Bản án 41/2019/HS-ST ngày 19/11/2019 về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ

A ÁN NHÂN DÂN HUYỆN K, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 41/2019/HS-ST NGÀY 19/11/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Ngày 19 tháng 11 năm 2019 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện K, thành phố Hải Phòng xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 45/2019/TLST-HS ngày 24 tháng 10 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 44/2019/QĐXXST-HS ngày 08 tháng 11 năm 2019 đối với bị cáo:

Phạm Duy T, sinh ngày 16 tháng 7 năm 2002 tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Thôn P, xã T, huyện K, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Học sinh; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn Đ, sinh năm 1975 và bà Vũ Thị H, sinh năm 1977; Tiền án, tiền sự: Không; bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt.

Người đại diện hợp pháp cho bị cáo: Anh Phạm Văn Đ, sinh năm 1975; nơi cư trú: Thôn P, xã T, huyện K, thành phố Hải Phòng (là bố đẻ), có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo: Bà Đặng Thị Minh L, sinh năm 1983, Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp lý Nhà nước thành phố Hải Phòng, có mặt.

Bị hại:

- Bà Phạm Thị M, sinh năm 1958; địa chỉ: Thôn U, xã T, huyện K, thành phố Hải Phòng, vắng mặt (có đơn xin xét xử vắng mặt).

Đi diện trường Trung học phổ thông T: Ông Ngô Văn T1, Bí thư Đoàn trường Trung học phổ thông T (giấy ủy quyền ngày 18/11/2019 của Trường Trung học phổ thông T), có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khong 05 giờ ngày 28/5/2019, bà Vũ Thị H nhờ Phạm Duy T đi giao thịt bò giúp ở xã T. T (không có giấy phép lái xe theo quy định) thấy xe mô tô nhãn hiệu Honda Lead BKS 15F1-086.53 của gia đình dựng ở lán sân có chìa khóa xe đang cắm ở ổ khóa nên tự ý lấy xe điều khiển đi từ nhà tại thôn P, xã T, huyện K đến xã T, huyện K; khi đi đến khu vực đoạn đường vòng gần nghĩa trang xã D, huyện K, Phạm Duy T đang điều khiển xe đi lấn sang phần đường bên trái thì phát hiện phía trước ngược chiều cách khoảng 06m có bà Phạm Thị M, sinh năm: 1958, ở U, xã T, huyện K đang điều khiển xe đạp đi ngược chiều sát mép đường bên phải theo chiều đi của bà M. T bấm còi, đánh lái sang phải để tránh nhưng do khoảng cách gần và đi nhanh nên không xử lý kịp làm càng bên trái đầu xe môtô của T đã đâm vào bánh trước bên trái xe đạp của bà M. Hậu quả bà M và T bị thương được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện K, xe môtô, xe đạp bị hư hỏng nhẹ.

Kết quả khám nghiệm hiện trường, dựng lại hiện trường xác định: Đường 406 nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông, rộng 04m được trải bê tông nhựa phẳng, bên cạnh là mương thoát nước được xây bằng xi măng bê tông. Xung quanh hiện trường không có hệ thống biển báo giao thông đường bộ, không có vật cản cố định che khuất tầm nhìn, không có hệ thống đèn điện chiếu sáng. Lấy mép bên phải bờ thành mương nước thủy lợi hướng ra đường 406 làm điểm mốc. Trục bánh trước của xe đạp trùng với điểm mốc. Chọn mép đường bên phải hướng từ xã T đi xã D làm chuẩn. Hiện trường có 01 xe mô tô BKS 15F1- 086.53, 01 xe đạp, 01 vết xước và 01 chiếc làn nhựa.

Xe mô tô BKS 15F1- 086.53: đổ nghiêng bên phải, đầu xe quay hướng xã T. Khoảng cách từ trục bánh trước xe vào mép đường là 0,8m; từ trục bánh sau xe vào mép đường là 1,55m.

Xe đạp: đổ nghiêng bên phải, đầu xe quay hướng mương nước thủy lợi. Trục bánh trước xe đạp nằm tại mép đường làm chuẩn; khoảng cách từ trục bánh sau xe đạp ra mép đường là 0,8m; từ trục bánh trước xe đạp đến trục bánh sau xe mô tô BKS 15F1-086.53 là 8,4m.

Vết xước: dài 12,65m màu trắng xám, đứt đoạn hướng từ xã D đi xã T. Khoảng cách từ đầu vết xước vào mép đường là 1,2m, cuối vết xước nằm tại bên phải chân chống giữa xe mô tô BKS 15F1- 086.53; khoảng cách từ cuối vết xước vào mép đường là 1,5m… Kết quả khám phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông xác định: Xe mô tô 15F1- 086.53: Đèn chiếu sáng vỡ gập, bung bật khỏi vị trí ban đầu. Mặt trước ốp nhựa cánh yếm bên trái và đèn xi nhan bên trái vỡ mất. Phần mặt nạ bên trái vỡ, bề mặt trượt xước kích thước (30x0)cm, hướng từ trước về sau, từ dưới lên trên. Mặt trước dưới ngoài càng giảm xóc bên trái bánh trước trượt mài kích thước (01x0,5)cm, hướng từ trước về sau. Lốp bánh trước, bánh sau còn hơi, phanh trước phanh sau còn hiệu lực… Xe đạp mi ni màu sơn xanh: Giỏ xe bằng kim loại màu đen phía trước, trên ghế ngồi phía sau đặt 01 tấm xốp kích thước (59x45x04)cm, trên mặt tấm xốp đặt thùng xốp kích thước (59x44x39)cm. Tay lái gẫy rời khỏi đầu trục điều khiển, dây phanh bên phải trượt khỏi tay phanh. Mặt dưới bên trái giỏ xe bẹp méo không rõ hình, kích thước (27x25)cm, hướng từ trước về sau, từ dưới lên trên. Giá đỡ giỏ xe bên trái cong cách ốc hãm trục bánh trước bên trái 33cm. Vành bánh trước cong vặn; điểm gần nhất cách chữ S là 04 cm trên dòng chữ “Sao Vàng” má lốp bên trái bánh trước, vành bên trái có dấu vết hằn kích thước (02x1,5)cm, dấu vết có hướng từ trước về sau. Lốp bánh trước, bánh sau còn hơi, phanh trước, phanh sau không còn hiệu lực… Kết luận giám định pháp y về thương tích số 250 ngày 12/7/2019 của Trung tâm pháp y Hải Phòng kết luận: bà Phạm Thị M bị đa chấn thương. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do chấn thương bụng kín đã được phẫu thuật cắt lách toàn bộ, cắt một phần mạc nối khâu cầm máu gây nên là 48%. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do tổn thương đụng dập nhu mô não gây nên là 31%. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do khuyết xương vùng trán thái dương đỉnh trái đáy chắc gây nên là 28%. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do gãy 1/3 dưới hai xương cẳng tay trái gây nên là 16%. Tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do các thương tích trên gây nên theo phương pháp cộng lùi và làm tròn số là 78%.

Kết luận giám định pháp y về thương tích số 251 ngày 28/6/2019 của Trung tâm pháp y Hải Phòng kết luận: Phạm Duy T bị tổn thương cơ thể do vết thương mi trên mắt trái và cung màu mắt phải gây nên là 03%. Tổn thương nội sọ, vỡ thành xoang hàm trái, gãy cung tiếp xương gò má trái, cánh nhỏ xương bướm trái chưa ổn định nên chưa đánh giá chính xác được tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể.

Ngày 05/8/2019 Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện K ra Quyết định trưng cầu giám định bổ sung số 04 đối với thương tích của Phạm Duy T, tuy nhiên Phạm Duy T từ chối đi giám định bổ sung và không yêu cầu đề nghị gì về thương tích của mình.

Tại bản cáo trạng số 44/CT-VKS-KT ngày 23 tháng 10 năm 2019 Viện kiểm sát nhân dân huyện K, thành phố Hải Phòng đã truy tố Phạm Văn T về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo điểm a khoản 2 Điều 260 của Bộ luật Hình sự. Trong vụ án này, Phạm Duy T tự ý lấy xe mô tô BKS 15F1-086.53 tham gia giao thông đường bộ, không hỏi ý kiến của ông Phạm Văn Đ là bố đẻ và bà Vũ Thị H, sinh năm: 1977, trú tại thôn P, xã T, huyện K là mẹ đẻ. Ông Phạm Văn Đ và bà Vũ Thị H đều không biết việc T lấy xe mô tô tham gia giao thông nên không có căn cứ xử lý.

- Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa: Giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo Phạm Văn T về tội danh và điều luật áp dụng như nội dung bản cáo trạng. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 2 Điều 260; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 65; Điều 91; Điều 101 của Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo từ 18 - 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 36 - 48 tháng; không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo và buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Về dân sự: Người bị hại đã nhận bồi thường đầy đủ, không có yêu cầu bồi thường nào khác nên đề nghị hội đồng xét xử không xem xét.

- Ý kiến của người bào chữa cho bị cáo: Bà Đặng Thị Minh L – Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hải Phòng nêu quan điểm: Bà không tranh luận với đại diện Viện kiểm sát về tội danh cũng như về điều luật mà đại diện Viện kiểm sát đã truy tố đối với bị cáo. Bà đề nghị hội đồng xét xử xem xét một số vấn đề sau:

+ Về tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo: Bị cáo gây tai nạn làm người bị hại giảm 78% sức lao động, khởi điểm của khung hình phạt là 61%, như vậy thương tích của người bị hại do bị cáo gây ra cao hơn không nhiều so với khởi điểm của khung hình phạt và hiện nay người bị hại cũng đã bình phục sức khỏe nên đề nghị hội đồng xét xử xem xét tình tiết này cho bị cáo.

+ Việc bị cáo điều khiển phương tiện tham gia giao thông ngoài lỗi bị cáo không có giấy phép lái xe theo quy định thì bị cáo cũng đã tuân thủ các quy định khác như điều khiển xe có đội mũ bảo hiểm, bấm còi, giảm tốc độ…nên đề nghị hội đồng xét xử đánh giá ý thức của bị cáo khi tham gia giao thông là tốt còn việc để xảy ra tai nạn là ngoài ý muốn.

+ Về việc đại diện Viện kiểm sát kết luận bị cáo vi phạm lỗi không giảm tốc độ đến mức an toàn thì cũng đề nghị hội đồng xét xử xem xét vì việc bị cáo có giảm tốc độ hay không phải có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn mặc dù tại phiên tòa và trong quá trình điều tra bị cáo khai khi phát hiện thấy người bị hại đi ngược chiều thì bị cáo có giảm tốc độ tuy nhiên do khoảng cách gần và vào đoạn đường cong nên bị cáo T không kịp xử lý dẫn đến gây tai nạn cho người bị hại.

+ Đề nghị hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo như đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị. Do bị cáo có hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự nên đề nghị hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự để áp dụng mức hình phạt thấp hơn của khung hình phạt bị cáo bị xét xử, đồng thời bị cáo đang là học sinh, có ý kiến đề nghị xem xét của nhà trường nên đề nghị hội đồng xét xử xử bị cáo mức án thấp hơn mức đại diện Viện kiểm sát đề nghị tại phiên tòa.

- Ý kiến của người đại diện hợp pháp cho bị cáo: Ông Phạm Văn Đ là bố đẻ của bị cáo đề nghị hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo được cải tạo ngoài xã hội để bị cáo học tập, tu dưỡng trở thành người công dân có ích cho xã hội.

- Ý kiến của người bị hại: Người bị hại là bà Phạm Thị M vắng mặt tại phiên tòa nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt thể hiện người bị hại đã nhận bồi thường đầy đủ, không còn yêu cầu nào khác đồng thời đề nghị hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo được cải tạo ngoài xã hội.

- Ý kiến của đại diện trường Trung học phổ thông T: Ông Ngô Văn T1 có ý kiến: Hiện Phạm Duy T đang là học sinh học lớp 12A3 của trường Trung học phổ thông T, trong quá trình học tập tại trường T luôn thể hiện là người có hạnh kiểm tốt, chấp hành mọi nội quy, quy chế của nhà trường. Sự việc xảy ra rất đáng tiếc nhưng T cũng đã hết sức ăn năn hỗi cải, do vậy đề nghị hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và tạo điểu kiện cho bị cáo được cải tạo ngoài xã hội. Nhà trường sẽ kết hợp cùng gia đình, địa phương để quản lý, giám sát và giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách để bị cáo trở thành người công dân có ích cho xã hội.

- Ý kiến của bị cáo Phạm Văn T: Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội và tội danh như Viện kiểm sát nhân dân huyện K đã truy tố là đúng; bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo được cải tạo ngoài xã hội.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện K, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện K, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng là hợp pháp.

[2] Về tội danh và điều luật Viện kiểm sát nhân dân huyện K truy tố đối với bị cáo: Tại phiên tòa bị cáo Phạm Văn T khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nội dung bản cáo trạng. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của người bị hại, phù hợp với lời khai của người làm chứng, phù hợp với vật chứng thu giữ cùng các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra và công bố công khai tại phiên toà thể hiện: Khoảng 05 giờ ngày 28/5/2019 Phạm Duy T đã tự ý điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Honda Lead BKS 15F1-086.53 đi từ thôn P, xã T, huyện K đến xã T, huyện K đã không tuân thủ các quy định của Luật giao thông đường bộ như vi phạm về việc điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe; không tuân thủ quy định về độ tuổi của người lái xe; không đi đúng phần đường quy định; tránh xe đi ngược chiều không đúng quy định; không đảm bảo về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới khi tham gia giao thông đường bộ nên đã gây tai nạn làm người bị hại là bà Phạm Thị M bị thương tích giảm 78% sức lao động. Như vậy hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự. Không chấp nhận quan điểm bào chữa của bà Trợ giúp viên pháp lý cho rằng bị cáo không vi phạm lỗi không giảm tốc độ vì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn khi có chướng ngại vật.

[3] Về tình tiết định khung hình phạt: Bị cáo điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong khi không có giấy phép lái xe theo quy định và gây tai nạn hậu quả là người bị hại là bà Phạm Thị M giảm 78% sức lao động nên bị cáo bị xét xử theo điểm a khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự như kết luận của đại diện Viện kiểm sát là có căn cứ, đúng pháp luật.

[4] Về tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với bị cáo:

Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không vi phạm các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Sau khi phạm tội, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải, nhân thân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự. Bị cáo đã tự nguyện tác động gia đình khắc phục hậu quả và bồi thường cho người bị hại, người bị hại không có yêu cầu gì khác đồng thời đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đó là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự cần áp dụng cho bị cáo để xem xét khi quyết định hình phạt.

Xét hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm vào những quy định của nhà nước về an toàn giao thông đường bộ nhằm đảm bảo an toàn giao thông vận tải, đảm bảo cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ được thông suốt, được tiến hành bình thường qua đó bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của công dân, bảo vệ tài sản của nhà nước, của các tổ chức và tài sản của công dân. Do vậy cần có mức hình phạt tương xứng với nhân thân, tính chất và mức độ phạm tội của bị cáo mới có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung. Tuy nhiên hội đồng xét xử xét thấy bị cáo phạm tội với lỗi vô ý, có nơi cư trú rõ ràng và đang được cơ quan pháp luật cho tại ngoại, trong thời gian tại ngoại bị cáo không phạm tội nào khác. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đồng thời bị cáo có đơn đề nghị bảo lãnh của trường học nơi bị cáo đang tham gia học tập và gia đình bị cáo đề nghị cho bị cáo được cải tạo ngoài xã hội để có cơ hội cải tạo tốt trở thành người công dân có ích cho xã hội có xác nhận của chính quyền địa phương. Mặt khác bị cáo Phạm Văn T khi phạm tội mới 16 tuổi 10 tháng 12 ngày nên áp dụng Điều 91, Điều 101 Bộ luật Hình sự để giảm cho bị cáo T một phần hình phạt và xem xét khoan hồng cho bị cáo, áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự cho bị cáo cải tạo ngoài xã hội thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta với người chưa thành niên phạm tội cũng là tạo điều kiện để bị cáo học tập, tu dưỡng tốt trở thành người công dân lương thiện.

[5] Về dân sự: Người bị hại là bà Phạm Thị M đã được bồi thường đầy đủ và không có yêu cầu nào khác nên hội đồng xét xử không xem xét.

[6] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật nhưng do bị cáo còn đang trong độ tuổi vị thành niên nên án phí của bị cáo do người đại diện hợp pháp nộp thay.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 260; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 65; Điều 91; Điều 101 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Văn T 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, thời gian thử thách 36 tháng tính từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo Phạm Văn T cho Trường trung học phổ thông T và Ủy ban nhân dân xã T, huyện K, thành phố Hải Phòng giám sát giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong trường hợp bị cáo Phạm Văn T thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

* Về án phí: Áp dụng Điều 135 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTV-QH14 ngày 30/12/2016 của Quốc hội, bị cáo Phạm Văn T phải nộp 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm, án phí của bị cáo Phạm Văn Thắng do người đại diện hợp pháp nộp thay.

* Về quyền kháng cáo bản án: Bị cáo, người đại diện hợp pháp cho bị cáo, người bào chữa cho bị cáo có mặt tại phiên toà có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Người bị hại vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản sao bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

185
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 41/2019/HS-ST ngày 19/11/2019 về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ

Số hiệu:41/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Kiến An - Hải Phòng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về