TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
BẢN ÁN 32/2021/DS-PT NGÀY 23/04/2021 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT; TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN
Ngày 16 và ngày 23 tháng 4 năm 2021 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 88/2020/TLPT - DS ngày 05 tháng 11 năm 2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 07/2020/DS-ST ngày 21/08/2020 của Toà án nhân dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 133/QĐPT-DS ngày 02 tháng 12 năm 2020 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Trần Thị T, sinh năm 1959;
Địa chỉ: Xóm 12, xã TL, huyện ĐT, tỉnh Thái Nguyên (có mặt).
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn T1, sinh năm 1985;
Địa chỉ: Tổ 8, (nay tổ 4) phường QT, thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên (văn bản ủy quyền tháng 9/2018, ông T1 có mặt).
2. Bị đơn:
2.1. Ông Trần H1 T2, sinh năm 1971 (em trai bà T có đơn cho rằng không liên quan đến vụ án vì ông và bà T đã tự giải quyết xong).
2.2. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1963 (có đơn yêu cầu Tòa án không triệu tập vì bà và gia đình bà T đã tự giải quyết xong).
Các đương sự đều trú tại: Xóm TL, xã LB, huyện ĐT, tỉnh Thái Nguyên.
2.3. Bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1943 (có mặt).
Người đại diện theo ủy quyền của bà S: Ông Bùi Văn T3, sinh năm 1960;
Địa chỉ: Xóm C, xã K, huyện ĐT, tỉnh Thái Nguyên. Văn bản ủy quyền ngày 03/4/2019, ông T3 có mặt).
2.4. Ông Hoàng Văn P, sinh năm 1953 (có mặt).
2.5. Ông Hoàng Văn M, sinh năm 1962 (có đơn đề nghị vắng mặt).
2.6. Ông Vũ Văn H1, sinh năm 1959 (có mặt).
Đều trú tại: Xóm X, xã BT, huyện ĐT, tỉnh Thái Nguyên.
3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
3.1. Bà Trần Thị N, sinh năm 1975 (vợ ông T2 vắng mặt).
Địa chỉ: Xóm TL, xã LB, huyện ĐT, tỉnh Thái Nguyên.
3.2. Bà Vũ Thị A, sinh năm 1962 (vợ ông H1 vắng mặt đã ủy quyền cho ông H1).
Địa chỉ: Xóm X, xã BT, huyện ĐT, tỉnh Thái Nguyên.
3.3. Bà Lê Thị T4, sinh năm 1965 (vợ ông M vắng mặt, ủy quyền cho ông M ngày 08/4/2019).
Địa chỉ: Xóm X, xã BT, huyện ĐT, tỉnh Thái Nguyên.
3.4. Ông Nguyễn M1 T5, sinh năm 1962 (chồng bà H vắng mặt, ủy quyền cho bà H).
Địa chỉ: Xóm TL, xã LB, huyện ĐT, tỉnh Thái Nguyên.
3.5. Bà Vũ Thị M1, sinh năm 1956 (vợ ông P vắng mặt, ủy quyền cho ông P ngày 27/3/2019).
Địa chỉ: Xóm X, xã BT, huyện ĐT, tỉnh Thái Nguyên.
3.6. Ông Hoàng Xuân Đ, sinh năm 1932 (vắng mặt, ủy quyền cho ông T3 ngày 03/4/2019, ông T3 có mặt).
Địa chỉ: Xóm X, xã BT, huyện ĐT, tỉnh Thái Nguyên.
3.7. Bà Trần Thị P1, sinh năm 1962 (em gái bà T có mặt).
Địa chỉ: Xóm TL, xã LB, huyện ĐT, tỉnh Thái Nguyên.
3.8. Anh Trần Thành L, sinh năm 1976 (em trai bà T có đơn ngày 08/4/2021 xin xét xử vắng mặt).
Địa chỉ: Thôn 7, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.
3.9. Anh Trần H1 L1, sinh năm 1972 (em trai bà T có mặt).
Địa chỉ: Xóm Thành L, xã LB, huyện ĐT, tỉnh Thái Nguyên.
3.10.Anh Trần H1 Th, sinh năm 1967 (em trai bà T có mặt). Địa chỉ: Xóm TL, xã LB, huyện ĐT, tỉnh Thái Nguyên 3.11. Ủy ban N1 dân huyện ĐT, tỉnh Thái Nguyên.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Quang H - Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện ĐT (có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm, nguyên đơn bà Trần Thị T và người đại diện theo ủy quyền của bà T trình bày: Bà T khởi kiện các ông bà Trần H1 T2, Nguyễn Thị H, Vũ Văn H1, Nguyễn Thị S, Hoàng Văn M, Hoàng Văn P, về việc tranh chấp quyền sử dụng đất tại các thửa đất như sau:
Thửa số 43 tờ bản đồ số 3 diện tích 196,5m2 đất rừng; Thửa số 11 tờ bản đồ số 3 diện tích 1.760m2 đất rừng; Thửa số 24 tờ bản đồ số 4 diện tích 451,3m2 đất rừng. Thửa số 29 tờ bản đồ số 3 diện tích 4.740m2 đất rừng. Nguồn gốc các thửa đất này do gia đình bà T khai phá từ năm 1975 - 1976. Năm 1990 có dự án 3352 trồng cây bạch đàn úc, gia đình bà có đăng ký 01 ha để trồng cây phát triển kinh tế (do bà ở cùng bố bà là ông Trần H1 N1 đứng tên trong dự án). Năm 1991 bố bà mất, bà T4 tục canh tác phần đất nêu trên. Đến năm 1994 thì bà được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Trần Thị T đối với Lô T + 11 tổng diện tích 10.000m2 pam. Năm 2005 do sức khỏe yếu không thể canh tác được, nên bà có cho em trai là ông Trần H1 T2 sử dụng và canh tác trên toàn bộ diện tích đất nêu trên. Gia đình ông T2 có trồng chè và trồng cây keo trên đất. Đến năm 2010 thì phát sinh tranh chấp với 06 hộ gia đình trên, hiện tại trên đất không còn tài sản gì.
Các bị đơn có lời khai như sau:
- Ông Trần H1 T2 trình bày: Thửa đất đang bị tranh chấp giữa gia đình bà T với ông và các hộ dân có nguồn gốc do gia đình ông khai phá từ năm 1992. Trong quá trình sử dụng gia đình ông trồng bạch đàn, sau đó trồng keo và trồng chè trên đất. Gia đình ông sử dụng ổn định từ năm 1992 đến khi xảy ra tranh chấp. Từ năm 1992 đến năm 2014 chỉ có một mình gia đình ông sử dụng, không có hộ dân nào sử dụng. Khi nhà nước tiến hành đo đạc đất chỉ có gia đình ông ra nhận đất và ký hồ sơ bồi thuòng giải phóng mặt bằng. Không có hộ dân của Bình Thuận hay Lục Ba nhận đất và cây cối. Khi Nhà nước bồi thường giải phóng mặt bằng khu đất để làm bãi rác thải thì các hộ bà Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị S, Hoàng Văn M, Hoàng Văn H1, Hoàng Văn P vào nhận đất và tranh chấp với gia đình ông. Khi các hộ vào tranh chấp thì bà T nói đất trên là trong bìa đỏ bà T nên bà T đi khởi kiện các hộ dân trên. Gia đình ông đã nhận được tiền bồi thường cây cối trên đất, còn tiền đất do có tranh chấp nên không nhận được. Phần diện tích đất đang tranh chấp gia đình ông không có bìa đỏ. Nay ông xác định không có tranh chấp gì với gia đình bà T. Việc bà T khởi kiện các hộ dân trên, ông đề nghị Tòa án xem xét theo quy định ai có giấy tờ hợp pháp thì công nhận quyền sử dụng cho người đó. Ông xác định không tranh chấp với ai, nên ông không đến Tòa để giải quyết, đề nghị Tòa giải quyết vắng mặt ông. Ông đề nghị Tòa án xem xét đến công sức gia đình ông khai phá và sử dụng đất từ năm 1992 tới nay.
- Bà Nguyễn Thị H và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn M1 T5 (chồng bà H) trình bày: Vợ chồng bà không nhất trí việc khởi kiện của bà T. Bà xác định nguồn gốc đất tranh chấp do gia đình bà khai phá từ năm 1985 đến năm 1995, gia đình bà bị cháy nhà thì hợp tác xã có cho gia đình bà chặt cây bạch đàn của tập thể (trồng trên thửa đất tranh chấp) về làm nhà. Bà xác định gia đình bà không được cấp bìa đỏ, bà cũng xác định khu vực đó không ai được cấp bìa đỏ. Nếu bà T có bìa đỏ thì phải chỉ rõ thửa đất được cấp bìa đỏ cụ thể, việc đo trùm lên đất của bà thì bà không chấp nhận. Hiện tại trên đất không có tài sản gì.
- Bà Nguyễn Thị S và người được ủy quyền của bà S trình bày: Bà S không nhất trí việc khởi kiện của bà T. Bà xác định nguồn gốc đất tranh chấp do gia đình bà khai phá từ năm 1976, gia đình có trồng sắn. Khoảng năm 1985 - 1986 thì gia đình có trồng chè trên đất. Gia đình bà sử dụng đến năm 2010 thì xảy ra tranh chấp với gia đình bà T, do gia đình bà T đo trùm lên đất của gia đình bà. Hiện tại trên đất còn một số cây chè (phần lớn cây chè đã được bồi thường được khoảng hơn 1 triệu đồng cho bà).
- Ông Hoàng Văn P trình bày: Ông không nhất trí việc khởi kiện của bà T. Ông xác định nguồn gốc đất tranh chấp do gia đình ông khai phá từ năm 1986. Gia đình tra mố, trồng sắn, đến năm 1989 trồng chè sử dụng đến năm 2010 thì xảy ra tranh chấp với gia đình anh T2 bà T. Năm 2006 gia đình anh T2 có trồng keo trên đất của ông. Hiện tại trên đất không có tài sản gì. Khi kiểm đếm thì tài sản trên đất gồm cây keo (ông không trồng) và cây chè đều bồi thường cho ông T2.
- Ông Vũ Văn H1 trình bày: Trong thửa đất của ông P tại thửa 11 tờ bản đồ số 3 diện tích 1.760m2. Thì gia đình ông bà có 800m2 đất trồng chè. Năm 2010 khi có dự án bồi thường, thì gia đình anh T2 đo trùm hết đất của gia đình nhà ông bà vào. Ông xác định trong thửa 11 tờ bản đồ số 3 có một phần đất của gia đình ông là 800m2.
- Ông Hoàng Văn M trình bày: Ông không nhất trí việc khởi kiện của bà T. Ông xác định nguồn gốc đất tranh chấp do gia đình ông khai phá từ năm 1986. Năm 1987 trồng sắn. Đến năm 1988 trồng chè. Năm 1989 có dự án Pam thì gia đình ông trồng keo trên đất. Gia đình ông sử dụng đến năm 2010 thì xảy ra tranh chấp với gia đình anh T2. Hiện tại trên đất không có tài sản gì.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
- Bà Trần Thị P1 là em gái bà T khai: Từ năm 1975 - 1976 bố đẻ bà là cụ Trần H1 N1 có khai phá được 04 thửa đất thuộc xóm TL, xã LB. Cụ thể là thửa số 29 tờ bản đồ số 3 diện tích 4.740m2 đất rừng; thửa số 11 tờ bản đồ số 3 diện tích 1.760m2 đất rừng; Thửa 24 tờ bản đồ số 4 diện tích 451,3m2 đất rừng thửa 43 tờ bản đồ số 3 diện tích 196,5m2 đất rừng. Năm 1990 có dự án 3352 trồng cây bạch đàn úc gia đình bà có đăng ký 01 ha để trồng cây phát triển kinh tế, đứng tên bố bà là cụ Trần H1 N1. Năm 1994 thì chị gái bà là bà Trần Thị T được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 14.752m2 đất. Đồng thời gia đình bà sử dụng ổn định lâu dài, không có tranh chấp với ai. Năm 2005 vì điều kiện sức khỏe của bà yếu, nên bà có cho em trai là Trần H1 T2 mượn đất để trồng keo. Năm 2009 - 2010 UBND huyện Đại Từ có dự án bãi rác thải khi đi đo đạc thì các hộ dân trên đến tranh chấp, cụ thể bà S tranh chấp tại thửa 29 tờ bản đồ số 3; bà H tranh chấp tại thửa 43 tờ bản đồ số 3; ông P, ông H1 tranh chấp tại thửa số 11 tờ bản đồ số 3; ông M tranh chấp tại thửa số 24 tờ bản đồ số 4. Nay bà xác định phần đất trên là của gia đình bà, đề nghị trả lại cho gia đình bà.
- Bà Vũ Thị An vợ ông Vũ Văn H1 nhất trí với quan điểm của ông H1.
- Ông Nguyễn M1 T5 chồng bà H nhất trí với quan điểm của bà H.
- Ông Hoàng Xuân Đ chồng bà S nhất trí với quan điểm của bà S.
- Bà Lê Thị T4 vợ ông Hoàng Văn M nhất trí với quan điểm của ông ông M.
- Bà Trần Thị N vợ ông Trần H1 T2 nhất trí với quan điểm của ông T2.
- Bà Vũ Thị M1 vợ ông Hoàng Văn P nhất trí với quan điểm của ông P.
- Ông Trần Thành L trình bày: Ông là em ruột của bà Trần Thị T, bà Trần Thị P1. Năm 1997 - 1998 do kinh tế khó khăn nên ông đã phải đi làm thuê ở E, Đắk Lắk. Nay ông cư trú tại xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. Số đất trên ông cho chị gái ông là bà Trần Thị P1 toàn quyền quyết định.
- Ông Trần H1 Th trình bày: Ông là em ruột của bà Trần Thị T. Ông nhất trí với lời khai của ông Trần Thành L. Năm 1994 ông xây dựng gia đình và đã ra ở riêng. Ông không có phần gì liên quan đến các thửa đất của bà Trần Thị T. Toàn quyền quyết định là bà Trần Thị P1 là người được ủy quyền.
- Ông Trần H1 L1 trình bày: Ông là em ruột của bà Trần Thị T. Ông nhất trí với lời khai của ông Trần Thành L. Nay ông đã cư trú tại xóm Ao Trám, xã Động Đạt, huyện Phú Lương. Quyền và lợi ích của bản thân ông thì ông cho chị gái ông là Trần Thị P1 toàn quyền quyết định.
- Ý kiến của UBND huyện Đại Từ: Thực hiện Quyết định số 8881/QĐ - UBND, ngày 30/9/2015 về việc phê duyệt phương án dự toán bồi thường, hỗ trợ Giải phóng mặt bằng dự án Bãi chứa và khu xử lý rác thải huyện Đại Từ, địa phận xã Bình Thuận và xã Lục Ba giai đoạn 2 đợt 4. Ngày 27/10/2015, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện phối hợp với Ban quản lý các dự án Đầu tư và xây dựng huyện đã tổ chức chi trả tiền bồi thường theo Quyết định phê duyệt phần cây cối cho bà Nguyễn Thị S với số tiền là 1.950.000đ, bà S đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Ngày 23/6/2017, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện phối hợp với Ban quản lý các dự án Đầu tư và xây dựng huyện đã tổ chức chi trả tiền bồi T2 theo Quyết định phê duyệt phần cây cối cho ông Trần H1 T2 với số tiền là 17.362.000đ, ông T2 đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng.
Số tiền còn lại 441.453.500đ theo Quyết định phê duyệt số 8881/QĐ - UBND, ngày 30/9/2015 chưa thực hiện chi trả do có tranh chấp quyền sử dụng đất. Ngày 28/12/2015 Ban quản lý các dự án Đầu tư và xây dựng huyện đã nộp trả số tiền trên vào Ngân sách nhà nước. Căn cứ vào khoản 3 Điều 30 Nghị định số 47/2014/NĐ - CP, ngày 15//2014 của Chính phủ quy định về bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Sau khi có quyết định giải quyết tranh chấp của Tòa án nhân dân huyện. UBND huyện sẽ thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ theo quyết định của Tòa án.
Với nội dung trên, tại bản án sơ thẩm số 07/2020/DS - ST ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã xét xử và quyết định: Áp dụng khoản 9 Điều 26, điểm a, khoản 1 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 39, Điều 143, 147, 227, 228 và Điều 482 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 254, 357 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 12, khoản 1 Điều 203 Luật đất đai, Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện và việc rút một phần khởi kiện của bà Trần Thị T.
1.1. Đình chỉ việc khởi kiện của bà Trần Thị T về việc tranh chấp diện tích đất bị thu hồi tại thửa 43, tờ bản đồ số 3, diện tích 196,5m2 với bà Nguyễn Thị H.
1.2. Công nhận quyền sử dụng đất của bà Trần Thị T đối với các thửa 11 TBĐ số 3 diện tích 1760,6m2 đất rừng; thửa 24 TBĐ số 4 diện tích 451,3m2 đất rừng (Phần diện tích tranh chấp với ông Hoàng Văn P, Hoàng Văn M và Vũ Văn H1).
1.3. Công nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 2.168m2 đất rừng tại thửa 29 TBĐ số 3 của bà Trần Thị T.
Công nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 2.168m2 đất rừng tại thửa 29 TBĐ số 3 của bà Nguyễn Thị S.
(Toàn bộ diện tích đất trên đã được Nhà nước có quyết định thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng).
Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho bà Trần Thị T, bà Nguyễn Thị S, Nguyễn Thị H theo diện tích nêu trên.
2. Về lệ phí thẩm định: Bà H, bà S, bà T, ông P, ông H1, ông M cùng phải chịu lệ phí thẩm định. Bà T đã tạm ứng toàn bộ số tiền thẩm định là 2.000.000đ; Buộc bà S, ông P, ông M, ông H1 mỗi người có trách nhiệm trả cho bà T 400.000đ.
3. Về án phí:
Bà H phải chịu 300.000đ án phí dân sự sơ thẩm.
Bà S phải chịu 1.734.400đ án phí án phí dân sự sơ thẩm. Ông H1 phải chịu 300.000đ án phí án phí dân sự sơ thẩm. Ông P phải chịu 300.000đ án phí án phí dân sự sơ thẩm. Ông M phải chịu 300.000đ án phí án phí dân sự sơ thẩm.
Bà T phải chịu 1.734.400đ án phí án phí dân sự sơ thẩm. Được trừ số tiền nộp 300.000đ tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0012363 ngày 20/8/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đại Từ.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 03/9/2020 bà Trần Thị T có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm tại mục 1.3 không đồng ý công nhận quyền sử dụng đất với diện tích 2.168m2 đất rừng tại thửa số 29 tờ bản đồ số 3 là của bà Nguyễn Thị S bởi vì toàn bộ diện tích đất 4.336m2 đất rừng tại thửa số 29 tờ bản đồ số 3 là của gia đình bà đã được nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 01/4/1994, còn phía gia đình bà S không có một loại giấy tờ gì. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm công nhận cho gia đình bà diện tích đất rừng 4.336m2 tại thửa số 29 tờ bản đồ số 3 là của gia đình bà.
Ngày 03/9/2020 ông Hoàng Văn P có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, ông cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm có sự vi phạm nghiêm trọng về thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ không đầy đủ khách quan, phán quyết không đúng thực tế, không đưa vợ ông và các con của ông vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì diện tích đất trồng rừng có nguồn gốc do gia đình ông khai phá từ năm 1986 đến năm 2000, gia đình được UBND huyện Đại Từ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ gia đình gồm có ông, vợ ông và các con. Trong vụ án này bà T khởi kiện cả ông T2 là bị đơn trong vụ án nhưng ông T2 cũng không có tên trong phần quyết định của bản án. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giải quyết lại.
Ngày 04/9/2020 Viện kiểm sát nhân dân huyện Đại Từ có quyết định kháng nghị số 01/QĐKNPT-VKS-DS. Tại quyết định có nêu: Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm giải quyết không hết yêu cầu của nguyên đơn, nguyên đơn kiện ông T2 nhưng phần quyết định của bản án không tuyên chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Thứ hai việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ. Thứ ba vi phạm trong việc tính án phí. Đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Tại phiên tòa phúc thẩm bà T rút phần yêu cầu khởi kiện đối với ông T2, còn lại vẫn giữ nguyên nội dung đã kháng cáo. Ông P vẫn giữ nguyên nội dung đã kháng cáo. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tại phiên tòa phúc thẩm rút kháng nghị phần thu thập tài liệu, chứng cứ. Sửa kháng nghị phần thỏa thuận rút yêu cầu khởi kiện của bà T đối với ông T2. Giữ nguyên kháng nghị phần án phí.
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và nghe lời trình bày của các đương sự; ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Bà T khởi kiện yêu cầu 06 hộ gia đình gồm hộ ông T2 (em trai bà T), hộ bà H, hộ bà S, hộ ông P, hộ ông H1, hộ ông M tranh chấp quyền sử dụng đất của bà đã được UBND huyện Đại Từ thu hồi làm Bãi chứa và khu xử lý rác tH của huyện Đại Từ thì thấy rằng: Nguồn gốc 03 thửa đất mà bà T khởi kiện 06 hộ gia đình theo bản đồ địa chính gồm có: Thửa 29 tờ bản đồ số 3, diện tích 4.336m2; Thửa 11 tờ bản đồ số 03 diện tích 1.760,6m2; Thửa 24 tờ bản đồ số 04 diện tích 451,3m2; Thửa 43 tờ bản đồ số 3 diện tích 196,5m2 có nguồn gốc do bố mẹ bà khai phá từ những năm 1975 - 1976. Năm 1990 có dự án 3352 trồng cây bạch đàn úc, gia đình bà có đăng ký 1,2 ha để trồng cây khi thu hoạch chỉ còn 01 ha (bố bà là cụ Trần H1 N1 đứng tên trong dự án). Năm 1991 cụ N1 là bố bà mất, bà T4 tục canh tác phần đất nêu trên. Năm 1994 thì bà T được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Trần Thị T trong đó có Lô T + 11 tổng diện tích 10.000m2 pam. Năm 2005 bà có cho em trai là ông Trần H1 T2 sử dụng và canh tác trên toàn bộ diện tích đất này. Gia đình ông T2 có trồng chè và trồng cây keo trên đất. Năm 2010 thì phát sinh tranh chấp với ông T2, ông T2 cho rằng ông sử dụng ổn định từ những năm 1992 và không đồng ý trả cho bà T, sau khi UBND huyện Đại Từ có dự án thu hồi các thửa đất này để làm bãi chứa rác thải thì có thêm hộ bà S, ông P, ông H1, ông M đến tranh chấp và cũng nhận là đất của mình, cụ thể bà S nhận thửa 29 tờ bản đồ số 03 diện tích 4.336m2 là của bà S, ông P và ông H1 nhận thửa 11 tờ bản đồ số 03 diện tích 1.760,6m2 là của ông P và ông H1, ông M nhận thửa 24 tờ bản đồ số 04 diện tích 451,3m2 là của ông M, bà Nguyễn Thị H nhận thửa 43, tờ bản đồ số 3, diện tích 196,5m2 là của bà H. Khi giải quyết ở cấp sơ thẩm trên đất không còn tài sản gì. Quá trình giải quyết ở cấp sơ thẩm giữa bà T và bà H đã tự thỏa thuận với nhau bà T không yêu cầu Tòa án giải quyết giữa bà và bà H đối với thửa 43, tờ bản đồ số 3, diện tích 196,5m2, Tòa án cấp sơ thẩm đã đình chỉ yêu cầu khởi kiện của bà T đối với bà H là có căn cứ. Ông T2 có quan điểm là không tranh chấp với bà T, đất của bà T được cấp quyền sử dụng đất thì trả cho bà T và ông từ chối tham gia tố tụng, đáng lẽ Tòa án cấp sơ thẩm cần làm rõ quan điểm của bà T và ông T2 trong việc tranh chấp này để quyết định trong bản án, nhưng cấp sơ thẩm không giải quyết yêu cầu này của bà T và cũng không tuyên của bà T hay ông T2 là vi phạm tố tụng, tuy nhiên tại giai đoạn phúc thẩm thì bà T và ông T2 đã có văn bản thỏa thuận việc giải quyết giữa hai ông bà và bà T có quan điểm rút yêu cầu khởi kiện đối với ông T2 và ông T2 cũng đồng ý với việc rút yêu cầu khởi kiện của bà T, do vậy cần đình chỉ yêu cầu khởi kiện của bà T đối với ông T2.
[2] Xét kháng cáo của bà Trần Thị T đề nghị Tòa án công nhận quyền sử dụng cả thửa số 29 tờ bản đồ số 3 diện tích 4.336m2 đất rừng là của bà mà nhà nước đã thu hồi, không phải ½ của bà S như cấp sơ thẩm tuyên xử. Hội đồng xét xử thấy rằng: Nguồn gốc thửa đất này là của bố bà T khai phá từ những năm 1975-1976 và đến năm 1994 bà T đã được UBND huyện Đại Từ cấp quyền sử dụng đất cho bà T, còn bà S cho rằng của bà S nhưng bà S không xuất trình được chứng cứ nào cho rằng là đất của mình, mặt khác bà S cũng thừa nhận chỉ sử dụng trồng chè trên diện tích 130m2 và thực tế bà S đã nhận được tiền bồi thường phần cây chè trên đất là 1.950.000đ. Bà cũng thừa nhận chưa bao giờ kê khai và cũng như chưa được cấp quyền sử dụng đất bao giờ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định ½ diện tích 4.336m2 là của bà S là không có căn cứ, do vậy cần chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà T.
[3] Xét kháng cáo của ông Hoàng Văn P cho rằng nguồn gốc thửa 11 tờ bản đồ số 03 diện tích 1.760m2 đất rừng do gia đình ông khai phá từ năm 1986 đến năm 2000 gia đình ông được UBND huyện Đại Từ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông P được cấp năm 2000 là thửa số 62 diện tích 5000m2, trong khi nhà nước không thu hồi thửa số 62 này, do vậy không có căn cứ chấp nhận đơn kháng cáo của ông P.
[4] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đại Từ thấy rằng: Tại cấp phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh sửa một phần nội dung kháng nghị về việc Tòa án cấp sơ thẩm không tuyên trong bản án sơ thẩm chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của bà T đối với ông T2, tuy nhiên tại cấp phúc thẩm bà T rút yêu cầu khởi kiện đối với ông T2 và ông T2 nhất trí nên sửa yêu cầu khởi kiện này của bà T, đình chỉ xét xử đối với ông T2 là có căn cứ. Rút kháng nghị phần Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập đủ tài liệu, chứng cứ là có căn cứ, bởi lẽ hiện tại diện tích đất tranh chấp giữa các bên đã được xây dựng làm bãi rác thải không còn ranh giới giữa các thửa đất, mặt khác UBND huyện cũng cho biết do các hộ dân tự kê khai để được cấp quyền sử dụng đất từ những năm 1994, nên qua các thời kỳ không còn hồ sơ lưu trữ cũng như bản đồ lâm nghiệp để đối chiếu do vậy nếu hủy bản án cũng không khắc phục được những thiếu sót này vì vậy không cần thiết. Quan điểm của UBND huyện Đại Từ thể hiện nếu Tòa án giải quyết đất của ai thì UBND huyện sẽ có trách nhiệm trả giá trị đất đã thu hồi theo các thửa cho các gia đình là phù hợp. Giữ nguyên nội dung kháng nghị về phần án phí là có căn cứ do cấp sơ thẩm buộc các đương sự phải chịu án phí như bản án sơ thẩm tuyên là không đúng cần phải sửa lại cho chính xác. Về chi phí thẩm định tại cấp phúc thẩm bà T tự nguyện chịu số tiền 2.000.000đ (hai triệu đồng) đã chi phí xong nên ghi nhận sự tự nguyện của bà T.
[5] Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phát biểu về sự tuân theo pháp luật của Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử từ khi thụ lý vụ án cho đến trước khi nghị án đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bà T và chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đại Từ. Không chấp nhận kháng cáo của ông P, sửa bản án sơ thẩm là có căn cứ.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 299, Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 12, khoản 1 Điều 203 Luật đất đai 2013; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Chấp nhận kháng cáo của bà Trần Thị T, không chấp nhận kháng cáo của ông Hoàng Văn P, chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đại Từ, sửa bản án sơ thẩm số 07/2020/DS - ST ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
1. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị T đối với bà Nguyễn Thị H và ông Trần H1 T2.
2. Công nhận quyền sử dụng đất của bà Trần Thị T đối với các thửa: Thửa số 11 tờ bản đồ số 3 diện tích 1760,6m2 đất rừng, địa chỉ thửa đất tại xóm X, xã BT; Thửa 24 tờ bản đồ số 4 diện tích 451,3m2 đất rừng (Phần diện tích tranh chấp với ông Hoàng Văn P, ông Hoàng Văn M và ông Vũ Văn H1) địa chỉ thửa đất tại xóm TL, xã LB. Thửa 29 tờ bản đồ số 03 diện tích 4.336m2, địa chỉ thửa đất tại xóm X, xã BT là của bà Trần Thị T (Toàn bộ các thửa và diện tích đất trên đã được Nhà nước có quyết định thu hồi, bồi thuòng giải phóng mặt bằng).
3. Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho bà Trần Thị T theo diện tích đất nêu trên.
4. Về chi phí thẩm định: Bà Trần Thị T tự nguyện chịu toàn bộ số tiền thẩm định 2.000.000đ (hai triệu đồng) đã chi phí xong.
5. Về án phí:
5.1. Về án phí sơ thẩm:
- Bà Trần Thị T không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Được trả lại 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí sơ thẩm số 0012363 ngày 20/8/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đại Từ. tỉnh Thái Nguyên.
- Ông Trần H1 T2 và bà Nguyễn Thị H không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
- Bà Nguyễn Thị S, ông Hoàng Văn P, ông Vũ Văn H1 được miễn án phí dân sự sơ thẩm (do là người cao tuổi).
- Ông Hoàng Văn M phải chịu 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.
5.2. Về án phí phúc thẩm: Bà Trần Thị T và ông Hoàng Văn P không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
- Trả lại bà Trần Thị T 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm số 0013496 ngày 08/9/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
- Trả lại ông Hoàng Văn P 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm số 0013495 ngày 04/9/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 32/2021/DS-PT ngày 23/04/2021 về tranh chấp quyền sử dụng đất; tranh chấp quyền sở hữu tài sản
Số hiệu: | 32/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thái Nguyên |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 23/04/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về