Bản án 32/2021/HS-ST ngày 01/03/2021 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ QUY NHƠN, TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 32/2021/HS-ST NGÀY 01/03/2021 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 01 tháng 3 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân TP. Q., tỉnh B. xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 146/2020/TLST-HS ngày 19 tháng 11 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 33/2021/QĐXX-HS ngày 29 tháng 01 năm 2021 đối với các bị cáo:

1. Nguyễn Thanh B., sinh năm 1960 tại tỉnh B.; Nơi cư trú: Tổ 2, khu vực 8, phường N., TP. Q., tỉnh B.; Nghề nghiệp: Thợ mộc; Trình độ văn hóa: 6/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn X., sinh năm 1926 và bà Lê Thị B. (chết); Có vợ là bà Trần Thị C.sinh năm 1950, có 09 con, lớn nhất 31 tuổi, nhỏ nhất 15 tuổi; tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 08/7/2020; Có mặt.

2. Nguyễn Đình T., sinh năm 1998 tại tỉnh B.; Nơi cư trú: Tổ 2, khu vực 8, phường N., TP. Q., tỉnh B.; nghề nghiệp: Thợ sắt; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Thanh B., sinh năm 1960 và bà Trần Thị C., sinh năm 1950; Có vợ là chị Nguyễn Gia H., sinh năm 1999, có 01 con sinh năm 2020; tiền án, tiền sự: không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 28/9/2020; Có mặt.

3. Trần Đ., sinh năm 1991 tại tỉnh B.; Nơi cư trú: Tổ 3, khu vực 8, phường N., TP. Q., tỉnh B.; nghề nghiệp: Lái xe; trình độ văn hóa: 8/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Trần Hoàng T. sinh năm 1959 và bà Nguyễn Thị K. sinh năm 1961; Có vợ là chị Nguyễn Thị Thu H. sinh năm 1991, có 01 con sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: Không; Nhân thân: Ngày 24/5/2011, bị Tòa án nhân dân TP.Q. xử phạt 06 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng” bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 28/9/2020; Có mặt.

4. Nguyễn Văn C., sinh ngày 01/5/2002 tại tỉnh B.; Nơi cư trú: Tổ 2, khu vực 8, phường N., TP. Q., tỉnh B.; nghề nghiệp: Sửa xe; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Thanh B. sinh năm 1960 và bà Trần Thị C. sinh năm 1950; Chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 28/9/2020; Có mặt.

* Bị hại:

Anh Đặng Duy D., sinh năm 1970; trú tại: Tổ 2, khu vực 5, phường N., TP. Q., tỉnh B.; Có mặt.

*Ni có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Chị Nguyễn Thị Thu H., sinh năm 1991; Trú tại: Tổ 2, khu vực 8, phường N., TP. Q., tỉnh B.; Có mặt.

Chị Huỳnh Thị Bích K., sinh năm 1979; Trú tại: Trú tại: Tổ 2, khu vực 7, phường N., TP. Q., tỉnh B.; Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khong 19 giờ 30 phút ngày 25/3/2020, Đặng Duy D. ngồi nhậu cùng với Võ Xuân C., Nguyễn Minh H., Nguyễn Xuân H. tại quán “Thịt Dê” ở Tổ 1, khu vực 7, phường N., TP. Quy Nhơn. Lúc này, H. thấy C. có biểu hiện say xỉn, không làm chủ được bản thân nên đã lấy điện thoại của C. gọi cho vợ của Công là chị Nguyễn Thị Bích P. nói “C. nhậu say, lên chở về chớ nói bậy người ta đánh”. Chị P. gọi điện thoại cho người thân đến quán “Thịt Dê” xem C. bị sao. Khoảng 20 giờ cùng ngày, Nguyễn Thanh B., Trần Đ., Nguyễn Văn C., Nguyễn Đình T. cùng đến quán “Thịt Dê”. Khi đến nơi, B. đến nói chuyện với Đặng Duy D., sau đó cả 02 xảy ra mâu thuẫn dẫn đến cãi nhau to tiếng. D. đòi đánh B.. Thấy vậy, C., T., Đ. bực tức và có ý định đánh D.. B. lấy 01 lon bia Tiger (loại 330ml, chưa khui) trên bàn nhậu ném trúng đầu D. gây thương tích ở thái dương trái. C., Đ., T. đứng bên cạnh thấy vậy liền xông vào dùng tay đánh D. nhưng được can ngăn nên không đánh được. Chị Huỳnh Thị Bích K. (chủ quán Thịt Dê) lấy điện thoại di động Samsung A70 của mình ra quay lại thì bị Nguyễn Thị Thu H. hất văng xuống đất gây hư hỏng. Đặng Duy D. ra xe ôtô của mình lấy 01 cây đao dài 60cm, lưỡi bằng kim loại, cán bằng gỗ để đánh lại, cả nhóm của B. bỏ chạy. D.điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh B. đến ngày 04/4/2020 thì xuất viện và có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.

Ngày 03/7/2020, Trung tâm pháp y tỉnh B. có văn bản số 124/2020/PY- TgT kết luận thương tích của anh Đặng Duy D. như sau: Chấn thương gây rách da vùng thái dương trái, đau đầu, không tổn thương sọ, nội sọ đã điều trị. Hiện vùng thái dương trái vết thương để sẹo mềm, mờ kích thước (4x0,2)cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 02%.

Cơ quan CSĐT Công an TP. Q. đang tạm giữ của Đặng Duy D. 01 cây đao, dài 60cm, lưỡi bằng kim loại, cán bằng gỗ.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP. Q. thu, sau đó đã trả lại xe môtô 77L1-062.96 cho chị Nguyễn Thị Thu H.; chiếc điện thoại Samsung A70 cho chị Huỳnh Thị Bích K..

Tại cơ quan điều tra, bị hại Đặng Duy D. yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại theo quy định của pháp luật, không đưa ra yêu cầu cụ thể. Tại phiên tòa, bị hại yêu cầu bồi thường chi phí điều trị tại bệnh viện 5.494.589 đồng; tiền thuốc điều trị sau khi ra viện không có hóa đơn khoảng 3.000.000 đồng; chi phí giám định khoảng 1.600.000 đồng; tiền mất thu nhập trong 11 ngày nằm viện, mỗi ngày khoảng 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng, tiền tổn thất tinh thần theo quy định của pháp luật.

Bản cáo trạng số 140/CT -VKSQN ngày 18 tháng 11 năm 2020 Viện kiểm sát nhân dân TP. Q. đã truy tố các bị cáo Nguyễn Thanh B., Nguyễn Đình T., Trần Đ., Nguyễn Văn C. về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết “Dùng hung khí nguy hiểm” theo điểm a khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự (BLHS).

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố luận tội và tranh luận: Các bị cáo Nguyễn Thanh B., Nguyễn Đình T., Trần Đ., Nguyễn Văn C. có năng lực chịu trách nhiệm hình sự, vào đêm ngày 25/3/2020, khi nghe con gái gọi điện báo chồng bị đánh, bị cáo Nguyễn Thanh B. cùng vợ đến quán Thịt dê của chị Huỳnh Thị Bích K. tại tổ 1, khu vực 7, phường N. để tìm con rể là Võ Xuân C.. Khi đến nơi, không thấy C. bị gì, còn đang ngồi nhậu với anh Đặng Duy D. và 02 người khác nên bị cáo B. có bực tức hỏi xem ai đã gọi cho vợ anh C. nói anh bị đánh. Vì anh Đặng Duy D. nhận do mình gọi nên bị cáo B. tức giận có nói nặng lời. Giữa bị cáo B. và anh D. có lời qua tiếng lại, Đặng Duy D. đòi đánh bị cáo B. Lúc này, các con ruột và con rể của bị cáo B. là các bị cáo Nguyễn Đình T., Trần Đ., Nguyễn Văn C. nghe vợ anh C. gọi đến nhìn thấy anh D. đòi đánh bị cáo B. rất tức giận đã muốn đánh anh D. nên nhìn thấy bị cáo B. cầm lon bia chưa khui ném trúng anh D., các bị cáo T., Đ., C. vẫn tiếp tục dùng vỏ lon bia, ly, chén trên bàn ném vào người anh D., sau đó nhào vô đánh nhưng được anh H. và anh H. can ngăn nên đã dừng lại. Anh D. bị thương chảy máu nhưng vẫn đến ô tô của anh đậu gần đó lấy 01 cây đao, dài 60cm, lưỡi bằng kim loại, cán bằng gỗ định đánh lại nhưng các bị cáo nhìn thấy anh D. cầm đao nên đã bỏ về. Mặc dù không bàn bạc trước về việc đánh anh D. nhưng các bị cáo T., Đ., C. nhìn thấy bị cáo B. dùng lon bia chưa khui ném trúng anh D., anh D. đã bị thương, các bị cáo còn nhào vào đánh anh D. thể hiện sự đồng tình nên phải chịu chung hậu quả do bị cáo B. gây ra. Bị cáo B. dùng lon bia bằng nhôm, đã khui sẵn, chưa uống là hung khí nguy hiểm ném trúng đầu anh D. làm anh bị thương, tỉ lệ tổn thương cơ thể theo giám định là 02%, anh D. có đơn yêu cầu khởi tố hình sự nên Kiểm sát viên giữ nguyên Quyết định truy tố. Trong vụ án này, bị cáo B. có vai trò chính, thương tích của anh D. là do bị cáo trực tiếp gây ra, các bị cáo còn lại tham gia với vai trò giúp sức. Các bị cáo B., T., C. phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; trong quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải; bị cáo C. phạm tội ở lứa tuổi từ 16 đến dưới 18 nên không cần cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội, đề nghị: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS; điểm i, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 của BLHS, xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh B. từ 06 đến 09 tháng tù; Áp dụng thêm Điều 54 BLHS, xử phạt bị cáo Nguyễn Đình T. từ 03 đến 06 tháng tù đều cho hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách theo quy định của pháp luật; Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 54, Điều 65 của BLHS, xử phạt bị cáo Trần Đ. từ 03 đến 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách theo quy định của pháp luật; Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 91; Điều 100 BLHS, xử phạt bị cáo Nguyễn Văn C. từ 06 đến 09 tháng Cải tạo không giam giữ.

Áp dụng Điều 47, Điều 48 của BLHS; Điều 584; 590 Bộ luật Dân sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng Hình sự, buộc các bị cáo bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại cho anh D. theo quy định của pháp luật; tịch thu, tiêu hủy cây đao đang thu giữ.

Bị hại trình bày lời buộc tội: Bị hại giữ nguyên yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, đề nghị Tòa án xét xử các bị cáo và buộc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Các bị cáo không tự bào chữa.

Các bị cáo nói lời sau cùng: Các bị cáo biết sai, các bị cáo xin lỗi bị hại, xin Tòa cho cơ hội sửa sai.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an thành phố Quy Nhơn, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Quy Nhơn, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Các bị cáo Nguyễn Thanh B., Nguyễn Đình T., Trần Đ., Nguyễn Văn C. có sức khỏe, có trình độ học vấn nhất định, đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi của mình nên biết rất rõ sức khỏe của con người được pháp luật bảo hộ, mọi hành vi xâm hại đều bị xử lý nghiêm minh, nhưng vào đêm ngày 25/3/2020, khi nghe con gái gọi điện báo chồng bị đánh, bị cáo Nguyễn Thanh B. đến quán Thịt dê của chị Huỳnh Thị Bích K. tại tổ 1, khu vực 7, phường N. để tìm con rể là Võ Xuân C. Khi đến nơi, thì đã có bị cáo Nguyễn Văn C. và bà Trần Thị C. là vợ bị cáo B. ở đó. Không thấy C. bị gì, còn đang ngồi nhậu với anh Đặng Duy D. và 02 người khác nên bị cáo B. bực tức hỏi xem ai đã gọi cho vợ anh C. nói anh bị đánh. Vì anh Đặng Duy D. nhận do mình gọi nên bị cáo B. tức giận có nói nặng lời. Giữa bị cáo B. và anh D. có lời qua tiếng lại, Đặng Duy D. đòi đánh bị cáo Bình. Lúc này, con ruột và con rể của bị cáo B. là các bị cáo Nguyễn Đình T., Trần Đ. nghe vợ anh C. gọi đến nhìn thấy anh D. đòi đánh bị cáo B. nên rất tức giận và muốn đánh anh D. Nhìn thấy bị cáo B. cầm lon bia chưa khui ném trúng anh D., các bị cáo T., Đ., C. vẫn tiếp tục dùng vỏ lon bia, ly, chén trên bàn ném vào người anh D., sau đó nhào vô đánh nhưng được anh H. và anh H. can ngăn nên đã dừng lại. Theo kết luận giám định pháp y 124/2020/PY-TgT ngày 03/7/2020 của Trung tâm pháp y tỉnh B. thì anh D. bị chấn thương gây rách da vùng thái dương trái, đau đầu, không tổn thương sọ, nội sọ đã điều trị. Hiện vùng thái dương trái vết thương để sẹo mềm, mờ kích thước (4x0,2)cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 02%.

Mặc dù không bàn bạc trước về việc đánh anh D. nhưng các bị cáo T., Đ., C. nhìn thấy bị cáo B. dùng lon bia đã khui ném trúng anh D., các bị cáo còn dùng vỏ lon bia, chén, ly trên bàn nhậu ném về phía anh D., sau đó nhào vào định dùng tay đánh anh D. nhưng được can ngăn nên không đánh trúng thể hiện sự đồng tình nên phải chịu chung hậu quả do bị cáo B. gây ra. Bị cáo B. dùng lon bia bằng nhôm, chưa khui là hung khí nguy hiểm ném trúng đầu anh D.làm anh bị thương, tỉ lệ tổn thương cơ thể theo giám định là 02%, anh D. có đơn yêu cầu khởi tố hình sự nên các bị cáo đã phạm tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết “Dùng hung khí nguy hiểm”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS.

[3] Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe của người khác, gây mất trật tự trị an, an toàn xã hội ở địa phương nên cần xử lý nghiêm mới có tác dụng giáo dục riêng đối với các bị cáo, răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội.

[4] Vụ án có 04 bị cáo tham gia nhưng chỉ là đồng phạm giản đơn, không có sự bàn bạc trước, trong đó bị cáo B. có vai trò cao hơn. Bị cáo là cha của các bị cáo còn lại nhưng thiếu bình tĩnh, thay vì khi đến nơi thấy con rể không sao lại uống say thì nên đưa về, bị cáo lại cãi nhau với anh D. Khi anh Dũng thách thức, biết anh D. đã uống say nhưng vẫn không kiềm chế được, dùng lon bia ném trúng đầu anh D., thương tích của anh D. là do bị cáo trực tiếp gây ra, các bị cáo còn lại chỉ tham gia với vai trò giúp sức nên cần xử phạt bị cáo B. mức hình phạt cao hơn các bị cáo còn lại mới có tác dụng giáo dục riêng đối với các bị cáo, răn đe và phòng ngừa chung đối với xã hội.

[5] Các bị cáo B., T., C. phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa các bị cáo khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, bị hại cũng có lỗi khi thách thức đánh nhau với bị cáo B. trước nên các bị cáo đều được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS. Các bị cáo Bình, Tân, Cường còn được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS.

Bị cáo C. lúc phạm tội mới 17 tuổi 11 tháng 23 ngày nên được áp dụng chế định xử phạt người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định tại Điều 91 BLHS [6] Các bị cáo B., T., C. có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, nhân thân tốt, nơi cư trú rõ ràng, nhất thời phạm tội, các bị cáo T., C., Đ. chỉ tham gia với vai trò giúp sức, không trực tiếp gây ra thương tích cho anh D., bị cáo Đ. đã từng bị kết án nhưng đã xóa án tích từ rất lâu nên xử các bị cáo với mức án có lý, có tình và không cần cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội, xử các bị cáo B., T., Đ. hình phạt tù cho hưởng án treo, xử bị cáo C. hình phạt cải tạo không giam giữ như đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa, giao các bị cáo cho địa phương nơi các bị cáo cư trú giám sát, giáo dục vẫn bảo đảm tính giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

[7] Nguyễn Thị Thu H. có hành vi hất tung điện di động Samgsung A70 của chị K., nhưng thiệt hại dưới 2.000.000 đồng và không thuộc trường hợp quy định tại điểm a đến điểm đ khoản 1 Điều 178 BLHS nên chuyển xử phạt vi phạm hành chính là phù hợp.

[8] Về bồi thường thiệt hại:

Các bị cáo B., T., Đ., C. cùng cố ý gây thương tích cho anh D., nhưng vết thương trên đầu anh D. chỉ do một mình bị cáo B. gây ra. Tại phiên tòa, bị cáo B. chấp nhận bồi thường toàn bộ thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại cho anh D., anh D. đồng ý để bị cáo B. bồi thường toàn bộ thiệt hại theo phán quyết của Tòa án nên bị cáo B. có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại cho anh D.. Xét yêu cầu của anh D., căn cứ Điều 48 BLHS; Điều 590 BLDS, Hội đồng xét xử chấp nhận các khoản sau: Chi phí điều trị tại bệnh viện có hóa đơn 5.494.589 đồng, tiền mất thu nhập trong thời gian nằm viện 11 ngày mỗi ngày 1.000.000 đồng, tổng cộng: 11.000.000 đồng, tiền tổn thất tinh thần bằng 02 mức lương cơ sở: 1.490.000 đồng x 2 = 2.980.000 đồng, tổng cộng: 19.474.589 đồng. Các yêu cầu khác không có chứng cứ chứng minh, bị cáo B.

không chấp nhận nên không có cơ sở để xem xét. Bị cáo B. phải có nghĩa vụ bồi thường cho anh D. toàn bộ số tiền này.

[9] Xử lý vật chứng:

Xét cây đao đang thu giữ là của anh D., anh D. định sử dụng đánh lại các bị cáo nhưng chưa đánh, anh D. không yêu cầu nhận lại, cây đao không có giá trị kinh tế nên căn cứ Điều 47 BLHS; Điều 106 BLTTHS tịch thu, tiêu hủy.

[10] Về án phí:

Các bị cáo bị kết án về tội “ Cố ý gây thương tích” nên phải chịu án phí hình sự sơ thẩm. Bị cáo B. phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại cho anh D. nên phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 136; Điều 135 Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, bị cáo B. đã 61 tuổi là người cao tuổi theo Luật người cao tuổi năm 2009 nên theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bị cáo B. được miễn án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố: Các bị cáo Nguyễn Thanh B., Nguyễn Đình T., Trần Đ., Nguyễn Văn C.đều phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng: Điểm a khoản 1 Điều 134; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 65 BLHS, xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh B. 06 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho UBND phường Nú, TP. Q., tỉnh B. giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 92 Luật Thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố tình vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án cho hưởng án treo.

Áp dụng: Điểm a khoản 1 Điều 134; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 54; Điều 65 BLHS, xử phạt bị cáo Nguyễn Đình T. 03 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho UBND phường N., TP. Q., tỉnh B. giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 92 Luật Thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố tình vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án cho hưởng án treo.

Áp dụng: Điểm a khoản 1 Điều 134; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 54;``` Điều 65 BLHS, xử phạt bị cáo Trần Đ. 03 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho UBND phường N., TP. Q., tỉnh B. giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 92 Luật Thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố tình vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án cho hưởng án treo.

Áp dụng: Điểm a khoản 1 Điều 134; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 91; Điều 100 BLHS, xử phạt bị cáo Nguyễn Văn C. 06 tháng cải tạo không giam giữ, thời gian chấp hành hình phạt được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục bị cáo nhận được bản án và quyết định thi hành bản án. Giao bị cáo cho UBND phường N., TP. Q., tỉnh B.giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành hình phạt. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với UBND phường N., TP. Q.n, tỉnh B. trong việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian bị cáo chấp hành hình phạt.

2. Bồi thường thiệt hại: Áp dụng Điều 48 BLHS; Điều 590 BLDS Buộc bị cáo Nguyễn Thanh B. bồi thường cho anh Đặng Duy D.19.475.000 đồng.

Kể từ ngày anh D. có đơn yêu cầu thi hành án mà bị cáo B. không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ số tiền bị cáo có nghĩa vụ bồi thường thì phải chịu trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo quy định tại Điều 357; Điều 468 BLDS.

3. Xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 BLHS; Điều 106 BLTTHS Tịch thu, tiêu hủy: 01 cây đao lưỡi bằng kim loại dài 40cm, cán gỗ dài 20cm theo biên bản giao, nhận vật chứng ngày 25/12/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự TP. Q.

2. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136; Điều 135 Bộ luật tố tụng hình sự; Luật phí và lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Buộc các bị cáo T., Đ., C., mỗi bị cáo phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm.

Miễn án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm cho bị cáo Nguyễn Thanh B..

5. Về quyền kháng cáo: Trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhậnđược bản án hoặc niêm yết bản án tại địa phương nơi cư trú.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

307
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 32/2021/HS-ST ngày 01/03/2021 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:32/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Qui Nhơn - Bình Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 01/03/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về