Bản án 36/2019/HS-PT ngày 14/05/2019 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 36/2019/HS-PT NGÀY 14/05/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 14 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 36/2019/TLPT-HS ngày 01-4-2019 đối với bị cáo Nguyễn Văn T, do có kháng cáo của bị cáo T, kháng cáo của bị hại anh P, đối với bản án hình sự sơ thẩm số số 01/2019/HS-ST ngày 21/01/2019 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Lâm Đồng.

- Bị cáo kháng cáo:

Nguyễn Văn T, sinh năm 1984 tại tỉnh Ninh Bình; nơi cư trú: thôn 4, xã T, huyện C, tỉnh Lâm Đồng; nghề nghiệp: làm nông; trình độ học vấn: lớp 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn L, sinh năm 1958 và bà Đinh Thị L, sinh năm 1960 hiện đều cư trú thôn 4, xã Tiên Hoàng, huyện C, tỉnh Lâm Đồng; vợ Dương Thị L, sinh năm 1984 và có 02 người con, lớn sinh năm 2002, nhỏ sinh năm 2006, hiện đều cư trú thôn 4, xã T, huyện C, tỉnh Lâm Đồng; tiền án, tiền sự: không. Bị cáo hiện đang tại ngoại. Có mặt.

- Bị hại kháng cáo: Anh Nguyễn Hữu P, sinh năm 1991; nơi cư trú thôn 1, xã T, huyện C, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bị cáo T và bị hại anh Nguyễn Hữu P đều có máy gặt lúa liên hoàn. Do bị hại anh P có mâu thuẫn với ông H, nên bị hại anh P không cho ai vào gặt lúa cho ông H.

Ngày 20-11-2016, bị cáo T giao máy gặt lúa cho anh B và anh X đi gặt thuê gần mộng nhà ông H, anh Th (anh em kết nghĩa với ông H) đến chơi nhà ông H và biết lúa của nhà ông H đã chín, đổ gần hết, nên anh Th nói với ông H “để em mượn máy gặt cho”. Do anh Th quen biết với bị cáo T, nên anh Th điện thoại hỏi mượn máy gặt lúa thì bị cáo T đồng ý, nên anh B và anh X giao máy cho anh Th sau đó đi về ăn cơm trưa. Anh Th điều khiển máy gặt xong lúa cho ông H.

Biết máy của bị cáo T đã gặt lúa cho ông H, nên bị hại anh P đi ra mộng lúa nhà ông H, sau đó điện thoại cho bị cáo T và chửi bới, bị cáo T hẹn xíu nữa gặp nói chuyện. Sau khi gọi điện thoại cho bị cáo T, bị hại anh P điện thoại rủ anh Huy (anh họ bị hại) cùng ra mộng lúa. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, bị cáo T điều khiển xe ra khu vực mộng lúa nhà ông H, trên đường đi bị cáo T bẻ 01 cây gậy gỗ tràm tròn (đường kính 03cm dài 70cm); khi đến nơi, bị cáo T xuống xe chửi nhau qua lại với bị hại anh P. Do bực tức vì bị đe dọa, chửi bới; bị cáo T đã dùng cây gậy vụt 01 cái vào phần đầu bên trái, trượt xuống bả vai của bị hại anh P, nên anh P lao vào giằng co cây gậy làm cây gậy văng ra. Ngay lúc đó, anh Trường (em trai của bị cáo) đi tới nhặt 01 đoạn cây gậy gỗ vuông (dài 1.2m, kích thước 3.5cm x 3.5cm) bên ven đường vụt 01 cái vào cổ tay bị hại anh P làm cho anh P ngã ra đường. Thấy vậy, bị cáo T đi lại chỗ anh Tr giằng lấy cây gậy gỗ từ tay anh Tr và đẩy anh Tr ra và nói “không phải việc của mày” rồi cầm cây gậy vụt 02 cái vào vùng thái dương đỉnh trái và thái dương đỉnh phải gây thương tích cho bị hại anh P. Sau đó được mọi người can ngăn, anh P được đưa đi điều trị.

Tại bản kết luận giám định pháp y số 109/18/TgT ngày 14-8-2018 của Phân viện Viện khoa học pháp y quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận “Tỷ lệ tổn thương cơ thế do thương tích của bị hại anh Phước 09%, tổn thương do vật tày có cạnh trực tiếp gây nên”.

Về thiệt hại: Bị hại anh P yêu cầu bị cáo bồi thường số tiền 122.755.000đ; trong đó các khoản chi phí điều trị, cấp cứu theo hóa đơn chứng từ 25.425.000đ; các khoản chi phí không có chứng từ 97.330.000đ. Bị cáo đã bồi thường số tiền 25.000.000đ; bị hại anh Ph yêu cầu bồi thường tiếp số tiền 97.755.000đ.

Tại bản án sơ thẩm số 01/2019/HS-ST ngày 21-01-2019 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Lâm Đồng đã tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn T phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc Hội; và khoản 3 Điều 7; điểm a khoản 1 Điều 134; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (sau đây gọi chung Bộ luật Hình sự năm 2015).

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn T 12 tháng tù, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 24 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Về bồi thường thiệt hại: Buộc bị cáo T bồi thường cho bị hại anh P số tiền 54.105.000đ. Bị cáo đã bồi thường số tiền 25.000.000đ, còn phải bồi thường tiếp số tiền 29.105.000đ.

Ngoài ra, bản án còn xử lý vật chứng, án phí tuyên quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án theo quy định pháp luật.

- Ngày 01-02-2019 bị hại anh P kháng cáo toàn bộ nội dung bản án.

- Ngày 01-02-2019 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, giảm mức bồi thường.

Tại phiên tòa phúc thẩm; bị cáo tự nguyện rút toàn bộ kháng cáo, đề nghị Tòa án xem xét chấp nhận. Bị hại anh Phước giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và cho rằng anh H (anh họ bị hại) chứng kiến còn có anh Tr, anh B, anh Th cùng với bị cáo T gây thương tích cho bị hại nhưng chưa được xử lý. Về hình phạt tuyên phạt bị cáo 12 tháng tù cho hưởng án treo là nhẹ, đề nghị T hình phạt, về bồi thường thu nhập bị mất: Cấp sơ thẩm tính 200.000đ/ngày là thấp, trong khi đó bị hại làm nghề gặt lúa thu nhập 1.000.000đ/ngày; tuy không có chứng cứ nhưng là thu nhập thực tế nên buộc bị cáo bồi thường thu nhận bị mất cho bị hại 1.000.000đ/ngày.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đề nghị căn cứ khoản 1 Điều 348 của Bộ luật Tố tụng hình sự; đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị cáo T. Đối với kháng cáo của bị hại, đề nghị căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự; không chấp nhận kháng cáo của bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Xuất phát từ việc bị hại anh Phước và ông H mâu thuẫn, nên bị hại anh P không cho ai vào gặt lúa cho ông H. Khi biết máy gặt lúa của bị cáo T đã gặt lúa cho ông H thì bị hại anh P điện thoại cho bị cáo T và chửi bới và bị cáo T hẹn gặp nói chuyện. Đến khoảng 16 giờ ngày 20-11-2016, Bị cáo T điều khiển xe ra khu vực ruộng lúa nhà ông H, trên đường đi bị cáo T bẻ 01 cây gậy gỗ tràm tròn (đường kính 03cm dài 70cm); Khi đến nơi, bị cáo T xuống xe chửi nhau qua lại với bị hại anh P, sau đó bị cáo T đã dùng cây gậy vụt 01 cái vào phần đầu bên trái, trượt xuống bả vai của bị hại anh P, nên anh P lao vào giằng co cây gậy làm cây gậy văng ra. Ngay lúc đó, anh Trường (em trai của bị cáo) đi tới nhặt 01 đoạn cây gậy gỗ vuông (dài 1.2m, kích thước 3.5cm x 3.5cm) bên ven đường vụt 01 cái vào cổ tay bị hại anh P làm cho anh P ngã ra đường. Thấy vậy, bị cáo T giằng lấy cây gậy gỗ từ tay anh Tr và đẩy anh Tr ra và nói “không phải việc của mày” rồi cầm cây gậy vụt 02 cái vào vùng thái dương đỉnh trái và thái dương đỉnh phải gây thương tích cho bị hại anh P. Sau đó được mọi người can ngăn, anh P được đưa đi điều trị. Cấp sơ thẩm đánh giá toàn diện chứng cứ, vật chứng; đối chiếu lời khai của bị cáo, lời khai bị hại, người lời khai anh Trường, anh H; kết luận giám định xác định tỷ lệ thương tật của bị hại 9%; đã tuyên bố bị cáo bị cáo Nguyễn Văn T phạm tội “Cố ý gây thương tích” là có căn cứ.

Hành vi của bị cáo thực hiện dùng cây gỗ thuộc hung khí nguy hiểm, gây thương tích ngày 20-11-2016, nên bị cáo bị áp dụng điểm a khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (sau đây gọi chung Bộ luật Hình sự năm 1999). Do vậy, khi xét xử cần so sách khung hình phạt và các tình tiết khác của khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999, với khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong trường hợp khung hình phạt của khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thấp hơn so với khung hình phạt khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì mới áp dụng Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc Hội; khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015; điểm a khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo mới đứng. Tuy nhiên, khung hình phạt của khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999 và khung hình phạt khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đều giống nhau “cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Do vậy, cần sửa bản án sơ thẩm, áp dụng điểm a khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với bị cáo.

[2] Xét kháng cáo của bị cáo, kháng cáo của bị hại, đối chiếu với tài liệu chứng cứ thể hiện:

- Đối với kháng cáo của bị cáo T, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo T tự nguyện rút toàn bộ kháng cáo; căn cứ khoản 1 Điều 348 của Bột luật Tố tụng hình sự; đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị cáo T là phù hợp.

- Đối với kháng cáo của bị hại về hình phạt; cấp sơ thẩm đánh giá nguyên nhân xuất phát từ việc bị cáo cho mượn máy gặt lúa để anh Th gặt lúa cho ông H, trong khi đó bị hại anh Phước không muốn ai gặt lúa cho anh H, dẫn đến bị cáo điện thoại chửi bị hại, nên bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ. Ngoài ra, bị cáo Th khẩn khai báo; đã bồi thường 25.000.000đ/54.105.000đ phải bồi thường theo bản án tuyên, nhân thân bị cáo không có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nên bị cáo được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 để quyết định mức hình phạt là thỏa đáng. Bên cạnh đó bị cáo có nơi cư trú rõ ràng; nên cấp sơ thẩm áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 cho bị cáo được cải tạo ngoài xã hội, bảo đảm khả năng bị cáo tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội là có căn cứ. Do vậy, không chấp nhận kháng cáo của bị hại; giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt.

- Bị hại kháng cáo còn cho rằng anh H (anh họ bị hại) chứng kiến anh Tr (em trai của bị cáo), anh B, anh Th cùng bị cáo T thực hiện hành vi gây thương tích là không có căn cứ. Bởi lẽ giữa bị cáo và anh Tr không cùng mục đích ý chí; tuy anh Tr dùng cây đánh bị hại 01 cái vào cổ tay, trong khi đó thương tích của bị hại do bị cáo T gây ra. Mặt khác quá trình điều tra, bị hại anh P cũng cho rằng chỉ bị thương tích nhẹ, không đề nghị xử lý đối với anh Trường, nên Cơ quan Công an huyện C đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Tr là phù hợp. Đối với anh B, anh Th cũng đã được Cơ quan điều tra làm rõ đồng thời xác định anh B, anh Th không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nên không xử lý.

- Đối với kháng cáo về bồi thường thiệt hại: Cấp sơ thẩm xem xét toàn bộ các khoản thiệt hại, buộc bị cáo bồi thường 54.105.000đ; trong đó bị hại chứng minh thiệt hại thông qua các tài liệu hóa đơn chi phí cấp cứu, chữa trị thương tích cộng chung 25.425.000đ; Các khoản chi phí xuất viện về nhà 280.000đ; chi phí đi lại giám định 1.000.000đ; tiền xe tái khám là 2.000.000đ; Thu nhập bị mất của người nuôi dưỡng 2.200.000đ (11 ngày x 200.000đ/ngày); Bồi dưỡng sức khỏe 2.200.000đ; Tổn thất tinh thần 15.000.000đ là phù hợp.

Đối với khoản thiệt hại thu nhập bị mất, bị hại kháng cáo cho rằng bị hại làm nghề gặt lúa, sau khi trừ chi phí thu nhập 1.000.000đ/ngày nhưng không xuất trình chứng cứ. Cấp sơ thẩm đã buộc bị cáo bồi thường 6.000.000đ tương ứng 200.000đ/1 ngày x 30 ngày là phù hợp hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 1.2 mục 1 phần II Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP. Do vậy, không chấp nhận kháng cáo của bị hại; giữ nguyên bản án sơ thẩm về bồi thường thiệt hại.

[3] Về án phí phúc thẩm: Bị cáo T, bị hại anh Phước không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 348; điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự; không chấp nhận kháng cáo của bị hại anh Nguyễn Hữu P; giữ nguyên bản án sơ thẩm. Xử:

1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn T;

2. Tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn T phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Áp dụng khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn T 12 tháng tù, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 24 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Nguyên Văn T cho Ủy ban nhân dân xã T, huyện C, tỉnh Lâm Đồng để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với Chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Trong trường hợp bị cáo có sự thay đổi nơi cư trú thì việc thi hành án sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

3. Về bồi thường thiệt hại: Buộc bị cáo Nguyễn Văn T có trách nhiệm bồi thường cho bị hại anh Nguyễn Hữu P số tiền 54.105.000đ. Bị cáo đã bồi thường số tiền 25.000.000đ, còn phải bồi thường tiếp số tiền 29.105.000đ.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Về án phí: Căn cứ Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về án phí, lệ phí Tòa án. Bị cáo Nguyễn Văn T, bị hại anh Nguyễn Hữu P không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

5. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

307
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 36/2019/HS-PT ngày 14/05/2019 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:36/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 14/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về