Bản án 41/2021/DS-ST ngày 17/05/2021 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ CAI LẬY, TỈNH TIỀN GIANG

 BẢN ÁN 41/2021/DS-ST NGÀY 17/05/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Trong các ngày 14 và 17 tháng 5 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân thị xã Cai Lậy đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 05/2021/TLST- DS ngày 13 tháng 01 năm 2021 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 51/2021/QĐXXST- DS ngày 22 tháng 4 năm 2021 giữa các đương sự.

Nguyên đơn: Ông A, sinh năm 1952; Địa chỉ: số 101, ấp C, xã C1, thị xã C2, tỉnh Tiền Giang.

Bị đơn: Ông A1, sinh năm 1943; Địa chỉ: tổ 8, ấp C, xã C1, thị xã C2, tỉnh Tiền Giang.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Bà A2, sinh năm 1982; Địa chỉ: tổ 8, ấp C, xã C1, thị xã C2, tỉnh Tiền Giang.

Ông A3, sinh năm 1981; Địa chỉ: ấp D, xã D1, thị xã D2, tỉnh Tiền Giang.

(ông A, ông A1, bà A2, ông A3 có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Tại đơn khởi kiện ngày 28/12/2020, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa nguyên đơn ông A trình bày:

Do ông và ông A1 là chổ quen biết, nên vào ngày 30/3/2018 (DL) nhằm ngày 14/02/2018 (AL) ông có cho ông A1 vay số tiền 150.000.000 đồng, thỏa thuận lãi suất 2%/tháng có ghi trong biên nhận, khi vay tiền thì ông có viết biên nhận ngày 30/3/2018 (dương lịch) nhằm ngày 14/02/2018 (âm lịch) và ông A1 có ký tên vào biên nhận, thời hạn trả tiền là 03 tháng kể từ ngày 30/3/2018. Mục đích vay tiền là để ông A1 trả nợ người khác. Do ông A1 lớn tuổi nên ông có nói ông A1 là phải có con đi cùng. Nên trong biên nhận có chữ ký của chị A2 và anh A3 với tư cách là người chứng kiến việc ông có cho ông A1 vay tiền. Ông A1 là người trực tiếp đến vay tiền của ông, người ông cho vay tiền là ông A1, số tiền 150.000.000 đồng ông giao cho ông A1 nhưng do ông A1 lớn tuổi nên bà A2 trực tiếp nhận tiền và đếm tiền. Nhưng khi đến hạn thì ông A1 không trả lại tiền cho ông. Ông có nhiều lần yêu cầu ông A1 trả tiền nhưng ông A1 hứa nhiều lần nhưng ông A1 không thực hiện. Từ lúc vay đến nay thì ông A1 không có trả cho ông số tiền vốn và chỉ trả được hai tháng tiền lãi là 6.000.000 đồng. Nay ông khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông A1 trả lại cho ông số tiền vốn là 150.000.000 đồng và tiền lãi tính từ ngày 30/3/2018 đến ngày 14/5/2021 với mức lãi suất theo quy định của pháp luật 1,67% là 37 tháng x 1,67%/tháng x 150.000.000 đồng = 92.685.000 đồng, trừ 6.000.000 tiền lãi ông đã nhận, số tiền lãi là 86.685.000 đồng, ông A chỉ yêu cầu ông A1 trả 86.000.000 đồng tiền lãi, ông A tự nguyện bỏ phần lẽ 685.000 đồng của tiền lãi 86.685.000 đồng), tổng cộng số tiền ông yêu cầu ông A1 trả là 236.000.000 đồng (tiền vốn là 150.000.000 đồng và tiền lãi là 86.000.000 đồng), yêu cầu trả một lần sau khi án có hiệu lực pháp luật.

* Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa ông A1 trình bày:

Trước đây con gái của ông là chị A2 và con rễ là anh A3 đến hỏi vay tiền của ông A số tiền 150.000.000 đồng chứ ông không có đến hỏi vay của ông A. Trong biên nhận ngày 30/3/2018 (DL) ông có ký tên vào biên nhận nhưng với tư cách là người chứng kiến việc con gái và con rễ ông có vay tiền của ông A số tiền 150.000.000 đồng. Số tiền vay 150.000.000 đồng do con gái là chị A2 và con rễ là anh A3 nhận, chứ ông không có vay số tiền trên. Mục đích vay tiền của chị A2 và anh A3 là để làm ăn. Lúc ký tên vào biên nhận thì ông không có trực tiếp đọc biên nhận mà do con rễ là anh A3 đọc, ông ký tên thôi nên ký ở chổ người mượn mà không ghi rõ là người chứng kiến. Ngoài biên nhận do ông A cung cấp thì ông không có tài liệu chứng cứ gì khác chứng minh là bà A2 và ông A3 là người vay tiền của ông A chứ không phải là ông vay. Nên nay ông A khởi kiện yêu cầu ông trả số tiền 236.000.000 đồng, ông không đồng ý trả vì ông không có vay. Chị A2 và anh A3 là người vay tiền thì chị A2 và anh A3 có trách nhiệm trả cho ông A.

* Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa bà A2 trình bày:

Bà và chồng bà là ông A3 có hỏi vay tiền của ông A1 số tiền 150.000.000 đồng vào ngày 30/3/2018 (dương lịch). Lúc vay tiền ông A có viết biên nhận, bà và ông A1, ông A3 có ký tên vào biên nhận ngày 30/3/2018 do ông A cung cấp cho Tòa. Ông A1 là cha ruột của bà, ông A3 là chồng của bà. Lúc mượn tiền thì ông A nói phải có ba của bà là ông A1 làm chứng thì ông A mới cho mượn tiền. Ông A1 ký tên vào chỉ với tư cách là người làm chứng chứ không phải người vay tiền là ông A. Lúc vay tiền thì chỉ có ông A, ông A1, ông A3 và bà ở đó thôi, ngoài ra không có ai khác chứng kiến việc vay tiền. Ngoài biên nhận do ông A cung cấp thì bà không có tài liệu chứng cứ gì khác chứng minh bà và ông A3 là người vay tiền của ông A chứ không phải là ông A1. Lúc vay tiền hai bên có thỏa thuận lãi suất 2%/tháng, mỗi tháng trả 3.000.000 đồng tiền lãi, có thỏa thuận thời hạn 03 tháng sẽ trả lại vốn. Từ khi vay đến nay thì bà có trả cho ông A 09 tháng tiền lãi với số tiền tổng cộng là 27.000.000 đồng, ông A3 là người đem tiền lãi xuống cho ông A, bà chưa trả vốn, lúc trả tiền lãi không có làm biên nhận, cũng không có ai chứng kiến, bà cũng không có tài liệu chứng cứ gì chứng minh bà có trả lãi cho ông A. Nay bà đồng ý trả số tiền vốn đã mượn của ông A, nhưng bà chỉ trả phân nữa số tiền là 75.000.000 đồng, ông A3 có trách nhiệm trả phân nữa số tiền đã mượn là 75.000.000 đồng, bà xin không trả lãi. Do bà và ông A3 đã ly hôn, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bà xin trả dần số tiền 75.000.000 đồng, mỗi tháng bà sẽ trả 2.000.000 đồng cho đến khi nào hết số tiền 75.000.000 đồng.

* Tại phiên tòa ông A3 trình bày:

Ông không có mượn tiền của ông A, ông có ký tên vào biên nhận đề ngày 30/3/2018 (dương lịch) do nguyên đơn ông A cung cấp, nhưng ông ký tên chỉ để làm chứng cho việc ông A có cho ông A1 mượn tiền. Vì lúc đó tình cờ ông xuống nhà ông A thì gặp ông A1, bà A2 đã ở nhà ông A rồi, lúc đó ông A nói ông là con rễ của ông A1 nên kêu ông ký tên làm chứng là ông A có cho ông A1 mượn tiền, lúc ký tên ông không đọc nội dung biên nhận chỉ nghe ông A nói sơ qua là có cho ông A1 mượn tiền. Sau khi ông ký tên vào biên nhận thì ông đi ra ngoài bàn ở trước nhà ông A ngồi uống nước, ông có nhìn vô thì thấy ông A đưa tiền cho bà A2 cầm và bà A2 là người đếm tiền, số tiền cụ thể bà A2 cầm là bao nhiêu ông không biết, mục đích mượn tiền của ông A1 để làm gì ông không biết, lúc đó ông cũng có biết hai bên thỏa thuận lãi suất là 2%/tháng, thời hạn 03 tháng sẽ trả lại tiền mượn.

Sau khi đếm tiền xong thì bà A2 chở ông A1 về trước, ông ở lại chơi khoảng 20 phút sau mới về. Khi ông về thì ông đi về nhà mẹ của ông chứ ông không có về nhà bà A2. Số tiền do ông A1 mượn ông không có mượn và không có sử dụng số tiền đó. Trong quá trình ông A1 mượn tiền thì ông không biết ông A1 có trả tiền vốn cho ông A chưa, nhưng bà A2 có đưa cho ông 6.000.000 đồng nói với ông là đem trả 02 tháng tiền lãi cho ông A giùm ông A1, ông có đưa cho ông A số tiền lãi 6.000.000 đồng, lúc đưa thì không có làm biên nhận trả lãi, ngoài ra thì bà A2 không có đưa cho ông số tiền nào nữa để trả lãi cho ông A. Nay nguyên đơn ông A khởi kiện yêu cầu bị đơn ông A1 trả số tiền 236.000.000 đồng, ông không có ý kiến gì vì ông chỉ là người làm chứng việc ông A cho ông A1 mượn tiền.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở lời trình bày của các đương sự, các tài liệu chứng cứ được đưa ra xem xét tại phiên tòa. Trên cơ sở kết quả tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết: Theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn căn cứ Điều 463 Bộ luật dân sự Hội đồng xét xử xác định quan hệ tranh chấp là “Hợp đồng vay tài sản”. Bị đơn đăng ký hộ khẩu thường trú tại ấp Bắc, xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang căn cứ vào khoản 3 Điều 26, Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

[2] Về nội dung: Tại phiên tòa nguyên đơn ông A yêu cầu bị đơn ông A1 trả lại cho ông A1 số tiền 236.000.000 đồng (tiền vốn là 150.000.000 đồng và tiền lãi là 86.000.000 đồng), yêu cầu trả một lần sau khi án có hiệu lực pháp luật.

[3] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Hội đồng xét xử thấy rằng: trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa nguyên đơn ông A trình bày vào ngày 30/3/2018 (dương lịch) ông có cho ông A1 vay 150.000.000 đồng, ông có cung cấp cho tòa án biên nhận về việc mượn tiền đề ngày 30/3/2018 với nội dung “.... nhờ chú Ba: Phan Văn Mường, sinh năm 1952. Ở tổ 4. ấp Bắc. xã Tân Phú. TX Cai Lậy .T.TG CMND số 310609201 cấp ngày 17.11.2015. mượn cho gia đình ông Phan Văn Thiệp số tiền 150.000.000 đ (Một trăm năm mươi triệu đồng) Trả lãi 2% (hai phần trăm mỗi tháng), mượn từ ngày nhận đến ngày trả là 3 tháng. Nếu gia đình tôi không hoàn thành theo hợp đồng mượn tiền trên, gia đình tôi chịu trách nhiệm mọi sự chậm trể....” có thể hiện chữ ký của ông A1 ở phần người mượn tiền, nhưng trong biên nhận ở phần người mượn tiền thì ngoài chữ ký của ông A1 thì còn có chữ ký của bà A2 và ông A3. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, ông A1 trình bày chỉ ký tên với tư cách người chứng kiến việc ông A cho bà A2 và ông A3 mượn tiền chứ ông không có mượn tiền của ông A; bà A2 trình bày bà và ông A3 là người vay tiền của ông A, ông A1 là người chứng kiến việc vay tiền của bà và ông A3 thôi chứ ông A1 không có mượn tiền của ông A; ông A3 trình bày ông ký tên vào biên nhận chỉ với tư cách người làm chứng việc ông A có cho ông A1 mượn tiền chứ ông không có mượn tiền của ông A. Tại phiên tòa hôm nay, ngoài biên nhận đề ngày 30/3/2018 do nguyên đơn ông A cung cấp thì ông A1 không có tài liệu chứng cứ chứng minh ông không phải là người mượn tiền mà chỉ là người chứng kiến; bà A2 cũng không có tài liệu chứng cứ chứng minh là số tiền 150.000.000 đồng chỉ do bà và ông A3 mượn, ông A1 chỉ là người chứng kiến;

ông A3 cũng không có tài liệu chứng cứ chứng minh là ông không phải là người mượn tiền mà chỉ là người làm chứng việc ông A cho ông A3 mượn tiền. Mặc khác, nội dung biên nhận ngày 30/3/2018 thể hiện việc ông A1, bà A2 và ông A3 cùng mượn số tiền 150.000.000 đồng; ông A1, bà A2 và ông A3 cũng thừa nhận có ký tên vào biên nhận. Vì vậy, lời trình bày của ông A1 về việc ông không phải người mượn tiền mà chỉ là người chứng kiến là không có cơ sở để Hội đồng xét xử xem xét. Căn cứ vào nội dung của biên nhận ngày 30/3/2018 có cơ sở xác định ông A1, bà A2, ông A3 cùng mượn của ông A số tiền 150.000.000 đồng. Biên nhận thể hiện do ông A1, bà A2, ông A3 cùng mượn nên chia trách nhiệm mỗi người trả cho nguyên đơn một phần ba số tiền 150.000.000 đồng, nguyên đơn ông A chỉ yêu cầu ông A1 trả số tiền 150.000.000 đồng là không có cơ sở chấp nhận. Do đó, hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn ông A1 trả cho nguyên đơn ông A số tiền 50.000.000 đồng.

[4] Về lãi suất: Nguyên đơn ông A yêu cầu bị đơn ông A1 trả số tiền lãi là 86.000.000 đồng (tính từ ngày 30/3/2018 đến ngày 14/5/2021 với mức lãi suất là 1,67 %/tháng). Bà A2 trình bày trong quá trình vay tiền thì bà có trả cho ông A 09 tháng tiền lãi mỗi tháng trả 3.000.000 đồng với số tiền tổng cộng là 27.000.000 đồng, ông A3 là người đem tiền lãi xuống cho ông A, lúc trả tiền lãi không có làm biên nhận, cũng không có ai chứng kiến, bà cũng không có tài liệu chứng cứ gì chứng minh bà có trả lãi cho ông A. Ông A trình bày từ lúc vay đến nay thì ông chỉ nhận được có hai tháng tiền lãi tổng cộng là 6.000.000 đồng. Tại phiên tòa ông A3 cũng trình bày bà A có đưa cho ông 6.000.000 đồng để trả tiền lãi cho ông A. Do đó, lời trình bày của bà A2 có trả tiền lãi cho ông A với số tiền 27.000.000 đồng không có cơ sở để hội đồng xét xử xem xét. Tại phiên tòa nguyên đơn yêu cầu bị đơn ông A1 trả tiền lãi với mức lãi suất là 1,67%/tháng là phù hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự, ông A yêu cầu ông A1 trả lãi tính từ ngày 30/3/2018 đến ngày 14/5/2021 làm tròn là 37 tháng, ông đồng ý trừ số tiền lãi mà ông nhận là 6.000.000 đồng vào phần tiền lãi ông yêu cầu ông A1 trả. Do đó, lãi suất ông A1 phải trả cho ông A là: 50.000.000 đồng x 37 tháng x 1,67%/tháng = 30.895.000 đồng, trừ một phần ba số tiền lãi nguyên đơn đã nhận đối với phần tiền lãi của ông A1 là 2.000.000 đồng nên số tiền lãi ông A1 phải trả cho nguyên đơn ông A là 30.895.000 đồng – 2.000.000 đồng = 28.895.000 đồng.

[5] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông A, buộc bị đơn ông A1 trả cho nguyên đơn ông A số tiền tổng cộng là 78.895.000 đồng (trong đó tiền vốn 50.000.000 đồng và tiền lãi là 28.895.000 đồng), không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn ông A trả số tiền vốn gốc 100.000.0000 đồng và tiền lãi 57.105.000 đồng.

[6] Về thời hạn trả nợ: Do các bên đương sự tại phiên tòa hôm nay không thỏa thuận được thời gian trả nợ nên về phương thức trả, thời gian trả số tiền 78.895.000 đồng do các bên thỏa thuận tại giai đoạn thi hành án.

[7] Về án phí: Do chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với số tiền 78.895.000 đồng, nên bị đơn ông A1 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền 78.895.000 đồng. Đối với phần yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận thì nguyên đơn phải chịu án phí DSST đối với số tiền 157.105.000 đồng không được chấp nhận. Căn cứ Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án. Số tiền án phí nguyên đơn ông A phải chịu là 157.105.000 đồng x 5% = 7.855.000 đồng. Số tiền án phí bị đơn ông A1 phải chịu là 78.895.000 đồng x 5% = 3.945.000 đồng. Nhưng do ông A hiện tại 69 tuổi và ông A1 hiện tại 78 tuổi, theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Toà án và Điều 2 Luật người cao tuổi, nên ông A và ông A1 được miễn toàn bộ tiền án phí.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ Điều 147, Điều 271, Điều 272, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự - Căn cứ Điều 463, Điều 466, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự;

- Căn cứ Điều 12, Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án;

- Điều 2 Luật người cao tuổi.

Tuyên xử

1. Về dân sự:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông A.

Buộc bị đơn ông A1 có nghĩa vụ trả cho ông A số tiền là 78.895.000 đồng (tiền vốn 50.000.000 đồng và tiền lãi là 28.895.000 đồng).

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông A về việc yêu cầu bị đơn ông A1 trả số tiền 157.105.000 đồng (tiền vốn 100.000.000 đồng và tiền lãi 57.105.000 đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

2. Về án phí:

Bị đơn ông A1 hiện tại 78 tuổi, theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Toà án và Điều 2 Luật người cao tuổi, nên ông A1 được miễn toàn bộ tiền án phí.

Nguyên đơn ông A hiện tại 69 tuổi, theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Toà án và Điều 2 Luật người cao tuổi, nên ông A được miễn toàn bộ tiền án phí.

3. Về quyền kháng cáo:

Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Án tuyên vào lúc 08 giờ 30 phút, ngày 17 tháng 5 năm 2021. Ông A, ông A1, bà A2 có mặt, ông A3 vắng mặt không lý do

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

174
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 41/2021/DS-ST ngày 17/05/2021 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:41/2021/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Cai Lậy - Tiền Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 17/05/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về