Bản án 398/2019/HSPT ngày 26/11/2019 về tội nhận hối lộ

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG  

BẢN ÁN 398/2019/HSPT NGÀY 26/11/2019 VỀ TỘI NHẬN HỐI LỘ

Ngày 26-11-2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định. Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 297/2018/TLPT-HS ngày 11-9-2018 đối với bị cáo Hồ Minh K, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 37/2018/HSST ngày 03/08/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.

- Bị cáo kháng cáo:

Hồ Minh K, sinh năm 1964, tại tỉnh Bình Định; địa chỉ cư trú: Số 84, đường H4, phường L2, thành phố Q, tỉnh Bình Định; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: không; trình độ văn hóa: 10/10; nghề nghiệp: nguyên Trưởng phòng Thanh tra thuế - Cục Thuế tỉnh Bình Định; là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam (đã đình chỉ sinh hoạt Đảng); con ông: Hồ Th2 (liệt sỹ) và bà Đỗ Thị M1 (đã chết); vợ là Trương Thị Tuyết H5, sinh năm 1965 và có 02 con; tiền án, tiền sự: không. Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 01-10-2017, có mặt tại phiên tòa - Những người tham gia tố tụng khác có liên quan đến kháng cáo: Người bào chữa cho bị cáo:

Luật sư Vũ Mạnh H - thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, có mặt tại phiên tòa.

Lut sư Võ Thị T - thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định, có mặt tại phiên tòa.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông Đỗ Nguyễn Duy M, sinh năm 1977; địa chỉ cư trú: số 82, đường B, thành phố Q, tỉnh Bình Định, có mặt tại phiên tòa.

- Những người làm chứng:

+ Ông Phạm Trọng A, sinh năm 1969; cơ quan công tác: Cục Thuế tỉnh Bình Định; địa chỉ cư trú: Số 01, đường H6, phường N3, thành phố Q, tỉnh Bình Định, có mặt tại phiên tòa.

+ Ông Nguyễn Hoàng T1, sinh năm 1988; cơ quan công tác: Cục Thuế tỉnh Bình Định; địa chỉ cư trú: Số 04, đường L4, phường H7, thành phố Q, tỉnh Bình Định, có mặt tại phiên tòa.

+ Bà Trần Thị Thu H1, sinh năm 1985; cơ quan công tác: Cục Thuế tỉnh Bình Định; địa chỉ cư trú: Số 271/2, đường T2, thành phố Q, tỉnh Bình Định, có mặt tại phiên tòa.

+ Ông Phan Ngọc A1, sinh năm 1963; địa chỉ cư trú: Tổ 72, khu vực 9, phường N2, thành phố Q, tỉnh Bình Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

+ Bà Đặng Mậu Mỹ C, sinh năm 1977; địa chỉ cư trú: Số 82, đường B, phường N3, thành phố Q, tỉnh Bình Định, có mặt tại phiên tòa..

+ Ông Bùi Đăng Kh, sinh năm 1973; địa chỉ cư trú: Số 38, đường H8, thành phố Q, tỉnh Bình Định, có mặt tại phiên tòa.

+ Chị Lê Hạ Phương Đ; địa chỉ cư trú: Số 602, đường N3, thành phố Q, tỉnh Bình Định, vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 01-9-2017, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 1324/QĐ-CT, quyết định thanh tra thuế tại Công ty Cổ phần xây dựng AN (sau đây viết tắt là Công ty AN), có trụ sở tại số 107, đường H2, thành phố Q, tỉnh Bình Định; nội dung thanh tra: tình hình chấp hành khai, quyết toán và nộp các loại thuế, phí vào ngân sách Nhà nước, thời kỳ năm 2014, 2015, 2016 và các niên độ khác nếu có liên quan; thời gian thanh tra là 30 ngày, kể từ ngày 01-9-2017 đến ngày 30-9-2017. Đoàn thanh tra thuế gồm có 04 thành viên: Hồ Minh K - Chức vụ: Trưởng phòng Phòng Thanh tra thuế làm Trưởng đoàn, bà Trần Thị Thu H1 - Chuyên viên Phòng Thanh tra là Phó trưởng Đoàn và các ông Phạm Trọng A, Nguyễn Hoàng T1 là thành viên. Trong thời gian thanh tra thuế, Hồ Minh K đang tham gia lớp bồi dưỡng ở tỉnh Thừa Thiên Huế nên ủy quyền bằng miệng cho bà Trần Thị Thu H1 cùng các thành viên tiến hành thanh tra thuế tại Công ty AN.

Ngày 19-9-2017, bà Trần Thị Thu H1, các ông Phạm Trọng A, Nguyễn Hoàng T1 đến Công ty AN để công bố quyết định thanh tra và yêu cầu công ty cung cấp các chứng từ, số liệu trên sổ sách kế toán của công ty trong 03 năm (2014, 2015 và 2016). Khi kiểm tra, Đoàn thanh tra không lập biên bản vi phạm nào đối với Công ty AN, nhưng trong quá trình thanh tra, ông Phan Ngọc A1 (Kế toán công ty) báo cáo cho bà Đặng Mậu Mỹ C (Phó Giám đốc công ty) biết việc Đoàn thanh tra nói: Công ty có một số sai phạm sẽ bị phạt và truy thu với một số lỗi như thanh lý xe mô tô không đúng giá trị; kê khai mua sắm một số thiết bị văn phòng không có hồ sơ chứng minh phục vụ sản xuất và một số sai phạm khác như chi phí một số vật tư của một số công trình vượt so với định mức vật tư như đã dự toán, cụ thể: Công trình SD định mức theo dự toán thép 10,5 tấn, nhưng thực tế xuất cho công trình này là 20 tấn (vượt 9,5 tấn); công trình Kè SĐ định mức theo dự toán thép 5,9 tấn, nhưng thực tế xuất cho công trình này là 12,2 tấn (vượt 6,3 tấn); công trình Nước sạch CL định mức theo dự toán thép 11 tấn, nhưng thực tế xuất cho công trình này là 21,2 tấn (vượt 10,2 tấn); công trình Kè TV định mức theo dự toán thép 17,6 tấn, nhưng thực tế xuất cho công trình này là 38,4 tấn (vượt 20,8 tấn) và công trình trường CH định mức theo dự toán thép 25,6 tấn, nhưng thực tế xuất cho công trình này là 35,8 tấn (vượt 10,2 tấn).

Khong 09 giờ ngày 24-9-2017, Hồ Minh K gọi điện cho ông Đỗ Nguyễn Duy M (Phó Giám đốc Công ty AN) để đăng ký làm việc vào buổi chiều và được ông M đồng ý. Cũng trong buổi sáng, Hồ Minh K gọi điện cho ông Phạm Trọng A (là thành viên Đoàn thanh tra) đến uống cà phê tại số 19, đường Trần Nguyên Đán, thành phố Q, tỉnh Bình Định. Tại đây, Hồ Minh K hỏi ông Phạm Trọng A: “Có phát hiện Công ty Cổ phần xây dựng AN vi phạm gì không?”, ông A trả lời: “Công ty Cổ phần xây dựng AN qua kiểm tra không khai thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường”, K hỏi: “Còn vấn đề gì đáng lưu ý hay không?”, ông A nói: “Công ty Cổ phần xây dựng AN hàng năm có doanh thu khoảng 16 tỷ, nhưng tồn kho năm 2016 khoảng 06 tỷ là lớn”. Nghe vậy, K hỏi: “Chiều có đi làm tại Công ty Cổ phần xây dựng AN được không?”, thì ông A từ chối.

Chiu ngày 24-9-2017, Hồ Minh K cùng ông Nguyễn Hoàng T1 đến Công ty AN gặp ông Đỗ Nguyễn Duy M, bà Đặng Mậu Mỹ C và ông Phan Ngọc A1. Tại đây, ông T1 lập biên bản trên máy tính xách tay, còn K trao đổi trực tiếp và đưa ra một bản danh sách liệt kê các lỗi sai phạm được phát hiện qua thanh tra, trong đó tập trung vào hai lỗi lớn là đưa chi phí vật tư sắt thép vào một số công trình vượt dự toán và nguyên, vật liệu tồn kho có giá trị trên sổ sách năm 2016 lớn, cụ thể là sắt thép, xăng, dầu tồn kho là không có thật, vì Công ty không có bồn kho để lưu trữ. K nói, nếu kiểm tra thực tế không có sẽ buộc Công ty AN phải xuất toán toàn bộ các khoản chi phí và hạch toán tồn kho không hợp lý, cộng với các lỗi khác, thì tổng số tiền phạt thuế và truy thu thuế đối với công ty là 1.387.000.000 đồng. Nghe vậy, ông M đã nhờ K giúp đỡ bỏ qua các lỗi vi phạm này và được K đồng ý. K yêu cầu bà C, ông A1 và ông T1 đi ra ngoài để K trao đổi riêng với ông M. Trong lúc nói chuyện, K yêu cầu ông M tắt điện thoại rồi ra điều kiện ông M đưa cho K từ 120.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng, đưa cho ông Nguyễn Công Th (Cục trưởng Cục thuế tỉnh) từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, thì K sẽ bỏ qua các lỗi sai phạm lớn mà chỉ xử lý các lỗi nhẹ, với mức tiền phạt là 70.000.000 đồng. Ông M ra ngoài, nói lại cho ông Phan Ngọc A1 và bà Đặng Mậu Mỹ C biết, đồng thời yêu cầu ông A1 vào gặp K để thỏa thuận lại.

Ông Phan Ngọc A1 vào thắc mắc với K số tiền đưa riêng quá cao, trong khi các lỗi sai phạm không đáng kể, nên K giảm số tiền đưa riêng xuống còn 130.000.000 đồng (phần của K còn 110.000.000 đồng, phần đưa cho ông Th 20.000.000 đồng). Sau khi ông A1 ra ngoài, K gọi ông M vào hỏi lại, thì ông M trả lời “Tùy ý anh”. Sau khi ông M đồng ý, K yêu cầu ông T1 đưa 02 Biên bản xác nhận số liệu thanh tra có nội dung như nhau vừa được lập để cho ông M xem, ký xác nhận và chuyển lại cho Đoàn thanh tra một bản.

Vào lúc 16 giờ 20 phút ngày 25-9-2017, K gọi điện hối thúc ông M đưa tiền, nhưng ông M hẹn lại vì chưa có đủ tiền. ngày 28-9-2017, K gọi điện thông báo cho ông M biết kết quả thanh tra, nhưng chưa có kết luận chính thức và tiếp tục giục ông M đưa tiền, ông M hẹn lại với lý do chưa chuẩn bị kịp.

Ngày 29-9-2017, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định ký Kết luận thanh tra số 1716/KL-CT và Quyết định số 1542/QĐ-CT về việc xử lý vi phạm về thuế đối với Công ty AN, với số tiền 69.763.109 đồng và gửi quyết định qua đường bưu điện cho Công ty AN.

Khong 14 giờ ngày 01-10-2017, ông M gọi điện cho K đến quán cà phê HQ (địa chỉ: số 02, đường P2, thành phố Q, tỉnh Bình Định) để uống nước và đưa tiền. Khi đi, K mang theo 01 túi xách màu nâu có chữ MMEINAILI đến quán và để trên ghế, kề sát bên chỗ mình ngồi. Trong lúc nói chuyện, K đưa túi xách cho ông M cầm, ông M lấy 01 bì nhựa màu đen (bên trong có 110.000.000 đồng) bỏ vào túi xách do K đưa, sau đó ông M rút trong túi quần lấy 01 bì nhựa màu nâu (bên trong có 20.000.000 đồng) đưa cho K bỏ vào túi xách. Cùng lúc này, Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Định phát hiện, bắt quả tang. Qua kiểm tra túi xách của K phát hiện có 02 bì nhựa (01 bì màu đen, 01 bì màu nâu), bên trong chứa tổng cộng 130.000.000 đồng (một trăm ba mươi triệu đồng).

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 37/2018/HSST ngày 03-8-2018, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định:

Áp dụng khoản 2 Điều 354; các điểm v, x khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội; Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13-9-2016 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xử phạt: Hồ Minh K 08 (tám) năm tù về tội “Nhận hối lộ”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 01-10-2017.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định xử lý vật chứng, quyết định án phí hình sự sơ thẩm và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

- Ngày 09-8-2018, Hồ Minh K kháng cáo kêu oan.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của Hồ Minh K; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bị cáo, người bào chữa cho bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án, với nội dung: không có căn cứ chứng minh bị cáo đã có hành vi đòi hối lộ số tiền 130.000.000 đồng ngoài số tiền ghi trong biên bản thanh tra. Nếu có, bị cáo phải đòi trước khi có biên bản thanh tra và ký kết luận thanh tra; không có căn cứ để cho rằng bị cáo đã hứa hoặc đã làm việc gì theo yêu cầu và vì lợi ích của Công ty AN; kể từ khi Công ty AN ký biên bản thanh tra và ký kết luận thanh tra cho đến khi bị bắt, bị cáo không gọi điện và không gặp ông M; không có căn cứ chứng minh khi nhận 02 bọc nhựa từ ông M bị cáo K đã biết trước trong đó có tiền.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Đỗ Nguyễn Duy M thống nhất với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Tòa án cấp sơ thẩm xác định: Sau khi kết thúc sớm đợt thanh tra thuế tại Công ty AN, chiều ngày 24-9-2017, Hồ Minh K (là Trưởng đoàn thanh tra) và ông Nguyễn Hoàng T1 (là thành viên đoàn thanh tra) đến Công ty AN gặp ông Đỗ Nguyễn Duy M, bà Đặng Mậu Mỹ C (đều là Phó Giám đốc công ty) và ông Phan Ngọc A1 (là Kế toán công ty). Tại đây, K đưa ra một bản danh sách liệt kê các lỗi sai phạm được phát hiện qua thanh tra, trong đó tập trung vào hai lỗi lớn là đưa chi phí vật tư sắt thép vào một số công trình vượt dự toán và nguyên, vật liệu tồn kho có giá trị trên sổ sách năm 2016 lớn, nên sẽ truy thu thuế đối với công ty là 1.387.000.000 đồng. Ông M đã nhờ K bỏ qua các lỗi vi phạm này và được K đồng ý. K ra điều kiện ông M đưa cho K từ 120.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng và đưa cho ông Nguyễn Công Th (Cục trưởng Cục thuế tỉnh) từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, thì K sẽ bỏ qua các lỗi sai phạm lớn, mà chỉ xử lý các lỗi nhẹ, với mức tiền phạt 70.000.000 đồng. Ông Phan Ngọc A1 thắc mắc số tiền đưa riêng quá cao, trong khi các lỗi sai phạm không đáng kể, thì K giảm số tiền đưa riêng xuống còn 130.000.000 đồng.

Khong 14 giờ ngày 01-10-2017, ông M gọi điện mời K đến quán cà phê HQ để uống nước và đưa tiền. Khi đi, K mang theo 01 túi xách màu nâu đến quán và để trên ghế, sát chỗ K ngồi. Trong lúc nói chuyện, K đưa túi xách của mình cho ông M cầm, ông M lấy 01 bì nhựa màu đen (bên trong có 110.000.000 đồng) bỏ vào túi xách do K đưa, sau đó ông M rút trong túi quần lấy 01 bì nhựa màu nâu (bên trong có 20.000.000 đồng) đưa cho K bỏ vào túi xách. Cùng lúc này, Tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Định phát hiện, bắt quả tang. Qua kiểm tra túi xách của K phát hiện có 02 bì nhựa màu đen và nâu, bên trong chứa tổng cộng 130.000.000 đồng.

Với nhận định như nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm kết án Hồ Minh K 08 (tám) năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Ngày 09-8-2018, Hồ Minh K kháng cáo kêu oan. Đơn kháng cáo của Hồ Minh K là trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự, do đó Hội đồng xét xử quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

[2]. Xét kháng cáo của Hồ Minh K:

[2.1]. Về tố tụng:

Khong 14 giờ ngày 01-10-2017, tại cà phê HQ (địa chỉ: số 02, đường P2, thành phố Q, tỉnh Bình Định), Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Định bắt giữ Hồ Minh K, do có hành vi nhận 02 bì nhựa (bên trong đựng tiền) của ông Đỗ Nguyễn Duy M.

- Đối với “Biên bản ghi nhận sự việc đòi và nhận hối lộ”:

+ Về hình thức: Biên bản ghi nhận sự việc đòi và nhận hối lộ thể hiện có mặt các Cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Định là các ông Nguyễn Xuân D1, Nguyễn Thanh Q1, Mai Văn Đ, Ngô Việt H3, Phạm Trường Th1 và Đỗ Đức P1; có mặt Trưởng Công an phường L1 là ông Nguyễn Xuân A2, Cảnh sát khu vực là ông Phạm Hoài N1; có mặt người đưa và nhận hối lộ là ông Đỗ Nguyễn Duy M và Hồ Minh K; có mặt người làm chứng là chị Lê Hạ Phương Đ và ông Bùi Đăng Kh, nhưng phần ký xác nhận chỉ có chữ ký của người lập biên bản là ông Đỗ Đức P1, mà không có chữ ký của các Cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế tham gia bắt giữ là chưa đảm bảo về mặt thủ tục, nên chưa đủ cơ sở để xác định những người này có tham gia bắt giữ người có hành vi vi phạm pháp luật không?.

Ngoài ra, biên bản thể hiện “Thời gian lập biên bản là hồi 14 giờ 30 phút, địa điểm tại tiệm cà phê HQ, địa chỉ số 02, Đường P2, tổ 13, khu vực 3, phường L1, thành phố Q, tỉnh Bình định”. Như vậy, được hiểu biên bản này được lập ngay khi phát hiện hành vi vi phạm, nhưng hình thức biên bản lại được đánh máy tính và in ra từ máy in là không đúng, làm cho người bị bắt (Hồ Minh K) nghi ngờ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Định và ông Đỗ Nguyễn Duy M (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) có sự chuẩn bị từ trước. Chỉ đợi khi ông M đưa 02 bịch nilon cho K là Công an ập vào bắt giữ và đưa biên bản được lập từ trước để những người có mặt tại nơi bắt giữ ký tên.

+ Về nội dung: Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19-9-2019 và phiên tòa phúc thẩm ngày hôm nay (26-11-2019), ông Đỗ Nguyễn Duy M khẳng định, khi ông vừa đưa 02 bịch nilon vào túi xách của Hồ Minh K thì Công an ập vào bắt giữ, nên ông rất bất ngờ. Ngay lúc này, Công an yêu cầu ông lấy 02 bịch nilon trong túi xách của Hồ Minh K ra rồi chụp hình 02 bịch lilon này. Sau đó, đưa ông và Hồ Minh K về trụ sở Công an tỉnh lấy lời khai. Khoảng 02 giờ sau, Công an dẫn ông sang một phòng khác, lúc này có một số Cán bộ Công an tỉnh và Hồ Minh K, Công an lấy 02 bịch nilon ra kiểm đếm và xác định trong bịch nilon màu đen có 110.000.000 đồng, bịch nilon màu nâu có 20.000.000 đồng rồi tiến hành lập “Biên bản ghi nhận sự việc đòi và nhận hối lộ”; đồng thời, ông M nhiều lần khẳng định, nếu chỉ nhìn hình ảnh do Công an chụp 02 bịch nilon khi bắt giữ, thì không thể xác định được bên trong 02 bịch nilon này có bao nhiêu tiền? mệnh giá tiền? tiền giả hay tiền thật?. Như vậy, căn cứ vào lời khai của ông Đỗ Nguyễn Duy M, thì Biên bản ghi nhận sự việc đòi và nhận hối lộ không được lập tại địa điểm phát hiện tội phạm, nhưng lại ghi được lập tại địa điểm phát hiện tội phạm là không phản ánh đúng diễn biến khách quan của vụ án.

- Đối với Biên bản bắt người phạm tội quả tang:

+ Về hình thức: Biên bản bắt người phạm tội quả tang cũng thể hiện có mặt các Cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Định là các ông Nguyễn Xuân D1, Nguyễn Thanh Q1, Mai Văn Đ, Ngô Việt H3, Phạm Trường Th1 và Đỗ Đức P1; có mặt Trưởng Công an phường L1 là ông Nguyễn Xuân A2, Cảnh sát khu vực là ông Phạm Hoài N1; có mặt người đưa và nhận hối lộ là ông Đỗ Nguyễn Duy M và Hồ Minh K; có mặt người làm chứng là chị Lê Hạ Phương Đ và ông Bùi Đăng Kh, nhưng phần ký xác nhận chỉ có chữ ký của người lập biên bản là ông Đỗ Đức P1, mà không có chữ ký của các Cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế tham gia bắt giữ là chưa đảm bảo về mặt thủ tục và cũng chưa có cơ sở để xác định những người này có tham gia bắt giữ người phạm tội quả tang không?.

Ngoài ra, Biên bản bắt giữ người phạm tội quả tang không căn cứ vào điều luật nào của Bộ luật Tố tụng hình sự để lập biên bản; không ghi ý kiến của người làm chứng, người chứng kiến; thái độ chấp hành, tình trạng sức khỏe của người bị bắt là không thực hiện đúng quy định của Bộ Công an về việc ban hành biểu mẫu trong tố tụng hình sự.

+ Về nội dung: Biên bản bắt người phạm tội quả tang thể hiện ông Bùi Đăng Kh (sinh năm 1973; trú tại: số 38, Hai Bà Trưng, thành phố Q) là người chứng kiến, nhưng tại phần ký tên xác nhận thì lại ghi là người làm chứng, do đó không thể xác định được ông Bùi Đăng Kh là người chứng kiến việc bắt giữ người phạm tội quả tang hay là người làm chứng việc lập Biên bản bắt người phạm tội quả tang. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19-9-2019 và phiên tòa phúc thẩm ngày hôm nay (26-11-2019), ông Bùi Đăng Kh khẳng định: Chiều ngày 01-10-2017, ông không có mặt tại cà phê HQ, nên không chứng kiến Công an tỉnh Bình Định bắt Hồ Minh K, bắt về tội gì. Khoảng 16 giờ ngày 01-10-2017, ông ngủ dậy ra vỉa hè hút thuốc, thì Q1 - Công an (Nguyễn Thanh Q1) qua nói với ông sang trụ sở Công an tỉnh giúp một việc. Khi ông sang đến nơi thấy mấy anh Công an đang đếm tiền rồi viết vào biên bản và nói ông ký, ghi họ tên vào biên bản, ông đã ký biên bản rồi ra về, còn nội dung như thế nào ông không biết. Sau đó, buổi tối cùng ngày, có một anh Công an đến đưa biên bản nói ông ký lại, vì không am hiểu pháp luật và không có kính, ông không đọc được, nhưng khi anh Công an nói là chỉ ký lại cho rõ ràng, không có vấn đề gì, do đó ông đã ký lại mà không biết biên bản này ghi nội dung gì (có bản tường trình kèm theo). Ngoài ra, Hồ Minh K không ký và ghi họ tên vào Biên bản bắt người phạm tội quả tang, nhưng người lập biên bản (ông Đỗ Đức P1) không ghi rõ lý do vì sao Hồ Minh K không ký biên bản và không mời người chứng kiến ký vào biên bản.

Như vậy, khi lập Biên bản bắt người phạm tội quả tang ngày 01-10-2017 (bút lục số 83), Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Định đã không thực hiện đúng quy định tại Điều 111 và Điều 133 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Đối với việc thu giữ vật chứng: Căn cứ lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (ông Đỗ Nguyễn Duy M) và lời khai của Hồ Minh K thì khi bắt giữ, Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Định không lập biên bản niêm phong vật chứng, mà chỉ chụp hình 02 bọc nilon (bên trong có tiền). Đây là vật chứng rất quan trọng để làm căn cứ buộc tội người có hành vi vi phạm, nhưng Tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Định không tiến hành niêm phong vật chứng tại nơi bắt giữ, không lập biên bản giao nhận vật chứng là không thực hiện đúng quy định tại Điều 89 và điểm a khoản 1 Điều 90 của Bộ luật Tố tụng hình sự, từ đó chưa có cơ sở vững chắc để xác định số tiền thu giữ tại cà phê HQ và số tiền được kiểm đếm tại trụ sở Công an tỉnh Bình Định là cùng một loại.

[2.2]. Về nội dung:

- Lời khai của Hồ Minh K:

Tại Quyết định số 1324/QĐ-CT ngày 01-9-2017, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Định giao Hồ Minh K làm Trưởng đoàn, bà Trần Thị Thu H1 là Phó trưởng Đoàn và các ông Phạm Trọng A, Nguyễn Hoàng T1 là thành viên Đoàn thanh tra. Đoàn thanh tra có nhiệm vụ thanh tra tình hình chấp hành khai, quyết toán và nộp các loại thuế, phí vào ngân sách nhà nước, thời kỳ: năm 2014, 2015, 2016 và các niên độ khác nếu có liên quan đối với Công ty AN, thời gian thanh tra là 30 ngày, kể từ ngày 01-9-2017 đến ngày 30-9-2017. Trong thời này, Hồ Minh K đang học lớp bồi dưỡng ở tỉnh Thừa Thiên Huế nên ủy quyền bằng miệng cho bà Trần Thị Thu H1 cùng các thành viên tiến hành thanh tra.

Quá trình thanh tra tại Công ty AN, các thành viên trong đoàn tiến hành thanh tra theo quy định, không có ai gọi điện báo cáo tình hình cho K biết. Ngày 23-9-2017, K gọi điện và được ông Phạm Trọng A báo cáo việc thanh tra cơ bản đã xong. Ngày 24-9-2017, K cùng ông Nguyễn Hoàng T1 đến Công ty AN để đối chiếu số liệu và đưa ra các sai phạm của công ty (nếu có) để công ty giải trình. Nếu khoản chi phí nào công ty không giải trình được và không có hóa đơn chứng từ hợp lệ, thì được ghi nhận tại Biên bản đối chiếu số liệu thanh tra. Trong lúc giải lao, ông Đỗ Nguyễn Duy M nói với K do mấy năm nay công ty kinh doanh khó khăn, nên nhờ K xem xét lại, K trả lời tất cả sai phạm đã đối chiếu rồi. Sau đó, K yêu cầu ông T1 lập Biên bản đối chiếu số liệu thanh tra rồi in tại công ty, K và ông T1 ký trước vào biên bản rồi đưa cho ông M xem ký sau.

Khong 14 giờ ngày 01-10-2017, ông M gọi điện mời K ra HQ để uống nước. Khoảng 14 giờ 10 phút, K đến quán rồi cùng ông M uống nước, nói chuyện, hỏi thăm sức khỏe và công việc. Khoảng 3 - 4 phút, ông M nói: “Tôi gửi anh cái này về cho cháu, anh đưa túi xách đây cho tôi” rồi ông M bỏ vào trong túi xách một bọc nilon màu đen, sau đó móc túi quần tiếp tục đưa cho K một bọc nilon màu nâu. K hỏi cái gì, thì ông M nói: “Cũng là quà gửi cho cháu cả”, nhưng chưa đầy một phút sau, thì Công an ập vào bắt giữ. Hồ Minh K khẳng định, trước khi đưa, ông M nói gửi chút quà cho cháu, nên K mới để cho ông M đút bọc nilon vào túi xách, do đó khi Công an thông báo trong 02 bọc nilon là tiền, thì K hoàn toàn bất ngờ; đồng thời, K cho rằng ông M và Công an đã dàn cảnh để hãm hại K.

- Lời khai của ông Đỗ Nguyễn Duy M (Phó Giám đốc Công ty AN):

Ngày 19-9-2017, Đoàn thanh tra thuế của Cục Thuế tỉnh Bình Định có 03 người (Trần Thị Thu H1, Phạm Trọng A và Nguyễn Hoàng T1) đến Văn phòng công ty để công bố quyết định thanh tra thuế. Đoàn thanh tra làm việc 03 ngày (từ ngày 19-9 đến ngày 21-9-2017). Quá trình Đoàn thanh tra làm việc, ông M có hỏi ông A: “Công ty có vi phạm gì không”, ông A trả lời: “Có vi phạm, nhưng ít, có gì vài bữa nữa Trưởng đoàn sẽ làm việc với anh”. Khoảng 14 giờ ngày 24-9-2017, Hồ Minh K và ông Nguyễn Hoàng T1 đến công ty làm việc với ông M, bà Đặng Mậu Mỹ C (Phó Giám đốc công ty) và ông Phan Ngọc A1 (Kế toán công ty). Tại buổi làm việc, K đưa cho ông M 01 tờ giấy A4 liệt kê lỗi vi phạm thuế và nói rõ từng lỗi vi phạm, cụ thể: số lượng thép tồn kho quá lớn; số lượng xăng dầu vượt định mức, tồn kho lớn và một số lỗi sai phạm khác. Ông M giải thích nhưng K nói: “Việc này tôi thanh tra nhiều rồi, doanh nghiệp nào cũng vi phạm hết, mấy ông đừng có chối, nếu không tôi kiểm tra kho thì biết”. Nghe vậy, ông M có đặt vấn đề: “Có cách nào xử lý không”, K nói: “Có, sẽ xử lý nhẹ nhàng” và K yêu cầu mọi người ra ngoài. Khi mọi người ra ngoài, K nói hiện có Đoàn thanh tra bộ đang ở đây, K phải chi cho mỗi người khoảng 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng và mỗi người trong Đoàn thanh tra tại công ty 10.000.000 đồng, Cục trưởng từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, tổng chi phí là khoảng 150.000.000 đồng; còn số tiền nộp phạt từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng. Ông M thắc mắc nhiều, thì K nói nếu không chịu thì K xử lý, nên ông M nói ra hỏi lại kế toán công ty. Sau khi trao đổi riêng, ông Phan Ngọc A1 nói: “Mấy ông cố tình moi và làm khó, thật ra bỏ qua được hết, vì xét cho cùng thì mình có vi phạm gì đâu mà đòi phạt 1 tỷ 387 triệu đồng”. Lúc này, bà C yêu cầu ông A1 vào gặp K để thỏa thuận lại. Theo chỉ đạo của bà C, ông A1 vào làm việc riêng với K, sau đó quay ra gặp bà C. Cùng lúc, K gọi ông M vào phòng nói: “Bây giờ chốt lại là 200.000.000 đồng, trong đó phạt 70.000.000 đồng, còn 130.000.000 đồng là tiền phong bì, nếu không chịu thì tao xử lý công ty mày”, ông M nói: “Tùy ý anh”. Sau khi ông M và K thỏa thuận xong, theo chỉ đạo của K, ông T1 đưa cho ông M 02 Biên bản xác nhận số liệu thanh tra có nội dung giống nhau, trong đó đã có chữ ký của ông Phạm Trọng A.

Do không có tiền đưa cho K, nên ông M không liên lạc với K, nhưng K nhiều lần gọi điện hối thúc đưa tiền, ông M bức xúc nên làm đơn tố cáo gửi Ban Nội chính tỉnh ủy. Sau đó, do K thúc giục đưa tiền, lo sợ sẽ bị xử lý nặng, ảnh hưởng đến hoạt động của công ty, nên ông M hẹn K đến cà phê HQ để đưa 130.000.000 đồng cho K. Chiều ngày 01-10-2017, khi ông M vừa đưa tiền cho K thì bị Công an tỉnh Bình Định ập vào bắt giữ. Ông M thừa nhận, việc đưa tiền hối lộ là vi phạm pháp luật, nhưng vì lợi ích của công ty, ông M vẫn đưa tiền hối lộ cho K.

- Lời khai của bà Đặng Mậu Mỹ C (Phó Giám đốc Công ty AN):

Trong thời gian Đoàn thanh tra thuế thuộc Cục Thuế tỉnh Bình Định làm việc tại Công ty AN từ ngày 19-9-2017 đến ngày 21-9-2017, bà C không trực tiếp làm việc, cung cấp tài liệu sổ sách hay giải trình gì cho Đoàn thanh tra. Khoảng 14 giờ ngày 24-9-2017 (Chủ nhật), Hồ Minh K và ông Nguyễn Hoàng T1 đến công ty làm việc với bà C, ông Đỗ Nguyễn Duy M và ông Phan Ngọc A1. Khi làm việc, K lấy trong túi xách của K 02 tờ giấy A4 có nội dung giống nhau, 01 tờ K đưa cho ông M và nói: “Bảng này chỉ dự thảo, chứ không chính thức, có thể điều chỉnh, thay đổi và xem xong sẽ thu lại”, còn 01 tờ K giữ lại đọc cho bà C, ông M, ông A1 và ông T1 nghe. Nội dung trong tờ giấy này là liệt kê lỗi vi phạm của công ty; trong phần liệt kê, ngoài một số nội dung như ông A1 thông báo cho bà C (bán thanh lý xe mô tô Vespa không đúng giá trị khấu hao - 60.000.000 đồng, bán 5.000.000 đồng; một số thiết bị văn phòng như điện thoại, máy vi tính, máy điều hòa, tủ lạnh... không có hồ sơ phục vụ sản suất; chi phí vật tư một số công trình vượt dự toán), thì K có nêu thêm việc phân bổ chi phí để hàng tồn kho nhiều (xi măng, sắt thép, dầu Diezen...), nếu đi kiểm tra thực tế chắc chắn sẽ không có và khi đó sẽ bị truy xuất, phạt hành chính khoảng 01 tỷ đồng. Bà C giải thích, nhưng K không chấp nhận và nói sẽ trao đổi riêng với ông M. Ngay sau đó, K yêu cầu bà C, ông A1 và ông T1 ra khỏi phòng để K làm việc riêng với ông M. Sau một lúc trao đổi, ông M ra ngoài nói với bà C và ông A1 biết ngoài mức phạt 70.000.000 đồng, thì còn phải đưa riêng cho K 150.000.000 đồng để K cho người đến hướng dẫn làm lại xử lý hàng tồn cho hợp lý. Bà C nói ông A1 qua phòng gặp K để thỏa thuận lại. Sau khi trao đổi riêng với K, ông A1 quay ra gặp bà C và ông M thông báo K đồng ý giảm xuống còn 130.000.000 đồng (trong đó 110.000.000 đồng cho K, 20.000.000 đồng cho ông Th - Cục trưởng). Ngay lúc đó, K gọi ông M vào phòng, một lúc sau ông M đi ra cầm 02 Biên bản xác nhận số liệu thanh tra đưa cho ông A1 và nói ông A1 ký trước rồi đưa cho ông Đỗ Ngọc Phấn là Giám đốc công ty ký sau.

Bà C cho rằng “Biên bản xác nhận số liệu thanh tra” được lập vào lúc nào, tại đâu bà không biết, nhưng khẳng định không in tại công ty, vì khi ra khỏi phòng (nơi K ngồi), thì bà C và ông A1 sang phòng bên cạnh (nơi đế máy vi tính và máy in của công ty) để ngồi chờ cho đến lúc bà và ông M ra về. Ngoài ra, bà C khẳng định tại 02 biên bản này đã có sẵn chữ ký của ông Phạm Trọng A, trong khi ông A không có mặt tại công ty chiều ngày 24-9-2017.

- Lời khai của ông Phan Ngọc A1 (Kế toán Công ty AN):

Chiều ngày 24-9-2017, Hồ Minh K và ông Nguyễn Hoàng T1 đến Công ty AN để chốt số liệu thanh tra. Tại buổi làm việc, K đưa ra một tờ giấy liệt kê các lỗi vi phạm của công ty, với số tiền phạt là 1.380.000.000 đồng. Ông A1 đã giải trình các lỗi này, nhưng không được K đồng ý. Sau đó, K yêu cầu mọi người ra ngoài để K nói chuyện với ông M. Sau khi nói chuyện, ông M ra ngoài nói với ông A1 và bà C là K yêu cầu chi 220.000.000 đồng thì K sẽ bỏ qua lỗi vi phạm. Do quá bức xúc, ông A1 vào nói chuyện với K và được K hạ số tiền chung chi còn 200.000.000 đồng, ông A1 ra nói lại với ông M, bà C. Sau đó, K gọi ông M vào phòng nói chuyện, diễn biến tiếp theo như thế nào thì ông không biết.

- Lời khai của ông Nguyễn Hoàng T1 (thành viên Đoàn thanh tra):

Khong 14 giờ ngày 24-9-2017 (Chủ nhật), ông T1 cùng Hồ Minh K đến Công ty AN để xác nhận số liệu thanh tra thuế. Phía Công ty AN có ông Đỗ Nguyễn Duy M, bà Đặng Mậu Mỹ C (vợ ông M) và ông Phan Ngọc A1 (Kế toán công ty). Tại buổi làm việc, K trực tiếp trao đổi với ông M và bà C, còn ông T1 làm việc với ông A1 để đối chiếu số liệu và lập Biên bản xác nhận số liệu thanh tra. Khi làm việc, ông T1 không ngồi cạnh K mà tập trung đối chiếu số liệu với ông A1, nên không biết K và ông M trao đổi nội dung gì và không để ý K có đưa cho ông M tài liệu, giấy tờ gì không. Trước đó, ông T1 không đưa bất kỳ tài liệu giấy tờ gì cho K và trước đó Đoàn thanh tra cũng không họp, báo cáo kết quả thanh tra cho K. Trong lúc đang làm việc, K nói mọi người ra ngoài để K trao đổi riêng với ông M (thời gian hơn 30 phút). Sau đó, K ra khỏi phòng yêu cầu ông T1 đưa cho K Biên bản xác nhận số liệu thanh tra.

Ông Nguyễn Hoàng T1 khẳng định: Đoàn thanh tra chỉ kiểm tra các nội dung được nêu tại Quyết định số 1324/QĐ-CT ngày 01-9-2017, không kiểm tra lượng hàng tồn kho; Biên bản xác định số liệu thanh tra được lập và in nhờ từ máy in của Công ty AN. Sau khi in ra 02 bản, ông T1 ký tên rồi đưa cho K, còn K ký hay không ông T1 không biết, ông A không có mặt chiều 24-9-2017.

- Lời khai của ông Phạm Trọng A (thành viên Đoàn thanh tra):

Đoàn thanh tra Cục Thuế tỉnh Bình Định làm việc với Công ty AN 03 ngày (từ ngày 19-9 đến ngày 21-9-2017). Nhiệm vụ của ông A là kiểm tra về giá vốn; nhiệm vụ của bà Trần Thị Thu H1 và ông Nguyễn Hoàng T1 là kiểm tra mảng thuế đầu vào, doanh thu, chi phí quản lý, chi phí lãi vay. Ngoài ra, ông T1 là người tổng hợp số liệu để lập Biên bản xác nhận số liệu thanh tra, bà H1 lập Biên bản thanh tra, Kết luận thanh tra và các quyết định xử lý. Đoàn thanh tra không kiểm tra hàng tồn kho.

Khong 8 giờ 30 phút ngày 24-9-2017 (Chủ nhật), Hồ Minh K gọi điện mời ông A đến quán cà phê (số 19, Trần Nguyên Đán) để nói chuyện. Tại đây, K hỏi ông A về kết quả kiểm tra Công ty AN, ông A trả lời: “Phần giá vốn em làm thì không vi phạm gì, chỉ có kê khai thiếu phần tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, vấn đề này đã báo cho T1 để tổng hợp”. Nghe xong K hỏi: “Có lưu ý gì khác không”, ông A trả lời: “Trên báo cáo tài chính năm 2016 có giá trị hàng tồn kho gần 06 tỷ là hơi nhiều”. K không hỏi gì nữa mà quay ra nói chuyện khác. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19-9-2019 và phiên tòa phúc thẩm ngày hôm nay (26-11-2019), ông Phạm Trọng A khẳng định trong quá trình thanh tra, ông A phát hiện Công ty AN có sai phạm là chưa kê khai thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường về hoạt động khai thác đất trong một công trình thuộc năm 2015, với tổng tiền thuế và phí chưa kê khai là 13.000.000 đồng và đã báo cáo nội dung này cho bà Trần Thị Thu H1 và ông Nguyễn Hoàng T1 để tổng hợp. Ngày 24-9-2017, ông có nói cho Hồ Minh K nội dung hàng tồn kho của Công ty AN, nhưng vì quán cà phê đông người, nhiều tiếng ồn, nên không biết Hồ Minh K có nghe được nội dung này không?.

- Lời khai của bà Trần Thị Thu H1 (Phó trưởng Đoàn thanh tra):

Đoàn thanh tra thuế chỉ kiểm tra các nội dung được nêu tại Quyết định số 1324/QĐ-CT ngày 01-9-2017, cụ thể: đối chiếu số liệu kê khai của công ty với Chi cục Thuế Quy Nhơn và kiểm tra số liệu, hồ sơ chứng từ lưu trữ tại công ty, không kiểm tra lượng hàng tồn kho và các công trình mà công ty đã và đang thi công.

Trong thời gian kiểm tra, bà không gọi điện báo cáo tình hình cho Hồ Minh K.

[2.3]. Quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm, ông Đỗ Nguyễn Duy M, bà Đặng Mậu Mỹ C đều khẳng định: Hồ Minh K không trực tiếp thanh tra tại Công ty AN, nhưng chiều ngày 24-9-2017, K cùng ông Nguyễn Hoàng T1 đến công ty. Trong quá trình làm việc, K đưa cho ông M một tờ giấy A4 liệt kê các lỗi vi phạm của công ty, ngoài nội dung thanh tra (bà C khai K đưa 02 tờ giấy A4 liệt kê các lỗi vi phạm) và yêu cầu công ty chi hối lộ để được bỏ qua các lỗi vi phạm. Sau khi thỏa thuận mức tiền đưa và nhận hối lộ, K yêu cầu ông Nguyễn Hoàng T1 đưa cho ông M Biên bản xác nhận số liệu thanh tra có sẵn chữ ký của ông Phạm Trọng A (là thành viên đoàn thanh tra).

Bà Trần Thị Thu H1, ông Nguyễn Hoàng T1 và ông Phạm Trọng A đều khẳng định Đoàn thanh tra chỉ kiểm tra các nội dung được nêu trong Quyết định số 1324/QĐ-CT ngày 01-9-2017 của Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Định, không kiểm tra lượng hàng tồn kho, không kiểm tra các công trình mà công ty đã và đang thi công; ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng T1 khẳng định, sau khi K yêu cầu, ông đã in nhờ máy in của Công ty AN 02 Biên bản xác nhận số liệu thanh tra rồi đưa cho K, do đó không thể có sẵn chữ ký của ông Phạm Trọng A được; còn ông Phạm Trọng A khẳng định, chiều ngày 24-9-2017, ông không có mặt tại công ty, nên không thể có chữ ký của ông trong biên bản này.

Như vậy, trong vụ án này, các lỗi vi phạm ngoài nội dung thanh tra được nêu tại Quyết định số 1324/QĐ-CT ngày 01-9-2017 của Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Định là điều kiện để Hồ Minh K yêu cầu chi tiền hối lộ. Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định chưa làm rõ được trong quá trình thanh tra, ngoài nội dung thanh tra được nêu tại Quyết định số 1324/QĐ-CT ngày 01-9-2017 của Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Định, thì Đoàn thanh tra có kiểm tra các nội dung khác không? chưa làm rõ Biên bản xác nhận số liệu thanh tra được in từ máy in của công ty chiều ngày 24-9-2017 hay được in sẵn? từ đâu mà Hồ Minh K biết được các sai phạm của Công ty AN để đưa ra số tiền phạt là 1.387.000.000 đồng.

Ngoài ra, khi bắt giữ Hồ Minh K về hành vi nhận hối lộ, thì số tiền đưa và nhận hối lộ là vật chứng rất quan trọng để buộc tội người có hành vi vi phạm, nhưng Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Định không niêm phong vật chứng theo đúng quy định của pháp luật; việc lập Biên bản ghi nhận sự việc đòi và nhận hối lộ, Biên bản bắt người phạm tội quả tang không được thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Do đó, để có đủ căn cứ kết án đối với Hồ Minh K, cần phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra làm rõ các nội dung sau:

- Ngoài nội dung thanh tra được nêu tại Quyết định số 1324/QĐ-CT ngày 01-9-2017 của Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Định đối với Công ty AN, thì Đoàn thanh tra của Cục Thuế tỉnh Bình Định có kiểm tra các nội dung khác không? - Chiều 24-9-2017, Hồ Minh K có đưa tờ giấy A4 liệt kê các lỗi sai phạm của Công ty AN cho ông Đỗ Nguyễn Duy M không? từ đâu mà Hồ Minh K biết Công ty AN có các lỗi sai phạm này để xác định công ty bị nộp phạt số tiền rất cụ thể là 1.387.000.000 đồng? - Biên bản xác nhận số liệu thanh tra được lập tại Công ty AN hay được lập trước đó? chữ ký tại biên bản này có phải của ông Phạm Trọng A không? - Các cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Định được ghi tại Biên bản ghi nhận sự việc đòi và nhận hối lộ và Biên bản bắt người phạm tội quả tang (cùng ngày 01-10-2017) thực tế có tham gia bắt giữ Hồ Minh K tại cà phê HQ; địa chỉ: số 02, Đường P2, tổ 14, khu vực 3, phường L1, thành phố Q, tỉnh Bình Định không? - Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19-9-2019 và phiên tòa phúc thẩm ngày hôm nay (26-11-2019), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (ông Đỗ Nguyễn Duy M) và bị cáo Hồ Minh K đều khẳng định: ngay sau khi ông M đưa cho K 02 bịch nilon, thì Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Định ập vào bắt giữ, chụp hình 02 bọc nilon rồi dẫn giải K và ông M mỗi người trên một xe ô tô về trụ sở Công an tỉnh Bình Định để lấy lời khai, còn ai là người quản lý 02 bọc nilon? đưa 02 bọc nilon này về trụ sở khi nào, bằng hình thức gì thì cả hai đều không biết?. Vậy cần làm rõ khi bắt giữ, Cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Định có chụp hình vật chứng là 02 bì nilon (bên trong có tiền) không? nếu có thì hình ảnh đang lưu giữ tại đâu?.

- Do vật chứng là 02 bịch nilon (bên trong có tiền) không được niêm phong, thì khi dẫn giải người vi phạm (Hồ Minh K) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (ông Đỗ Nguyễn Duy M) về trụ sở Công an tỉnh, ai là người quản lý vật chứng (02 bịch nilon) này? ai là người đưa vật chứng về trụ sở Công an tỉnh? việc giao nhận và kiểm đếm tiền đưa và nhận hối lộ ra sao? - Người biết sự việc là ông Lâm Văn C1 (sinh năm 1964; địa chỉ cư trú: thôn H4, xã N2, thành phố Q) khẳng định: khoảng 13 giờ 30 phút ngày 01-10-20178, khi ông đang uống cà phê tại HQ thì thấy người mập, cao to, mặc áo trắng (ông M) đi từ ngoài vào, ngồi xuống bàn rồi điện thoại liên tục. Khoảng 05 phút sau thấy một ông nhỏ con, mặc áo sẫm màu (bị cáo K) đến. Ông không nghe hai người trao đổi việc gì, mà chỉ thấy người mập (ông M) bỏ một bì đen vào túi xách của người nhỏ con (bị cáo K), nhưng chưa được một phút sau thì Công an ập tới. Lúc này, người mập (ông M) lấy trong túi xách của người nhỏ con (bị cáo K) một bì màu đen, một bì màu nâu để lên bàn. Tại thời điểm này ông không thấy có hai người làm chứng (ông Bùi Đăng Kh, chị Lê Hạ Phương Đ). Cần xác định rõ, ông Bùi Đăng Kh và chị Lê Hạ Phương Đ thực tế có mặt tại nơi bắt giữ Hồ Minh K không?.

- Ông Bùi Đăng Kh và chị Lê Hạ Phương Đ là người chứng kiến việc bắt giữ Hồ Minh K về hành vi nhận hối lộ tại cà phê HQ hay là người làm chứng việc lập Biên bản ghi nhận sự việc đòi và nhận hối lộ và Biên bản bắt người phạm tội quả tang? Việc chứng kiến hay làm chứng được thực hiện tại địa điểm nào? - Hồ sơ vụ án thể hiện, ông Đỗ Nguyễn Duy M có “Đơn tố cáo” đề ngày 28-9-2017 (bút lục số 79) gửi Ban Nội chính tỉnh ủy Bình Định tố cáo Hồ Minh K về hành vi đòi hối lộ. Quá trình điều tra, ông Đỗ Nguyễn Duy M thừa nhận biết việc đưa hối lộ cho Hồ Minh K là vi phạm pháp luật, nhưng do muốn được bỏ qua các sai phạm để Công ty AN không phải nộp phạt số tiền lớn, nên vẫn đưa tiền để hối lộ cho Hồ Minh K.

Tại Điều 364 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Đưa hối lộ” quy định: “Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

7) Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”.

Như vậy, pháp luật chỉ quy định người bị ép buộc đã đưa hối lộ nhưng chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội. Trong vụ án này, mặc dù ông Đỗ Nguyễn Duy M có “Đơn tố cáo” đề ngày 28-9-2019 gửi Ban Nội chính tỉnh ủy Bình Định về hành vi đòi hối lộ của Hồ Minh K và hồi 14 giờ 30 phút ngày 29-9-2017, Ban Nội chính tỉnh ủy Bình Định đã bàn giao “Đơn tố cáo” này cho Công an tỉnh Bình Định (bút lục số 78). Tuy nhiên, Công an tỉnh Bình Định chưa kịp kiểm tra, xác minh “Đơn tố cáo” để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, thì ông Đỗ Nguyễn Duy M đã chủ động đưa hối lộ cho Hồ Minh K và bị bắt quả tang. Do đó, theo quy định nêu trên, thì ông Đỗ Nguyễn Duy M không thuộc trường hợp “Chủ động khai báo trước khi bị phát giác”. Vì vậy, để giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt người phạm tội, cần xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Đỗ Nguyễn Duy M về hành vi đưa hối lộ.

- Ông Đỗ Nguyễn Duy M cho rằng khi được Hồ Minh K thông báo công ty có sai phạm, yêu cầu chi tiền để được giảm mức phạt, thì ông M là người chỉ đạo ông Phan Ngọc A1 (là Kế toán của công ty) thỏa thuận với Hồ Minh K giảm mức chi tiền hối lộ; còn bà Phan Thị Mỹ Chi cho rằng chính bà C là người chỉ đạo ông Phan Ngọc A1 thỏa thuận với Hồ Minh K giảm mức tiền đưa hối lộ. Vì vậy, cần xác định rõ ai là người chỉ đạo ông Phan Ngọc A1 thỏa thuận với Hồ Minh K về số tiền đưa hối lộ? nội dung thỏa thuận giữa ông Phan Ngọc A1 và Hồ Minh K?, từ đó xem xét trách nhiệm hình sự của bà Đặng Mậu Mỹ C và ông Phan Ngọc A1 với vai trò đồng phạm về hành vi đưa hối lộ.

[2.4]. Như vậy, kháng cáo của Hồ Minh K đã được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét, nhưng do hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, nên nội dung kêu oan của bị cáo sẽ được xem xét khi điều tra lại vụ án.

[3]. Về án phí: Do hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, nên Hồ Minh K không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355 và Điều 358 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

1. Hy Bản án hình sự sơ thẩm số 37/2018/HS-ST ngày 03-8-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định để điều tra lại.

2. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định để điều tra lại theo thủ tục chung.

Tiếp tục tạm giam bị cáo Hồ Minh K cho đến khi Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thụ lý lại vụ án.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

966
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 398/2019/HSPT ngày 26/11/2019 về tội nhận hối lộ

Số hiệu:398/2019/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 26/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về