Bản án 38/2018/HS-PT ngày 27/03/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 38/2018/HS-PT NGÀY 27/03/2018 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 27 tháng 3 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 11/2018/TLPT-HS ngày 22/01/2018 đối với bị cáo A do có kháng cáo của bị cáo A đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 122/2017/HSST ngày 08/12/2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Q.

Bị cáo có kháng cáo:

A - sinh năm: 1987 tại Bình Định; Nơi ĐKHKTT: Thôn A, thị trấn A, huyện P, tỉnh Bình Định; Tạm trú: B, phường B, Tp.Q, tỉnh Bình Định; Nghề nghiệp: Kỹ thuật viên xét nghiệm; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: kinh; Giới tính: nam; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: B – sinh năm 1964 và bà C – sinh năm 1964; Vợ, con: chưa có; Tiền án, tiền sự: không; Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú; Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

Ngoài ra còn có bị cáo D không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Tại Khoa Huyết học thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định có quản lý các phiếu kê mua hàng nhằm bồi dưỡng cho những người đã bán hoặc hiến máu, tiểu cầu cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Phiếu này do Phòng Tài chính – Kế toán của bệnh viện phát hành (đã được đóng dấu vuông xác nhận của phòng Tài chính – Kế toán) dùng để cán bộ trực trong ngày của Khoa Huyết học, sau khi thực hiện việc lấy máu, tiểu cầu của người bán hoặc hiến máu, tiểu cầu sẽ vào sổ theo dõi của Khoa và ghi các thông tin của người bán hoặc hiến máu, tiểu cầu và số tiền Bệnh viện phải thanh toán rồi đưa phiếu cho họ đem phiếu đến phòng thu viện phí của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định để nhận tiền. Ngày 15/5/2017, A là cán bộ kỹ thuật viên của Khoa Huyết học thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đã lén lấy 50 phiếu kê mua hàng của Khoa Huyết học mang về nhà. Sau đó A liên lạc với D, rủ D cùng thực hiện việc ghi nội dung khống trên Phiếu kê mua hàng nhằm chiếm đoạt tiền của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, số tiền chiếm đoạt được thì sẽ chia đôi, D đồng ý. A hướng dẫn D ghi các nội dung khống về người bán máu hoặc tiểu cầu lên Phiếu kê mua hàng, riêng tên người mua hàng sẽ do A cung cấp để D điền cho phù hợp với tên của cán bộ khoa Huyết học trực trong ngày ghi trên phiếu rồi D sẽ mang các phiếu này đến phòng thu viện phí của bệnh viện để lấy tiền.

Từ ngày 18/5/2017 đến ngày 31/5/2017, D đã trực tiếp hoặc nhờ các em nhỏ (không xác định được) ghi nội dung người mua, người hiến máu, tiểu cầu trên phiếu kê mua hàng theo sự cung cấp của A rồi đến phòng thu viện phí của bệnh viện nhận tiền, tổng số tiền D đã nhận là 10.000.000 đồng. Do sợ bị phát hiện nên từ ngày 08/6/2017 đến ngày 11/6/2017 D nhờ E (bạn của D) mang 16 Phiếu kê mua hàng đến phòng thu viện phí nhận tiền (trong đó D có nhờ E ghi dùm thông tin trên 07 Phiếu kê mua hàng, D đã viết và ký sẵn ở mục người mua trước). Tổng số tiền E nhận được từ phòng thu viện phí Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định là 5.120.000 đồng và E đã đưa lại toàn bộ số tiền này cho D, D cho E tổng cộng 320.000 đồng. Ngoài ra trong 02 ngày 08 và 09/6/2017 D còn viết khống trên 04 phiếu kê mua hàng và trực tiếp đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định nhận được 1.440.000 đồng.

Qua quá trình điều tra xác định: A và D đã sử dụng 45 Phiếu kê mua hàng mang đến Phòng thu viện phí của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, chiếm đoạt tài sản của bệnh viện với tổng số tiền là 16.560.000 đồng. Số tiền bị chiếm đoạt này là quỹ tiền của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình định dùng cho việc chi thường xuyên. A và D đã chia đôi số tiền chiếm đoạt, mỗi người được 8.280.000 đồng.

Cơ quan CSĐT Công an Tp.Q đã thu giữ 05 Phiếu kê mua hàng tại nhà trọ của A, thu giữ 43 Phiếu kê mua hàng do Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định giao nộp, thu giữ 02 Phiếu kê mua hàng do nhân viên bệnh viện F giao nộp.

A, D và E đã giao nộp lại số tiền chiếm đoạt 16.560.000 đồng cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Đại diện theo ủy quyền của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, chị G (Trưởng phòng Tài chính – Kế toán) không có yêu cầu bồi thường gì thêm.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 122/2017/HSST ngày 08/12/2017 Tòa án nhân dân Thành phố Q, đã quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo A phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

- Áp dụng: Khoản 1 Điều 139, Điểm b, h, p Khoản 1 Điều 46; Điểm i khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Bị cáo A 06 (sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí sơ thẩm và thông báo quyền kháng cáo của bị cáo và đương sự khác.

*/ Ngày 13/12/2017 bị cáo A có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định phát biểu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị áp dụng thêm cho bị cáo Khoản 2 Điều 46; Điều 60 của Bộ luật hình sự; Điểm b Khoản 1 Điều 355; Điểm e Khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm. Giữ nguyên mức hình phạt của bản án sơ thẩm nhưng cho bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Bị cáo A công tác tại Khoa Huyết học thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định với chức danh là cán bộ kỹ thuật viên, trong quá trình làm việc bị cáo thấy Khoa Huyết học có nhiều sơ hở trong việc quản lý phiếu kê mua hàng bồi dưỡng cho những người bán hoặc hiến máu, tiểu cầu cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, nên nảy sinh ý định lấy các phiếu này ghi khống đem đến phòng thu phí của Bệnh viện để chiếm đoạt tiền. Bị cáo A đã lén lút lấy 50 phiếu (chưa ghi nội dung) và rủ bị cáo D cùng tham gia. Từ ngày 18/5/2017 đến ngày 11/6/2017 các bị cáo A và D đã ghi khống 45 phiếu kê mua hàng đem đến phòng thu viện phí nhận tiền và đã chiếm đoạt của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định số tiền 16.560.000đồng. Cấp sơ thẩm đã xử phạt các bị cáo theo Khoản 1 Điều 139 của Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng theo quy định của pháp luật.

[2] Xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo của bị cáo A. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét thấy trong quá trình xét xử Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất mức độ của hành vi và hậu quả mà bị cáo đã gây ra cũng như đã xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng được quy định tại điểm i Khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự và đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo như: phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo đã tự nguyện khắc phục toàn bộ hậu quả để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b, h, p Khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo 06 tháng tù là có căn cứ. Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo cung cấp thêm các tình tiết giảm nhẹ mới như: Cha bị cáo bị tàn tật không lao động được, hiện đang hưởng trợ cấp xã hội; mẹ bị cáo bị bệnh hiểm nghèo (cắt túi mật); bị cáo là lao động chính; hoàn cảnh gia đình rất khó khăn (được chính quyền địa phương xác nhận), đây là tình tiết giảm nhẹ mới nên áp dụng thêm cho bị cáo Khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự. Xét thấy bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú ổn định và hiện nay bị cáo vẫn còn đang công tác tại Khoa Huyết học – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định nên không cần thiết cách ly bị cáo ra khỏi xã hội mà xử phạt bị cáo hình phạt tù có điều kiện là phù hợp.

[3] Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét chấp nhận kháng cáo của bị cáo A, áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự, giữ nguyên mức hình phạt nhưng cho bị cáo A được hưởng hình phạt tù có điều kiện và ấn định thời gian thử thách để bị cáo phấn đấu sửa chữa lỗi lầm là hoàn toàn phù hợp, không ảnh hưởng gì xấu đến cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm và cũng đủ tác dụng răn đe giáo dục, cải tạo bị cáo trở thành công dân tốt cho xã hội.

- Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị giữ nguyên.

- Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo không phải chịu;

Vì lẽ nêu trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 355; Điểm e Khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự;

1- Chấp nhận kháng cáo của bị cáo A; Sửa bản án sơ thẩm.

2- Áp dụng Khoản 1 Điều 139; Điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điểm i Khoản 1 Điều 48; Điều 60 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo A 06 (sáu) tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng cho hưởng án treo; thời gian thử thách là 12 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm 27/3/2018.

Giao bị cáo A cho UBND thị trấn P, huyện P, tỉnh Bình Định giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách; trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

3- Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo A không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

4- Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

358
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 38/2018/HS-PT ngày 27/03/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:38/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về