Bản án 53/2017/HSPT ngày 20/11/2017 về tội trộm cắp tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

BẢN ÁN 53/2017/HSPT NGÀY 20/11/2017 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN

Trong các ngày 15 và 20 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 114/2017/HSPT ngày 02 tháng 10 năm 2017 đối với các bị cáo Nguyễn Đương T, Nguyễn Sỹ H và Nguyễn Nam S do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đương T và Nguyên đơn dân sự là Công ty Cổ phần Thanh Sơn đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 100/2017/HSST ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Bắc Ninh.

* Các bị cáo có kháng cáo và bị kháng cáo là:

1. Nguyễn Đương T, sinh năm 1990; Nơi ĐKHKTT: Xóm T1, thôn D, xã Đ, huyện T, tỉnh Bắc Ninh; trình độ học vấn: 11/12; nghề nghiệp: Công nhân; con ông Nguyễn Đương S, sinh năm 1965 và bà Nguyễn Thị T (đã chết); gia đình có 03 anh chị em, bị cáo là con thứ ba; có vợ là Nguyễn Thị M, sinh năm 1990 và có 02 con, lớn sinh năm 2013, nhỏ sinh năm 2015; Tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 10/3/2017 đến ngày 08/5/2017; hiện tại ngoại. Có mặt.

2. Nguyễn Sỹ H, sinh năm 1995; Nơi ĐKHKTT: Xóm L, thôn D, xã Đ, huyện T, tỉnh Bắc Ninh; trình độ học vấn: 9/12; nghề nghiệp: Công nhân; con ông Nguyễn Sỹ H, sinh năm 1971 và bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1976; gia đình có 02 anh em, bị cáo là con thứ nhất; Tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 10/3/2017 đến ngày 08/5/2017; hiện tại ngoại. Có mặt.

3. Nguyễn Nam S, sinh năm 1997; Nơi ĐKHKTT: Xóm L, thôn D, xã Đ, huyện T, tỉnh Bắc Ninh; trình độ học vấn: 12/12; nghề nghiệp: Công nhân; con ông Nguyễn Đương Y, sinh năm 1969 và bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1974; gia đình có 02 anh em, bị cáo là con thứ hai; Tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị tạm giữ tạm giam từ ngày 10/3/2017 đến ngày 08/5/2017; hiện tại ngoại. Có mặt.

* Nguyên đơn dân sự có kháng cáo là:

Công ty Cổ phần Thanh Sơn; Địa chỉ nhà máy sản xuất: Khu Công nghiệp Đ, xã H, huyện T, tỉnh Bắc Ninh;

Do ông Trần Văn T2, sinh năm 1950, Giám đốc Công ty là người đại diện theo pháp luật; Có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Chị Vũ Thị M, sinh năm 1985; Nơi ĐKHKTT: H, xã X, huyện X1, tỉnh Nam Định; Hiện trú tại: Thôn P, xã P1, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh. Có mặt.

Trong vụ án này còn có những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác nhưng không kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

* Vụ thứ nhất: Khoảng 17h ngày 17/02/2017, khi Nguyễn Đương T đang ở nhà thì nhận được điện thoại của anh Vi Văn H là trưởng ca phân công đi làm vào ca 3 thay anh H, thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. T đồng ý.

Đúng 22h ngày 17/02/2017, T có mặt tại kho hàng số 7, Công ty Cổ phần Thanh Sơn để làm công việc nghiền, trộn nhựa sản xuất phao cứu sinh. Trong ca làm việc của T còn có Nguyễn Nam S và một số người khác. T làm việc đến khoảng 22h30’ cùng ngày, quan sát thấy xung quanh vắng vẻ, không có người quản lý trông coi, các công nhân khác đang làm ở vị trí xa, khuất tầm nhìn. Thấy điều kiện thuận lợi, T nảy sinh ý định trộm cắp hạt nhựa của công ty mang ra ngoài bán lấy tiền tiêu.

Sau đó, T lấy 01 thanh sắt xoắn loại phi 20; dài 1,15m có sẵn ở trong kho cầm đi ra vị trí cửa phụ số 2, một đầu T đưa vào khe hở (nơi tiếp giáp giữa đường ray và bánh xe phía dưới cánh cửa) và cầm hai tay vào đầu còn lại dùng lực bẩy của hai tay bẩy kênh bánh xe lên để di chuyển cả cánh cửa nhưng không được. T đi ra chỗ S đang làm việc và nhờ S “Ra đẩy cho tao cái cửa, tao lấy trộm mấy bao hạt nhựa xem có bán được không”. S hiểu ý liền nói “Chắc gì đã bán được” nhưng vẫn đồng ý cùng T đi ra vị trí cửa phụ số 2. T tiếp tục dùng thanh sắt làm như lúc trước để S đứng cạnh dùng hai tay đẩy mạnh cánh cửa về một phía, tạo ra khe hở vừa tầm một người có thể đi lại được. Sau đó, S và T quay lại vị trí tiếp tục làm việc.

Một lúc sau, T gọi điện thoại cho Nguyễn Sỹ H, rủ H cùng tham gia trộm cắp hạt nhựa. H đồng ý. Khoảng 00h30’ cùng ngày 18/02/2017, H điều khiển xe máy nhãn hiệu Piagio Liberty màu trắng, BKS 99B1-10035 đến khu vực tường rào gần kho số 7 của Công ty cổ phần Thanh Sơn. H gọi điện báo cho T biết là H đã đến. Sau khi nghe điện của H, T bỏ vị trí làm việc, đi ra cửa phụ số 2 đẩy cửa rộng khoảng 40cm rồi lần lượt bê từng bao hạt nhựa nguyên liệu nhãn hiệu EL- LENE HDPE (mỗi bao nặng 25kg) ra khu vực tường rào, rồi chuyển ra bên ngoài 2 bao hạt nhựa cho H đón rồi T quay lại vị trí tiếp tục làm việc, còn H chở 2 bao hạt nhựa đến cửa hàng thu mua phế liệu bán cho chị Vũ Thị M ở thôn P, xã P1, thị xã T được 800.000 đồng.

Sau khi bán cho chị M xong, H điều khiển xe về khu vực tường rào của Công ty cổ phần Thanh Sơn và gọi điện cho T để T tiếp tục chuyển các bao hạt nhựa ra ngoài cho H mang đi bán. T chuyển được thêm 2 lần nữa, mỗi lần 3 bao hạt nhựa. Còn H chở 2 chuyến nữa, mỗi chuyến 3 bao hạt nhựa đến cửa hàng thu mua phế liệu bán cho chị M được 2.400.000 đồng. Khi hết ca làm việc, trên đường đi về nhà T gặp H, H chia cho T 1.600.000 đồng. Số tiền này, T và H đã sử dụng chi tiêu cá nhân hết.

Tại Biên bản và Kết luận họp định giá tài sản ngày 20/3/2017 của Hội đồng định giá trong tố tụng huyện T kết luận: 08 bao hạt nhựa, nhãn hiệu EL-LENE HDPE, tổng khối lượng 200kg, trị giá 6.842.000 đồng.

* Vụ thứ hai: Khoảng 16h ngày 27/02/2017, T nhận được điện thoại của anh H phân công đi làm ca 3. T gọi điện rủ H tiếp tục trộm cắp hạt nhựa của Công ty cổ phần Thanh Sơn. H đồng ý. Khoảng 00h ngày 28/02/2017, T nhận được điện thoại của H thông báo là H đã đến. Cũng với phương thức, thủ đoạn như trên T đã sử dụng xe đẩy hàng của Công ty chở 2 chuyến mỗi chuyến 8 bao hạt nhựa mang ra cửa phụ số 2 rồi sau đó bê từng bao hạt nhựa chuyển qua hàng rào cho H đứng ngoài đón. T chuyển cho H 4 lần, mỗi lần 4 bao để H chở đi tiêu thụ. H tiếp tục mang bán cho chị M được tổng số tiền 6.400.000 đồng, H chia cho T 3.200.000 đồng.

Tại Biên bản và Kết luận họp định giá tài sản ngày 20/3/2017 của Hội đồng định giá trong tố tụng huyện T kết luận: 16 bao hạt nhựa, nhãn hiệu EL-LENE HDPE, tổng khối lượng 400kg, trị giá 13.684.000 đồng.

* Vụ thứ ba: Cũng với phương thức, thủ đoạn như hai lần trước, khoảng 01h ngày 09/3/2017, dưới sự giúp sức của S, T mở cửa phụ số 2. Đến khoảng 02h cùng ngày, T nhận được điện thoại của H thông báo đã đến. T bê 10 bao hạt nhựa đặt lên xe đẩy của Công ty chuyển ra cửa phụ số 2 và bê từng bao chuyển qua hàng rào cho H. H chỉ chở được 4 bao một chuyến nên lại T về vị trí làm việc chờ H mang đi bán quay về sẽ chuyển tiếp. H điều khiển xe máy đi được một đoạn thì bị tổ công tác Công an huyện T đuổi theo. Thấy có người đuổi, H đi lòng vòng một lúc rồi vẫn mang bán cho chị M được 1.600.000 đồng thời H gọi điện thông báo cho T biết bị đuổi, T liền ra cửa phụ số 2 đẩy cánh cửa vào như cũ và chuyển 6 bao hạt nhựa đến vị trí mà T đang làm việc.

Tại Biên bản và Kết luận họp định giá tài sản ngày 20/3/2017 của Hội đồng định giá trong tố tụng huyện T kết luận: 10 bao hạt nhựa, nhãn hiệu EL-LENE HDPE, tổng khối lượng 250kg, trị giá 8.552.000 đồng.

Về phía Vũ Thị M, quá trình điều tra chỉ nhận mua 4 bao hạt nhựa ngày 09/3/2017 của H và khai không biết nguồn gốc hạt nhựa do phạm tội mà có.

Với nội dung nêu trên, Bản án hình sự sơ thẩm số: 100/2017/HSST ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện T đã tuyên xử các bị cáo Nguyễn Đương T, Nguyễn Sỹ H và Nguyễn Nam S phạm tội “Trộm cắp tài sản”.

Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 33 Bộ luật hình sự, xử phạt: Nguyễn Đương T 16 tháng tù.

Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 60 Bộ luật hình sự, xử phạt:

- Bị cáo Nguyễn Sỹ H 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Bị cáo Nguyễn Nam S 08 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 16 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Án sơ thẩm cũng áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; Điều 579; Điều 584; Điều 585; Điều 589 Bộ luật dân sự, buộc các bị cáo Nguyễn Đương T, Nguyễn Sỹ H và Nguyễn Nam S phải bồi thường cho Công ty cổ phần Thanh Sơn 20.526.000 đồng; trong đó, T và H, mỗi bị cáo 9.500.000 đồng, bị cáo S 1.526.000 đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 16/8/2017, bị cáo Nguyễn Đương T kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 14/9/2017, Nguyên đơn dân sự là Công ty cổ phần Thanh Sơn kháng cáo với các nội dung: Đề nghị xác định Công ty cổ phần Thanh Sơn là Người bị hại chứ không phải là nguyên đơn dân sự như cấp sơ thẩm xác định; yêu cầu tăng mức hình phạt đối với các bị cáo; yêu cầu các bị cáo phải bồi thường 590.006.186 đồng tương ứng với 17.246,6kg nhựa đã mất chứ không phải 20.526.000đ tương ứng với 850kg nhựa như án sơ thẩm đã tuyên và đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự đối với Vũ Thị M.

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Nguyễn Đương T rút kháng cáo, chấp nhận bản án sơ thẩm đã xét xử. T khai chỉ cùng H và được sự giúp sức của S thực hiện hành vi trộm cắp 03 lần vào đêm ngày 17/02/2017 rạng sáng ngày 18/02/2017; đêm 27/02/2017 rạng sáng ngày 28/02/2017 và đêm 08/3/2017 rạng sáng ngày 09/3/2017. Cả 03 lần đã trộm cắp được tổng số 34 bao hạt nhựa nhãn hiệu EL-LENE HDPE của Công ty cổ phần Thanh Sơn. Ngoài ba lần trên, các bị cáo không thực hiện hành vi trộm cắp lần nào nữa.

Bị cáo Nguyễn Sỹ H khai đã cùng T thực hiện 03 lần trộm cắp được tổng số 34 bao hạt nhựa của Công ty cổ phần Thanh Sơn vào thời gian như T đã khai. Bản thân bị cáo trực tiếp mang các bao hạt nhựa này đi bán cho Vũ Thị M và sau mỗi lần bán đã chia cho T một nửa số tiền có được. Khi bán các bao hạt nhựa cho M, H không nói cho chị M biết đây là tài sản do trộm cắp mà có, lần đầu chị M còn cân các bao hạt nhựa nhưng từ lần sau, chỉ nhìn thấy bao còn nguyên là mua, ngoài 03 lần này, H và T không thực hiện hành vi trộm cắp nào của Công ty cổ phần Thanh Sơn nữa.

Bị cáo Nguyễn Nam S khai nhận: Mặc dù biết T trộm cắp tài sản của Công ty cổ phần Thanh Sơn nhưng S vẫn đồng ý giúp T 03 lần đẩy cửa phụ số 02 tại kho hàng số 7. Bản thân S không được T hay H chia cho khoản tiền nào từ việc trộm cắp tài sản.

Ông Trần Văn T2, Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Sơn cho rằng Công ty của ông bị mất hơn 17 tấn hạt nhựa chứ không phải 850kg như án sơ thẩm đã qui kết, loại hạt nhựa của Công ty là loại nhập khẩu dùng để sản xuất phao cứu sinh theo hợp đồng với Bộ Công an không có nhiều trên thị trường. Ông T2 đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bị cáo đối với hơn 17 tấn hạt nhựa bị mất, phải coi Công ty của ông là người bị hại và phải xử lý trách nhiệm hình sự đối với Vũ Thị M.

Chị Vũ Thị M tại phiên tòa phúc thẩm khai chỉ mua 4 bao hạt nhựa của H vào đêm 08/3/2017 rạng sáng ngày 09/3/2017 với giá 1.600.000 đồng. Khi mua của H, chị M không cân, không kiểm tra hàng mà thấy hàng còn nguyên trong bao được đóng kín. Chị M không nhận đã mua của H hai lần trước đó.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh thực hành quyền công tố tại phiên tòa, sau khi nhận xét vụ án, xem xét yêu cầu kháng cáo của bị cáo T và nguyên đơn dân sự đã cho rằng vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm là Vũ Thị M, để đảm bảo xem xét đánh giá khách quan, toàn diện vụ án, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Bị cáo T, các bị cáo H, S và Nguyên đơn dân sự không tham gia tranh luận với đại diện Viện kiểm sát.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đương T và Nguyên đơn dân sự là Công ty cổ phần Thanh Sơn nộp trong hạn luật định là hợp lệ, được chấp nhận để xem xét theo trình tự phúc thẩm.

Xét kháng cáo của Nguyên đơn dân sự đề nghị xác định tư cách tham gia tố tụng là người bị hại chứ không phải Nguyên đơn dân sự Hội đồng xét xử thấy: Công ty Thanh Sơn là công ty cổ phần có nhiều thành viên góp vốn nên theo quy định tại Điều 52, Điều 231 Bộ luật tố tụng hình sự thì án sơ thẩm xác định tư cách tham gia tố tụng của Công ty là Nguyên đơn dân sự trong vụ án mà không phải tư cách Người bị hại trong vụ án là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Cũng theo quy định của các điều luật trên thì Nguyên đơn dân sự chỉ có quyền kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại, không có quyền kháng cáo về các vấn đề liên quan đến hình phạt đối với các bị cáo Nguyễn Đương T, Nguyễn Sỹ H, Nguyễn Nam S. Sau khi án sơ thẩm xử, chỉ có Nguyễn Đương T kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và tại phiên tòa phúc thẩm đã rút kháng cáo, Viện kiểm sát sau khi xét xử phúc thẩm không kháng nghị tăng hình phạt đối với các bị cáo nên cấp phúc thẩm không xem xét yêu cầu tăng mức hình phạt đối với các bị cáo của Nguyên đơn dân sự là Công ty cổ phần Thanh Sơn. Việc Công ty cổ phần Thanh Sơn yêu cầu xem xét buộc các bị cáo phải bồi thường 590.006.186 đồng tương ứng với 17.246,6kg nhựa đã mất chứ không phải 20.526.000đ tương ứng với 850kg nhựa như án sơ thẩm đã tuyên Công ty cổ phần Thanh Sơn có quyền yêu cầu cơ quan điều tra để tiếp tục xem xét.

Tuy nhiên, trong vụ án này, án sơ thẩm đã sai lầm khi không đưa Vũ Thị M vào tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng tới việc giải quyết toàn diện vụ án và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm bởi lẽ: Lời khai của Nguyễn Sỹ H từ giai đoạn điều tra tới phiên tòa phúc thẩm đều cho rằng đã 3 lần bán các bao hạt nhựa cho M vào thời gian rạng sáng các ngày 18/02/2017; ngày 28/02/2017 và ngày 09/3/2017 với tổng số 28 bao hạt nhựa còn nguyên đai, nguyên kiện, M chỉ lần đầu tiên cân các bao hạt nhựa còn các lần H bán sau đều không cân và mua, trả tiền ngay sau khi nhìn thấy các bao hạt nhựa như các lần trước. Đối với Vũ Thị M tuy chỉ khai mua 4 bao hạt nhựa của H vào đêm 08/3/2017 rạng sáng ngày 09/3/2017 với giá 1.600.000 đồng nhưng M không cân, không kiểm tra hàng mà thấy hàng còn nguyên trong bao được đóng kín. Tại phiên tòa hôm nay, M thừa nhận các bao hạt nhựa đã mua của H giống như các bao hạt nhựa đã được chụp ảnh có trong hồ sơ vụ án vẫn còn nguyên bao, nguyên dấu mà Hội đồng xét xử cho bị cáo xem. Xét thấy, các bao hạt nhựa H bán cho M chưa qua sử dụng, còn nguyên bao, có nhãn hiệu EL-LENE HDPE và trọng lượng 25 kg/bao là loại nhựa Công ty Cổ phần Thanh Sơn nhập khẩu để sản xuất phao cứu sinh thì không thể coi là phế liệu được. Trong khi đó, Vũ Thị M vẫn mua của H vào thời gian đêm tối, với giá không bằng một nửa so với giá nhập khẩu của Công ty là có dấu hiệu phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” nhưng tòa án sơ thẩm không hoàn hồ sơ, Viện kiểm sát cũng không truy tố là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Vấn đề nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không thể khắc phục được. Vì vậy, cần hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân huyện T để điều tra lại theo thủ tục chung.

Bị cáo Nguyễn Đương T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

Căn cứ điểm c khoản 2 điều 248; Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự.

QUYẾT ĐỊNH

Hủy bản án hình sự sơ thẩm số: 100/2017/HSST ngày 03/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện T. Giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện T để điều tra lại theo thủ tục chung.

Bị cáo Nguyễn Đương T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

295
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 53/2017/HSPT ngày 20/11/2017 về tội trộm cắp tài sản

Số hiệu:53/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Ninh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về