Bản án 34a/2021/DS-PT ngày 12/07/2021 về tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

BẢN ÁN 34A/2021/DS-PT NGÀY 12/07/2021 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ TÀI SẢN TRÊN ĐẤT

Trong ngày 12 tháng 7 năm 2021, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 12/2021/TLPT-DS ngày 12 tháng 3 năm 2021 về Tranh chấp tài sản trên đất.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2021/DS-ST ngày 04 tháng 02 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 55/2021/QĐ-PT ngày 01 tháng 7 năm 2021 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Hà Văn T, sinh năm 1960; Nông Văn V, sinh năm 1993;

Đàm Văn D, sinh năm 1964; Lương Thị P, sinh năm 1950.

Cùng địa chỉ: Thôn A (nay là thôn K), xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng - Có mặt;

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Nguyên đơn: Bà Hà Thị H - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cao Bằng - Có mặt;

- Bị đơn: Hoàng Văn L, sinh năm 1958.

Địa chỉ: Thôn A (nay là thôn K), xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng - Có mặt;

- Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người có quyền lợi liên quan đã chết:

1. Ủy ban nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Đại diện theo pháp luật: Ông Nông Thế P – Chủ tịch UBND huyện, vắng mặt ủy quyền cho Ông Lộc Văn D – Công chức phòng Tài nguyên và Môi trường huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Ông D có mặt tại phiên tòa.

2. Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Đại diện theo pháp luật: Ông Hoàng Văn Kh – Chủ tịch UBND xã vắng mặt ủy quyền cho ông Nông Xuân H - Phó chủ tịch UBND xã Đ, huyện TA. Ông H có mặt tại phiên tòa.

3. Đại diện thôn K, xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. ông Lương Văn H - Bí thư chi bộ thôn K, xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Có mặt tại phiên tòa.

4. Hoàng Thị K. Địa chỉ: Thôn K, xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Vắng mặt có lý do, - Hoàng Văn L (đồng thời là bị đơn).

Địa chỉ: Thôn K, xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Có mặt.

5. Hoàng Thị C. Sinh năm 1963.

Địa chỉ: Thôn K, xã Q, huyện T, tỉnh L. Có mặt.

6. Hoàng Thị H. Sinh năm 1965.

Địa chỉ: Xóm B, xã T, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Có mặt.

7. Hoàng Thị B.

Địa chỉ: Thôn 10, xã E, huyện E, tỉnh Đ. Vắng mặt có lý do.

8. Hoàng Thị N.

Địa chỉ: Thôn K, xã Q, huyện T, tỉnh L. Vắng mặt có lý do.

9. Đàm Thị Th. địa chỉ: Thôn L, xã Q, huyện T, tỉnh L. Vắng mặt có lý do 10. Đàm Thị B. Địa chỉ: Thôn T, xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Vắng mặt có lý do 11. Đàm Văn D. Địa chỉ: Thôn K, xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Vắng mặt có lý do 12. Đinh Thị Đ. Địa chỉ: Thôn K, xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Vắng mặt có lý do 13. Đàm Thị T. Địa chỉ: Xóm G, xã M, huyện B, thành phố H. Vắng mặt có lý do.

14. Đàm Ngọc T. Địa chỉ: Thôn K, xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Vắng mặt có lý do 15. Đinh Thị N. Địa chỉ: Thôn K, xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Vắng mặt có lý do 16. Nông Văn V. Địa chỉ: Thôn K, xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Vắng mặt có lý do 17. Nông Thị H. Địa chỉ: Xóm P, xã V, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Vắng mặt có lý do 18. Nông Văn Th. Địa chỉ: Thôn K, xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Vắng mặt có lý do 19. Nông Thị X. Địa chỉ: Xóm T, xã L, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Vắng mặt có lý do 20. Nông Thị H. Sinh năm 1985.

Địa chỉ: Xóm P, xã V, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Vắng mặt có lý do 21. Lương Thị P. Địa chỉ: Thôn K, xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Vắng mặt có lý do 22. La Quốc V. Địa chỉ: Số nhà 03, tổ dân phố T, phường B, thành phố S, tỉnh T. Vắng mặt có lý do 23. La Văn Đ. Địa chỉ: Tổ 5, phường H, thành phố C, tỉnh Cao Bằng. Vắng mặt có lý do 24. La Văn T. Địa chỉ: Tổ 2, phường S, thành phố C, tỉnh Cao Bằng. Vắng mặt có lý do 25. La Thị M. Địa chỉ: Đ, phường Đ, thành phố V, tỉnh V. Vắng mặt có lý do - Người làm chứng:

Lương Văn T, Hà Thị Y, Nông Thị C, Hoàng Thị T, Hà Văn H, Đàm Văn H.

Cùng địa chỉ: Thôn A (nay là thôn K), xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng.

Đều vắng mặt tại phiên tòa.

- Người kháng cáo: Bị đơn Hoàng Văn L.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa các nguyên đơn trình bày: Ông Hà Văn T trình bày: Gia đình ông có thửa đất do bố mẹ ông quản lý, sử dụng liên tục từ những năm 1969 - 1970, khi chiến sự biên giới năm 1979 xảy ra bỏ 02 năm không canh tác, sau đó lại phát tu bổ quản lý chăm sóc rừng đến năm 1989 -1990 ông trồng cây quế, đến năm 2006 thì được khai thác quế đợt 1. Hiện tại trên đất ông vẫn trồng quế. Đến khi Nhà nước cho kê khai để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì gia đình ông chưa được kê khai, vì cả thôn A, xã Đ chưa có đợt kê khai để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với ông L đi thoát ly công tác đến năm 2011 mới trở về địa phương sinh sống, đến năm 2017, ông L đến tranh chấp lấn chiếm và khai thác Quế trên diện tích đất mà gia đình ông đang quản lý, ông L cho rằng đất đó là của gia đình ông do ông cha để lại và trên đất có trồng cây Quế, hồi, trên thực tế tại thời điểm bố và mẹ ông L còn sống kể cả ông L cũng không trồng cây, quản lý tài sản trên đất (cây rừng tự nhiên và cây Quế) và bố, mẹ ông L cũng không tranh chấp gì với gia đình ông.

Nay ông T có yêu cầu ông Hoàng Văn L chấm dứt hành vi lấn chiếm, khai thác Quế trên diện tích đất mà gia đình ông đang quản lý, theo biên bản thẩm định ngày 21/10/2020 đo bằng máy GPS, diện tích đo được 982,5 m².

Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản (Quế) do ông L khai thác tại vườn Quế của gia đình ông, ông T đã rút yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản (Quế). Do không có tài liệu, chứng cứ gì chứng minh về việc ông L khai thác tài sản (Quế) của gia đình ông.

Ông Đàm Văn D trình bày: Gia đình ông có thửa đất do bố mẹ ông quản lý, sử dụng trồng sắn, sau khi đất bạc màu bỏ không canh tác, đến năm 2003 thì ông trồng cây quế chưa được khai thác lần nào. Khi Nhà nước cho kê khai để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì gia đình ông chưa được kê khai, vì cả thôn A, xã Đ chưa có đợt kê khai để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với ông L đi thoát ly công tác đến năm 2011 mới trở về địa phương sinh sống, đến năm 2017, ông L đến tranh chấp lấn chiếm và khai thác Quế trên diện tích đất mà gia đình ông đang quản lý, ông L cho rằng đất đó là đất của gia đình ông đã trồng cây Quế, cây Hồi do ông cha để lại, trên thực tế tại thời điểm bố và mẹ ông L còn sống không canh tác, quản lý đất và tài sản trên đất (cây rừng tự nhiên và cây Quế) và cũng không tranh chấp gì với gia đình ông.

Nay ông D có yêu cầu ông Hoàng Văn L chấm dứt hành vi lấn chiếm, khai thác Quế trên diện tích đất mà gia đình ông đang quản lý, theo biên bản thẩm định ngày 21/10/2020 đo bằng máy GPS, diện tích đo được 573,4 m².

Ông Nông Văn V trình bày: Gia đình ông có thửa đất có tên gọi là Đong S do ông, bà nội quản lý, sử dụng trồng sắn từ những năm 1969 - 1970, sau khi đất bạc màu bỏ không canh tác, đến năm 1995 bố và mẹ ông mới trồng cây quế và trồng hồi. Hiện tại trên đất ông vẫn trồng quế, cây hồi do chất đất không hợp nên không phát triển được, nhưng cây quế đã được khai thác nhiều lần và quản lý từ đó đến nay. Khi Nhà nước cho kê khai để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì gia đình ông chưa được kê khai, vì cả thôn A, xã Đ chưa có đợt kê khai để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với ông L đi thoát ly công tác đến năm 2011 mới trở về địa phương sinh sống, đến năm 2015, ông L đào rãnh, khoanh vùng tranh chấp một nửa diện tích đất của gia đình ông, ông L cho rằng đất đó có nguồn gốc là vườn vầu do gia đình ông quản lý, do đó ông đến tranh chấp lấn chiếm và khai thác Quế trên diện tích đất mà gia đình ông đang quản lý, nhưng trên thực tế tại thời điểm bố và mẹ ông L còn sống không canh tác, quản lý đất và tài sản trên đất (cây rừng tự nhiên và cây Quế) và cũng không tranh chấp gì với gia đình ông.

Nay ông V có yêu cầu ông Hoàng Văn L chấm dứt hành vi lấn chiếm, khai thác Quế trên diện tích đất mà gia đình ông đang quản lý, theo biên bản thẩm định ngày 21/10/2020 đo bằng máy GPS, diện tích đo được 2.562,4 m².

Bà Lương Thị P trình bày: Gia đình bà có thửa đất quản lý, sử dụng từ năm 1973, khi bà về làm dâu đã thấy gia đình chồng bà quản lý, canh tác trồng ngô, sắn, chè và trên đất có một số cây quế gia đình trồng từ trước và đã được khai thác nhiều năm. Khi Nhà nước cho kê khai để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì gia đình bà chưa được kê khai, vì khi đi kê khai xã cho biết diện tích đất rừng tại thôn A, xã Đ ít quá không chia được, nên các hộ gia đình tự quản lý sử dụng tài sản trên đất. Đến năm 2010, ông L trở về địa phương sinh sống, ông cho rằng ranh giới đất giữa bà với ông L là theo đường kéo củi từ trên đỉnh xuống chân đồi phía bên phải là của ông L, phía bên trái là của bà, bà P không nhất trí nên xảy ra tranh chấp. Ông L cho rằng đất do gia đình ông quản lý, canh tác nhưng trên thực tế tại thời điểm bố và mẹ ông L còn sống cũng không canh tác, quản lý đất, và cũng không tranh chấp gì với gia đình bà và gia đình bà với gia đình ông L cũng không có thỏa thuận gì về P chia tài sản trên đất và ranh giới đất.

Nay bà P có yêu cầu ông Hoàng Văn L chấm dứt hành vi lấn chiếm, tranh chấp tài sản trên diện tích đất mà gia đình bà đang quản lý, theo biên bản thẩm định ngày 21/10/2020 đo bằng máy GPS, diện tích đo được 404,5 m².

Tại phiên tòa sơ thẩm các nguyên đơn đều khai đất hiện đang có tranh chấp chưa được cấp GCNQSD đất cho hộ gia đình, nhưng hộ gia đình đã quản lý sử dụng đất ổn định lâu dài không có ai tranh chấp. Khi ông L đi thoát ly công tác trở về địa phương sinh sống tranh chấp tài sản trên đất, các nguyên đơn yêu cầu được quyền quản lý tài sản trên đất theo hiện trạng đang quản lý sử dụng. Buộc ông L chấm dứt hành vi tranh chấp và khai thác tài sản (cây trồng trên đất). Ngoài ra các nguyên đơn không yêu cầu gì thêm.

Bị đơn Hoàng Văn L có ý kiến và yêu cầu: Diện tích đất mà hiện nay đang xảy ra tranh chấp giữa ông và ông T, D và bà P đang trồng Quế, gia đình ông canh tác trồng sắn từ những năm 1969 - 1970 và bỏ đến năm 1983 lại phát trồng sắn, năm 1986 lại bỏ đến năm 1999 gia đình ông trồng hồi theo dự án Pam và phân định ranh giới từng hộ không có giấy tờ. Đối với gia đình ông T khi phân định ranh giới ông T không có mặt chỉ có tôi (L) và bố ông T, khi phân định ranh giới bố ông T có trồng một hàng hồi từ chân đám rẫy lên đến đỉnh đám rẫy làm ranh giới. Đối với gia đình bà P lấy đường kéo củi từ đỉnh xuống đến chân đồi bên trái là của gia đình bà P, phía bên phải là của gia đình tôi (L), khi chia ranh giới chỉ có hai bố con tôi (L) nói chuyện với nhau không có mặt bà P. Đối với gia đình ông V diện tích đất này là vườn hồi do ông nội ông chia cho bố ông (L), năm 1993 vẫn được khai thác vầu và có cây Quế mọc tự nhiên, hàng năm gia đình vẫn tu bổ chăm sóc, năm 2013 tôi (L) đào rãnh phân định ranh giới thì có gọi bố V lên chứng kiến khi đó hai bên không xảy ra tranh chấp, đến năm 2017 mới xảy ra tranh chấp.

Gia đình tôi (L) đã quản lý đất và tài sản trên đất năm 1999 gia đình trồng quế được khoảng 60 - 70 cây và một số cây tự mọc, năm 2010-2011 gia đình ông khai thác quế và quản lý tài sản trên đất. Khi Nhà nước cho kê khai để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do diện tích đất mỗi hộ ít nên thôn có họp và có quy ước đất của gia đình nào thì gia đình đó quản lý.

Nay các nguyên đơn Hà Văn T, Đàm Văn D, Nông Văn V, Lương Thị P yêu cầu tôi (L) chấm dứt hành vi lấn chiếm, tranh chấp khai thác tài sản trên diện tích đất mà các nguyên đơn đang quản lý. Tôi (L) không nhất trí với yêu cầu các nguyên đơn mà ông yêu cầu được quyền quản lý tài sản trên diện tích đất tranh chấp.

Tại phiên tòa sơ thẩm bị đơn Hoàng Văn L khẳng định đất đang có tranh chấp với 4 nguyên đơn trên gia đình ông chưa được UBND huyện giao đất và chưa được cấp GCNQSD đất và gia đình ông cũng không có tài liệu gì chứng minh tài sản trên đất tranh chấp là của gia đình ông, ông chỉ biết khoảng những năm 1970 trồng sắn, chưa trồng cây lâu năm trên.

Ngày 21 tháng 10 năm 2020 Tòa án nhân dân huyện TA đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ thửa đất, kết quả cho thấy: So sánh thực địa với bản đồ toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp giữa các nguyên đơn Hà Văn T, Đàm Văn D, Lương Thị P, Nông Văn V và bị đơn Hoàng Văn L, có diện tích đo bằng máy GPS như sau:

Diện tích đất tranh chấp giữa bà Lương Thị P và ông Hoàng Văn L là 404,5 m². Hiện trạng thửa đất có cây rừng tự nhiên có nhiều độ tuổi khác nhau và cây quế có độ tuổi khác nhau.

Tứ cận tiếp giáp: Phía Đông tiếp giáp đất bà Lương Thị P; Phía Tây tiếp giáp đất ông Đàm Văn D; Phía Bắc giáp đất bà Hà Thị Y; Phía Nam giáp đất ông Hoàng Văn L.

Diện tích đất tranh chấp giữa ông Đàm Văn D và ông Hoàng Văn L là 573,4 m². Hiện trạng thửa đất có cây rừng tự nhiên có nhiều độ tuổi khác nhau và cây quế (cây trồng) có độ tuổi khác nhau.

Tứ cận tiếp giáp: Phía Đông tiếp giáp đất bà Lương Thị P; Phía Tây tiếp giáp đất ông Hà Văn T; Phía Bắc giáp đất bà Hà Thị Y; Phía Nam giáp đất ông Hoàng Văn L.

Diện tích đất tranh chấp giữa ông Hà Văn T và ông Hoàng Văn L là 982,5m². Hiện trạng thửa đất có cây rừng tự nhiên có nhiều độ tuổi khác nhau và cây quế (cây trồng) có độ tuổi khác nhau.

Tứ cận tiếp giáp: Phía Đông tiếp giáp đất ông Đàm Văn D; Phía Tây tiếp giáp đất ông Hà Văn T; Phía Bắc giáp đất bà Hà Thị Y; Phía Nam giáp đất ông Hoàng Văn L.

Diện tích đất tranh chấp giữa anh Nông Văn V và ông Hoàng Văn L là 2.562,4 m². Hiện trạng thửa đất có cây rừng tự nhiên có nhiều độ tuổi khác nhau và cây quế (cây trồng) có độ tuổi khác nhau.

Diện tích đất tranh chấp giữa các hộ trên có nhiều gốc cây quế đã khai thác.

Tứ cận tiếp giáp: Phía Đông tiếp giáp đất ông Hà Văn C; Phía Tây và phía Bắc tiếp giáp đất bà Nông Thị C; Phía Nam giáp đất ông Hoàng Văn L.

Diện tích đất tranh chấp giữa các hộ trên có nhiều gốc cây quế đã khai thác. Ngày 10 tháng 12 năm 2020 Toà án nhân dân huyện TA đã có văn bản số:482/2020/CV-TA, xin ý kiến UBND huyện TA về diện tích đất tranh chấp giữa các nguyên đơn Hà Văn T, Lương Thị P, Đàm Văn D, Nông Văn V và bị đơn Hoàng Văn L, ngày 31/12/2020 UBND huyện TA trả lời bằng văn bản số:1370/UBND-TNMT như sau:

Thửa đất số 311, tờ bản đồ số 01, diện tích 115.391 m2, được quy hoạch theo Quyết định số 415/QĐUBND, ngày 31/3/2015 của UBND tỉnh Cao Bằng về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 0-3 loại rừng Cao Bằng.

Thửa đất số 311, tờ bản đồ số 01, diện tích 115.391m², đất do UBND xã Đ quản lý, chưa cấp GCNQSD đất cho các hộ gia đình cá nhân quản lý. Vì năm 2006 Nhà nước có dự án cấp đổi, cấp mới GCNQSD đất đổi với đất Lâm nghiệp trên địa bàn huyện TA, thì các hộ gia đình cá nhân đang canh tác trên thửa đất số 311 không thống nhất được ranh giới, do đó chưa được cấp GCNQSD đất cho hộ gia đình, cá nhân.

Theo bản đồ giao đất, giao rừng và số nhận đất rừng năm 1995 thì các hộ gia đình gồm ông Hoàng Văn N nhận lô đất số 01, diện tích 8,5 ha; Hộ ông Đàm Văn H nhận lô đất số 2, diện tích 8,5 ha, hộ ông Hà Văn H nhận lô đất số 03, diện tích 8,25 ha địa chỉ cùng trú tại: Thôn A (Thôn K) đều là đất rừng tái sinh. Nay thuộc thửa đất số 311, tờ bản đồ số 01, diện tích 115.391 m² theo bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp đo vẽ năm 2006.

Ngày 17/12/2020 Tòa án nhân dân huyện TA tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải. Các nguyên đơn Hà Văn T, Đàm Văn D, Lương Thị P, Nông Văn V đều có yêu cầu được tiếp tục quản lý, sử dụng tài sản trên đất theo hiện trạng và buộc ông Hoàng Văn L chấm dứt hành vi lấn chiếm, tranh chấp và khai thác tài sản (cây tự nhiên và cây trồng trên diện tích đất tranh chấp).

Về kê khai để cấp GCNQSD đất các hộ gia đình tại thôn A (Thôn K), xã Đ, huyện TA chưa ai được cấp GCNQSD đất rừng mà các hộ gia đình chỉ quản lý sử dụng diện tích đất mà có tài sản trên đất (cây rừng tự nhiên và cây trồng như Quế...) trên thửa đất số 311, tờ bản đồ số 01, diện tích 115.391 m2 đất do UBND xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng quản lý.

Đại diện Ủy ban nhân dân huyện TA: Căn cứ trên bản đồ địa chính đất lâm nghiệp đo vẽ năm 2006 của xã Đ, huyện TA, toàn bộ diện tích đất tranh chấp giữa các nguyên đơn Hà Văn T, Đàm Văn D, Lương Thị P, Nông Văn V và bị đơn Hoàng Văn L đều nằm trong thửa đất số 311, tờ bản đồ số 01, diện tích 115.391 m2, đất do UBND xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng quản lý, chưa giao cho hộ gia đình cá nhân.

Việc kê khai cấp GCNQSD đất, thửa đất sổ 311, tờ bản đồ số 01, diện tích 115.391 m2, chưa cấp GCNQSD đất cho các hộ gia đình cá nhân quản lý. Vì năm 2006 Nhà nước có dự án cấp đổi, cấp mới GCNQSD đất, đối với đất Lâm nghiệp, các hộ gia đình, cá nhân đang canh tác trên thửa đất trên không thống nhất được ranh giới, do đó chưa được cấp GCNQSD đất cho hộ gia đình, cá nhân. Hiện nay đất do UBND xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng quản lý.

Đại diện Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện TA: Căn cứ trên bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp của xã Đ, huyện TA diện tích đất tranh chấp giữa các nguyên đơn Hà Văn T, Đàm Văn D, Lương Thị P, Nông Văn V và bị đơn Hoàng Văn L đều nằm trong thửa đất số 311, tờ bản đồ số 01, diện tích 115.391 m², chưa cấp GCNQSD đất cho các hộ gia đình cá nhân quản lý, mà đất vẫn thuộc UBND xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng quản lý.

Khi thực hiện trồng rừng theo dự án tại xã được thực hiện theo bản đồ giao đất, giao rừng năm 1995 do Hạt kiểm lâm huyện TA thực hiện vẽ bản đồ. Các hộ thuộc dự án trồng rừng, hợp đồng khoán trồng rừng phòng hộ phân tán, biên bản nghiệm thu chăm sóc rừng, sổ cấp phát lương thực. Đối với hộ ông L không được nhận cây trồng theo dự án trên diện tích đất tranh chấp, các hộ gia đình trồng cây không được cơ quan chức năng quy hoạch trồng rừng theo dự án và tại thời điểm đó không có tranh chấp xảy ra.

Do vậy các nguyên đơn Hà Văn T, Đàm Văn D, Lương Thị P, Nông Văn V và bị đơn Hoàng Văn L yêu cầu được quyền quản lý sử dụng tài sản trên đất theo hiện trạng sử dụng và buộc ông L chấm dứt hành vi khai thác tài sản (Quế) trên diện tích đất tranh chấp. Đề nghị Tòa án căn cứ vào quá trình quản lý, sử dụng trồng cây trên đất ổn định lâu dài để các hộ ông T, ông D, ông V và bà P tiếp tục được quản lý, sử dụng tài sản trên đất. Còn đất vẫn thuộc Ủy ban nhân dân xã Đ quản lý khi Nhà nước có quy hoạch sử dụng vào mục đích chung thì sẽ thu hồi để quản lý, sử dụng chung.

Người làm chứng đều khai:

Về nguồn gốc thửa đất tranh chấp: Từ trước những năm 1970 các hộ gia đình trong thôn có phát rừng trồng sắn, sau đó đất bạc màu bỏ, khi rừng tái sinh thì các hộ gia đình ông T, ông D, ông V, bà P có đi phát rừng, bảo vệ, tu bổ rừng, cây Quế mọc tự nhiên và sau đó phát triển trồng vườn Quế. Còn đối với hộ gia đình ông L trước đấy cũng được phát trồng sắn sau đó đất bạc màu bỏ, bố ông L và bản thân ông L đi thoát ly công tác không tu bổ rừng mà diện tích đất các nguyên đơn đang quản lý trồng cây trên đất gia đình ông L không quản lý trồng cây. Khoảng những năm 1998 - 1999 tại thôn có được nhận cây hồi theo chương trình Pam về trồng gia đình ông L cũng được nhận cây Hồi về trồng nhưng không trồng tại các vị trí đất tranh chấp mà trồng tại vị trí đất khác.

Đối với ông L tranh chấp tài sản trên đất đối với hộ ông T, ông D, ông V, bà P, kể từ thời bố mẹ ông L còn sống tại địa phương không quản lý tài sản trên đất và cũng không xảy ra tranh chấp đất đối với các hộ trên, khi ông L thoát ly công tác trở về địa phương sinh sống thì xảy ra tranh chấp. Nay ông L tranh chấp khai thác tài sản trên đất đối với các hộ trên là không có cơ sở để bảo vệ.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn có ý kiến và yêu cầu:

Nguồn gốc và quá trình quản lý, sử dụng và xác minh thu thập chứng cứ thấy bố ông L và bản thân ông L không trồng cây, chỉ có hộ ông T, ông D, ông V và bà P được trồng.

Về đất: Thửa đất số 311 tờ bản đồ số 1 do Ủy ban nhân dân xã Đ quản lý, chưa giao cho hộ gia đình cá nhân.

Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn được quyền quản lý, sử dụng tài sản theo hiện trạng với diện tích đo được theo kết quả thẩm định đất ngày 21 tháng 10 năm 2020.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01/2021/DS-ST ngày 04/02/2021 của Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng đã:

Căn cứ các Điều 100, 166 và Điều 203 Luật đất đai năm 2013; Điều 163; 164 và Điều 169 Bộ luật dân sự năm 2015.

Nay xử:

Chấp nhận yêu cầu của các nguyên Hà Văn T, Đàm Văn D, Nông Vãn V, Lương Thị P được quyền quản lý tài sản trên đất theo hiện trạng đang quản lý, sử dụng tài sản trên diện tích đất tranh chấp như sau:

Hà Văn T: Được quyền quản lý, tài sản trên đất theo hiện trạng đang quản lý, sử dụng tài sản trên với diện tích 982,5 m². Hiện trạng thửa đất có cây rừng tự nhiên có nhiêu độ tuổi khác nhau và cây quế (cây trồng) có độ tuổi khác nhau. Tứ cận tiếp giáp: Phía Đông tiếp giáp đất ông Đàm Văn D; Phía Tây tiếp giáp đất ông Hà Văn T; Phía Bắc giáp đất bà Hà Thị Y; Phía Nam giáp đất ông Hoàng Văn L.

Đàm Văn D: Được quyền quản lý, tài sản trên đất theo hiện trạng đang quản lý, sử dụng tài sản trên diện tích đất 573,4 m². Hiện trang thửa đất có cây rừng tự nhiên có nhiêu độ tuổi khác nhau và cây quế (cây trồng) có độ tuổi khác nhau. Tứ cận tiếp giáp: Phía Đông tiếp giáp đất bà Lương Thị P; Phía Tây tiếp giáp đất ông Hà Văn T; Phía Bắc giáp đất bà Hà Thị Y; Phía Nam giáp đất ông Hoàng Văn L.

Lương Thị P: Được quyền quản lý, tài sản trên đất theo hiện trạng đang quản lý, sử dụng tài sản trên diện tích đất là 404,5 m². Hiện trạng thửa đất có cây rừng tự nhiên có nhiều độ tuổi khác nhau và cây quế có độ tuổi khác nhau. Tứ cận tiếp giáp: Phía Đông tiếp giáp đất bà Lương Thị P; Phía Tây tiếp giáp đất ông Đàm Văn D; Phía Bắc giáp đất bà Hà Thị Y; Phía Nam giáp đất ông Hoàng Văn L.

Nông Văn V: Được quyền quản lý, tài sản trên đất theo hiện trạng đang quản lý, sử dụng tài sản trên đất với diện tích là 2.562,4 m². Hiện trạng thửa đất có cây rừng tự nhiên có nhiều độ tuôi khác nhau và cây quế (cây trồng) có độ tuổi khác nhau.

Tứ cận tiếp giáp: Phía Đông tiếp giáp đất ông Hà Văn C; Phía Tây và phía Bắc tiếp giáp đất bà Nông Thị C; Phía Nam giáp đất ông Hoàng Văn L.

Buộc bị đơn Hoàng Văn L phải chấm dứt hành vi tranh chấp đất và khai thác tài sản trên đất (cây rừng tự nhiên và cây trồng trên đất) đối với các hộ gia đình ông Hà Văn T, Đàm Văn D, Nông Văn V và bà Lương Thị P.

Bác yêu cầu của ông Hoàng Văn L yêu cầu được quyền quản lý, sử dụng tài sản (cây rừng tự nhiên và cây trồng) trên diện tích đất tranh chấp đối với ông T, ông D, ông V, bà P.

Toàn bộ tài sản trên diện tích đất tranh chấp đều nằm trong thửa đất số 311, tờ bản đồ số 1, diện tích 115391,0 m², đất do Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng quản lý.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 17/02/2021 bị đơn Hoàng Văn L có đơn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm số 01/2021/DS-ST ngày 04/02/2021 của Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Tại đơn kháng cáo, bị đơn yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm làm rõ các vấn đề sau: Làm rõ nguồn gốc đất canh tác và quá trình người quản lý canh tác; Yêu cầu có mặt đủ người làm chứng bên nguyên đơn và bị đơn; Làm đúng quy ước của thôn; Đề nghị Tòa án phúc thẩm xét xử công tâm, đúng luật định.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19/4/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng đã tạm ngừng phiên tòa để ủy thác cho Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng thực hiện công việc thu thập tài liệu, chứng cứ, thu thập lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án. Ngày 24/6/2021 Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng nhận được kết quả ủy thác thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng, như sau:

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người kế kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng bà Hoàng Thị K, bà Hoàng Thị C, bà Hoàng Thị H, bà Hoàng Thị B, bà Hoàng Thị N trình bày: Nguồn gốc đất tranh chấp giữa ông Hoàng Văn L với các nguyên đơn là do cha ông để lại cho ông L canh tác, sử dụng từ lâu, không có tranh chấp xảy ra, nay các nguyên đơn khởi kiện chúng tôi không nhất trí. Bà K, bà B, bà N đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người kế kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng bà Đinh Thị N, bà Nông Thị H, ông Nông Văn T, bà Nông Thị X, bà Nông Thị H trình bày: Đất đang tranh chấp giữa ông Hoàng Văn L và ông Nông Văn V trước đây do bà Đinh Thị N và ông Nông Văn T đã trồng hồi, trồng quế trên diện tích đất này, sau khi ông T chết thì để lại cho ông V tiếp tục canh tác, sử dụng. Chúng tôi không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của bị đơn Hoàng Văn L và đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người kế kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng ông Đàm Văn D, bà Đinh Thị Đ, bà Đàm Thị B, bà Đàm Thị T trình bày: Nguồn gốc đất tranh chấp giữa ông L và ông D là của gia đình ông Đàm Văn D, chúng tôi không liên quan và cũng không có yêu cầu gì và đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người kế kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng ông La Quốc V, ông La Văn Đ, ông La Văn T, bà La Thị M trình bày: Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với yêu cầu khởi kiện của mẹ tôi là bà Lương Thị P, đề nghị Tòa án xem xét giao đất và tài sản là cây trồng trền đất cho bà P tiếp tục quản lý, sử dụng, chúng tôi không có bất kỳ khiếu nại gì về vấn đề này và đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bị đơn Hoàng Văn L giữ nguyên kháng cáo, ngoài ra không nộp thêm tài liệu chứng cứ gì.

Nguyên đơn Hà Văn T, Đàm Văn D, Lương Thị P, Nông Văn V không nhất trí với kháng cáo của bị đơn Hoàng Văn D, đề nghị HĐXX bác kháng cáo và giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 01/2021/DS-ST ngày 04/02/2021 của Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Hoàng Thị H, bà Hoàng Thị C thống nhất trình bày: Từ khi còn bé tôi đã được đi theo bố mẹ và các anh chị em trồng sắn trên phần diện tích đất tranh chấp, quá trình canh tác không xảy ra tranh chấp với ai. Do đó tôi không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của các đồng nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng phát biểu quan điểm:

Về tố tụng: Người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định theo quy định của pháp luật.

Về quan điểm giải quyết vụ án: Sau khi xem xét toàn bộ tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án, qua kết quả tranh tụng tại phiên tòa, kháng cáo của bị đơn Hoàng Văn L không có căn cứ chấp nhận, đề nghị HĐXX phúc thẩm căn cứ khoản 2 Điều 308 BLTTDS, bác kháng cáo của bị đơn và sửa bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng theo hướng công nhận quyền sử dụng đất cho các đồng nguyên đơn.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ và thẩm tra chứng cứ tại phiên toà, qua nghe kết quả tranh tụng tại phiên toà, ý kiến của kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý vụ án và xác định quan hệ tranh chấp “Tranh chấp trài sản trên đất” giữa nguyên đơn Hà Văn T, Đàm Văn Du, Lương Thị P, Nông Văn V với bị đơn Hoàng Văn D cùng trú tại thôn K, xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng là đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật nhưng còn thiếu sót, đây là vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, hồ sơ xây dựng theo hướng tranh chấp quyền sử dụng đất rừng và tài sản trên đất nhưng xác định chưa đầy đủ do đó cấp phúc thẩm xác định lại là tranh chấp đất rừng và tài sản trên đất.

Đất rừng các đồng nguyên đơn đang quản lý, sử dụng, bị đơn tranh chấp đất và tài sản trên đất, số diện tích đất này đều chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có bất cứ giấy tờ gì về giao đất, tặng cho, thừa kế, mua bán chuyển nhượng. Nguồn gốc đất các đương sự đều cho rằng do cha ông để lại. Khi giải quyết vụ án cấp sơ thẩm không xác minh làm rõ những người cùng hàng thừa kế với đồng nguyên đơn, bị đơn, có người còn sống, có người đã chết, không xác định họ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, không xác định người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã chết, đưa họ vào tham gia tố tụng là thiếu xót. Tuy nhiên cấp phúc thẩm đã khắc phục được, những người được Tòa xác minh làm rõ, đều khai biết việc các bên tranh chấp với nhau, họ xác định không có quyền lợi ở đất và tài sản trên phần đất đang tranh chấp, đồng thời phần lớn những người này xin vắng mặt tại phiên tòa, một số có mặt tại phiên tòa, họ cùng đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Mặc dù vậy nhưng cần rút kinh nghiệm với cấp sơ thẩm, trong thời gian tới khi giải quyết những vụ án tương tự, tránh để thiếu xót như đã nêu ở trên để không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

[2] Xét kháng cáo và căn cứ kháng cáo của bị đơn Hoàng Văn L:

Về đất: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thấy rằng các diện tích đất tranh chấp giữa các nguyên đơn và bị đơn hiện nay chưa ai được cấp GCNQSDĐ, UBND xã Đ, huyện TA, tỉnh Cao Bằng vẫn đang quản lý chung như nhận định của cấp sơ thẩm. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý, là nguyên tắc hiến định, tuy nhiên nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện phù hợp với quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Do đó việc giải quyết tranh chấp đất đai khi thấy các đương sự đang quản lý sử dụng đất mà có đủ điều kiện để công nhận quyền sử dụng đất thì có thể công nhận quyền sử dụng đó cho đương sự.

Về tài sản trên đất: Sau khi xem xét lời khai của nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng như những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã chết và những người làm chứng, thấy rằng: Gia đình các nguyên đơn đã trồng cây quế trên diện tích đất chưa được cấp GCNQSDĐ từ sau những năm 1979, việc các hộ dân tự ý trồng cây không có sự xin phép chính quyền địa phương, tuy nhiên các hộ dân trên đã có quá trình quản lý, canh tác một thời gian dài, đến nay cây quế đã được khai thác. Căn cứ vào quá trình quản lý sử dụng và không có tranh chấp nên các đồng nguyên đơn có quyền quản lý sử dụng đất và tài sản trên đất.

Đối với gia đình bị đơn Hoàng Văn L khai nhận nguồn gốc đất do cha ông để lại nhưng không có tài liệu, chứng cứ gì chứng minh. Lời khai của những người làm chứng thể hiện trước đây gia đình ông L cũng có sử dụng một thời gian ngắn, sau đó bỏ hoang không quản lý. Quá trình gia đình các nguyên đơn quản lý sử dụng và trồng cây một thời gian dài trên diện tích đất đó, bố mẹ ông L cũng không có ý kiến, không có tranh chấp xảy ra. Đến năm 2016, ông L mới phát sinh tranh chấp với các nguyên đơn. Việc bị đơn cho rằng gia đình ông cũng được trồng quế theo dự án PAM, tuy nhiên tại phiên tòa sơ thẩm, ông L cũng khẳng định việc trồng cây quế lại không trồng trên các vị trí đất tranh chấp.

Đại diện UBND huyện TA và đại diện UBND xã Đ, huyện TA có ý kiến đất hiện nay vẫn do UBND xã quản lý, chưa giao cho ai và đề nghị Tòa án căn cứ vào quá trình quản lý, sử dụng trồng cây trên đất ổn định lâu dài của các hộ dân để giải quyết vụ án.

Do đó không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị đơn Hoàng Văn L. Từ những đánh giá nhận định trên HĐXX phúc thẩm thấy rằng cần sửa bản án sơ thẩm theo hướng công nhận quyền sử dụng đất cho các đồng nguyên đơn, buộc bị đơn chấm dứt hành vi tranh chấp đất và tài sản trên đất là phù hợp với những quy định của pháp luật.

[3] Về án phí: Do kháng cáo của bị đơn Hoàng Văn L không được Tòa án chấp nhận nên phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

Căn cứ các Điều 100, 166 và Điều 203 Luật đất đai năm 2013; Điều 163; 164 và Điều 169 Bộ luật dân sự năm 2015.

Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Hoàng Văn L, sửa bản án dân sự sơ thẩm số 01/2021/DS-ST ngày 04/02/2021 của Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng.

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn Hà Văn T, Đàm Văn D, Nông Văn V, Lương Thị P được quyền quản lý đất và tài sản trên đất theo hiện trạng đang quản lý, sử dụng, đất và tài sản trên diện tích đất tranh chấp như sau:

Hà Văn T: Được quyền quản lý sử dụng đất và tài sản trên đất theo hiện trạng đang quản lý, sử dụng với diện tích đất là 982,5m². Hiện trạng thửa đất có cây rừng tự nhiên có nhiều độ tuổi khác nhau và cây quế (cây trồng) có độ tuổi khác nhau. Tứ cận tiếp giáp: Phía Đông tiếp giáp đất ông Đàm Văn D; Phía Tây tiếp giáp đất ông Hà Văn T; Phía Bắc giáp đất bà Hà Thị Y; Phía Nam giáp đất ông Hoàng Văn L.

Đàm Văn D: Được quyền quản lý sử dụng đất và tài sản trên đất theo hiện trạng đang quản lý, sử dụng với diện tích đất là 573,4m². Hiện trạng thửa đất có cây rừng tự nhiên có nhiều độ tuổi khác nhau và cây quế (cây trồng) có độ tuổi khác nhau. Tứ cận tiếp giáp: Phía Đông tiếp giáp đất bà Lương Thị P; Phía Tây tiếp giáp đất ông Hà Văn T; Phía Bắc giáp đất bà Hà Thị Y; Phía Nam giáp đất ông Hoàng Văn L.

Lương Thị P: Được quyền quản lý đất và tài sản trên đất theo hiện trạng đang quản lý, với diện tích đất là 404,5m². Hiện trạng thửa đất có cây rừng tự nhiên có nhiều độ tuổi khác nhau và cây quế có độ tuổi khác nhau. Tứ cận tiếp giáp: Phía Đông tiếp giáp đất bà Lương Thị P; Phía Tây tiếp giáp đất ông Đàm Văn D; Phía Bắc giáp đất bà Hà Thị Y; Phía Nam giáp đất ông Hoàng Văn L.

Nông Văn V: Được quyền quản lý đất và tài sản trên đất theo hiện trạng đang quản lý, sử dụng với diện tích đất là 2.562,4m². Hiện trạng thửa đất có cây rừng tự nhiên có nhiều độ tuổi khác nhau và cây quế (cây trồng) có độ tuổi khác nhau.

Tứ cận tiếp giáp: Phía Đông tiếp giáp đất ông Hà Văn C; Phía Tây và phía Bắc tiếp giáp đất bà Nông Thị C; Phía Nam giáp đất ông Hoàng Văn L.

Ông T, ông D, bà P và ông V có quyền đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành các thủ tục kê khai để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

2. Buộc bị đơn Hoàng Văn L phải chấm dứt hành vi tranh chấp đất và khai thác tài sản trên đất (cây rừng tự nhiên và cây trồng trên đất) đối với các hộ gia đình ông Hà Văn T, Đàm Văn D, Nông Văn V và bà Lương Thị P.

3. Bác yêu cầu của ông Hoàng Văn L yêu cầu được quyền quản lý, sử dụng đất và tài sản (cây rừng tự nhiên và cây trồng) trên diện tích đất tranh chấp đối với ông T, ông D, ông V, bà P.

4. Về án phí:

Các nguyên đơn Hà Văn T, Đàm Văn D, Nông Văn V, Lương Thị P không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, các nguyên đơn được trả lại tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm xác nhận đã nộp:

Hà Văn T đã nộp 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Biên lai số AA/2016/0000620 ngày 10/02/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện TA, tỉnh Cao Bằng.

Đàm Văn D đã nộp 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Biên lai số AA/2016/0000618 ngày 10/02/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện TA, tỉnh Cao Bằng.

Nông Văn V đã nộp 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Biên lai số AA/2016/0000619 ngày 10/02/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện TA, tỉnh Cao Bằng.

Lương Thị P đã nộp 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Biên lai số AA/2016/0000617 ngày 10/02/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện TA, tỉnh Cao Bằng.

Buộc ông Hoàng Văn L phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) và án phí dân sự phúc thẩm là 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng). Xác nhận ông L đã nộp 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo Biên lai số AA/2016/0000691 ngày 18/02/2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện TA, tỉnh Cao Bằng.

5. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ thửa đất:

Tổng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ đất và tài sản trên đất tranh chấp ngày 21/10/2020 là 2.500.000đ (Hai triệu năm trăm nghìn đồng) Ông Hoàng Văn L phải chịu tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ đất và tài sản trên đất tranh chấp ngày 21/10/2020 là 2.500.000đ (Hai triệu năm trăm nghìn đồng).

Các nguyên đơn Hà Văn T, Nông Văn V, Đàm Văn D, Lương Thị P đã nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét thẩm định đất ngày 21/10/2020 là 2.500.000đ (Hai triệu năm trăm nghìn đồng).

Buộc ông Hoàng Văn L phải trả cho các nguyên đơn tiền cho phí xem xét thẩm định như sau:

Ông Hà Văn T đã nộp tiền chi phí xem xét thẩm định đất là 750.000đ (Bảy trăm năm mươi nghìn đồng).

Ông Nông Văn V đã nộp tiền chi phí xem xét thẩm định đất là 750.000đ (Bảy trăm năm mươi nghìn đồng).

Ông Đàm Văn D đã nộp tiền chi phí xem xét thẩm định đất là 500.000đ (Năm trăm nghìn đồng).

Bà Lương Thị P đã nộp tiền chi phí xem xét thẩm định đất là 500.000đ (Năm trăm nghìn đồng).

Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468; Nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo các Điều 6,7, 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

286
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 34a/2021/DS-PT ngày 12/07/2021 về tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất

Số hiệu:34a/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cao Bằng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 12/07/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về