Bản án 504/2019/HS-PT ngày 29/08/2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 504/2019/HS-PT NGÀY 29/08/2019 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 29 tháng 8 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 402/2019/TLPT-HS ngày 31 tháng 5 năm 2019; do có kháng cáo của những người bị hại, gồm: Bà Nguyễn Thị Tuyết M, ông Nguyễn Văn P và ông Lê Văn T đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 44/2019/HS-ST ngày 23/4/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

* Bị cáo bị kháng cáo:

Lê Văn Đ, tên gọi khác: không; Sinh ngày 09 tháng 8 năm 1962 huyện H, tỉnh Thanh Hóa; Nơi cư trú: Số nhà A, phường T, H, tỉnh Thanh Hóa; giới tính: Nam; trình độ văn hóa: 10/10; nghề nghiệp: Lao động tự do; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; họ và tên bố: Lê Văn H, sinh năm 1924; họ và tên mẹ: Lê Thị D, sinh năm 1933; vợ: Nguyễn Thị B, sinh năm 1960 và có 02 con, con lớn sinh năm 1992, con nhỏ sinh năm 1995; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 17 tháng 10 năm 2018 đến nay, có mặt tại phiên tòa.

* Người bào chữa cho bị cáo: Bà Lê Thị Ph, Luật sư Công ty luật H, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa. Vắng mặt tại phiên tòa nhưng có gửi bài bào chữa cho bị cáo Đ.

* Những bị hại có kháng cáo:

1. Bà Nguyễn Thị Tuyết M, sinh năm 1978;

Địa chỉ: SN B, phường T, H, tỉnh Thanh Hóa, vắng mặt;

2. Ông Nguyễn Văn P, sinh năm 1953;

Địa chỉ: SN C, phường V, H, tỉnh Thanh Hóa, có mặt;

3. Ông Lê Thanh T1, sinh năm 1944;

Địa chỉ: Khu phố T, thị trấn T, huyện S, tỉnh Thanh Hóa, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Lê Văn Đ tuy không phải là cán bộ trong lực lượng Công an nhân dân, nhưng Đ đã đưa tin, nói dối mình là cán bộ Công an tỉnh Thanh Hóa, có nhiều mối quan hệ xã hội nên có thể xin được các suất học vào các trường Công an nhân dân, cũng như xin việc vào các đơn vị thuộc Công an tỉnh Thanh Hóa, vào công chức nhà nước. Do tin tưởng nên trong thời gian năm 2014 và năm 2015 nhiều người đã đưa tiền cho Đ để nhờ xin việc, xin vào các trường học của Công an nhân dân. Lê Văn Đ đã nhận tổng số 1.410.000.000 đồng của 03 người nhưng không xin được trường hợp nào đi học, hoặc đi làm được mà dùng số tiền đó vào việc chi tiêu cá nhân, sau khi những người bị hại yêu cầu trả tiền, Lê Văn Đ không có tiền trả nên đã bỏ trốn khỏi địa phương. Số tiền bị cáo nhận của những người bị hại cụ thể như sau:

Vụ thứ nhất: Khoảng tháng 7/2014, thông qua sự giới thiệu của bà Nguyễn Thị H; Lê Văn Đ đã gặp M, Đ giới thiệu mình công tác tại Công an tỉnh Thanh Hóa, có khả năng xin cho các trường hợp vào học các trường của lực lượng Công an; M đã đặt vấn đề và được Đ đồng ý xin cho 02 trường hợp là Nguyễn Văn Th con bà Nguyễn Thị L (ở xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn) vào học trường Đại học phòng cháy, chữa cháy với số tiền là 300.000.000đ và Vũ Ngọc L1 con ông Vũ Đình Đ1 (ở phường Lam Sơn, H) vào học tại Học viện Cảnh sát nhân dân với số tiền là 350.000.000đ. Đ yêu cầu đặt cọc trước 200.000.000đ/1 trường hợp, số tiền còn lại sẽ được thanh toán khi anh L1, anh Th được nhập học. Ngày 28/7/2014, M đã đặt cọc cho Đ số tiền 100.000.000đ, ngày 02/8/2014 đưa tiếp 100.000.000đ, sau đó M đưa tiếp 10.000.000đ. Khi nhận tiền bị cáo Đ viết giấy và cam đoan đến ngày 30/10/2014, Thọ sẽ được nhập học theo tiêu chí điểm thi hoặc xét đặc cách. Ngày 22/8/2014 M đưa cho bị cáo Đ số tiền 250.000.000đ để xin cho Vũ Ngọc L1 vào trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 1.

Khoảng tháng 10/2014, Đ thông báo cho M đưa anh L1 và anh Th đến Công an tỉnh Thanh Hóa để xe đưa đi nhập học. Tuy nhiên, chờ từ sáng đến chiều không thấy xe đưa đi, nên anh L1 anh Th được người nhà đưa đi đến khách sạn 25A để nghỉ; đến sáng hôm sau Đ đến khách sạn gặp, khi đến Đ mặc trang phục an ninh nhân dân (nhưng không đeo ve, hàm). Tại đây, Đ giới thiệu mình là người có trách nhiệm đưa anh L1, anh Th đi nhập học. Tuy nhiên, hiện tại xe Công an tỉnh chưa bố trí được, Đ trấn an các gia đình cứ yên tâm, ngày mai L, Th sẽ đi nhập học. Chờ đến ngày hôm sau vẫn không thấy xe đưa đi nên anh L1, anh Th về nhà.

Đến đầu tháng 11/2014, Đ thông báo cho M là đã có giấy nhập học và Đ yêu cầu M đặt tiếp số tiền 70.000.000đ để nhận giấy báo nhập học; ngày 14/10/2014, M đã đưa cho Đ số tiền 70.000.000đ để nhận giấy báo nhập học cho anh L1, anh Th. Khoảng 1 tháng sau, Đ đưa cho M một tờ giấy nhập học (bản photocopy), theo đó anh L1 trúng tuyển vào trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 1, anh Th trúng váo Trường Trung cấp phòng cháy chữa cháy và cứu nạn. Khoảng mấy ngày sau, Đ nói M đưa anh Th, anh L1 ra Hà Nội để lấy giấy nhập học bản gốc và làm thủ tục nhập học; nhưng khi ra Hà Nội ở 04 ngày vẫn không nhập học được nên M cùng anh Th, anh L1 đi về.

Ngoài ra, Lê Văn Đ còn nhận tiền của M để xin việc cho 04 trường hợp, gồm 02 trường hợp đi lính nghĩa vụ Công an tỉnh Thanh Hóa, 01 trường hợp xin vào Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Thanh Hóa và 01 trường hợp vào biên chế Công an tỉnh Thanh Hóa (sau khi đã xuất ngũ); M đã đặt cọc cho Đ số tiền là 460.000.000đ.

Như vậy, tổng số tiền bị cáo Lê Văn Đ đã nhận của M là 990.000.000đ; sau khi không xin được việc M đòi, bị cáo đã trả cho M 150.000.000đ. Tuy nhiên, M chỉ thừa nhận 100.000.000đ (việc trả tiền không có giấy biên nhận).

Vụ thứ hai: Do quen biết nhau từ năm 2013, Đ giới thiệu cho ông P3 biết mình là chú của ông Nguyễn Chí P1, Phó trưởng Công an H và Đ quen biết ông D ở Tổng cục VIII Bộ Công an, Đ sẽ nhờ ông D xin cho con gái của ông P3 vào ngành Công an. Đầu năm 2014, ông P3 gọi điện nhờ, Đ đồng ý và cam đoan xin cho chị H2 vào làm tại đội Quản lý hành chính Công an H; Đ yêu cầu đặt trước số tiền 240.000.000đ. Tháng 02/2014, ông P3 đặt cho Đ 100.000.000đ, đến ngày 23/6/2014 đặt tiếp 140.000.000đ; Đ nhận tiền và viết giấy biên nhận đề ngày 23/6/2014. Ngoài ra, ông P3 còn nhờ Đ xin cho con là Nguyễn Văn A được trúng tuyển kỳ thi Công chức quý II năm 2015, Đ đồng ý và yêu cầu ông P3 đặt cọc số tiền 80.000.000đ để lo việc; ngày 10/02/2015 ông P3 đã đưa tiền cho anh Nguyễn Văn A để đưa cho Đ số tiền 80.000.000đ. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, bị cáo Đ đã không thực hiện như đã cam kết mà dùng tiền tiêu xài cá nhân; tổng ông P3 đã đưa cho Lê Văn Đ số tiền 320.000.000đ.

Vụ thứ ba: Ông Lê Thanh T1 quan biết Đ trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự tại tây nguyên; năm 2014 tình cờ gặp nhau, Đ hỏi thăm về công việc của con ông Tân được biết ông Tân có con gái là Lê Thị H5 tốt nghiệp Đại học Hồng Đức nhưng chưa có việc làm, Đ nói có nhiều mối quan hệ xã hội nên hứa sẽ xin việc cho chị Huệ vào Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Thanh Hóa với giá khoảng 200.000.000đ, Đ yêu cầu đặt cọc 100.000.000đ. Ngày 25/7/2014 ông Tân đã đưa cho Đ số tiền 100.000.000đ cùng hồ sơ xin việc để nhờ Đ lo; Đ nhận tiền và cam kết ngày 30/8/2014 chị Huệ sẽ có quyết định đi làm. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền Đ đã không liên hệ với cơ quan tổ chức nào để xin việc cho chị Huệ mà dùng số tiền trên để chi tiêu cá nhân.

Tại Kết luận giám định số 120/KLGĐ-PC54 ngày 04/3/2018 và Kết luận giám định số 1810/KLGĐ-PC09 ngày 16/9/2018 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã kết luận: Chữ viết Lê Văn Đ trên các tài liệu cần giám định so với chữ viết trên đứng tên Lê Văn Đ trên các tài liệu mẫu so sánh do cùng một người viết ra.

Với nội dung trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 44/2019/HS-ST ngày 23/4/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tuyên bố bị cáo Lê Văn Đ phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; Điều 33; điểm p, q khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999; xử phạt bị cáo Lê Văn Đ 13 năm tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam bị cáo là ngày 17/10/2018.

Ngoài ra Bản án còn buộc trách nhiệm bồi thường dân sự; trách nhiệm chịu án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử, cùng ngày 08/5/2019 những người bị hại gồm: Lê Thanh T1, Nguyễn Văn P và Nguyễn Thị Tuyết M có đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo; tại phiên tòa phúc thẩm những người bị hại giữ nguyên nội dung kháng cáo Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Bị cáo trình bày: Bị cáo thấy cấp sơ thẩm quy kết xử phạt bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; bị cáo đã rất ân hận với hành vi phạm tội của mình; cấp sơ thẩm xử phạt đối với bị cáo là phù hợp nên bị cáo đã không kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

- Những người bị hại có kháng cáo trình bày: Bị cáo Lê Văn Đ thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 1.410.000.000đ, thực hiện việc lừa đảo đối với nhiều người, với nhiều thủ đoạn tinh vi, mới khắc phục được 100.000.000đ và việc khắc phục này trước khi bị cáo bỏ trốn, nhưng cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 13 năm tù là không thỏa đáng, đề nghị tăng mức hình phạt của bị cáo lên 18 năm tù.

* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm: Sau khi phân tích, đánh giá tính chất hành vi phạm tội của bị cáo; đánh giá các chứng cứ cho rằng, cấp sơ thẩm quy kết đối với bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và xử phạt bị cáo 13 năm tù là có căn cứ, đúng pháp luật. Những người bị hại đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo là không có căn.

Từ các phân tích trên, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự; không chấp nhận kháng cáo của những người bị hại, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

* Luật sư bào chữa cho bị cáo gửi bài bào chữa thể hiện: Ngoài những tình tiết giảm nhẹ mà cấp sơ thẩm đã áp dụng, thì bị cáo còn có một số tình tiết giảm nhẹ chưa được cấp sơ thẩm áp dụng, như: Từ năm 1980 bị cáo tham gia chiến đấu thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia, có nhiều cống hiến, đóng góp xuất sắc; tại phiên tòa sơ thẩm người bị hại là bà Nguyễn Thị Tuyết M đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo do bị cáo đã nhận thức được hành vi sai trái của mình. Như vậy, bị cáo có 03 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 (b, s, v) và có 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo tăng hình phạt của người bị hại; sửa Bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự để cho bị cáo hưởng mức án dưới khung hình phạt của Điều luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lê Văn Đ khai nhận hành vi phạm tội của mình đúng như quy kết của bản án sơ thẩm. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai trong quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án; nên đủ cơ sở kết luận: Trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến đầu năm 2015, Lê Văn Đ tuy không phải là cán bộ trong ngành Công an, mặc dù biết mình không có khả năng xin việc; nhưng để tạo lòng tin cho các bị hại, Đ đã dùng thủ đoạn gian dối đưa ra các thông tin không đúng sự thật nhận tiền của nhiều người để hứa đưa con em hoặc người thân của họ đi học hoặc làm việc trong các cơ quan thuộc lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để chiếm đoạt tài sản. Cụ thể bị cáo đã nhận tiền của 03 người bị hại gồm Nguyễn Thị Tuyết M, Lê Thanh T1 và Nguyễn Văn P. Mặc dù sau đó không thực hiện được như cam kết nhưng bị cáo đã chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân. Tổng số tiền bị cáo chiếm đoạt là 1.410.000.000 đồng. Với những hành vi phạm tội nêu trên, Toà án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Văn Đ về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2] Hành vi phạm tội của bị cáo Đ là đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, bị cáo có am hiểu pháp luật nhưng vì hám lợi đã có nhiều hành vi gian dối tạo niềm tin để chiếm đoạt tài sản của nhiều người với số tiền rất lớn. Hành vi phạm tội của bị cáo đã xâm phạm đến tài sản của người bị hại, gây tâm lý hoang mang, tạo dư luận xấu, ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an ở địa phương, nên cần phải xử phạt nghiêm khắc, tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo mới có tác dụng giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung.

[3] Xét kháng cáo của những người bị hại với nội dung đề nghị tăng hình phạt, Hội đồng xét xử thấy: Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá đúng tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, xem xét áp dụng đầy đủ cho bị cáo các tình tiết tăng nặng như bị cáo phạm tội nhiều lần và tình tiết giảm nhẹ như: Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải, đã khắc phục được một phần hậu quả; đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự; mặc dù sau khi bỏ trốn bị cáo đã đến Cơ quan Điều tra đầu thú, đây là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Hơn nữa, trong vụ án này những người bị hại cũng có một phần lỗi là đã quá tin tưởng giao tiền cho bị cáo để nhằm mục đích cho con, em mình đi học hoặc đi làm trong các cơ quan Nhà nước không phải thông qua thi tuyển theo quy định. Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án 13 năm tù trên mức khởi điểm của khung hình phạt là có căn cứ; những căn cứ người bị hại đưa ra đã được cấp sơ thẩm xem xét, tại phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết gì mới nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của những người bị hại. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên Bản án sơ thẩm là có căn cứ. Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo không có căn cứ để chấp nhận.

[4] Bị cáo Đ không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

[5] Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự; không chấp nhận kháng cáo của những người bị hại là bà Nguyễn Thị Tuyết M, ông Nguyễn Văn P và ông Lê Thanh T1; giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 44/2019/HS- ST ngày 23/4/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; Điều 33; điểm p, b khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999.

Xử phạt bị cáo Lê Văn Đ 13 (Mười ba) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam bị cáo (17/10/2018).

Về án phí: Bị cáo Lê Văn Đ không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm số 44/2019/HS-ST ngày 23/4/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

267
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 504/2019/HS-PT ngày 29/08/2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:504/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 29/08/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về