Bản án 42/2018/HNGĐ-ST ngày 27/09/2018 về tranh chấp ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 2, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 42/2018/HNGĐ-ST NGÀY 27/09/2018 VỀ TRANH CHẤP LY HÔN

Vào ngày 27 tháng 9 năm 2018, tại Phòng xử án Tòa án nhân dân Quận 2 Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 508/2017/TLST-HNGĐ ngày 13/12/2017, về việc “Tranh chấp về ly hôn” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 171/2018/QĐXXST-HNGĐ ngày 08 tháng 8 năm 2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 99/2018/QĐST-HNGĐ ngày 29/8/2018, giữa:

1. Nguyên đơn: Bà N, sinh năm 1989 (Xin vắng)

Địa chỉ: đường D, phường P, Quận B, Tp. Hồ Chí Minh.

2. Bị đơn: Ông T, sinh năm 1983 (Vắng mặt)

Địa chỉ đăng ký thường trú: Đường T, phường T, Quận B, Tp. Hồ Chí Minh.

Tạm trú: Bãi xe đường C khu công nghiệp L, phường L, Quận B, Tp.Hồ Chí Minh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Bà N và ông T xác lập quan hệ hôn nhân vào năm 2010 theo Giấy chứng nhận kết hôn số 85/2010, Quyển 01/2009 ngày 16/12/2010 do Ủy ban nhân dân phường P, Quận B cấp. Hai bên chung sống có 01 con chung là T, sinh ngày 22/12/2011.

Bà N yêu cầu được ly hôn với ông T với lý do: Vợ chồng chung sống không hạnh phúc do bất đồng về quan điểm sống, cách ứng xử; vợ chồng không quan tâm, chăm sóc lẫn nhau; tình cảm đối với nhau không còn; Hai bên đã không còn chung sống với nhau từ năm 2016 đến nay. Về tài sản chung: Tự giải quyết. Về con chung: Bà yêu cầu được nuôi dưỡng con chung và không yêu cầu ông Tú cấp dưỡng nuôi con.

Ông T không đồng ý lý hôn vì ông cho rằng mâu thuẫn vợ chồng không đến mức trầm trọng. Việc ông hay uống rượu là do buồn chuyện gia đình. Ông vẫn còn thương yêu vợ còn, vì vậy ông đề nghị được đoàn tụ. Về con chung: Trong trường hợp mà phải ly hôn thì ông yêu cầu được nuôi con và không yêu cầu cấp dưỡng. Về tài sản chung: Không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tòa án đã tiến hành hòa giải đoàn tụ nhưng bà N vẫn cương quyết yêu cầu được ly hôn. Tòa án tiến hành triệu tập hòa giải tiếp tục nhưng ông T không đến Tòa án giải quyết theo giấy triệu tập.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Quận 2 có ý kiến: Tòa án thụ lý vụ án đúng thẩm quyền; xác định đúng quan hệ tranh chấp, đúng tư cách đương

sự; tiến hành đúng thủ tục thu thập chứng cứ, kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; tống đạt văn bản đúng pháp luật; Hội đồng xét xử đúng thành phần, tiến hành thủ tục đúng pháp luật. Tuy nhiên, có vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử. Đương sự chấp hành đúng pháp luật. Xét xử vắng mặt đương sự đúng pháp luật.

Về nội dung: Xét thấy mâu thuẫn giữa bà N và ông T là có thật. Hai bên không còn tình cảm với nhau, không quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau. Việc duy trì đời sống hôn nhân không đem lại hạnh phúc cho hai bên. Do đó, yêu cầu ly hôn của bà N là có cơ sở để chấp nhận.

Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của bà N và giao cho bà N được trực tiếp nuôi dưỡng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, sau khi nghe các bên trình bày, sau khi nghe Viện Kiểm sát nhân dân Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến, Hội đồng xét xử nhận định:

1. Về quan hệ tranh chấp và thủ tục tố tụng:

- Bà N yêu cầu được ly hôn với ông T. Đây là tranh chấp về ly hôn, là loại tranh chấp được quy định tại khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Nguyên đơn và bị đơn là người Việt Nam cư trú tại Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, nên theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền giải quyết.

- Về sự vắng mặt của các đương sự:

+ Đối với nguyên đơn: Bà N có đơn yêu cầu xử vắng mặt nên Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt bà N theo quy định tại khoản 1 Điều 228 bộ luật Tố tụng dân sự.

+ Đối với bị đơn T: Tòa án đã tống đạt hợp lệ Quyết định đưa vụ án ra xét xử, tống đạt giấy triệu tập bằng hình thức niêm yết đối với ông T, triệu tập đến Tòa án để tham dự phiên xét xử vào ngày 29/8/2018 nhưng ông T vắng mặt tại phiên xử ngày 29/8/2018 không lý do. Tòa án ra Quyết định hoãn phiên tòa, ấn định thời gian mở phiên tòa xét xử lần hai là ngày hôm nay, đã tống đạt hợp lệ Quyết định hoãn phiên tòa và giấy triệu tập ông T đến nghe xét xử bằng hình thức niêm yết nhưng ông T vẫn vắng mặt không lý do. Do đó, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt ông T theo quy định tại Điều 227, 228 Bộ luật Tố tụng dân sự.

2. Về nội dung vụ án, xem xét các yêu cầu của các đương sự, Hội đồng xét xử xét thấy như sau:

 [1] Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về điều kiện để giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

 [2] Mặc dù theo kết quả thu thập chứng cứ của Tòa án tại Ủy ban nhân dân phường L thì Ủy ban không rõ việc mâu thuẫn gia đình của bà N, ông T nhưng qua buổi làm việc của Tòa án tại buổi hòa giải ngày 21//3/2018 cho thấy mâu thuẫn gia đình là trầm trọng. Bà N vẫn cương quyết yêu cầu được ly hôn, xác định tình cảm không còn và hiện nay hai bên đã không còn chung sống với nhau (từ năm 2016). Ông T không đưa ra được giải pháp nào để hàn gắn được tình cảm và để xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc.

 [3] Việc ly hôn hay không ly hôn là ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân ông T, nhưng ông T vẫn không xem trọng, không thiện chí mong muốn đoàn tụ, thể hiện qua việc Tòa án tiến hành mời hòa giải đoàn tụ sau khi có buổi hòa giải đoàn tụ không thành nhưng ông T vẫn vắng mặt và tiếp tục vắng mặt tại hai phiên tòa.

 [4] Mục đích xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, cùng chăm lo chocon cái nhưng hai bên đã không thực hiện được.

Xét thấy quan hệ hôn nhân giữa bà N và ông T lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được, là điều kiện để giải quyết cho ly hôn theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Do đó, yêu cầu ly hôn của bà N đối vớiông T là có cơ sở để chấp nhận.

Về con chung: Xét bà N là người có điều kiện tốt nhất nuôi dưỡng con chung và cần duy trì hiện trạng học hành, chỗ ở ổn định của con, nên nghĩ giao cho bà N trực tiếp nuôi dưỡng con chung là hợp lý. Ghi nhận sự tự nguyện của bà N về việc không yêu cầu ông T thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Về tài sản chung: Hai bên không yêu cầu Tòa án giải quyết, nên không giải quyết.

Về nợ chung: Hiện chưa xác định được, khi nào có tranh chấp sẽ được giải quyết bằng vụ kiện khác.

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa hôm nay là có cơ sở và phù hợp pháp luật.

Về án phí: Án phí về việc ly hôn là 300.000 đồng (ba trăm ngàn đồng), bà N phải chịu theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình có hiệu lực từ ngày 01/01/2015;

Căn cứ khoản 1 Điều 28 ; điểm a, khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Căn cứ Pháp lệnh Án phí, Lệ phí Tòa án;

Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án,

1/ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà N về việc ly hôn với với ông T. Cho bà N được ly hôn với ông T.

Quan hệ hôn nhân giữa bà N với ông T được xác lập theo Giấy chứng nhận kết hôn số 85/2010, Quyển 01/2009 ngày 16/12/2010 do Ủy ban nhân dân phường P, Quận B cấp, được chấm dứt.

Giao cho bà N được trực tiếp nuôi dưỡng trẻ T, sinh ngày 22/12/2011.Ghi nhận sự tự nguyện của bà N không yêu cầu ông T thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên.

Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi; có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Người không trưc tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trong nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo qui định tại Điều 82 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức theo qui định của pháp luật, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con và việc cấp dưỡng nuôi con.

- Về tài sản chung: Chưa giải quyết vì đương sự chưa yêu cầu.

- Về nợ chung: Chưa giải quyết vì chưa có yêu cầu. Khi nào có yêu cầu sẽ giải quyết bằng vụ kiện khác.

2/ Về án phí: Án phí dân sự sơ thẩm bà N phải chịu là 300.000 đồng, được trừ vào tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng), mà bà N đã nộp theo Biên lai thu số AE/2014/0008723 ngày 13/12/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 2. Bà N đã nộp đủ án phí dân sự sơ thẩm.

Hai bên đương sự có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

199
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 42/2018/HNGĐ-ST ngày 27/09/2018 về tranh chấp ly hôn

Số hiệu:42/2018/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận 2 (cũ) - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 27/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về