Bản án 44/2019/HSST ngày 06/09/2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐẮK SONG, TỈNH ĐẮK NÔNG

BẢN ÁN 44/2019/HSST NGÀY 06/09/2019 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 06 tháng 9 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 47/2019/TLST-HS ngày 07 tháng 8 năm 2019, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 43/2019/QĐXXST-HS ngày 27 tháng 8 năm 2019 đối với bị cáo:

Nguyễn Đình M, sinh ngày 06 tháng 5 năm 1957, tại tỉnh Nghệ An; nơi cư trú: Bản M, xã N, huyện P, tỉnh Đắk Nông; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 7/10; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Đình S (đã chết) và bà Võ Thị T (đã chết); bị cáo có vợ là Trương Thị H và 03 con; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

- Nguyên đơn dân sự: Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Đắk Nông;

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự: Bà Châu Thị Đ – C/v:

Trưởng phòng người có công thuộc Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Đăk Nông. Vắng mặt

Địa chỉ: số 02 đường M, phường N, thị xã P, tỉnh Đắk Nông.

Người tham gia tố tụng khác:

- Người làm chứng:

Ông Trần Văn Ph. Vắng mặt

Địa chỉ: Xã N, huyện P, tỉnh Đăk Nông Bà

Vũ Thị Kim S. Vắng mặt

Địa chỉ: Xã N, huyện P, tỉnh Đăk Nông

Ông Phạm Đình S. Vắng mặt

Địa chỉ: Xã N, huyện P, tỉnh Đăk Nông

Bà Phạm Thị C. Vắng mặt

Địa chỉ: Xã N, huyện P, tỉnh Đăk Nông

Ông Nguyễn Hồng K. Vắng mặt

Địa chỉ: Xã N, huyện P, tỉnh Đăk Nông

Ông Nguyễn Văn S. Vắng mặt

Địa chỉ: Xã N, huyện P, tỉnh Đăk Nông

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Tháng 2 năm 2009, Nguyễn Đình M đi điều trị bệnh tại Bệnh viện Việt Đức, thành phố Hà Nội và quen biết với một người đàn ông tên V (khoảng 60 tuổi, quê ở Thanh Hóa, không rõ nhân thân, lai lịch). Nguyễn Đình M kể cho người đàn ông tên V nghe về việc mình có quá trình tham gia quân ngũ nhưng khi xuất ngũ không được hưởng chế độ gì thì ông V hứa sẽ giúp M làm giấy chứng nhận bị thương giả để làm hồ sơ thương binh, nhận chế độ của Nhà nước. Ông V đưa ra giá tiền là 6.000.000 đồng (sáu triệu đồng) thì M đồng ý, Sau đó Nguyễn Đình M cung cấp thông tin cá nhân và đưa cho ông V số tiền trên. Đến tháng 4 năm 2009, ông V gửi cho Nguyễn Đình M một Giấy chứng nhận bị thương số: 24/GCN đề ngày 30/09/1979 ghi do Thủ trưởng Trung đoàn 157, Sư đoàn 339, Quân đoàn 9 là Thiếu tá Đoàn L ký, cấp; Một quyết định xuất ngũ số 25/QĐ, ghi ngày 20/12/1986 do Phó sư đoàn trưởng – Tham mưu trưởng Sư đoàn 339, Quân khu 9 là Trung tá Bùi Văn Đ ký, cấp (giấy này đã bị M làm thất lạc). Giấy chứng nhận bị thương số 24/GCN thể hiện đúng nhân thân, lai lịch của Nguyễn Đình M, tuy nhiên, không đúng tên đơn vị mà M đã công tác, các vết thương ghi trong giấy chứng nhận này là không đúng.

Tháng 9 năm 2009, mặc dù biết Giấy chứng nhận bị thương số 24/GCN đề ngày 30/09/1979 do Thủ trưởng Trung đoàn 157, Sư đoàn 339, Quân đoàn 9 cấp là giả nhưng khi biết thông tin về việc làm chế độ thương binh, Nguyễn Đình M đã đến Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Nông giao nộp Giấy chứng nhận bị thương này và được hướng dẫn các thủ tục làm hồ sơ thương binh để nhận chế độ. Khi được hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ thương binh, Nguyễn Đình M giao nộp Giấy chứng nhận bị thương số 24/GCN cho Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và các ban, ngành liên quan của xã N, huyện P, tỉnh Đăk Nông để đề nghị xem xét, xác nhận thương binh cho mình. Ngày 09/11/2009, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và các ban ngành của xã N, huyện P, tỉnh Đăk Nông gồm: ông Trần Văn Ph (Phó Bí thư Đảng ủy xã N), bà Vũ Thị Kim S (Phó Chủ tịch UBND xã N), ông Phạm Đình S (Ban Chỉ huy quân sự xã N), bà Phạm Thị C (Phụ trách Thương binh xã hội xã N), ông Nguyễn Hồng K (Hội Cựu chiến binh xã N), ông Nguyễn Văn S (Trưởng thôn của bản M, xã N) đã lập biên bản đề nghị xác nhận thương binh cho Nguyễn Đình M dựa trên Giấy chứng nhận bị thương số 24 giả mà M được ông V cung cấp. Sau khi hoàn tất hồ sơ, M nộp toàn bộ tài liệu cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Nông. Ngày 20/5/2011, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông giám định vết thương thực thể cho Nguyễn Đình M, đến ngày 30/5/2011 thì cấp lại giấy chứng nhận bị thương số: 32/2011/CNBT dựa trên giấy chứng nhận bị thương số 24/GCN ngày 30/09/1979. Đến ngày 25/04/2013, Nguyễn Đình M được giám định lại tỷ lệ % thương tật theo Biên bản số 19343/GĐYK, ngày 25/4/2013 của Hội đồng Giám định Y khoa Quân khu 5, dựa trên Giấy chứng nhận bị thương số: 32/2011/CNBT. Nguyễn Đình M được nhận chế độ thương binh từ tháng 5/2013 đến ngày 13/4/2017 thì bị Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Đăk Nông ra Quyết định số 339/QĐ-LĐTBXH đình chỉ chế độ ưu đãi đối với người có công hoặc thân nhân người có công. Số tiền Nguyễn Đình M nhận được từ hồ sơ thương binh cho đến khi bị đình chỉ là 84.460.000 đồng (tám mươi tư triệu bốn trăm sáu mươi nghìn đồng).

Xác minh toàn bộ danh sách quân nhân bị thương tại Trung đoàn 157, Sư đoàn 339, Quân khu 9 không có tên Nguyễn Đình M. Trong giấy chứng nhận bị thương số 24/GCN, ngày 30/9/1979 của bị can Nguyễn Đình M thể hiện do Thủ trưởng Thiếu tá Đoàn L, Trung đoàn 157, Sư đoàn 339, Quân khu 9 cấp, tuy nhiên kết quả xác minh thể hiện Trung đoàn 157 từ khi thành lập đến nay không có Tiểu đoàn 7 (D7) và căn cứ lịch sử Trung đoàn 157, kết quả giải mã phiên hiệu đơn vị, không có tên Thiếu tá Đoàn L.

Tại thông báo kết quả giám định số 10/GĐKTHS-P11, ngày 18/02/2016 của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng xác định: Phần chữ in phôi của Giấy chứng nhận bị thương số 24/GCN, ngày 30/9/1979 do Trung đoàn 157, Sư đoàn 339, Quân khu 9 cấp cho Nguyễn Đình M được hình thành bằng các hạt mực laze. Hình dấu xác nhận mang tên “Trung đoàn 157 có chữ “Trung đoàn 157” được hình thành bằng phương pháp kẻ, vẽ bằng tay.

Căn cứ kết quả giám định và xác minh tại các cơ quan chức năng, xác định Giấy chứng nhận bị thương số 24/GCN, ngày 30/9/1979 của Trung đoàn 157, Sư đoàn 339, Quân khu 9 là Giấy chứng nhận bị thương giả.

Quá trình điều tra, Nguyễn Đình M thừa nhận mình không tham gia quân ngũ tại Trung đoàn 157, Sư đoàn 339, Quân khu 9 nên việc Trung đoàn 157 cấp Giấy chứng nhận bị thương cho Nguyễn Đình M là không đúng sự thật. Việc Nguyễn Đình M sử dụng Giấy chứng nhận bị thương số số 24/GCN, ngày 30/9/1979 của Trung đoàn 157, Sư đoàn 339, Quân khu 9 để làm hồ sơ thương binh, nhận chế độ của Nhà nước với số tiền 84.460.000 đồng (tám mươi tư triệu bốn trăm sáu mươi nghìn đồng) là vi phạm pháp luật.

Tại bản cáo trạng số 47/CTr-VKS ngày 06/8/2019, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đắk Song đã truy tố bị cáo Nguyễn Đình M về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm c khoản 2 Điều 174 BLHS.

Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Đắk Song vẫn giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đề nghị HĐXX áp dụng: Điểm c khoản 2 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 BLHS xử phạt bị cáo Nguyễn Đình M từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 04 năm đến 05 năm.

Về trách nhiệm dân sự: Ngày 14/8/2017, Nguyễn Thị L con gái của bị cáo M đã nộp đủ số tiền 84.460.000 đồng tại Phòng Lao động thương binh xã hội huyện Đăk Song để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra nên không đề cập giải quyết.

Tại phiên tòa bị cáo không bào chữa gì về hành vi phạm tội của mình mà chỉ xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, những người tham gia tố tụng không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]. Vào khoảng thời gian tháng 9/2009, tại bản M, xã N, huyện P, tỉnh Đăk Nông, Nguyễn Đình M đã có hành vi gian dối dùng Giấy chứng nhận bị thương giả số 24/GCN, ngày 30/9/1979 ghi do Trung đoàn 157, Sư đoàn 339, Quân khu 9 cấp để cung cấp cho cơ quan chức năng làm căn cứ giám định tỷ lệ % thương tật, thiết lập hồ sơ thương binh cho mình để hưởng chế độ trợ cấp thương tật từ tháng 5/2013 đến ngày 13/4/2017, chiếm đoạt của Sở lao động thương binh xã hội tỉnh Đăk Nông với tổng số tiền là 84.460.000 đồng. HĐXX xét thấy đã có đủ cơ sở pháp lý kết luận hành vi nêu trên của bị cáo đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm c khoản 2 Điều 174 của Bộ luật hình sự (BLHS).

Mặc dù bị cáo thực hiện hành vi phạm tội tại thời điểm Bộ luật hình sự năm 1999 đang có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, so sánh quy định giữa điểm e khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 và điểm c khoản 2 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì không có sự khác biệt về số tiền chiếm đoạt cũng như mức hình phạt áp dụng. Do đó, cần áp dụng Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 để xử lý đối với bị cáo theo quy định của pháp luật.

Điều 174 Bộ luật hình sự quy định Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a)…;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

…”

Việc Viện kiểm sát nhân dân huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông truy tố bị cáo Nguyễn Đình M về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm c khoản 2 Điều 174 BLHS là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3]. HĐXX xét thấy bị cáo biết rõ các quy định về điều kiện, thủ tục làm hồ sơ để được hưởng trợ cấp chế độ thương tật và biết rõ bản thân không có giấy tờ, tài liệu hợp lệ theo quy định nhưng vẫn cố tình sử dụng Giấy chứng nhận bị thương giả số 24/GCN, ngày 30/9/1979 ghi do Trung đoàn 157, Sư đoàn 339, Quân khu 9 cấp để cung cấp nhằm lừa dối các cơ quan chức năng tin rằng các tài liệu do bị cáo cung cấp là thật để được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, làm mất đi ý nghĩa cao đẹp trong chính sách đãi ngộ của Nhà nước đối với những người có công với đất nước, xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của Nhà nước và sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về tài liệu hoặc giấy tờ khác. Do đó, cần phải xử phạt bị cáo mức án tương xứng với tính chất, mức độ do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra nhằm giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội.

[5]. Về tình tiết giảm nhẹ: Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đình Minh đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi của mình. Sau khi sự việc bị phát hiện con của bị cáo đã đến Phòng lao động Thương binh xã hội huyện Đăk Song nộp đủ số tiền 84.460.000 đồng để khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, bị cáo có quá trình tham gia quân đội, có đóng góp cho quá trình chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2001, Nguyễn Đình M được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba vì đã có thành tích xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang tại Lào nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, s khoản 1; khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Vì vậy, HĐXX nhận thấy cần xem xét các tình tiết trên để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước ta.

Tuy nhiên, HĐXX xét thấy bị cáo Nguyễn Đình M có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, ổn định, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và có đủ điều kiện được hưởng án treo quy định tại Điều 65 BLHS và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Vì vậy, HĐXX xét thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà cho bị cáo được tự học tập, cải tạo ngoài xã hội dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương và gia đình cũng đủ tác dụng cải tạo, giáo dục bị cáo cũng như răn đe phòng ngừa chung trong xã hội [6] Về hình phạt bổ sung: Sau khi phạm tội bị cáo Minh đã nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt khắc phục hậu quả nên HĐXX không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

[7]. Xét quan điểm của đại diện Viện kiểm sát về mức hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng áp dụng điểm c khoản 2 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Đình M mức án từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 04 năm đến 05 năm, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm là phù hợp nên cần chấp nhận.

[8] Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo đã nộp lại số tiền 84.460.000 đồng, Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Đắk Nông không có yêu cầu gì về phần trách nhiệm dân sự đối với bị cáo nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[9] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

[10] Về quyền kháng cáo: Bị cáo, đương sự có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Đình M phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Căn cứ vào điểm c khoản 2 Điều 174; điểm b, s hoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

1. Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Đình M 02 (hai) năm 03 (ba) tháng tù, được hưởng án treo. Thời gian thử thách là 04 (bốn) năm 06 (sáu) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 06/9/2019).

2. Giao bị cáo Nguyễn Đình M về cho Ủy ban nhân dân xã M, huyện P, tỉnh Đắk Nông là nơi cư trú của bị cáo để giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp bị cáo được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

3.Về án phí: Áp dụng khoản 1, 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 BLTTHS; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016 ngày 30/12/2016 về phí, lệ phí Tòa án. Buộc bị cáo Nguyễn Đình M phải nộp 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí Hình sự sơ thẩm

4.Về quyền kháng cáo: Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguyên đơn dân sự vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo phần bản án liên quan đến quyền lợi ích hợp pháp của mình trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

416
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 44/2019/HSST ngày 06/09/2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:44/2019/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Đắk Song - Đăk Nông
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 06/09/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về