Bản án 372/2019/HS-PT ngày 20/11/2019 về tội mua bán trái phép hóa đơn

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 372/2019/HS-PT NGÀY 20/11/2019 VỀ TỘI MUA BÁN TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN

Vào ngày 20 tháng 11 năm 2019 tại Trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 359/TLPT-HS ngày 24 tháng 10 năm 2019 đối với bị cáo Huỳnh Hữu B về tội “Lập quỹ trái phép”. Do có kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 48/2019/HS-ST ngày 09/09/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.

- Bị cáo bị kháng nghị: Huỳnh Hữu B - Sinh ngày: 22/10/1964; nơi sinh: thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Nơi cư trú: Nhà số A.204 Chung cư S, khu vực 11, phường Ng, thành phố Q1, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Thủ công mỹ nghệ B; Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Huỳnh Hữu X (chết) và bà Đinh Thị H3; vợ: Lê Hoài Th1; con: có 02 con, lớn nhất sinh năm 1989, nhỏ nhất sinh năm 1992; tiền án, tiền sự: không; bị cáo tại ngoại; có mặt tại phiên tòa.

- Các bị cáo không bị kháng cáo, kháng nghị:

1. Lê Văn Q - Sinh ngày: 06/3/1967; nơi sinh: huyện P1, tỉnh Bình Định. Nơi cư trú: Số 37/30 đường Đ1, khu vực 1, phường Th2, thành phố Q1, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Kế toán Trường Trung cấp Thủ công mỹ nghệ B; Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Lê Văn T3 (Liệt sĩ) và bà Lâm Thị M1 (Chết); vợ: Lâm Thị Ngọc Q2 – Sinh năm: 1975; con: Có 02 con, lớn nhất sinh năm 2000, nhỏ nhất sinh năm 2006; tiền án, tiền sự: không; bị cáo tại ngoại, có mặt

2. Đặng Trường V - sinh ngày: 29/3/1982; nơi sinh: thành phố Hồ Chí Minh; nơi cư trú: Số 175/5A đường T2, khu vực 4, phường Q2, thành phố Q1, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Giáo viên Trường Trung cấp Thủ công mỹ nghệ B; Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Đặng Nh1 và bà Nguyễn Thị Th3; vợ: Võ Thị Bích Th4 – sinh năm: 1983; có 01 con sinh năm 2007; tiền án, tiền sự: không; bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

3. Trịnh Thị Phương Th - sinh ngày: 15/6/1982; nơi sinh: thành phố Q1, tỉnh Bình Định; nơi cư trú: Số 130 đường T4, khu vực 8, phường T5, thành phố Q1, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Thủ quỹ Trường Trung cấp Thủ công mỹ nghệ B; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nữ; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Trịnh Thành Ch và bà Hoàng Thị Phg; chồng: Nguyễn Thành Nh – sinh năm: 1971; có 02 con, lớn nhất sinh năm 2007, nhỏ nhất sinh năm 2008; tiền án, tiền sự: không; bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.

4. Nguyễn Thanh S - sinh ngày: 07/4/1981; nơi sinh: huyện T1, tỉnh Bình Định; nơi cư trú: thôn Ph1, xã Ph2, huyện T1, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Giáo viên Trường Trung cấp Thủ công mỹ nghệ B; Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Nguyễn Văn B1 và bà Trần Thị Kiều Q3; vợ: Nguyễn Thị Mỹ D1 – sinh năm: 1980; Có 02 con, lớn nhất sinh năm 2008, nhỏ nhất sinh năm 2010; tiền án, tiền sự: không; bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho các bị cáo:

Người bào chữa cho bị cáo Lê Văn Q: Ông Hồ Kh - Luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định (Có mặt) và ông Lê Thành Tr – Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định bào chữa cho bị cáo theo quy định. (Có mặt)

- Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Trường Cao đẳng B; Địa chỉ: thành phố Q1, tỉnh Bình Định.

Người đại diện hợp pháp: Ông Trần Đình A là người đại diện theo ủy quyền của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng B. (Có mặt) 2. Ông Phan Đình N – Sinh năm: 1964 (vắng mặt); địa chỉ: Số 232/9 đường Ng1, thành phố Q1, tỉnh Bình Định.

3. Chị Võ Thị Tường V1 – Sinh năm: 1983 (vắng mặt); địa chỉ: Khu vực 4, phường G, thành phố Q1, tỉnh Bình Định.

4. Anh Mai Thế Đ – Sinh năm: 1985 (vắng mặt); trú tại: Tổ 22, khu vực 3, phường Q4, thành phố Q1, tỉnh Bình Định.

5. Chị Hoàng Thị Thúy H1 – Sinh năm: 1982 (vắng mặt); địa chỉ: Tổ 28, khu vực 5, phường Ng2, thành phố Q1, tỉnh Bình Định.

6. Chị Nguyễn Thị N1 - Sinh năm: 1982 (vắng mặt); địa chỉ: Tổ 4, khu vực 5, phường Đ2, thành phố Q1, tỉnh Bình Định.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trường Trung cấp Thủ công mỹ nghệ B là cơ sở dạy nghề công lập, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định với chức năng, nhiệm vụ là: Tổ chức đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ ở trình độ trung cấp nghề, sơ cấp nghề; liên kết đào tạo nghề trình độ cao đẳng; tư vấn về học nghề, giới thiệu việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp; tổ chức nghiên cứu khoa học; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; thực hiện sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khoa học, kỹ thuật theo quy định của pháp luật; tham gia phổ cập nghề cho lao động nông thôn, lao động ở các làng nghề truyền thống, lao động bị thu hồi đất sản xuất, lao động là người tàn tật và theo nhu cầu của thị trường lao động. Hiện nay, Trường Trung cấp Thủ công mỹ nghệ B đã được sáp nhập vào Trường Cao đẳng B theo Quyết định số 4790/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định.

Ngày 03/5/2013, Huỳnh Hữu B được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Trung cấp thủ công mỹ nghệ B 1. Trong các năm 2014, 2015, nhằm mục đích tạo quỹ riêng để dễ dàng chi tiêu cho các nội dung không nằm trong dự toán chi ngân sách Nhà nước đã phê duyệt, thoát ra khỏi sự kiểm soát của bộ phận kế toán và sự quản lý, giám sát của cơ quan chủ quản, Huỳnh Hữu B đã tự ý đề ra chủ trương và chỉ đạo cho các giáo viên, nhân viên của trường mua, xin 52 hóa đơn của các đơn vị kinh doanh như: Văn phòng phẩm NL, Cơ sở điện lạnh BH, Tiệm điện NT, Thuốc thú y QD, Cửa hàng vật liệu xây dựng N2, Thiết bị Văn phòng Z, Công ty Trách nhiệm hữu hạn HT, Xí nghiệp xăng dầu HN, Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ N3, Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ công nghiệp TP, Cửa hàng BN, Cửa hàng TN để lập khống 45 bộ chứng từ, nâng khống nội dung mua vật tư, văn phòng phẩm, thuốc thú y, sửa chữa máy điều hòa, máy photocopy, thay mực in, mua nhiên liệu... để rút dự toán ngân sách số tiền là 578.808.822 đồng. Khi Kho bạc Nhà nước Bình Định chuyển tiền thanh toán cho các đơn vị xuất hóa đơn, các giáo viên, nhân viên của trường sẽ liên hệ với các đơn vị này nhận lại tiền rồi để ngoài sổ sách kế toán. Đặng Trường V, Nguyễn Thị N1, Trịnh Thị Phương Th và một số giáo viên, nhân viên của trường đã có hành vi lập chứng từ khống thanh toán số tiền nói trên theo sự chỉ đạo của Huỳnh Hữu B và sự hướng dẫn của Lê Văn Q cụ thể như sau:

- Đặng Trường V – Giáo viên kiêm cán bộ phụ trách Phòng Tổ chức – Hành chính – Tổng hợp sử dụng 40 hóa đơn của 10 đơn vị kinh doanh tại thành phố Q1 và huyện P1 lập 36 bộ chứng từ khống và chứng từ nâng khống nội dung thanh toán tổng số tiền là 498.861.282 đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước gồm dự toán ngân sách mua vật tư, văn phòng phẩm, thuốc thú y, sửa máy điều hòa, máy photocopy ... với tổng số tiền là 495.646.000 đồng và chi từ quỹ tiền mặt của trường để mua vật tư, nước với số tiền 3.215.282 đồng. Sau khi liên hệ lấy được tiền từ các đơn vị, V chuyển 67.094.282 đồng đưa cho Trịnh Thị Phương Th – Nhân viên thủ quỹ của trường quản lý và chi số tiền còn lại là 431.767.000 đồng theo sự chỉ đạo của Huỳnh Hữu B; cụ thể: Chi trồng cây keo, bạch đàn, sanh, sộp, lộc vừng, mai trong và ngay sát bên ngoài khuôn viên của trường; lắp đặt 06 hệ thống điện 03 pha tại các xưởng; làm kệ sắt để sách tại thư viện và các phòng làm việc; làm mái hiên, giàn hoa của nhà bảo vệ; làm giàn che dự kiến dùng cho lớp trồng nấm; làm thiết bị Panel thực hành trang bị điện; mua vật tư điện dự kiến làm thiết bị PLC, bảng thực hành trang bị điện; mua vật tư phục vụ công tác dạy nghề; mua vật tư phục vụ công tác hành chính; mua 02 bộ máy vi tính để bàn, 02 máy in, 01 máy photocopy, 01 máy chụp hình để trang bị cho các phòng, khoa; mua 01 máy tính bảng cho Huỳnh Hữu B; thanh toán tiền thông phòng ở tầng 2 của nhà hiệu bộ; mua hóa đơn khống; hỗ trợ Lê Văn Q khám chữa bệnh; hỗ trợ Võ Song Hào mua nước uống cho học viên làm bàn sắt để máy vi tính; chi phí xăng xe, nước uống, chi cho việc mua hóa đơn.

- Nguyễn Thị N1 - Nhân viên văn thư Phòng Tổ chức – Hành chính – Tổng hợp sử dụng 04 hóa đơn của 02 đơn vị kinh doanh tại thành phố Q1 lập 03 bộ chứng từ khống, nâng khống nội dung rút ngân sách nhà nước mua văn phòng phẩm, thay mực cho máy in với tổng số tiền thanh toán khống là 32.925.000 đồng. Sau khi nhận tiền từ các đơn vị kinh doanh, N1 chuyển 23.500.000 đồng cho Trịnh Thị Phương Th là nhân viên thủ quỹ, quản lý cất giữ; số tiền còn lại 9.425.000 đồng chi mua nước uống, văn phòng phẩm, thức ăn nuôi chó, quà đám giỗ, cúng... và mua hóa đơn khống theo sự chỉ đạo của Huỳnh Hữu B.

- Trịnh Thị Phương Th sử dụng 08 hóa đơn của 04 đơn vị kinh doanh tại thành phố Q1 và huyện H2 lập 06 bộ chứng từ khống rút dự toán ngân sách mua nhiên liệu, văn phòng phẩm, tiếp khách với tổng số tiền thanh toán khống là 47.002.540 đồng. Sau khi nhận tiền từ các đơn vị kinh doanh, Th nhập số tiền 47.002.540 đồng cùng với các khoản tiền do Đặng Trường V, Nguyễn Thị N1 đã chuyển nói trên và các khoản tiền để ngoài sổ kế toán khác để chi cho các hoạt động của trường theo chỉ đạo và hướng dẫn của Huỳnh Hữu B và Lê Văn Q.

2. Cũng trong 02 năm 2014, 2015, Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ B đã ký kết 18 hợp đồng dạy nghề với 08 cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh Bình Định gồm: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Q1, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã A1, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện T1, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện T2, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện P2, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Định, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bình Định để nhận tổ chức đào tạo 33 lớp dạy nghề may công nghiệp, đan lát thủ công, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật hàn, mây tre đan cho 908 lao động nông thôn và 30 người tàn tật tại địa phương với tổng số tiền được thanh toán là 1.153.775.000 đồng.

Cũng nhằm mục đích tạo quỹ riêng để dễ dàng chi tiêu cho các nội dung không nằm trong dự toán chi ngân sách Nhà nước đã phê duyệt, thoát ra khỏi sự kiểm soát của bộ phận kế toán và sự quản lý, giám sát của cơ quan chủ quản, Huỳnh Hữu B đã tự ý đề ra chủ trương và chỉ đạo cho các giáo viên, nhân viên của trường mua hóa đơn khống, lập bảng kê khống, nâng khống nội dung để lập 98 bộ chứng từ khống, nâng khống nội dung mua vật tư, thuê thiết bị, thuê phương tiện vận chuyển vật tư, bồi dưỡng cho giáo viên, trả thù lao cho giáo viên, chi công tác phí cho giáo viên ... với tổng số tiền thanh toán khống là 515.526.975 đồng từ nguồn thu của 08 đơn vị đã ký kết hợp đồng đào tạo nghề nói trên. Các giáo viên, nhân viên của trường đã có hành vi lập chứng từ khống thanh toán số tiền nói trên theo sự chỉ đạo của Huỳnh Hữu B và sự hướng dẫn của Lê Văn Q cụ thể như sau:

- Đặng Trường V dùng hóa đơn khống lập 48 bộ chứng từ khống thanh toán với số tiền 300.407.900 đồng.

- Nguyễn Thanh S - Giáo viên kiêm phụ trách Phòng Đào tạo và Quản lý học sinh, sinh viên dùng hóa đơn khống lập 06 bộ chứng từ khống thanh toán với số tiền 81.106.000 đồng.

- Hoàng Thị Thúy H1 - Giáo viên kiêm phụ trách Phòng Đào tạo và Quản lý học sinh, sinh viên dùng hóa đơn khống của Dịch vụ in TP, Cửa hàng thiết bị Văn phòng KN, Công ty cổ phần P3, giấy đi đường khống, bảng kê khống lập 38 bộ chứng từ khống, nâng khống nội dung thanh toán với tổng số tiền 101.045.000 đồng, đã thực chi 23.672.000 đồng, còn lại số tiền 77.373.000 đồng khi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định kiểm tra và đã ra Quyết định thu hồi nộp số tiền nói trên vào ngân sách Nhà nước.

- Mai Thế Đ - Giáo viên kiêm nhân viên Phòng đào tạo và Quản lý học sinh sinh viên ký khống 05 bộ chứng từ nâng khống nội dung thanh toán tổng số tiền 22.288.075 đồng.

- Võ Thị Tường V1 - Giáo viên dùng bảng kê khống lập 01 bộ chứng từ nâng khống nội dung thanh toán số tiền 10.680.000 đồng.

Sau khi chi tiền ra khỏi quỹ tiền mặt của trường, Trịnh Thị Phương Th tiếp tục giữ số tiền nói trên cùng với các khoản tiền để ngoài sổ sách khác. Tháng 4/2016, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định kiểm tra và phát hiện một số bộ chứng từ khống trong số 98 bộ chứng từ khống, nâng khống nội dung nói trên. Các bộ chứng từ này thanh toán tổng số tiền 212.496.000 đồng trong năm 2015 do Đặng Trường V và Hoàng Thị Thúy H1 lập, lấy tiền để ngoài sổ kế toán chưa sử dụng; trong đó, các chứng từ do V lập thanh toán khống số tiền 135.123.000 đồng và H1 lập thanh toán khống số tiền 77.373.000 đồng. Ngày 20/5/2016, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 135/QĐ-SLĐTBXH thu hồi số tiền 212.496.000 đồng và trường đã nộp số tiền nói trên vào ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước Bình Định.

3. Cũng trong khoảng thời gian nói trên, Trịnh Thị Phương Th còn giữ số tiền 13.353.000 đồng, gồm: 4.930.000 đồng là số tiền đã chi hỗ trợ tiền ăn cho học viên tại Cơ sở 2 của trường nhưng học viên không nhận; 2.193.000 đồng là số tiền do Công ty Xây dựng 47 thanh toán tiền điện cho trường; 3.990.000 đồng là số tiền đã chi hỗ trợ tiền ăn cho học viên sơ cấp nghề nhưng học viên không nhận; 640.000 đồng là số tiền do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định khen thưởng; 1.600.000 đồng là số tiền từ việc trường tổ chức thi chứng chỉ tin học B.

4. Ngoài ra, trong năm 2014, Phòng Đào tạo và Quản lý học sinh, sinh viên do Nguyễn Thanh S phụ trách đã lập 10 bộ chứng từ thanh toán tiền hỗ trợ công tác tuyển sinh, khai giảng, bế giảng các lớp dạy nghề theo các hợp đồng mà Trường Trung cấp Thủ công mỹ nghệ B đã ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Q1, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện T1 với tổng số tiền 31.984.000 đồng. Trong đó, chi số tiền 22.960.000 đồng hỗ trợ công tác tuyển sinh cho giáo viên theo mức chi 80.000 đồng/học viên; tuy nhiên, trong thực tế, Huỳnh Hữu B đã chỉ đạo chỉ chi hỗ trợ tuyển sinh cho giáo viên theo mức chi 60.000 đồng/ngày x số ngày đi tuyển sinh, số tiền thực chi là 2.640.000 đồng; số tiền còn lại 20.320.000 đồng do Nguyễn Thanh S quản lý, S đã chi số tiền 10.791.667 đồng cho Huỳnh Hữu B tiếp khách và số tiền còn lại 9.528.333 đồng S trực tiếp chi tiếp khách trong quá trình tuyển sinh của trường.

5. Trịnh Thị Phương Th đã giữ tổng số tiền sau đây: 67.094.282 đồng + 23.500.000 đồng + 47.022.540 đồng + 515.526.975 đồng + 13.353.000 đồng = 666.496.797 đồng.

Theo sự chỉ đạo của Huỳnh Hữu B và hướng dẫn của Lê Văn Q, Trịnh Thị Phương Th đã chi số tiền 452.417.867 đồng cho các hoạt động của Trường, gồm: Chi mua vật tư, nguyên liệu phục vụ công tác dạy nghề; hỗ trợ thuê mặt bằng dạy nghề; hỗ trợ Đoàn thanh niên; hỗ trợ tổ chức lễ Quốc tế thiếu nhi 01/6; bồi dưỡng vận động viên tham dự hội thao; hỗ trợ cho giáo viên dạy nghề lưu động; hỗ trợ việc làm cho học viên; thanh lý hợp đồng lớp khuyến công; hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên của trường vào dịp lễ, tết; chi phí phục vụ cho các đoàn kiểm toán, thanh tra; mua quà tết tặng cho các cá nhân, đơn vị bên ngoài có quan hệ với trường; mua thức ăn nuôi chó; mua 01 cây sộp trồng tại trường; hỗ trợ xăng xe, điện thoại, trách nhiệm cho cán bộ, giáo viên của trường; chi phụ cấp 30% cho giáo viên trực tiếp giảng dạy; chi cho Huỳnh Hữu B và cán bộ của trường đi công tác; chi tiếp khách; mua hóa đơn khống... Số tiền còn lại là 214.078.930 đồng. Khi Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định kiểm tra phát hiện và đã thu hồi số tiền 212.496.000 đồng; còn 1.582.930 đồng chưa sử dụng.

6. Như vậy, tổng số tiền để ngoài sổ kế toán là: 578.808.822 đồng + 515.526.975 đồng + 13.353.000 đồng + 20.320.000 đồng = 1.128.008.797 đồng.

Trong đó, nhà trường đã nộp lại cho ngân sách nhà nước số tiền 212.496.000 đồng; sử dụng hết số tiền 919.589.867 đồng; còn lại 1.582.930 đồng chưa sử dụng.

Ngày 19/3/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định tiến hành khám xét chỗ ở và nơi làm việc của Huỳnh Hữu B; đã tạm giữ 01 thùng tài liệu có liên quan đến các hoạt động thu, chi của Trường Trung cấp Thủ công mỹ nghệ B.

Ngày 10/10/2018, Sở Tài chính tỉnh Bình Định có Công văn số: 2471/STC- TCHCSN về việc giám định tài chính xác định thiệt hại tại Trường Trung cấp Thủ công mỹ nghệ B trong 02 năm 2014, 2015 là 919.589.867 đồng.

Theo Kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 15/KL-HĐĐGTTHS ngày 08/3/2019, Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự tỉnh Bình Định kết luận đối với tài sản là vật dụng máy móc, thiết bị được xác định giá trị tài sản gồm: Cân Nhơn Hòa 5kg; cân Nhơn Hòa 500gram; máy tính cầm tay Casio; máy vi tính để bàn hiệu Compaq; máy in Canon LBP 3300; máy photocopy Sharp Madein Thái Lan; khóa tay nắm cửa Zata Madein China; máy chụp hình Nikon Madein China; kệ sắt để ở thư viện và các phòng có giá trị 71.968.000 đồng.

Còn đối với một số tài sản là vật dụng thiết bị, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng không có cơ sở xác định trị giá tài sản như: Vật tư phục vụ lớp thú y; mái hiên, giàn hoa của nhà bảo vệ; giàn che dự kiến dùng cho lớp trồng nấm; điện 03 pha tại xưởng Điện 1, Điện 2, Hàn; vật tư điện để làm thiết bị PLC, bảng thực hành trang bị điện; thiết bị Panel thực hành trang bị điện; điện 03 pha tại xưởng Mộc 1, Mộc 2, cơ khí; vật tư trồng rau; rắc loa Speakon Madein China; dây điện nối loa.

c bị cáo và những người có liên quan nêu trên đã nộp số tiền 315.237.963 đồng xin khắc phục thiệt hại, cụ thể:

- Ngày 23/8/2018, Huỳnh Hữu B nộp số tiền 160.224.817 đồng; Đặng Trường V nộp số tiền 60.959.796 đồng và Lê Văn Q nộp số tiền 16.900.000 đồng.

- Ngày 27/8/2018, Phan Đình N nộp số tiền 52.281.950 đồng.

- Ngày 28/8/2018, Trịnh Thị Phương Th nộp số tiền 7.265.000 đồng; Võ Thị Tường V1 nộp số tiền 2.250.000 đồng và Mai Thế Đ nộp số tiền 3.250.000 đồng.

- Ngày 19/9/2018, Nguyễn Thanh S nộp số tiền 3.250.000 đồng và Hoàng Thị Thúy H1 nộp số tiền 8.856.400 đồng.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 48/2019/HS-ST ngày 09/9/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Huỳnh Hữu B phạm tội “Lập quỹ trái phép”.

Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 205; các điểm b, s, v khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Huỳnh Hữu B 24 (Bằng chữ: Hai mươi bốn) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 48 (Bằng chữ: Bốn mươi tám) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (Ngày 09/9/2019).

Giao bị cáo Huỳnh Hữu B cho Ủy ban nhân dân phường Ng, thành phố Q1, tỉnh Bình Định giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Ngoài ra bản án còn tuyên về phần tội danh và hình phạt của các bị cáo khác, về bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo đối với bản án.

Tại Quyết định kháng nghị số 37 ngày 04/10/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã Kháng nghị đề nghị hủy Bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại theo hướng: khởi tố điều tra bổ sung với Huỳnh Hữu B và các đối tượng liên quan nếu đủ định lượng xử lý về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” và không cho bị cáo B được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa phúc thẩm có ý kiến Hội đồng xét xử phúc thẩm và người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và đề nghị chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, hủy bản án hình sự sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án đề điều tra lại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tội danh: trong các năm 2014, 2015 nhằm mục đích tạo quỹ riêng để dễ dàng chi tiêu cho các nội dung không nằm trong dự toán chi ngân sách Nhà nước đã phê duyệt, thoát ra khỏi sự kiểm soát của bộ phận kế toán và sự quản lý, giám sát của cơ quan chủ quản, Huỳnh Hữu B đã tự ý đề ra chủ trương chỉ đạo và theo sự hướng dẫn của Lê Văn Q, các giáo viên, nhân viên của trường là Đặng Trường V, Trịnh Thị Phương Th, Nguyễn Thanh S và một số giáo viên, nhân viên khác đã mua, xin 52 hóa đơn của các đơn vị kinh doanh để lập 143 bộ chứng từ khống và chứng từ nâng khống nội dung mua vật tư, văn phòng phẩm, thuốc thú y, sửa chữa máy điều hòa, máy photocopy, thay mực in, mua nhiên liệu, thuê thiết bị, thuê phương tiện vận chuyển vật tư, bồi dưỡng và trả thù lao cho giáo viên, chi công tác phí cho giáo viên... để rút từ dự toán ngân sách số tiền tổng cộng là 1.128.008.797 đồng. Khi Kho bạc Nhà nước Bình Định chuyển tiền thanh toán cho các đơn vị xuất hóa đơn, các giáo viên, nhân viên của trường liên hệ với các đơn vị này nhận lại tiền nộp lại lập quỹ để ngoài sổ sách kế toán.Trong đó, nhà trường đã nộp lại cho ngân sách nhà nước số tiền 212.496.000 đồng; đã sử dụng hết số tiền 919.589.867 đồng; còn lại 1.582.930 đồng chưa sử dụng. Tại Công văn số: 2471/STC-TCHCSN ngày 10/10/2018 của Sở Tài chính tỉnh Bình Định về việc giám định tài chính xác định thiệt hại tại Trường Trung cấp Thủ công mỹ nghệ B trong 02 năm 2014, 2015 là 919.589.867 đồng.

Bản án sơ thẩm xử phạt các bị cáo về tội “Lập quỹ trái phép” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 205 của Bộ luật Hình sự là đúng pháp luật.

[2] Xem xét các nội dung của kháng nghị:

Bị cáo Huỳnh Hữu B là Hiệu trưởng, đương nhiên là Thủ trưởng đơn vị và là Chủ tài khoản của Trường. Việc xin, mua hóa đơn về rồi lập chứng từ khống và nâng khống để rút kinh phí từ ngân sách cấp cho Trường là không đúng quy định. Trong quá trình thực hiện các thủ tục rút tiền từ ngân sách cấp để lập quỹ trái phép thì chủ trương được xác định là do bị cáo B đề ra và chỉ đạo thực hiện, chủ trương này vi phạm pháp luật nên không được xem là thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được phân công trong quá trình công tác; các bị cáo khác đều khai nhận là thực hiện theo sự chỉ đạo của bị cáo B và sự hướng dẫn của bị cáo Q. Do bị cáo được xác định là người chủ mưu, tội phạm thuộc trường hợp nghiêm trọng, nên kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng là có căn cứ. Trên cơ sở các tình tiết giảm nhẹ mà cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ, xét thấy cần giữ nguyên mức hình phạt mà bản án sơ thẩm đã quyết định, nhưng không cho bị cáo được hưởng án treo.

Đi với đề nghị xử lý hành vi mua bán hóa đơn thì thấy Kháng nghị chỉ nêu chung chung, chưa cụ thể cho từng người nào phải chịu trách nhiệm, người nào đủ căn cứ để đề nghị xử lý. Chủ trương xin, mua Hóa đơn là do bị cáo B đề ra, đồng thời bị cáo Q với vai trò kế toán là người hướng dẫn cán bộ nhân viên của trường thực hiện mua, xin tổng cộng là 52 hóa đơn, trong đó bị cáo V thực hiện đi mua, xin 40 hóa đơn. Ngoài ra còn có các đơn vị kinh doanh đã xuất từ 10 hóa đơn như: Nguyễn Thị MH (đại lý MH) xuất 21 hóa đơn; Công ty vận tải CT (Võ Thị Ch2) xuất 29 hóa đơn; Tiệm photo Nguyễn AT 10 hóa đơn. Những trường hợp này chưa xác định rõ có bao nhiêu hóa đơn khống, có bao nhiêu hóa đơn nâng cao khống số lượng; có bao nhiêu hóa đơn xin, có bao nhiêu hóa đơn mua. Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện thủ tục trả hồ sơ điều tra bổ sung về nội dung này nhưng các Cơ quan tiến hành tố tụng vẫn không thực hiện được và đã xác định “không có dấu hiệu tội phạm hoặc không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”, nội dung này cũng được bản án sơ thẩm xem xét, nhận định rõ. Do các Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã xem xét và thực hiện các thủ tục tố tụng theo thẩm quyền nhưng vẫn chưa có đủ căn cứ rõ ràng để xử lý trách nhiệm hình sự; vì vậy Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ cần kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xem xét làm rõ, xử lý các trường hợp nêu trên mà không cần hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

[3] Từ các nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, sửa một phần bản án sơ thẩm về phần hình phạt đối với bị cáo Huỳnh Hữu B, đồng thời Kiến nghị đến Cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xem xét làm rõ và xử lý các hành vi mua bán hóa đơn trái phép trong vụ án đối với những trường hợp mua bán từ 10 hóa đơn đã ghi nội dung trái phép trở lên.

[4] Các quyết định khác còn lại của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1- Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm d khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Sửa một phần Bản án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo Huỳnh Hữu B.

2- Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 205; các điểm b, s, v khoản 1 và khoản 2 Điều 51của Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Huỳnh Hữu B 24 (Hai mươi bốn) tháng tù, tính từ ngày đi thi hành án.

3- Kiến nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định tiếp tục xem xét làm rõ việc “Mua bán trái phép hóa đơn” đối với những trường hợp mua, bán từ 10 (mười) hóa đơn đã ghi nội dung trái phép trở lên trong vụ án.

4- Các quyết định khác còn lại của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực từ ngày hết thời hiệu kháng cáo, kháng nghị.

Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1015
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 372/2019/HS-PT ngày 20/11/2019 về tội mua bán trái phép hóa đơn

Số hiệu:372/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về