TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN N, TỈNH NINH BÌNH
BẢN ÁN 55/2019/HS-ST NGÀY 16/07/2019 VỀ TỘI TỔ CHỨC CHO NGƯỜI KHÁC TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI TRÁI PHÉP
Ngày 16/7/2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Ninh Bình mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 42/2019/TLST-HS ngày 27/5/2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 49/2019/QĐXXST-HS ngày 01/7/2019 đối với bị cáo:
Họ và tên: Mai Văn N, sinh năm 1981; Tên gọi khác: Không; Giới tính: Nam; Nơi ở và ĐKNKTT: Thôn Đ, xã T, huyện N, tỉnh Ninh Bình; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ văn hóa: Lớp 9/12; Nghề nghiệp: Làm nông nghiệp; Bố đẻ: không xác định, con bà Mai Thị Đ; Có vợ Nguyễn Thị H và 02 con, con lớn sinh năm 2008, con nhỏ sinh năm 2011; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt tạm giam kể từ ngày 14/02/2019, hiện đang bị tạm giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Ninh Bình, (Bị cáo có mặt tại phiên tòa).
Người bào chữa cho bị cáo Mai Văn N: Ông Trương Đình T - Luật sư Công ty Luật TNHH MTV T. Địa chỉ: Số 46, đường Đ, phường Đ, thành phố Ninh Bình (Có mặt).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Bà Bùi Thị L, sinh năm 1969. Địa chỉ: Thôn Đ, xã T, huyện N, tỉnh Ninh Bình (Có mặt).
- Anh Mai Tuấn A, sinh năm 1995. Địa chỉ: Thôn Đ, xã T, huyện N, tỉnh Ninh Bình (Có mặt).
- Anh Lưu Văn T, sinh năm 1984. Địa chỉ: Thôn B, xã T, huyện N, tỉnh Ninh Bình (Vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Mai Văn N là người không có chức năng, thẩm quyền đưa người ra nước ngoài làm việc theo quy định của pháp luật. Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2019 Mai Văn N đã nhiều lần xuất cảnh sang Trung Quốc bằng hình thức vượt biên trái phép, không làm thủ tục, giấy tờ xuất cảnh theo quy định để tìm việc làm thuê tại Trung Quốc. Cuối năm 2016, khi N từ Trung Quốc về nhà thì bà Bùi Thị L sinh năm 1969 là mợ của N có hỏi thăm về công việc bên Trung Quốc. N nói “Sang Trung Quốc làm tại xưởng nhôm, lương khoảng 9 đến 10 triệu đồng/tháng, đi bằng hình thức vượt biên trái phép, không làm giấy tờ, thủ tục gì. Chi phí hết 6.000.000 đồng/1 người”. N còn nói với bà L “Sức của mợ sang đó vẫn làm tốt”. Sau khi nghe N nói thì bà L đồng ý và nói khi nào đi thì đưa bà L và con trai bà là Mai Tuấn A sinh năm 1995 đi cùng. Cũng trong khoảng thời gian đó thì anh Lưu Văn T sinh năm 1984, trú tại xã T, huyện N, tỉnh Ninh Bình là bạn N đến chơi hỏi thăm về công việc thì N cũng nói lại như nói với bà L, anh T cũng đồng ý sang Trung Quốc với N. Mai Văn N dặn bà L, anh T chuẩn bị tiền chi phí đi là 6.000.000 đồng/1 người. N còn nói “Đây là đi chui, nếu xảy ra vấn đề gì thì tôi không chịu trách nhiệm đâu”. Bà L, anh T đồng ý đi sang Trung Quốc lao động và mỗi người đã đưa cho N 6.000.000 đồng.
Sau khi được bà Bùi Thị L, anh Mai Tuấn A và anh Lưu Văn T nhất trí đi sang Trung Quốc lao động, Mai Văn N đã bố trí ngày 12/02/2017 đưa bà L, anh Tuấn A và anh T sang Trung Quốc. N gọi điện cho xe khách tuyến N, Quảng Ninh đặt 4 vé đi Móng Cái, Quảng Ninh. Đến khoảng 05 giờ 30 phút ngày 12/02/2017 ông Lưu Văn C điều khiển xe mô tô chở T đến nhà N. Sau đó thì xe khách đến đón N, anh T, anh Tuấn A và bà L đi Móng Cái. Tiền vé xe khách do những người đi tự trả là 200.000 đồng/1 người. Đến khoảng 15 giờ 30 phút cùng ngày xe khách đi đến Bến xe Móng Cái, Quảng Ninh. Tại bến xe Móng Cái, Mai Văn N đã dùng điện thoại Oppo, N không nhớ số sim điện thoại liên hệ với một người phụ nữ tên là M bảo M đưa N và những người đi cùng vượt biên sang Trung Quốc để đến xưởng làm nhôm nơi N từng làm. Khoảng 30 phút sau một người nam giới là người Việt Nam do M bố trí đến đón và đưa N cùng anh T, anh Tuấn A và bà L đi đến một ngôi nhà chờ gần Bến xe Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, tại đây N đã đưa tổng số tiền 24.000.000 đồng (gồm cả số tiền 6.000.000 đồng của N và tiền thu của ba người đi) cho người nam giới này. Người nam giới cầm tiền sau đó đưa N, anh T, Tuấn A và bà L đến Bến sông Ka Long, lên đò đi qua sông Ka Long sang Trung Quốc. Sang tới Trung Quốc, có một người phụ nữ là người Việt Nam đón và bố trí xe để đưa N cùng số người đi đến xưởng làm nhôm ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tới xưởng làm nhôm, N xin việc làm cho bà Bùi Thị L, anh Mai Tuấn A và anh Lưu Văn T làm tại xưởng nhôm. Đến khoảng tháng 4/2017, anh Mai Tuấn A tự về Việt Nam, đến khoảng tháng 5/2017 bà Bùi Thị L tự về Việt Nam, khoảng tháng 01/2018 anh Lưu Văn T về Việt Nam. Mai Văn N đến tháng 01/2019 về Việt Nam. Tất cả đều đi về Việt Nam bằng cách vượt biên trái phép (BL 8-23, 51-89, 94-105, 110-122, 127-133).
Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo khai nhận hành vi phạm tội của mình như trên; Kiểm sát viên, bị cáo không có ý kiến gì về quyết định truy tố của Viện kiểm sát.
Tại bản cáo trạng số 41/CT-VKSNQ ngày 27/5/2019 đã truy tố Mai Văn N về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo khoản 1 Điều 349 Bộ luật hình sự. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên toà vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố hành vi của của bị cáo Mai Văn N đủ yếu tố cấu thành tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Mai Văn N phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
Áp dụng: Khoản 1 Điều 349, điểm s Khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Đề nghị xử phạt bị cáo Mai Văn N từ 15 tháng đến 18 tháng tù, thời hạn tính từ ngày bắt tạm giam 14/02/2019.
Về trách nhiệm dân sự: Trong quá trình điều tra, anh Mai Tuấn A, bà Bùi Thị L, anh Lưu Văn T không yêu cầu bị cáo N trả lại số tiền đã đưa cho N để N tổ chức đưa sang Trung Quốc làm việc.
Về án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo phải chịu theo quy định của pháp luật. Người bào chữa cho bị cáo khẳng định hành vi nêu trên của bị cáo là vi phạm pháp luật hình sự nhưng không cấu thành tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 36 Bộ luật hình sự cho bị cáo cải tạo không giam giữ.
Bị cáo không có ý kiến tranh luận với đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện N.
Lời nói sau cùng của bị cáo rất ân hận về hành vi phạm tội của mình và xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện N, Viện kiểm sát nhân dân huyện N, Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2]. Tại phiên tòa hôm nay bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình phù hợp với nội dung bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện N đã truy tố cụ thể như sau: Từ năm 2012 do không có việc làm ổn định nên bị cáo N nhiều lần xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để làm thuê. Xuất phát từ mục đích muốn giúp đỡ bà Bùi Thị L, anh Mai Tuấn A và anh Lưu Văn T sang Trung Quốc lao động để có thu nhập ổn định nên ngày 12/02/2017 Mai Văn N đã liên lạc với người phụ nữ tên M là người mà nhiều lần đưa N vượt biên sang Trung Quốc để M bố trí người đón, phương tiện để đưa N cùng bà Bùi Thị L, anh Mai Tuấn A và anh Lưu Văn T vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Tại ngôi nhà chờ gần Bến xe Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh N đã đưa tổng số tiền 24.000.000đồng (gồm cả số tiền 6.000.000 đồng của N và tiền thu của ba người đi) cho người nam giới là người Việt Nam do M bố trí đến đón và đưa N cùng anh T, anh Tuấn A và bà L lên đò đi qua sông Ka Long sang Trung Quốc. Sang tới Trung Quốc, có một người phụ nữ là người Việt Nam đón và bố trí xe để đưa N cùng số người đi đến xưởng làm nhôm ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và N xin việc làm cho bà Bùi Thị L, anh Mai Tuấn A và anh Lưu Văn T làm tại đây.
Lời khai của bị cáo tại phiên tòa hôm nay phù hợp với lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các chứng cứ, tài liệu có liên quan khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa. Đã đủ cơ sở pháp lý khẳng định bị cáo Mai Văn N là người không có chức năng, thẩm quyền trong việc đưa người đi nước ngoài làm việc theo quy định của pháp luật nhưng ngày 12/02/2017 Mai Văn N đã sắp xếp, lên kế hoạch để đưa bà Bùi Thị L, anh Mai Tuấn A, anh Lương Văn T vượt biên trái phép sang nước Trung Quốc để đi lao động mà không làm giấy tờ thủ tục xuất cảnh, không được sự cho phép của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 349 Bộ luật hình sự thì: “Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Như vậy, hành vi nêu trên của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Viện kiểm sát nhân dân huyện N vẫn giữ nguyên quan điểm đã truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, trước khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử cân nhắc đến tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra, nhân thân bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, xét thấy:
Hành vi của bị cáo là cố ý và gây nguy hiểm cho xã hội. Trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của các cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong những năm gần đây hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép đang diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Bị cáo nhận thức rõ hành vi nêu trên của mình là nguy hiểm cho xã hội và bị Nhà nước cấm nhưng vẫn cố ý thực hiện điều đó chứng tỏ bị cáo có ý thức coi thường pháp luật nên cần xử phạt bị cáo mức án thật nghiêm khắc, áp dụng loại hình phạt tù có thời hạn cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của bị cáo. Như vậy, mới có tác dụng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, răn đe phòng ngừa tội phạm chung đồng thời giúp bị cáo có thời gian cải tạo rèn luyện mình trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu; phạm tội không vì mục đích vụ lợi; gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác, quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi mình. Đây là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự cần áp dụng khi quyết định hình phạt đối với bị cáo.
[3]. Về hình phạt bổ sung: Xét bị cáo phạm tội không vì mục đích lợi nhuận, bị cáo không hưởng lợi gì từ bà L, anh T và anh Tuấn A. Mặt khác, gia đình bị cáo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không cần thiết phải áp dụng hình phạt bổ sung bằng hình thức phạt tiền thể hiện tính khoan hồng của pháp luật là phù hợp.
[4]. Các vấn đề khác:
Đối với ông Lưu Văn C là bố đẻ T chở T đến nhà N, ông C không biết việc T đến nhà N là để N đưa đi vượt biên trái phép sang nước ngoài nên không có căn cứ để xử lý với ông C.
Đối với người phụ nữ tên M và những người được M bố trí đón, đưa N, anh T, anh Tuấn A và bà L. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã tách phần tài liệu liên quan đến bà M và những người được bà M bố trí đón đưa để tiếp tục điều tra, xác minh.
Đối với hành vi xuất nhập cảnh trái phép của bà Bùi Thị L, anh Lương Văn T, anh Mai Tuấn A với mục đích đi lao động đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nên cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Ninh Bình không xem xét xử lý.
Đối với hành vi nhập cảnh trái phép của Mai Văn N về Việt Nam năm 2019. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã có Công văn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính.
Quá trình làm việc tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc thì N và những người đi cùng không biết địa chỉ cụ thể, không biết số điện thoại của chủ hay tên công ty nên không có căn cứ để điều tra, xác minh.
Đối với chiếc điện thoại Oppo N dùng liên lạc với bà M, quá trình làm việc bên Trung Quốc thì N đã làm mất nên Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Ninh Bình không thu giữ được.
[5]. Về trách nhiệm dân sự: Trong quá trình điều tra và tại phiên anh Mai Tuấn A, bà Bùi Thị L, anh Lưu Văn T không yêu cầu N trả lại số tiền đã đưa cho N để N tổ chức đưa sang Trung Quốc làm việc nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[6]. Về án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố bị cáo Mai Văn N phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
- Áp dụng: Khoản 1 Điều 349; Điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.
Xử phạt bị cáo Mai Văn N 12 (Mười hai) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày tạm giam 14/02/2019.
2. Về án phí hình sự sơ thẩm:
Áp dụng: Khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bị cáo Mai Văn N phải nộp là 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng).
3. Án xử công khai sơ thẩm bị cáo; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ.
Bản án 55/2019/HS-ST ngày 16/07/2019 về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép
Số hiệu: | 55/2019/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Nho Quan - Ninh Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 16/07/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về