Bản án 438/2020/HS-PT ngày 15/09/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 438/2020/HS-PT NGÀY 15/09/2020 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 15 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, công khai, vụ án hình sự thụ lý số 375/2020/TLPT-HS ngày 09 tháng 6 năm 2020, đối với các bị cáo Trần Thị C và Nguyễn Thị P phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do có kháng cáo của các bị cáo, đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2020/HSST ngày 08/05/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên.

1. Bị cáo có kháng cáo:

1.1. Trần Thị C (tên gọi khác: M), sinh năm: 1986, tại xã T, huyện H, tỉnh Thanh Hóa; Nơi cư trú: Thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hóa: 8/12; Con ông Trần Đức M và con bà Nguyễn Thị C (đều đã chết); Có chồng là Hoàng Tuấn Q và có 03 con, con lớn sinh năm 2014, con nhỏ sinh năm 2020; Tiền án, tiền sự: Không; Hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú; Bị cáo tại ngoại. Có mặt.

1.2. Nguyễn Thị P, sinh năm: 1994, tại Ý Yên, tỉnh Nam Định; Nơi cư trú: Thôn T, xã M, huyện Y, tỉnh Nam Định; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hóa: 12/12; Con ông Nguyễn Công T và con bà Nguyễn Thị H; Tiền án, tiền sự: Không; Bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/4/2018 đến nay; Hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam - Công an tỉnh Hưng Yên. Có mặt

2. Trong vụ án còn có: Bị cáo Nông Thị H; Người bị hại; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo, không bị kháng nghị.

3. Người bào chữa cho các bị cáo:

3.1. Người bào chữa cho bị cáo C: Bà Hoàng Kim Thoa, Luật sư thuộc Công ty luật TNHH LT và cộng sự - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Địa chỉ: Phòng 707 Tòa nhà M3-M4, số 91 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội. Ông Đào Văn Hoàn, Luật sư thuộc Văn phòng luật sư Trọng Hoàn – Đoàn luật sư tỉnh Hưng Yên. Đều có mặt

3.2. Người bào chữa cho bị cáo P: Ông Nguyễn Hùng Phi, Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Phúc Sơn - Đoàn luật sư tỉnh Hưng Yên. Có mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Khong đầu năm 2018, Trần Thị C (tên gọi khác là Mai) cùng chồng là Hoàng Tuấn Quyết, thuê căn nhà hai tầng của bà Đỗ Thị Tám tại thôn Quảng Uyên, xã Minh Châu, huyện Yên Mỹ và cho những người thân, quen cùng ăn ở, sinh hoạt, làm ăn và đi lễ, hầu đồng cùng với vợ chồng Cảnh, gồm: Vũ Thị Thuấn (tên gọi khác là Lộc); Nguyễn Thị P; Nông Thị Hoài; Dương Đức Tuấn Anh; Nguyễn Thị Trang; Thiều Thị Nam. Do có mối quan hệ quen biết với bà Lê Thị Phượng (Pháp danh: Thích Nữ Như Huệ) là Sư trụ trì tại các Chùa Sùng Phúc (xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu) và Chùa Đừng (xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ); bà Nguyễn Thị Đào(Pháp danh: Thích Tuệ Hạnh) là Sư trụ trì tại Chùa Sùng Bảo thuộc xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, nên trong khoảng thời gian từ tháng 3/2018 đến tháng 4/2018, Trần Thị C và đồng bọn nhiều lần dùng các thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt của bà Phượng và bà Đào, với tổng số tiền là: 2.960.000.000 đồng, cụ thể:

1. Hành vi của Trần Thị C, Nông Thị Hoài và Nguyễn Thị P lừa đảo chiếm đoạt số tiền 990.000.000đồng của bà Lê Thị Phượng: Quá trình đến lễ Chùa tại Chùa Sùng Phúc, Trần Thị C nói với bà Phượng: “Con có một con Cóc đồng cổ rồi, giờ con muốn có một con Cóc đồng cổ nữa, vì tượng thường đi theo cặp”, bảo bà Phượng có tượng Cóc hoặc nếu ai có thì mách Cảnh mua về cho đủ cặp. Sau đó, Cảnh thường xuyên gọi điện thoại và dặn bà Phượng: “Lưu tâm xem ai có tượng Cóc bằng đồng thì báo ngay cho Cảnh”. Ngày 22/3/2018, Cảnh bảo Nông Thị Hoài điện hẹn gặp bà Phượng để 13h cùng ngày Hoài đi cùng bà Vũ Thị Thuấn (tức Lộc) đến Chùa làm lễ, đồng thời dặn Hoài đến giới thiệu tên giả Đặng Thùy Linh và nói với bà Phượng: “Bác con đào móng nhà tìm được Pho tượng, sau đó thì anh trai bị điên, bác thì bị hâm hâm”, nhờ bà Phượng làm lễ giúp. Ngoài ra, Cảnh dặn Hoài dán miếng Salonpas che hình xăm trên mu bàn tay trái. Theo hẹn, Hoài đi xe máy điện của Cảnh chở bà Thuấn đến Chùa Sùng Phúc lễ, trình bày nội dung như Cảnh dặn. Trước khi đi, Cảnh bảo Phương mang bức tượng Cóc trát đất vào bức tượng, rồi mang lên phòng cho Cảnh. Sau đó, bảo Phương dùng điện thoại chụp ảnh bức tượng Cóc, gửi qua Zalo cho Cảnh để Cảnh gửi cho Hoài. Đến 18 giờ cùng ngày, Hoài mang ảnh tượng Cóc đến cho bà Phượng xem và gửi ảnh qua Zalo của bà Phượng, nói muốn bán tượng Cóc cho bà Phượng, hẹn đến trưa ngày 23/3/2018 sẽ mang tượng Cóc đến Chùa cho bà Phượng xem. Sau đó, bà Phượng gọi điện cho Cảnh, thông báo có người muốn bán tượng đồng hình con Cóc và gửi ảnh tượng Cóc qua Zalo cho Cảnh, khi đó Cảnh nói với bà Phượng: “Đây đúng là bức tượng con đang cần rồi, Thầy giữ lại cho con”, Cảnh cũng gửi qua Zalo một bức ảnh tượng hình con Cóc cho bà Phượng và nói: Bức ảnh tượng Cóc bà Phượng gửi cho Cảnh và bức ảnh tượng Cóc mà Cảnh đã gửi cho bà Phượng: “Đúng là một cặp và đúng là bức tượng Cảnh đang cần tìm rồi”, nên bà Phượng hỏi Cảnh làm thế nào để phân biệt được là tượng đồng hình Cóc thật, Cảnh nói: “Thầy cứ lấy một miếng chanh xát vào phần ức của tượng Cóc, thấy phần xát chanh sáng ra thì đó là tượng đồng cổ thật, mà con nhìn bức ảnh Thầy gửi thì chắc chắn đó là tượng đồng con Cóc thật rồi, không thể là giả được”. Khoảng 11 giờ cùng ngày (23/3/2018), Cảnh bảo Phương lấy tượng Cóc ra đưa cho Hoài, bảo Hoài đi xe máy điện cùng Nguyễn Thị Trang mang tượng Cóc đến cho bà Phượng, Trang ở ngoài còn Hoài mang tượng Cóc vào chùa cho bà Phượng. Theo lời Cảnh, bà Phượng lấy miếng chanh tươi xát vào thân tượng Cóc thấy phần đồng sáng ra, nên bà Phượng tin tưởng bức tượng Cóc là đồ cổ thật. Bà Phượng ra ngoài gọi điện nói với Cảnh: “Bây giờ người ta mang đến để bán lại bức tượng Cóc, chứ không để lại Chùa làm lễ nữa”, Cảnh nói: “Hỏi chị Linh xem lấy giá bức tượng Cóc bao nhiêu”, bà Phượng hỏi Hoài nói: “Bức tượng Cóc này có giá mấy tỷ đồng”. Ngay sau đó, Cảnh gọi điện cho bà Phượng nói: “Hỏi Linh giá 200.000.000 đồng/kg xem Linh có bán không”. Lúc này, Hoài nhắn tin cho Cảnh, được Cảnh nói giá bán tượng Cóc là 1.200.000.000đồng, nên khi bà Phượng bảo Hoài giá 200.000.000đồng/kg, Hoài đồng ý, bà Phượng cân bức tượng Cóc được 6,2 kg, tính ra tiền là: 1.240.000.000 đồng. Bà Phượng gọi điện thoại nói lại với Cảnh, Cảnh nói đang ở Sài Gòn, bảo bà Phượng giữ lại bức tượng Cóc cho Cảnh. Do không có tiền, bà Phượng bảo Cảnh chuyển tiền qua tài khoản cho bà Phượng và cho người đến Chùa kiểm tra xem có đúng tượng đồng cổ không, thì Cảnh nói: “Bây giờ trong nhà Thầy có bao nhiêu cứ đưa tạm cho người ta”, bà Phượng nói: “Giờ Thầy chỉ có 70.000.000đồng thôi”, Cảnh nói: “Cứ đưa tạm cho người ta, ngày mai Cảnh nhờ người chuyển tiền về”. Do tin tưởng Cảnh, bà Phượng trả trước cho Hoài số tiền 70.000.000đồng, Hoài viết giấy biên nhận đưa cho bà Phượng. Ngay sau đó, Cảnh điện bảo bà Phượng về việc Cảnh đã gọi cho em gái ở chợ Ninh Hiệp, Hà Nội sẽ gửi tiền về qua tài khoản. Do không thấy gửi tiền, nên bà Phượng điện lại cho Cảnh, Cảnh bảo bà Phượng: “Cứ yên tâm vay mượn tạm bên ngoài, một hoặc hai hôm nữa Cảnh về sẽ trả bà Phượng cả tiền gốc và lãi”, bà Phượng tiếp tục bảo Cảnh cho người về Chùa kiểm tra tượng Cóc, Cảnh cho bà Phượng nói là của “Tùng” là người sẽ đến xem tượng đồng Cóc có phải tượng cổ thật hay không. Khi về nhà, Hoài đưa 70.000.000đồng cho Cảnh, Cảnh cùng Phương kiểm đếm lại tiền, Cảnh cho Hoài và Phương mỗi người 500.000đồng để chi tiêu. Đến chiều, Cảnh bảo Phương đi trả nợ hộ hai khoản nợ hết 55.000.000đồng. Khoảng 18 giờ ngày 25/3/2018, Hoài đến Chùa Đừng được bà Phượng trả tiếp 300.000.000đồng, hẹn ngày hôm sau sẽ trả số tiền còn lại. Do bà Phượng điện giục Cảnh nhiều lần, nên Cảnh cho số điện thoại và bảo Dương Đức Tuấn Anh lấy tên giả “Tùng, Hiếu” điện cho bà Phượng, nói là người sẽ đến Chùa kiểm tra tượng Cóc. Tối ngày 25/3/2018, Cảnh bảo Phương chở Tuấn Anh đến Chùa Đừng thì Phương ở ngoài, còn Tuấn Anh vào gặp bà Phượng đóng giả là người đến kiểm tra và mua lại tượng Cóc. Sau khi xem tượng Cóc xong, Tuấn Anh nói: “Đây là tượng đồng cổ thật, cháu sẽ về nói lại với chú, chắc sáng mai chú sẽ xuống” rồi ra về, sau đó bà Phượng không liên lạc được với Tuấn Anh nữa. Trưa ngày 26/3/2018, Cảnh bảo Phương đi cùng Hoài đến Chùa Đừng để Hoài vào gặp bà Phượng lấy nốt số tiền còn lại. Cảnh bảo Hoài nói với bà Phượng: “Gia đình bác con công đức số tiền 250.000.000 đồng làm phúc”, nên bà Phượng đưa cho Hoài số tiền là 620.000.000đồng, rồi viết giấy biên nhận tiền cho Hoài ký xác nhận. Trên đường về, Hoài nói với Phương bán tượng đồng hình con Cóc được 1.000.000.000 đồng. Gần về đến nhà, Cảnh điện thoại nói với Phương: “Đi lòng vòng cắt đuôi, đừng về ngay sợ có người theo dõi”, về nhà Hoài đưa 620.000.000đồng cho Cảnh. Cảnh bảo Hoài bỏ chiếc sim điện thoại, xóa các tin nhắn trên điện thoại. Bà Phượng nhiều lần gọi điện thoại bảo Cảnh đến Chùa lấy bức tượng con Cóc và trả tiền cho bà Phượng, nhưng Cảnh không đến mà chỉ hứa hẹn với bà Phượng sẽ ủng hộ tiền để xây dựng lại Chùa. Đến ngày 30/3/2018, Hoàng Tuấn Quyết (chồng Cảnh) đã chuyển vào tài khoản của bà Phượng (để công đức vào Chùa) số tiền 20.000.000 đồng. Sau đó, bà Phượng không liên lạc điện thoại được với Cảnh nữa và đã giao nộp cho Cơ quan điều tra các tài liệu, chứng cứ có liên quan.

Quá trình điều tra, Hoàng Tuấn Quyết đã nhiều lần đến gặp bà Phượng xin khắc phục hậu quả. Đến cuối tháng 4/2018, Quyết đến chùa đưa trả bà Phượng số tiền 200.000.000đồng, nói để khắc phục hậu quả cho Hoài.

Kết luận giám định số 4406/09(P6) ngày 31/8/2018, của Viện khoa học hình sự - Bộ công an, đối với file Video trong chiếc USB nhãn hiệu Kingston do bà Phượng giao nộp đã kết luận: Không phát hiện thấy dấu hiệu cắt ghép, chỉnh sửa nội dung trong các file video gửi giám định, nội dung tập các cuộc hội thoại đã được chuyển thành văn bản, gồm 04 trang giấy A4.

Kết luận giám định ngày 15/11/2018 của Vụ pháp chế - Bộ văn hóa, thể thao và du lịch và Biên giám định ngày 27/6/2018, của Viện khảo cổ học - Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (đối với bức tượng Cóc bà Phượng giao nộp) đã kết luận: Đây là đồ phong thủy, sản xuất trong thời gian gần đây, không phải cổ vật; Là đồ mỹ nghệ được sản xuất ở Trung Quốc đưa vào Việt Nam bằng đường tiểu ngạch. Là vật dụng để cầu tài, cầu lộc. Hiện vật này làm giả đồ thời Minh (Trung Quốc), là đồ mỹ nghệ mới sản xuất.

Kết luận định giá tài sản số 64/KL-HĐ ngày 25/12/2018, của Hội đồng định giá tài sản huyện Mỹ Hào, kết luận: Giá trị của 01 bức tượng hình con Cóc, nặng 6,3kg, tại thời điểm tháng 3, 4/2018 là: 5.985.000đồng.

Tại cơ quan điều tra Nông Thị Hoài và Nguyễn Thị P thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội; Trần Thị C quanh co không thừa nhận hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Phượng.

2. Hành vi của Trần Thị C, Nông Thị Hoài và Nguyễn Thị P lừa đảo chiếm đoạt số tiền 1.970.000.000 đồng của bà Nguyễn Thị Đào: Tương tự hành vi tại chùa Sùng Phúc, Cảnh đến lễ tại Chùa Sùng Bảo, nên biết bà Nguyễn Thị Đào là Sư trụ trì tại Chùa. Chiều tối ngày 04/4/2018, Hoàng Tuấn Quyết (chồng Cảnh) điều khiển xe ôtô, biển số: 89A- 127.52 chở Cảnh và con gái cùng Nguyễn Thị P đến Chùa Sùng Bảo lễ, Cảnh đưa cho bà Đào 2.000.000đồng để công đức vào Chùa. Khi Cảnh cùng con gái và Phương ngồi nói chuyện với bà Đào, Cảnh giới thiệu tên là Phương, quê ở Khoái Châu - Hưng Yên, làm nghề môi giới buôn bán đồ cổ, nói với bà Đào: “Sư thầy có đồng đen, đồ cổ hoặc có ai muốn bán thì thầy bảo con, con đã mua bán giúp nhiều thầy chùa nổi tiếng với giá cao rồi”. Bà Đào tặng Cảnh 04 bức tượng Phật (phong thủy) hình Quan âm, dùng điện thoại chụp ảnh 04 bức tượng Phật vừa tặng Cảnh để tại bàn uống nước, trong bức ảnh có hình mẹ con Cảnh, sau đó Quyết công đức cho Chùa số tiền 2.000.000đồng rồi cùng nhau ra về. Do có ý định mua pho tượng giả cổ để lừa bán cho bà Đào, nên khoảng 08 giờ ngày 05/4/2018, Cảnh điều khiển xe máy SH, biển số: 89E1- 503.38 chở Phương đến Cửa hàng bán đồ thờ cúng “Ngọc - Thủy” tại thị tứ Bô Thời, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu mua 01 bức tượng đồng hình con Cóc, với giá 1.000.000đồng. Về nhà trọ, Cảnh bảo Phương lấy đất bôi, trát vào bức tượng cho giống đồ cổ. Sau đó, Cảnh bảo Phương đi xe máy điện đến nhà anh Lê Biên Giới, ở thôn Thọ Bình, Tân Dân, Khoái Châu lấy 01 bức tượng đồng hình Quan Công (Cảnh khai nhận đã tráo đổi được tại đền Mẫu Dao Trì thuộc thị trấn Tam Đảo, Vĩnh Phúc vào tháng 11/2017) và gửi trước đó, về phòng trọ, Cảnh lại bảo Phương trát đất cho giống tượng cổ rồi mang lên phòng cho Cảnh. Lúc này, Cảnh cho Hoài số điện thoại của bà Đào, bảo Hoài lấy chiếc sim “rác” điện cho bà Đào, lấy tên giả là “Hoa, nhà ở Phố Nối”, nói với bà Đào nội dung: “Bác con xây nhà đào móng thấy pho tượng bằng đồng đen, khi đào thấy thì bác con và con trai bác con bị điên và hâm hâm, sau đó bác con mang bức tượng đào được đến nhà bà The để làm lễ và bà The muốn mua lại bức tượng này”, Hoài điện cho bà Đào như lời Cảnh dặn và mang các bức tượng này đến Chùa Sùng Bảo nhờ làm lễ và lừa bán cho bà Đào. Khoảng 11 giờ ngày 05/4/2018, Cảnh bảo Phương đi xe máy điện chở Hoài đến Chùa Sùng Bảo, Phương ở ngoài đợi, còn Hoài mang 02 bức tượng hình con Cóc và Quan Công vào chùa gặp và nói với bà Đào nội dung như Cảnh dặn, rồi ngồi năn nỉ nhờ bà Đào làm lễ và mua lại 02 bức tượng, đồng thời nhắn tin cho Cảnh với nội dung:

Thy đồng ý xem, Thầy có tiền đấy, hai pho tượng giá bao nhiêu”, Cảnh trả lời: Hai pho tượng giá 01 tỷ đồng”. Khi đó, bà Đào dùng điện thoại chụp ảnh 02 bức tượng, gửi Zalo cho Phương (tức Cảnh) và gọi điện thoại hỏi Cảnh về 02 bức tượng có phải là đồng đen hay không, thì Cảnh nói: “Đây là hai bức tượng bằng đồng đen đấy thầy ạ, con chưa bao giờ thấy hai bức tượng nào đẹp đến thế, nhất là bức tượng hình Quan Công rất có giá trị”. Bà Đào tin tưởng, đồng ý mua hai bức tượng với giá 1 tỷ, trả trước 400.000.000đồng và hẹn Hoài đầu giờ chiều đi cùng bà Đào đến Tp. Hải Dương để bà Đào rút tiền trả nốt, Hoài đồng ý và thông tin cho Cảnh biết nội dung này. Sau đó, Hoài cầm 400.000.000đồng mang ra đưa cho Phương đón Taxi đem về nhà đưa cho Cảnh, còn Hoài ngồi đợi ở quán nước để chiều đi cùng bà Đào đến Ngân hàng Sacombank Hải Dương lấy nốt 600.000.000 đồng. Thấy mọi việc dễ ràng, nên Cảnh chỉ đạo Hoài tiếp tục lừa bán hai bức tượng hình Quan Âm và bức tượng Phật Adida, với giá mỗi bức tượng là: 700.000.000 đồng. Do tin tưởng Hoài và các nội dung tin nhắn là thật, nên bà Đào bảo Hoài đến tối mang cho bà Đào xem 02 bức tượng. Thấy vậy, Cảnh lại chở Phương đến Cửa hàng bán đồ thờ cúng “Hiện - Gấm” ở thị tứ Bô Thời, xã Hồng Tiến, mua 01 bức tượng hình Quan Âm và 01 bức tượng Phật Adida, với giá 1.300.000đồng. Sau đó, Cảnh tiếp tục bảo Phương bôi, trát đất vào 02 bức tượng cho giống đồ cổ rồi đưa lên phòng cho Cảnh, Phương đồng ý. Khoảng 17 giờ cùng ngày, Hoài về đến nhà đưa cho Cảnh số tiền là: 600.000.000đồng và hỏi Cảnh: “Có tượng chưa”, Cảnh nói “Có rồi”. Khoảng 18 giờ cùng ngày, Cảnh bảo Hoài đi xe máy chở Phương mang 02 bức tượng đến Chùa Sùng Bảo để lừa bán cho bà Đào. Đến nơi, Phương đợi ở ngoài, Hoài mang 02 bức tượng vào cho bà Đào xem và nói: “Bác con yêu cầu giá của 02 bức tượng là 1.400.000.000 đồng và phải đặt cọc tiền trước”, bà Đào đồng ý và đưa cho Hoài số tiền 270.000.000đồng, hẹn đến 13 giờ chiều hôm sau (06/4/2018) bà Đào sẽ trả nốt số tiền còn lại. Trước đó, Hoài nhắn tin cho Cảnh biết bà Đào chỉ đưa trả số tiền là 270.000.000đồng và được Cảnh đồng ý. Sau khi nhận số tiền 270.000.000đồng của bà Đào, Hoài để lại 02 bức Tượng cho bà Đào, trên đường về Hoài nói với Phương về giá bán 2 bức tượng và tiền đặt cọc. Về nhà trọ, Hoài đưa cho Cảnh 270.000.000đồng, Cảnh đưa cho Hoài 1.000.000 đồng để chi tiêu. Bà Đào dùng điện thoại chụp ảnh 02 bức tượng gửi Zalo cho Cảnh, thì Cảnh nói: “Đây đúng là 02 bức tượng đồng cổ có giá trị rất cao”. Sau đó, bà Đào mang các bức tượng ra rửa sạch bùn đất, phát hiện thấy các bức tượng này còn mới, nên nghi ngờ và gọi điện thoại, nhắn tin, giục Cảnh đến xem 04 bức tượng bà Đào đã mua có phải là tượng cổ không, được Cảnh đồng ý. Sáng ngày 06/4/2018, Cảnh đưa cho Phương số tiền 150.000.000đồng và thuê xe taxi về quê ở Thanh Hóa đưa cho người thân của Cảnh, gồm: bà Nguyễn Thị Vẻ; ông Trần Đức Thân và ông Trần Đức Mão mỗi người 50.000.000đồng. Khoảng 06 giờ ngày 06/4/2018, Quyết điều khiển xe ôtô chở Cảnh đến Chùa Sùng Bảo xem 04 bức tượng như đã hứa hẹn với bà Đào, Cảnh vẫn khẳng định: “Đây là những bức tượng đồng cổ, giá trị của những bức tượng này có giá lên đến 14 ngàn tỷ đồng”, hẹn bà Đào mấy ngày nữa, Cảnh sắp xếp công việc về lấy tượng và đưa tiền cho bà Đào. Đến khoảng 13 giờ ngày 06/4/2018, do chưa vay được tiền trả Hoài như đã hẹn, bà Đào nhắn tin hẹn Hoài đến khoảng 17 giờ cùng ngày sẽ trả, nên theo hẹn Hoài nhờ Tuấn Anh chở Hoài đến gặp bà Đào để lấy nốt tiền, Tuấn Anh ở ngoài đợi, còn Hoài đi vào Chùa Sùng Bảo được bà Đào đưa trả số tiền là: 700.000.000đồng và viết giấy biên nhận tiền thì bị bắt quả tang, thu giữ toàn bộ vật chứng có liên quan.

Cơ quan diều tra tiến hành đã thu thập các tài liệu, chứng cứ và khám xét nơi ở của vợ chồng Trần Thị C và đồng bọn, thu giữ vật chứng có liên liên quan.

Quá trình điều tra ngày 08/6/2018, Cơ quan điều tra đã trả lại bà Nguyễn Thị Đào số tiền là: 700.000.000 đồng, bà Đào yêu cầu các bị cáo phải hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt còn lại là: 1.270.000.000 đồng. Ngày 25/02/2019, Hoàng Tuấn Quyết đã tự nguyện giao nộp số tiền 220.000.000 đồng khắc phục hậu quả.

Kết luận giám định số 2725 ngày 11/6/2018, của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an, kết luận: 01 bức tượng hình phật màu đồng (Adida), có khối lượng 860,3gram; 01 bức tượng màu đồng hình phật Quan Âm, có khối lượng 825,0gram; 01 bức tượng màu đồng hình con Cóc (gồm hai phần đế và nắp), có khối lượng 1281,8gram (03 bức tượng này đều là hợp kim của Đồng, Kẽm); 01 bức tượng hình Quan Công màu đồng, có khối lượng 1908,2gram không phải là tượng đồng (được làm bằng hỗn hợp vật liệu xây dựng).

Kết luận giám định số 217 ngày 03/6/2018, của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Hưng Yên, kết luận: Chữ viết trên giấy nhận tiền đề ngày 06/4/2018 (M1) so với chữ viết của Nông Thị Hoài (A1) là do cùng một người viết ra.

Kết luận giám định số 3045 ngày 09/7/2018, của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an (đối với 02 Video clip được Cơ quan điều tra trích xuất tại Cửa hàng Hiện - Gấm vào ngày 05/4/2018 được lưu trong USB Kingston), kết luận: Không phát hiện thấy dấu vết cắt ghép, chỉnh sửa; Hình ảnh có màu sắc, ánh sáng ổn định, hình ảnh chuyển động liên tục; Trích xuất 19 ảnh từ hai tệp tin video mẫu gửi giám định, chi tiết trong phụ lục kèm theo.

Kết luận giám định ngày 15/11/2018 của Vụ pháp chế - Bộ văn hóa, thể thao và du lịch (đối với 04 bức tượng Cơ quan điều tra đã quản lý tại Chùa Sùng Bảo) đã kết luận: Đây là đồ phong thủy, sản xuất trong thời gian gần đây, không phải cổ vật.

Kết luận định giá tài sản số 64 ngày 25/12/2018, của Hội đồng định giá tài sản huyện Mỹ Hào (đối với 04 bức tượng Cơ quan điều tra đã quản lý tại Chùa Sùng Bảo) đã kết luận: Tổng giá trị của 04 bức tượng nêu trên tại thời điểm tháng 3, 4/2018 là: 5.815.000đồng.

Quá trình điều tra, bà Nguyễn Thị Ba, sinh năm 1958 là mẹ bị cáo Nông Thị Hoài có đơn trình báo và khai nhận: Sau khi Hoài bị tạm giam, Cảnh đã gặp và nói sẽ tạo điều kiện cho bà Ba vào thăm gặp Hoài, nhưng phải bảo Hoài nhận hết tội, không khai Cảnh và đồng phạm, số tiền lấy được đã đi lễ và chi tiêu hết. Mặt khác, bà Ba và bị cáo Hoài khai nhận: Trước đó, bà Ba đã bán nhà, đưa cho Hoài 250.000.000 đồng để tìm mua nhà, Hoài đã đưa gửi Cảnh số tiền này, nhưng không cung cấp được tài liệu chứng cứ có liên quan, nên Cơ quan điều tra không có căn cứ để điều tra làm rõ.

Đi với Hoàng Tuấn Quyết (chồng Cảnh), quá trình điều tra khai nhận: Đã đưa mẹ con Cảnh cùng Phương đến lễ, gặp bà Đào tại Chùa Sùng Bảo, nhưng không bàn bạc gì với Cảnh cùng đồng bọn, không biết các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội và đã nhiều lần cùng người thân đến gặp bà Phượng xin khắc phục hậu quả. Cơ quan điều tra đã triệu tập nhiều lần để làm rõ, nhưng đều lý do cá nhân và không hợp tác. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đi với Vũ Thị Thuấn (tức Lộc); Dương Đức Tuấn Anh và Nguyễn Thị Trang. Quá trình điều tra đều khai nhận: Không được các bị cáo bàn bạc, không biết các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, chỉ làm theo sự chỉ đạo của Cảnh cùng đồng bọn và không được hưởng lợi gì. Cơ quan điều tra đã triệu tập nhiều lần, nhưng đã vắng mặt tại địa phương, nên Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh làm rõ để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đi với các ông Trần Đức Thân, ông Trần Đức Mão và bà Nguyễn Thị Vẻ (đều là người thân của Cảnh). Quá trình điều tra đều khai nhận: Đã được Cảnh liên lạc điện thoại và nhờ Phương mang đến đưa gửi cho mỗi người số tiền là 50.000.000 đồng, nhưng không biết số tiền do Cảnh và đồng bọn phạm tội mà có và đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan điều tra, nên không có căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đi với bà Phan Thị Băng và Phạm Thị Hằng đều khai nhận: Trước đó, đều có mối quan hệ và đã cho Cảnh vay tiền, nên Cảnh đã nhờ Phương mang đến trả nợ vào ngày 23/3/2018, nhưng không biết số tiền do Cảnh phạm tội mà có và đã chi tiêu hết, nên không có căn cứ để xử lý. Đối với bức tượng hình Quan Công, Cảnh khai nhận đã cùng các đối tượng tráo đổi được tại đền Mẫu Dao Trì , thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh, nhưng không có kết quả và không xác định được bị hại, nên không có căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đi với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Đào, tại cơ quan điều tra Trần Thị C, Nông Thị Hoài và Nguyễn Thị P đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội nêu trên.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2020/HSST ngày 08 tháng 5 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên, đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Trần Thị C, Nông Thị Hoài và Nguyễn Thị P phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Áp dụng: Điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, n, s khoản 1, 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 17; Điều 38; Điều 58; Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo Trần Thị C. Xử phạt bị cáo Trần Thị C 08 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.

Áp dụng: Điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38; Điều 17; Điều 58; Điều 54 của Bộ luật Hình sự, năm 2015 đối với hai bị cáo Nông Thị Hoài và Nguyễn Thị P. Xử phạt bị cáo Nông Thị Hoài 07 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 06/4/2018. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị P 06 năm 06 tháng tù, thời hạn tính từ ngày 07/4/2018.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về biện pháp tư pháp, trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 20/5/2020, bị cáo Trần Thị C; Ngày 20/5/2020, bị cáo Nguyễn Thị P kháng cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo Trần Thị C vắng mặt lần thứ hai; có mặt anh Hoàng Tuấn Quyết (chồng Cảnh) trình bày bị cáo Cảnh bị ốm đột xuất, không tham dự phiên tòa được, đề nghị được hoãn phiên tòa.

Bị cáo Nguyễn Thị P giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã nhận định, ăn năn hối hận về hành vi phạm tội của bản thân, do tin tưởng và làm theo chỉ đạo của Cảnh, nhận thức pháp luật hạn chế, đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo xuống mức án thấp nhất.

Đi diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có quan điểm: Về tố tụng, bị cáo Trần Thị C vắng mặt lần hai tại phiên tòa, đề nghị căn cứ điểm c khoản 1 Điều 351 Bộ luật Tố tụng hình sự, xét xử vắng mặt bị cáo Cảnh theo quy định của pháp luật; Về nội dung, sau khi phân tích, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội, tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và căn cứ kháng cáo của các bị cáo, kết luận: Các bị cáo Trần Thị C, Nguyễn Thị P bị Tòa án cấp sơ thẩm xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Xử phạt bị cáo Trần Thị C 08 năm tù; Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị P 06 năm 06 tháng tù là phù hợp. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Thị C, Nguyễn Thị P và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Quan điểm của các Luật sư bào chữa cho bị cáo Cảnh: Việc xử phạt bị cáo Trần Thị C về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự là đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tình tiết bị cáo thành khẩn, ăn lăn hối lỗi hành vi phạm tội, đã bồi thường toàn bộ cho bị hại, lần đầu phạm tội, bị hại đề nghị giảm nhẹ hình phạt, hoàn cảnh gia đình bị cáo rất khó khăn, hiện đang nuôi con nhỏ bị bệnh, hiện nay bị cáo bị bệnh và sức khỏe rất yếu. Đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Cảnh xuống mức thấp nhất theo quy định của pháp luật.

Quan điểm của các Luật sư bào chữa cho bị cáo Phương: Việc xử phạt bị cáo Nguyễn Thị P về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự là đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tình tiết bị cáo thành khẩn, ăn lăn hối lỗi hành vi phạm tội, lần đầu phạm tội, bị hại đề nghị giảm nhẹ hình phạt, hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, đồng phạm với vai trò thấp. Đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Phương xuống mức thấp nhất theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về tố tụng: Cấp sơ thẩm tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đơn kháng cáo của các bị cáo làm trong thời hạn luật định, được cấp phúc thẩm chấp nhận. Đối với bị cáo Trần Thị C vắng mặt lần thứ hai tại phiên tòa, mặc dù đã được triệu tập hợp lệ, anh Hoàng Tuấn Quyết (chồng Cảnh) trình bày bị cáo Cảnh bị ốm đột xuất, đề nghị được hoãn phiên tòa là không có căn cứ. Do vậy, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng điểm c khoản 1 Điều 351 Bộ luật Tố tụng hình sự, xét xử vắng mặt bị cáo Trần Thị C theo quy định của pháp luật.

[2]. Về hành vi phạm tội: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thị P khai nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã nhận định và kết luận. Lời khai nhận tội của bị cáo Phương phù hợp với lời khai tại cấp sơ thẩm, phù hợp với lời khai của các bị cáo Trần Thị C và bị cáo Nông Thị Hoài trong quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm; phù hợp với lời khai của những người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng; Biên bản bắt người phạm tội quả tang; Biên bản niêm phong vật chứng; Bản ảnh vật chứng; Kết luận giám định; Kết quả rút List điện thoại và các tài liệu, chứng cứ khác đã thu thập có trong hồ sơ vụ án. Cấp phúc thẩm thống nhất nhận định và kết luận của bản án sơ thẩm, như sau: Từ ngày 22/3/2018 đến ngày 26/3/2018, Trần Thị C (tên gọi khác là Mai) đã chỉ đạo Nông Thị Hoài và Nguyễn Thị P dùng các thủ đoạn gian dối: Sử dụng bức tượng đồng hình con Cóc (là đồ phong thủy) bôi trát đất làm giả tượng cổ, nhờ bà Lê Thị Phượng (Pháp danh: Thích Nữ Như Huệ) trụ trì Chùa Sùng Phúc làm lễ và dùng các thủ đoạn gian dối, dẫn dụ bán cho bà Phượng với giá là: 1.240.000.000 đồng, chiếm đoạt của bà Phượng số tiền là: 990.000.000đồng. Ngày 05/4/2018, Cảnh đã hai lần cùng Phương đến các Cửa hàng bán đồ đồng, mua 04 bức tượng là đồ phong thủy, gồm các bức tượng: Hình con Cóc, hình Quan Công, hình Quan Âm và hình Phật Adiđà, mang về nhà bảo Nguyễn Thị P bôi, trát bùn đất lên các bức tượng làm giả tượng cổ và chỉ đạo Nông Thị Hoài dùng các thủ đoạn gian dối, mang đến Chùa Sùng Bảo nhờ bà Nguyễn Thị Đào (Pháp danh: Thích Tuệ Hạnh)- là Sư trụ trì nhờ làm lễ và dẫn dụ bán cho bà Đào với giá: 2.400.000.000đồng, bà Đào đã đưa cho Hoài số tiền: 1.270.000.000 đồng, khi Hoài đến nhận tiếp của bà Đào số tiền 700.000.000đồng và viết giấy biên nhận tiền, thì bị bắt quả tang. Như vậy, trong khoảng thời gian từ 22/3/2018 đến ngày 06/4/2018, bị cáo Trần Thị C đã nhiều lần có thủ đoạn gian dối, cùng với bị cáo Nông Thị Hoài và Nguyễn Thị P chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị Đào số tiền 1.970.000.000đồng, bà Lê Thị Phượng số tiền 990.000.000đồng. Tổng cộng số tiền bị cáo Cảnh, Hoài và Phương chiếm đoạt là 2.960.000.000đồng. Hành vi nêu trên, các bị cáo Trần Thị C, Nông Thị Hoài và Nguyễn Thị P đã phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với tổng số tiền bị cáo Cảnh, Hoài và Phương chiếm đoạt là 2.960.000.000đồng, vi phạm tình tiết định khung: “Số lượng tiền chiếm đoạt từ 500.000.000đồng trở lên”, quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Do vậy, Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên xử phạt các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Trong vụ án này, bị cáo Trần Thị C thực hiện hành vi phạm tội với vai trò là người chủ mưu, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho Hoài, Phương, nên có vai trò cao nhất trong vụ án; bị cáo Nông Thị Hoài phạm tội với vai trò đồng phạm thực hành tích cực, trực tiếp thực hiện tội phạm; bị cáo Nguyễn Thị P có vai trò đồng phạm giúp sức. Đối với bị cáo Nông Thị Hoài bị Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt 07 năm tù, sau khi xét xử sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị, nên quyết định bản án sơ thẩm đối với Hoài đã có hiệu lực pháp luật.

[3]. Tính chất hành vi phạm tội: Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm quyền sở hữu của người khác được pháp luật bảo vệ. Vì động cơ vụ lợi, các bị cáo dùng thủ đoạn gian dối, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, ít tiếp xúc với đồ thờ phong thủy ngoài thị trường. Các bị cáo đã tiếp xúc, dẫn dụ và sử dụng mối quan hệ quen biết từ trước, điện thoại liên lạc giao dịch, hướng dẫn nhau đưa ra thông tin không đúng sự thật, nhằm làm cho các bị hại tin tưởng. Bị cáo Cảnh mua tượng là đồ thờ phong thủy có niên đại thấp, sau đó về trát đất vào tượng làm cho các bị hại tưởng là tượng đồng cổ. Trong thời gian ngắn, các bị cáo liên tiếp thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người, nhiều lần với số tiền rất lớn, tại nơi là các nhà chùa vắng vẻ, ít người để thực hiện hành vi phạm tội, gây mất an ninh trật tự, cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự là có căn cứ. Do đó, các bị cáo phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả đã gây ra. Khi quyết định hình phạt, cấp sơ thẩm đã xem xét tình tiết các bị cáo đều có nhân thân tốt; phạm tội lần đầu; thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội; bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt; gia đình có công với cách mạng quy định tại điểm b, s, (n đối với Cảnh) khoản 1 khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo. Trên cơ sở đánh giá khách quan, đầy đủ các chứng cứ của vụ án, tính chất, hành vi, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội mà các bị cáo gây ra, nhân thân, tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, cấp sơ thẩm áp dụng Điều 54 của Bộ luật Hình sự áp dụng dưới khung hình phạt và xử phạt bị cáo Trần Thị C 08 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị P 06 năm 06 tháng tù là thỏa đáng.

[4]. Xét kháng cáo của các bị cáo: Ti phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Trần Thị C, bị cáo Nguyễn Thị P không xuất trình thêm tình tiết giảm nhẹ mới. Đối với những căn cứ kháng cáo của bị cáo Phương trình bày tại phiên tòa, căn cứ kháng cáo của bị cáo Cảnh trình bày trong đơn kháng cáo, đều đã được cấp sơ thẩm cân nhắc, xem xét. Ngoài tình tiết giảm nhẹ cấp sơ thẩm áp dụng, các bị cáo không được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ mới. Mặt khác, như đã phân tích nêu trên, số tiền các bị cáo lừa đảo là rất lớn, mức hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo là phù hợp. Do vậy, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trần Thị C, bị cáo Nguyễn Thị P, cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm. Vì vậy, quan điểm của các Luật sư đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là không có cơ sở, không được chấp nhận.

[5]. Quan điểm đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội: Xét thấy, các căn cứ và lập luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có cơ sở và được chấp nhận.

[6]. Về án phí: Bị cáo Trần Thị C, bị cáo Nguyễn Thị P kháng cáo không được chấp nhận, phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định;

[7]. Về quyết định khác: Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án;

QUYẾT ĐỊNH

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Thị C (tên gọi khác: M), bị cáo Nguyễn Thị P.

2. Giữ nguyên Bản án Hình sự sơ thẩm số 27/2020/HSST ngày 08 tháng 5 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên.

2.1. Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, n, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 17; Điều 38; Điều 58; Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Trần Thị C(tên gọi khác: Mai) 08(tám) năm tù, về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày đi chấp hành hình phạt.

2.2. Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38; Điều 17; Điều 58; Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị P 06(sáu) năm 06(sáu) tháng tù, về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn tính từ ngày 07/4/2018.

3. Về án phí: Bị cáo Trần Thị C(tên gọi khác: Mai), bị cáo Nguyễn Thị P mỗi bị cáo phải nộp 200.000đ(hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

489
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 438/2020/HS-PT ngày 15/09/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:438/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về