Bản án 43/2017/HS-PT ngày 19/07/2017 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 43/2017/HS-PT NGÀY 19/07/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 19 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 09/2017/HSPT ngày 23 tháng 01 năm 2017 đối với bị cáo Phạm V, do có kháng cáo của người bị hại và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 59/2016/HSST ngày 15 tháng 12 năm 2016 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

Bị cáo bị kháng nghị:

Phạm V, sinh ngày 10 tháng 9 năm 1964; nơi sinh và cư trú: Thôn D, xã Đ, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hoá: 5/10; con ông Phạm C và bà Dương B (Đều đã chết); có vợ là Lý H và 03 con, lớn nhất sinh năm 1988, nhỏ nhất sinh năm 1998; tiền sự, tiền án: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 21 tháng 7 năm 2016 đến ngày 17 tháng 10 năm 2016 được thay thế biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện bị cáo tại ngoại (có mặt).

Người bị hại có kháng cáo: Ông Đặng K, sinh năm 1968; nơi cư trú: Thôn D, xã Đ, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại: Ông Nguyễn A, Luật sư thuộc Công ty Luật E, Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Lý H, sinh năm 1966; nơi cư trú: Thôn D, xã Đ, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt).

NHẬN THẤY

Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện T và Bản án hình sự sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện T thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 17giờ ngày 14 tháng 5 năm 2016, Phạm V cùng anh Nguyễn N ở thôn L, xã Đ, huyện T lắp dàn ăng ten tại nhà V. V đang buộc dàn ăng ten trên tầng 2, còn anh N lắp dây ăng ten ở tầng 1, lúc này có ông Hà M người cùng thôn và bà Nguyễn U ở thôn I, xã Đ, huyện T có mặt ở đó thì ông Đặng K đi đến cổng nhà V, trên tay cầm một con dao nhọn dài khoảng 30cm và nói: “Đ.mẹ chúng mày, làm gì mà ồn ào thế”. V từ tầng 2 tay phải cầm một hộp khoan, tay trái cầm ½ viên gạch chỉ (Loại gạch đặc) đi xuống tầng 1 để ở bậc thềm. Sau đó, đi ra cổng gặp ông K, đứng cách ông K khoảng 3m và nói: “Mày cầm dao đến nhà tao để làm gì, mày về đi”. Cùng lúc đó có chị Lý Y ở thôn D, xã Đ, huyện T đến can ngăn, kéo ông K về nhà. V quay vào nhà đến bậc thềm cúi xuống cầm khoan và ½ viên gạch chỉ đi làm tiếp thì cháu ngoại của V là Đỗ P, sinh năm 2013 chạy đến ôm vào chân V. Lúc này V nghe thấy tiếng của ông K nói: “Hôm nay tao đâm mày chết”, trên tay vẫn cầm dao. V nghĩ ông K tiến đến đâm mình nên quay người lại đứng cách ông K khoảng 3-4m, V cầm ½ viên gạch ném về phía ông K. Hậu quả ông K bị thương tích ở vùng đầu, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cấp cứu và điều trị. Đến ngày 11 tháng 6 năm 2016 ra viện.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 133/TgT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Trung tâm Pháp Y tỉnh Vĩnh Phúc kết luận: Vết thương phần mềm đỉnh lệch trái, xếp 2%; khuyết xương sọ trán đỉnh thái dương phải, xếp 28%; máu tụ dưới màng cứng bán cầu đại não phải, xếp 23%. Tổn hại sức khoẻ ở thời điểm hiện tại của ông K là 46% bằng phương pháp cộng lùi.

Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo V đã tác động để bà Lý H vợ bị cáo tự nguyện bồi thường cho ông Đặng K 20.000.000đ và nộp cho Cơ quan điều tra 30.000.000đ để bồi thường cho ông K. Bà Lý H không có yêu cầu gì đối với số tiền đã bồi thường và số tiền đã nộp cho Cơ quan điều tra.

Tại phiên tòa, ông K yêu cầu bị cáo V phải bồi thường cho ông 236.956.294đ.

Với nội dung vụ án như trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 59/2016/HSST ngày 15/12/2016, Toà án nhân dân huyện T đã quyết định: Tuyên bố: Bị cáo Phạm V phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Áp dụng: Khoản 3 Điều 104, Điểm b, p khoản 1 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009; điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.

Xử phạt: Phạm V 04 (Bốn) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành án, được trừ đi thời gian tạm giam từ ngày 21 tháng 7 năm 2016 đến ngày 17 tháng 10 năm 2016.

Áp dụng: Điều 42 Bộ luật hình sự; Điều 609, khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự, buộc bị cáo Phạm V phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho ông Đặng K tổng cộng là 79.510.615đ. Xác nhận gia đình bị cáo V đã bồi thường cho ông K 20.000.000đ và nộp cho cơ quan điều tra 30.000.000đ, Cơ quan điều tra đã chuyển số tiền trên đến cơ quan thi hành án dân sự huyện T theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 08 tháng 11 năm 2016 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện T với Chi cục thi hành án dân sự huyện T. Bị cáo V còn phải bồi thường tiếp cho ông K 29.510.615đ, làm tròn 29.510.000đ (Hai mươi chín triệu năm trăm mười nghìn đồng).

Ngoài ra bản án còn tuyên về xử lý vật chứng của vụ án, tuyên án phí và tuyên quyền kháng cáo theo qui định của pháp luật.

Ngày 26/12/2016, bị hại Đặng K có đơn kháng cáo đề nghị Toà phúc thẩm xem xét đánh giá lại hành vi dùng gạch là hung khí nguy hiểm để gây thương tích cho ông Đặng K. Vì nếu theo như mô tả trong bản án thì Phạm V gây ra hậu quả do lỗi vô ý; Đề nghị xem xét, giải quyết những vấn đề thiệt hại thực tế trong việc chi phí thuốc men và điều trị cho ông K sau khi được xuất viện và chi phí thuốc men trong thời gian nạn nhân nằm điều trị trong bệnh viện.

Tại Quyết định số 42/QĐ - VKS - P7 ngày 11/01/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc kháng nghị đề nghị Toà phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng áp dụng khoản 1 Điều 106 BLHS, xét xử bị cáo về tội "cố ý gây thương tích...cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng" và giảm hình phạt đối với bị cáo Phạm V.

Tại phiên tòa phúc thẩm người bị hại vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, xin Hội đồng xét xử xem xét các yêu cầu của người bị hại.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng nghị đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng khoản 1 Điều 136 BLHS 2015; ..... Điểm b khoản 2 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự để sửa án sơ thẩm xét xử bị cáo về tội  "cố ý gây thương tích...cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng".

Luật sư Nguyễn A bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại đề nghị: Trong quá trình điều tra ở cấp sơ thẩm có vi phạm tố tụng như: Không làm rõ có biên bản sự việc ban đầu không, không cho thực nghiệm điều tra, không cho ông K và những người bán thuốc cho ông được đối chất, không làm rõ mâu thuẫn trong lời khai của những người làm chứng... Đề nghị Hội đồng xét xử hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, Luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác,

XÉT THẤY

Về hình thức: Đơn kháng cáo của người bị hại Đặng K, Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc làm trong thời hạn luật định, đơn hợp lệ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận để xem xét giải quyết.

Về nội dung: Tại Cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thâm, phúc thẩm  bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung Bản án sơ thẩm đã tóm tắt nêu trên. Căn cứ vào lời khai nhận tội của bị cáo tại Cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, lời khai của người bị hại trong vụ án, lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và tang vật của vụ án.

Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng: Khoản 3 Điều 104, Điểm b, p khoản 1 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009; điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.

Xử phạt: Phạm V 04 (Bốn) năm tù về tội "cố ý gây thương tích".

Tại Quyết định kháng nghị số 42/QĐ - VKS - P7 ngày 11/01/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nhận định: ...với hành vi nêu trên của ông K thì V có thể dùng lời nói yêu cầu ông K dừng lại hoặc có lựa chọn khác, nhưng V không nói gì, không bỏ chạy...mà khi thấy ông K rút dao ra nhứ đâm nghĩ là ông K sẽ đâm mình để ngăn cản hành vi của ông K nên V đã dùng nửa viên gạch chỉ đang cầm trên tay ném vào đầu ông K để ngăn cản hành vi của ông K như nêu trên rõ ràng là quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Do vậy hành vi của Phạm V đã thoả mãn yếu tố cấu thành tội "Cố ý gây thương tích ... cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng", quy định tại khoản 1 Điều 106 Bộ luật hình sự năm 1999.

Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy: Ông Đặng K trên đường đi cắt dây chuối để buộc cỏ đem theo con dao, khi đi qua cổng nhà V thấy đông người ồn ào thì chửi và nói "Đ. mẹ chúng mày làm gì mà ồn ào thế" V từ tầng 2 xuống đem theo hộp khoan và ½ viên gạch chỉ xuống để ở bậc hè rồi ra cổng đuổi ông K về. Hai người lời qua tiếng lại, V bỏ đi vào trong sân, ông K cầm dao nhứ đâm bị cáo V; bị cáo V cầm viên gạch ném vào đầu ông K làm ông K bị thương tích với tỷ lệ 46%. Lời khai của V khi ông K cầm dao, chửi bới V thừa nhận: "Khi đó ông K đã rút dao ra khỏi vỏ, chưa có hành động đâm chém gì" (BL 177); Việc cháu ngoại của V ôm chân V khi ông K dọa đâm thì: Lời khai của chị Y: cháu ngoại của V đứng ở đằng sau V (BL 214, 215), cũng không ảnh hưởng đến hành động của V vì nếu có thì ngay từ những lời khai ban đầu V phải khai chi tiết này, thế mà lời khai của V từ BL 177 đến BL 183 V không khai, đến BL 184 V mới khai có cháu ngoại ôm chân phải V; Lời khai của V tại BL 204 ở cơ quan điều tra: "Khi K cầm dao tiến lại và nhứ đâm tôi, tôi hoàn toàn có thể hất cháu P ra khỏi chân để chạy nhưng tôi không chạy mà cầm gạch ném thẳng vào đầu ông K". Như vậy ông K chưa hề có hành động tấn công V mà chỉ "nhứ đâm" với khoảng cách 03m đến 04m; hành vi xâm hại của ông K chưa xảy ra mà chỉ trong ý nghĩ của bị cáo V "nghĩ ông K sẽ đâm mình". Mặt khác V còn có nhiều lựa chọn khác như nhận định của kháng nghị mà Viện Kiểm sát đã nêu và như V đã thừa nhận, nhưng V đã dùng gạch ném vào đầu ông K, để lại thương tích ông K mất 46% sức khoẻ. Xét tương quan hành vi của bị cáo V và ông K chưa thỏa mãn cấu thành mặt khách quan của tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 106 Bộ luật hình sự. Do vậy nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát chưa đủ căn cứ.

Toà án cấp sơ thẩm đã căn cứ Khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự để xử V về tội "cố ý gây thương tích" Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy: Người bị hại ông Đặng K tại các lời khai cũng như tại phiên tòa luôn khẳng định khi ông đi đến cổng nhà V, ông gọi V là "anh Nhọ ơi cho em mượn cái khoan", do bực tức gọi tên xấu của V nên bị cáo V dùng viên gạch đập vào đầu ông.  Tại bút lục số 221 đề ngày 14/5/2016 (ngay sau khi vụ việc xảy ra) ông Hà M là người có mặt ở đó làm bản tường trình có đoạn "Sau đó anh K lao vào tay cầm dao đâm về phía anh V một vài nhát nhưng anh V né được và lùi lại phía sau, anh V cầm viên gạch khi đang lắp ăng ten vung tay đập vào mặt của anh K khiến anh K chảy máu và ngã về phía giữa cổng"; tại bút lục số 226 lời khai của anh N là người lắp ăng ten vô tuyến cùng bị cáo V được lập vào 18 giờ 30 phút ngày 14/5/2016 có đoạn:"ông V cầm viên gạch từ tầng hai xuống mở cổng, khi này tôi vẫn làm dây ăng ten, ông V xuống mở cổng ra thì tôi nghe thấy tiếng then mở cổng, tôi ngoảnh mặt ra thì thấy người đàn ông mặc áo vàng ngã ra cổng, có một con dao dài khoảng 35 cm rơi ở gần đó, ông V đứng trong cổng, viên gạch ông V cầm trước đó rơi ở dưới đất, người đàn ông nằm ở dệ cổng chảy nhiều máu ở vùng đầu và cổ bên trái". Các lời khai khác của ông M và anh N lại không xác nhận nội dung trên mà chưa được làm rõ, Tòa án cấp sơ thẩm chưa đánh giá lời khai nào của người làm chứng là thật.

Bút lục số 21 về hiện trường vụ án còn mâu thuẫn: Vị trí (1) nơi ông K bị đánh gây thương tích đến vị trí (2) nơi ông K ngã khoảng cách là 3,8m mà lời khai các nhân chứng: khi ông K bị trúng gạch thì loạng choạng lùi 02 bước thì ngã xuống đường. Vậy ông K lùi 02 bước không thể được 3,8m.

Lời khai của những người làm chứng do luật sư yêu cầu triệu tập: Ông Đặng R là Trưởng ban Mặt trân tổ quốc thôn D, xã Đ; ông Đặng G là anh trai ông K cùng thừa nhận: Sau khi sự việc xẩy ra thì Công an xã Đ đến lập biên bản, trong biên bản có nội dung lúc đó bị cáo V thừa nhận cầm gạch đập vào đầu ông K.

Như vậy Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào lời khai của bị cáo, người làm chứng là chị Lý Y (chưa rõ chị Y đứng ở vị trí nào để quan sát sự việc)... để xử bị cáo về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự là thiếu căn cứ vững chắc.

Từ những nhận định trên Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy: việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được, cần căn cứ điểm c, khoản 2 Điều 248; khoản 1 Điều 250 Bộ luật Tố tụng hình sự hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung, đồng nghĩa với Kháng nghị chuyển tội danh của Vện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Về kháng cáo của người bị hại ông Đặng K: Trong đơn kháng cáo ông không nêu rõ yêu cầu kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm cũng không hướng dẫn cho người kháng cáo làm rõ nội dung kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại nêu rõ nội dung kháng cáo của ông K là: Tòa sơ thẩm xử bị cáo V 04 năm tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là không thỏa đáng; đề nghị Hội đồng xét xử xem lại tội danh của bị cáo và đề nghị xem xét lại thiệt hại thực tế cho ông K trong chi phí điều trị thương tích.

Như nhận xét nêu trên, Hội đồng xét xử xử hủy bản án sơ thẩm nên các yêu cầu của ông K được xem xét Quyết định tại cấp sơ thẩm.

Về ý kiến và đề nghị của Luật sư Nguyễn A với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại tại phiên tòa, những ý kiến không trong nội dung kháng cáo của người bị hại, do vậy ý kiến của Luật sư Hội đồng xét xử sẽ tham khảo.

Do Bản án hình sự sơ thẩm bị hủy, ông K không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

Căn cứ vào điểm c khoản 2 Điều 248; khoản 1, khoản 5 Điều 250 của Bộ luật tố tụng hình sự,

QUYẾT ĐỊNH

Không chấp nhận nội dung Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc: Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số: 59/2016/HSST ngày 15/12/2016 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc. Chuyển Hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc để giải quyết theo thủ tục chung.

Áp dụng Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự; điểm f khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ông Đặng K không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

363
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 43/2017/HS-PT ngày 19/07/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:43/2017/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về