Bản án 37/2019/DSPT ngày 20/06/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

BẢN ÁN 37/2019/DSPT NGÀY 20/06/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 20 tháng 6 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 19/2019/TLPT-DS ngày 21 tháng 02 năm 2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 17/2018/DSST ngày 26 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 45/2019/QĐ-PT ngày 01 tháng 4 năm 2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Chị H; sinh năm 1973; (có mặt).

2. Bị đơn: Ông T, sinh năm 1958; (có mặt).

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

3.1 Bà Ng, sinh năm 1964; (vợ ông T có mặt).

3.2 Ông S, sinh năm 1968; (vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt).

3.3 Ông Th, sinh năm 1933; (bố chị H có mặt).

Các đương sự đều trú tại: xóm QT, YL, ĐT, tỉnh Thái Nguyên.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm nguyên đơn chị H trình bày: Năm 1971 bố mẹ chị khai phá được thửa đất ven suối giáp ranh với gia đình ông T trên bản đồ địa chính đo đạc năm 2009 là thửa số 23 tờ bản đồ số 67 diện tích 679,4m2. Trong quá trình sử dụng gia đình có lối đi ra suối để sinh hoạt thoát nước ra phía sau, có chiều rộng 2m chiều dài 13,5m. Năm 1985 bố mẹ chị cho chị gái chị sử dụng, năm 1993 thì chị gái chị tặng cho gia đình chị sử dụng từ đó tới nay không có tranh chấp với ai.

Năm 2009 trong quá trình đo đạc bản đồ địa chính gia đình chị không được tham gia việc đo đạc đất nên thửa đất số 23 của gia đình chị không thể hiện lối đi ra suối mặc dù gia đình chị vẫn sử dụng. Đến tháng 3/2018 khi gia đình chị đào rãnh tháo nước ra suối thì gia đình ông T tranh chấp phá bỏ bờ rào đường đi và không cho gia đình chị đi. Sau khi chị nhờ cán bộ địa chính kiểm tra thửa đất số 59 tờ bản đồ số 67 thì phần lối đi đã gộp vào trong bìa đỏ của gia đình ông T. Nay chị khởi kiện yêu cầu ông T phải trả lối đi và bồi thường tường rào của gia đình chị.

Bị đơn ông T trình bày: Mảnh đất gia đình ông đang sử dụng là do bố mẹ ông tặng cho vợ chồng ông vào năm 1983. Đến năm 1993 thì gia đình ông được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông xây bờ rào bằng gạch từ năm 1989. Đối với phần đất của gia đình ông và cũng là ranh giới đối với các gia đình xung quanh. Năm 1997 - 1998 thì ông Th1 (bố đẻ chị H) có mượn ông một lối đi để đi ra suối, ông đồng ý cho ông Th1 mượn, khi cho mượn thì không viết giấy tờ gì. Sau đó ông cũng cho gia đình ông Th1 xây dựng tường rào trên lối đi. Năm 2009 có chính sách đo đạc đất theo bản đồ địa chính thì gia đình ông có kê khai đo đạc, ông có đi dẫn đạc và có sự chứng kiến của gia đình ông Th1, trưởng xóm, ông Ô Đến năm 2018 thì gia đình ông và gia đình chị H xảy ra tranh chấp đối với phần lối đi trên. Nay ông xác định phần đất tranh chấp nằm trong thửa số 59 tờ bản đồ số 67của gia đình ông đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2012. Ông không nhất trí việc chị H khởi kiện đòi đất là lối đi.

Nhng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Ng (Vợ ông T) nhất trí với quan điểm của ông T. Ông S (chồng chị H) nhất trí với quan điểm của chị H. Ông Th1 (bố đẻ chị H) cho rằng năm 1971 ông có khai phá diện tích khoảng hơn 1000m2 và có đường đi ra suối. Sau đó ông có cho con gái là chị X 01 phần diện tích khoảng 360m2 cho bằng miệng không có giấy tờ gì và chị X có xây nhà trên diện tích đất trên, chị X chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó đến năm 1993 chị X cho em gái là chị H và chị H đã làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất và sử dụng từ đó đến nay và có 01 đường đi ra suối. Ông xác định đã cho quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, nên ông không liên quan gì đến vụ án nêu trên. Đề nghị Tòa án buộc ông T phải trả lại diện tích và tài sản để phục vụ lối đi chung của chị H và gia đình ông.

Với nội dung nêu trên tại bản án dân sự sơ thẩm số 17/2018/DSST ngày 26 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã xét xử và quyết định:

Áp dụng các điều 26, 143, 147, 227, 228 của Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 100; 203 Luật đất đai; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Bác yêu cầu khởi kiện của chị H đối với ông T về việc yêu cầu buộc ông Tphải trả đất là lối đi có diện tích 22,95m2 đất trồng cây lâu năm tại thửa số thửa số 59 tờ bản đồ số 67 xóm QT, xã YL, huyện ĐT, tỉnh Thái Nguyên.

Án phí chị H phải chịu 300.000đ án phí dân sự sơ thẩm. Được trừ vào số tiền 300.000đ tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0012337, ngày 01/8/2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đại Từ.

Chị H phải chịu 2.000.000đ tiền lệ phí định giá, thẩm định (chị H đã thanh toán xong).

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 07/12/2018 chị H có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm yêu cầu ông, bà Ng phải trả lại nguyên trạng ban đầu ngõ đi ra suối của gia đình chị và bồi thường giá trị tài sản tường rào mà ông T đã phá hủy của gia đình chị.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tại phiên tòa phúc thẩm chị Hường vẫn giữ nguyên nội dung đã kháng cáo.

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và nghe lời trình bày của các đương sự; ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Hội đồng xét xử nhận xét:

[1]. Về phần đất đang tranh chấp giữa hai gia đình ông T và chị H có chiều rộng 1,7m chiều dài 13,5m nằm trong diện tích 1.324m2 thuc thửa 59 tờ bản đồ số 67 xóm QT, xã YL (bản đồ địa chính xã YL) đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông T và bà Ng năm 1993 và được cấp lại năm 2012. Phần đất tranh chấp có một mặt giáp nhà bà Nh; một mặt giáp nhà chị H, một mặt giáp nhà ông T một mặt giáp suối.

[2] Phía chị Hxác định phần đất tranh chấp trên có nguồn gốc là do bố mẹ chị lên khai phá năm 1971, trong quá trình sử dụng thì đã có một lối đi ra suối. Sau đó, bố mẹ chị tặng cho chị gái chị. Năm 1993 thì chị gái chị lại tặng cho vợ chồng chị sử dụng. Chị H xác định đây là đất của chị và là lối đi sinh hoạt của gia đình chị ra phía sau.

[3] Phía ông T xác định phần đất đang tranh chấp nằm trong thửa đất số 59 tờ bản đồ số 67 mà gia đình ông đang sử dụng, có nguồn gốc năm 1983 ông nhận tặng cho từ bố mẹ. Đến năm 1993 thì gia đình ông được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2009 có chính sách đo đạc theo bản đồ địa chính, gia đình ông có đi dẫn đạc đo đất và năm 2012 thì gia đình ông được cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong đó có phần đất đang tranh chấp trên.

[4] Tại bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất của gia đình ông T cũng như gia đình chị H thì có các hộ giáp ranh đều ký xác nhận. Chị H xác định là có ký nhưng chỉ ký xác định hộ ông T giáp ranh là không có căn cứ. Trên bản đồ địa chính không thể hiện nhà chị H có lối đi ra suối. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự Tòa án cấp sơ thẩm cần phải thu thập bản đồ gốc 299 xem có thể hiện lối đi ra suối như chị H khai hay không. Nếu có đường đi thì lời khai của chị H có căn cứ, nếu không có đường đi thì bác yêu cầu khởi kiện của chị H là hoàn toàn có cơ sở.

[5] Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tường rào xây: Quá trình xem xét thẩm định tại chỗ Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng trên phần đất đang tranh chấp không có tường rào nào nên không có căn cứ xác định giá trị đối với phần tường rào trên và tách ra giải quyết ở vụ án khác khi chị H hoặc ông Th1 có yêu cầu là sai vì chị H đã có yêu cầu khởi kiện và thực tế có 01 bức tường rào bằng gạch do ông T phá bỏ, chính ông T thừa nhận được phá bức tường đó. Do vậy yêu cầu của chị H là có căn cứ, nhưng cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết là bỏ lọt yêu cầu khởi kiện của chị H. Tại cấp phúc thẩm ông Th1 bố đẻ chị H khai ông được xây 02 bức tường rào, ông T đã phá đi 01 bức tường, còn ông T cho rằng ông xây 01 bức tường, ông Th1 xây 01 bức, do vậy cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

[6] Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phát biểu về sự tuân theo pháp luật của Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử từ khi thụ lý vụ án cho đến trước khi nghị án đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015; không chấp nhận kháng cáo của chị H, giữ nguyên bản án sơ thẩm, là không phù hợp như đã phân tích nêu trên.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 308; Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Chấp nhận một phần kháng cáo của chị H.

1. Hủy bản án sơ thẩm số 17/2018/DSST ngày 26 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Chuyn hồ sơ về tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

2. Án phí: Chị Hkhông phải chịu án phí phúc thẩm, được trả lại 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai số 0012499 ngày 07/12/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đại Từ. Về án phí sơ thẩm được giải quyết lại khi giải quyết vụ án.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

293
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 37/2019/DSPT ngày 20/06/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:37/2019/DSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thái Nguyên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 20/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về