Bản án 423/2019/HS-PT ngày 25/07/2019 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 423/2019/HS-PT NGÀY 25/07/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 25 tháng 7 năm 2019, tại trụ sở, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 217/2019/TLPT-HS ngày 02 tháng 5 năm 2019 đối với bị cáo Phạm Sỹ Hoài N do có kháng cáo của bị cáo Phạm Sỹ Hoài N đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 72/2019/HS-ST ngày 21/03/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị cáo kháng cáo:

Phm Sỹ Hoài N; giới tính: nam; sinh ngày 28 tháng 10 năm 1983 tại Thành phố Hồ Chí Minh; thường trú: 350/4 (32/1 và 32/1A số cũ), tổ 5, đường Nguyễn Văn L, Phường 16, quận R, Thành phố Hồ Chí Minh; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: nguyên công an quận A; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; con ông: Phạm Sĩ N1 và bà: Phạm Thị L1; hoàn cảnh gia đình: bị chưa có vợ, con; tiền án: không; tiền sự: không; bị bắt, tạm giam ngày: 28/12/2017 (trước đó, bị bắt, tạm giam ngày 07/11/2014, đến ngày 13/02/2015 thay thế biện pháp ngăn chặn sang cấm đi khỏi nơi cư trú) (có mặt).

(Trong vụ án còn có các bị cáo Phạm Thanh Kim BC1, Trần Đức BC2 có kháng cáo nhưng đã rút kháng cáo; các bị cáo Nguyễn Minh BC3, Ngô Thành BC4, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo nên Tòa án không triệu tập đến phiên tòa.)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 21 giờ 30 phút ngày 25/6/2014, tổ tuần tra Đội cảnh sát giao thông - Công an quận A gồm: Lê Trường G, Nguyễn Huy G1, Hoàng Văn G2, Nguyễn Nhật G3, Vũ Bá G4, Hồ Thiên G5 và Phạm Sỹ Hoài N (do N làm tổ trưởng) tiến hành tuần tra, kiểm soát trên một số tuyến đường thuộc địa bàn quận A, Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó, dừng và đứng chốt trước Đài tưởng niệm liệt sĩ, tại giao lộ ngã tư đường X và đường X1, Phường 13, quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến 22 giờ 20 phút ngày 25/6/2014, ông Lê Trường G phát hiện thấy ông Nguyễn Văn C (sinh năm 1970) điều khiển xe mô tô biển số 51F5-9249, có biểu hiện sử dụng rượu, bia nên đã ra hiệu dừng xe kiểm tra. Kết quả đo nồng độ cồn của ông C là 0,943/0,4mg/l khí thở (vượt quá quy định), ông G đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện, nhưng ông C không đồng ý ký tên vào biên bản mà còn cự cãi lại. Phạm Sỹ Hoài N đến giải thích và đề nghị ông C chấp hành việc lập biên bản nhưng ông C vẫn tiếp tục cự cãi, la lối và lớn tiếng chửi lại tổ công tác. Khoảng 22 giờ 55 phút, Phạm Sỹ Hoài N điện thoại cho Nguyễn Minh BC3 (là người quen của N, lúc đó đang điều khiển xe môtô chở Nguyễn Quốc R2 đi trên đường R1, Quận 10), yêu cầu BC3 đến ngã tư đường X và đường X1. Nghe điện thoại xong, BC3 gọi điện thoại cho Phạm Thanh Kim BC1 và Trần Đức BC2, yêu cầu đến ngã tư đường X và đường X1, Phường 13, quận A có việc. Bị cáo BC3 dặn bị cáo BC1 gọi thêm người đi cùng. Đồng thời, BC3 và R2 cũng đi đến khu vực ngã tư đường X và đường X1. Khi đến nơi, BC3, R2 gặp BC1 đang đứng chờ. Một lúc sau, Trần Đức BC2 điều khiển xe mô tô biển số 59S1-63356 chở Ngô Thành BC4 đến. Sau đó, BC3 điện thoại cho N hỏi giúp việc gì. N kể sự việc ông C vi phạm giao thông, khi bị lập biên bản nhưng không chịu ký tên mà còn cự cãi, chửi lại tổ tuần tra. N kêu BC3 đánh ông C dằn mặt và đuổi đi để tổ công tác làm việc, nhưng không được để ảnh hưởng tổ Cảnh sát giao thông đang làm việc. N đã mô tả và chỉ đặc điểm hình dáng của ông C (người mặc quần tây, áo sơ mi bỏ trong quần) đứng ngay chỗ đội đang làm việc cho BC3 biết. BC3 nói lại nội dung N nói cho BC1, BC4 và R2 biết, rồi chỉ tay về phía anh Chín. Sau đó, BC3 kêu BC1, BC4, R2 điều khiển xe đến trước nhà sách Nhân Văn trên đường X, đứng chờ BC3 đi bộ về hướng ông C và nói với ông C là đã vi phạm giao thông mà còn cự cãi lại thì không lấy xe ra được đâu, muốn lấy được xe thì đi theo BC3. BC3 dẫn ông C đi về hướng mà BC1, BC4, R2 đang đứng. Đến nơi BC4 xông vào dùng tay phải “đánh chỏ” vào mặt, vùng cằm trái của ông C; BC1 dùng tay phải đấm vào vùng mặt trái của ông C, ông C té ngửa về phía sau xuống đất. BC1 chống tay trái vào vùng ngực của ông C, khom người xuống, dùng tay phải đấm vào vùng dưới sườn, gần hông trái của ông C. R2 tiến đến dùng chân phải đạp vào vùng bụng của ông C. Lúc này có ông Nguyễn Hùng R3 và một số người dân kéo đến can ngăn nên BC3, BC1, BC4, R2 liền bỏ đi.

Đến 23 giờ 32 phút ngày 25/6/2014, BC3 gọi điện thoại báo cho N là đã đánh ông C xong rồi đi về. Khoảng 24 giờ 00 cùng ngày, tổ tuần tra đi về trụ sở thì ông Lê Trường G phát hiện ông C đang ngồi trên lề đường X, gần Đài tưởng niệm liệt sĩ nên đã gọi xe taxi biển kiểm soát 51A-72922 do ông Đỗ Quốc Huy điều khiển và nói đưa ông C về nhà. Trên đường đi, ông C than đau và nói tài xế xe taxi đưa ông C vào bệnh viện Thống nhất cấp cứu. Lúc 04 giờ 05 phút ngày 27/6/2014, ông C tử vong.

 Quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm:

Ngày 01 và 02/7/2014, Phạm Thanh Kim BC1 và Ngô Thành BC4 đến Cơ quan điều tra đầu thú và khai nhận hành vi tham gia đánh ông Nguyễn Văn Ch do Nguyễn Minh BC3 chỉ đạo. Ngày 05/7/2014, Cơ quan điều tra bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Minh BC3; tại Cơ quan điều tra, bị cáo BC3 khai nhận việc chỉ đạo đánh ông C được thực hiện theo yêu cầu của Phạm Sỹ Hoài N. Ngày 06/8/2014, Cơ quan điều tra bắt khẩn cấp đối với Trần Đức BC2; tại Cơ quan điều tra, bị cáo R2 khai nhận hành vi phạm tội như đã nêu. Ngày 11/9/2014, Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Phạm Sỹ Hoài N, đến ngày 07/11/2014, tiến hành bắt tạm giam đối với bị cáo N; tại Cơ quan điều tra, bị cáo N không thừa nhận đã dùng điện thoại gọi cho BC3 đến đánh ông C, chỉ khai nhận đã điện thoại cho BC3 nhờ BC3 đến giúp đỡ để đưa ông C về nhà.

Ti Bản Cáo trạng số 135/CT–P1A ngày 20/3/2015, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã truy tố các bị cáo Phạm Sỹ Hoài N, Nguyễn Minh BC3, Phạm Thanh Kim BC1, Ngô Thành BC4, Trần Đức BC2 về “Tội Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Ti Bản án hình sự sơ thẩm số 363/2016/HSST ngày 23/9/2016, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Phạm Sỹ Hoài N, Nguyễn Minh BC3, Phạm Thanh Kim BC1, Ngô Thành BC4, Trần Đức BC2 phạm “Tội Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm d khoản 1 Điều 48; điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33; Điều 45 của Bộ luật Hình sự (đối với bị cáo N);

Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm n, điểm g, điểm d khoản 1 Điều 48; điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 33; Điều 45; Điều 53 của Bộ luật Hình sự (đối với bị cáo BC3) Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm d khoản 1 Điều 48; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33; Điều 45; Điều 53; Điều 69; Điều 74 của Bộ luật Hình sự (đối với bị cáo BC1);

Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm d khoản 1 Điều 48; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33; Điều 45; Điều 53 của Bộ luật Hình sự (đối với bị cáo BC4);

Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm d khoản 1 Điều 48; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33; Điều 45; Điều 53 của Bộ luật Hình sự (đối với bị cáo R2);

Xử phạt:

1. Phạm Sỹ Hoài N: 12 (mười hai) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt chấp hành án được trừ đi thời gian tạm giam từ ngày 07/11/2014 đến ngày 13/02/2015.

2. Nguyễn Minh BC3: 12 (mười hai) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 05/7/2014.

3. Phạm Thanh Kim BC1 (Ba Ke): 05 (năm) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 01/7/2014.

4. Ngô Thành BC4 (Cún): 09 (chín) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 02/7/2014.

5. Trần Đức BC2: 11 (mười một) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 06/8/2014.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Phạm Sỹ Hoài N kháng cáo với nội dung kêu oan; Nguyễn Minh BC3, Phạm Thanh Kim BC1 và Trần Đức BC2 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; bà Dương Thị J kháng cáo đề nghị làm rõ một số vấn đề mà bản án sơ thẩm chưa làm rõ; Ngô Thành BC4 không kháng cáo.

Ti Bản án hình sự phúc thẩm số 506/2017/HSPT ngày 29/9/2017, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, Phạm Sỹ Hoài N không thừa nhận việc có nhờ và chỉ đạo Nguyễn Minh BC3 cùng các bị cáo khác đánh bị hại, bị cáo cho rằng chỉ nhờ BC3 đến đưa bị hại lên xe taxi về nhà; lời khai của Nguyễn Minh BC3 trước đây và lời khai người biết việc như Nguyễn Quốc R2 và Trần Tấn Anh Q trong quá trình điều tra mâu thuẫn với lời khai của bị cáo N; tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo BC3 cũng thay đổi lời khai, cho rằng Như gọi điện nhờ BC3 đưa ông C về; Kết luận giám định pháp y tử thi số 714/GPTT.14 ngày 19/7/2014 của Trung tâm giám định pháp y Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh còn thể hiện vết thương khác trên cơ thể bị hại là “bầm tụ máu dưới da đầu vùng đỉnh chẩm phải kích thước 4 x 3cm…” trong khi đó bà Trần Thị Thu R4 khai nhìn thấy 02 thanh niên dùng nón bảo hiểm và dùng tay, chân đánh bị hại mà Cơ quan điều tra chưa làm rõ; việc xác định tư cách tham gia tố tụng của đại diện hợp pháp của bị hại do quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm chưa triệu tập lấy lời khai của cha mẹ bị hại (hoặc yêu cầu họ có văn bản ủy quyền). Từ đó, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định: căn cứ khoản 1 Điều 250 của Bộ luật Tố tụng hình sự, hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 363/2016/HSST ngày 23/9/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để điều tra và giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

c văn bản giám định của cơ quan chuyên môn:

Ti Bản Kết luận giám định pháp y tử thi số 714/GPTT.14 ngày 19/7/2014 của Trung tâm giám định pháp y Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đối với ông Nguyễn Văn C (BL 247-249) thể hiện:

1. Chẩn đoán y pháp:

- Các vết sây sát da rải rác tại vùng trước ngực, vùng bụng và vết mổ lâm sàng tại đường giữa bụng.

- Phù phổi cấp với nhiều dị vật là mảnh thực vật trong đường thở gây bít tắc đường thở.

- Tim không dập rách.

- Bầm tụ máu mạc treo ruột, mạc nối, vỡ ruột non đã được khâu.

2. Nguyên nhân chết do: chấn thương bụng kín gây vỡ ruột non – suy hô hấp cấp do sặc chất chứa trong dạ dày. Nguyên nhân chết: vỡ ruột non do chấn thương. Cơ chế chết: sặc thức ăn vào đường thở.

Ngày 09/9/2014, Trung tâm pháp y Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản số 128/TTPY.GT-14 (BL 241) với nội dung:

- Thương tích của ông Nguyễn Văn C sinh năm 1970:

+ Tại vùng đầu mặt không gây tử vong.

+ Tại vùng bụng bị tác động với lực mạnh dẫn đến tử vong.

- Hành vi của BC1 dùng tay đấm vào vùng dưới sườn, hông trái của Chín, R2 dùng chân đá vào hông của Chín gây ra được thương tích dẫn đến tử vong cho ông Nguyễn Văn C.

Ngày 24/8/2015, Trung tâm pháp y thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh có Văn bản số 118.B/TTPY.GT-15 giải thích về nguyên nhân cái chết của bị hại Nguyễn Văn C (BL 788) với nội dung:

Tình trạng sặc thức ăn vào đường thở của Nguyễn Văn C sinh năm 1970 xảy ra trong bệnh viện.

+ Bị hại sau gây mê phẫu thuật do tác dụng phụ của thuốc hay có tình trạng trào ngược dạ dày thực quản hoặc nôn ói do vậy dễ gây ra tình trạng sặc thức ăn vào đường hô hấp.

+ Chúng tôi xác định đó chỉ là cơ chế dẫn đến tử vong. Còn nguyên nhân thực sự là do tình trạng vỡ ruột non nên phải mổ và sau cuộc mổ có gây mê đã xảy ra tình trạng sặc như đã giám định làm bị hại tử vong.

Ti Bản Kết luận giám định pháp y trên hồ sơ số 21/16/GĐHS ngày 12/7/2016 của Phân viện Viện pháp y quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh đối với ông Nguyễn Văn C (BL 1043-1046) thể hiện:

1. Dấu hiệu chính qua giám định:

- Phù phổi cấp, đông đặc hai đáy phổi.

- Bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở đột ngột, hồi sức tích cực không hiệu quả.

- Thủng ruột non đã phẫu thuật khâu nối. Hậu phẫu ổn.

- Nhiều giả mạc quanh các quai ruột. Bầm tụ máu mạc nối lớn, mạc treo ruột, các quai ruột non.

- Bầm tụ máu mạc treo ruột non, các vết chỉ khâu ruột non thủng.

- Dạ dày chứa 200ml thức ăn lỏng.

- Mô bệnh học: phổi phù, sung huyết, chảy máu, lỏng phế quản bị lấp tắc bởi các tế bào biểu mô bong tróc, hồng cầu nhiều mảnh dị vật, và chất dịch không thuần nhất.

2. Kết luận:

- Nguyên nhân và cơ chế tử vong của Nguyễn Văn C là suy hô hấp cấp do dị vật làm tắc đường hô hấp trên bệnh nhân sau mổ khâu thủng ruột non.

- Có thể do tai biến hậu phẫu trào ngược dịch dạ dày và thức ăn vào đường hô hấp dẫn đến tử vong.

Quá trình điều tra lại thể hiện:

Phm Sỹ Hoài N thừa nhận gọi điện thoại cho Nguyễn Minh BC3 nhờ BC3 đến đưa ông C về nhà, không nói BC3 đến đánh dằn mặt ông C.

Nguyễn Minh BC3 thay đổi lời khai, cho rằng Như gọi đến ngã tư đường X và đường X1, Phường 13, quận A có việc, sau đó BC3 gọi điện thoại cho BC1, R2 và BC4 nói đến địa điểm trên; đến nơi gặp Như, Như chỉ về phía ông C đang đứng và nhờ BC3 đưa ông C về, còn việc R2, BC4, BC1 đánh ông C thì BC3 không biết; lý do BC3 thay đổi lời khai so với phiên tòa sơ thẩm là do BC3 nghĩ rằng nếu thừa nhận hành vi phạm tội và khai Như có liên quan thì sẽ được xét xử nhẹ hơn nhưng bản án sơ thẩm xử BC3 quá nặng nên BC3 thay đổi lời khai tại phiên tòa phúc thẩm.

Phm Thanh Kim BC1, Trần Đức BC2 khai do Nguyễn Minh BC3 xúi giục nên cả hai đã thay đổi lời khai tại phiên tòa phúc thẩm; hiện BC1 và R2 giữ nguyên lời khai trước đây với Cơ quan điều tra về việc cùng Ngô Thành BC4 đánh ông C vào tối ngày 25/6/2014 là do Nguyễn Minh BC3 chỉ đạo vì BC3 được Như “nhờ”.

Phm Sỹ Hoài N không nhận việc gọi BC3 để nhờ BC3 đến đánh dằn mặt ông C mà chỉ thừa nhận có gọi BC3 nhờ BC3 đến đưa ông C về nhà.

Đối với việc đối chất giữa Phạm Sỹ Hoài N và Nguyễn Minh BC3, Trần Tấn Anh Q và Nguyễn Quốc R2: kết quả điều tra, xác minh đã xác định Phạm Sỹ Hoài N thông qua Trần Tấn Anh Q hẹn gặp BC3 02 lần, nội dung cuộc gặp, Khoa vẫn giữ nguyên lời khai trước đây; Nguyễn Minh BC3 thay đổi lời khai phù hợp với lời khai của N. Cơ quan điều tra nhận thấy tình tiết này xảy ra sau diễn biến vụ án, chỉ là tình tiết gián tiếp, bổ sung đánh giá ý thức chủ quan để che giấu tội phạm nên không cần thiết phải đối chất.

Người làm chứng Trần Thị Thu R4 khai vào tối 25/6/2014, bà R4 chỉ nhìn thấy các đối tượng đánh bị hại bằng tay chân, không ai dùng hung khí hay nón bảo hiểm, lời khai trước đây của bà với Công an quận A là không chính xác.

Ông Nguyễn Văn BH và bà Trương Thị BH1 (là cha mẹ bị hại) không yêu cầu về trách nhiệm dân sự đối với các bị cáo.

Sau khi điều tra lại, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có bản Cáo trạng số 20/CT-VKS-P2 ngày 10/01/2019 truy tố các bị cáo Phạm Sỹ Hoài N, Nguyễn Minh BC3, Phạm Thanh Kim BC1, Ngô Thành BC4, Trần Đức BC2 về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 72/2019/HS-ST ngày 21/3/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

n cứ vào khoản 3 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009; điểm d khoản 1 Điều 52; điểm b, điểm v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (đối với bị cáo N);

n cứ vào khoản 3 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009; điểm d khoản 1 Điều 52; điểm s, điểm t khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 90; Điều 91; Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (đối với bị cáo BC1);

n cứ vào khoản 3 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009; điểm d khoản 1 Điều 52; điểm s, điểm t khoản 1 Điều 51; Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (đối với bị cáo R2);

Tuyên bố bị cáo Phạm Sỹ Hoài N, Phạm Thanh Kim BC1, Trần Đức BC2 phạm “Tội Cố ý gây thương tích”.

Xử phạt:

- Phạm Sỹ Hoài N: 12 (mười hai) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 28/12/2017 (được trừ đi thời gian tạm giam trước đó là từ ngày 07/11/2014 đến ngày 13/02/2015).

- Phạm Thanh Kim BC1 (Ba Ke): 05 (năm) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 01/7/2014.

- Trần Đức BC2: 11 (mười một) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 06/8/2014.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về tội danh và hình phạt của các bị cáo Nguyễn Minh BC3, Ngô Thành BC4, về xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 03/4/2019, bị cáo Phạm Thanh Kim BC1 (Ba Ke) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 04/4/2019, bị cáo Phạm Sỹ Hoài N kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 05/4/2019, bị cáo Trần Đức BC2 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 21/6/2019, bị cáo Phạm Thanh Kim BC1 (Ba Ke) có đơn xin rút toàn bộ kháng cáo.

Ti Thông báo số 17/2019/TB-TA ngày 24/6/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo về việc rút kháng cáo đối với Phạm Thanh Kim BC1 (Ba Ke).

Ngày 07/5/2019, bị cáo Trần Đức BC2 có đơn xin rút toàn bộ kháng cáo.

Ti Thông báo số 15/2019/TB-TA ngày 18/6/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo về việc rút kháng cáo đối với Trần Đức BC2.

Ti phiên tòa phúc thẩm bị cáo Phạm Sỹ Hoài N kháng cáo kêu oan vì Tòa án cấp sơ thẩm xét xử tội Cố ý gây thương tích là không đúng. Theo đó bị cáo N thừa nhận mình có một phần lỗi khi gọi BC3 tới, bị cáo khẳng định là bị cáo chỉ nhờ BC3 đưa ông C về. Bản thân bị cáo không quen biết và không mâu thuẫn với ông C nên không có động cơ mục đích đánh ông C. Việc các bị cáo khác đánh ông C là theo ý của BC3, bị cáo không làm và không liên quan, do đó cần làm rõ vai trò hành vi của bị cáo. Ngoài ra, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo khi lượng hình.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm: Kháng cáo của bị cáo là trong hạn nên có căn cứ để xem xét theo trình tự theo phúc thẩm. Qua việc phân tích, đánh giá các chứng cứ, xem xét lời khai của bị cáo cũng như người làm chứng đã đủ cơ sở khẳng định bị cáo N chính là người gọi điện thoại nhờ BC3 đánh dằn mặt ông C, N là người chỉ ông C cho BC3 biết, ông C có hành vi nhục mạ N, hậu quả hành vi của N và đồng phạm dẫn đến cái chết của bị hại. Căn cứ vào tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì mức hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo là phù hợp. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Khoảng 21 giờ 30 phút ngày 25/6/2014 tại khu vực trước Đài tưởng niệm liệt sĩ, tại giao lộ ngã tư đường X và đường X1, Phường 13, quận A, Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ cảnh sát giao thông do Phạm Sỹ Hoài N làm Tổ trưởng trong khi làm nhiệm vụ, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông, đã tiến hành lập biên bản đối với ông Nguyễn Văn C do ông C có hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, nhưng ông C không chịu ký biên bản và không đi về mà cự cãi lớn tiếng với Tổ tuần tra nên N đã gọi điện thoại cho Nguyễn Minh BC3 đến, BC3 gọi điện cho Phạm Thanh Kim BC1, Ngô Thành BC4 và Trần Đức BC2 đến. Đến nơi, bị cáo BC3 dùng điện thoại gọi cho bị cáo N hỏi có việc gì, N ra gặp BC3, nói cho BC3 nghe về trường hợp của ông C và nhờ BC3 đánh dằn mặt đuổi ông C về. Sau đó, bị cáo N đuổi ông C ra khỏi nơi tổ công tác làm việc để BC3 tiếp xúc dụ ông C đến gần Nhà sách Nhân Văn trên đường X. Tại đây, các bị cáo dùng tay chân đánh đấm nhiều cái vào người ông C làm ông C bị thủng ruột non đi cấp cứu tại bệnh viện Thống Nhất, được phẫu thuật khâu thủng ruột non và tử vong sau đó.

[2] Tại phiên toà, bị cáo N thừa nhận có gọi điện cho BC3 tới nhưng không thừa nhận việc nhờ BC3 đánh ông C để dằn mặt mà chỉ nhờ BC3 đưa ông C về, việc các bị cáo đánh ông BC3 bị cáo không biết, bị cáo không có mâu thuẫn với ông C và cũng không phải là chủ mưu như bản án sơ thẩm nhận định nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét. Hội đồng xét xử xét thấy: Căn cứ vào lời khai của các bị cáo R2, BC4, BC1 cùng lời khai người làm chứng, các xác nhận của các bị cáo tại Sơ đồ hiện trường, bản Kết luận giám định pháp y tử thi trong diễn biến khách quan của vụ án, lời khai của bị cáo BC3 tại cơ quan điều tra và tại phiên toà sơ thẩm lần đầu đã đủ căn cứ khẳng định: Sau khi ông C không ký vào biên bản vi phạm giao thông và cự cãi với tổ giao thông thì bị cáo N là người đã gọi cho các bị cáo khác tới với mục đích đánh người bị hại để dằn mặt. Nếu không có bị cáo gọi tới và chỉ ông C cho các bị cáo khác thì các bị cáo khác không thể biết và không có hành gây thương tích cho bị hại dẫn tới hậu quả làm cho người bị hại tử vong. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 3 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

[3] Khi lượng hình Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ cho bị cáo N: Bị cáo là Cảnh sát, là người hiểu rõ và thực thi pháp luật nhưng chỉ vì một phút nóng giận bị cáo đã gọi cho các bị cáo khác tới để đánh người bị hại thể hiện thái độ coi thường pháp luật, coi thường sức khoẻ của người khác nên cần áp dụng Điểm d Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự 2015 đối với bị cáo. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm cũng đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt của bị cáo N: Bị cáo đã động viên gia đình hỗ trợ một phần tiền mai táng phí cho gia đình người bị hại, gia đình bị cáo có công với cách mạng, bị cáo có nhiều thành tích trong công tác nên đã áp dụng các điểm b, v Khoản 1, Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự đối với bị cáo và mức án Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt là phù hợp, không nặng.

Ti phiên toà phúc thẩm, bị cáo cũng không trình bày được tình tiết gì mới để Hội đồng xét xử xem xét. Do đó, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[4] Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo N phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

n cứ điểm a khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

1/ Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Sỹ Hoài N và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

2/ Áp dụng khoản 3 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009; điểm d khoản 1 Điều 52; điểm b, điểm v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt Phạm Sỹ Hoài N 12 (mười hai) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời hạn tù tính từ ngày 28/12/2017 (được trừ đi thời gian tạm giam trước đó là từ ngày 07/11/2014 đến ngày 13/02/2015).

Tiếp tục tạm giam bị cáo Phạm Sỹ Hoài N theo Quyết định của Hội đồng xét xử để đảm bảo thi hành án.

3/ Về án phí: Áp dụng Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Buộc bị cáo N phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

4/ Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bn án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

249
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 423/2019/HS-PT ngày 25/07/2019 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:423/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/07/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về