Bản án 46/2019/HSST ngày 04/04/2019 về tội cố ý gây thương tích

A ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT, TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 46/2019/HSST NGÀY 04/04/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Hôm nay, ngày 04 tháng 4 năm 2019. Tại Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, xét xử sơ thẩm, công khai vụ án hình sự thụ lý số 35/2019/HSST ngày 15 tháng 3 năm 2019; Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 30/2019/QĐ-HSST ngày 20 tháng 3 năm 2019 đối với bị cáo:

Họ và tên: HUỲNH VIẾT C. Sinh ngày 21 tháng 4 năm 1982. Nơi sinh: Bình Định. Nơi ĐKNKTT: 32/1 - thôn S, xã T, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Chỗ ở: 32/1 - thôn S, xã T, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Nghề nghiệp: Làm nông. Trình độ học vấn: Lớp 12/12. Con ông: Huỳnh Ngọc T, sinh năm 1955. Hiện ở tại: Xã H, huyện N, Bình Định. Con bà: Nguyễn Thị X (chết). Vợ: Lê Nguyễn Trúc A, sinh năm 1982, có 02 con, lớn sinh năm 2011, nhỏ sinh năm 2013. Hiện ở tại: 32/1 - thôn S, xã T, thành phố Đà lạt, Lâm Đồng. Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo hiện đang tại ngoại tại: 32/1 - Thôn S, xã T, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Có mặt.

Người bị hại :

Bà Đỗ Thị L, sinh năm 1971. Hộ khẩu thường trú tại: Thôn S, xã T, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Có mặt.

Người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại:

Luật sư Lê Cao T - Văn phòng luật sư T thuộc Đoàn luật sư tỉnh Lâm Đồng bảo vệ quyền lợi cho bà Đỗ Thị L. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Huỳnh Viết C có mảnh đất sản xuất nông nghiệp tại Khu Bara, thôn S, xã T, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, bên cạnh đất sản xuất của bà Đỗ Thị L. Do bà L thường đào mương thoát nước trên phần ranh giới đất giữa hai bên đang có tranh chấp, làm nước mưa chảy vào phần đất của gia đình Cường nên vào khoảng 14 giờ ngày 09/7/2018, Cường điều khiển xe mô tô đi vào vườn, có mang theo một cào tự chế bằng sắt, dài khoảng 1,20 mét để lấp đất, ngăn nước chảy vào vườn của mình khi trời mưa. Lúc vào vườn, Cường thấy bà L đang làm cỏ ở gần đó, do bực tức, Cường đã chửi bà L, dẫn đến hai bên xảy ra cãi vả, Cường cầm cây cào mang theo, tiến đến gần chỗ bà L, dùng phần cán của cây cào, đánh vào đầu bà L một cái, làm bà L ngã xuống đất, sau đó Cường tiếp tục dùng cán của cây cào, đánh nhiều cái vào người của bà L. Sau khi bị Cường đánh, bà L được đưa đi Bệnh viện cấp cứu và điều trị, còn Cường được Công an xã T, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng mời lên làm việc. Tại Công an xã, Cường đã khai nhận toàn bộ sự việc đã xảy ra.

Tại kết luận giám định pháp y về thương tích số 136/2018/TgT ngày 27/9/2018 của Phân viện pháp y quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh xác định: bà Đỗ Thị L bị vết thương sưng bầm vùng mông, đùi, cẳng chân phải và cẳng tay hai bên; Vết thương để lại sẹo vùng đỉnh phải. Các vết thương do vật tày tác động gây nên, được xác định tỷ L thương tật 03%. Quá trình điều tra, các bị cáo Huỳnh Viết C đã bồi thường cho bà Đỗ Thị L 22.000.000 đồng, bà L yêu cầu bị cáo phải bồi thường tiếp 78.000.000 đồng nữa.

Tại Cáo trạng số 36/CT-VKS ngày 13/3/2019, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng truy tố bị cáo Huỳnh Viết C về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015.

Tại phiên tòa, người bị hại vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi tố và xử lý về hình sự đối với bị cáo về hành vi Cố ý gây thương tích, bị cáo Huỳnh Viết C khai nhận vào chiều ngày 09/7/2018, do từ trước đó phần đất giáp ranh giữa hai gia đình đang có tranh chấp, Ủy ban nhân dân xã đã hòa giải nhưng không thành, bà L đã hay đào mương cho nước mưa từ khu đất sản xuất của bà chảy qua khu đất sản xuất của Cường nên khi bị cáo vào đến vườn, thấy bà L, do bực tức nên Cường đã chửi bà L và hai bên đã xảy ra cãi vả với nhau, bị cáo đã sử dụng cán cây cào mang theo, đánh bà L gây ra thương tích với các hành vi cụ thể như Cáo trạng của Viện kiểm sát đã nêu là đúng, bị cáo không thắc mắc khiếu nại gì nội dung của bản Cáo trạng.

Tại phiên tòa, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng giữ quyền công tố luận tội và tranh luận như sau: Tại phiên tòa bị cáo Huỳnh Viết C đã khai nhận hành vi phạm tội phù hợp với lời khai trong quá trình điều tra, lời khai của người bị hại, không có nội dung gì thay đổi, hành vi của các bị cáo cố ý sử dụng hung khí là cán cào bằng sắt, đánh làm bà Đỗ Thị L bị thương tích với tỷ L thương tật 03% đã có đủ các yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”. Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo đã khai báo thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại, tỷ L thương tật của người bị hại không đáng kể, tuy nhiên người bị hại vẫn không thay đổi yêu cầu xử lý về hình sự đối với bị cáo. Do đó Đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên nội dung Cáo trạng đã truy tố đối với bị cáo và đề nghị áp dụng điểm a khoản 1 điều 134; điểm b, i, s khoản 1 điều 51 và điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Huỳnh Viết C từ 09 đến 12 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 18 – 24 tháng. Phần bồi thường: Quá trình điều tra bị cáo đã bồi thường cho người bị hại 22.000.000 đồng là phù hợp. Đến nay người bị hại tiếp tục yêu cầu bị cáo bồi thường thêm 78.000.000 đồng nữa nhưng không đưa ra được căn cứ chứng minh thiệt hại là 100.000.000 đồng nên không có căn cứ để chấp nhận. Về xử lý vật chứng, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét và giải quyết theo qui định của pháp luật.

Người bị hại không có ý kiến tranh luận; Người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại đồng ý với Luận tội của Đại diện Viện kiểm sát nhưng đề nghị xem xét thêm việc phạm tội của bị cáo mang tính chất côn đồ, vô cớ đánh người bị hại. Bị cáo không có tranh luận gì với Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố và chỉ xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

Về hành vi, quyết định tố tụng: Quá trình điều tra, truy tố, Cơ quan điều tra Công an thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng và Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng và Kiểm sát viên đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục qui định của Bộ luật tố tụng hình sự. Bị cáo và người bị hại không có ý kiến hoặc khiếu nại nào về hành vi, quyết định của các Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã được tiến hành hợp pháp.

Về hành vi phạm tội của bị cáo Huỳnh Viết C: Bị cáo là người đã trưởng thành, có đầy đủ nhận thức nên biết rất rõ việc sử dụng cán cào bằng sắt, là hung khí nguy hiểm, đánh nhiều cái vào người khác, có cái trúng vào phần đầu gây thương tích là hành vi nguy hiểm, trái pháp luật, bị pháp luật nghiêm cấm nhưng bị cáo vẫn cố ý thực hiện. Hành vi của bị cáo cố ý gây thương tích cho bà Đỗ Thị L với tỷ L thương tật 03% là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trái pháp luật đến thân thể và sức khỏe của người khác và gây mất trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Căn cứ lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, phù hợp với lời khai của người bị hại và phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác đã được thu thập trong quá trình điều tra vụ án. Có đủ căn cứ kết luận bị cáo Huỳnh Viết C đã phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Tội phạm đối với bị cáo được qui định tại điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 như Cáo trạng truy tố và kết luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Về tình tiết định khung hình phạt: Bị cáo phạm tội bằng cách sử dụng cán của cây cào bằng sắt, là hung khí nguy hiểm, đánh nhiều cái vào thân thể người bị hại, trong đó có cái đánh vào vùng đầu gây thương tích cho người bị hại nhưng với tỷ L thương tật chỉ là 03%, vì vậy hành vi phạm tội của bị cáo không vi phạm vào tình tiết định khung tăng nặng nào theo qui định tại điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 nên bị cáo chỉ bị xét xử theo qui định tại điểm a khoản 1 điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015.

Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với bị cáo:

Hành vi của bị cáo không có tình tiết tăng nặng hình phạt nào theo qui định tại điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015.

Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, xét về tỷ L thương tật chỉ có 03% là không nghiêm trọng đối với sức khỏe của người bị hại, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, đã bồi thường cho người bị hại, đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt qui định tại điểm b, i, s khoản 1 điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, cần áp dụng để giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt.

Xét bị cáo là nhân dân lao động lần đầu phạm tội, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có việc làm ổn định và có nơi cư trú rõ ràng, chưa cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội mà có thể áp dụng điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015, cho bị cáo được tự cải tạo ngoài xã hội, dưới sự giám sát, giáo dục của Chính quyền địa phương và gia đình cũng có tác dụng giáo dục, cải tạo đối với bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự: Quá trình điều tra bị cáo đã bồi thường cho người bị hại 22.000.000 đồng là thỏa đáng, đến nay, người bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường thêm 78.000.000 đồng nhưng không đưa ra được căn cứ chứng minh thiệt hại như đã nêu là có thật trên thực tế nên không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu của người bị hại. Không tiếp tục xem xét để giải quyết phần trách nhiệm dân sự giữa bị cáo và người bị hại trong bản án này.

Về xử lý vật chứng: Vật chứng của vụ án là 01 dụng cụ cào cỏ bằng sắt, dài 1,2 mét, là dụng cụ bị cáo đã sử dụng để gây thương tích cho người khác, có giá trị sử dụng không đáng kể nên cần tịch thu để tiêu hủy.

Về án phí: Buộc bị cáo phải nộp án phí hình sự sơ thẩm theo qui định.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

[1] . Tuyên bố bị cáo Huỳnh Viết C phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

[2] . Áp dụng điểm a khoản 1 điều 134; điểm b, i, s khoản 1 điều 51 và điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Huỳnh Viết C 06 (Sáu) tháng tù, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 12 (Mười hai) tháng tính từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo Huỳnh Viết C cho Ủy ban nhân dân xã T, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp cùng Chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Trong trường hợp bị cáo có sự thay đổi nơi cư trú thì việc thi hành án sẽ được thực hiện theo qui định tại khoản 4 điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách bị cáo phải thực hiện các nghĩa vụ theo qui định tại Luật thi hành án hình sự. Nếu bị cáo cố ý vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ theo qui định của Luật thi hành án hình sự từ 02 lần trở lên, bị cáo có thể sẽ bị Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt tù đã cho hưởng án treo tại Trại giam.

[3] . Áp dụng điều 47 Bộ luật hình sự và điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự, tịch thu để tiêu hủy 01 dụng cụ dùng cào cỏ bằng sắt, dài 1,2 mét.

(Các vật chứng có đặc điểm cụ thể như mô tả tại Biên bản giao nhận vật chứng ngày 18/3/2019 giữa Công an thành phố Đà Lạt và Chi cục thi hành án dân sự thành phố Đà Lạt).

[4] . Áp dụng khoản 2 điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về L phí, án phí Tòa án, buộc bị cáo phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

[5]. Trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, bị cáo và người bị hại có quyền kháng cáo để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

363
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 46/2019/HSST ngày 04/04/2019 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:46/2019/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Đà Lạt - Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 04/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về