TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 8, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 38/2020/KDTM-ST NGÀY 19/10/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 19 tháng 10 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 24/2019/TLST-KDTM ngày 31 tháng 12 năm 2019 về “tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 227/2020/QĐXXST-KDTM ngày 14 tháng 9 năm 2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 181/2020/QĐST-KDTM ngày 30/9/2019, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty DM Trụ sở: Đường D, Phường M, quận TB, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Đinh Quang N, sinh năm 1976; địa chỉ: Đường T, phường H, quận TP, Thành phố Hồ Chí Minh; là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền số 374/GUQ-DM7 ngày 11/8/2020)
Bị đơn: Công ty H Trụ sở: Đường P, Phường G, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật: Ông Huỳnh Thanh V, sinh năm: 1980 Chức danh: Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Địa chỉ: Đường Đ, Phường I, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo Đơn khởi kiện nộp tại Tòa án ngày 27/11/2019, Đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện ngày 28/8/2020 và quá trình tham gia tố tụng người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Ngày 11/8/2018, Công ty DM ký hợp đồng mua bán số 01- 2018/HĐMB/DM7-PNT với Công ty P tên mới là Công ty H với tổng giá trị là 22.352.000.000 đồng và đơn đặt hàng số 09/7/ĐH ký ngày 20/7/2018 về in gia công cho Công ty P.
Thực hiện hợp đồng trên, Công ty DM đã sản xuất và giao hàng cho Công ty P (Công ty H) và đã xuất tổng cộng 13 hóa đơn giá trị gia tăng với tổng số tiền là 4.412.478.887 đồng.
Công ty P (Công ty H) có đặt cọc số tiền là 2.156.000.000 đồng.
Mặc dù đã nhận hàng nhưng cho đến nay Công ty P (Công ty H) chưa thanh toán bất kỳ khoản tiền hàng nào cho Công ty DM.
Nợ lãi phát sinh do chậm thanh toán đến ngày 31/10/2019 là 217.826.319 đồng.
Tổng cộng tiền hàng chưa thanh toán và tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán mà Công ty P (Công ty H) còn phải thanh toán cho Công ty DM là 4.630.305.206 đồng.
Nay, Công ty DM khởi kiện yêu cầu:
- Chấm dứt Hợp đồng mua bán số 01-2018/HĐMB/DM7-PNT giữa Công ty DM với Công ty P (nay là Công ty H). Lý do phía Công ty P (Công ty H) đã vi phạm một trong những điều khoản cơ bản của hợp đồng, đó là vi phạm điều khoản thanh toán tiền hàng cho Công ty DM.
- Công ty P (Công ty H) phải thanh toán cho Công ty DM số tiền hàng đã nhận 4.412.47.887 đồng và tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán 217.826.319 đồng, tổng cộng 4.630.305.206 đồng. Sau khi cấn trừ tiền cọc, Công ty P (Công ty H) phải trả số tiền 2.474.305.206 đồng. Yêu cầu bị đơn phải trả ngay một lần sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
* Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã triệu tập hợp lệ bị đơn đến Tòa án để tự khai, tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và tham gia phiên tòa nhưng Công ty H không cử người đại diện hợp pháp đến Tòa án theo giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng. Công ty H cũng không có bất kỳ văn bản nào phản hồi đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty DM. Do đó, Tòa án không thể thu thập được lời khai của Công ty H.
Tại phiên tòa, Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn - ông Đinh Quang N thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện liên quan đến số tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán, cụ thể yêu cầu bị đơn phải trả tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán trên nợ gốc của từng hóa đơn giá trị gia tăng mà nguyên đơn đã xuất hàng cho bị đơn, tính từ thời điểm quá hạn thanh toán đến thời điểm xét xử sơ thẩm, với mức lãi suất theo quy định của pháp luật. Đối với các yêu cầu còn lại thì giữ nguyên ý kiến có trong hồ sơ.
Bị đơn vắng mặt lần thứ hai không có lý do.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Quận 8 phát biểu ý kiến: Qua kiểm sát việc giải quyết vụ án từ khi thụ lý đến trước khi xét xử thấy rằng:
- Về tố tụng: Thẩm phán đã chấp hành đúng quy định tại Điều 48 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 trong quá trình giải quyết vụ án. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về phiên tòa sơ thẩm. Nguyên đơn đã thực hiện đúng quy định tại các Điều 70, 71 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Bị đơn thực hiện đúng quy định tại các Điều 70, 72, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào các Điều 3, 50, 306 Luật Thương mại năm 2005 tuyên: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào ý kiến phát biểu của Viện Kiểm sát nhân dân Quận 8, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án:
Công ty DM khởi kiện Công ty H yêu cầu thanh toán tiền hàng hóa đã nhận theo Hợp đồng mua bán hàng hóa đã ký kết, xác định đây là vụ án kinh doanh thương mại về “tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”; bị đơn có trụ sở tại Quận 8, nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, Điều 36, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[2] Về thủ tục tố tụng:
- Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn – ông Đinh Quang N có Đơn đề nghị Tòa án không tiến hành thủ tục hòa giải. Căn cứ khoản 4 Điều 207 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Tòa án không tiến hành hòa giải giữa các bên.
- Bị đơn đã được triệu tập tham gia phiên tòa hợp lệ lần thứ hai (bằng thủ tục niêm yết công khai và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về ngày, giờ tham gia phiên tòa) nhưng vắng mặt không có lý do. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án tiến hành mở phiên tòa xét xử vắng mặt bị đơn.
[3] Về yêu cầu của đương sự:
Xét, việc Công ty DM yêu cầu Công ty P (nay là Công ty H) thanh toán số tiền hàng đã nhận và tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán trên nợ gốc của từng hóa đơn giá trị gia tăng mà nguyên đơn đã xuất hàng cho bị đơn, tính từ thời điểm quá hạn thanh toán đến thời điểm xét xử sơ thẩm, với mức lãi suất theo quy định của pháp luật. Nguyên đơn đồng ý cấn trừ số tiền đã đặt cọc của bị đơn. Yêu cầu thanh toán một lần ngay sau khi có Bản án có hiệu lực của Tòa án.
Hội đồng xét xử xét thấy:
Trong suốt quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã triệu tập Công ty H đến Tòa án để tự khai, tham gia phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và tham gia phiên tòa (bằng thủ tục niêm yết công khai và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng) nhưng Công ty H không cử đại diện hợp pháp đến Tòa án theo giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng. Đồng thời, Công ty H cũng không có bất kỳ văn bản nào phản hồi đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty DM. Điều này xem như Công ty H đã từ bỏ quyền và không thực hiện nghĩa vụ tham gia tố tụng tại Tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình. Do đó, Hội đồng xét xử căn cứ vào yêu cầu và những chứng cứ do nguyên đơn cung cấp để xem xét giải quyết vụ án.
- Về yêu cầu chấm dứt Hợp đồng mua bán số 01-2018/HĐMB/DM7-PNT ngày 11/8/2018:
Tại Điều 4 Hợp đồng mua bán số 01-2018/HĐMB/DM7-PNT ngày 11/8/2018 quy định “Thời hạn thanh toán: Căn cứ số lượng thực tế, bên B thanh toán cho bên A trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận hàng và hóa đơn giá trị gia tăng”.
Căn cứ vào 13 hóa đơn giá trị gia tăng thể hiện ngày giao hàng và phát hành hóa đơn (số 0001632 ngày 28/7/2018; số 0001773 ngày 31/8/2018; số 0001811 ngày 10/9/2018; số 0001938 ngày 17/10/2018; số 0001951 ngày 23/10/2018; số 0001999 ngày 31/10/2018; số 0002013 ngày 08/11/2018; số 0002014 ngày 08/11/2018; số 0002026 ngày 15/11/2018; số 0002027 ngày 15/11/2018; số 0002030 ngày 15/11/2018; số 0002031 ngày 15/11/2018; số 0002272 ngày 21/02/2019) cho thấy việc giao hàng và xuất hóa đơn từ lần đầu tiên vào ngày 27/8/2018, lần cuối cùng vào ngày 21/02/2019 đến nay là đã quá 30 ngày kể từ ngày nhận hàng và hóa đơn giá trị gia tăng của tất cả 09 lần nhận hàng nêu trên nhưng Công ty P (Công ty H) không thanh toán tiền hàng cho bất kỳ lần nhận hàng nào trong 09 lần nhận hàng nêu trên. Như vậy, Công ty P (Công ty H) đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo quy định tại Điều 4 của Hợp đồng mua bán, là đã vi phạm điều khoản cơ bản của Hợp đồng nên việc nguyên đơn yêu cầu chấm dứt Hợp đồng mua bán số 01-2018/HĐMB/DM7-PNT ngày 11/8/2018 là có cơ sở, phù hợp quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 nên được chấp nhận.
- Về yêu cầu đòi bị đơn thanh toán tiền đối với số lượng hàng hóa đã nhận và tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán:
Căn cứ vào Hợp đồng mua bán số 01-2018/HĐMB/DM7-PNT ngày 11/8/2018 và các chứng từ hóa đơn thể hiện giữa Công ty DM với Công ty P (Công ty H) có giao kết Hợp đồng mua bán hàng hóa, Công ty DM đã giao hàng cho Công ty P (Công ty H) 09 lần và xuất 13 hóa đơn giá trị gia tăng nêu trên là có thật. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty P (Công ty H) đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán, số tiền hàng còn nợ Công ty DM đến thời điểm xét xử là 4.412.478.887 đồng theo 13 hóa đơn giá trị gia tăng mà Công ty DM đã xuất cho Công ty P (Công ty H) đã được Công ty P (Công ty H) xác nhận tại Thư xác nhận số dư công nợ ngày 10/7/2019. Hội đồng xét xử xét thấy bị đơn đã vi phạm thỏa thuận giữa các bên trong Hợp đồng mua bán đã ký kết, kể từ ngày nhận hàng đầu tiên 28/7/2018 đến ngày nhận hàng cuối cùng 21/02/2019 bị đơn đã không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán tiền hàng. Do đó, yêu cầu của nguyên đơn về việc đòi bị đơn thanh toán tiền đối với số lượng hàng hóa đã nhận và tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán là có cơ sở, phù hợp quy định tại Điều 50, Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 nên được chấp nhận.
Cụ thể:
+ Bị đơn phải thanh toán tiền đối với số lượng hàng hóa đã nhận mà chưa thanh toán tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm là 4.412.478.887 đồng (I);
+ Bị đơn phải trả tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán của 09 lần nhận hàng (13 hóa đơn giá trị gia tăng) tính từ thời điểm quá hạn thanh toán đến thời điểm xét xử sơ thẩm theo mức lãi suất nợ quá hạn của loại hình cho vay trung dài hạn trung bình trên thị trường của 03 (ba) ngân hàng thương mại có trụ sở Chi nhánh đặt tại Quận 8 (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam) quy định tại thời điểm thanh toán là 15,25%/năm.
Lần 1: Ngày 28/7/2018, Công ty DM đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty P (Công ty H) với tổng số tiền là 100.165.000 đồng.
Số ngày quá hạn tính đến ngày 19/10/2020 (sau khi đã trừ 30 ngày trong hạn) là 780 ngày.
Tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán là: 100.165.000 đồng x 15,25%/năm x 780 ngày = 32.642.813 đồng
(1) Lần 2: Ngày 31/8/2018, Công ty DM đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty P (Công ty H) với tổng số tiền là 123.273.590 đồng.
Số ngày quá hạn tính đến ngày 19/10/2020 (sau khi đã trừ 30 ngày trong hạn) là 748 ngày.
Tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán là: 123.273.590 đồng x 15,25%/năm x 748 ngày = 38.525.529 đồng
(2) Lần 3: Ngày 10/9/2018, Công ty DM đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty P (Công ty H) với tổng số tiền là 131.460.450 đồng;
Số ngày quá hạn tính đến ngày 19/10/2020 (sau khi đã trừ 30 ngày trong hạn) là 738 ngày.
Tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán là: 131.460.450 đồng x 15,25%/năm x 738 ngày = 40.534.839 đồng
(3) Lần 4: Ngày 17/10/2018, Công ty DM đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty P (Công ty H) với tổng số tiền là 309.640.950 đồng;
Số ngày quá hạn tính đến ngày 19/10/2020 (sau khi đã trừ 30 ngày trong hạn) là 696 ngày.
Tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán là: 309.640.950 đồng x 15,25%/năm x 696 ngày = 90.041.891 đồng
(4) Lần 5: Ngày 23/10/2018, Công ty DM đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty P (Công ty H) với tổng số tiền là 576.805.845 đồng;
Số ngày quá hạn tính đến ngày 19/10/2020 (sau khi đã trừ 30 ngày trong hạn) là 690 ngày.
Tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán là: 576.805.845 đồng x 15,25%/năm x 690 ngày = 166.286.013 đồng
(5) Lần 6: Ngày 31/10/2018, Công ty DM đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty P (Công ty H) với tổng số tiền là 331.099.950 đồng;
Số ngày quá hạn tính đến ngày 19/10/2020 (sau khi đã trừ 30 ngày trong hạn) là 682 ngày.
Tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán là: 331.099.950 đồng x 15,25%/năm x 682 ngày = 94.345.343 đồng
(6) Lần 7: Ngày 08/11/2018, Công ty DM đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty P (Công ty H) với tổng số tiền là 1.365.641.100 đồng;
Số ngày quá hạn tính đến ngày 19/10/2020 (sau khi đã trừ 30 ngày trong hạn) là 675 ngày.
Tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán là:
1.365.641.100 đồng x 15,25%/năm x 675 ngày = 385.138.851 đồng (7) Lần 8: Ngày 15/11/2018, Công ty DM đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty P (Công ty H) với tổng số tiền là 1.183.453.502 đồng;
Số ngày quá hạn tính đến ngày 19/10/2020 (sau khi đã trừ 30 ngày trong hạn) là 668 ngày.
Tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán là: 1.183.453.502 đồng x 15,25%/năm x 668 ngày = 330.297.008 đồng
(8) Lần 9: Ngày 21/02/2019, Công ty DM đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty P (Công ty H) với tổng số tiền là 290.938.500 đồng.
Số ngày quá hạn tính đến ngày 19/10/2020 (sau khi đã trừ 30 ngày trong hạn) là 572 ngày.
Tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán là: 290.938.500 đồng x 15,25%/năm x 572 ngày = 69.530.316 đồng (9) Tổng cộng tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán:
(1) + (2) + (3) + (4) + (5) + (6) + (7) + (8) + (9) = 1.247.342.603 đồng (II) Công ty DM đồng ý cấn trừ số tiền Công ty H đã đặt cọc 2.156.000.000 đồng (III).
Như vậy, số tiền Công ty H còn phải thanh toán cho Công ty DM là: (I) + (II) – (III) = 3.503.821.490 đồng.
- Về thời hạn thanh toán:
Xét Công ty H đã vi phạm thời hạn thanh toán của Hợp đồng mua bán đã ký, kể từ lần nhận hàng và hóa đơn giá trị gia tăng đầu tiên 28/7/2018 cho đến nay không thanh toán khoản tiền nào cho Công ty DM. Như vậy, cho thấy Công ty H đã không có thiện chí thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền hàng nên yêu cầu của Công ty DM buộc Công ty H trả một lần ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật là chính đáng, được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[4] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 102.076.430đ (Một trăm lẻ hai triệu không trăm bảy mươi sáu nghìn bốn trăm ba mươi đồng):
- Nguyên đơn không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm nên được hoàn trả lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp;
- Bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 về án phí, lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào:
- Khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, Điều 36, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 4 Điều 207, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228, Điều 271, khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Khoản 8 Điều 3, Điều 50, Điều 306 Luật Thương mại năm 2005;
- Điều 11, điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về án phí, lệ phí Tòa án;
- Điều 4 Thông tư 14/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
1.1. Chấm dứt Hợp đồng mua bán số 01-2018/HĐMB/DM7-PNT giữa Công ty DM với Công ty P (tên mới: Công ty H).
1.2. Công ty H phải thanh toán cho Công ty DM số tiền là 3.503.821.490đ (Ba tỷ năm trăm lẻ ba triệu tám trăm hai mươi mốt nghìn bốn trăm chín mươi đồng).
Thanh toán một lần ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005.
2. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:
2.1. Hoàn trả lại cho Công ty DM số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 56.316.000đ (Năm mươi sáu triệu ba trăm mười sáu nghìn đồng) theo biên lai thu số 0012691 ngày 26/12/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 8.
2.2. Công ty H phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 102.076.430đ (Một trăm lẻ hai triệu không trăm bảy mươi sáu nghìn bốn trăm ba mươi đồng), nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự Quận 8.
Thi hành tại cơ quan Thi hành án Dân sự có thẩm quyền.
3. Về quyền kháng cáo:
3.1. Công ty DM được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án;
3.2. Công ty H được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 38/2020/KDTM-ST ngày 19/10/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Số hiệu: | 38/2020/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận 8 - Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 19/10/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về