Bản án 56/2019/HS-ST ngày 25/11/2019 về tội trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

A ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUẢNG TRẠCH, TỈNH QUẢNG BÌNH

BẢN ÁN 56/2019/HS-ST NGÀY 25/11/2019 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN VÀ TIÊU THỤ TÀI SẢN DO NGƯỜI KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ

Ngày 25 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 53/2019/TLST-HS ngày 04 tháng 11 năm 2019, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 57/2019/QĐXXST-HS ngày 12/11/2019, đối với các bị cáo:

1. Trần Văn T, sinh ngày 16/3/1980; tại: phường Q, thị xã B, tỉnh Quảng Bình; nơi cư trú: tổ dân phố T, phường Q, thị xã B, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ văn hóa: lớp 5/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn T (đã chết) và bà Nguyễn Thị T; vợ Nguyễn Thị H và có 02 con; tiền án, tiền sự: không; nhân thân: ngày 06/4/2005, bị Công an huyện Quảng Trạch xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền về hành vi “đánh bạc”; ngày 14/7/2005, bị UBND thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền về hành vi “trộm cắp tài sản”; ngày 14/7/2005, bị UBND thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền về hành vi “đánh bạc”; ngày 21/12/1999, bị TAND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình xử phạt 04 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản của công dân”, tại bản án hình sự sơ thẩm số 67/HSST; ngày 27/4/2000, bị TAND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình xử phạt 12 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản của công dân”, tại bản án hình sự sơ thẩm số 13/HSST; ngày 27/8/2013, bị TAND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình xử phạt 18 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, tại bản án hình sự sơ thẩm số 56/2013/HSST. Bị cáo bị bắt tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình từ ngày 29/8/2019 cho đến nay, có mặt tại phiên tòa.

2. Nguyễn Hoàng Q, sinh ngày 07/7/1980; tại: xã Q, thị xã B, tỉnh Quảng Bình; nơi cư trú: thôn Đ, xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ văn hóa: lớp 3/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Lâm Q và bà Nguyễn Thị H; vợ Dương Thị H và có 04 con; tiền án, tiền sự: không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hoàng Q: Ông Hà Nhật Lâm - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Bình. Có mặt.

- Người bị hại: Ông Phạm Văn H; nơi cư trú: thôn T 3, xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Vắng mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Anh Trần Văn C; nơi cư trú: thôn M, xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Vắng mặt.

- Những người làm chứng:

+ Chị Dương Thị H; nơi cư trú: thôn Đ, xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Có mặt.

+ Chị Nguyễn Thị H, chị Võ Thị T. Đều vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 12 giờ ngày 17/8/2019, Trần Văn T điều khiển xe mô tô (không có biển kiểm soát) đi từ nhà của Nguyễn Hoàng Q về nhà mình ở phường Quảng Long. Khi đi qua địa phận thôn H, xã Quảng H, huyện Q thì phát hiện trước xưởng cơ khí của anh Phạm Quang Đ ở bên đường Quốc lộ 1A, có 01 chiếc xe ba gác (trên xe có 01 máy nổ, 01 máy phát điện, 01 giá đỡ bằng kim loại). T nảy sinh ý định lấy trộm tài sản nên dừng xe lại. Quan sát thấy không có người, nên T kéo trộm xe ba gác cùng các tài sản trên xe mang về nhà cất giấu. Đến ngày 18/8/2019, T đến nhà của Nguyễn Hoàng Q và nói “hôm qua tao có lấy trộm được cái xe ba gác với máy nổ, máy mô tơ ở gần đây”, nghe vậy, Q hỏi lại “cái nớ mi lấy ở đâu”, T trả lời “tau lấy ở gần cầu Tú Loan, xã Quảng Hưng”. Do đang làm trang trại cần máy phát điện nên Q nói lại với T “rứa thì mi bán lại cho tau để tau đưa lên trang trại tau dùng”. T đồng ý và bán cho Q toàn bộ tài sản lấy trộm được với giá là 4.000.000 đồng. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, Q điều khiển xe mô tô chở vợ là chị Dương Thị H đến nhà T. Sau khi xem tài sản, nên Q đồng ý mua và bảo T kéo các tài sản trên về nhà và trả cho Q 4.000.000 đồng. Sau khi mua được tài sản, do máy phát điện có công suất nhỏ, không đáp đứng được nhu cầu sử dụng nên Q đã đem máy phát điện đến bán cho anh Trần Văn C với giá 1.000.000 đồng. Quá trình điều tra xác định được số tài sản trên là của ông Phạm Văn H đem đến xưởng cơ khí của anh Phạm Quang Đ để sửa chữa thì bị lấy trộm.

Vật chứng của vụ án: Cơ quan CSĐT Công an huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã tạm giữ, bao gồm: 01 máy nổ nhãn hiệu D8, xuất xứ Trung Quốc, đã qua sử dụng; 01 máy phát điện công suất 3KW, xuất xứ Trung Quốc, đã qua sử dụng; 01 xe bò tự chế, loại xe 02 bánh, khung bằng kim loại, đã qua sử dụng; 01 giá đỡ để máy nổ và máy phát điện, đã qua sử dụng; 01 xe mô tô (không có biển kiểm soát), nhãn hiệu ESPECIAL, màu sơn nâu, số khung 002950, số máy 20244675, đã qua sử dụng. Vật chứng trên được thu giữ để điều tra và đã xử lý theo quy định. Đối với 01 xe mô tô (không có biển kiểm soát), nhãn hiệu ESPECIAL do bị cáo Thực sử dụng làm phương tiện phạm tội được chuyển xác minh, điều tra xử lý theo thẩm quyền.

Tại Bản kết luận định giá tài sản số: 47/KL-HĐ ngày 27/8/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Quảng Trạch, kết luận: Tổng giá trị thiệt hại về tài sản là 11.400.000 đồng.

Tại Cáo trạng số 51/CT-VKSQT ngày 30 tháng 10 năm 2019, Viện kiểm sát nhân dân huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã truy tố bị cáo Trần Văn T về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự; truy tố bị cáo Nguyễn Hoàng Q về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại khoản 1 Điều 323 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị cáo theo toàn bộ nội dung bản cáo trạng, có xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân các bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ vào khoản 1 Điều 173; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Trần Văn T; căn cứ vào khoản 1 Điều 323; các điểm b, i, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Q; căn cứ điểm b khoản 1 Điều 47; điểm b khoản 2 Điều 106; khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xử phạt bị cáo Trần Văn T từ 15 đến 18 tháng tù. Buộc bị cáo T phải nộp lại số tiền 4.000.000 đồng để sung vào ngân sách nhà nước; xử phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Q từ 12 đến 15 tháng cải tạo không giam giữ. Miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo trong thời gian chấp hành án. Buộc các bị cáo phải chịu tiền án phí theo quy định của pháp luật.

Các bị cáo nhận thấy hành vi của mình là vi phạm pháp luật và nhất trí với tội danh, khung hình phạt mà Viện kiểm sát nhân dân huyện Quảng Trạch đã truy tố, kết tội và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hoàng Q đồng ý với quan điểm truy tố của Viện kiểm sát và lời luận tội của Kiểm sát viên, việc Tòa án đưa ra xét xử đối với bị cáo Q về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, i, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Q từ 09 đến 12 tháng cải tạo không giam giữ. Miễn án phí và miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo trong thời gian chấp hành án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, người tham gia tố tụng không có ý kiến hoặc khiếu nại gì về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa, bị cáo Trần Văn T, Nguyễn Hoàng Q đã thừa nhận và khai nhận: Vào khoảng 12 giờ ngày 17/8/2019, Trần Văn T trên đường đi từ nhà Nguyễn Hoàng Q về nhà mình ở phường Quảng Long, khi đi qua địa phận thôn H, xã Q, huyện Q thì phát hiện trước xưởng cơ khí của anh Phạm Quang Đ ở bên đường Quốc lộ 1A, có 01 chiếc xe ba gác (trên xe có 01 máy nổ, 01 máy phát điện, 01 giá đỡ bằng kim loại) của ông Phạm Văn H. Quan sát thấy không có người trông giữ, bị cáo T đã lén lút kéo trộm xe ba gác cùng các tài sản trên xe mang về nhà cất giấu. Sau đó, ngày 18/8/2019, bị cáo thỏa thuận bán tài sản này cho Nguyễn Hoàng Q lấy tiền tiêu xài, phục vụ nhu cầu cá nhân của mình. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản mà bị cáo T đã chiếm đoạt của người bị hại theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản là 11.400.000 đồng. Bị cáo Nguyễn Hoàng Q sau khi được T cho biết việc trộm cắp được tài sản và mặc dù biết rỏ tài sản mà bị cáo T đem bán là tài sản do trộm cắp được mà có nhưng vì hám lợi, vì giá rẽ, vì lợi ích trước mắt đã thống nhất mua lại từ bị cáo T nhằm mục đích phục vụ nhu cầu gia đình. Như vậy, lời khai nhận hành vi phạm tội của các bị cáo tại phiên tòa và trong giai đoạn điều tra, truy tố là hoàn toàn phù hợp và thống nhất với nhau, phù hợp với lời khai của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng; phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, tranh tụng tại phiên tòa. Vì vậy, Hội đồng xét xử đã có đủ căn cứ kết luận, bị cáo Trần Văn T đã phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 của Bộ luật Hình sự; bị cáo Nguyễn Hoàng Q đã phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại khoản 1 Điều 323 của Bộ luật Hình sự.

[3] Xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà các bị cáo đã thực hiện là nguy hại cho xã hội, không những đã trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống sinh hoạt cho người bị hại, mà còn xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội nói chung, gây tâm lý hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống bình yên của quần chúng nhân dân. Các bị cáo là những người đã có gia đình, vợ con, đang trong độ tuổi lao động, có đầy đủ năng lực và khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình, đáng lẽ ra phải chịu khó làm ăn, làm gương cho con cái nhưng chỉ vì muốn để nhanh chóng có tiền tiêu xài, thoả mãn nhu cầu cá nhân của mình và vì hám lợi mà các bị cáo đã trộm cắp tài sản của người khác cũng như tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có mặc dù vẫn nhận thức được rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật và gây nguy hại cho xã hội. Do đó, cần quyết định một hình phạt tương xứng đối với tính chất của hành vi phạm tội, mức độ, hậu quả mà các bị cáo gây ra. Nhằm để răn đe, giáo dục các bị cáo có ý thức tuân thủ pháp luật và quy tắc của cuộc sống, đồng thời phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tội phạm trong xã hội, giữ gìn trật tự công cộng.

[4] Xét về tình tiết tăng nặng thì các bị cáo không có tình tiết tăng nặng. Xét về nhân thân thì bị cáo Trần Văn T là người có nhân thân xấu: liên tiếp thực hiện nhiều lần hành vi đánh bạc, trộm cắp tài sản nên đã bị xử lý hành chính vào các ngày 06/4/2005 và ngày 14/7/2005; ngày 21/12/1999, bị TAND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình xử phạt 04 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản của công dân”, tại bản án hình sự sơ thẩm số 67/HSST; ngày 27/4/2000, bị TAND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình xử phạt 12 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản của công dân”, tại bản án hình sự sơ thẩm số 13/HSST; ngày 27/8/2013, bị TAND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình xử phạt 18 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, tại bản án hình sự sơ thẩm số 56/2013/HSST. Bị cáo đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý nhiều lần nhưng vẫn không những không tu chí làm ăn, đúc rút cho mình những bài học kinh nghiệm để sống tuân thủ pháp luật mà ngược lại tiếp tục trộm cắp tài sản trong vụ án này. Điều này cho thấy Trần Văn T là một đối tượng rất manh động và liều lĩnh, có ý thức coi thường pháp luật. Xét về các tình tiết giảm nhẹ thì các bị cáo trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo Nguyễn Hoàng Q phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; sau khi phạm tội đã hoàn trả, khắc phục hậu quả gây ra; bị cáo bị khuyết tật nặng. Ngoài ra, bị cáo T có gia đình thuộc diện hộ nghèo, có mẹ là người có công, bị cáo Q có gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, có bố là người có công, người hưởng chính sách như Thương binh. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, i, p, s khoản 1; khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, được áp dụng cho các bị cáo theo điều kiện mà mỗi bị cáo được hưởng khi quyết định hình phạt.

[5] Từ những nhận định, đánh giá trên, Hội đồng xét xử xét thấy cần thiết áp dụng hình phạt tù có thời hạn, buộc bị cáo Trần Văn T phải đi chấp hành hình phạt tại Trại giam, cách ly ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định để có điều kiện tiếp tục giáo dục, cải tạo bị cáo tiến bộ, sớm trở lại là công dân sống có ích cho gia đình và xã hội. Đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Q là người có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có nơi cư trú ổn định, rõ ràng, có đủ điều kiện được rèn luyện, cải tạo tại địa phương nên chưa cần thiết buộc phải đi chấp hành hình phạt tù tại Trại giam, cách ly ra khỏi xã hội mà áp dụng Điều 36 Bộ luật Hình sự, xét xử cho bị cáo hình phạt cải tạo không giam giữ, giao về chính quyền địa phương phối hợp cùng gia đình quản lý, giám sát cũng đủ tính răn đe, giáo dục. Bị cáo Q có gia đình thuộc hộ cận nghèo, bản thân bị khuyết tật nặng được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng vì vậy miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo trong thời gian chấp hành án.

[6] Về trách nhiệm dân sự: Tài sản mà bị cáo Thực chiếm đoạt đã được thu giữ kịp thời giao trả cho người bị hại theo quy định. Đối với anh Trần Văn C là người mua tài sản do bị cáo Q đem bán nhưng xác định trong quá trình mua bán anh C không biết tài sản đó là do bị cáo Q mua lại từ tài sản do phạm tội mà có nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh Trần Văn C. Bị cáo Q đã bán tài sản trộm cắp cho anh C lấy số tiền 1.000.000 đồng nên bị cáo phải có trách nhiệm hoàn trả cho anh C. Giữa anh C và bị cáo Q cũng đã thỏa thuận hoàn trả đầy đủ số tiền trên. Đến tại phiên toà hôm nay người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không ai có ý kiến, yêu cầu gì thêm về trách nhiệm dân sự, nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[7] Về biện pháp tư pháp và xử lý vật chứng: Vật chứng của vụ án đã được tạm giữ để điều tra và được xử lý trả lại cho chủ sở hữu là ông Phạm Văn H theo quy định của pháp luật. Đến tại phiên tòa không ai có ý kiến, yêu cầu gì thêm, nên Hội đồng xét xử không xem xét. Đối với số tiền 4.000.000 đồng mà bị cáo T bán tài sản cho bị cáo Q đã được T dùng tiêu xài cá nhân hết, xét thấy đây là khoản tiền có được do mua bán tài sản trộm cắp được mà có nên căn cứ điểm b khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự; điểm b khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, buộc bị cáo Trần Văn T phải nộp lại để sung vào ngân sách nhà nước.

[8] Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, buộc các bị cáo Trần Văn T và Nguyễn Hoàng Q phải chịu tiền án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 173; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Trần Văn T;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 323; các điểm b, i, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Q;

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 47; điểm b khoản 2 Điều 106; khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Trần Văn T phạm tội “Trộm cắp tài sản”; bị cáo Nguyễn Hoàng Q phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

2. Về hình phạt:

- Xử phạt bị cáo Trần Văn T 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam ngày 29/8/2019.

Tiếp tục tạm giam bị cáo Trần Văn T với thời hạn 45 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 25/11/2019) theo Quyết định của Hội đồng xét xử.

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Q 12 (mười hai) tháng cải tạo không giam giữ. Thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục bị cáo nhận được quyết định thi hành án và bản án.

Miễn khấu trừ thu nhập đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Q trong thời gian chấp hành án.

Giao bị cáo Nguyễn Hoàng Q cho Ủy ban nhân dân xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình phối hợp cùng gia đình giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ.

3. Về trách nhiệm dân sự: Không xem xét.

4. Về biện pháp tư pháp và xử lý vật chứng: Buộc bị cáo Trần Văn T phải nộp lại số tiền 4.000.000 đồng để sung vào ngân sách nhà nước.

5. Về án phí: Buộc các bị cáo Trần Văn T và Nguyễn Hoàng Q mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm để sung vào công quỹ nhà nước.

Báo cho bị cáo được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

343
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 56/2019/HS-ST ngày 25/11/2019 về tội trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Số hiệu:56/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Quảng Trạch - Quảng Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về