Bản án 322/2017/DS-PT ngày 26/12/2017 về tranh chấp hợp đồng hợp tác và đòi tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

BẢN ÁN 322/2017/DS-PT NGÀY 26/12/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỢP TÁC VÀ ĐÒI TÀI SẢN

Trong các ngày 19 và ngày 26 tháng 12 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân  tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 253/2017/TLPT-DS ngày 31 tháng 10 năm 2017 về tranh chấp “Hợp đồng hợp tác và đòi tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 87/2017/DS-ST ngày 28 tháng 8 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 298/2017/QĐ-PT ngày 08 tháng 11 năm 2017 giữa các đương sự:

-   Nguyên đơn:

1.  Lê Văn M1, sinh năm 1975 (có mặt);

2.  Trần Thị S, sinh năm 1973 (có mặt);

Cùng địa chỉ: Ấp B, xã N, huyện T, tỉnh Long An.

Ngưi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Phạm Ngọc D –Văn phòng luật sư Phạm Ngọc D, Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang (có mặt);

-   Bị đơn:

1.  Phan Thanh T, sinh năm 1990;

2.  Nguyễn Thị K, sinh năm 1989;

Cùng địa chỉ: Ấp T, xã P, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

Đại diện theo ủy quyền của Tú, Kha: Lê Văn Đ, sinh năm 1979 (có mặt);

Địa chỉ: Đường N, Phường P, Quận H, thành phố Hồ Chí Minh. (Theo văn bản ủy quyền ngày 22 tháng 7 năm 2015)

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Âu Thị Tuyết T, sinh năm 1979 (có mặt); Địa chỉ: Ấp K, xã T, huyện M, tỉnh Long An. Người làm chứng:

1.  Nguyễn Văn K (vắng mặt);

Địa chỉ: Ấp B , xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

2. Trần Văn G, sinh năm 1978 (có mặt); Địa chỉ: Ấp K, xã T, huyện M , tỉnh Long An

3. Lê Văn H, sinh năm 1928 (có mặt);

Địa chỉ: Ấp S, xã TL, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

4.  Lê Văn M2, sinh năm 1976 (có mặt);

Địa chỉ: Ấp S, xã TL, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

Ngưi kháng cáo: Nguyên đơn Lê Văn M1, Trần Thị S.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm;

Nguyên đơn ông Lê Văn M1 và bà Trần Thị S trình bày: Ông bà kinh doanh mua lúa, chị Nguyễn Thị K là cháu gọi ông M1 là cậu có rủ vợ chồng ông bà cùng mua, thấy vốn ít nên ông bà đồng ý, mỗi bên hùn 150.000.000 đồng, ông bà đưa cho vợ chồng chị K, anh T số tiền 100.000.000 đồng, còn giữ lại 50.000.000 đồng để đặt cọc mua lúa. Bắt đầu hùn từ tháng 5 năm 2014, mỗi chuyến mua về xay bán gạo xong thì thanh toán chia tiền. Lần sau cùng từ ngày 13/01/2015 (âm lịch) đến ngày 16/01/2015 (âm lịch), ông bà mua lúa chi ra tổng số tiền là 876.970.000 đồng và giao lại cho chị K. Sau khi xay lúa, bán gạo xong, vợ chồng chị K, anh T giữ lại toàn bộ, không chia lại cho ông bà. Trong tổng số tiền trên, ông bà có ứng tiền gạo của chị K là 799.146.000 đồng, như vậy anh T, chị K còn giữ số tiền 77.842.000 đồng, ông bà trả tiền thuê ghe là 5.350.000 đồng, cộng 100.000.000 đồng hùn vốn nên vợ chồng chị K, anh T nợ lại ông bà 183.174.000 đồng. Nhưng khi ghi nợ thì chị K ghi thiếu nợ lại mợ 10 số tiền 171.474.000 đồng. Ngoài ra, trước đó anh T, chị K có nhận của bà Âu Thị Tuyết T số tiền 60.000.000 đồng do ông bà cho mượn để mua lúa, chưa tính vào sổ nợ. Tổng cộng anh T, chị K nợ ông bà số tiền 231.474.000 đồng, nên ông bà yêu cầu vợ chồng anh T, chị K trả ngay một lần khi giải quyết.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn anh Lê Văn Đ trình bày: Anh xác định anh T, chị K không có nợ vợ chồng ông M1, bà S số tiền 231.474.000 đồng, chứng cứ mà phía nguyên đơn cung cấp là giấy tính tiền không ghi ngày tháng năm, không họ  tên, không chữ ký, không nội dung, không biết  ai viết, bị sửa…nên anh không chấp nhận theo yêu cầu của ông M1 và bà S.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Âu Thị Tuyết T trình bày: Chị có hỏi vay ông M1, bà S số tiền 60.000.000 đồng, không thỏa thuận lãi suất, hẹn vài ngày sau trả. Đến khi trả nợ, chị có điện thoại thì ông M1 kêu chị đưa cho vợ chồng anh T, chị K nên chị thực hiện theo. Nay chị không có ý kiến hay yêu cầu gì đối với yêu cầu khởi kiện của ông M1 và bà S.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 87/2017/DS-ST ngày 28 tháng 8 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang đã áp dụng: Điều 463, 504 và Điều 505 của Bộ luật dân sự; khoản 2, 3 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 27 Pháp lệnh về án phí và lệ phí Tòa án, xử:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị S và ông Lê Văn M1, về việc yêu cầu vợ chồng chị Nguyễn Thị K, anh Phan Thanh T trả số tiền 231.474.000 (Hai trăm ba mươi mốt triệu, bốn trăm bảy mươi bốn ngàn) đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của đương sự. Ngày 11/9/2017, nguyên đơn Trần Thị S, ông Lê Văn M1 có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm số 87/2017/DS-ST ngày 28/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông M1, bà S buộc anh K, chị T trả cho ông, bà số tiền 231.474.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền nợ 60.000.000 đồng và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Bị đơn không đồng ý việc nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền nợ 60.000.000 đồng. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn kháng cáo trình bày: Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp là đúng pháp luật; Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền 60.000.000 đồng, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét; Đối với yêu cầu khởi kiện còn lại của nguyên đơn đòi bị đơn trả số tiền 171.474.000đồng, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn bởi các căn cứ như sau:

- Tại tờ tự khai nêu ý kiến của bị đơn thì anh Đ cho rằng do tờ giấy ghi số tiền trên giấy tập mà chứng cứ do nguyên đơn cung cấp không ghi ngày tháng nên bị đơn không thừa nhận chứng cứ này, chứ không phản đối;

- Tòa án cấp sơ thẩm đã ra 02 Quyết định đối chất nhưng vợ chồng anh T không chịu đến Tòa để đối chất;

- Tài liệu gửi đi giám định ký hiệu từ M1 đến M6, do Tòa sơ thẩm thu thập nhưng anh Đ không phản ứng, khi có kết quả giám định thì anh Đ cũng không có phản ứng gì;

- Tờ giấy tính tiền (giấy tập) do nguyên đơn cung cấp đã được giám định kết luận do một người viết ra, phía bị đơn cũng không phản đối.

Nên đã có cơ sở xác định bị đơn có nợ nguyên đơn số tiền hợp tác làm ăn. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn đòi bị đơn trả số tiền 171.474.000đồng, còn số tiền 60.000.000đồng nguyên đơn xin rút yêu cầu khởi kiện, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang: Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng chấp hành đúng quy định của pháp luật về tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm. Về nội dung: Qua lời trình bày của những người biết sự việc có trong hồ sơ và tại phiên tòa phúc thẩm, đều xác định có sự hùn vốn mua bán giữa hai bên, nhưng không biết rõ cách hùn như thế nào. Tại phiên tòa phúc thẩm ông M1, bà S cũng không cung cấp được chứng cứ gì mới. Xét nội dung bản án sơ thẩm là đúng pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm

Qua nghiên cứu toàn bộ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nội dung yêu cầu kháng cáo của ông Lê Văn M1, bà Trần Thị S, lời trình bày của các đương sự và kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Theo lời trình bày của nguyên đơn tại phiên tòa phúc thẩm thì nguyên đơn và bị đơn có quan hệ họ hàng nên  hùn vốn để mua lúa về xay gạo thành phẩm mang đi bán. Hai bên bắt đầu cùng hợp tác làm ăn từ tháng 5 năm 2014 âm lịch, bằng cách mỗi người bỏ ra 150.000.000đồng làm vốn mua lúa, sau khi xay thành gạo thì đi tiêu thụ và quyết toán lời lỗ theo từng chuyến hàng. Lần sau cùng từ ngày 13/01/2015 âm lịch đến ngày 16/01/2015 âm lịch ông M1, bà S mua lúa với số tiền 876.970.000 đồng giao lại cho chị K xay gạo để bán, do ông M1 bị tai nạn giao thông. Trong số tiền 876.970.000đồng mua lúa thì vợ chồng ông M1 ứng tiền gạo của chị K là 799.146.000đồng, đối trừ còn lại số tiền 77.824.000đồng, ông M1 trả tiền ghe là  5.350.000 đồng cùng100.000.000đồng (hùn vốn ban đầu) tổng cộng là 183.174.000đồng, nhưng khi ghi giấy nợ lại thì chị K chỉ ghi nợ lại mợ 10 số tiền 171.474.000đồng. Ngoài ra, vợ chồng chị K, anh T có nhận số tiền 60.000.000đồng từ bà Âu Thị Tuyết T (tiền do bà T nợ vợ chồng ông M1). Cộng chung, vợ chồng T - K nợ vợ chồng ông M1 là 231.474.000đồng. Vợ chồng chị K xay gạo để bán thì không thối chia tiền lại cho vợ chồng ông M1, nên phát sinh tranh chấp.  Nay ông M1 – bà S khởi kiện yêu cầu vợ chồng T – K phải trả số tiền trên. Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn thì không thừa nhận việc hùn vốn hợp tác làm ăn và không có nhận số tiền 60.000.000 đồng, nên không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

[2]Xét yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn thì thấy rằng, việc cùng nhau mua lúa về xay gạo bán giữa nguyên đơn và bị đơn thực tế có xảy ra. Bởi lẽ căn cứ kết luận giám định số 3020/C54B ngày 13/10/2016 của Phân viện kỹ thuật hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh của Tổng cục Cảnh sát đã xác định nội dung chữ viết thể hiện có sự qua lại tiền bạc và mua lúa, phù hợp với các chứng cứ thu thập có trong hồ sơ là lời trình bày của những người biết việc gồm Nguyễn Thị N, anh Trần Văn D, anh Nguyễn Văn S anh Lê Văn M2, anh Đặng Văn T, anh Lê Văn T đều xác nhận vợ chồng ông M1 - bà S và vợ chồng anh T – chị K có hùn vốn mua lúa, cùng nhau lấy lúa và trả tiền. Tuy nhiên, việc ông M1 - bà S khởi kiện cho rằng vợ chồng anh T - chị K còn nợ số tiền hùn vốn là 171.474.000đồng và 60.000.000đồng (nhận từ bà Âu Thị Tuyết T), tổng cộng là 231.474.000đồng là chưa có cơ sở. Ông M1– bà S chứng minh bằng tờ giấy tính tiền bằng giấy tập (bút lục số 67, 68) và các giấy xác nhận của ghe chở lúa, những người bán lúa. Xét nội dung chứng cứ này thì thấy rằng, không có cơ sở để chứng minh số tiền nợ của bị đơn. Bị đơn cũng không thừa nhận có nợ tiền nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn cũng yêu cầu Tòa án triệu tập những người làm chứng có mặt tại tòa gồm có: Trần Văn G, Lê Văn H và Lê Văn M2, thì những người này đều cho rằng có sự hùn vốn mua bán giữa hai bên, nhưng việc bỏ tiền ra, phân công nhiệm vụ và phân chia lời lỗ như thế nào thì những người làm chứng không biết. Cho nên, lời trình bày của những người làm chứng không có cơ sở xác thực. Xét nội dung bản án sơ thẩm đã xét xử, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là đúng quy định của pháp luật. Không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu kháng cáo và yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nên giữ nguyên bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[3] Đối với việc nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền 60.000.000đồng tại phiên tòa phúc thẩm thì bị đơn không đồng ý. Do đó không có cơ sở để chấp nhận việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với số tiền 60.000.000đồng.

[4] Về án phí phúc thẩm: Nguyên đơn phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[5] Xét lời đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm là có căn cứ nên được chấp nhận. Xét lời đề nghị của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn kháng cáo là không có cơ sở, nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 299, khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

- Không chấp nhận việc nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền 60.000.000đồng.

- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Lê văn M1 và bà Trần Thị S, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 87/2017/DS-ST ngày 28/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang.

Căn cứ Điều 463, 504 và 505 của Bộ luật dân sự;

Căn cứ khoản 2, 3 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự; Căn cứ Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án số 10/2009/UBTVQH 12  ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

Xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị S và ông Lê Văn M1, về việc yêu cầu vợ chồng chị Nguyễn Thị K, anh Phan Thanh T trả số tiền 231.474.000 (Hai trăm ba mươi mốt triệu, bốn trăm bảy mươi bốn ngàn) đồng.

2. Về án phí: Bà Trần Thị S và ông Lê Văn M1 phải liên đới chịu 11.573.700đồng án phí dân sự sơ thẩm và 300.000đồng án phí dân sự phúc thẩm. Cộng chung là 11.873.700đồng, được khấu trừ vào số tiền 6.086.000đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 12519 ngày 22/6/2015 (số tiền 5.786.000đồng) và biên lai thu số 14678 ngày 11/9/2017 (số tiền 300.000đồng), nên ông M1, bà S phải nộp tiếp số tiền 5.787.700đồng.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

787
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 322/2017/DS-PT ngày 26/12/2017 về tranh chấp hợp đồng hợp tác và đòi tài sản

Số hiệu:322/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tiền Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 26/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về