Bản án 40/2019/HNGĐ-ST ngày 21/10/2019 về ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN HAI BÀ TRƯNG, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 40/2019/HNGĐ-ST NGÀY 21/10/2019 VỀ LY HÔN

Ngày 21 tháng 10 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm công khai vụ án hôn nhân và gia đình thụ lý số 499/2019/TLST-HNGĐ ngày 25 tháng 7 năm 2019 về việc ly hôn, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 113/2019/QĐXXST-HNGĐ ngày 07 tháng 10 năm 2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Anh ĐND, sinh năm 19…. - Có mặt.

Nơi cư trú: Thôn G, xã M, huyện Ư, thành phố Hà Nội.

2. Bị đơn: Chị NTKT, sinh năm 19… - Có mặt.

Nơi ĐKHK thường trú: Số …-C…., tập thể K, phường K, quận Đ, thành phố Hà Nội. Nơi cư trú hiện tại: Số …, ngõ …, phố H, phường B, quận H, thành phố Hà Nội.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại Đơn xin ly hôn ngày 24/5/2019, Bản tự khai ngày 01/8/2019, Biên bản phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Biên bản hòa giải, nguyên đơn là anh ĐND trình bày:

Về quan hệ hôn nhân: Anh và chị NTKT tự nguyện đăng ký kết hôn ngày 22/11/….. tại Ủy ban nhân dân xã M, huyện Ư, thành phố Hà Nội. Khi đó, chị T làm việc ở Hà Nội, còn anh có công việc ở quê. Sau khi cưới, anh chị chung sống cùng gia đình anh khoảng 02 tháng, thì phát sinh mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày, về quan điểm sống, công việc, chỗ ở. Anh chị lên Hà Nội làm nghề kinh doanh tự do, thuê nhà và di chuyển chỗ ở 03 lần, nhưng vẫn tiếp tục mâu thuẫn. Tháng 3/2014, vợ chồng sinh con, nhưng vẫn mâu thuẫn căng thẳng, nhiều lần dẫn tới xô xát và chị T đã làm đơn xin ly hôn, nhưng anh chị tiếp tục chung sống và vẫn mâu thuẫn. Anh đã nhờ bạn bè, gia đình, họ hàng nội ngoại hai bên khuyên bảo, nhưng mâu thuẫn không được giải quyết mà còn trầm trọng hơn. Anh chị đã ly thân từ tháng 4/2017, anh chuyển về quê sinh sống, còn chị Thu vẫn thuê nhà ở tại số …, ngõ …, phố H, phường B, quận H, thành phố Hà Nội. Nay anh xác định tình cảm vợ chồng không còn, mâu thuẫn đã trầm trọng, đời sống chung đã chấm dứt, mục đích hôn nhân không đạt được, nên anh xin ly hôn chị T để ổn định cuộc sống.

Về con chung: Anh và chị T có 01 con chung là cháu ĐTH, sinh ngày 27/3/20…, hiện ở với chị T, sức khỏe bình thường. Nay xin ly hôn, anh đồng ý để chị T trực tiếp nuôi dưỡng cháu H kể từ khi ly hôn cho đến khi con đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác. Về cấp dưỡng nuôi con: Anh nhận trách nhiệm cấp dưỡng số tiền 2.000.000 đồng/tháng.

Về tài sản chung: Anh không yêu cầu Tòa án giải quyết. Về nhà ở chung: Anh và chị T không có nhà ở chung, không yêu cầu Tòa án giải quyết. Về nghĩa vụ chung về tài sản: Anh không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tại Bản tự khai ngày 07/9/2019, Biên bản phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Biên bản hòa giải, bị đơn là chị NTKT trình bày:

Về quan hệ hôn nhân: Chị và anh ĐND là bạn học cùng lớp cấp III. Sau khi ra trường 13 năm, anh chị tìm hiểu nhau trong hơn 1 năm và tự nguyện đăng ký kết hôn ngày 22/11/20… tại Ủy ban nhân dân xã M, huyện Ư, thành phố Hà Nội. Khi đó, chị sinh sống tại phường K, quận Đ, còn anh D làm nghề sản xuất giầy da tại xã M, huyện Ư. Sau khi cưới, anh D làm giầy ở quê, chị kinh doanh trên Hà Nội, nên 1 hoặc 2 tuần, vợ chồng gặp nhau 1 lần. Sau khoảng gần 1 năm, do ở quê quá ít việc, anh D lên Hà Nội ở với chị và cùng nhau buôn bán. Mâu thuẫn bắt đầu phát sinh do anh D chưa thạo việc, nhưng không học tập kinh nghiệm của những đi trước, không nghe góp ý của chị, cho rằng làm chồng thì không cần nghe ý kiến của vợ. Mâu thuẫn chồng chất mâu thuẫn, từ sinh hoạt, đối nhân xử thế đến cách chi tiêu tiền bạc… Từ khi chị mang thai, anh chị gần như không còn quan hệ tình cảm, không chia sẻ công việc và về mọi mặt, sống trong một ngôi nhà nhưng không có tiếng cười, bất cứ một câu chuyện gì hễ nói ra chỉ được vài câu là mâu thuẫn và anh D xúc phạm bố, mẹ chị. Tối ngày 05/6/2015, khi con của anh chị được 14 tháng, có mặt mẹ đẻ và con của chị ruột chị, chị góp ý anh D về công việc, anh D đáp lại bằng những từ ngữ đơn giản, nhưng sau đó chửi chị. Chị có nói: “Anh không có gì ngoài câu chửi bậy bạ à, anh về làng Si mà chửi, sống giữa Thủ đô văn minh mà mở miệng ra là chửi bậy”. Anh D đã đánh chị trong khi chị đang bế con, chị chạy bị ngã, hai mẹ con đập đầu xuống đất, cháu bị ngã vỡ xương đá thái dương, chảy máu tai. Sau đó 2 tuần, chị viết đơn xin ly hôn, nhưng anh D không ký, thời gian làm chị nguôi ngoai. Hàng đêm, nhìn con thơ ngủ, chị bị dằn vặt rất nhiều, phải làm gì để con đỡ khổ, được gia đình hai bên vun vén, nên anh chị lại im lặng ở bên nhau. Bề ngoài anh chị vẫn là một gia đình hoàn chỉnh, nhưng trong sâu thẳm chị tự thấy vợ chồng đang thiếu và đang có một lỗ hổng rất lớn, những cái cần và đủ cho một gia đình thật sự, đó là không quan hệ tình cảm, không trung thực tài chính, không chia sẻ buồn vui, không có nụ cười… Đến nay đã gần 7 năm, chị đã cố gắng, chủ động rất nhiều để vun vén, giữ gìn hạnh phúc, nhưng chỉ có một mình chị thì không thể làm được. Chung sống với anh D mấy năm, chị thấy anh D là người không có chính kiến, không có bản lĩnh, không dám làm dám chịu, dễ bị tác động, không biết phân biệt đúng sai, tốt xấu, anh không nhìn về tương lai. Cụ thể: Tháng 3/2017, bố mẹ chồng và em chồng chị xây dựng lại căn nhà cấp 4 tại xã M, huyện Ư, thành phố Hà Nội, gọi anh D có về để bàn bạc xây nhà. Một tháng sau, anh D thông báo: “Bây giờ tôi và chú Đ đứng lên xây lại nhà cho bố mẹ”. Chị có hỏi: “Tại sao là anh và chú Đ, bây giờ anh đã lấy vợ, có con, thì anh phải bàn với vợ anh, sau này ai là người chịu trách nhiệm trả nợ ngân hàng”. Anh D nói: “Cô không phải lo, chuyện đó tôi và chú Đ chịu trách nhiệm…” và anh chị lại mâu thuẫn… Ngày 28/4/2017, anh D nói: “Ngày 30/4, gia đình về quê, cho con nghỉ vài ngày chơi với ông bà”. Chị đồng ý, sau đó một tuần, chị hỏi công việc trên Hà Nội anh định như thế nào, anh bảo: “Cô cứ cho con lên trước, rồi tôi lên sau”. Chị nói: “Một mình em lên, con thì nhỏ, đi giao hàng sao được” và chị để con ở nhà. Chị lên Hà Nội 5 ngày, khi về quê, anh D nói: “Cô lên Hà Nội thanh lý hết hàng hóa, tôi sẽ thuê chở toàn bộ đồ đạc về quê”. Chị thấy bị mất lòng tin, không hiểu chuyện gì đang xảy ra với anh D, chị đang thuê nhà ở Hà Nội, phải người gọi mua hàng, bảo hành, ở nhà tiêu tiền mà không kiếm. Chị nói với anh D là chị đi giao hàng, nhưng gia đình chồng cấm chị bước ra khỏi nhà, vứt hết đồ đạc, quần áo của chị khi 10 giờ đêm và tuyên bố nếu chị đi Hà Nội thì đừng bao giờ về nhà này nữa. Tuy nhiên, chị vẫn đi vì bán hàng là công việc để duy trì cuộc sống, chị về làm dâu gia đình, không phải một tội phạm mất tự do đi lại. Ngày 28/5/2017, chị về quê đón con, thì bị bố chồng đánh bằng gậy, sưng tím đầu, tay, vai, lưng, nhưng chị không đau về thể xác, mà đau lòng và tự hỏi vì sao bị đối xử như vậy. Anh D và bố mẹ anh có nói nếu chị chấp nhận về quê thì sẽ là một gia đình, còn chị lên Hà Nội coi như chấm hết. Từ đó, chị và anh D không còn sống chung một nhà. Chị nuôi con một mình từ ngày 28/5/2017 đến ngày 30/5/2018, chị thấy mình và anh D cần ngồi lại nhiều hơn nữa để nói chuyện, chia sẻ, đưa ra quan điểm để vợ chồng tiếp tục chung sống cho con đỡ thiệt thòi, cho bố mẹ hai bên yên lòng, cho chị và anh D một cơ hội tìm lại nhau. Anh D đã có vẻ đồng ý, nhưng sau một tháng lại thay đổi và đưa ra quan điểm phụ nữ lấy chồng phải theo chồng, phục tùng gia đình, họ hàng nhà chồng. Chị thấy mệt mỏi, nhưng hy vọng anh D nhìn xa trông rộng, thương con, làm việc ở nơi có hiệu quả tốt, cho vợ con được yên bình. Chị không cần anh D là cây tùng, cây bách để che chở cho gia đình, mà chỉ mong anh là người bạn đời để nắm chặt tay chị cùng nuôi con khôn lớn. Chị cùng anh D đi đăng ký kết hôn, không muốn cùng anh D ra Tòa án để ly hôn. Chị vẫn hy vọng anh D về với vợ con, đề nghị Tòa án không chấp nhận đơn xin ly hôn của anh D.

Về con chung: Chị và anh D có 01 con chung là cháu ĐTH, sinh ngày 27/3/20…, hiện ở với chị, sức khỏe bình thường. Trường hợp yêu cầu ly hôn của anh D được Tòa án chấp nhận, chị yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng cháu H kể từ khi ly hôn cho đến khi con đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác. Về cấp dưỡng nuôi con: Chị yêu cầu anh D có nghĩa vụ cấp dưỡng số tiền 2.000.000 đồng/tháng.

Về tài sản chung: Chị không yêu cầu Tòa án giải quyết. Về nhà ở chung: Chị và anh D không có nhà ở chung, chị không yêu cầu Tòa án giải quyết. Về nghĩa vụ chung về tài sản: Chị không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tòa án đã thu thập chứng cứ tại Công an phường và Tổ dân phố số …, phường B, quận H. Tuy nhiên, Công an phường B không tiếp nhận vụ việc liên quan đến mâu thuẫn giữa anh D, chị Thu; còn các thông tin mà Tổ trưởng Tổ dân phố biết là do chị T cung cấp.

Tại phiên tòa, về quan hệ hôn nhân, anh D không rút đơn xin ly hôn. Chị T không đồng ý ly hôn với lý do chị thương anh D, thương con và thương bố mẹ đẻ đã nhiều tuổi. Chị T đề nghị giữ nguyên tình trạng hôn nhân như hiện nay, hai bên không can thiệp vào tài chính, công việc, cách giáo dục con và đối nhân xử thế của nhau, thì sẽ không phát sinh mâu thuẫn. Anh D không đồng ý với đề nghị của chị T. Về con chung, anh D đồng ý giao cháu H cho chị T trực tiếp nuôi dưỡng và cấp dưỡng cho con hàng tháng số tiền là 2.000.000 đồng. Anh D làm nghề sản xuất giầy da, thu nhập trung bình 5.000.000 đồng/tháng. Chị T buôn bán đồ gia dụng, thu nhập trung bình 10.000.000 đồng/tháng. Hiện chị T thuê nhà số …, ngõ …, phố H, phường B, quận H là nhà 3 tầng 1 tum, diện tích khoảng 30m2/tầng, chị và con ở tầng 1, cho thuê lại tầng 2 và 3, chi phí thuê nhà khoảng 1.000.000 đồng/tháng. Về tài sản chung, nhà ở chung, nghĩa vụ chung về tài sản, anh D, chị T giữ nguyên ý kiến đã trình bày.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến: Về việc tuân theo pháp luật tố tụng: Thẩm phán, Thư ký Tòa án thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước khi mở phiên tòa. Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tại phiên tòa. Các đương sự chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về việc giải quyết vụ án: Về quan hệ hôn nhân: Chấp nhận yêu cầu ly hôn của anh D, xử cho anh D được ly hôn chị T. Về con chung: Giao cháu H cho chị T trực tiếp nuôi dưỡng, ghi nhận anh D cấp dưỡng 2.000.000 đồng/tháng. Về tài sản và nợ chung: Không yêu cầu Tòa án giải quyết, nên không xem xét. Về án phí: Đề nghị Tòa án tính án phí đúng pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thẩm quyền giải quyết vụ án: Anh ĐND khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình về việc ly hôn đối với chị NTKT cư trú tại nhà số …, ngõ …, phố H, phường B, quận H, thành phố Hà Nội. Căn cứ vào khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng.

[2] Về quan hệ hôn nhân: Anh ĐND và chị NTKT tự nguyện đăng ký kết hôn ngày 22/11/20… tại Ủy ban nhân dân xã M, huyện Ư, thành phố Hà Nội, quan hệ hôn nhân giữa anh D và chị T là hợp pháp. Sau khi kết hôn, do tính chất công việc khác nhau, nên anh D, chị T không có nhiều thời gian chung sống. Từ nửa cuối năm 2013, anh D ra Hà Nội làm việc, chung sống với chị T, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn về nhiều mặt do bất đồng về quan điểm, tính cách, nhiều lần xảy ra cãi vã, xô xát. Bên cạnh đó, giữa chị T và bố mẹ chồng cũng phát sinh mâu thuẫn gay gắt về việc lựa chọn nơi chung sống của vợ chồng. Từ tháng 5/2017, anh D về quê ở huyện Ư làm nghề sản xuất giầy da, còn chị T vẫn thuê nhà tại quận H để buôn bán. Anh D, chị T đã không thực hiện các nghĩa vụ của vợ chồng quy định tại Điều 19 của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 là sống chung, thương yêu, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau chia sẻ, thực hiện các công việc của gia đình. Chị T xác nhận vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng, nhưng vì thương anh D, thương con và bố mẹ đẻ đã nhiều tuổi, nên chị không đồng ý ly hôn. Tòa án đã tiến hành hòa giải để anh D, chị T đoàn tụ nhưng không thành, chị T không đồng ý về quê chung sống với anh D, còn anh D không đồng ý ra Hà Nội làm việc, chung sống với chị T. Xét thấy, tình trạng hôn nhân của anh D, chị T đã trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Căn cứ vào khoản 1 Điều 56 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Tòa án chấp nhận yêu cầu ly hôn của anh D, giải quyết cho anh D được ly hôn chị T.

[3] Về con chung: Anh ĐND và chị NTKT xác nhận có 01 con chung là cháu ĐTH, sinh ngày 27/3/20…, hiện ở với chị T, sức khỏe bình thường. Nay ly hôn, anh D và chị T thỏa thuận giao cháu H cho chị T trực tiếp nuôi dưỡng. Xét thấy, cháu H hiện còn nhỏ, việc chị T nuôi cháu H sẽ bảo đảm được quyền lợi về mọi mặt của cháu. Căn cứ vào Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Tòa án ghi nhận sự thỏa thuận của anh D và chị T giao cháu H cho chị T trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Anh D có quyền, nghĩa vụ thăm nom con, không ai được cản trở. Về nghĩa vụ cấp dưỡng: Anh D không trực tiếp nuôi con, nên theo quy định tại khoản 2 Điều 82, Điều 110 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, anh D có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng: Xét mức cấp dưỡng 2.000.000 đồng/tháng là đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cháu Hưng và phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của anh D. Do đó, căn cứ các Điều 116, 117 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Tòa án ghi nhận sự thỏa thuận của anh D và chị T về việc anh D có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con hàng tháng số tiền 2.000.000 đồng kể từ khi ly hôn đến khi cháu H đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác.

[4] Về tài sản chung: Anh ĐND, chị NTKT không yêu cầu giải quyết, nên Tòa án không xem xét.

[5] Về nhà ở chung: Anh ĐND, chị NTKT xác nhận không có, không yêu cầu giải quyết, nên Tòa án không xem xét.

[6] Về nghĩa vụ chung về tài sản: Anh ĐND, chị NTKT không yêu cầu giải quyết, nên Tòa án không xem xét.

[7] Về án phí: Anh ĐND là nguyên đơn, có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, nên căn cứ khoản 4 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự, điểm a khoản 5, điểm đ khoản 6 Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, anh D phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu ly hôn và 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm đối với nghĩa vụ cấp dưỡng.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 56, 57, 58, 81, 82, 83, 110, 116 và 117 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 4 Điều 147, các Điều 235, 266, 271 và 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ vào điểm a khoản 5, điểm đ khoản 6 Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Căn cứ Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.

X:

1. Về quan hệ hôn nhân: Chấp nhận yêu cầu ly hôn của anh ĐND đối với chị NTKT. Anh D được ly hôn chị T.

2. Về con chung:

- Anh ĐND và chị NTKT xác nhận có 01 con chung là cháu ĐTH, sinh ngày 27/3/20….

- Ghi nhận sự thỏa thuận của anh ĐND và chị NTKT giao cháu ĐTH cho chị T trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và anh D có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con số tiền hàng tháng là 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) kể từ khi ly hôn cho đến khi cháu H đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác.

- Anh ĐND có quyền, nghĩa vụ thăm nom con, không ai được cản trở.

3. Về tài sản chung: Anh ĐND, chị NTKT không yêu cầu giải quyết, nên Tòa án không xem xét.

4. Về nhà ở chung: Anh ĐND, chị NTKT xác nhận không có, không yêu cầu giải quyết, nên Tòa án không xem xét.

5. Về nghĩa vụ chung về tài sản: Anh ĐND, chị NTKT không yêu cầu giải quyết, nên Tòa án không xem xét.

6. Về án phí: Anh ĐND phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm đối với tranh chấp ly hôn và 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm đối với nghĩa vụ cấp dưỡng, được trừ vào 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp tại biên lai thu số 0002615 ngày 25/7/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, còn phải nộp 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí.

7. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

8. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

9. Các đương sự có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

312
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 40/2019/HNGĐ-ST ngày 21/10/2019 về ly hôn

Số hiệu:40/2019/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 21/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về