc, địa chỉ 392 Wilson Ave, Toronto, Ontario – Canada có số, ngày đăng ký kinh doanh như giấy tờ nộp cho Cục Quản lý D. Đồng thời, qua xác minh mã số, mã vạch in trên vỏ hộp thuốc H- Capita 500mg Caplet cho thấy những thông số này không được đăng ký bởi quốc gia nào.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra thực tế lô thuốc này gồm: Tờ HDSD, nhãn vỉ thuốc, nhãn hộp thuốc H- Capita 500mg Caplet có nội dung không đúng với tờ HDSD; nhãn vỉ thuốc, nhãn hộp thuốc thiết kế trong hồ sơ đơn hàng nhập khẩu thành phẩm chưa có số đăng ký đã được Cục Quản lý D phê duyệt. Ở các tờ HDSD thực tế và tờ HDSD được Dệt ghi nội dung khác nhau về thành phần tá dược; trên tờ HDSD được Dệt có ghi thông tin số điện thoại và số fax của nhà sản xuất, nhưng tờ HDSD thực tế thì không thể hiện thông tin này. Kiểm tra thực tế trong các hộp thuốc của lô hàng này cho thấy, có hộp thuốc chứa 02 tờ HDSD, có hộp không chứa tờ HDSD; có hộp chứa vỉ rỗng không có thuốc, có hộp chứa 4 vỉ (sai quy cách: 03 vỉ/hộp).

Từ các chứng cứ nêu trên đã có cơ sở xác định lô thuốc H-Capita 500mg Caplet do Công ty Cổ phần V nhập khẩu vào Việt Nam ngày 11/4/2014 là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc được sản xuất, gia công không được kiểm nghiệm đảm bảo yêu cầu chỉ tiêu, chất lượng. Trong quá trình điều tra, bản thân bị cáo C cũng thừa nhận: thực tế bị cáo cũng không biết thuốc này được sản xuất ở đâu.

Qua đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan cho thấy như sau:

- Tại khoản 23 Điều 2 – Luật Dược năm 2005 quy định: Thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Khoản 24 điều này cũng quy định: Thuốc giả là là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau đây: b) Có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; c) Có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; d) Mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác.

- Tại điểm a khoản 2 Điều 4 - Nghị định số 08/2013/NĐ-CP ngày 10/01/2013 của Chính phủ quy định về các loại hàng giả như sau: Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hóa, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hóa của thương nhân khác; b) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hành hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất…

- Tại điểm e khoản 8 Điều 3 – Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định về hàng giả như sau: Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất…

Trong khi đó, tại Kết luận giám định số 31/KL-BYT ngày 22/4/2015 của Hội đồng giám định Bộ Y tế đã kết luận: “ Lô hàng có nhãn mác thuốc H- Capita 500mg Caplet nói trên chứa 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”. Như vậy, trong vụ án này, để có cơ sở để đưa ra một phán quyết phù hợp và đúng pháp luật đối với hành vi phạm tội của các bị cáo, cần phải xem xét và đánh giá một cách toàn diện các chứng cứ. Qua xem xét chuỗi các hành vi mà các bị cáo đã thực hiện từ việc thỏa thuận mua, bán, làm đơn đặt hàng, thiết lập hồ sơ xin phép nhập khẩu lô thuốc, khâu chuẩn bị bán hàng thông qua đấu thầu, chi tiền hoa hồng trước cho các bác sỹ…cho đến khi làm thủ tục thông quan cho thấy ý chí của các bị cáo khi thực hiện tội phạm có dấu hiệu của tội “ Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo này về tội “Buôn lậu” theo quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự là không phản ánh đúng các tình tiết khách quan của vụ án, cũng như động cơ, mục đích phạm tội của các bị cáo. Chính vì vậy, đã ảnh hưởng nhất định đến việc đánh giá tính chất, mức độ cũng như tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Tuy nhiên, để có cơ sở vững chắc trong việc đánh giá cũng như áp dụng chính xác tội danh đối với các bị cáo theo quy định của Bộ luật hình sự, thì chứng cứ là bản Kết luận Giám định số 31/KL-BYT ngày 22/4/2015 của Hội đồng giám định Bộ Y tế có ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng qua xem xét nội dung của Kết luận giám định này chỉ kết luận “không được dùng chữa bệnh cho người” . Và đặc biệt, đối với thành phần của Hội đồng giám định đã đưa ra kết luận này là vấn đề cần phải xem xét, cụ thể: Ông Đỗ Văn Đ2 – Phó Cục trưởng Cục Quản lý D là Chủ tịch Hội đồng giám định theo Quyết định số 5197/QĐ-BYT ngày 17/12/2014 của Bộ Y tế, trong khi trước đó, cũng chính Cục Quản lý D là cơ quan đã cấp phép nhập khẩu đối với chính lô thuốc và quá trình cấp phép đang cho thấy có nhiều biểu hiện thiếu sót, nên sẽ là đối tượng cần phải xem xét về trách nhiệm trong vụ án này. Như vậy, sẽ là không phù hợp và không đảm bảo tính khách quan khi Cục Quản lý D là người giám định chuyên môn đối với lô hàng do chính mình đã cấp phép. Vì lẽ đó, việc phải tiến hành trưng cầu giám định lại đối với lô thuốc trên, với thành phần Hội đồng giám định khác là hoàn toàn cần thiết.

Tóm lại, ở trường hợp này cần phải xác định lại tội danh cho đúng với các tình tiết khách quan của vụ án và quy định của pháp luật. Việc cấp sơ thẩm đã điều tra, truy tố và xét xử các bị cáo về tội “Buôn lậu” là không phù hợp, vì vậy kháng nghị của Viện kiểm sát về nội dung này là có cơ sở.

[1.2] Thứ hai: Về vấn đề bỏ lọt tội phạm và bỏ lọt người thực hiện hành vi phạm tội.

[1.2.1] Bỏ lọt tội phạm đối với các bị cáo trong vụ án: Đã có đủ cơ sở xác định, để có thể nhập khẩu trót lọt lô thuốc H-Capita 500mg Caplet này vào Việt Nam, Nguyễn Minh H và Võ Mạnh C đã cùng bàn bạc với nhau từ việc xây dựng hồ sơ đến việc nhập khẩu và tiêu thụ.

Cụ thể, C đã cung cấp một loạt giấy tờ giả mạo thuốc H- Capia gồm: Giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC), Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Canada được đóng dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada; môi giới cung cấp thuốc chữa bệnh kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vào Việt Nam tiêu thụ và thỏa thuận với Nguyễn Minh H nâng khống giá thuốc để thu lợi bất chính; đồng thời, C chỉ đạo các nhân viên dưới quyền phối hợp với các bị cáo ở Công ty Cổ phần V sử dụng các giấy tờ giả mạo nhập khẩu và thanh toán 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet. Bị cáo thu lợi bất chính với số tiền là 2.093.623.145 đồng.

Bị cáo Nguyễn Minh H đã chỉ đạo Bùi Ngọc D và Phòng nghiên cứu phát triển Công ty Cổ phần V, làm giả tài liệu Tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc H-Capita 500mg Caplet của Công ty H Canada để trình Cục Quản lý D cấp giấy phép nhập khẩu thuốc; sử dụng con dấu bất hợp pháp của Phạm Anh K để đóng khống vào hợp đồng nhập khẩu thuốc không có thật; chỉ đạo Nguyễn Trí N, Phan Cẩm L làm giả hợp đồng mua bán thuốc với Công ty A Hồng Kông, ghi lùi ngày trên hợp đồng để hợp thức hóa các hồ sơ; chỉ đạo Ngô Anh Q, Lê Thị Vũ P chuyển tiền qua nước ngoài rồi lấy lại qua dịch vụ chuyển tiền để hợp thức hóa hồ sơ thanh toán tiền nhằm qua mặt cơ quan chức năng; thỏa thuận với Võ Mạnh C nâng khống giá thuốc để nhập lô thuốc kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ vào Việt Nam tiêu thụ.

Như vậy, có đủ cơ sở để xác định các bị cáo đều biết rõ việc làm và sử dụng các giấy tờ giả, con dấu giả này nhằm mục đích hợp thức hồ sơ để nộp cho Cục Quản lý D để được cấp phép nhập khẩu thuốc. Hành vi này đã thỏa mãn dấu hiệu của tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 267 Bộ luật hình sự. Vì lẽ đó, việc cấp sơ thẩm không điều tra làm rõ hành vi này đối với các bị cáo Nguyễn Minh H, Võ Mạnh C, Nguyễn Trí N, Phan Cẩm L, Ngô Anh Q và Lê Thị Vũ P về hành vi này là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Đồng thời, đối với các bị cáo Bùi Ngọc D và Phạm Văn T, cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo này về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” là đã bỏ lọt tội phạm, bởi lẽ: Căn cứ tài liệu đã thu thập cho thấy, toàn bộ hồ sơ nhập khẩu giả và làm giả hồ sơ kỹ thuật thuốc của Công ty V, cũng như mục đích phạm tội của các bị cáo H và bị cáo C thì chính cả hai bị cáo này đều biết rõ và tham gia một cách tích cực. Cụ thể: Thực hiện sự chỉ đạo của bị cáo H, bị cáo D đã thuê T cùng làm giả hồ sơ kỹ thuật thuốc chữa bệnh H-Capita 500mg Caplet, trong đó có “Tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm” của Công ty H Canada đưa cho L nộp Cục Quản lý D xin cấp phép nhập khẩu thuốc. Ngoài ra, theo sự chỉ đạo của bị cáo H, bị cáo D và bị cáo T (trong thời gian làm việc tại Phòng nghiên cứu phát triển công ty Cổ phần V) đã thuê các Dược sỹ Tăng Thị Diệu L1 và Đào Văn Đ1 viết nhiều bộ hồ sơ kỹ thuật thuốc khác của Công ty H Canada, đóng dấu giả và ký giả chữ ký của Giám đốc, nhân viên Công ty H Canada nộp cho Cục Quản lý D để đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam. Sau khi sự việc được phát hiện, D đã vứt bỏ con dấu này. Bị cáo T biết việc viết Hồ sơ kỹ thuật thuốc là trái pháp luật nhưng vẫn làm và giúp sức cho bị cáo H.

Từ phân tích trên đã cho thấy rõ vai trò đồng phạm giúp sức của các bị cáo này. Việc cấp sơ thẩm đã không tiến hành làm rõ và chỉ điều tra, truy tố và xét xử hai bị cáo về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” là chưa toàn diện và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, hành vi của các dược sỹ Tăng Thị Diệu L1 và Đào Văn Đ1 cũng cần được điều tra, làm rõ về dấu hiệu tội phạm trong vụ án này.

Riêng đối với hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Anh K, nội dung kháng nghị cho rằng hành vi của bị cáo có dấu hiệu đồng phạm với hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Minh H. Đối với nội dung này, cấp phúc thẩm thấy rằng: Bị cáo K tuy không phải là người của Công ty A Hồng Kông đồng thời cũng không làm việc tại Công ty Cổ phần V, nhưng vẫn sử dụng con dấu của công ty và con dấu chữ ký khống của L (Con dấu, dấu chữ ký này không được đăng ký, lưu hành và sử dụng tại Việt Nam) đóng vào nhiều tờ giấy A4 đã được đánh dấu (bằng bút chì) tại vị trí cần đóng theo yêu cầu của Nguyễn Minh H để nhân viên dưới quyền làm hợp đồng mua thuốc, hóa đơn bán hàng của Công ty Cổ phần V với Công ty A Hồng Kông. Sau đó, đến cuối năm 2013 K chuyển các con dấu này cho bị cáo Hùng quản lý. Như vậy, để có cơ sở xem xét quan điểm kháng nghị nêu trên đối với hành vi của bị cáo Phạm Anh K thì cần phải làm rõ một số vấn đề như: động cơ, mục đích của bị cáo trong trường hợp này là gì. Các căn cứ để xác định có hay không việc bị cáo K biết và cùng ý chí thực hiện tội phạm với bị cáo H. Giữa hai bị cáo có bàn bạc, thỏa thuận gì và bị cáo K có hưởng lợi từ việc này hay không… Từ đó mới có đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của bị cáo như kháng nghị đã nêu.

[1.2.2] Bỏ lọt người thực hiện hành vi phạm tội:

- Đối với ông Phan Xuân T6 – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần V là người giới thiệu cho Hoàng Trúc V thuê Phạm Văn T viết hồ sơ kỹ thuật đối với lô thuốc. Theo chứng cứ đã thu thập thể hiện, ông Thiện biết rõ xuất xứ lô thuốc và biết rõ con dấu mang tên Công ty H Canada là dấu giả đã có ở Công ty V từ trước, nhưng vẫn để mặc cho bị cáo H và cấp dưới của mình thực hiện các hành vi hợp thức hóa để tiêu thụ thuốc trên về Việt Nam. Đồng thời, tại phiên tòa phúc thẩm, qua lời khai của bị cáo Hùng, bị cáo D và bị cáo L đã cho thấy, trong quá trình làm việc tại Công ty Cổ phần V, với cương vị trước đó là Trưởng phòng nghiên cứu phát triển, ông T6 đã biết, đã tham gia và có chỉ đạo một số vấn đề có liên quan đến việc nhập khẩu thuốc và việc sử dụng các con dấu giả tại Công ty này. Chính vì vậy, hành vi của ông Phan Xuân T6 cần được điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

- Đối với Hoàng Trúc V – Nhân viên Phòng nghiên cứu phát triển thuộc Công ty V đã có hành vi thuê các dược sỹ chỉnh sửa nhiều bộ hồ sơ thuốc khác, và là người đi thuê Phạm Văn T viết khống hồ sơ kỹ thuật lô thuốc. Như vậy, có thể thấy Hoàng Trúc V đã biết xuất xứ của lô thuốc này và đã thực hiện công đoạn làm giả thủ tục, giúp sức cho bị cáo H trong việc xin cấp phép nhập khẩu lô thuốc vào Việt Nam. Hành vi của Trúc V là có dấu hiệu đồng phạm, vì vậy cần làm rõ để xử lý theo luật định.

- Đối với hành vi của Nguyễn Quang H3, được bị cáo Phan Cẩm L – Phó trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty V thuê làm thủ tục xuất nhập khẩu. Huy đã cung cấp hồ sơ Hải quan – là bản sao công chứng giấy phép hoạt động đã hết hạn của Công ty A Hồng Kông. Huy đã nhận số tiền 10.000USD do bị cáo H chuyển với lý do chi phí sử dụng pháp nhân của Công ty A Hồng Kông. Hành vi này cần được điều tra làm rõ nội dung: Mặc dù không phải là người đại diện hoặc người có trách nhiệm đối với Công ty A Hồng Kông nhưng tại sao H3 lại có tài liệu này; Mối quan hệ giữa H3, H và bị cáo K như thế nào; Lý do tại sao vào tháng 9/2014, Phạm Anh K lại yêu cầu Nguyễn Minh H chuyển cho Nguyễn Quang H3 số tiền 10.000USD là tiền chi phí sử dụng pháp nhân của Công ty A Hồng Kông; Mối liên hệ giữa việc H3 cung cấp Giấy pháp hoạt động của Công ty A (khi đã hết hạn), giúp cho Hùng và các đồng phạm nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Camlet trót lọt và số tiền 10.000USD H3 đã nhận từ H là như thế nào. Từ đó, nếu có cơ sở xác định khoản tiền 10.000USD là khoản tiền thu nhập bất chính thì cần xử lý theo quy định.

[1.2.3] Những sai phạm của Cục Quản lý D – Bộ Y tế:

- Có thể nói, trong vụ án này, việc các bị cáo nhập khẩu thuốc vào Việt Nam tiêu thụ với các loại thuốc không có nguồn gốc xuất xứ, bằng hành loạt các loại giấy tờ giả; Hồ sơ kỹ thuật giả và có nội dung mâu thuẫn; mẫu mã thuốc cũng như quy chuẩn sản phẩm không đúng; hồ sơ thuốc có nội dung không thống nhất về tên thuốc, thành phần tá dược, hạn dùng và chế độ bảo quản… là xuất phát từ việc làm tắc trách và thiếu trách nhiệm của các cán bộ thuộc Cục Quản lý D – Bộ Y tế. Đặc biệt, không chỉ riêng đối với lô thuốc H-Capita 500mg Caplet này, mà theo chứng cứ thu thập còn thể hiện thời điểm trước đó, bằng thủ đoạn tương tự, các bị cáo đã nhập 07 thuốc và đã được Cục Quản lý D cấp số đăng ký lưu hành, có 03 thuốc đã được cấp phép nhập khẩu. Cho đến sau khi vụ án này được khởi tố thì Cục Quản lý D mới ra quyết định thu hồi số đăng ký lưu hành và giấy phép nhập khẩu.

Điều này được thể hiện rõ qua các chứng cứ, tài liệu có tại hồ sơ vụ án; đồng thời qua xét hỏi công khai tại phiên tòa phúc thẩm đã cho thấy: Về qui trình cũng như trình tự, thủ tục xét cấp phép nhập khẩu đối với lô thuốc H- Capita 500mg Caplet của Hội đồng thẩm định Cục Quản lý D – Bộ Y tế có nhiều biểu hiện thiếu sót, cụ thể:

+ Tại phiên tòa phúc thẩm, khi được thẩm tra về việc trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị nhập khẩu lô thuốc H-Capita 500mg Caplet mà Công ty V trình, việc truy xuất cũng như xác minh về nguồn gốc, cũng như sự tồn tại hợp pháp của Công ty H Canada là Công ty sản xuất thuốc đối với Cục Quản lý D có phải là điều kiện bắt buộc hay không, ông Đỗ Trung H6 – đại diện Cục Quản lý D trả lời: là điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, chứng cứ tại hồ sơ và qua thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm đã thể hiện, quá trình thẩm định cấp phép đối với hồ sơ nhập khẩu thuốc H-Capita 500mg Caplet của Công ty H Canada, Cục Quản lý D mà cụ thể là Hội đồng thẩm định đã không thực hiện việc này. Điều này dẫn tới, toàn bộ tài liệu, hồ sơ giả mạo của Công ty V đã không được phát hiện và xử lý. Đây được xác định là sai phạm nghiêm trọng.

+ Biên bản thẩm định (phần các chuyên gia của Tổ thẩm định) không ghi ngày, tháng, năm; trong số 10 thành viên tham gia trong Hội đồng thẩm định thì có 03 thành viên không ký tên đồng thời cũng không ghi ý kiến gì. Ba chuyên gia này gồm: Bà Nguyễn Diệu H9 – Chuyên gia nhóm Pháp chế; Nguyễn Thị Xuân H10 – Chuyên gia thẩm định về tiêu chuẩn, chất lượng; Hoàng Thanh M – Chuyên gia thẩm định về dược lý lâm sàng. Trong khi đó, chính đại diện Cục Quản lý D cũng khẳng định rằng, theo quy chế của Bộ Y tế nếu có thành viên trong Hội đồng thẩm định không ký tên vào biên bản kết luận thẩm định thì phải nêu và ghi rõ lý do. Chính vì vậy, để có thể xác định tính hợp pháp của kết luận giám định, cần phải tiến hành điều tra và lấy lời khai của ba chuyên gia này. Việc tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Cục Quản lý D cho rằng không cần thiết phải có ý kiến hay chữ ký của những chuyên gia này là không phù hợp.

+ Trong hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu của Công ty V trình Cục Quản lý D thể hiện: Từ hóa đơn nhập hàng, đơn xin cấp phép hoạt động lại của Công ty A Hồng Kông cũng đã thể hiện Công ty này đã hết hạn giấy phép hoạt động, đồng thời Công ty này đã làm đơn xin gia hạn gửi Cục Quản lý D và Cục Quản lý D đã thụ lý đơn này trước đó 01 tháng. Trong khi đó, chính đại diện Cục Quản lý D tại phiên tòa phúc thẩm cũng xác định rằng, theo quy định thì doanh nghiệp phải đang trong thời hạn được phép hoạt động tại Việt Nam. Như vậy có thể thấy rằng, trong trường hợp này – Cục Quản lý D không thể không biết thời điểm cấp phép nhập khẩu, Công ty A Hồng Kông đã hết thời hạn hoạt động. Chính vì lẽ đó, việc Cục Quản lý D vẫn chấp nhận “Đạt” và đồng thời cho phép nhập khẩu là trái quy định.

- Bên cạnh đó, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Võ Mạnh C đã cung cấp cho Hội đồng xét xử chứng cứ mới, đó là bản sao có công chứng, chứng thực Giấy phép số 28/BYT ngày 18/6/2014 do Bộ Y tế cấp phép hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam cho Công ty H Pharmaceuticals Inc, có địa chỉ tại 392 Wilson Axenue, Toronto. Ontario, Canada do ông Trương Quốc C2 - thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế ký cấp phép; kèm theo tài liệu này là bản ủy quyền do ông R – Giám đốc Công ty ủy quyền cho bị cáo Võ Mạnh C nhận ủy quyền với tư cách là người chịu trách nhiệm về hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam. Từ chứng cứ này, bị cáo C cho rằng Công ty H Canada là có thật, chính vì vậy bị cáo là người đại diện hợp pháp của Công ty tại Việt Nam. Trong khi đó, ngày 30/9/2014, Bộ Ngoại giao đã có công văn số 1958/BNG-CM-m gửi Cục An ninh chính trị nội bộ trả lời rằng: Không có Công ty H Pharmaceuticals Inc, địa chỉ Wilson Ave, Toronto, Ontario – Canada có số, ngày đăng ký kinh doanh như giấy tờ nộp cho Cục Quản lý D. Đồng thời con dấu của Công ty H Canada đã thu giữ tại Công ty của bị cáo C qua điều tra đã xác định đây là con dấu giả. Như vậy, ở trường hợp này cần phải điều tra làm rõ tính hợp pháp của việc cấp giấy phép, để từ đó mới có đủ căn cứ để xem xét những vấn đề khác, cũng như xác định trách nhiệm của Cục Quản lý D cũng như cá nhân có liên quan trong trường hợp này để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, đối với những sai phạm như vừa nêu và phân tích ở trên tại Cục Quản lý D – Bộ Y tế xảy ra trong quá trình thẩm định, cấp phép nhập khẩu lô thuốc H-Capita 500mg Caplet cho Công ty cổ phần V; việc cấp phép hoạt động đối với Công ty H Canada cần phải được điều tra làm rõ. Đồng thời để đảm bảo tính toàn diện và quy mô của vụ án, cần tiến hành điều tra, làm rõ đối với 7 loại thuốc trước đó mà Cục Quản lý D đã Dệt và cấp phép nhập khẩu và giấy phép lưu hành cho Công ty V. Trong quá trình điều tra, cần phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan trong quá trình thẩm định và cấp phép nhập khẩu cũng như việc cấp phép hoạt động cho Công ty H Canada để xử lý theo đúng tội danh mà Bộ luật hình sự quy định.

Quá trình điều tra, cấp sơ thẩm chưa làm rõ vấn đề này để có căn cứ xử lý là thiếu sót và không đảm bảo tính toàn diện. Kháng nghị của Viện kiểm sát về nội dung này là có cơ sở.

[1.3] Một số vấn đề về vật chứng cần phải điều tra, thu thập, làm rõ và xử lý.

[1.3.1] Theo cáo trạng và bản án sơ thẩm thể hiện, ngoài việc làm giả hồ sơ thuốc H-Capita 500mg Caplet, từ năm 2012 đến năm 2014 cũng với thủ đoạn trên, Nguyễn Minh H cùng đồng phạm còn làm giả hợp đồng mua bán thuốc với Công ty A Hồng Kông, để làm thủ tục nhập khẩu một số lô thuốc có nhãn mác Heath 2000 Canada (H2K – Levofloaxacin, H2K – Ciprofloxacin), nhưng thực tế lô thuốc này Công ty Cổ phần V cũng thông qua Võ Mạnh C đặt mua của một người tên R ở Philippines để nhập khẩu vào Việt Nam. Ở những lần này, Võ Mạnh C cũng đã làm giả hàng loạt tài liệu như Invoice, Packing list, COA và đóng dấu Công ty Health 2000 Canada để cung cấp cho Công ty Cổ phần V. Khi nhập khẩu hai lô thuốc trên, các bị cáo đã nâng khống giá thuốc lên 157 tỷ đồng và số tiền này đã để ngoài sổ sách kế toán nhằm sử dụng cho việc chi phí hoa hồng cho bác sỹ để bán thuốc vào các bệnh viện. Hành vi này cần được làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời cần làm rõ đối với số tiền 157 tỷ đồng này hiện nay đã được sử dụng vào việc gì, đã chi cho ai để từ đó nếu có cơ sở xác định đây là nguồn tiền do phạm pháp mà có thì cần thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật.

 [1.3.2] Đối với việc các bị cáo đã khai nhận chi số tiền 7,5 tỷ đồng là tiền hoa hồng cho các bác sỹ bệnh viện để tiêu thụ lô thuốc. Cần phải tiến hành điều tra làm rõ số tiền này còn chi hoa hồng cho cả những lô thuốc nào, bởi vì nếu chỉ lô thuốc 9.300 hộp H-Capita 500mg Caplet thi không phù hợp, vì tiền mua lô thuốc (5.302.179.575 đ) sẽ thấp hơn tiền chi hoa hồng. Đây là mâu thuẫn chưa được làm rõ. Quá trình điều tra, các bị cáo đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền cho nhân viên Phòng bán hàng để chi phí cho các bác sỹ bệnh viện mà Công ty Cổ phần V có quan hệ cung cấp thuốc, tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo cũng đã thừa nhận việc này. Mặt khác, số tiền 7,5 tỷ đồng này là số tiền có liên quan trong vụ án, đã được sử dụng vào việc phạm pháp, vì vậy phải được điều tra làm rõ những người có liên quan và xử lý số tiền này theo quy định tại các Điều 74 và 76 Bộ luật tố tụng hình sự..

 [2] Như vậy, đã có đủ cơ sở kết luận, để nhập thuốc chữa bệnh không có nguồn gốc xuất xứ và kém chất lượng vào Việt Nam để tiêu thụ, các bị cáo đã thực hiện một chuỗi các hành vi, các hành vi này đã xâm phạm đến nhiều khách thể được pháp luật bảo vệ. Chính vì vậy, để việc điều tra, truy tố và xét xử được đầy đủ, toàn diện và khách quan, nhằm làm cơ sở cho việc đưa ra phán quyết đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, đồng thời có thể đáp ứng tốt được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm như đã phân tích và đánh giá ở trên. Xét thấy cần chấp nhận quan điểm kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, truy tố và xét xử lại theo thủ tục chung.

 [3] Trong quá trình giải quyết vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm đã phát hiện ra việc điều tra và truy tố có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, theo đó đã tiến hành trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, nhưng Viện kiểm sát cùng cấp vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Chính vì vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm chỉ tiến hành xét xử đối với các bị cáo trên theo nội dung bản cáo trạng truy tố là phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về phạm vi xét xử, việc kiến nghị về một số nội dung có liên quan đến việc bỏ lọt tội phạm đã phần nào thể hiện tính trách nhiệm của Hội đồng xét xử sơ thẩm.

 [4] Do hủy án sơ thẩm để điều tra, truy tố và xét xử lại, vì vậy yêu cầu kháng cáo của các bị cáo cũng như quan điểm của các Luật sư bào chữa cho các bị cáo sẽ được xem xét khi giải quyết lại vụ án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 1 Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự Hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 306/2017/HSST ngày 25/8/2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để điều tra và giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp tục thi hành Quyết định bắt và tạm giam số 01 và 02 ngày 21/10/2017 đối với các bị cáo Nguyễn Minh H và Võ Mạnh C.

Các bị cáo có kháng cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

849
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 567/2017/HSPT ngày 30/10/2017 về tội buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Số hiệu:567/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 30/10/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về