TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
BẢN ÁN 35/2019/DS-PT NGÀY 19/03/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DÂN SỰ VAY TÀI SẢN, VÀ CHIA TÀI SẢN CHUNG
Trong ngày 19 tháng 3 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 23/2019/TLPT-DS ngày 15 tháng 01 năm 2019, về việc: “Tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản và chia tài sản chung”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 27/2018/DS-ST ngày 05/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 33/2019/QĐ-PT ngày 28 tháng 01 năm 2019, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà M.
Địa chỉ: ấp C1, xã B1, huyện A1, tỉnh Sóc Trăng (Có mặt).
Bị đơn:
1. Ông N;
2. Bà N1;
Cùng địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn N1: Ông N, địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng (Theo văn bản ủy quyền ngày 13/9/2017) (Vắng mặt).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà P;
2. Bà Q;
Cùng địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng.
Người đại diện hợp pháp của bà P và bà Q: Ông S.
Địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng (Theo văn bản ủy quyền ngày 25/10/2017) (Có mặt).
3. Văn phòng công chứng R.
Địa chỉ: ấp C2, xã B2, huyện A1, tỉnh Sóc Trăng (Có đơn xin xét xử mặt).
4. Chi cục thi hành án dân sự huyện A.
Địa chỉ: ấp C3, xã B3, huyện A, tỉnh Sóc Trăng.
Người đại diện hợp pháp của Chi cục thi hành án dân sự huyện A: Bà A1 – Chấp hành viên Chi cục thi hành án dân sự huyện A (theo văn bản ủy quyền ngày 13/11/2018) (Có mặt).
Người kháng cáo: Nguyên đơn bà M, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà P, bà Q.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
- Theo đơn khởi kiện ngày 21/7/2017 và tại các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án bà M trình bày:
Năm 2015 - 2016 bà có cho ông N, bà N1 vay tổng số tiền 700.000.000đồng cụ thể các lần như sau:
Ngày 22/3/2015 vay 150.000.000 đồng; ngày 11/8/2015 vay 150.000.000 đồng; ngày 22/3/2016 vay 200.000.000 đồng; ngày 20/11/2016 vay 200.000.000 đồng, lãi suất thỏa thuận là 2%/tháng, khi vay có làm giấy tờ.
Ngày 20/02/2017 ông N và bà N1 làm lại hợp đồng vay mới với nội dung vay của bà số tiền 700.000.000đồng và để đảm bảo khoản nợ vay trên hai bên có làm hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất thuộc thửa 739, thửa 740 tờ bản đồ 04 tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng có diện tích 16.076m2 theo GCNQSD đất số V967610, số vào sổ 0241.QSDĐ ngày 17/3/2003 do hộ ông N đứng tên và hợp đồng này được lập tại Văn phòng công chứng R nhưng không có đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền. Thời hạn trả nợ là: 12 tháng kể từ ngày 20/02/2017, mục đích vay là vay để kinh doanh. Tuy nhiên, ngày 28/7/2017 Chi cục thi hành án dân sự huyện A ra Quyết định cưỡng chế thi hành án số 11 ngày 28/7/2017 đối với hai thửa đất trên để đảm bảo khoản nợ vay khác nên ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà.
Nay bà yêu cầu Tòa án buộc ông N và bà N1 phải có trách nhiệm trả cho bà 700.000.000đồng, không yêu cầu tính lãi và sẽ trả lại giấy chứng nhận bản gốc cho ông N, bà N1. Trong trường hợp ông N, bà N1 không khả năng thanh toán đề nghị kê biên, phong tỏa để phát mãi tài sản đưa ra bảo đảm để thu hồi nợ theo Điều 6 Hợp đồng vay tài sản mà hai bên đã ký kết.
Theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ xác định trên thửa đất thuộc một phần thửa 739 có diện tích là 5.641m2 có một căn nhà chính cấp 4 có kết cấu vách xây tường, mái tol, đòn tay gỗ, khung cột bê tông cốt thép, nền lát gạch men, cửa nhôm, có trần có diện tích 146,25m2. Nhà sau khung cột bê tông đúc, mái tol, nền láng xi măng, đòn tay gỗ có diện tích là 61,705m2; Nền nhà sau láng xi măng có diện tích 61,705m2; Hàng rào trụ bê tông cốt thép, tường lửng, khung sắt có diện tích 73,83m2; Hồ nước tường xây tô có diện tích 7,848m2; Sân láng xi măng, lót măng đá có diện tích 322,65m2; cây trồng trên đất gồm 01 cây vú sữa loại B, 08 cây cau loại B, 20 cây dừa loại A, 12 cây dừa loại B, 21 cây cau loại A, 06 cây bưởi loại B, 04 cây bưởi loại C, 01 cây sung loại B, 01 cây vú sữa loại B, 02 cây mít loại A, 45 cây mai, 03 cây rừa, 03m2 trúc loại A. Xét thấy, mặc dù trong hợp đồng không có thế chấp phần tài sản này nhưng tài sản trên gắn liền với quyền sử dụng đất đang thế chấp cho bà nên bà yêu cầu xử lý phần tài sản trên cùng với thửa 739 có diện tích là 5.641m2, thửa 740 có diện tích 11.381m2 để đảm bảo số tiền vay là 700.000.000đồng. Đối với phần đất có diện tích 474,7m2 thuộc một phần thửa 739 và cây trồng trên phần đất này là phần đất thuộc chỉ giới rạch do nhà nước quản lý bà không yêu cầu xử lý phần đất này.
Đối với yêu cầu độc lập của bà P, bà Q theo đơn yêu cầu độc lập và yêu cầu tại phiên tòa sau khi khấu trừ tài sản yêu cầu được chia toàn bộ phần đất mỗi người được hưởng 5.690,5m2 thuộc thửa 740 bà không đồng ý vì toàn bộ phần tài sản trên đã thế chấp cho bà.
- Tại tờ tường trình đề ngày 13/9/2017 của bà N1, ông N và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án ông N trình bày: Về thời gian, thủ tục vay, hợp đồng vay giống như lời trình bày của bà M. Ông thừa nhận hiện nay ông và bà N1 còn nợ của bà M 700.000.000đồng. Mặc dù thời hạn trả là 20/02/2018 nhưng do tài sản của ông và bà N1 thế chấp cho bà M đang bị Chi cục thi hành án dân sự huyện A kê biên nên để đảm bảo quyền lợi cho bà M, ông và bà N1 đồng ý trả khoản nợ trước hạn theo quy định có trong hợp đồng. Để đảm bảo cho khoản nợ vay trên ông, bà N1 và bà M có ra Văn phòng công chứng R lập hợp đồng vay tiền với nội dung ông, bà N1 có vay của bà M 700.000.000đồng và thế chấp cho bà M tài sản là quyền sử dụng đất gồm thửa 739 và thửa 740 tờ bản đồ 04 tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng có diện tích 16.076 mét vuông theo GCNQSD đất số V967610, số vào sổ 0241.QSDĐ ngày 17/3/2003 do hộ ông N đứng tên có công chứng nhưng không có đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ xác định trên thửa đất thuộc một phần thửa 739 có diện tích là 5.641m2 có một căn nhà chính cấp 4 có kết cấu vách xây tường, mái tol, đòn tay gỗ, khung cột bê tông cốt thép, nền lát gạch men, cửa nhôm, có trần có diện tích 146,25m2. Nhà sau khung cột bê tông đúc, mái tol, nền láng xi măng, đòn tay gỗ có diện tích là 61,705m2; Nền nhà sau láng xi măng có diện tích 61,705m2; Hàng rào trụ bê tông cốt thép, tường lửng, khung sắt có diện tích 73,83m2; Hồ nước tường xây tô có diện tích 7,848m2; Sân láng xi măng, lót măng đá có diện tích 322,65m2; cây trồng trên đất gồm 01 cây vú sữa loại B, 08 cây cau loại B, 20 cây dừa loại A, 12 cây dừa loại B, 21 cây cau loại A, 06 cây bưởi loại B, 04 cây bưởi loại C, 01 cây sung loại B, 01 cây vú sữa loại B, 02 cây mít loại A, 45 cây mai, 03 cây rừa, 03m2 trúc loại A. Xét thấy, mặc dù trong hợp đồng không có thế chấp phần tài sản này nhưng tài sản trên gắn liền với quyền sử dụng đất đang thế chấp cho bà M nên ông, bà N1 thống nhất tài sản thế chấp cho bà M gồm thửa 739 có diện tích 5.641m2, thửa 740 có diện tích 11.381m2 cùng tài sản gắn liền trên đất để đảm bảo số tiền vay là 700.000.000đồng. Đối với phần đất có diện tích 474,7m2 thuộc một phần thửa 739 và cây trồng trên phần đất này là phần đất thuộc chỉ giới rạch do nhà nước quản lý bà M không yêu cầu xử lý phần đất này nên ông cũng thống nhất không có ý kiến gì.
Nay ông và bà N1 đồng ý với yêu cầu của bà M, đồng ý trả cho bà 700.000.000 đồng. Nhưng hiện nay không có khả năng thanh toán nên đồng ý giao tài sản thế chấp là thửa 739 có diện tích là 5.641m2 và tài sản gắn liền trên thửa 739 do hộ ông N đứng tên trong GCNQSD đất để đảm bảo khoản nợ cho bà M vì tài sản này đủ để đảm baảo khoản nợ vay cho bà M.
Đối với yêu cầu độc lập của bà Q, bà P: Nguồn gốc phần đất thuộc các thừa 739, 740 tờ bản đồ 04 tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện Ac, tỉnh Sóc Trăng đang thế chấp cho bà M là của ông H. Vào năm 2001 ông H sang nhượng lại cho ông N, bà N1 với giá 181 chỉ vàng 24kara. Khi chuyển nhượng có làm hợp đồng, có chứng thực của chính quyền địa phương ông N đã giao đủ tiền cho ông H và nhận đất.
Đến ngày 17/3/2003 phần đất trên được cấp GCNQSD đất do hộ ông N đứng tên; riêng căn nhà cấp 4 do vợ chồng ông xây dựng vào năm 2008. Nguồn tiền mua phần đất, cất căn nhà này là của ông N, bà N1, không phải của bà Q, bà P vì tại thời điểm sang nhượng bà P được 06 tuổi, Linh 02 tuổi nên không có công sức đóng góp để tạo nên phần tài sản này và sau khi có tài sản bà Q, bà P không có công sức tu bổ, sửa chữa phần tài sản trên. Tuy nhiên, bà Q và bà P là con ruột của ông N và bà N1, giấy chứng nhận cấp cho hộ ông N nên bà P, bà Q hưởng phần tài sản chung của ông và bà N1 nên ông cũng đồng ý chia cho bà Q được nhận 5.690,5m2 và bà P được nhận 5.690,5m2 thuộc thửa 740, tờ bản đồ 04 tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng do hộ ông N đứng tên trong GCNQSD đất.
- Theo đơn khởi kiện ngày 14/9/2017 của bà P, bà Q và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án người đại diện theo ủy quyền ông S trình bày: Nguồn gốc phần đất thuộc các thửa 739, 740 tờ bản đồ 04 toa lác tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng đang thế chấp cho bà M là của ông H. Vào năm 2001 ông H sang nhượng lại cho ông N, bà N1 với giá 181 chỉ vàng 24kara. Khi chuyển nhượng có làm hợp đồng, có chứng thực của chính quyền địa phương, ông N đã giao đủ tiền cho ông H và nhận đất. Đến ngày 17/3/2003 phần đất trên được cấp GCNQSD đất do hộ ông N đứng tên. Riêng căn nhà được cất vào năm 2008. Nguồn tiền mua phần đất, cất căn nhà này là của ông N, bà N1, không phải của bà Q, bà P vì tại thời điểm sang nhượng bà P được 06 tuổi, Linh 02 tuổi nên không có công sức đóng góp để tạo nên phần tài sản này và bà P, bà Q không có công sức tu bổ, sửa chữa tài sản trên. Tuy nhiên, bà Q và bà P là con ruột của ông N và bà N1, giấy chứng nhận cấp cho hộ ông N nên được hưởng phần tài sản của ông N, bà N1. Ông thống nhất với số đo, diện tích, tài sản và giá trị tài sản mà Tòa án đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá là sán.
Tại phiên tòa ông không yêu cầu chia: Đối với cây trồng nằm trên phần đất thuộc thửa 739, tờ bản đồ 04 tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng gồm 01 cây vú sữa loại B, 08 cây cau loại B, 20 cây dừa loại A, 12 cây dừa loại B, 21 cây cau loại A, 06 cây bưởi loại B, 04 cây bưởi loại C, 01 cây sung loại B, 01 cây vú sữa loại B, 02 cây mít loại A, 45 cây mai, 03 cây rừa, 03m2 trúc loại A có trị giá là 24.854.000 đồng vì phần cây là của ông N, bà N1; Hồ nước trị giá 10.912.298 đồng; Phần đất ngoài lộ thuộc một phần thửa 739, tờ bản đồ 04 tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng có diện tích là 474.7m2 do hộ ông N đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng là loại đất trồng cây lâu năm và cây trồng trên phần đất này.
Nay ông yêu cầu chia: Phần đất thuộc thửa 740 có diện tích 11.381m2 và một phần thửa 739 có diện tích là 5.641m2 thuộc tờ bản đồ 04 tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng (Trong đó có 180m2 đất thổ cư và 5.461m2 là đất trồng cây lâu năm) do hộ ông N đứng tên trong GCNQSD đất và tài sản trên phần đất có một căn nhà chính cấp 4 có kết cấu vách xây tường, mái tol, đòn tay gỗ, khung cột bê tông cốt thép, nền lát gạch men, cửa nhôm, có trần có diện tích 146,25m2 trị giá 381.423.641đồng; Nhà sau khung cột bê tông đúc, mái tol, nên láng xi măng, đòn tay gỗ có diện tích là 61,705m2 trị giá 9.325.087đồng; Nền nhà sau láng xi măng có diện tích 61,705m2 trị giá 6.013.269đồng; Hàng rào trụ bê tông cốt thép, tường lửng, khung sắt có diện tích 73,83m2 trị giá 36.938.429đồng; Sân láng xi măng, lót xi măng đá có diện tích 322,65m2 trị giá 31.442.855đồng. Xét về giá trị phần tài sản đang tranh chấp và tạo điều kiện cho việc canh tác sau này của các bên, đối trừ giá trị của từng tài sản ông yêu cầu Tòa án chia cho bà Q được nhận 5.690,5m2 và bà P được nhận 5.690,5m2 thuộc thửa 740, tờ bản đồ 04 tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng do hộ ông N đứng tên trong GCNQSD đất. Còn phần đất trong lộ thuộc một phần thửa 739 có diện tích 5.641m2, tờ bản đồ 04 tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng do hộ ông N đứng tên trong GCNQSD đất và tài sản gắn liền trên đất như đã nêu trên đồng ý giao cho bà N1, ông N nhận và bà P, bà Q và ông N, bà N1 không trả giá trị chênh lệch qua lại vì hai phần tài sản này ngang nhau.
- Người đại diện hợp pháp của Chi cục thi hành án dân sự huyện A, tỉnh Sóc Trăng là bà A1 trình bày: Đối với hợp đồng vay tiền được xác lập ngày 20/02/2017 được công chứng tại văn phòng công chứng R giữa bà M và ông N, bà N1 được xác lập sau khi có Quyết định công nhân sự thỏa thuận của các đương sự số 43/2016/QĐST-DS ngày 02/11/2016 giữa ông F và ông N, bà N1 với nội dung buộc ông N, bà N1 phải có trách nhiệm trả cho ông F 84.000.000đồng. Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 62 ngày 18/7/2015 của Chính Phủ là vi phạm nên đề nghị Tòa án xem xét lại hợp đồng vay này có hợp pháp hay không. Riêng đối với yêu cầu độc lập chia tài sản chung của bà P, bà Q bà không có ý kiến gì, do Tòa án quyết định. Nay chi cục thi hành án dân sự huyện A không yêu cầu gì trong vụ án này.
- Tại tờ tường trình ngày 12/9/2017 của Văn phòng công chứng R trình bày: Sau khi Văn phòng thẩm định hồ sơ và nhận thấy quyền sử dụng đất cấp cho hộ ông nên đã yêu cầu các con của ông N, bà N1 cùng có mặt và các bên đều thống nhất thế chấp quyền sử dụng đất thuộc hai thửa đất số 739 và thửa 740, cùng tờ bản đồ 4, tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng cho bà M để vay số tiền 700.000.000đồng và giao GCNQSD đất số V967610 cho bà M cất giữ đến khi trả xong tiền gốc và lãi theo thỏa thuận. Căn cứ vào GCNQSD đất số V967610 do UBND huyện A cấp cho hộ ông N ngày 17/3/2003 tại thời điểm các bên yêu cầu Văn phòng soạn thảo nội dung thì quyền sử dụng đất của hai thửa hoàn toàn không có bất kỳ sự ngăn cản nào của cấp có thẩm quyền. Vì vậy, người chủ sử dụng có đầy đủ các quyền năng của chủ sử dụng đất theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Luật đất đai 2013 trong đó có quyền thế chấp để đảm bảo khoản vay. Nội dung của hợp đồng do Văn phòng lập hoàn toàn dựa trên ý chí tự nguyện, sự thỏa thuận của các bên mà hoàn toàn không hề bên nào bị ép buộc, nội dung của hợp đồng hoàn toàn không trái pháp luật, không vi phạm đạo đức, phong tục tập quán.
Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn có trách nhiệm trả số tiền vốn gốc khi chưa hết thời hạn và không yêu cầu tính lãi là đúng quy định tại Điều 3 của hợp đồng. Còn việc bên vay bị cơ quan thi hành án dân sự kê biên quyền sử dụng đất đã thế chấp cho bên cho vay để thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật khác thì Văn phòng nhận thấy: Quyền sử dụng đất của bên vay thế chấp cho bên cho vay để đảm bảo khoản vay 700.000.000đồng thì tại thời điểm hai bên yêu cầu Văn phòng soạn thảo, chứng thực Hợp đồng vay tiền hoàn toàn chưa bị cơ quan thi hành án dân sự nào kê biên hay ngăn cản hoặc hạn chế quyền sử dụng đất của chủ sử dụng đất là bên vay tiền hộ ông N và việc kê biên được thực hiện sau khi công chứng hợp đồng. Các bên đã thỏa thuận về nội dung vay và biện pháp bảo đảm khoản vay tại Điều 6 và Điều 8 của hợp đồng vay tiền. Nay Văn phòng công chứng R khẳng định hợp đồng vay tiền giữa bà M và ông N, bà N1 xác lập vào ngày 20/02/2017 được công chứng tại Văn phòng công chứng R là đúng theo quy định, Văn phòng công chứng R không yêu cầu gì trong án này.
Vụ án được Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Sóc Trăng thụ lý, giải quyết. Tại bản án sơ thẩm 27/2018/DS-ST ngày 05 tháng 12 năm 2018 đã quyết định: Căn cứ khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; Khoản 2 Điều 92; Điều 147; Điều 158; Điều 161; Điều 165; Điều 166; khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Căn cứ vào các Điều 122, 129, 131, 280, 298, 466, khoản 2 Điều 468, khoản 2 Điều 470 của Bộ luật dân sự năm 2015; Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 về đăng ký giao dịch bảo đảm; Điều 4, Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT ngày 23/6/2016 hướng dẫn việc đăng ký thế chấp, tài sản gắn liền với đất. Căn cứ vào khoản 4 Điều 26, Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M về việc buộc ông N và bà N1 phải có trách nhiệm trả cho bà M 700.000.000đ (bảy trăm triệu đồng).
Buộc ông N và bà N1 phải có trách nhiệm trả cho bà M 700.000.000đ (bảy trăm triệu đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án thì hàng tháng bị đơn còn phải trả số tiền lãi cho bị đơn theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 đối với số tiền chậm thi hành án.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M về việc yêu cầu kê biên, phong tỏa tài sản thế chấp để phát mãi tài sản để bảo đảm thu hồi nợ theo Điều 6 Hợp đồng vay tài sản ngày 20/02/2017.
Tuyên bố hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất được xác lập vào ngày 20/02/2017 giữa bà M và ông N, bà N1, bà P, bà Q là vô hiệu.
Buộc bà M phải có trách nhiệm trả cho ông N, ông N, bà N1, bà P, bà Q bản gốc giấy GCNQSD đất số V967610, số vào sổ 0241.QSDĐ ngày 17/3/2003 do hộ ông N đứng tên.
3. Không chấp nhận yêu cầu độc lập của bà P về việc yêu cầu chia tài sản chung cụ thể yêu cầu được nhận 5.690,5 m² thuộc thửa 740, tờ bản đồ 04 tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng theo GCNQSD đất số V967610, số vào sổ 0241.QSDĐ ngày 17/3/2003 do hộ ông N đứng tên.
4. Không chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Q về việc yêu cầu chia tài sản chung cụ thể yêu cầu được nhận 5.690,5 m² thuộc thửa 740, tờ bản đồ 04 tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng theo GCNQSD đất số V967610, số vào sổ 0241.QSDĐ ngày 17/3/2003 do hộ ông N đứng tên.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí dân sự sơ thẩm, chi phí tố tụng và thông báo quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 18/12/2018, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà P, bà Q có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nêu trên, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét theo hướng chấp nhận yêu cầu độc lập củ bà P và bà Q về việc yêu cầu chia tài sản chung.
Ngày 19/12/2018, nguyên đơn bà M có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà M.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn không rút lại yêu cầu khởi kiện và giữ nguyên nội dung kháng cáo; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo; các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
* Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về tuân thủ và chấp hành pháp luật tố tụng của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm. Về nội dung vụ án, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn đồng thời căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng, ý kiến phát biểu và đề nghị của Kiểm sát viên, những người tham gia tố tụng, Hội đồng xét xử nhận định:
Về tố tụng:
[1] Người kháng cáo, nội dung và hình thức đơn kháng cáo, thời hạn kháng cáo theo đơn kháng cáo ngày 18/12/2018 của bà P, bà Q, đơn kháng cáo ngày 19/12/2018 của bà M là đúng theo quy định tại Điều 271, Điều 272 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nên kháng cáo hợp lệ và đúng theo luật định.
[2] Tại phiên tòa, các đương sự gồm bị đơn ông N đồng thời ông N cũng là người đại diện hợp pháp của bị đơn bà N1 đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do và không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Văn phòng công chứng R có đơn xin xét xử vắng mặt. Thấy rằng việc vắng mặt họ không làm ảnh hưởng đến việc xét xử, Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 3 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, tiến hành xét xử vụ án.
Về nội dung:
[1] Xét kháng cáo của nguyên đơn về việc yêu cầu được công nhận hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất lập ngày 27/02/2017 giữa nguyên đơn và bị đơn là có hiệu lực pháp luật. Thấy rằng hợp đồng thế chấp giữa nguyên đơn và bị đơn:
Về chủ thể giao kết hợp đồng: Các bên đều có năng lực pháp luật, hành vi dân sự phù hợp với giao dịch được xác lập và hoàn toàn tự nguyện phù hợp với quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015.
Về nội dung hợp đồng: Theo Điều 6 của “Hợp đồng vay tiền” xác lập ngày 20/02/2017 giữa nguyên đơn và bị đơn thì bị đơn đồng ý thế chấp cho nguyên đơn quyền sử dụng đất được UBND huyện A cấp GCNQSD đất thuộc các thửa 739, 740 tờ bản đồ 04 số V967610 ngày 17/3/2003 và bị đơn đồng ý giao toàn bộ bản chính GCNQSD đất số V967610 ngày 17/3/2003 cho nguyên đơn. Đối với nội dụng của “Hợp đồng vay tiền” thì bị đơn chỉ thế chấp cho nguyên đơn hai thửa đất gồm thửa 739, 740 nhưng qua xem xét thẩm định tại chỗ cấp sơ thẩm xác định trên hai phần đất có tài sản là nhà và các loại cây trồng. Đồng thời các đương sự đều thống nhất tài sản thế chấp gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. Do đó đối chiếu với quy định tại khoản 3 Điều 318, khoản 1 Điều 325 Bộ luật dân sự năm 2015 xác định tài sản thế chấp theo hợp đồng vay tài sản ngày 20/02/2007 gồm thửa 739, 740 tờ bản đồ 04 số V967610 ngày 17/3/2003 và toàn bộ tài sản trên đất. Mặc khác, theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 179 Luật đất đai 2013 quy định hộ gia đình được quyền thế chấp quyền sử dụng đất cho cá nhân theo quy định của pháp luật và bị đơn đã giao GCNQSD đất bản gốc cho nguyên đơn theo Điều 320 Bộ luật dân sự năm 2015 nên cấp sơ thẩm xác định việc bị đơn thế chấp cho nguyên đơn là phù hợp với quy định của pháp luật là có căn cứ.
Về hình thức hợp đồng: Khi ký kết hợp đồng các bên lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013. Tuy nhiên, đối với hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất phải được đăng ký thế chấp tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm Văn phòng đăng ký đất đai ghi nội dung đăng ký vào Sổ địa chính. Tuy nhiên trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa nguyên đơn, bị đơn đều thừa nhận sau khi thế chấp tài sản và đã được công chứng nhưng các bên đều không thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai và tại công văn số 387/CNVPĐKĐĐ ngày 08/10/2018 của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện A cho rằng “Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất giữa bà M với ông N, bà N1 đối với thửa đất số 739, 740 thuộc tờ bản đồ 04 tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng theo GCNQSD đất số V967610 không có đăng ký giao dịch bảo đảm tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện A”. Do đó cấp sơ thẩm nhận định hợp đồng thế chấp giữa nguyên đơn và bị đơn chưa phát sinh hiệu lực do vi phạm Điều 298 Bộ luật dân sự năm 2015; điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 về đăng ký giao dịch bảo đảm; Điều 4, Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT ngày 23/6/2016 và tuyên vô hiệu do vi phạm hình thức theo quy định tại Điều 122, 129 Bộ luật dân sự năm 2015, đồng thời xác định hậu quả của việc hợp đồng vô hiệu là có căn cứ.
Mặc dù hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là do các bên hoàn toàn tự nguyện và có công chứng hợp pháp nhưng không có đăng ký giao dịch bảo đảm, GCNQSD đất cấp cho hộ ông N tại thửa 740 diện tích 10.836m² (đo thực tế 11.381m²) đã hết thời hạn sử dụng đất nhưng chưa được gia hạn thời gian sử dụng, hiện nay vợ chồng ông N và bà N1 còn phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật nên đã làm vô hiệu hợp đồng. Do đó nguyên đơn kháng cáo yêu cầu công nhận hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là không có căn cứ để Hội đồng xét xử chấp nhận.
[2] Xét kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà P, bà Q về việc yêu cầu chia tài sản chung đối với phần đất thuộc thửa 740 có diện tích 11.381 m² và một phần đất thuộc thửa 739 có diện tích là 5.641m² thuộc tờ bản đồ 04 tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng (Trong đó có 180m² đất thổ cư và 5.461m² là đất trồng cây lâu năm) do hộ ông N đứng tên trong GCNQSD đất và tài sản trên đất có một căn nhà cấp 4. Yêu cầu Tòa án chia cho bà Q được nhận 5.690,5 m² và bà P được nhận 5.690,5 m² thuộc thửa 740, tờ bản đồ 04 tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. Thấy rằng, trong quá trình giải quyết vụ án bà P, bà Q, ông N, bà N1 đều thừa nhận nguồn gốc phần đất tranh chấp là của bị đơn mua lại của ông H vào năm 2001, do bị đơn tạo lập nên thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của bị đơn, bà P bà Q không có công sức đóng góp để tạo lập nên khối tài sản này. Cấp sơ thẩm căn cứ vào khoản 2 Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự để công nhận tình tiết này là sự thật là có cơ sở đúng quy định pháp luật.
Mặc dù, bà P, bà Q cho rằng do phần đất trên được UBND huyện A cấp cho hộ nên được hưởng phần tài sản này. Xét thấy, theo quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất”. Căn cứ biên bản xác minh ngày 16/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện A xác định “Tại thời điểm năm 2003 hộ ông N có 04 thành viên gồm ông N, bà N1, P, Q” và tại hồ sơ cấp GCNQSD đất xác định nguồn gốc phần đất này là của ông H vào ngày 17/06/2001 ông H sang nhượng lại cho ông N với giá là 181 chỉ vàng 24K và phần đất trên được UBND huyện A cấp GCNQSD đất do hộ ông N đứng tên thuộc thửa 739 và 740. Đối chiếu với quy định trên xác định tại thời điểm cấp GCNQSD đất trong hộ ông N có bà P và bà Q. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa bị đơn và đại diện hợp pháp của bà P, bà Q đều thừa nhận tài sản này tạo lập được do bị đơn tạo lập nên, bà P và bà Q không có công sức đóng góp để tạo lập tài sản này, không có công sức để sửa chữa, tôn tạo phần tài sản trên. Tại thời điểm chuyển nhượng, cất nhà bà P, bà Q còn nhỏ cụ thể bà P 06 tuổi, bà Q 02 tuổi và sau khi lớn lên hai con đi làm ăn xa nên không có công sức để tôn tạo khối tài sản này. Mặt khác, đối với một căn nhà cấp 4 trên phần đất thuộc thửa 740, tờ bản đồ 04, thì trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa bị đơn, đại diện hợp pháp của bà P, bà Q cũng thừa nhận tài sản có được vào năm 2008, nguồn tiền xây dựng là của bị đơn là tài sản chung của vợ chồng bị đơn, bà P và bà Q không cùng nhau tạo lập nên, không có công sức đóng góp, sửa chữa, tôn tạo phần tài sản, Từ nhận định nêu trên đối chiếu với khoản 1 Điều 212, Điều 221 Bộ luật dân sự năm 2015 bà P, bà Q không đủ căn cứ để xác lập quyền sử dụng, quyền sở hữu chung với tài sản này nên không làm phát sinh quyền sử dụng, định đoạt, quyền chiếm hữu đối với tài sản trên. Do đó cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu chia tài sản chung sau khi khấu trừ và yêu cầu được nhận đối với phần đất có diện tích 5.690,5 m² và bà P được nhận 5.690,5 m² thuộc thửa 740, tờ bản đồ 04 tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng do hộ ông N đứng tên trong GCNQSD đất là có căn cứ nên kháng cáo của bà P, bà Q là không có căn cứ để Hội đồng xét xử chấp nhận.
[5] Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử quyết định không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà M và không chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà P, bà Q và căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[6] Ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[7] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do bản án sơ thẩm được giữ nguyên nên người kháng cáo phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148 và khoản 6 Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Tuyên xử:
- Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà M.
- Không chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà P, bà Q.
- Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 27/2018/DS-ST ngày 05 tháng 12 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Sóc Trăng như sau:
Căn cứ khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; Khoản 2 Điều 92; Điều 147; Điều 158; Điều 161; Điều 165; Điều 166; khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự;
Căn cứ vào các Điều 122, 129, 131, 280, 298, 466, khoản 2 Điều 468, khoản 2 Điều 470 của Bộ luật dân sự năm 2015;
Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 về đăng ký giao dịch bảo đảm; Điều 4, Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT ngày 23/6/2016 hướng dẫn việc đăng ký thế chấp, tài sản gắn liền với đất.
Căn cứ vào khoản 4 Điều 26, Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M về việc buộc ông N và bà N1 phải có trách nhiệm trả cho bà M 700.000.000đ (bảy trăm triệu đồng).
Buộc ông N và bà N1 phải có trách nhiệm trả cho bà M 700.000.000đ (bảy trăm triệu đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án thì hàng tháng bị đơn còn phải trả số tiền lãi cho bị đơn theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 đối với số tiền chậm thi hành án.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M về việc yêu cầu kê biên, phong tỏa tài sản thế chấp để phát mãi tài sản để bảo đảm thu hồi nợ theo Điều 6 Hợp đồng vay tài sản ngày 20/02/2017.
Tuyên bố hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất được xác lập vào ngày 20/02/2017 giữa bà M và ông N, bà N1, bà P, bà Q là vô hiệu.
Buộc bà M phải có trách nhiệm trả cho ông N, ông N, bà N1, bà P, bà Q bản gốc giấy GCNQSD đất số V967610, số vào sổ 0241.QSDĐ ngày 17/3/2003 do hộ ông N đứng tên.
3. Không chấp nhận yêu cầu độc lập của bà P về việc yêu cầu chia tài sản chung cụ thể yêu cầu được nhận 5.690,5 m² thuộc thửa 740, tờ bản đồ 04 tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng theo GCNQSD đất số V967610, số vào sổ 0241.QSDĐ ngày 17/3/2003 do hộ ông N đứng tên.
4. Không chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Q về việc yêu cầu chia tài sản chung cụ thể yêu cầu được nhận 5.690,5 m² thuộc thửa 740, tờ bản đồ 04 tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng theo GCNQSD đất số V967610, số vào sổ 0241.QSDĐ ngày 17/3/2003 do hộ ông N đứng tên.
5. Về chi phí thẩm định, định giá tài sản:
5.1. Bà P phải chịu 7.185.000đ (Bảy triệu một trăm tám mươi lăm nghìn đồng) tiền chi phí thẩm định, định giá tài sản. Nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng đã nộp là 7.185.000đ (Bảy triệu một trăm tám mươi lăm nghìn đồng) theo biên bản về việc thu tiền tạm ứng chi phí thẩm định giá ngày 26/10/2017 với số tiền 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng); biên bản về việc thu tiền tạm ứng chi phí thẩm định giá ngày 14/12/2017 với số tiền 3.500.000 đồng (Ba triệu năm trăm nghìn đồng); biên bản trả lại tiền tạm ứng chi phí thẩm định, định giá tài sản ngày15/8/2018 với số tiền 1.315.000 đồng (Một triệu ba trăm mười lăm nghìn đồng). Như vậy, bà P đã nộp xong tiền chi phí thẩm định, định giá tài sản.
5.2. Bà Q phải chịu 7.185.000đ (Bảy triệu một trăm tám mươi lăm nghìn đồng) tiền chi phí thẩm định, định giá tài sản. Nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng đã nộp là 7.185.000đ (Bảy triệu một trăm tám mươi lăm nghìn đồng) theo biên bản về việc thu tiền tạm ứng chi phí thẩm định giá ngày 26/10/2017 với số tiền 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng); biên bản về việc thu tiền tạm ứng chi phí thẩm định giá ngày 14/12/2017 với số tiền 3.500.000 đồng (Ba triệu năm trăm nghìn đồng); biên bản trả lại tiền tạm ứng chi phí thẩm định, định giá tài sản ngày15/8/2018 với số tiền 1.315.000 đồng (Một triệu ba trăm mười lăm nghìn đồng). Như vậy, bà Q đã nộp xong tiền chi phí thẩm định, định giá tài sản.
6. Về án phí dân sự sơ thẩm:
6.1. Bà M phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng đã nộp là 17.500.000đ (Mười bảy triệu năm trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí số 0008303 ngày 31/8/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện A. Như vậy, bà M được nhận lại 17.200.000đ (Mười bảy triệu hai trăm nghìn đồng).
6.2. Ông N và bà N1 phải chịu 32.000.000đ (Ba mươi hai triệu đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.
6.3. Bà P phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn) đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng đã nộp là 4.642.312đ (Bốn triệu sáu trăm bốn mươi hai nghìn ba trăm mười hai đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí số 0008316 ngày 27/9/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện A.
Như vậy, bà P được nhận lại 4.342.312đ (Bốn triệu ba trăm bốn mươi hai nghìn ba trăm mười hai đồng).
6.4. Bà Q phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn) đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng đã nộp là 4.642.312đ (Bốn triệu sáu trăm bốn mươi hai nghìn ba trăm mười hai đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí số 0008316 ngày 27/9/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện A. Như vậy, bà Q được nhận lại 4.342.312đ (Bốn triệu ba trăm bốn mươi hai nghìn ba trăm mười hai đồng).
7. Về án phí dân sự phúc thẩm:
7.1 Bà M phải chịu là 300.000 đồng, sau khi khấu trừ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu số 0006929 ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện A, tỉnh Sóc Trăng. Bà M đã hoàn thành nghĩa vụ nộp án phí phúc thẩm.
7.2 Bà P phải chịu là 300.000 đồng, sau khi khấu trừ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu số 0006919 ngày 19 tháng 12 năm 2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện A, tỉnh Sóc Trăng. Bà P đã hoàn thành nghĩa vụ nộp án phí phúc thẩm.
7.3 Bà Q phải chịu là 300.000 đồng, sau khi khấu trừ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu số 0006925 ngày 19 tháng 12 năm 2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện A, tỉnh Sóc Trăng. Bà Q đã hoàn thành nghĩa vụ nộp án phí phúc thẩm.
Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 35/2019/DS-PT ngày 19/03/2019 về tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản và chia tài sản chung
Số hiệu: | 35/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Sóc Trăng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 19/03/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về