Bản án 467/2021/KDTM-PT ngày 14/05/2021 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 467/2021/KDTM-PT NGÀY 14/05/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Trong các ngày 10 và 14 tháng 5 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án về kinh doanh thương mại thụ lý số: 85/2020/TLPT-KDTM ngày 03 tháng 03 năm 2020 về “Tranh chấp hợp đồng hợp mua bán hàng hóa”.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 1378/2019/KDTM-ST ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 923/2021/QĐXX-PT ngày 05 tháng 3 năm 2021, quyết định hoãn phiên tòa ngày 22/03/2021, ngày 19/4/2021 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng N; Trụ sở: Đường Đ, phường H, Quận M, TP. Hồ Chí Minh.

Đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Lã Văn H, là người đại diện theo ủy quyền. Văn bản ủy quyền lập ngày 06/11/2017. (có mặt) Bị đơn: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng B; Trụ sở: Đường N, Phường T, Quận B, TP. Hồ Chí Minh Đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Huỳnh Ngọc S là người đại diện theo pháp luật:

(có mặt ngày 10/5/2021); ông Đỗ Xuân Đ và ông Đặng Văn S là người đại diện theo ủy quyền – Văn bản ủy quyền số 21/UQ.2021 ngày 22/3/2021 (có mặt ngày 14/5/2021) Người kháng cáo: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng B

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, các lời khai và hòa giải tại Tòa, nguyên đơn Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng N do đại diện ủy quyền trình bày:

Ngày 30/11/2016, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng N (sau đây gọi tắt là Công ty N) ký kết Hợp đồng kinh tế số 103/HĐKT-NT (gọi tắt là Hợp đồng 103) với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng B (sau đây gọi tắt là Công ty B); Theo đó Công ty N cung cấp bê tông thương phẩm cho Công ty B tại công trình xây dựng nhà xưởng chính, hạ tầng và các hạng mục phụ trợ tại Lô C20a-3, đường A, KCN B, xã H, huyện N, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty B có nghĩa vụ phải thanh toán tiền mua bê tông trong hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hóa đơn GTGT do Công ty N xuất.

Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty N đã cung cấp bê tông cho Công ty B theo yêu cầu. Sau khi cung cấp bê tông, dựa trên bản xác nhận khối lượng Công ty B xác nhận, Công ty N đã xuất 41 hóa đơn tương ứng với khối lượng của từng đợt giao hàng. Mặc dù đã nhận được toàn bộ hóa đơn và yêu cầu thanh toán nhưng Công ty B trả không đầy đủ còn nợ lại một phần tiền cụ thể như sau: Tổng giá trị hàng hóa trên 41 Hóa đơn là 5.038.857.500 đồng; tổng số tiền Công ty B đã trả là 4.413.500.000 đồng; Tổng số nợ còn lại chưa thanh toán là 625.357.500 đồng.

Vì Công ty B vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên ngày 03/11/2017 Công ty N khởi kiện yêu cầu Công ty B phải trả toàn bộ số nợ gốc còn lại là 625.357.500 đồng và tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán.

Tại đơn phản tố ngày 09/4/2018 của Công ty Cổ phần Dịch vụ Đầu tư Xây dựng B là bị đơn có biên bản lấy lời khai ngày 31/10/2019 của ông Hoàng Ngọc P đại diện theo ủy quyền của bị đơn có nội dung như sau:

Căn cứ Hợp đồng kinh tế số 103/HĐKT-NT ngày 30/11/2016 giữa Công ty B và Công ty N về việc mua bán bê tông thương phẩm cho công trình Xây dựng nhà xưởng chính, Hạ tầng và các hạng mục phụ trợ tại địa chỉ Lô C20a-3, đường A, KCN B, xã H, huyện N.

Căn cứ khoản 4 Điều 4 của Hợp đồng kinh tế số 103/HĐKT-NT ngày 30/11/2016 quy định: “Xác nhận khối lượng: Khối lượng bê tông được tính là toàn bộ kết cấu bê tông xác định theo thể tích hình học của bản vẽ thi công kết hợp với việc kiểm tra trên cấu kiện thực tế, không trừ các kết cấu kim loại dạng lập thể, cốt thép, dây buộc. Mức hao hụt bê tông đối với các hạng mục theo quy định là 3% trên khối lượng hình học”.

Sau khi Công ty N cung cấp xong phần bê tông thương phẩm, Công ty B đã kiểm tra đối chiếu toàn bộ khối lượng bê tông thực tế sử dụng tại công trường do Công ty N cung cấp đã xác định có chênh lệch về khối lượng; Khối lượng và giá trị thực tế sử dụng tại công trình thấp hơn khối lượng bê tông ghi trong hóa đơn và hồ sơ đề nghị thanh toán. Khối lượng chênh lệch tương ứng với số tiền cụ thể như sau:

- Khối lượng bê tông không sử dụng tại công trình là: 362,08m3 - Đơn giá bình quân cho 1m3 bê tông là: 1.350.000 đồng/m3 - Thành tiền là: 362,08m3 x 1.350.000 đồng/m3 = 514.309.500 đồng Công ty B đã rất nhiều lần yêu cầu Công ty N giải trình, nhưng Công ty N từ chối và không chứng minh được khối lượng, giá trị bê tông tăng thêm sử dụng vào hạng mục nào của công trình.

Vì vậy, Công ty B có yêu cầu phản tố buộc Công ty Đầu tư Xây dựng N phải trả lại cho Công ty B số tiền 514.309.500 đồng là trị giá chênh lệch khối lượng bê tông (tăng hơn so với thực tế khối lượng do Công ty B tính toán). Cấn trừ số tiền này vào số tiền mà Công ty N yêu cầu Công ty B phải trả, số tiền còn lại sau cấn trừ Công ty B đồng ý trả cho Công ty N.

Tại bản tự khai ngày 01/11/2019, người làm chứng là ông Nguyễn Thành N trình bày:

Ông là kỹ sư xây dựng thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng B. Theo phân công của Công ty B ông làm chỉ huy trưởng công trình xây dựng nhà xưởng chính, hạ tầng và các hạng mục phụ trợ tại địa chỉ Lô C20a-3, đường A, KCN B, xã H, huyện N.

Theo chức trách nhiệm vụ được giao, ông là người đại diện cho Công ty B ký xác nhận khối lượng bê tông do Công ty N cung cấp tại công trình. Toàn bộ bê tông do Công ty N cung cấp cho công trình do ông ký xác nhận khối lượng đúng theo qui định.

Việc cấp bê tông và ký xác nhận khối lượng được diễn ra như sau: Khi có đơn đặt hàng, Công ty N cấp bê tông theo thời gian, khối lượng và địa điểm như đơn đặt hàng. Khi bê tông đến tại công trình ông hoặc cán bộ kỹ thuật do ông phân công kiểm tra niêm phong chì trên xe bê tông nếu đúng niêm phong thì yêu cầu Công ty N bơm bê tông vào công trình. Sau khi bơm xong, ông đại diện cho Công ty B ký biên bản xác nhận khối lượng tổng bê tông đã bơm để làm căn cứ thanh quyết toán. Biên bản xác nhận khối lượng do ông ký là cơ sở để Công ty B thanh toán tiền cho Công ty N. Các bản xác nhận khối lượng đã ký là chính xác, sau khi kiểm tra niêm phong chì và thực hiện việc bơm bê tông xong ông mới ký xác nhận khối lượng.

Do công trình này có khối lượng bê tông lớn, vừa có hạng mục ngầm và hạng mục nổi nên hệ số hao hụt bê tông sẽ lớn hơn các công trình xây dựng khác. Mặt khác, quá trình bơm bê tông rất nhiều lần (nhiều ca bơm) nên một phần làm tăng số lượng hao hụt bê tông.

Tại Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 1378/2019/KDTM-ST ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

1.1 Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Xây dựng B phải có trách nhiệm trả cho nguyên đơn Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng N số tiền mua hàng (bê tông) còn thiếu là 535.057.500 đồng và tiền lãi do chậm thanh toán là 100.323.281 đồng, tổng cộng gốc lãi là 635.380.781đồng (tiền nợ phát sinh từ Hợp đồng kinh tế số 103/HĐKT – NT ký kết ngày 30/11/2016 giữa nguyên đơn với bị đơn).

Việc trả tiền được thực hiện một lần ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Bị đơn Công ty Cổ phần Xây dựng B còn phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất được qui định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 đối với số tiền phải trả đã tuyên ở trên kể từ ngày 30/11/2019 (là ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm) cho đến khi thi hành án xong.

1.2 Ghi nhận việc nguyên đơn không yêu cầu bị đơn phải trả số tiền mua hàng được ghi trên 07 hóa đơn giá trị gia tăng mà nguyên đơn đã xuất cho bị đơn (bao gồm: Hóa đơn số 0004903 ngày xuất 06/7/2017 số tiền 12.000.000 đồng; Hóa đơn số 0004915 ngày xuất12/7/2017 số tiền 12.000.000 đồng; Hóa đơn số 0004956 ngày xuất 20/7/2017 số tiền 19.200.000 đồng; Hóa đơn số 0004980 ngày xuất 26/7/2017 số tiền 19.200.000 đồng; Hóa đơn số 0004994 ngày xuất 29/7/2017 số tiền 7.200.000 đồng; Hóa đơn số 0004995 ngày xuất 30/7/2017 số tiền 18.000.000 đồng; Hóa đơn số 0004999 ngày xuất 31/7/2017 số tiền 2.700.000 đồng) 2. Đình chỉ giải quyết toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng B về việc buộc nguyên đơn Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng N phải hoàn trả lại số tiền 514.309.500 đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên về nghĩa vụ chịu án phí, quyền kháng cáo và nghĩa vụ thi hành án của đương sự.

Không đồng ý với quyết định của Bản án sơ thẩm, ngày 03/01/2020 Công ty B nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do Công ty B có đơn đề nghị hoãn phiên tòa nhưng không được Hội đồng xét xử chấp nhận nên tại phiên tòa Công ty B đã không có mặt để trình bày và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cũng như bảo vệ yêu cầu phản tố nên đã bị Hội đồng xét xử định chỉ yêu cầu phản tố. Công ty B đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty B trên cơ sở trưng cầu giám định khối lượng bê tông thực tế sử dụng tại công trình để xác định giá trị còn lại mà Công ty B còn phải thanh toán; Đồng thời không chấp nhận yêu cầu tính lãi của Công ty N trên số tiền Công ty B còn thanh toán do các bên còn tranh chấp nên chưa phát sinh nghĩa vụ thanh toán.

* Tại phiên tòa Phúc thẩm:

Đại diện người kháng cáo là ông Huỳnh Ngọc S trình bày: Bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì đã không xem xét yêu cầu phản tố của bị đơn. Trong yêu cầu phản tố bị đơn đã nêu rõ việc không chấp nhận khối lượng mà nguyên đơn yêu cầu thanh toán. Bị đơn yêu cầu đối chiếu, kiểm tra lại khối lượng thực tế vì có cơ sở để xác định khối lượng thực tế ít hơn rất nhiều so với khối lượng mà nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn cấn trừ khối lượng bêtông là 362,08m3 không sử dụng tại công trình theo đơn giá bình quân cho 1m3 bê tông là: 1.350.000 đồng/m3 thành tiền là 514.309.500 đồng vào số tiền nợ gốc mà nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả. Hoặc đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại trên cơ sở trưng cầu giám định khối lượng bê tông thực tế sử dụng tại công trình để qua đó xác định được số tiền mà bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn. Đồng thời do việc đối chiếu khối lượng giữa các bên chưa được thực hiện nên bị đơn cũng chưa phát sinh nghĩa vụ trả lãi do chậm thanh toán. Ngoài ra bị đơn xin cung cấp thêm chứng cứ là giấy “đề nghị thanh toán” ngày 10/7/2017 của nguyên đơn gửi cho bị đơn, để chứng minh khoản tiền mà nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán như bản án sơ thẩm đã tuyên là không đúng thực tế.

Đại diện nguyên đơn là ông Lã Văn H trình bày: Kháng cáo của bị đơn là không có cơ sở, đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm. Nguyên đơn không đồng ý yêu cầu trưng cầu giám định của bị đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự của những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án như sau:

Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong thời gian chuẩn bị xét xử: Thẩm phán đã chấp hành theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Tố tụng dân sự, thời hạn xét xử có kéo dài so với quy định tại Điều 286 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Việc tuân theo pháp luật tố tụng của những người tham gia tố tụng vụ án: các đương sự trong vụ án đã thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Việc chấp hành pháp luật tố tụng: Tại phiên tòa Hội đồng xét xử và các đương sự đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về phiên tòa phúc thẩm.

Về nội dung: Xét đơn kháng cáo còn trong thời hạn kháng cáo, có hình thức đúng quy định. Nội dung yêu cầu kháng cáo mà đại diện công ty B trình bày là không có cơ sở nên đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ, lời trình bày của phía nguyên đơn và bị đơn, ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ án đúng theo thẩm quyền, xác định tư cách tham gia tố tụng của các đương sự trong vụ án là đúng theo quy định của Pháp luật Tố tụng.

[2] Đơn kháng cáo của Công ty Cổ phần Xây dựng B còn trong thời hạn kháng cáo, có hình thức và nội dung đúng quy định nên được chấp nhận.

[3] Hồ sơ thể hiện giữa nguyên đơn và bị đơn có ký kết Hợp đồng kinh tế số 103/HĐKT-NT (gọi tắt là Hợp đồng 103), theo đó nguyên đơn cung cấp bê tông tươi cho bị đơn để xây dựng công trình nhà xưởng chính, hạ tầng và các hạng mục phụ trợ tại Lô C20a-3, đường A, KCN B, xã H, huyện N, Thành phố Hồ Chí Minh. Việc thực hiện hợp đồng đã kết thúc, công trình xây dựng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

[4] Tại đơn khởi kiện nguyên đơn trình bày do bị đơn chưa thanh toán đầy đủ tiền mua bê tông nên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải thanh toán tổng số tiền còn nợ là 535.057.500 đồng và tiền lãi do chậm thanh toán là 9%/năm kể từ ngày 14/10/2017. Chứng cứ để chứng minh do nguyên đơn cung cấp là các hóa đơn GTGT, biên bản xác nhận khối lượng do người của bị đơn ký xác nhận… [5] Tại đơn phản tố phía bị đơn không đồng ý trả số tiền như nguyên đơn yêu cầu vì cho rằng có chênh lệch về khối lượng bê tông; Khối lượng thực tế sử dụng tại công trình thấp hơn khối lượng bê tông ghi trong hóa đơn và hồ sơ đề nghị thanh toán, theo bị đơn tự tính toán thì khối lượng chênh lệch là 362,08m3 với đơn giá bình quân cho 1m3 bê tông là 1.350.000 đồng/m3 thì số tiền chênh lệch là 514.309.500 đồng. Nên đề nghị Tòa án buộc nguyên đơn phải hoàn trả khoản tiền chênh lệch là 514.309.500 đồng là trị giá chênh lệch khối lượng bê tông (tăng hơn so với thực tế khối lượng do Công ty B tính toán). Cấn trừ số tiền này vào số tiền mà nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả, số tiền còn lại sau cấn trừ bị đơn đồng ý trả cho nguyên đơn.

[6] Xét thấy nội dung trình bày tại đơn phản tố của bị đơn và yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cùng phát sinh từ Hợp đồng 103, cụ thể nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải thanh toán tiền mua hàng (bê tông) căn cứ vào chứng từ như biên bản xác nhận khối lượng, hóa đơn VAT; còn bị đơn thì không đồng ý thanh toán số tiền như yêu cầu của nguyên đơn mà yêu cầu căn cứ vào quy định được nêu trong hợp đồng để tính toán lại khối lượng (bê tông) để từ đó xác định lại số tiền còn phải thanh toán. Như vậy, nội dung trình bày của bị đơn không phải là yêu cầu phản tố trong vụ án, chỉ là ý kiến phản bác lại yêu cầu khởi kiện và chứng cứ chứng minh của nguyên đơn, trường hợp này nếu có cơ sở để chấp nhận lời trình bày của bị đơn sẽ dẫn đến việc không chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Căn cứ quy định về “Quyền và nghĩa vụ của bị đơn” được nêu tại khoản 3 Điều 72 của Bộ luật Tố tụng dân sự, thì bị đơn có quyền: “3. Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn”, như vậy việc bị đơn đưa ra ý kiến phản bác lại yêu cầu của nguyên đơn như trên là phù hợp với quy định của luật.

Trường hợp này Tòa cấp sơ thẩm căn cứ khoản 4 Điều 72 của Bộ luật Tố tụng dân sự để xác định bị đơn có yêu cầu phản tố trong vụ án, đồng thời áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự với bị đơn có yêu cầu phản tố là không đúng.

[7] Từ nội dung trình bày của bị đơn, Tòa cấp sơ thẩm cần yêu cầu bị đơn phải cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh như khoản 1 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “1. Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật này để giải quyết vụ việc dân sự.” [8] Khi mở phiên tòa sơ thẩm lần 2, trường hợp bị đơn vắng mặt mà không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử phải áp dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự để xét xử vắng mặt bị đơn. Từ đó cần căn cứ các tài liệu, chứng cứ đã thu thập để phân tích, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan về các tình tiết của vụ án, những căn cứ pháp luật….để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự và giải quyết các vấn đề khác có liên quan một cách toàn diện.

Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm vì xác định không đúng về yêu cầu phản tố nên đã “Đình chỉ yêu cầu phản tố” mà không xem xét phân tích, đánh giá nhận định về nội dung trình bày của bị đơn để đưa ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của bị đơn trong vụ án là thiết sót, dẫn đến việc giải quyết vụ án không toàn diện, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án.

[9] Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm vì khi xét xử lần 2 bị đơn vắng mặt không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nên Hội đồng xét xử sơ thẩm đã đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố là đúng theo quy định của pháp luật. Nội dung kháng cáo của bị đơn đã bị cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết nên không có cơ để để chấp nhận yêu cầu kháng cáo.

Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng quyết định đình chỉ yêu cầu phản tố của bị đơn tại bản án sơ thẩm là căn cứ điểm c khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự, vì vậy phía bị đơn vẫn được quyền khởi kiện lại bằng vụ án khác. Nhưng trường hợp này khi chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tức là cấp sơ thẩm đã chấp nhận khối lượng bê tông đã cung cấp cho bị đơn do nguyên đơn đưa ra để làm cơ sở buộc bị đơn thanh toán số tiền tương ứng. Do vậy, khi quyết định của bản án sơ thẩm đã tuyên về nghĩa vụ phải thanh toán tiền mua bê tông của bị đơn có hiệu lực pháp luật thì bị đơn không còn quyền khởi kiện để yêu cầu đối chiếu, tính toán lại khối lượng bê tông này theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự “c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…”. Do đó Hội đồng xét xử phúc thẩm không có cơ sở để chấp nhận lời đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.

[10] Những sai sót của Tòa cấp sơ thẩm như phân tích trên cấp phúc thẩm không thể bổ sung, khắc phục. Đồng thời, tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn có xuất trình chứng cứ mới là giấy “đề nghị thanh toán” ngày 10/7/2017 của nguyên đơn gửi cho bị đơn, để chứng minh khoản tiền mà nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán như bản án sơ thẩm đã tuyên là không đúng thực tế; chứng cứ này chưa được xem xét đánh giá tại cấp sơ thẩm, đây là tình tiết mới. Do vậy thấy cần căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự để hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

[11] Về án phí: Do hủy bản án sơ thẩm nên đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Vì các lẽ trên,

 QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào: khoản 3 Điều 148, Điều 271, Điều 273, khoản 3 Điều 308, khoản 1 Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự; Tuyên xử:

1. Hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 1378/2019/KDTM-ST ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyển hồ sơ về cho Tòa án nhân dân Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm: sẽ được xác định khi giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

3. Án phí phúc thẩm: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng B không phải chịu. Hoàn lại cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng N số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm là 2.000.000 đồng theo biên lai thu số 0007072 ngày 31/12/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

574
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 467/2021/KDTM-PT ngày 14/05/2021 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Số hiệu:467/2021/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 14/05/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về