Bản án 40/2019/HSST ngày 25/07/2019 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 40/2019/HSST NGÀY 25/07/2019 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 25 tháng 7 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 37/2019/HSST ngày 31 tháng 5 năm 2019 đối với bị cáo:

Họ và tên: Y T Niê - Sinh năm 1999 tại tỉnh Đắk Lắk; nơi ĐKNKTT và nơi ở trước khi phạm tội: Buôn TS, xã ED, huyện EK, tỉnh Đắk Lắk; dân tộc: Ê đê; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 2/12; con ông Y J Mlô (đã chết) và bà H’ N Niê (đã chết). Bị cáo chưa có vợ con; tiền án: Không; tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 26 tháng 01 năm 2019, hiện bị cáo đang bị tạm giam, có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo theo yêu cầu của Tòa án: Luật sư Vũ Thị Kim T – Văn phòng luật sư LHL thuộc đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk;

Địa chỉ: 74/4 đường HHT, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; có mặt.

- Người bị hại: Bà N Niê, sinh năm 1972 (đã chết).

- Người đại diện hợp pháp của người bị hại B Niê:

1. Bà H’N1 Niê (mẹ của người bị hại), sinh năm 1944;

2. Chị H’N2 Niê (con của người bị hại), sinh năm 1993;

3. Chị H’H Niê (con của người bị hại), sinh năm 1996;

4. Anh Y Đ Niê (con của người bị hại), sinh năm 2001;

Cùng trú tại: Buôn TS, xã ED, huyện EK, tỉnh Đắk Lắk;

Người đại diện theo ủy quyền của bà H’N1 Niê, chị H’N2 Niê, anh Y Đ Niê: Chị H’H Niê; trú tại: Buôn TS, xã ED, huyện EK, tỉnh Đắk Lắk (theo văn bản ủy quyền ngày 21/2/2019), có mặt.

- Người phiên dịch: Ông YTB; trú tại: Buôn J, xã ET, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Bị cáo Y T Niê, bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Bà H’N Niê (sinh năm 1972) là người bị khuyết tật về thần kinh, tâm thần mức độ nặng sống cùng con trai là Y T Niê (sinh năm 1999) tại buôn TS, xã EĐ, huyện EK, tỉnh Đắk Lắk trong cuộc sống hàng ngày bà H’ N Niê thường hay chửi bới, la hét. Khoảng 22 giờ ngày 24/01/2019 Y T Niê đi chơi về lúc này bà H’N Niê đang nằm trong phòng liên tục chửi bới la hét làm Y T không ngủ được. Bực tức vì bà H’N Niê gây ồn ào không ngủ được nên Y T Niê dậy đi qua phòng ngủ bên cạnh lấy 01 sợi dây thắt lưng dài 116cm, rộng 3,5cm đầu có gắn khuyên kim loại kích thước (5x6)cm rồi đi qua phòng của bà H’N Niê nằm. Khi đi vào phòng Y T Niê cầm ở đoạn giữa dây thắt lưng đánh liên tục nhiều cái vào người bà H’N Niê, sau đó Y T Niê dùng quẹt ga bật lửa để có ánh sáng xác định vị trí bà H’N Niê đang nằm sau khi đánh.

Sau khi bật lửa nhìn thấy bà H’N Niê đang nằm ngửa thì Y T Niê đến dùng tay sờ đầu, dùng thắt lưng quấn quanh cổ bà H’N Niê. Y T Niê dùng hai tay kéo hai đầu dây thắt lưng để siết cổ bà H’N Niê. Trong lúc đang siết cổ phần đầu khuyên dây thắt lưng bằng kim loại đứt rời ra khỏi dây thắt lưng. Y T Niê bỏ phần đầu khuyên này xuống và dùng hai tay nắm hai đầu dây thắt lưng tiếp tục siết cổ bà H’N Niê cho đến khi bà H’N Niê không còn cử động thì dừng lại. Sau khi kiểm tra phát hiện bà H’N Niê đã chết Y T Niê đi qua nhà bà ngoại là H’N1 Niê trú cùng buôn thông báo việc đã giết mẹ minh rồi đi qua nhà Y K Mlô ở cùng buôn ngủ, sau khi nghe Y T Niê thông báo nhưng bà H’N1 nghĩ Y T Niê nói đùa nên cũng đi ngủ.

Đến khoảng 06 giờ 00 ngày 25/01/2019, bà H’N1 Niê đi qua nhà Y T Niê thì phát hiện bà H’N Niê đã chết nên báo chính quyền địa phương. Đến 14 giờ cùng ngày Y T Niê ra đầu thú tại Công an huyện EK và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Tại kết luận pháp y tử thi số 104/GĐPY ngày 24/02/2019 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk kết luận: Nguyên nhân tử vong của bà H’N Niê là ngạt thở cấp dẫn đến suy hô hấp không phục hồi. Vật tác động và cơ chế hình thành thương tích: Vật chắc (mềm) dài lớn hơn hoặc bằng 20cm, rộng lớn hơn hoặc bằng 3,2cm hướng từ trước ra sau.

Tại bản kết luận giám định pháp y qua hồ sơ số 360/GĐPY ngày 10/5/2019 của Phòng kỹ thuật hình sư Công an tỉnh Đắk Lắk kết luận: Phần vết thương mới gò má phải có 01 vết sây sát da kích thước (1,5 x 0,7) cm; môi trên trái có 01 vết sây sát da kích thước (0,3x0,2) cm, đều có hướng từ trước ra sau; cằm có 01 vết sây sát da kích thước (2x1) cm hướng từ dưới lên, từ trái sang phải; vùng thắt lưng và hông có vết sây sát da trên diện tích (10x20) cm, có đặc điểm sây sát da rải rác, xước da, đứng dọc, từ dưới lên trên. Các vết thương trên không rõ vật tác động. Mặt ngoài 1/3 giữa cánh tay trái có 01 vết bầm tím (5x3) cm do vật cứng, tày tác động từ trái sang phải.

Tại bản cáo trạng số: 37/CT-VKS-P2 ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk truy tố bị cáo Y T Niê, về tội “Giết người” theo điểm đ, n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.

Tại phiên tòa, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung bản cáo trạng mà Viện kiểm sát đã truy tố bị cáo. Bị cáo khai nhận bà H’N sống với bị cáo, hàng ngày bị cáo phải làm thuê nuôi mình và nuôi mẹ. Do mẹ của bị cáo bị bệnh thần kinh đã lâu, thường xuyên uống rượu, chửi bới, la hét bị cáo. Do đó ngày 24/01/2019, khi đi chơi về bị cáo muốn đi ngủ do ban ngày đi làm mệt, nhưng mẹ bị cáo chửi, bị cáo không ngủ được, bị cáo không làm chủ được mình đã dùng dây thắt lưng quấn vào cổ mẹ bị cáo và dùng hai tay kéo hai đầu dây thắt lưng siết cổ cho đến khi mẹ bị cáo chết.

Tại phiên tòa, đại diện hợp pháp của người bị hại, đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của gia đình người bị hại khai: Bà H’N có mẹ là H’N1 Niê và có bốn người con gồm: H’N2 Niê, H’Hong Niê, Y Đạt Niê và Y T Niê. Hiện nay bà Bà H’N sống với Y T Niê. Do mẹ bị bệnh thần kinh, khuyết tật đã lâu, thường xuyên uống rượu, chửi bới, la hét bị cáo Y T Niê, làm cho bị cáo Y T Niê chán nản. Hàng ngày Y T Niê phải làm thuê kiếm sống và nuôi mẹ, do bị mẹ chửi nên Y T Niê đã không làm chủ bản và giết mẹ. Hiện nay Y T Niê không có tài sản riêng. Do đó đại diện hợp pháp của gia đình không yêu cầu Y T Niê phải bồi thường bất kỳ khoản gì cho gia đình người bị hại. Về trách nhiệm hình sự, bị cáo Y T Niê vì bồng bột nên đã giết mẹ, bản thân Y T Niê cũng rất vất vả, hối hận về việc mình đã làm. Do đó đại diện hợp pháp của người bị hại xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho Y T Niê.

Tại phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát đã đưa ra các chứng cứ buộc tội, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả đối với hành vi phạm tội của bị cáo, đồng thời giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo về tội giết người theo điểm đ, n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự, như bản cáo trạng số: 37/CT-VKS-P2 ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố bị cáo Y T Niê phạm tội: “Giết người”;

+ Áp dụng điểm đ, n khoản 1 Điều 123; điểm p khoản 1 khoản 2 Điều 51; điểm e, k khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Y T Niê từ 19 năm đến 20 năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam, ngày 26 tháng 01 năm 2019.

Về xử lý vật chứng: Tịch thu tiêu hủy 01 dây thắt lưng màu nâu đen dài 116cm, rộng 3,5cm; 01 đầu khuyên kim loại có kích thước (5x6) cm (Có đặc điểm như biên bản giao nhận vật chứng ngày 31/5/2019 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk với Cục thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk).

Về trách nhiệm dân sự: Đại diện hợp pháp của người bị hại, đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của gia đình người bị hại không yêu cầu bị cáo bồi thường về trách nhiệm dân sự, nên không xem xét, giải quyết.

Luật sư bào chữa cho bị cáo là bà Vũ Thị Kim T, trình bày: Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đưa vụ án ra xét xử đối với các bị cáo Y T Niê về tội giết người theo điểm đ, n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội. Đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để tuyên phạt bị cáo mức án phù hợp với quy định của pháp luật.

Bị cáo nhất trí với lời bào chữa của Luật sư không trình bày, tranh luận gì thêm.

Đại diện hợp pháp của người bị hại, đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của gia đình người bị hại không yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Bị cáo trình bày lời nói sau cùng: Bị cáo thấy mình làm là sai, do bức xú không làm chủ bản thân vì bị mẹ hàng ngày la hét chửi bới, nên bị cáo đã phạm tội. Bị cáo rất hối hận. Nay bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của bị cáo, người bào chữa cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Xét về thủ tục tố tụng: Các quyết định của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại không có ý kiến hoặc khiếu nại hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đều hợp pháp.

[2] Về nội dung: Xét lời khai của bị cáo tại phiên tòa, phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của người làm chứng, phù hợp với bản kết luận pháp y, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ căn cứ pháp lý kết luận: Khoảng 22 giờ ngày 24/01/2019, khi đi chơi về thấy bà H’N Niê chửi bới, la hét làm cho Y T Niê không ngủ được, nên Y T Niê đã dậy đi sang phòng bên cạnh lấy 01 dây thắt lưng dài 116cm, rộng 3,5cm, đầu có gắn khuyên kim loại rồi đi sang phòng bà H’N đang nằm. Khi sang đến nơi Y T dùng dây thắt lưng đánh nhiều cái vào người bà H’N, sau đó quấn sợi dây thắt lưng vào cổ bà H’N và dùng hai tay nắm hai đầu dây thắt lưng tiếp tục siết cổ bà H’N Niê cho đến khi bà H’N Niê tử vong. Bị cáo thực hiện hành vi giết mẹ của mình, do đó bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự

Hành vi nêu trên của bị cáo Y T Niê đã phạm vào tội “Giết người” theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tại Điều luật nêu trên quy định:

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

đ) Giết ... mẹ của mình;

…”

[2.1] Xét tính chất vụ án do bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, không những đã xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng của người bị hại được pháp luật bảo vệ, mà còn gây mất trật tự trị an ở địa phương, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục của xã hội. Bị cáo nhận thức được tính mạng của con người được pháp luật bảo vệ, mọi hành vi trái pháp luật xâm hại đến đều bị trừng trị thích đáng và bị xử lý nghiêm minh. Song, do ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác bị cáo đã cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, cần áp dụng đối với bị cáo mức hình phạt nghiêm khắc, cách ly bị cáo ra ngoài đời sống xã hội một thời gian dài, nhằm trừng trị người phạm tội, đồng thời để bị cáo có thời gian cải tạo, rèn luyện mình trở thành người công dân tốt, có ý thức chấp hành pháp luật. Mặt khác, phát huy tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, trên toàn xã hội nói chung.

[3]. Về nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

[3.1]. Về nhân thân: Bị cáo là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự.

[3.2]. Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bà H’N Niê là người bị tâm thần, khuyết tật nặng, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, do đó bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm k khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự: “phạm tội đối với người khuyết tật nặng”.

[3.3]. Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Nhận thấy trong quá trình điều tra vụ án cũng như tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, có thái độ ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Bị cáo là người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn thấp nên nhận thức pháp luật có phần bị hạn chế, điều kiện gia đình bị cáo hiện đang gặp khó khăn, bị cáo đã nhất thời phạm tội. Tại phiên tòa đại diện theo ủy quyền của gia đình người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bị cáo có nhân thân tốt chưa có tiền án, tiền sự. Đây là các tình tiết hưởng các tình tiết giảm nhẹ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, mà Hội đồng xét xử cần cân nhắc, xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo khi quyết định hình phạt.

[4]. Xét quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa:

Tại bản cáo trạng cũng như quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết tăng nặng định khung quy định tại các điểm đ, n khoản 1 Điều 123; áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm e, k khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự đối với bị cáo, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Đối với tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự:

Nhận thấy, bố bị cáo mất sớm, bị cáo phải ở với mẹ và chị, điều kiện gia đình bị cáo gặp khó khăn, sau khi chị gái đi lấy chồng và đi làm ăn xa, bị cáo phải tự lao động kiếm sống, nuôi và chăm sóc mẹ bị bệnh. Người bị hại bị bệnh tâm thần, khuyết tật đã lâu, thường xuyên uống rượu, la hét, chửi bới không làm chủ được mình. Do đó bị cáo bị ức chế, đè nén về tinh thần trong khoảng thời gian dài, không có người san sẻ bớt khó khăn. Trong lúc đêm khuya, bị hại la hét, chửi bới, làm cho bị cáo không ngủ được. Bị cáo không làm chủ được bản thân, đã dùng dây thắt lưng, đánh và siết cổ mẹ mình, hậu quả bà H’N Niê tử vong, bị cáo đã nhất thời phạm tội. Do đó hành vi của bị cáo không có tính côn đồ. Viện kiểm sát đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “Có tính chất côn đồ”, quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự là không phù hợp.

Đối với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự;

Theo các tài liệu có trong Hồ sơ vụ án và lời khai của bị cáo tại phiên tòa, xuyên suốt quá trình bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, không có bất kỳ trở ngại khách quan nào để gián đoạn việc bị cáo thực hiện tội phạm. Người bị hại là người bị bệnh thần kinh, khuyết tật nặng, không nhận thức và điều khiển được hành vi, do đó bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật …”, đây là điều kiện để bị cáo thực hiện tội phạm mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Do đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự là không có căn cứ.

Từ phân tích nhận định trên, Hội đồng xét xử áp dụng tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự; tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm k khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự đối với bị cáo. Không chấp nhận đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự đối với bị cáo, như cáo trạng đã truy tố bị cáo và quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa.

Về mức hình phạt, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo từ 19 năm đến 20 năm tù là có căn cứ, cần chấp nhận.

[4] Về xử lý vật chứng: Áp dụng khoản 1, 2 Điều 106 BLTTHS, tịch thu tiêu hủy 01 dây thắt lưng màu nâu đen có đặc điểm như biên bản thu giữ vật chứng lưu tại hồ sơ vụ án.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Đại diện hợp pháp của người bị hại, đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của gia đình người bị hại không yêu cầu bị cáo bồi thường về trách nhiệm dân sự, nên Hội đồng xét xử không xem xét, giải quyết.

[6] Về án phí: Bị cáo Y T Niê phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố: Bị cáo Y T Niê phạm tội “Giết người”.

Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 123; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm k khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017;

Xử phạt bị cáo Y T Niê: 20 (hai mươi) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam (ngày 26/01/2019).

2. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017; khoản 1, 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự; tịch thu tiêu hủy 01 dây thắt lưng màu nâu đen, có đặc điểm như biên bản thu giữ vật chứng lưu tại hồ sơ vụ án.

3. Về trách nhiệm dân sự: Đại diện hợp pháp của người bị hại, đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của gia đình người bị hại không yêu cầu bị cáo bồi thường về trách nhiệm dân sự, nên Hội đồng xét xử không xem xét, giải quyết.

4. Về án phí: Căn cứ vào Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án; Bị cáo Y T Niê phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

5. Về quyền kháng cáo: Bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại, đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của gia đình người bị hại được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

428
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 40/2019/HSST ngày 25/07/2019 về tội giết người

Số hiệu:40/2019/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/07/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về