Bản án 411/2020/DS-PT ngày 03/12/2020 về tranh chấp đòi tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

BẢN ÁN 411/2020/DS-PT NGÀY 03/12/2020 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI TÀI SẢN 

Vào ngày 03 tháng 12 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Long An mở phiên toà để xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 425/2020/TLPT-DS ngày 12 tháng 10 năm 2020 về việc “tranh chấp đòi tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 37/2020/DS-ST ngày 11/8/2020 của Toà án nhân dân huyện Thạnh Hóa bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 477/2020/QĐ-PT ngày 10 tháng 11 năm 2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 310/2020/QĐ-PT ngày 23 tháng 11 năm 2020, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Đặng Thị H, sinh năm 1993.

Địa chỉ: Ấp 4, xã TH, huyện TH, tỉnh LA.

Bị đơn: Bà Phạm Thị M, sinh năm 1978.

Địa chỉ: Số 054 ấp 4, xã TH, huyện TH, tỉnh LA.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Ngô Tấn Thành - Văn phòng luật sư Minh Tấn, thuộc Đoàn luật sư tỉnh LA.

Người kháng cáo: Bà Phạm Thị M. (Bà H, bà M, Luật su Thành có mặt tại phiên tòa)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 22/6/2020, trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, nguyên đơn Đặng Thị H trình bày: Vào khoảng ngày 15/10/2019, bà Đặng Thị H gửi bà Phạm Thị M số tiền 200.000.000 đồng, mục đích để hùn tiền mua đất. Hai bên không thỏa thuận lãi suất, không làm giấy tờ biên nhận, nói khi nào cần thì bà H lấy lại, không hẹn thời gian trả. Tuy nhiên, do không thỏa thuận được việc mua đất nên bà H yêu cầu đòi lại tiền. Bà M đã trả cho bà H được 100.000.000 đồng, còn nợ 100.000.000 đồng chưa trả, cụ thể:

- Lần 1: Trước Tết Nguyên đán năm 2020, bà H đến nhà bà M lấy 10.000.000 đồng, nhận tiền tại nhà bà M.

- Lần 2: Tháng 3/2020, bà M đưa tiếp 40.000.000 đồng, nhận tiền tại nhà bà M.

- Lần 3: Ngày 15/5/2020, em gái bà H là bà Đặng Ngọc Diễm có mượn bà M 50.000.000 đồng trước đó (tháng 12/2019) nên mang tiền 50.000.000 đồng đến nhà bà M trả thì bà M cấn trừ qua tiền của bà H 50.000.000 đồng, bà H đồng ý.

Trước đó, khi vay số tiền 50.000.000 đồng của bà M, bà Diễm phải trả lãi 2.500.000 đồng/tháng. Đến tháng 3/2020, bà M, bà Diễm, bà H thống nhất, bà Diễm không phải trả lãi cho bà M mà mỗi tháng, bà Diễm trả cho bà H 2.000.000 đồng để phụ bà H trả tiền lãi ngân hàng (thực chất là trả lãi thay cho bà M đối với số tiền bà M còn thiếu bà H). Sau khi bà Diễm trả hết số nợ gốc 50.000.000 đồng cho bà H thì bà M không trả thêm lãi và gốc 100.000.000 đồng còn lại cho bà M.

Nay bà H yêu cầu bà M trả 100.000.000 đồng, không yêu cầu tính lãi.

Tại bản tự khai ngày 03/7/2020, trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, bị đơn hạm Thị M trình bày: Bà thừa nhận ngày 15/10/2019 bà có nhận của bà H 200.000.000 đồng để cất giùm vì nhà bà có két sắt, bà M không vay mượn của bà H. Bà đã trả đủ cho bà H 200.000.000 đồng, cụ thể như sau:

- Lần 1: Bà H ra nhà bà M lấy 100.000.000 đồng (giao tại nhà bà M, không nhớ ngày, không ai chứng kiến), bà H nói là bỏ vào thẻ ATM để đóng tiền học nghề thẩm mỹ.

- Lần 2: Bà M vào nhà bà H chơi, bà H lấy 10.000.000 đồng, trả tiền tại nhà bà H.

- Lần 3: Bà H và ông Hậu (bạn trai bà H) ra nhà bà M chơi lấy thêm 40.000.000 đồng, có ông Hậu chứng kiến.

- Lần 4: Ngày 15/5/2020, em ruột bà H là Đặng Ngọc Diễm mang số tiền 50.000.000 đồng vay của bà M trước đó, đến nhà bà M trả nên bà M cấn trừ qua tiền của bà H.

Tổng cộng bà H đã nhận lại đủ 200.000.000 đồng, trong đó 03 lần nhận trực tiếp và 01 lần cấn trừ tiền với bà Diễm. Các lần giao nhận tiền, hai bên không làm giấy tờ.

Khi vay tiền của bà M, mỗi tháng bà Đặng Ngọc Diễm đóng lãi 2.500.000 đồng nên bà H, bà M và bà Diễm thống nhất cấn trừ tiền lãi. Mỗi tháng bà Diễm trả cho bà H số tiền lãi 2.000.000 đồng, tức là bà M trả cho bà H 2.000.000 đồng tiền lãi của 50.000.000 đồng mà bà M còn giữ của bà H. Tổng cộng số tiền bà Diễm trả cho bà H thay bà M là 3 tháng, từ tháng 3 đến tháng 5/2020, số tiền lãi là 6.000.000 đồng.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 37/2020/DS-ST ngày 11/8/2020 Tòa án nhân dân huyện Thạnh Hóa đã căn cứ vào Điều 26, 35, 39, 92 và Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 466, 469, 357 của Bộ luật dân sự; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 năm 2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

2. Buộc bà bà Phạm Thị M trả cho bà Đặng Thị H 100.000.000 (một trăm triệu đồng) xuất phát từ hợp đồng vay tài sản.

Trong trường hợp người phải thi hành án chậm trả thì còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Mức lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự.

3. Về án phí: Bà Phạm Thị M có nghĩa vụ nộp 5.000.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm sung công quỹ nhà nước. Bà Đặng Thị H không phải nộp án phí. Hoàn trả 2.500.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp tại lai thu 0003360 ngày 29/6/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thạnh Hóa.

Ngoài ra, án còn tuyên về quyền kháng cáo; quyền, nghĩa vụ của các bên ở giai đoạn thi hành án.

Bản án chưa có hiệu lực pháp luật.

Ngày 13/8/2020, bà Phạm Thị M kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, không đồng ý trả cho bà Đặng Thị H số tiền 100.000.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bên không thỏa thuận được với nhau, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, bị đơn không rút yêu cầu kháng cáo và các đương sự tranh luận như sau:

- Luật sư Ngô Tấn Thành tranh luận bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn Phạm Thị M như sau: Bà Phạm Thị M có nhận cùa bà Đặng Thị H số tiền 200.000.000 đồng để hùn mua đất tại tỉnh Bến Tre nhưng sau đó các bên không thực hiện được nên bà H yêu cầu bà M trả lại số tiền này để đi học nghề tại Thành phố Hồ Chí Minh. Việc gửi tiền giữ các bên không có biên nhận. Sau 15 ngày kể từ ngày gửi tiền, bà H đòi lại. Lúc này, bà M không có tiền mặt tại nhà vì đã trả tiền đất hết tiền (bà M hành nghề mua bán bất động sản) nên có điện thoại hỏi mượn của bà Bùi Thị Ngọc Lộc số tiền 100.000.000 đồng vào ngày 28/10 đến ngày 30/10/2019 thì trả cho bà H có sự chứng kiến của bà Nguyễn Thị Tư. Việc gửi tiền ngày 15 đến ngày 30/10/2019 lấy lại là có căn cứ khi các bên không thực hiện việc hùn nhận chuyển nhượng đất. Bà M hành nghề mua bán bất động sản, trong quá trình giao dịch cũng không có biên nhận nên việc trả tiền cho bà H cũng không có biên nhận là phù hợp; đồng thời bà M là dì ruột của bà H không có lý do để bà M hẹp hòi với bà H. Theo thông tin nguyên đơn cung cấp thì hiện nay bà H đã ly hôn và có bạn trai hay ăn chơi, đá gà, tiền bạc chủ yếu là do mẹ ruột bà H giữ. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bà M, cải sửa toàn bộ án sơ thẩm theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của bà H.

- Bà Đặng Thị H tranh luận: Việc tôi có bạn trai như thế nào là chuyện riêng tư, không liên quan đến vụ án. Trước đây tại phiên tòa sơ thẩm, bà M nói là bà gửi tiền để thực hiện việc vay mượn nay lại trình bày là hùn tiền để nhận chuyển nhượng đất là không trung thực.

- Bà Phạm Thị M tranh luận: Việc bà H gửi tiền cho bà không có lập giấy tờ gì, nếu bà là người không trung thực thì ngay từ đầu bà đã trình bày là không có giữ tiền của bà H. Do đó, việc bà đã trả lại toàn bộ số tiền cho bà H là sự thật có bà Bùi Thị Ngọc Lộc và bà Nguyễn Thị Tư làm chứng như Luật sư trình bày.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An phát biểu:

- Về pháp luật tố tụng: Cấp phúc thẩm thực hiện đúng pháp luật về tố tụng từ khi thụ lý vụ án đến khi đưa ra xét xử. Tại phiên tòa, Thẩm phán, Thư ký và Hội đồng xét xử thực hiện đúng theo tố tụng. Các bên đương sự thực hiện đầy đủ quyền nghĩa vụ của mình. Kháng cáo hợp lệ đủ điều kiện để xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

- Về nội dung kháng cáo:

Các đương sự trình bày thống nhất: bà Đặng Thị H có gửi bà Phạm Thị M số tiền 200.000.000đ; bà H có nhận lại một lần 10.000.000đ, một lần 40.000.000đ và một lần 50.000.000đ nên đây là tình tiết không cần phải chứng minh.

Riêng số tiền 100.000.000đ bà M cho rằng bà H nhận lại vào lần đầu tiên, quá trình giải quyết tại Tòa án ấp sơ thẩm, bà M trình bày số tiền này bà M giao cho bà H tại nhà bà, không nhớ ngày và cũng không có ai chứng kiến; quá trình giải quyết ở cấp phúc thẩm bà M trình bày trả tiền vào ngày 30/10/2018, việc trả số tiền này có nhân chứng là bà Nguyễn Thị Tư và bà Bùi Thị Ngọc Lộc biết (bà Lộc là người cho bà H mượn 100.000.000đ, bà Tư là người chứng kiến bà M đưa tiền cho bà H – có cung cấp giấy xác nhận của bà Lộc và bà Tư).

Lời trình bày của bà M trước sau không thống nhất, ở Tòa án cấp sơ thẩm, trong suốt quá trình giải quyết vụ án và tại biên bản phiên tòa bà M đều trình bày việc trả 100.000.000đ cho bà H không ai biết không ai chứng kiến và bà cũng không nhớ ngày. Do đó, xét về chứng cứ thì xác nhận của bà Lộc và bà Tư chưa đủ cơ sở chứng minh bà M đã giao cho bà H số tiền 100.000.000đ nên như bản án sơ thẩm đã tuyên xử là phù hợp. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Phạm Thị M; giữ nguyên bản án sơ thẩm theo quy định khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

1. Về thủ tục tố tụng:

[1.1] Bà Phạm Thị M kháng cáo hợp lệ, đúng thủ tục tố tụng nên được chấp nhận xem xét lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

[1.2] Về quan hệ tranh chấp, các bên đều thừa nhận rằng bà H gửi cho bà M số tiền 200.000.000 đồng để cùng nhau nhận chuyển nhượng quyền sử dụng nhưng không thực hiện được. Sau đó, bà H đòi lại số tiền này từ bà M và hai bên xảy ra tranh chấp. Như vậy, đây là quan hệ đòi tài sản, không phải quan hệ vay tài sản như án sơ thẩm xác định.

[2 Về nội dung tranh chấp:

[2.1] Nguyên đơn và bị đơn đều thống nhất việc bà Phạm Thị M nhận từ bà Đặng Thị H số tiền 200.000.000 đồng; đồng thời hai bên đương sự cũng thống nhất rằng bà M đã trả cho bà H 03 lần bao gồm lần 10.000.000 đồng, lần 40.000.000 đồng, lần 50.000.000 đồng nên đây là chứng cứ không cần chứng minh.

[2.2] Bà Phạm Thị M cho rằng đã trả cho bà Đặng Thị H một lần với số tiền 100.000.000 đồng vào ngày 30/10/2019 tại nhà bà M có bà Nguyễn Thị T chứng kiến. Tại Giấy xác nhận ngày 24/11/2020, bà Nguyễn Thị T thể hiện “vào khoảng 14 giờ 30 phút ngày 30/10/2019 tôi đến nhà bà M chơi, bà M đang nằm trong phòng ngủ coi tivi. Nên bà M kêu tôi vào phòng ngủ của bà M để nói chuyện, cùng lúc này bà H đến, nên bà M cũng kêu bà H vào trong phòng ngủ của bà M. Cả 3 người cùng ngồi trên giường ngủ của bà M. Bà H nói bà M cho bà H lấy lại tiền gởi 100.000.000 đồng để bà bỏ vào thẻ để đi học nghề làm “móng” tại thành phố. Nên bà M mở két lấy tiền đưa cho bà H. Tôi nhìn thấy bà M đã đưa loại tiền (giấy 200.000đ). 1 cây là 200 tờ. Bà H nhận tiền không đếm lại mà bỏ cây tiền vào giỏ xách đeo trước ngực và ra về”. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 11/8/2020 của Tòa án cấp sơ thẩm thể hiện hỏi bà M rằng: “Hỏi: Bà có nhớ rõ lần đầu trả 100.000.000 đồng vào thời gian nào và có ai chứng kiến không? Đáp: Tôi không nhớ rõ thời gian đưa tiền, chỉ nhớ là tôi giữ khoảng nữa tháng thì bà H ra lấy và cũng không ai chứng kiến”. Như vậy, lời làm chứng của bà Nguyễn Thị Tư là không đúng sự thật.

[2.3] Tại Giấy xác nhận ngày 24/11/2020, bà Bùi Thị Ngọc L trình bày “vào ngày 28/10/2019 chị M có ĐT cho tôi hỏi tôi còn tiền không, tôi mới hỏi có gì không chị M. Chị M nói con H nó gửi tiền cho tao ma hai ngày nữa nó đi học nghề ở Sài Gòn nó lấy tiền nên chị lo chưa kịp, Lộc cho chị mượn đi vài ngày chị trả lại nên tiền tôi chuẩn bị trồng thanh long tôi chưa dùng tới nên cho nên cho chị M mượn 100.000.000 đồng giấy 200.000đ”. Đây là lời trình bày của riêng bà Lộc, không phù hợp với các chứng cứ có trong hồ sơ và trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm cũng như tại bản tự khai ngày 03/7/2020, bà M chưa lần nào đề cập đến nguồn tiền trả cho bà H 100.000.000 đồng là mượn từ bà Lộc. Do đó, việc bà M cho rằng mượn tiền của bà Lộc 100.000.000 đồng dùng để trả cho bà H là không cơ sở.

Từ đó thấy rằng kháng cáo của bà M và lời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Luật sư cho rằng bà M đã trả cho bà H số tiền 100.000.000 đồng là không có cơ sở chấp nhận; lời đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là có căn cứ chấp nhận.

[3] Về án phí sơ thẩm: Như nhận định ở trên, đây là quan hệ đòi tài sản nên cần áp dụng khoản 1 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội để tính án phí không có giá ngạch. Do đó, cần sửa án sơ thẩm về án phí.

[4] Về án phí phúc thẩm: Bà Phạm Thị M phải chịu theo quy định tại Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

[5] Những nội dung khác của quyết định án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng Khoản 1 Điều 308, Điều 293 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà Phạm Thị M.

Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 37/2020/DS-ST ngày 11/8/2020 Tòa án nhân dân huyện Thạnh Hóa đã căn cứ vào Điều 26, 35, 39, 92 và Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 466, 469, 357 của Bộ luật dân sự; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 năm 2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

[1] Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

[2] Buộc bà bà Phạm Thị M trả cho bà Đặng Thị H 100.000.000 (một trăm triệu đồng) xuất phát từ hợp đồng vay tài sản.

Trong trường hợp người phải thi hành án chậm trả thì còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Mức lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự.

[3] Về án phí dân sự sơ thẩm: Buộc bà Phạm Thị M phải chịu 300.000 đồng sung vào công quỹ nhà nước.

Hoàn trả cho bà Đặng Thị H 2.500.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp tại lai thu 0003360 ngày 29/6/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thạnh Hóa.

[4 Án phí dân sự phúc thẩm: Buộc bà Phạm Thị M phải chịu 300.000 đồng nhưng được khấu trừ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 đồng mà bà M đã tạm nộp theo biên lai thu số 0003396 ngày 13/8/2020 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Thạnh Hòa, tỉnh Long An.

[5] Án xử công khai phúc thẩm có hiệu lực pháp luật thi hành ngay sau khi tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

268
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 411/2020/DS-PT ngày 03/12/2020 về tranh chấp đòi tài sản

Số hiệu:411/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Long An
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 03/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về