TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA- VŨNG TÀU
BẢN ÁN 45/2017/HS-ST NGÀY 07/09/2017 VỀ TỘI MUA BÁN TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN
Ngày 07 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 44/2017/HSST ngày 10 tháng 8 năm 2017 đối với bị cáo
Phạm Thị Thúy L, sinh năm 1964 tại Thành phố Hồ Chí Minh; HKTT: 135 tầng trệt, đường N, phường B, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; chỗ ở: Ấp 4A, xã H, huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: Nguyên Phó Giám đốc công ty TNHH P; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Thiên chúa giáo; trình độ học vấn: 12/12; cha: Phạm Văn Đ (đã chết); mẹ: Trần Thị Phượng L, sinh năm 1944; gia đình bị cáo có 03 anh chị em, bị cáo là con nhỏ nhất trong gia đình; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt ngày 13/01/2017.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Chu Quỳnh X, sinh năm 1955; địa chỉ: 999/4 đường 30/4, Phường 11, Thành phố T, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (có mặt).
2. Ông Hà Văn T, sinh năm 1953; địa chỉ: Số 5, đường L, phường H, Thành phố R, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (vắng mặt).
3. Ông Phạm Văn C, sinh năm 1969; địa chỉ: Số 102 A, Mạc Đĩnh Chi, Phường 4, Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (vắng mặt).
4. Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1967; địa chỉ: Tổ 22, ấp B 2, xã L, thành phố R, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (vắng mặt).
5. Ông Bùi Anh T, sinh năm 1974; địa chỉ: Tổ 10, khu phố 7, phường H, Thành phố R, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (vắng mặt).
6. Ông Đào Danh K, sinh năm 1958; địa chỉ: Tổ 7, khu phố 4, phường H, Thành phố R, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Cáo trạng số 45/CT-VKS-P3 ngày 09 tháng 8 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu truy tố bị cáo Phạm Thị Thúy L về hành vi phạm tội như sau:
Công ty TNHH P (gọi tắt là công ty P) được thành lập theo quyết định số 4902000871 ngày 09/12/2004 của Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mã số thuế: 3500678769, vốn điều lệ: 1.800.000.000 đồng, địa chỉ kinh doanh: Số 50 D, phường T, thành phố R. Ngành nghề kinh doanh: Xây dựng công trình giao thông, dân dụng, khai thác vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng…Cơ cấu tổ chức: Hà Văn T làm giám đốc, Phạm Thị Thúy L là phó Giám đốc kiêm kế toán, thủ quỹ. Công ty hoạt động đến tháng 12/2006 thì ngưng hoạt động.
Trong quá trình hoạt động, Công ty P đã mua 11 cuốn hóa đơn Giá trị gia tăng (viết tắt là GTGT) tại Chi cục thuế Thành phố Bà Rịa, xuất bán được 492 hóa đơn cho 178 cá nhân, đơn vị trong và ngoài tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng doanh số chưa tính thuế là: 55.417.380.815, trong đó thuế GTGT là 2.265.354.224 đồng. Để hợp thức hóa số hóa đơn bán ra, công ty P đã mua vào 193 hóa đơn của 38 đơn vị trong và ngoài tỉnh với tổng doanh số chưa tính thuế là 54.294.319.586, trong đó thuế GTGT là 657.333.637 đồng.
Công ty P đã thành lập đội thi công, đội kinh doanh và giao cho Bùi Anh T và Nguyễn Văn H làm tổ trưởng, cấp giấy giới thiệu cho Tuấn và Hải để trực tiếp đi giao dịch với các đơn vị đang thi công tại các công trình nhằm cung cấp vật tư, hàng hóa cho các đơn vị này. Hai bên thỏa thuận giá cả, chủng loại vật tư, phương thức thanh toán và giao nhận hàng hóa với điều kiện có đầy đủ hóa đơn GTGT. Sau khi cung cấp đầy đủ vật tư, hàng hóa như thỏa thuận, Bùi Anh T và Nguyễn Văn H báo cáo lại với công ty P để soạn hợp đồng kinh tế, xuất hóa đơn GTGT với số lượng vật tư, hàng hóa, số tiền tương ứng với khối lượng hàng hóa đã cung ứng rồi trực tiếp đưa đến các đơn vị đã ký hợp đồng để nhận hóa đơn và quyết toán nhận tiền. Các đơn vị này không trực tiếp quan hệ giao dịch với công ty P.
Ngoài ra, công ty P còn bán hóa đơn cho các cá nhân: Đặng Trọng H (trú tại 158 C, phường H, thành phố R), Nguyễn B (trú tại 888/10 đường 30/4, Phường 11, Thành phố T), Lê Văn H (trú tại tổ 16, ấp P, thị trấn M, huyện T), Hứa Minh Q (trú tại ấp Đ, xã X, huyện T), Nguyễn Văn T (trú tại phường H, thành phố R), Nguyễn Văn Q (trú tại xã H, huyện Đ), Bùi Phú D (trú tại thị trấn G, huyện Đ), Nguyễn Đình T (trú tại xã G, huyện Đ). Khi xuất hóa đơn, công ty P yêu cầu những người mua hóa đơn nộp 5% đến 10% tiền thuế GTGT và phải nộp thêm từ 1% đến 1,5% số tiền chênh lệch trên hóa đơn.
Như vậy, quá trình điều tra xác định hành vi trái pháp luật của bị can Phạm Thị Thúy L cùng các đối tượng liên quan như sau:
Đối tượng Man S (quốc tich Campuchia) và Hà Văn T trực tiếp liên hệ với các cá nhân và đơn vị có nhu cầu mua hóa đơn GTGT rồi cung cấp thông tin cho Phạm Thị Thúy L, L trực tiếp soạn thảo hợp đồng, Hà Văn T ký, viết hóa đơn GTGT, khi Thành đi vắng thì L trực tiếp viết hóa đơn. Bị can Phạm Thị Thúy L và Hà Văn T đã hợp thức hồ sơ xuất bán 492 hóa đơn cho 178 đơn vị, cá nhân thu số tiền 553.000.000 đồng (là tiền chênh lệch 1% so với tổng số tiền ghi trên hóa đơn), L cũng là người ghi các chứng từ thi chi tiền của công ty P, nhận, cất giữ toàn bộ số tiền thu được do bán hóa đơn. Đào Danh K từ năm 2005 đến 2006 đã mua 19 hóa đơn GTGT của công ty P với giá 108.957.183 đồng rồi cung cấp cho 07 đơn vị để hợp thứ hóa lượng vật tư bán ra với doanh số chưa tính thuế là 1.810.300.382 đồng, thuế GTGT là 92.765.418 đồng.
Nguyễn Văn H được nhận vào làm tại công ty P với chức danh Trưởng phòng kinh doanh đã cung cấp 06 hóa đơn GTGT cho 03 đơn vị với doanh số chưa tính thuế là 867.444.047 đồng, thuế GTGT 43.372.703 đồng. Số tiền Hải trả cho công ty P khi lấy 06 hóa đơn GTGT là 52.043.042 đồng.
Chu Quỳnh X đã mua 09 hóa đơn GTGT của công ty P giá 16.149.285 đồng rồi cung cấp cho 05 đơn vị với tổng doanh số chưa tính thuế là 320.728.571 đồng, thuế GTGT là 16.036.429 đồng.
Căn cứ các kết quả giám định ngày 01/01/2008 và ngày 10/6/2008 của Cục thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đối với các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn của công ty P như sau: Các doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn của công ty P để thanh quyết toán công trình và kê khai khấu trừ thuế với tổng số tiền thuế là 2.265.354.224 đồng.
Tại bản cáo trạng số 45/CT-VKS-P3 ngày 09 tháng 8 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu truy tố bị cáo Phạm Thị Thúy L về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” theo khoản 2 Điều 203 Bộ luật hình sự năm 2015.
Trong bản luận tội Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát đã nêu các tình tiết vụ án, đánh giá tính chất nguy hiểm hành vi phạm tội của các bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố Phạm Thị Thúy L phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn”. Áp dụng điểm đ, e khoản 2 Điều 203 Bộ luật hình sự năm 2015, các điểm p khoản 1 Điều 46, Điều 33, Bộ luật hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo L với mức án từ 02 năm 06 tháng đến 03 năm 06 tháng tù.
Căn cứ vào chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác;
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
[1] Về tố tụng: Hành vi tố tụng, quyết định tố tụng của cơ quan điều tra, viện kiểm sát đã thực hiện đúng thẩm quyền. Trong quá trình điều tra Điều tra viên, kiểm sát viên tuân thủ nghiêm chỉnh thủ tục tố tụng trong việc thu thập chứng cứ theo quy định tại các điều 65, 72, 75 Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình giải quyết vụ án bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không ai có khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng.
[2] Về nội dung: Tại phiên tòa bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và thừa nhận bản cáo trạng truy tố đúng với hành vi phạm tội của bị cáo. Lời khai nhận tội của bị cáo hoàn toàn phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra; người có quyền lợi liên quan và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, cụ thể như sau:
Từ năm 2005 đến năm 2006, Phạm Thị Thúy L – Phó Giám đốc (kiêm kế toán – thủ quỹ) công ty P đã cùng các đồng phạm mua 11 cuốn hóa đơn tại Chi cục thuế thành phố Bà Rịa, sau đó bán 492 hóa đơn cho 178 cá nhân, đơn vị trong và ngoài tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng doanh số chưa tính thuế là: 55.417.380.815 đồng, thu lợi bất chính 553.000.000 đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền thuế GTGT là 2.265.354.224 đồng. Ngoài ra công ty P đã mua vào 193 hóa đơn của 38 đơn vị trong và ngoài tỉnh với tổng doanh số chưa tính thuế là 54.294.319.586, trong đó thuế GTGT là 657.333.637 đồng.
[3] Về tội danh và điều luật áp dụng: Công ty P từ khi thành lập cho đến khi ngưng hoạt động đã không hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chức năng ghi trong giấy phép kinh doanh, mà chỉ thực hiện việc mua, bán hóa đơn thuế giá trị gia tăng với các đối tác khác với số lượng lớn, thu lời bất chính và gây thiệt hại cho nhà nước như đã viện dẫn ở trên. Như vậy, đã có đủ căn cứ để xét xử Phạm Thị Thúy L về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015.
3.1 Tình tiết tăng nặng định khung: Bị cáo có 3 tình tiết tăng nặng định khung, điểm d: Hóa đơn đã ghi nội dung từ 30 số trở lên; điểm đ: Thu lời bất chính từ 100.000.000 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại cho ngân sách 100.000.000 đồng trở lên. [4] Về việc áp dụng điều luật: Vì Điều 164a Bộ luật hình sự năm 1999 và Điều 203 Bộ luật hình sự năm 2015 có mức án tối đa, tối thiểu là bằng nhau. Tuy nhiên, hình phạt bổ sung của điều luật 203 năm 2015 quy định hình phạt tiền thấp hơn, quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2000/TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA ngày 05/7/2000 là điều luật nhẹ hơn. Căn cứ vào khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 thì áp dụng Điều 203 Bộ luật hình sự năm 2015 để xét xử bị cáo là phù hợp.
[5] Về tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo: Hành vi phạm tội của bị cáo L là nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước. Sau khi phạm tội bị cáo còn bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Trong vụ án này L giữ vai trò thứ 2 sau Thành nên tính chất hành vi cũng nghiêm trọng. Vì vậy, phải xét xử bị cáo một mức án nghiêm khắc phù hợp với tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra.
[6] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
6.1 Tình tiết tăng nặng: Không có.
6.2 Tình tiết giảm nhẹ: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải (điểm p khoản 1 Điều 46). Về động cơ, hoàn cảnh phạm tội: Hành vi phạm tội của bị cáo mang tính chất thụ động chỉ là người làm thuê theo sự chỉ đạo của bị cáo Thành và hưởng lương chứ không được ăn chia tiền thu lời bất chính (khoản 2 Điều 46).
[7]Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng: Đã được giải quyết tại bản án Hình sự sơ thẩm số 84/2009/HSST ngày 14/7/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
[8] Về hình phạt bổ sung: Không.
[9] Về án phí: Bị cáo phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng). Bởi các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Về trách nhiệm hình sự:
Tuyên bố bị cáo Phạm Thị Thúy L phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn”
Áp dụng khoản các điểm d, đ, e khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 33 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt:
Bị cáo Phạm Thị Thúy L 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù , thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 13/01/2017.
2. Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng: Đã giải quyết xong.
3. Về án phí: Bị cáo Phạm Thị Thúy L phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Trong thời hạn 15 ngày tính từ ngày tuyên án bị cáo; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án lên Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh để yêu cầu xét xử phúc thẩm. Những người vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Bản án 45/2017/HS-ST ngày 07/09/2017 về tội mua bán trái phép hóa đơn
Số hiệu: | 45/2017/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 07/09/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về